* MỘT CÂU CHUYỆN NHỎ THỜI CHIẾN TRANH *
Hai chân của anh đã bị tan nát ở chỗ ống quyển, và anh chết với một người anh đang nhìn mình trong một bệnh viện lạnh lẽo, thối hoắc.
Đó là nước Nga, ngày 5 tháng Giêng năm 1943, và lại là một ngày buốt giá khác. Ở trong thành phố và trong đám tuyết, khắp nơi là xác chết của người Nga và người Đức. Người nào còn sống sót thì tiếp tục nã đạn vào những trang giấy trắng trước mặt họ. Ba ngôn ngữ đan xen trộn lẫn với nhau. Tiếng Nga, tiếng những viên đạn, và tiếng Đức.
Khi tôi đi qua những linh hồn bị đốn ngã ấy, một người đàn ông nói, “Bụng của tôi cồn cào quá.” Anh ta cứ lặp đi lặp lại câu nói ấy nhiều lần. Mặc cho sự bàng hoàng của mình, anh vẫn bò tới trước, đến gần một dáng người tối tăm, dị dạng đang ngồi như tan chảy ra trên mặt đất. Khi người lính với cái bụng bị thương đến nơi, anh ta có thể thấy được rằng người kia là RobertHoltzapfel. Hai bàn tay của anh đã bị đóng băng trong máu khô và anh đang chất đống tuyết lên đoạn ở ngay trên ống quyển mình, nơi hai bàn chân của anh đã bị cắt đứt bởi vụ nổ cuối cùng. Có hai bàn tay nóng bỏng và một tiếng thét màu đỏ.
Hơi nước bốc lên từ mặt đất. Hình dạng và mùi của tuyết đang thối rữa.
“Tôi đây,” người lính nọ nói với anh. “Pieter đây.” Người này lê tới gần anh thêm vài xentimét nữa.
“Pieter à?” Robert hỏi, với một giọng nói đang dần tan đi. Hẳn anh ta đã cảm thấy tôi đang ở gần đó.
Lần thứ hai. “Pieter à?”
Vì vài lý do nào đó, những người hấp hối luôn hỏi những câu hỏi mà họ đã biết câu trả lời. Có lẽ làm thế thì người ta có thể nhắm mắt xuôi tay một cách dễ dàng hơn thì phải.
Những giọng nói bỗng nhiên nghe hệt như nhau.
Robert Holtzapfel gục sang bên phải, xuống mặt đất lạnh giá và đang bốc hơi.
Tôi chắc là ở tại đó, vào lúc đó, anh ta mong được gặp tôi. Nhưng anh đã không gặp.
Thật không may cho chàng trai Đức ấy, tôi đã không mang anh đi vào buổi chiều hôm đó. Tôi bước qua anh với những linh hồn tội nghiệp khác trong vòng tay mình và quay trở lại chỗ những người Nga.
Tôi cứ đi tới đi lui như thế mãi. Những con người bị tách rời.
Đó không phải là một chuyến trượt tuyết đâu, tôi có thể nói cho bạn biết như thế.
Như Michael đã kể cho mẹ nghe, phải đến ba ngày dài đằng đăng sau đó thì tôi mới đến để rước đi người lính đã để lại hai chân mình ở Stalingrad. Tôi xuất hiện một cách đầy mời gọi tại cái bệnh viện tạm bợ ấy và chùn bước vì mùi hôi thối.
Một người đàn ông với một bàn tay băng bó đang nói với một người lính câm lặng và có vẻ mặt bàng hoàng rằng anh ta sẽ sống. “Em sẽ sớm được về nhàthôi,” anh cam đoan với em mình.
Phải, nhà, tôi nghĩ thầm. Để tận hưởng những điều tốt đẹp.
“Anh sẽ đợi em,” anh ta lại tiếp tục. “Anh sẽ về nhà vào cuối tuần này, nhưng anh sẽ đợi em.”
Giữa câu nói kế tiếp của anh, tôi thu thập lấy linh hồn của Robert Holtzapfel.
Thường thì tôi phải cố gắng nhìn qua trần nhà khi tôi vào trong, nhưng tôi đã gặp may với ngôi nhà đặc biệt này. Một phần nhỏ mái nhà đã bị phá hủy, và tôi có thể nhìn thẳng lên trên. Cách đó một mét, Michael Holtzapfel vẫn đang nói. Tôi cố gắng tảng lờ anh ta đi bằng cách nhìn vào cái lỗ trên đầu mình. Bầu trời có màu trắng, nhưng đang chuyển màu rất nhanh. Như thường lệ, nó đang trở thành một tấm phủ che bụi khổng lồ. Máu đang chảy qua, và theo từng mảnh một, những đám mây dơ bẩn, như những dấu chân người đi trên lớp tuyết đang tan.
Những dấu chân sao? Bạn hỏi.
Chà, tôi tự hỏi rằng những dấu chân đó có thể là dấu chân của ai. Trong căn bếp của bà Holtzapfel, Liesel đọc sách. Những trang sách bì bõm lội qua mà không được ai nghe thấy, còn phần tôi, khi quang cảnh của nước Nga đã mờ dần đi trong mắt tôi, thì tuyết từ trên trần nhà vẫn không chịu ngừng rơi xuống. Ấm đun nước phủ đầy tuyết, cả cái bàn cũng vậy. Những con người cũng đang mặc những mảnh vải dệt bằng tuyết, trên đầu và trên vai họ.
Người anh trai run rẩy.
Người đàn bà khóc.
Còn đứa bé gái vẫn tiếp tục đọc, vì đó là lý do nó có mặt ở đó, và thật dễ chịu khi bạn làm được một điều gì đó có ích sau hậu quả của tuyết ở Stalingrad.
ĐỨA EM TRAI KHÔNG CÓ TUỔI
Chỉ còn vài tuần nữa là Liesel Meminger mười bốn tuổi. Bố nó vẫn vắng nhà.
Nó hoàn tất thêm ba buổi đọc sách nữa với người đàn bà đang tuyệt vọng đến tột cùng. Rất nhiều đêm, con bé quan sát Rosa ngồi với cây đàn xếp và cầu nguyện, cằm chống lên ống bễ của cây đàn.
Lúc này đây, con bé nghĩ thầm, đã đến lúc rồi. Thường thì ăn trộm là điều sẽ khiến con bé thấy vui hơn, nhưng vào ngày này, đó là đưa trả lại một cái gì đó.
Con bé thò tay xuống dưới giường và lấy cái đĩa ra. Một cách nhanh nhẹn nhất có thể, con bé lau chùi nó trong nhà bếp rồi ra ngoài. Thật dễ chịu khi được đi bộ ở Molching. Bầu không khí sắc nét và phẳng, nhưcái Watschen của một người giáo viên độc ác hay một bà xơ vậy. Giày nó phát ra những âm thanh duy nhất trên phố Munich.
Khi nó băng qua dòng sông, một tin đồn bằng ánh nắng mặt trời đang đứng đằng sau những đám mây.
Ở nhà sô 8 phố Grande, con bé bước lên những bậc cấp, để cái đĩa xuống chỗ cánh cửa rồi gõ cửa, và vào lúc cánh cửa mở ra, thì con bé đã đang rẽ sang phố khác rồi. Liesel không nhìn lại, nhưng con bé biết rằng nếu nó làm thế, thì nó sẽ lại nhìn thấy em trai mình ở chỗ cánh cửa, hai đầu gối của thằng bé đã hoàn toàn hồi phục. Thậm chí nó còn có thể nghe thấy giọng nói của thằng bé nữa.
“Như thế tốt hơn rồi đấy, Liesel.”
***
Con bé cảm thấy một nỗi buồn khủng khiếp khi nhận ra rằng em trai nó sẽ mãi mãi là một thằng nhóc sáu tuổi, nhưng khi bám víu lấy cái suy nghĩ đó, nó cũng cố gắng nở một nụ cười. Con bé nán lại ở chỗ sông Amper, chỗ cây cầu, nơi Bố đã từng đứng đó và ngả người qua thành cầu.
Con bé cười, rồi lại cười, và khi tất cả những nụ cười đã được thực hiện, con bé quay về nhà, và em trai nó không bao giờ trèo vào giấc ngủ của nó nữa. Theo rất nhiều cách, nó sẽ bỏ qua em trai nó, nhưng nó sẽ không bao giờ bỏ qua được đôi mắt chết chóc của thằng bé trên sàn tàu hỏa, hay cái âm thanh của cơn ho chết người ấy.
Đêm hôm đó, kẻ trộm sách nằm trên giường, và em nó chỉ xuất hiện trước khi nó nhắm mắt lại. Nó chỉ là một thành viên của đoàn diễn viên, vì Liesel luôn được ghé thăm trong căn phòng đó. Bố của nó đứng đó và gọi nó là phụ nữ được một nửa rồi. Max đang viết quyển Người lay từ ngữ nơi góc nhà. Rudy trần truồng ở lối cửa phòng. Thảng hoặc, mẹ nó đứng trên một sân ga bên cạnh giường ngủ của nó. Và xa xa, trong một căn phòng kéo dài ra như cây cầu dẫn đến một thị trấn vô danh, đứa em trai Wemer của nó đang chơi đùa trong lớp tuyết của nghĩa địa.
Vọng lên từ dưới hành lang, như một cái máy nhịp cho những hình ảnh, là tiếng Rosa ngáy, và Liesel nằm thao thức với những thứ ấy xung quanh mình, nhưng con bé cũng nhớ lại một câu trích từ quyển sách gần đây nhất của nó.
* NGƯỜI LẠ MẶT CUỐI CÙNG, TRANG 38 *
Có người ở khắp nơi trên con đường của thành phố, nhưng người lạ mặt không thể cảm thấy cô đơn hơn được nữa dù cho con đường có vắng tanh, không một bóng người.
Khi bình minh ló dạng, những ảo ảnh ấy đã biến mất, và con bé có thể nghe thấy một trò độc tấu khẽ khàng của những từ ngữ trong phòng khách. Rosa đang ngồi với cây đàn xếp, và cầu nguyện.
“Hãy để họ sống sót quay về,” bà lặp lại. “Con xin Người. Tất cả bọn họ.” Thậm chí những nếp nhăn xung quanh hai mắt của bà cũng đang nắm tay lại và cầu nguyện cùng nhau.
Hẳn là cây đàn xếp đã làm bà thấy nhức nhối, nhưng bà vẫn để nguyên như thế.
Rosa sẽ không bao giờ kể cho Hans biết về những khoảnh khắc như thế, nhưng Liesel tin rằng những lời cầu nguyện ấy đã giúp Bố sông sót qua tai nạn của LSE ở Essen. Nếu chúng không giúp được gì, thì chắc chắn chúng cũng không làm ông tổn thương.
TAI NẠN
Đó là một buổi chiều trong xanh đến kinh ngạc, và những người đàn ông đang trèo vào bên trong chiếc xe tải. Hans Hubermann vừa mới ngồi xuống chỗ ngồi dành cho mình. Reinhold Zucker đang đứng nhìn xuống ông.
“Tránh ra,” gã ta nói.
“Bitte?” - Sao cơ?
Zucker gập người xuống bên dưới mui xe. “Tôi bảo ông tránh ra cơ mà, Đồ lỗ đít này.” Mái tóc dinh dính của gã bết lại thành từng mảng lên trán. “Tôi với ông sẽ đổi chỗ ngồi cho nhau.”
Hans bối rối. Chỗ ngồi đằng sau này hẳn phải là cái chỗ kém thoải mái nhất trong cả dãy ghế. Đó là chỗ ngồi lùa gió nhiều nhất, lạnh lẽo nhất. “Tại sao thế?”
“Có vấn đề gì không?” Zucker đã mất kiên nhẫn. “Có thể vì tôi muốn là người muốn xuống xe đầu tiên để dùng cái nhà xí.”
Hans nhanh chóng nhận thức được rằng những người còn lại của đơn vị đang quan sát vụ va chạm đáng tiếc giữa hai người đàn ông lẽ ra là phải trưởng thành rồi này. Ông không muốn lép vế, nhưng cũng không muốn cư xử nhỏ mọn. Bên cạnh đó, họ vừa mới kết thúc một ca làm việc đầy mệt mỏi, và ông khôngcó đủ năng lượng để tiếp tục cuộc cãi vã này. Đi lom khom người, ông tới chỗ ngồi còn bỏ trống, giữa chiếc xe tải.
“Tại sao ông lại nhượng bộ cái đồ đầu tôm (1) đó chứ?” Người ngồi bên cạnh hỏi ông.
(1) Nguyên văn tiếng Đức: Scheisskopf
Hans bật một que diêm lên và chìa điếu thuốc ra đề nghị ông này hút cùng. “Gió lùa ở chỗ đó cứ thốc thẳng vào tai tôi mãi thôi.”
***
Cái xe tải màu xanh ô liu đang trên đường đi về trại cách đó chừng mười dặm. Brunnenweg đang kể chuyện đùa về một cô hầu bàn người Pháp thì bánh xe trước bên trái bị xịt lốp và người tài xế mất lái. Cái xe lăn tròn nhiều lần, và những người đàn ông trong xe luôn mồm chửi thề khi họ phải nhào lộn giữa không khí, đèn, rác rưởi và thuốc lá. Bên ngoài, bầu trời xanh chuyển từ trần nhà thành sàn nhà, trong khi họ cố gắng leo trèo để tìm cái gì đó mà bấu víu.
Khi xe ngừng lại, tất cả đều bị dồn về phía thành xe bên phải, mặt họ bị áp chặt vào bộ đồng phục hôi hám của người bên cạnh. Những câu hỏi thăm nhau xem có sao không được chuyền đi cho đến khi một người trong số họ, Eddie Alma, bắt đầu hét lên. “Hãy mang cái thằng khốn kiếp này ra khỏi người tôi ngay!” Anh nói câu đó ba lần, rất nhanh. Anh đang nhìn trừng trừng vào đôi mắt đang mở trân trối của Reinhold Zucker.