Kẻ Trộm Sách

Phần IX - Chương 3

* THIỆT HẠI, ESSEN. *

Sáu người bị bỏng vì thuốc lá.

Hai người bị gãy tay. Vài ngón tay bị gãy.

Một cái chân gãy cho Hans Hubermann.

Reinhold Zucker thì bị gãy cổ, cái cổ của hắn nằm trên cùng một đường thẳng với dái tai hắn.

Họ lôi nhau ra cho đến khi chỉ còn lại cái xác trong xe.

Người tài xế, Helmut Brohmann, đang ngồi bệt xuống đất gãi đầu.

“Lốp xe,” ông giải thích, “bị nổ.” Vài người ngồi xuống cùng với ông và đồng loạt nói rằng đó không phải là lỗi của ông. Những người khác thì đi loanh quanh hút thuốc, hỏi thăm người ta xem thương tích của họ liệu có đủ tồi tệ để được chấm dứt nghĩa vụ quân sự không. Một nhóm nhỏ khác thì tụ tập lại ở đằng sau chiếc xe tải và nhìn cái xác chết.

Ở chỗ một cái cây, cơn đau dữ dội vẫn nhói lên nơi chân của Hans Hubermann. “Lẽ ra người đó phải là tôi,” ông nói.

“Cái gì kia?”

Viên trung sĩ giật giọng hỏi lại từ chỗ cái xe tải.

“Anh ta đã ngồi ở chỗ của tôi.”

Helmut Brohmann lấy lại được ý thức của mình và trèo trở lại vào khoang dành cho tài xế. Nằm dài ra, ông ta cố gắng khởi động cái xe, nhưng không có cách nào làm cho nó nhúc nhích được. Một chiếc xe tải khác đã được gửi đến, kiêm luôn nhiệm vụ làm xe cứu thương. Xe cứu thương đã không đến.

“Các anh biết điều đó có nghĩa là gì mà, phải không?” Boris Schipper nói. Họ biết điều đó có nghĩa là gì.

Khi tiếp tục chặng đường quay trở lại trại, mỗi người đều cố gắng không nhìn xuống.

“Tôi đã bảo các anh là chúng ta phải úp sấp mặt anh ta xuống kia mà,” ai đó lên tiếng. Có vài lần, một vài người trong số họ quên khuấy đi mất và đạp chân lên cái thây người. Khi đã đến nơi, tất cả đều cố gắng tránh cái nhiệm vụ lôi cái xác ra khỏi xe. Khi công việc ấy được hoàn tất, Hans thực hiện vài bước đi ngắn trước khi cơn đau nứt ra nơi chân ông và khiến ông gục xuống.

Một giờ đồng hồ sau, một bác sĩ kiểm tra cho ông, và ông được bảo là chắc chắn là chân ông đã gãy rồi. Viên trung sĩ đã có mặt ở đó, và đang đứng đó với một nụ cười nửa miệng.

“Nào, Hubermann. Có vẻ như anh đã thoát khỏi cái chốn này rồi, phải không hả?” Ông ta đang lắc lư cái khuôn mặt tròn trịa của mình, hút thuốc, và ông liệt kê ra một danh sách những điều sẽ xảy ra tiếp theo. “Anh sẽ nghỉ ngơi. Người ta sẽ hỏi tôi xem nên làm gì với anh bây giờ. Tôi sẽ bảo họ là anh đã làm rất tuyệt công việc của mình.” Ông phà ra vài cụm khói thuốc. “Và tôi nghĩ là tôi sẽ bảo họ rằng anh không phù hợp cho tổ chức LSE nữa và nên gửi anh về Munich để làm việc bàn giấy hay bất cứ công việc dọn dẹp nào cần phải làm ở đó. Nghe thế nào hả?”

Không thể kìm được một tiếng cười giữa những tiếng rên rỉ đau đớn, Hans đáp. “Nghe tuyệt lắm, trung sĩ ạ.”

Boris Schipper kết thúc điếu thuốc đang hút. “Đúng là nghe tuyệt lắm chứ, mẹ kiếp. Anh đã gặp may khi tôi thấy thích anh, Hubermann ạ. Anh gặp may khi anh là một người tốt, và rất hào phóng với mấy điếu thuốc lá.”

Trong phòng bên, người ta đang đắp bột để bó vết gãy.

VỊ ĐẮNG CỦA NHỮNG CÂU HỎI

Chỉ một tuần sau ngày sinh nhật của Liesel vào giữa tháng Hai, con bé và Rosa cuối cùng cũng nhận được một bức thư chi tiết từ Hans Hubermann. Con bé lao vào nhà từ chỗ thùng thư và đưa lá thư ấy cho mẹ nó xem. Rosa bảo nó đọc to lá thư lên, và hai mẹ con không thể ngăn được sự phấn khích của mình khi Liesel đọc đến đoạn cái chân gãy. Con bé bàng hoàng đến mức nó chỉ đọc câu tiếp theo trong lá thư đủ lớn để mình nó nghe thấy.

“Cái gì thế?” Rosa hỏi dồn. “Đồ con lợn?”

Liesel ngẩng nhìn bà và gần như đã gào lên. Viên trung sĩ đã giữ đúng lời nói của mình. “Bố sắp về nhà, Mẹ ơi. Bố sắp về nhà!”

Họ ôm chầm lấy nhau trong nhà bếp, và lá thư bị ép chặt giữa hai tấm thân. Một cái chân gãy hẳn là một điều đáng để ăn mừng.

Khi Liesel chuyển cái tin tức ấy sang cho hàng xóm của họ, Barbra Steiner như mê đi. Bà chà xát vào cánh tay của con bé và gọi những thành viên còn lại của gia đình mình ra. Trong gian bếp của họ, những người nhà Steiner vô cùng phấn chấn với tin Hans Hubermann sắp về nhà. Rudy mỉm cười, rồi cười thành tiếng, và Liesel có thể thấy là ít nhất thì thằng nhóc cũng đang cố gắng. Dù vậy, con bé cũng có thể cảm nhận được cái vị đắng cay của những câu hỏi nơi miệng thằng bạn mình.

Tại sao lại là ông ấy?

Tại sao lại là Hans Hubermann mà không phải là Alex Steiner? Nó có lý do của mình khi nghĩ thế.

MỘT BỘ ĐỒ NGHỀ, MỘT NGƯỜI CHẢY MÁU, MỘT CON GẤU

Kể từ khi bố nó được tuyển vào quân đội hồi tháng Mười, cơn giận dữ của Rudy đã lớn lên một cách đáng kể. Cái tin Hans Hubermann sắp trở về là tất cả những gì nó cần để mang cơn giận ấy tiến xa thêm vài bước nữa. Nó không nói với Liesel về việc này. Không có lời phàn nàn nào rằng điều đó thật là bất công. Quyết định của thằng bé là hành động.

Nó mang một hộp kim loại đi trên phố Thiên Đàng vào quãng thời gian vẫn thường xảy ra những vụ ăn trộm, lúc chiều đang tối dần.

* BỘ ĐỒ NGHỀ CỦA RUDY *

Cái hộp loang lổ màu đỏ và hơi dài hơn hộp giày một chút.

Nó chứa những thứ sau:

Dao bỏ túi rỉ sét: 1 cái

Đuốc nhỏ: 1 cái

Búa: 2 cây (một cây cỡ vừa, một cây cỡ nhỏ)

Khăn lau tay: 1 cái

Tuốc nơ vít: 3 cái (Cỡ khác nhau)

Mặt nạ trượt tuyết: 1 cái

Tất chân sạch: 1 đôi

Gấu bông: 1 con

Liesel nhìn thấy thằng bạn mình từ chỗ cửa sổ nhà bếp - những bước chân đầy quả quyết và khuôn mặt đầy quyết tâm của nó hệt như cái ngày mà nó ra đi để tìm cha. Nó nắm cái quai cầm thùng đồ nghề chặt hết sức có thể, và những chuyển động của nó như cứng rắn hơn với cơn cuồng nộ.

Kẻ trộm sách đánh rơi cái khăn nó đang cầm trên tay, và thay thế cái khăn bằng một suy nghĩ duy nhất.

Thằng bạn nó đang đi ăn trộm. Con bé chạy ra ngoài để gặp nó. “Rudy, cậu đang đi đâu vậy?”

Rudy vẫn bước tiếp và nói qua bầu không khí lạnh lẽo ở trước mặt nó. Ở đoạn gần đến khu tập thể nhà của Tommy Muller, thằng bé nói, “Cậu biết gì không, Liesel, tớ đang nghĩ trong đầu một điều thế này. Cậu hoàn toàn không phải là một kẻ trộm,” và thằng nhóc không để con bé có cơ hội trả lời. “Người đàn bà đó đã để cho cậu vào. Thậm chí bà ta còn chừa bánh bích quy cho cậu nữa chứ, lạy Chúa. Tớ không gọi đó là ăn trộm đâu. Ăn trộm là điều mà quân đội đã làm. Họ đã bắt cha cậu đi, và cả cha tớ nữa.” Thằng nhóc đá một viên đá nhỏ và nó đập vào một cánh cổng, phát ra âm thanh lanh lảnh. Nó bước nhanh hơn. “Lũ trộm cướp là bọn Quốc xã giàu có ở trên kia, trên, phố Grande, phố Gelb, phố Heide.”

Liesel không thể tập trung được vào việc gì cả, mà chỉ có thể tiếp tục đi theo bạn mình. Chúng đã đi qua cửa hàng của mụ Diller, và đang bước vào phố Munich. “Rudy...”

“Nói tớ nghe xem, việc đó đem lại cảm giác như thế nào?”

“Cái gì mang lại cảm giác như thế nào?”

“Khi cậu lấy đi một trong những quyển sách đó ấy?”

Vào khoảnh khắc đó, con bé chọn cách giữ im lặng. Nếu thằng bạn nó muốn có một câu trả lời, thì nó sẽ phải quay lại, và thằng nhóc đã làm thế. “Sao nào?” Nhưng một lần nữa, Rudy là người trả lời, trước khi Liesel mở miệng nói. “Cảm giác ấy thật tuyệt, có phải không hả? Thật tuyệt khi ăn trộm lại một cái gì đó thuộc về mình.”

Liesel hướng sự chú ý sang thùng đồ nghề, cố làm thằng bạn mình đi chậm lại. “Cậu có gì trong đó thế?”

Thằng kia cúi người xuống và mở cái thùng ra.

Mọi thứ trong đó xem ra đều có mục đích rõ ràng, ngoại trừ con gấu bông.

***

Khi chúng đi tiếp, Rudy giải thích đầy đủ chi tiết về cái thùng đồ nghề, và nó sẽ làm gì với mỗi món. Ví dụ, những cây búa dùng để đập vỡ kính cửa sổ, còn cái khăn tay là để bọc đầu búa lại, để không phát ra tiếng động khi đập.

“Còn con gấu bông thì sao?”

Con gấu ấy thuộc về Anna Marie Steiner và không to hơn một quyển sách của Liesel là bao. Bộ lông của con gấu bờm xờm và mòn vẹt. Hai mắt và đôi tai nó đã được khâu lại nhiều lần, tuy nhiên con gấu trông vẫn rất thân thiện.

“Cái đó,” Rudy đáp, “là một nước cờ xuất sắc của tớ. Nếu một đứa trẻ con bước vào khi tớ đang kẹt trong nhà nó, thì tớ sẽ đưa con gấu này cho nó để khiến nó bình tĩnh lại.”

“Và cậu định ăn trộm cái gì thế?”

Rudy nhún vai. “Tiền, thức ăn, nữ trang. Bất cứ thứ gì tớ có thể chạm tay vào được.” Nghe thật là đơn giản làm sao.

Mãi đến mười lăm phút đồng hồ sau, khi Liesel quan sát sự im lặng đột ngột trên gương mặt của thằng bạn, con bé mới nhận ra rằng Rudy sẽ không ăn trộm cái gì cả. Lời cam kết trước đó đã biến mất, và mặc dù thằng bé vẫn đang ngắm nhìn vầng hào quang tưởng tượng của việc ăn trộm, thì giờ đây con bé có thể thấy rằng thằng nhóc không tin vào điều đó nữa rồi. Nó đang cố gắng tin vào điều đó, và đó không bao giờ là một dấu hiệu tốt. Cái sự phạm tội cao cả của nó đang phất phơ trải ra trước mắt nó; khi những bước chân chậm lại và hai đứa quan sát những ngôi nhà, thì sự nhẹ nhõm của Liesel thật tinh khiết và buồn bã làm sao.

Đó là phố Gelb.

Tất cả những ngôi nhà ngồi đó, thật tối tăm và khổng lồ.

Rudy cởi đôi giày dưới chân nó ra và cầm chúng bằng tay trái. Tay phải thằng bé cầm thùng đồ nghề.

Giữa những đám mây, có một mặt trăng. Ánh sáng tỏa ra từ mặt trăng đó dài độ một dặm.

“Tớ đang chờ cái gì vậy?” Thằng bé hỏi, nhưng Liesel không đáp lại. Một lần nữa, Rudy lại mở miệng, nhưng không nói ra lời nào cả. Nó đặt thùng đồng hề xuông đất và ngồi lên đó.

Đôi tất của nó lạnh lẽo và ướt sũng.

“Thật may là có một đôi khác ở trong thùng đồ nghề,” Liesel gợi ý, và nó có thể thấy thằng bạn mình đang cố gắng để không phá lên cười, không sỉ nhục chính mình.

Rudy dịch sang một bên và ngoảnh mặt đi chỗ khác, và bây giờ đã có chỗ cho cả Liesel ngồi nữa.

Kẻ trộm sách và người bạn thân nhất của nó ngồi tựa lưng vào nhau trên cái thùng đồ nghề màu đỏ loang lổ ở giữa con đường. Mỗi đứa đều ngoảnh mặt đi một hướng khác nhau, và chúng cứ giữ nguyên như thế trong một lúc. Khi đứng dậy và đi về nhà, Rudy thay đôi tất và bỏ lại đôi tất cũ của nó trên đường. Một món quà, thằng bé tự nhủ, dành cho phố Gelb.

* SỰ THẬT ĐƯỢC NÓI RA CỦA RUDY STEINER *

“Tớ nghĩ là mình giỏi việc để mọi thứ lại đằng sau hơn là ăn trộm chúng.”

Vài tuần sau, cái thùng đồ nghề rốt cục cũng có ích, ít nhất là vì một điều gì đó. Rudy lấy những cái tuốc-nơ-vít và búa ra, thay thế chúng bằng rất nhiều món đồ có giá trị của nhà Steiner, để đề phòng cho cuộc không kích tiếp theo. Thứ duy nhất vẫn ở nguyên trong thùng là con gấu bông.

Vào ngày 9 tháng Ba, Rudy ra khỏi nhà cùng với thùng đồ khi còi báo động lại một lần nữa vang lên ở Molching.

Khi gia đình Steiner lao vội trên phố Thiên Đàng, Michael Holtzapfel đang đập lên cánh cửa nhà Rosa Hubermann một cách hết sức phẫn nộ. Khi bà và Liesel ra mở cửa, anh nói cho họ biết vấn đề của mình. “Mẹ cháu,” anh nói, và những vết máu hình mấy quả mận vẫn ở trên bàn tay bị băng của anh. “Mẹ cháu không chịu ra ngoài. Bà đang ngồi ở chỗ cái bàn trong bếp.”

Nhiều tuần lễ đã trôi qua, và bà Holtzapfel vẫn chưa bắt đầu hồi phục. Khi Liesel đến để đọc sách cho bà nghe, bà dành hầu hết thời gian để nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ. Những lời nói của bà rất khẽ khàng, và gần như là bất động. Tất cả sự hung bạo và những lời mắng nhiếc đã bị giật mạnh ra khỏi khuôn mặt bà. Michael thường là người nói lời tạm biệt với Liesel, hay đưa cho con bé chỗ cà phê và cảm ơn nó. Bây giờ thì thế này đây.

Rosa bắt đầu hành động.

Bà vội vàng lạch bạch bước qua cổng và đứng trên ngưỡng cửa mở toang. “Holtzapfel!” Chẳng có âm thanh nào khác ngoài hồi còi báo động và Rosa. “Holtzapfel, hãy ra đây, con heo già đáng tởm kia!” Sự tế nhị chưa bao giờ là điểm mạnh của Rosa Hubermann. “Nếu bà không ra thì tất cả chúng ta sẽ chết ở đây, chết ngoài đường!” Bà quay lại và nhìn những dáng người vô vọng trên vỉa hè. Một tiếng còi báo động vừa dứt. “Bây giờ thì sao đây hả?”

Michael nhún vai, mất phương hướng, bối rối. Liesel thả rơi cái túi đựng sách của nó xuống đất và nhìn anh. Con bé hét lên cùng lúc với một tiếng còi báo động bắt đầu. “Em vào được không?” Nhưng nó không chờ câu trả lời. Con bé chạy vụt qua lối đi rồi len qua mẹ nó.

Bà Holtzapfel đang ngồi bất động ở chỗ cái bàn. Mình phải nói gì đây? Liesel nghĩ thầm.

Làm sao mình làm bà ấy nhúc nhích được?

Khi một hồi còi lại hít thở lần nữa, con bé nghe thấy tiếng Rosa gọi. “Cứ mặc bà ta, Liesel, chúng ta phải đi thôi! Nếu bà ta muốn chết, thì đó là việc của bà ấy,” nhưng sau đó thì hồi còi lại vang lên. Những hồi còi ụp xuống và quẳng giọng nói của bà đi mất.

Bây giờ chỉ còn lại có tiếng ồn, đứa bé gái và người đàn bà như một sợi dây điện.

“Bà Holtzapfel, làm ơn đi mà!”

Rất giống cuộc trò chuyện của nó với Ilsa Hermann vào ngày của những cái bánh quy, vô số từ ngữ và câu chữ đang ở đầu ngón tay của con bé. Khác biệt ở chỗ, hôm nay còn có những quả bom nữa. Hôm nay việc này cấp bách hơn một chút.

* NHỮNG LỰA CHỌN *

- “Bà Hottzapfel, chúng ta phải đi thôi.”

- “Bà Holtzapfel ơi, chứng ta sẽ chết nếu cứ ở đây.”

- “Bà vẫn còn lại một người con trai kia mà.”

- “Mọi người đang đợi bà đấy.”

- “Những quả bom sẽ làm đầu bà nổ tung.”

- “Nếu bà không chịu đi, cháu sẽ không đến đây đọc sách cho bà nghe nữa, và điều đó có nghĩa là bà sẽ mất đi người bạn duy nhất của mình!”

Con bé quyết định chọn câu cuối cùng, và nói thẳng chúng xuyên qua những hồi còi báo động. Hai bàn tay con bé như trồng xuống mặt bàn.

Người đàn bà nọ nhìn lên và đưa ra quyết định cuối cùng của mình. Bà vẫn không nhúc nhích.

Liesel bỏ đi. Nó rút tay mình ra khỏi mặt bàn và lao ra khỏi ngôi nhà.

Rosa giữ cho cánh cổng mở và họ bắt đầu chạy đến nhà số bốn mươi lăm. Michael Holtzapfel vẫn đứng trên phố Thiên Đàng, chết lặng.

“Đi nào!” Rosa nài nỉ anh, nhưng người lính trở về vẫn còn lưỡng lự. Lúc anh sắp sửa quay trở vào nhà, thì có một cái gì đó đã khiến anh quay lại. Bàn tay bị thương của anh là thứ duy nhất vẫn còn bám lấy cánh cổng và, một cách đầy xấu hổ, anh nhấc nó ra và đi theo hai người kia.

Tất cả đều ngoái nhìn lại vài lần, nhưng vẫn không thấy bà Holtzapfel đâu cả.

Con đường như quá rộng, và khi hồi còi báo động cuối cùng bốc hơi vào không trung, ba người cuốicùng của phố Thiên Đàng đi vào tầng hầm của nhà Fiedler.

“Cậu làm cái gì mà lâu thế?” Rudy hỏi. Thằng bé đang ôm cái thùng đồ nghề.

Liesel đặt cái túi đựng sách của nó xuống đất và ngồi lên. “Chúng tớ cố gắng thuyết phục bà Holtzapfel cùng đi.” Rudy nhìn quanh. “Thế bà ấy đâu rồi?”

“Ở nhà. Trong phòng bếp.”

Ở góc xa của căn hầm trú ẩn, Michael đang gập người lại và run lẩy bẩy. “Lẽ ra tôi phải ở lại,” anh nói, “lẽ ra tôi phải ở lại, lẽ ra tôi phải ở lại...” Giọng nói của anh gần như là vô thanh, nhưng cặp mắt anh thì lại đang mở to hơn bao giờ hết. Chúng đảo điên cuồng trong hốc mắt anh, khi anh bóp chặt bàn tay bị thương của mình và máu loang khắp miếng băng.

Rosa là người ngăn anh lại.

“Làm ơn đi, Michael, đó không phải là lỗi của cháu.”

Nhưng người đàn ông trẻ với bàn tay phải chỉ còn hai ngón là một người không thể an ủi được. Anh cúi mình trong mắt của Rosa.

“Hãy nói cho cháu biết,” anh nói, “bởi vì cháu không hiểu...” Anh ngả người ra đằng sau và dựa vào tường. “Nói cho cháu biết đi, Rosa, làm sao mà mẹ cháu lại có thể ngồi đó và sẵn sàng để chết trong khi cháu vẫn còn muốn sống?” Máu càng tuôn ra xối xả. “Tại sao cháu lại muốn sống? Lẽ ra cháu không nên muốn như thế, nhưng cháu đã muốn như thế.”

Người đàn ông trẻ ấy khóc một cách không thể kiểm soát được trong nhiều phút đồng hồ, với bàn tay của Rosa đang đặt lên vai anh. Những người còn lại trong căn hầm quan sát. Anh vẫn không thể ngừng khóc được, ngay cả khi cánh cửa tầng hầm mở ra rồi đóng lại, và bà Holtzapfel bước vào trong.

Con trai bà ngước nhìn lên.

Rosa bước sang một bên.

Khi họ đến bên cạnh nhau, Michael xin lỗi. “Mẹ, con xin lỗi, lẽ ra con phải ở lại đó với mẹ.”

Bà Holtzapfel không nghe thấy gì cả. Bà chỉ ngồi xuống cùng con trai mình rồi nhấc cái bàn tay băng bó của anh lên. “Con lại chảy máu nữa rồi,” bà nói, và cùng với những người khác họ ngồi đó và chờ đợi.

Liesel thò tay vào cái giỏ của mình và lục lọi những quyển sách.

* TRẬN ĐÁNH BOM XUỐNG MUNICH NGÀY 9 VÀ 10 THÁNG BA *

Đêm thật dài với những quả bom và việc đọc sách. Miệng nó khô khốc, nhưng kẻ trộm sách đã đọc hết năm mươi bốn trang.

Hầu hết bọn trẻ con đã ngủ thiếp đi và không nghe thấy những hồi còi báo hiệu tình trạng an toàn đã trở lại. Cha mẹ chúng đánh thức chúng dậy, hay bế chúng đi lên những bậc cấp của tầng hầm, vào một thế giới của bóng tối.

Từ đằng xa, những ngọn lửa đang cháy, và tôi vừa mới thu nhặt thêm khoảng hơn hai trăm linh hồn bị sát hại.

Tôi đang trên đường quay lại Molching một lần nữa. Phố Thiên Đàng trống trơn.

Những hồi còi báo động đã ngừng lại trong nhiều giờ đồng hồ, phòng khi có một sự đe dọa nữa, và để cho khói hòa vào bầu khí quyển.

Bettina Steiner là đứa nhận thấy một đám cháy nhỏ và những cụm khói ở đằng xa, gần sông Amper. Nó bò lên trời và đứa bé gái vẫn giơ cao ngón tay của mình. “Nhìn kìa.”

Có thể con bé đã nhìn thấy đám cháy trước, nhưng Rudy là người phản ứng lại. Một cách vội vàng, thằngbé vẫn không chịu bỏ tay ra khỏi thùng đồ nghề khi nó lao về cuối phố Thiên Đàng, qua nhiều con hẻm nhỏ và bước vào rừng cây. Liesel là người tiếp theo (con bé đành để lại những cuốn sách của mình cho một bà Rosa đang cực lực phản đối), và sau đó là mớ lưa thưa những con người từ vài căn hầm trú ẩn dọc đường đi.

“Rudy, chờ tớ đã!”

Rudy đã không chờ.

Liesel chỉ có thể thấy hộp đồ nghề của Rudy nằm trên chạc ba một thân cây trong khi thằng bé chạy về phía quầng sáng đang tắt dần và chiếc máy bay mù mịt. Máy bay bốc khói, nằm giữa khoảng đất trống bên cạnh con sông. Viên phi công đã cố đáp xuống đây.

Còn cách khoảng hai mươi mét, Rudy dừng lại.

Khi tôi đến, tôi thấy thằng bé đang đứng đó, thở hồng hộc để lấy lại sức.

Những cành cây như tan vào trong bóng tối.

Dây điện và những cây kim vung vãi đầy xung quanh cái máy bay. Bên trái, ba vết cắt đã bị cháy rụi đến tận lòng đất. Tiếng tích tắc hối hả thúc dục từng phút từng giây, cho đến khi chúng tưởng chừng như đã đứng đó suốt nhiều giờ đồng hồ. Đám đông lớn dần lên đang tập hợp lại đằng sau chúng, hơi thở và những câu nói của họ dính chặt vào lưng Liesel.

“Nào, Rudy nói, chúng ta có nên nhìn qua một chút không?”

Nó bước qua những gì còn lại của những cái cây, đến nơi mà xác chiếc máy bay đang bị gắn chặt xuống mặt đất. Mũi của chiếc máy bay ngập trong dòng nước đang chảy, và đôi cánh thì bị bỏ lại một cách xiêu vẹo đằng sau.

Rudy chậm chạp đi một vòng, từ chỗ đuôi máy bay cho đến sườn bên phải.

“Có kính vỡ đấy,” nó nói. “Mảnh kính chắn gió ở khắp nơi.” Sau đó nó nhìn thấy cái xác.

Rudy Steiner chưa bao giờ nhìn thấy một gương mặt nào tái mét đến vậy.

“Đừng đến đây, Liesel,” nhưng Liesel đã đến.

Con bé có thể nhìn thấy gương mặt tỉnh táo và trần trụi của người phi công phe địch, trong khi những cái cây cao đứng quan sát và dòng sông thì trôi đi. Chiếc máy bay khạc ra vài tiếng ho nữa, và cái đầu người bên trong nó nghiêng từ bên trái sang bên phải. Anh ta nói một điều gì đó mà rõ ràng là chúng không thể hiểu được.

“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph,” Rudy thì thào, “Anh ta còn

sống.”

Cái thùng đồ nghề va mạnh vào sườn máy bay và mang theo cùng với nó âm thanh của nhiều tiếng người nói và tiếng chân người bước hơn.

Sức nóng của đám cháy đã không còn nữa, và buổi bình minh thật tĩnh lặng và đen tối. Chỉ có khói vẫn đang trên đường bò lên trời, nhưng ngay cả nó nữa, cũng sẽ sớm kiệt sức.

Bức tường cây giữ cho sắc màu của một thành phố Munich đang bốc cháy có màu hồng. Lúc này, đôi mắt của thằng nhóc đã quen với không chỉ bóng tối, mà cả với gương mặt của viên phi công nữa. Đôi mắt anh ta như những vệt cà phê, và những vết cắt chạy chằng chịt trên má và cằm của anh. Một bộ đồng phục nhếch nhác ngồi đó, một cách ngang ngạnh, trên ngực của anh ta.

Mặc cho lời khuyên của Rudy, Liesel vẫn bước đến gần hơn, và tôi có thể hứa với bạn rằng chúng tôi đã nhận ra nhau ngay khoảnh khắc ấy.

Ta biết cháu, tôi nghĩ thầm.

Có một cái xe lửa và một thằng bé trai đang ho. Có tuyết và một đứa bé gái quẫn trí.

Cháu đã lớn rồi, tôi nghĩ thầm, nhưng ta vẫn nhận ra cháu.

Con bé không lùi lại hay cố gắng đánh tôi, nhưng tôi biết có điều gì đó đã nói cho nó biết rằng tôi đã ở đó. Liệu con bé có thể ngửi được hơi thở của tôi không? Liệu nó có thể nghe được tiếng trái tim bị nguyền rủa của tôi đang đập đều đều, đang xoay tròn như bản thân tội ác trong bộ ngực chết chóc của tôi chăng? Tôi không biết, nhưng con bé biết tôi, vànó nhìn thẳng vào mặt tôi mà không nhìn đi chỗ khác.

Khi bầu trời bắt đầu sáng lên bởi những nét vẽ bằng than, cả hai chúng tôi đều tiếp tục. Cả hai chúng tôi đều quan sát thằng nhóc khi nó lại thò tay vào thùng đồ nghề của mình một lần nữa và lục lọi qua vài khung ảnh để rồi lôi ra một món đồ chơi nhỏ nhồi bông màu vàng.

Một cách thận trọng, nó bò tới chỗ người đàn ông đang hấp hối.

Nó cẩn thận đặt con gấu bông đang cười lên vai của người phi công. Tai con gấu chạm vào cổ họng anh ta.

Người đàn ông đang hấp hối ấy ngửi thấy được mùi con gấu bông. Anh ta cất tiếng nói. Bằng tiếng Anh, anh nói. “Cảm ơn.” Những vết cắt trên mặt anh mở ra khi anh nói, và một giọt máu nhỏ xiêu vẹo lăn xuốngcổ họng anh.

“Cái gì kia?” Rudy hỏi anh ta. “Was hast du gesagt? Anh nói gì?”

Tiếc thay, tôi đã đánh bại anh ta trước khi anh ta có thể trả lời. Thời điểm của anh ta đã tới, và tôi đang vào trong khoang buồng lái. Tôi hút linh hồn của người phi công ấy ra khỏi bộ đồng phục nhăn nhúm, và cứu anh ta thoát khỏi cái máy bay vỡ nát. Đám đông chơi đùa với sự im lặng khi tôi đi qua họ. Tôi chen lấn xô đẩy họ để thoát ra.

Bên trên tôi, bầu trời có hình bán nguyệt - chỉ là một khoảnh khắc cuối cùng của bóng tối - và tôi thề rằng tôi có thể nhìn thấy một biểu tượng màu đen có hình thù một chữ thập ngoặc. Nó lôi thôi lếch thếch lảng vảng ở bên trên chúng tôi.

“Heil Hitler”, tôi nói, nhưng lúc đó tôi đã lẩn vào những cái cây rồi. Đằng sau tôi, một con gấu bông đang ngồi trên vai của một xác chết. Một cây nến màu vàng chanh đứng bên dưới những cành cây. Linh hồn của người phi công đang ở trong vòng tay tôi.

Hẳn là sẽ công bằng khi nói rằng trong tất cả những năm tháng mà Hitler cai trị, không ai có thể phục vụ cho ngài Quốc trưởng trung thành như tôi. Một con người không thể có một trái tim như trái tim của tôi. Tim của con người là một đường thẳng, trong khi tim của tôi là một đường tròn, và tôi có một khả năng bất tận là có mặt ở đúng nơi vào đúng lúc. Những hậu quả của điều này là tôi luôn tìm thấy con người vào những lúc họ tuyệt vời nhất cũng như tồi tệ nhất. Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này. Dù vậy, họ vẫn có một điều làm tôi ghen tị. Loài người, nếu không gì khác, có một cảm giác rất tốt về cái chết.

VỀ NHÀ

Đó là một quãng thời gian của sự đổ máu, những cái máy bay dúm dó và những con gấu bông, nhưng quý một năm 1943 sẽ kết thúc với một yếu tố tích cực cho kẻ trộm sách.

Vào đầu tháng Tư, cục băng bột của Hans Hubermann được tháo đến đầu gối, và ông đáp một chuyến tàu về Munich. Ông sẽ được dành cho một tuần nghỉ ngơi và giải trí ở nhà trước khi gia nhập hàng ngũ của đội quân làm công việc cạo giấy trong thành phố. Ông sẽ giúp làm công việc bàn giấy trong việc dọn dẹp những nhà máy, hộ dân cư, nhà thờ và bệnh viện ở Munich. Thời gian sẽ nói xem liệu ông có bị gửi ra ngoài để làm công việc sửa chữa hay không. Tất cả sẽ phụ thuộc vào cái chân của ông và tình trạng của thành phố.

Lúc ông về đến nhà thì trời đã tối. Ông về nhà muộn hơn một ngày so với mong đợi, vì xe lửa đã bị hoãn lại trước nguy cơ sẽ có một cuộc không kích khác xảy ra. Ông đứng trước cửa nhà số 33 phố Thiên Đàng và gõ cửa.

Bốn năm trước, Liesel đã được dỗ ngọt để đi qua ngưỡng cửa đó khi con bé xuất hiện lần đầu tiên. Max Vandenburg đã đứng đó với một cái chìa khóa đang cắn vào lòng bàn tay anh. Bây giờ đến lượt Hans Hubermann. Ông gõ cửa bốn lần và kẻ trộm sách ra mở cửa. “Bố, Bố ơi.”

Hẳn là con bé đã phải nói câu ấy hàng trăm lần khi nó ôm chầm lấy ông trong nhà bếp và không chịu buông ra.

Sau đó, khi họ đã dùng bữa xong, họ ngồi tại cái bàn trong bếp cho đến tận khuya, và Hans kể cho vợ mình và Liesel Meminger nghe mọi chuyện. Ông giải thích về đơn vị LSE, những con đường ngập ngụa khói và những linh hồn khốn khổ, lạc lối, lang thang. Và kể về Reinhold Zucker. Cái gã Reinhold Zucker tội nghiệp và ngu ngốc ấy. Ông kể trong nhiều giờ đồng hồ.

Lúc một giờ sáng, Liesel lên giường ngủ, và Bố đi vào ngồi cùng với nó, như ông vẫn thường làm thế. Con bé thức dậy vài lần để kiểm tra xem ông còn ở đó không, và ông đã không làm nó thất vọng.

Đêm thật yên ả.

Cái giường của con bé thật ấm áp và êm ái với sự hài lòng.

Phải, đêm hôm đó thật là tuyệt để được làm Liesel Meminger, và sự yên ả, ấm áp và êm ái ấy sẽ kéo dài thêm khoảng ba tháng nữa.

Nhưng câu chuyện của con bé thì kéo dài sáu tháng.