Kẻ Trộm Sách

Phần X - Chương 1

PHẦN MƯỜI

oOo

KỀ TRỘM SÁCH

Gồm có:

nơi tận cùng thế giới - ngày thứ 98 - người tạo ra chiến tranh - những cách thức của từ ngữ - một đứa bé gái bị rối loạn tâm lý - những lời thú nhận - quyển sách nhỏ màu đen của Ilsa Hermann - vài chiếc chiến hạm - và những bông tuyết đang cháy

NƠI TẬN CÙNG THẾ GIỚI

(Phần I)

Một lần nữa, tôi sẽ mang đến cho bạn cái nhìn tổng thể về đoạn kết. Có thể tôi làm vậy là để xoa dịu phần nào tai họa sẽ xảy đến sau này, hay để bản thân tôi được chuẩn bị tốt hơn trong việc kể chuyện. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng phải nói cho bạn biết rằng khi thế giới này sụp đổ lên Liesel Meminger, thì trời đang trút mưa xuống phố Thiên Đàng.

Bầu trời đang nhỏ giọt.

Nó như cái vòi nước mà một đứa bé đã cố gắng hết sức để khóa lại nhưng không được. Ban đầu, những giọt nước chảy ra từ cái vòi ấy vẫn còn mát lạnh, ở giữa con phố, tôi cảm nhận được chúng trong lòng bàn tay mình khi đang đi từ phía cửa hàng của mụ Diller xuống.

Bên trên, tôi có thể nghe thấy chúng.

Qua nền trời u ám, tôi ngước nhìn lên và thấy những pháo đài bay. Tôi nhìn khoang bụng chúng mở ra và thả những quả bom xuống một cách ngẫu nhiên. Dĩ nhiên là chúng đã rơi chệch mục tiêu. Chúng vẫn thường rơi chệch mục tiêu.

* MỘT NIỀM HI VỌNG NHỎ BÉ, BUỒN BÃ *

Không ai muốn đánh bom phố Thiên Đàng cả.

Không ai muốn đánh bom một nơi được đặt tên là Thiên Đàng cả, có phải không nào?

Có phải không?

Những quả bom rơi xuống, và không lâu sau mây sẽ bị nướng lên, rồi những giọt mưa lạnh sẽ biến thành tro bụi. Những bông tuyết nóng bỏng ấy sẽ tưới xuống mặt đất.

Nói một cách ngắn gọn, thì phố Thiên Đàng đã bị san bằng.

Những ngôi nhà bị giật đổ từ phía bên này đường sang phía bên kia. Bức ảnh lồng khung của một vị Quốc trưởng trông rất nghiêm nghị bị va đập mạnh và rơi xuống mặt đất, vỡ vụn. Vậy mà ông ta vẫn mỉm cười, theo cái cung cách nghiêm trọng của mình. Ông ta biết một điều gì đó mà chúng ta không biết. Nhưng tôi biết một điều mà ông ta không biết. Lúc đó, tất cả mọi người đều đang ngủ.

Rudy Steiner đang ngủ. Mẹ và Bố đang ngủ. Bà Holtzapfel, mụ Diller. Tommy Muller. Tất cả đều đang ngủ. Tất cả đều đang chết.

Chỉ một người duy nhất còn sống sót.

Con bé sống sót bởi vì lúc đó nó đang ngồi trong một tầng hầm và đọc lại câu chuyện về cuộc đời của chính mình, kiểm tra lại những chỗ sai lỗi. Trước đó, gian hầm này đã được người ta kết luận là quá nông để trở thành một căn hầm trú ẩn, nhưng vào cái đêm ấy, ngày 7 tháng Mười, nó đã đủ sâu. Những mảng tường nhà đổ nát thi thoảng lại trút xuống, và nhiều giờ đồng hồ sau, khi sự im lặng lạ lùng, lếch thếch tự yên vị tại Molching, đơn vị LSE địa phương có thể nghe thấy một âm thanh gì đó. Một tiếng vọng. Ở dưới kia, đâu đó dưới kia, một đứa bé gái đang gõ vào thùng sơn bằng một mẩu bút chì.

Tất cả đều dừng bước. Tai họ lắng nghe, họ cúi gập người xuống, và khi họ nghe thấy âm thanh đó một lần nữa, họ bắt đầu đào.

* NHỮNG MÓN ĐỒ ĐƯỢC CHUYỂN TỪ TAY NGƯỜI NÀY SANG TAY NGƯỜI KIA *

Những khối xi măng và gạch ngói lợp nhà.

Một mảng tường có hình vẽ một ông mặt trời nhỏ giọt.

Một cây đàn xếp trông thật thảm hại, đang lén nhìn hé qua cái hộp đã bị ăn mòn của nó.

Họ ném tất cả những thứ ấy lên trên.

Khi một mảng tường đổ nữa được dỡ ra, một người trong số họ nhìn thấy lọn tóc của kẻ trộm sách.

Người đàn ông ấy có nụ cười mới đáng mến làm sao. Ông ta đang chuyển ra một đứa trẻ vừa mới chào đời. “Thật không thể tin được, con bé vẫn còn sống!”

Có quá nhiều niềm vui giữa những người đàn ông đang gọi nhau, đang đào bới mớ hỗn độn ấy, nhưng tôi không thể chia sẻ sự nhiệt tình này của họ một cách trọn vẹn được.

Trước đó, tôi đã giữ bố của con bé trên một tay, còn tay kia là mẹ của nó. Linh hồn của mỗi người đều thật mềm mại.

Đằng xa, cơ thể của họ bị trải ra, cũng giống như những cái xác còn lại. Cặp mắt màu bạc đáng yêu của Bố đã bắt đầu han gỉ, và đôi môi nhàu nhĩ như giấy các-tông của Mẹ đang há ra cứng đờ, trông rất giống với hình thù một tràng ngáy còn dang dở của bà.

Những bàn tay cứu hộ kéo Liesel ra và phủi những miếng gạch đá khỏi quần áo của con bé. “Cô bé, họ nói, còi bao động đã vang lên quá chậm. Cháu đang làm gì trong tầng hầm vậy? Làm sao mà cháu biết được sẽ có không kích cơ chứ?”

Điều mà họ không nhận thấy là con bé vẫn đang nắm chặt lấy quyển sách. Con bé hét lên câu trả lời của mình. Một tiếng hét bàng hoàng của người sốngsót.

“Bố!”

Lần thứ hai. Mặt của nó nhăn lại khi tiếng hét đạt đến một cường độ cao hơn, kinh hãi hơn. “Bố, Bố ơi!”

Họ chuyền nó lên trong khi nó la hét, rống lên và nức nở. Dù con bé có bị thương đi nữa, thì nó vẫn chưa biết điều đó, vì nó đã vùng thoát ra khỏi những người cứu hộ và bắt đầu tìm kiếm, bắt đầu cất tiếng gọi, rồi lại rống lên khóc một chút nữa.

Con bé vẫn giữ chặt quyển sách.

Nó đang nắm giữ một cách tuyệt vọng lấy những từ ngữ đã cứu sống nó.

NGÀY THỨ 98

Suốt chín mươi bảy ngày đầu tiên sau khi Hans Hubermann về nhà vào tháng Tư năm 1943, tất cả đều ổn. Rất nhiều lần ông đã lặng người đi khi nghĩ đến cảnh con trai mình đang đánh nhau ở Stalingrad, nhưng ông hi vọng rằng phần nào sự may mắn của ông vẫn đang chảy trong huyết mạch của cậu ta.

Vào đêm thứ ba ở nhà, ông đã chơi đàn xếp trong gian bếp. Một lời hứa là một lời hứa. Đã có âm nhạc, món súp, những trò đùa, và tiếng cười của một đứa bé gái mười bốn tuổi.

“Đồ con lợn.” Mẹ cảnh cáo nó, “đừng có ngoác mồm ra cười rống lên như thế nữa. Những trò đùa của lão ta không buồn cười đến mức đó đâu. Và chúng cũng nhơ bẩn nữa..”

Sau một tuần, Hans quay lại với nghĩa vụ của mình, ông vào thành phố, đến một trong những văn phòng của quân đội. Ông nói rằng thuốc lá và thức ăn ở đó được cung cấp khá đầy đủ, và đôi khi ông còn có thể mang về nhà vài cái bánh quy hay chút mứt thừa nữa. Mọi chuyện lại giống như những ngày xưa tươi đẹp. Một cuộc không kích nhỏ xảy đến vào tháng Năm. Thỉnh thoảng ông cần nói một câu Heil Hitler, và mọi chuyện đều ổn cả.

Cho đến ngày thứ chín mươi tám.

* TUYÊN BỐ NHỎ CỦA MỘT BÀ GIÀ *

Trên phố Munich, bà già nói, “Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph, tôi ước sao họ đừng có mang chúng đi qua đây. Những kẻ Do Thái khốn khổ khốn nạn này, chúng chính là sự xúi quẩy. Chúng là một điềm xấu. Lần nào thấy chúng, tôi cũng biết là chúng ta sẽ bị hủy hoại.”

Đó cũng chính là bà già đã thông báo sự xuất hiện của những người Do Thái vào lần đầu tiên mà Liesel nhìn thấy họ. Nhìn bề ngoài, gương mặt của bà ta là một quả mận khô, chỉ có điều quả mận ấy có màu trắng như giấy. Bà ta có đôi mắt màu xanh sẫm u ám. Và dự đoán của bà ta là chính xác.

Trong mùa hè, Molching nhận được một dấu hiệu của những điều sắp tới. Nó di chuyển vào tầm nhìn của bạn như vẫn luôn như thế. Đầu tiên là cái đầu lúc lắc của một người lính, và khẩu súng chĩa lên khoảng không phía trên đầu anh ta. Sau đó là sợi xích bị kéo lê đi của những người Do Thái bị xiềng.

Điều khác biệt duy nhất lần này là họ được mang đến từ hướng ngược lại. Họ đang đến thị trấn Nebling cạnh đó để cọ sạch những con đường và làm những công việc dọn dẹp mà quân đội từ chối không chịu làm. Sau đó, họ sẽ được dẫn về trại tập trung, những con người chậm chạp, mệt mỏi, và bị đánh bại.

Một lần nữa, Liesel lại tìm kiếm Max Vandenburg, và nghĩ rằng rất có thể anh đã bị bắt đến Dachau mà không bị dẫn đi ngang qua Molching. Anh không có trong đám tù nhân. Không phải lần này.

Tuy nhiên, hãy cho con bé thêm thời gian, vì vào một buổi chiều ấm áp tháng Tám nọ, chắc hẳn Max sẽ bị dẫn qua thị trấn cùng với những tù nhân còn lại. Tuy vậy, không giống như những người khác, anh sẽ không cúi gằm và nhìn xuống mặt đường. Anh sẽ tìm kiếm xung quanh, trong cái khán đài dân Đức của Quốc trưởng.

* MỘT SỰ VIỆC VỀ MAX VANDENBURG *

Anh sẽ tìm kiếm những gương mặt trên phố Munich để tìm một đứa bé gái ăn trộm sách.

Lần này, vào tháng Bảy, ngày mà sau đó Liesel tính ra được là ngày thứ chín mươi tám kể từ khi bố nó quay trở về từ chiến trường, con bé đứng đó và nghiên cứu cái đống đầy người Do Thái đang chuyển động ấy - để tìm Max. Nếu không gì khác, thì hành động này cũng làm khuây khỏa bớt nỗi đau của việc chỉ đứng đó mà quan sát của con bé.

Đó là một suy nghĩ kinh khủng, con bé sẽ viết trong tầng hầm của phố Thiên Đàng như thế, nhưng nó biết điều đó là sự thật. Nỗi đau của hành động đứng đó và quan sát họ. Vậy còn nỗi đau của họ thì sao? Nỗi đau của những đôi giày loạng choạng muốn ngã, những trò tra tấn, và những cánh cổng đóng chặt của trại tập trung thì sao?

Họ đi qua Molching hai lần trong vòng mười ngày, và không lâu sau đó, cái người đàn bà vô danh, mặt nhăn nhúm như quả mận khô màu trắng, trên phố Munich sẽ được chứng minh là đã nói hoàn toàn chính xác. Sự xúi quẩy chắc chắn đã xảy đến, và nếu họ có thể đổ tội cho những người Do Thái như là một lời cảnh báo hay một sự mở đầu của thảm họa, thì họ nên đổ lỗi cho Quốc trưởng và yêu cầu đối với nước Nga của ông ta, như là nguyên nhân thật sự của thảm họa ấy - vì khi phố Thiên Đàng thức dậy sau đó vào tháng Bảy, một người lính từ chiến trường trở về sẽ bị phát hiện ra là đã chết. Anh ta đang treo lơ lửng trên xà nhà của một cửa tiệm giặt ủi gần cửa hàng của mụ Diller. Lại một con người như quả lắc đồng hồ khác. Một cái đồng hồ khác, đã ngừng chạy.

Người chủ cửa hàng bất cẩn đã để cửa mở.

* NGÀY 24 THÁNG BẢY, 6:03 PHÚT SÁNG *

Tiệm giặt ủi rất ấm cúng, những thanh xà nhà rất chắc chắn, và Michael Holtzapfel nhảy xuống khỏi cái ghế như thể nó là một vách đá.

Rất nhiều người đã đuổi theo tôi trong khoảng thời gian đó, họ gọi tên tôi, yêu cầu tôi mang họ theo cùng. Sau đó, có một nhóm người nhỏ thỉnh thoảng lại gọi tôi đến và thầm thì với giọng nói ngày càng nghẹn dần của họ.

“Hãy bắt tôi đi đi,” họ nói như thế và không ngừng lại. Hẳn nhiên rồi, họ sợ, nhưng họ không sợ tôi. Đólà một nỗi sợ của việc làm hỏng chuyện, và lại phải đối mặt với bản thân họ lần nữa, và đối mặt với thế giới, và những người giống như bạn.

Tôi chẳng thể làm được gì cả.

Họ có quá nhiều cách thức, họ xoay xở quá khéo léo - và khi họ làm việc đó quá hoàn hảo, dù phương pháp họ chọn có là gì đi nữa, thì tôi cũng không ở vào vị thế có thể từ chối được.

Michael Holtzapfel biết anh ta đang làm gì. Anh đã tự giết mình vì đã muốn sống.

Dĩ nhiên là ngày hôm đó tôi chẳng nhìn thấy Liesel Meminger đâu cả. Như thường lệ, tôi đã tự nhủ rằng mình quá bận rộn để mà ở lại phố Thiên Đàng, để nghe những tiếng thét. Mọi việc đã đủ tồi tệ lắm rồi khi người ta bắt quả tang tôi tại trận, thế là tôi đưa ra quyết định thường lệ là tìm đường thoát ra, vào vầng mặt trời có sắc màu của một bữa điểm tâm.

Tôi không nghe thấy giọng nói của một ông già khi ông ta tìm thấy cái xác đang treo lơ lửng, hay âm thanh của những bước chân đang chạy và những khoảng ngắt quãng khi người ta há hốc mồm ra vì bàng hoàng lúc đến nơi. Tôi đã không nghe thấy tiếng một người đàn ông mảnh khảnh với một hàm ria mép lẩm bẩm, “Thật là một nỗi xấu hổ trắng trợn, một nỗi xấu hổ khốn kiếp.”

Tôi đã không nhìn thấy cảnh bà Holtzapfel nằm dài trên phố Thiên Đàng, tay duỗi ra, gương mặt đang gào thét của bà đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng hoàn toàn. Không, tôi đã không phát hiện ra bất cứ điều gì trong những điều trên cho đến khi tôi quay lại sau đó vài tháng và đọc được một thứ có tên gọi là Kẻ trộm sách. Nó làm tôi hiểu ra rằng cuối cùng thì, Michael Holtzapfel đã bị hạ gục không phải do bàn tay bị thương của anh hay bất cứ vết thương nào khác, mà là vì nỗi cắn rứt khi vẫn còn sống.

Trong số những yếu tố dẫn đến cái chết của anh, đứa bé gái nhận ra rằng anh đã không ngủ, rằng mỗi đêm đối với anh như một ly thuốc độc. Tôi thường tưởng tượng ra cảnh anh nằm thao thức, đổ mồ hôi như tắm trên một tấm vải trải giường dệt bằng tuyết, hay nhìn thấy những hình ảnh về đôi chân nát nhừ của em trai mình. Liesel viết rằng có đôi lúc nó đã gần như kể cho anh nghe về em trai của chính nó, như đã làm với Max, nhưng dường như có sự khác biệt rất lớn giữa một cơn ho từ xa xăm vọng lại và hai cái chân đã bị hủy hoại hoàn toàn. Làm sao bạn có thể an ủi một người đã nhìn thấy những thứ như thế được? Liệu bạn có thể nói với anh ta rằng Quốc trưởng tự hào vì anh ta, rằng Quốc trưởng yêu quý anh ta vì những gì anh đã làm ở Stalingrad không? Làm sao mà bạn dám làm như thế? Bạn chỉ có thể để anh ta tự nói mà thôi. Dĩ nhiên, tình thế tiến thoái lưỡng nan ở đây là những người như vậy sẽ để dành những từ ngữ quan trọng nhất của mình cho thời gian sau này, khi những người xung quanh anh ta đủ bất hạnh để tìm thấy chúng. Một mảnh giấy, một câu nói, thậm chí là một câu hỏi, hay là một lá thư, như lá thư trên phố Thiên Đàng vào tháng Bảy năm 1943.

* MICHAEL HOLTZAPFEL: *

THƯ VĨNH BIỆT

Mẹ yêu quý,

Liệu mẹ có thể tha thứ cho con được không? Con không thể chịu nổi nữa. Con đi gặp Robert đây. Con không quan tâm đến mấy điều khốn kiếp mà lũ người theo đạo Thiên chúa nói về việc tự tử. Hẳn phải có một chỗ ở trên Thiên Đàng cho những người đã ở nơi mà con đã từng ở. Có thể mẹ sẽ nghĩ con không yêu mẹ vì những điều con đã làm, nhưng con yêu mẹ.

Michael của mẹ.

Người ta đã đề nghị Hans Hubermann chuyển tin này đến cho bà Holtzapfel. Ông đứng trên ngưỡng cửa nhà bà ấy, và hẳn là bà đã nhìn thấy nó trên gương mặt ông. Hai đứa. Con trai. Trong vòng sáu tháng.

Bầu trời buổi sáng đứng đó và tỏa ra ánh sáng chói lòa đằng sau ông, khi người đàn bà như sợi dây điện ấy lao qua. Bà vừa chạy vừa khóc nức nở đến chỗ đám người đang tụ tập ở cuối phố Thiên Đàng. Bà gọi tên Michael ít nhất là hai mươi lần nhưng Michael đã trả lời bà rồi. Theo kẻ trộm sách, bà Holtzapfel đã ôm xác con trai mình suốt gần một giờ đồng hồ. Sau đó, bà quay lại chỗ mặt trời đang đổ nắng chói chang trên phố Thiên Đàng rồi ngồi xuống. Bà không thể đi đượcnữa.

Cách đó một quãng, người ta quan sát bà. Hans Hubermann ngồi xuống với bà.

Ông đặt tay lên tay bà khi bà ngã người ra đằng sau, xuống mặt đất cứng.

Ông cho phép những tiếng thét của bà tràn ngập con phố.

***

Rất lâu sau đó, Hans về cùng với bà, hết sức cẩn thận dìu bà qua cổng nhà rồi vào trong. Và dù tôi có cố gắng đến bao nhiêu lần để nhìn nhận nó theo một cách khác đi chăng nữa, tôi vẫn không thể dứt được hình ảnh ấy ra khỏi đầu mình...

Khi tôi hình dung ra cảnh tượng người đàn bà quẫn trí và người đàn ông cao lớn với đôi mắt màu bạc ấy, thì tuyết vẫn rơi trong căn bếp nhà số 31 phố Thiên Đàng.

NGƯỜI GÂY CHIẾN TRANH

Có mùi của một cỗ quan tài vừa mới đóng. Những bộ đồ màu đen. Những cái vali to đùng dưới những cặp mắt. Liesel đứng đó, như những người còn lại, trên bãi cỏ. Cũng trong buổi chiều hôm đó, con bé đã đọc sách cho bà Holtzapfel nghe. Người mang giấc mơ, quyển sách yêu thích của bà.

Hôm đó thực sự là một ngày bận rộn vô cùng.

* NGÀY 27 THÁNG BẢY NĂM 1943 *

Michael Holtzapfel được chôn cất, và kẻ trộm sách đọc sách cho gia quyến nghe. Quân Đồng minh đã đánh bom Hamburg, về việc này, thì thật là may mắn khi tôi đã khá phi thường. Không ai khác có thể mang theo gần 45.000 người trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Trong một triệu năm nữa cũng không ai làm được chuyện này.

Khi đó dân Đức đã bắt đầu phải thực sự trả giá. Hai cái đầu gối nhỏ bé sần sùi của Quốc trưởng đã bắt đầu run rẩy.

Tuy vậy, tôi sẽ vẫn cho ông ta một cái gì đó, cái ông Quốc trưởng ấy.

Ông ta hẳn là phải có một ý chí sắt thép.

Đã có giảm bớt việc tạo ra chiến tranh và cơn dịch bệnh trong việc hủy diệt và trừng phạt ở hầu hết những trại tập trung trên khắp châu Âu, thì có vài trại trên phạm vi nước Đức không như vậy.

Trong những trại tập trung ấy, rất nhiều người DoThái vẫn bị bắt phải làm việc, và phải diễu hành.

Max Vandenburg là một người Do Thái như vậy.

PHƯƠNG CÁCH CỦA TỪ NGỮ

Nó xảy ra trong một thị trấn nhỏ thuộc khu vực trung tâm của Hitler.

Dòng chảy của nhiều sự đau đớn hơn nữa đã được bơm tràn ra, và một mảnh nhỏ của nó lúc này đã đến nơi.

Đám người Do Thái đang được dẫn đi qua những vùng ngoại ô của Munich, và một đứa bé gái tuổi vị thành niên không biết thế nào đó mà đã thực hiện mộ thành động không suy nghĩ, ấy là đi cùng với họ. Khi những người lính kéo con bé ra rồi ném nó xuống đất, nó lại đứng dậy. Và nó lại tiếp tục bước theo họ.

Buổi sáng hôm đó thật ấm áp.

Một ngày đẹp đẽ khác cho một cuộc diễu hành.

Những người lính cùng đám người Do Thái đã đi qua vài thị trấn, và bây giờ đang đến Molching. Có lẽlà có nhiều việc cần phải làm trong trại tập trung hơn, hay vài người tù nhân đã chết. Dù lý do có là gì đi nữa, thì một toán người Do Thái mới toanh, mỏi mệt, đang được dắt đi bằng chân đến Dachau.

Như nó vẫn luôn làm thế, Liesel chạy xuống phố Munich cùng những khán giả thường lệ, họ đang bị hút về phía đám người Do Thái.

“Heil Hitler!”

Liesel có thể nghe thấy tiếng hô của người lính đầu tiên từ cuối con đường, và nó đang đi về phía anh ta qua đám đông, để đón đầu đám diễu hành. Giọng nói đã làm cho con bé ngạc nhiên, đã làm cho bầu trời bất tận biến thành một cái trần nhà ngay trên đầu của anh ta, và dội ngược lại, rơi xuống đâu đó trên cái sàn nhàcủa những đôi chân Do Thái đang khập khiễng bước đi.

Những đôi mắt của họ.

Họ nhìn con đường đang chuyển động, từng người một, và khi Liesel tìm thấy một vị trí quan sát tốt, nó dừng lại và nghiên cứu đoàn người. Con bé lướt nhanh qua hết gương mặt này đến gương mặt khác, cố gắng gán ghép chúng với người Do Thái đã viết hai quyển sách Người đứng nhìn xuống và Người lay từ ngữ.

Mái tóc như lông chim, con bé nghĩ thầm.

Không, mái tóc như những cành cây mới đúng. Mái tóc của anh ấy sẽ trông như thế khi nó không được gội. Hãy tìm mái tóc nào trông như những cành cây, đôi mắt tối đen như hai đầm lầy, và một hàm râu như đang nhóm lửa.

Lạy Chúa, có quá nhiều người như thế.

Quá nhiều những đôi mắt đang hấp hối và những đôi chân lê lết trên mặt đường.

Liesel tìm kiếm Max trong đám người Do Thái, và không phải một đặc điểm nào của khuôn mặt đã giúp nó nhận ra Max Vandenburg, mà đó là biểu hiện của khuôn mặt anh - cũng nghiên cứu đám đông - hết sức chăm chú. Liesel cảm thấy tim mình ngừng lại khi nó nhìn thấy gương mặt duy nhất đang nhìn thẳng vào đám khán giả Đức. Gương mặt này kiểm tra họ với một mục đích rõ ràng đến mức những người ở cả hai bên kẻ trộm sách nhận thấy điều này và chỉ trỏ về phía anh.

“Hắn ta đang tìm cái gì vậy?” Một giọng đàn ông bên cạnh con bé nói.

Kẻ trộm sách bước xuống đường.

Chưa bao giờ một cử động lại giống như một gánh nặng với nó đến như vậy. Chưa bao giờ tiếng trái tim nó đập lại rõ ràng và vang to như vậy trong lồng ngực thiếu nữ của con bé.

Con bé bước tới trước và nói, thật khẽ, “Anh ấy đang tìm tôi.”

Giọng của con bé bị kéo lê đi và rơi mất, vào bên trong. Con bé phải tìm lại nó - mò sâu xuống dưới đáy thanh quản, để học cách cất tiếng nói một lần nữa và gọi tên anh.

Max.

“Em ở đây, Max.”

Lớn hơn.

“Max, em ở đây!”

Anh đã nghe thấy tiếng con bé gọi.