Kẻ Trộm Sách

Phần IX - Chương 1

PHẦN CHÍN

oOo

NGƯỜI LẠ MẶT CUỐI CÙNG

Gồm có:

sự cám dỗ kế tiếp - một người chơi bài - tuyết rơi ở Stalingrad

- một người anh em không tuổi - một biến cố - vị đắng cay của những câu hỏi - một bộ đồ nghề, một người chảy máu - một con gấu - một cái máy bay bị hỏng - và một chuyến đi về nhà.

SỰ CÁM DỖ KẾ TIẾP

Lần này là những cái bánh quy.

Nhưng chúng đã mốc mất rồi.

Chúng là những chiếc bánh Kipferl còn thừa lại từ hồi Giáng sinh, và đã nằm trên bàn được ít nhất là hai tuần. Như những cái móng ngựa thu nhỏ được phủ một lớp đường cô đặc, mấy cái bánh bên dưới dính chặt vào đĩa. Những cái còn lại thì chồng chất lên trên, hình thành một đống dinh dính sẽ khiến bạn phải nhai rất nhiều. Con bé đã có thể ngửi thấy mùi bánh khi mấy ngón tay nó bấu chặt hơn vào cạnh cửa sổ. Căn phòng có vị giống như đường trộn với bột nhão, và hàng ngàn trang sách.

Không có mẩu tin nhắn nào, nhưng Liesel không mất nhiều thời gian để nhận thấy rằng Ilsa Hermann đã bày ra trò chơi này một lần nữa, và chắc chắn là nó không nghĩ đến trường hợp mấy cái bánh quy ấy có thể không được dành cho nó. Con bé quay lại chỗ cửa sổ và chuyền một lời thì thầm qua khe cửa. Lời thì thầm ấy có cái tên Rudy.

Ngày hôm đó, chúng đã quyết định đi bộ vì đường quá trơn tới mức không thể đi xe đạp được. Thằng nhóc đứng bên dưới cửa sổ, nó chỉ đứng đó và trông chừng. Khi con bé gọi, gương mặt nó xuất hiện, và con bé tặng cho thằng bạn mình đĩa bánh. Không phải thuyết phục nhiều, thằng nhóc cầm lấy đĩa bánh.

Cặp mắt thằng bé như đang thỏa thuê chè chén trên những cái bánh quy, và nó đặt ra vài câu hỏi.

“Còn gì nữa không? Có tí sữa nào không?”

“Cái gì kia?”

“Sữa,” nó lặp lại, lần này hơi lớn hơn một chút. Giá nó nhận thấy cái âm điệu có phần công kích trong giọng nói của Liesel, thì hẳn nó đã không nói điều đó ra.

Gương mặt của kẻ trộm sách lại xuất hiện bên trên nó một lần nữa. “Cậu ngu thật hay giả vờ ngu thế? Bây giờ tớ đi lấy trộm quyển sách được chưa nào?”

“Dĩ nhiên rồi. Tất cả những gì tớ đang nói là...”

Liesel đi về phía kệ sách ở đằng xa, đằng sau cái bàn. Con bé tìm thấy mấy tờ giấy và một cây viết trong ngăn kéo trên cùng và viết lên đó từ Cảm ơn, rồi đặt mảnh giấy lên mặt bàn.

Bên phải nó, một quyển sách thò ra trông như một khúc xương vậy. Cái vẻ nhợt nhạt của quyển sách gần như đang tỏa ra sự sợ hãi được tạo nên bởi những chữ cái đen tối của nhan đề sách. Die Letze Menschliche Fremde - Người lạ mặt cuối cùng. Quyển sách khẽ thì thầm khi con bé lấy nó ra khỏi kệ. Vài hạt bụi rơixuống.

Ở cửa sổ, ngay khi con bé chuẩn bị chuồn ra, thì cánh cửa thư viện cọt kẹt mở.

Hai đầu gối và một bàn tay trộm sách còn đang chống vào khung cửa sổ, con bé quay mặt lại để nhìn về nơi vừa phát ra tiếng động, và nó thấy vợ của ngài thị trưởng trong một bộ áo choàng tắm và một đôi dép mới toanh. Trên túi áo ngực của bộ áo choàng ấy có thêu hình chữ thập ngoặc. Các hình thức tuyên truyền thậm chí đã mò vào đến tận nhà tắm của người ta rồi.

Họ nhìn nhau.

Liesel nhìn vào ngực của Ilsa Hermann và giơ tay lên. “Heil Hitler.”

Con bé chuẩn bị đi ra thì một nhận thức đổ ập xuống tâm trí nó.

Những cái bánh quy.

Chúng đã ở đấy trong nhiều tuần.

Điều này có nghĩa là nếu bản thân ông thị trưởng đã vào thư phòng, thì hẳn ông đã nhìn thấy chúng. Hẳn là ông đã hỏi tại sao những cái bánh quy lại ở đó. Hay - ngay khi Liesel có cảm giác về suy nghĩ này, con bé thấy ngập tràn một niềm lạc quan kỳ lạ - có thể đây không phải là thư viện của ông thị trưởng, mà là của bà ấy. Của Ilsa Hermann.

Con bé không biết vì sao điều này lại quan trọng đến như thế, nhưng nó thấy thích thú với việc một căn phòng đầy sách như vậy lại thuộc về người đàn bà này. Chính bà là người đầu tiên đã giới thiệu nó vớithư phòng, và mở ra cho nó cánh cửa sổ, thậm chí cả theo nghĩa đen, của cơ hội. Cách nghĩ thế này tốt hơn. Tất cả đều có vẻ như ăn khớp với nhau.

Ngay khi bắt đầu di chuyển trở lại, con bé dựng đứng mọi việc lên và hỏi. “Đây là phòng của bà, có phải không?”

Vợ của ngài thị trưởng thu mình lại. “Ta đã từng đọc sách ở đây, với con trai ta. Nhưng sau đó...”

Bàn tay của Liesel chạm vào khoảng không đằng sau nó. Con bé nhìn thấy một người mẹ đang đọc sách với đứa con trai của bà ta trên sàn nhà, thằng bé đang chỉ trỏ vào những bức tranh và từ ngữ. Sau đó nó nhìn thấy một cuộc chiến tranh nơi cửa sổ. “Cháu biết.”

Một câu cảm thán bước vào phòng từ bên ngoài.

“Cậu nói gì kia?”

Liesel gằn giọng nói thầm, ra đằng sau lưng nó. “Im đi, Đồ con lợn, và hãy tiếp tục canh chừng đi.” Với Ilsa Hermann, nó chậm rãi nói, “Vậy tất cả những quyển sách này...”

“Hầu hết là của ta. Vài quyển là của chồng ta, một số là của con trai ta, như cháu đã biết đấy.”

Lúc này Liesel đã cảm thấy có phần bối rối. Má nó ửng lên. “Cháu luôn nghĩ rằng đây là phòng của ngài thị trưởng.”

“Tại sao?” Người đàn bà có vẻ thích thú.

Liesel thấy có hai chữ thập ngoặc khác trên đôi dép của bà, chỗ những ngón chân. “Ông ấy là thị trưởng. Cháu nghĩ là ông ấy phải đọc nhiều lắm.”

Vợ ngài thị trưởng cho tay vào túi áo. “Gần đây, cháu là người sử dụng căn phòng này nhiều nhất.”

“Bà đã đọc quyển này chưa?” Liesel giơ quyển Người lạ mặt cuối cùng lên.

Hsa nhìn nhan đề quyển sách gần hơn một chút. “Ta đọc rồi.”

“Có hay không, thưa bà?”

“Không tệ.”

Sau đó có một thôi thúc muốn bỏ đi nơi con bé, nhưng trong nó cũng dấy lên một nghĩa vụ khác thường là hãy ở lại. Con bé định lên tiếng, nhưng những từ ngữ có sẵn trong đầu nó quá nhiều và quá nhanh. Có vài lần con bé cố gắng nắm bắt lấy chúng, nhưng vợ ngài thị trưởng là người đã giành quyền chủ động.

Bà đã nhìn thấy gương mặt của Rudy thập thò ngoài cửa sổ, hay nói chính xác hơn, là mái tóc tỏa ra ánh sáng lập lòe như một ngọn nến của thằng nhóc. “Ta nghĩ tốt hơn là cháu nên đi đi,” bà ta nói. “Cậu ta đang đợi cháu đấy.”

Trên đường về nhà, chúng ăn.

“Cậu có chắc là không còn gì khác không?” Rudy hỏi. “Hẳn là phải còn cái gì đó chứ?”

“Chúng ta gặp may mới có được mấy cái bánh quy này đấy.” Liesel săm soi món quà trên tay của Rudy. “Bây giờ thì hãy khai thật đi. Cậu có ăn cái bánh nào trước khi tớ ra không đấy?”

Rudy tỏ vẻ phẫn nộ. “Này này, ở đây cậu mới là kẻ ăn trộm, không phải tớ.”

“Đừng có đùa với tớ, Đồ con lợn. Tớ có thể nhìn thấy vài hạt đường vẫn còn dính ở mép cậu kia kìa.”

Như lên cơn hoang tưởng, Rudy cầm cái đĩa chỉ bằng một tay còn tay kia thì chùi mép. “Tớ chẳng ăn cái nào cả, tớ hứa danh dự đấy.”

Nửa số bánh quy đã vơi đi lúc chúng đến được chỗ cây cầu, và chúng chia phần bánh còn lại với Tommy Muller trên phố Thiên Đàng.

Khi ăn xong, chỉ còn lại một suy nghĩ tiếp theo, và Rudy đã nói điều đó ra.

“Chúng ta làm cái quái gì với cái đĩa này bây giờ đây?”

NGƯỜI CHƠI BÀI

Cùng lúc Liesel và Rudy đang ăn những cái bánh quy, thì những người đàn ông đang nghỉ ngơi của đơn vị LSE đang chơi bài trong một thị trấn cách Essen không xa lắm. Họ vừa mới hoàn tất một chuyến đi dài từ Stuttgart, và đang chơi bài để thắng cược thuốc lá. Reinhold Zucker không cảm thấy vui vẻ cho lắm.

“Ông ta ăn gian, tôi thề đấy,” anh lẩm bẩm. Họ đang ở trong một chuồng gia súc đóng vai trò như là một trại lính, và Hans Hubermann vừa mới thắng ván bài thứ ba liên tiếp. Zucker ném những quân bài xuống đầy vẻ kinh tởm và chải mái tóc dính nhớp nháp của mình bằng một bộ ba ngón tay đầy cáu ghét.

* VÀI THÔNG TIN VỀ REINHOLD ZUCKER *

Anh ta hai mươi bốn tuổi. Khi thắng một ván bài, anh tỏ ra rất hả hê - anh ta sẽ giơ những điếu thuốc khẳng khiu lên mũi rồi hít hít. “Mùi vị của chiến thắng,” anh ta nói. Ô, và còn một điều nữa. Anh sẽ chết khi mồm vẫn còn đang há hốc ra.

Không giống người thanh niên ở bên trái mình, Hans Hubermann không hả hê khi chiến thắng. Thậm chí ông còn tử tế đến mức đưa cho mỗi người đồng đội của mình một điếu thuốc trong chỗ thuốc mà ông thắng được, và còn đốt chúng hộ họ nữa. Tất cả mọi người, ngoại trừ Reinhold Zucker, đều chấp nhận lời mời này. Anh ta giật lấy điếu thuốc đang được chìa ra và quẳng nó trở lại cái hộp đựng thuốc đặt cược. “Tôi không cần sự thương hại của ông đâu, ông già.” Nói rồi anh đứng dậy và bỏ đi.

“Có chuyện gì với anh ta vậy?” viên trung sĩ hỏi, nhưng không ai quan tâm đến câu hỏi ấy đủ để trả lờinó. Reinhold Zucker chỉ là một thằng nhóc hai mươi bốn tuổi không thể chơi bài để cứu lấy mạng sống của mình.

Nếu không thua chỗ thuốc lá của mình cho Hans Hubermann, thì có lẽ anh ta đã không tỏ ra khinh bỉ ông ấy đến thế. Và nếu anh ta không khinh bỉ ông, thì hẳn là anh ta đã không giành lấy chỗ ngồi của ông sau đó vài tuần trên một con đường tưởng chừng như vô hại.

Một chỗ ngồi, hai người đàn ông, một cuộc tranh cãi ngắn, và tôi.

Đôi khi nó làm tôi chết được, cái cách mà người ta chết ấy.

TUYẾT RƠI Ở STALINGRAD

Giữa tháng Giêng năm 1943, hành lang của phố Thiên Đàng chính là cái bản ngã tăm tối, khốn khổ của nó. Liesel đóng cổng lại và đi sang nhà bà Holtzapfel rồi gõ cửa. Con bé ngạc nhiên bởi người ra mở cửa không phải là bà Holtzapfel.

Suy nghĩ đầu tiên của nó là người đàn ông này hẳn phải là một trong những người con trai của bà ta, nhưng anh ta trông không giống người nào trong số hai người anh em trong bức ảnh được lồng khung treo ở chỗ cửa ra vào cả. Có vẻ như anh ta quá già, mặc dù điều này cũng khó mà nói cho chắc chắn được. Gương mặt anh lấm chấm những sợi râu quai nón, đôi mắt anh trông thật đau đớn và âm vang. Một bàn tay bị băng bó thò ra khỏi tay áo khoác của anh ta, và những giọt máu màu anh đào đỏ tươi đang rỉ qua lớp vải băng.

“Có lẽ là em nên quay lại sau.”

Liesel cố gắng nhìn qua người anh ta. Con bé đã gần như sắp sửa cất tiếng gọi bà Holtzapfel, nhưng người đàn ông nọ đã cản nó lại.

“Này cô bé,” anh ta nói. “Hãy quay lại sau. Anh sẽ sang gọi em. Nhà em ở đâu nào?”

Hơn ba giờ đồng hồ sau, một tiếng gõ cửa vang lên nơi cửa nhà số 33 phố Thiên Đàng, và người đàn ông nọ đang đứng trước mặt nó. Những vết máu đỏ tươi lấm tấm màu anh đào giờ đã chuyển thành màu những quả mận chín.

“Bây giờ thì bà ấy đã sẵn sàng để gặp em rồi.”

Bên ngoài, trong cái ánh sáng màu xám mờ nhạt của ngày hôm đó, Liesel không thể ngăn được mình hỏi người đàn ông nọ xem chuyện gì đã xảy ra với bàn tay của anh ta. Anh xì một chút không khí ra đằng mũi - một âm tiết duy nhất - trước câu trả lời của mình. “Stalingrad.”

“Sao kia ạ?” Anh ta đã nhìn cơn gió khi nói. “Em không thể nghe anh nói gì cả.”

Anh ta lại trả lời một lần nữa, hơi lớn hơn một chút, và lần này anh đã trả lời câu hỏi của con bé một cách đầy đủ. “Điều đã xảy ra cho bàn tay của anh là Stalingrad. Anh đã bị bắn vào sườn và bị văng mất ba ngón tay. Câu trả lời này đã giải tỏa được thắc mắc của em chưa?” Anh nhét bàn tay vẫn còn lành lặn của mình vào túi và run rẩy một cách đầy khinh bỉ trước cơn gió của nước Đức. “Em nghĩ ở đây có lạnh không?”

Liesel chạm vào bức tường bên cạnh nó. Con bé không thể nói dối. “Có chứ, dĩ nhiên rồi.”

Người đàn ông bật cười. “Đây đâu phải là lạnh.” Anh rút một điếu thuốc ra rồi đặt nó lên miệng mình. Bằng một tay, anh cố gắng thắp que diêm lên. Trong điều kiện thời tiết ảm đạm ấy, việc thắp một que diêm bằng cả hai tay đã là khó khăn lắm rồi, nhưng với chỉ một tay thì đây là một việc làm bất khả. Anh đánh rơi hộp diêm và văng tục.

Liesel nhặt nó lên.

Con bé cầm lấy điếu thuốc của anh ta rồi đặt nó lên miệng mình.

Chính nó cũng không thể đốt được điếu thuốc cháy lên.

“Em phải hít nó vào,” người đàn ông giải thích. “Trong điều kiện thời tiết như thế này, nó chỉ có thể cháy khi em hít vào mà thôi. Verstehst?”

Con bé lại thử đốt điếu thuốc lên một lần nữa, cố gắng nhớ xem Bố đã làm việc này như thế nào. Lần này, miệng con bé đầy khói. Khói trèo qua hàm răng của nó và cào xé cổ họng nó nhưng con bé vẫn cố kìm để không bật ho.

“Tốt lắm.” Khi lấy điếu thuốc lại và hít một hơi, anh chìa bàn tay vẫn còn lành lặn của mình ra, bàn tay trái. “Michael Holtzapfel.”

"Liesel Meminger.”

“Em đến để đọc sách cho mẹ anh nghe à?”

Lúc đó Rosa đã xuất hiện đằng sau con bé, và Liesel có thể cảm nhận được sự bàng hoàng sau lưng mình. “Michael đấy à?” bà hỏi. “Có phải là cháu đấy không?”

Michael Holtzapfel gật đầu. “Guten Tag - Xin chào!”, bác Hubermann, đã lâu quá rồi nhỉ.” “Trông cháu thật là...”

“Già?”

Rosa vẫn chưa hết bàng hoàng, nhưng bà đã có thể trấn tĩnh lại được. “Cháu có muốn vào nhà không? Bác thấy là cháu đã gặp con gái nuôi của bác rồi...” Giọng của bà hơi rung khi nhìn thấy bàn tay bê bết máu.

“Em trai cháu chết rồi,” Michael Holtzapfel nói, và anh ta không thể tung cú đấm này ra theo một cách nào tốt hơn được với chỉ một nắm tay còn lành lặn của mình. Cú đấm ấy làm Rosa lảo đảo. Hẳn rồi, chiến tranh có nghĩa là chết chóc, nhưng nó luôn khiến cho mặt đất dưới chân người ta trở nên chao đảo khi cái chết ấy là của một người đã từng sống và hít thở gần bạn đến như thế. Rosa đã chứng kiến cả hai đứa con trai nhà Holtzapfel lớn lên.

Bằng cách nào đó, người thanh niên già dặn ấy đã liệt kê ra được những điều đã xảy ra mà vẫn không mất bình tĩnh. Cháu đang ở trong một trong những tòa nhà mà quân ta dùng làm bệnh viện thì người ta mang nó vào. Đó là quãng một tuần trước khi cháu về nhà. Cháu đã dành ra suốt ba ngày của tuần lễ đó để ngồi bên cạnh em cháu trước khi nó chết...

“Bác rất tiếc.” Những từ ngữ này không có vẻ gì là xuất phát từ miệng của Rosa cả. Một người nào khác đang đứng đằng sau lưng Liesel Meminger vào buổi tối hôm đó, nhưng con bé không dám quay lại nhìn.

“Làm ơn đi bác.” Michael ngăn bà lại. “Đừng nói gì nữa hết. Bây giờ cháu đưa con bé sang nhà để nó đọc sách được chưa? Cháu không chắc mẹ cháu sẽ để ý nghe câu chuyện của nó, nhưng bà ấy vẫn bảo nó sang.”

“Được, dẫn nó sang đi.”

Họ đã đi được nửa đường sang nhà bên kia thì Michael sực nhớ ra điều gì đó và quay lại. “Rosa?” Có một khoảnh khắc của sự chờ đợi khi Mẹ lại mở rộng cánh cửa ra. “Cháu nghe nói là con trai bác cũng ở đó. Ở Nga ấy. Cháu đã tình cờ gặp một người khác cũng đến từ Molching, và họ đã nói cho cháu biết điều này. Nhưng cháu chắc là bác đã biết rồi.”

Rosa cố gắng không để cho anh bỏ đi. Bà lao ra ngoài và nắm lấy tay áo anh. “Không, một ngày nọ nó bỏ căn nhà này ra đi và không bao giờ quay về nữa. Hai bác đã cố gắng tìm nó, nhưng sau đó, có quá nhiều chuyện đã xảy ra, có một...”

Michael Holtzapfel quyết tâm thoát khỏi người đàn bà này. Điều cuối cùng mà anh ta muốn nghe lúc này là một câu chuyện sướt mướt khác. Vừa dứt ra khỏi người đàn bà, anh vừa nói, “Theo như những gì cháu biết, thì anh ấy vẫn còn sống.” Anh gặp lại Liesel ở chỗ cổng vào, nhưng đứa bé gái không đi vào cửa nhà bên. Con bé nhìn gương mặt của Rosa. Nó nổi lên rồi lại chìm xuống cùng lúc.

“Mẹ ơi?”

Rosa xua tay. “Đi đi.” Liesel đợi.

“Đã bảo đi đi kia mà.”

Khi con bé bắt kịp người đàn ông nọ, người lính trở về từ chiến trường ấy đã thử tạo ra một cuộc đối thoại. Hẳn là anh cảm thấy hối tiếc vì đã lỡ lời với Rosa, và đang cố gắng chôn vùi sai lầm này dưới vài từ ngữ khác. Vừa ôm lấy bàn tay quấn đầy băng của mình, anh vừa nói, “Anh vẫn không thể cầm máu được.” Liesel thực sự cảm thấy mừng khi bước vàonhà bếp của bà Holtzapfel. Con bé càng bắt đầu đọc sớm chừng nào thì càng tốt chừng ấy.

Bà Holtzapfel ngồi đó, với những dòng dây điện ướt đẫm trên mặt. Con trai của bà đã chết.

Nhưng đó mới chỉ là một nửa vấn đề.

Bà sẽ chẳng bao giờ biết được rằng việc đó đã xảy ra như thế nào nhưng tôi có thể nói cho bạn biết mà không nghi ngờ gì, rằng một người trong số chúng ta biết. Có vẻ như tôi luôn biết điều gì đả xảy ra khi có tuyết và những khẩu súng và những sự lẫn lộn khác nhau của ngôn ngữ loài người.

Khi tôi hình dung ra gian bếp của bà Holtzapfel qua từ ngữ của kẻ trộm sách, tôi không thấy cái bếp lò, những thìa gỗ hay máy bơm nước, hay bất cứ thứ gì đại loại như thế. Đằng nào thì câu chuyện cũng không phải được bắt đầu với những chi tiết đó. Điều mà tôi nhìn thấy là mùa đông của nước Nga và tuyết rơi xuống từ trên trần nhà, và số phận đứa con trai thứ hai của bà Holtzapfel.

Tên của anh ta là Robert, và đây là điều đã xảy đến cho anh.