Thậm chí tôi có cảm tưởng như không phải nó bay nữa mà mặt đất dưới chân nó đang trôi theo chiều ngược lại dưới bốn vó của nó. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một sự chuyển động nhẹ nhàng đến thế, cho nên tôi không thể đánh giá nổi con ngựa ấy. Một vị vua chúa có sẽ sẽ đổi toàn bộ kho báu của mình để lấy một con ngựa quý như vậy. Và như thế nghĩa là tôi không bao giờ dám nghĩ rằng tôi lại có thể được làm chủ một con vật quý báu đến như thế.
- Bác đã được làm chủ nó ư? - Mọi người đang nghe kể lộ vẻ sửng sốt.
- Đúng thế. Con ngựa kỳ diệu ấy đã thuộc quyền sở hữu của tôi, nhưng chỉ trong một lúc thôi. Nếu các ông muốn nghe, tôi xin kể đầu đuôi. Các vị khách sang trọng, như lúc trước, lại bắt đầu đặt giá. Ông sĩ quan khinh kỵ mà tôi đã trao đứa trẻ cho, lúc này cũng chen vào trả giá. Một gã Tác-ta tên là Xa-va-ki-rây đứng dậy cũng trả giá, như thể hắn ngang hàng với các vị khách quý phái kia. Gã thấp, to ngang, thân hình rắn chắc, đầu trọc và tròn xoe như được tiện bằng bàn xoay và giống một bắp cải còn cụp. Mặt gã đỏ như củ cà rốt và toàn thể con người gã toát lên một vẻ tươi xanh và lành lặn. Gã gào lên: "Nâng giá lên mãi làm gì? Xin cứ trả ông thủ lĩnh số tiền mà ông ấy đòi rồi ta dùng cách đấu roi để xem con ngựa thuộc về ai!"
Tất nhiên các vị khách quý phái không quen với kiểu đấu này cho nên họ rút lui dần. Với lại họ cũng không đủ sức đấu với gã Tác-ta kia, dứt khoát sẽ bị gã làm cho chết giấc. Riêng ông sĩ quan khinh kỵ của tôi, tôi biết ông cũng chẳng còn nhiều tiền trong túi, bởi vì ông cũng lại vừa mới thua bạc ở chợ Pen-de, nhưng tôi thấy rõ ông lại rất thèm con ngựa kia. Tôi bèn kéo ống tay ông và bảo nhỏ hãy trao số tiền mà lão thủ lĩnh kia đòi, rồi để tôi thử sức một phen với tên Xa-va-ki-rây. Lúc đầu ông sĩ quan từ chối, nhưng tôi năn nỉ:
- Ông hãy ban cho tôi cái ơn này. Tôi thắng được hắn.
Và ông bằng lòng.
- Và bác đã cùng với thằng cha Tác-ta ấy quật roi vào lưng nhau?
- Chính thế! Và cuối cùng con ngựa rơi vào tay tôi.
- Có nghĩa bác đã thắng được thằng cha Tác-ta ấy?
- Tất nhiên cũng chẳng dễ dàng gì nhưng tôi đã thắng gã.
- Chắc bác đau ghê gớm lắm?
- Chà... kể ra thì... Lúc đầu thì đúng là đau ghê gớm, đau tưởng không chịu nổi vì tôi chưa quen. Thế rồi thằng cha Xa-va-ki-rây kia cũng lại dùng mẹo đánh chìm để máu trên lưng tôi không chảy ra được, trong khi da thịt cứ sưng phồng lên. Nhưng tôi lại có cách đối phó. Hễ gã giơ roi lên, tôi bèn cong lưng tôm để cho da lưng tôi nứt toác ra. Cách ấy đã cứu tôi thoát và giúp tôi đánh cho thằng cha đến chết.
- Nghĩa là bác đánh cho hắn chết?
- Chính thế. Do thói bướng bỉnh và do gã quá tin vào cái mẹo khốn nạn của hắn mà cuối cùng gã phải rời khỏi cõi đời này, - bác thầy tu kể bằng giọng bình thản và hồn nhiên kỳ lạ. Thấy mọi người nhìn bác với cặp mắt kinh hoàng, bác bèn giải thích cho rõ hơn:
- Gã chết là do gã chứ không phải do tôi. Chẳng là gã tự coi là kẻ hảo hán nhất trong khắp vùng đồng cát này cho nên gã nhất định không chịu thua tôi. Gã ôm tham vọng như thế và cho rằng nếu gã thua tức là nỗi nhục cho cả dân tộc châu Á cho nên gã gan góc chịu đựng những ngọn roi của tôi cho đến chết. Thêm vào đấy thì tôi chịu được cũng nhờ tôi ngậm đồng xu trong miệng. Để khỏi thấy đau quá, tôi tập trung tư tưởng vào việc nhằn đồng xu. Vừa nhằn vừa đếm từng đòn đánh. Nhờ đấy mà nỗi đau đớn giảm đi được phần nào.
- Bác đếm được bao nhiêu ngọn roi tất cả? - một người ngắt lời.
- Tôi không trả lời chính xác được. Theo như tôi nhớ thì đến con số hai trăm tám mươi hai tôi loạng choạng suýt ngất xỉu đi, từ lúc ấy tôi không còn đếm được nữa, lát sau thì chằng cha Xa-va-ki-rây giơ tay lên định đánh đòn cuối cùng nhưng gã ngã bịch xuống tôi như một khúc gỗ và tắt thở... Thằng cha ngu xuẩn! Cố mãi để đến nỗi thế. Chính vì gã mà suýt nữa tôi phải ngồi tù đấy. Thấy thằng cha kia chết, bọn Tác-ta chỉ cho đây là cuộc đua tài, không có gì đáng phải làm to chuyện, mà chúng có thừa lý để có thể giết chết tôi trả thù chứ. Nhưng chính những vị khách Nga thì lại chẳng hiểu gì hết, nói ra thật xấu hổ, chính họ lại kêu ầm lên rằng tôi đã giết người. Tôi cãi:
“Chuyện ấy dính dáng gì đến các ông?"
"Nhưng chính anh đã giết chết một con người!"
"Thì đã sao? Đấy là chuyện bình thường. Thế nếu như thằng cha ấy làm tôi chết thì sao?"
"Hắn có thể không bị trừng trị, bởi vì hắn theo tôn giáo khác. Còn anh anh phải bị xử xét theo đạo Thiên chúa. Nào, đi theo chúng tôi đến đồn cảnh sát".
Tôi nghĩ bụng: "Mời các người xét xử ngọn gió thổi trên đồng cỏ kia kìa!". Tôi không ghét gì trên đời bằng ghét cảnh sát, cho nên tôi lẩn ngay sau lưng một tên Tác-ta rồi luồn sang sau lưng một tên khác, tôi bảo chúng:
“Các ông cứu tôi với. Các ông thấy rõ là cuộc thi tài đã diễn ra đúng luật lệ..."
Chúng đứng sát lại với nhau để che giấu tôi.
- Xin lỗi, nhưng chúng che giấu bác để làm gì?
- Tôi sẽ theo chúng ra thảo nguyên.
- Ra thảo nguyên?
- Đúng, tôi sẽ sống với bọn Tác-ta ở ngoài thảo nguyên mênh mông của chúng.
- Thế bác sống ngoài ấy với bọn chúng trong bao lâu?
- Mười năm trời: tôi trốn đến ở với chúng năm tôi hăm ba, cho đến khi trốn được bọn chúng để trở về quê hương thì tôi đã ba mươi ba tuổi rồi.
- Sống ngoài thảo nguyên như vậy dễ chịu chứ?
- Tất nhiên chẳng dễ chịu chút nào. Tôi buồn tưởng chết đi được. Nhưng không làm cách nào trốn về được.
- Bọn Tác-ta giam bác lại hay canh phòng bác quá cẩn thận chứ gì?
- Không. Bọn chúng rất quý tôi cho nên không bao giờ nghĩ đến chuyện giam giữ tôi trong nhà tù hay ở đâu khác. Chúng chỉ đơn giản nói với tôi: "I-van, anh hãy kết bạn với chúng tôi. Chúng tôi rất quý anh. Hãy sống với chúng tôi ngoài thảo nguyên và giúp chúng tôi trong việc chữa bệnh cho ngựa và cho đàn bà con gái ở đây.”
- Và bác chữa bệnh cho chúng?
- Các ông hỏi thế thì cũng khó trả lời... Bởi vì trong cái chuyện chữa bệnh này, cần đôi chút bịp bợm. Hễ ai ốm đau, tôi liền cho uống lá lô hội hoặc rễ cây can-gan thế là khỏi. Mà cây lô hội thì ngoài thảo nguyên thiếu giống. Hôm ở tỉnh Xa-ra-tôp một thằng cha Tác-ta kiếm được cả một bao tải chở về. Khốn nhưng trước khi tôi đến, chúng không biết cái thứ ấy dùng vào việc gì.
- Và bác đã sống vui vẻ được với bọn chúng?
- Không. Lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ đến chuyện trở về quê hương.
- Thế bác không có cách nào bỏ chúng mà đi được hay sao?
- Có cách chứ. Nếu như hai bàn chân tôi không bị gì, vẫn lành lặn như bình thường thì tôi đã bỏ chúng trở về quê hương từ lâu rồi.
- Thế hai bàn chân bác bị sao?
- Tôi bị chúng nhét bờm ngựa vào, ngay hôm đầu tiên tôi mới về ở với bọn chúng.
- Nhét bờm ngựa nghĩa là sao? Bác tha lỗi, nhưng chúng tôi không hiểu cái từ nhét bờm ngựa nghĩa là thế nào.
- Đấy là cách giữ người hết sức thông thường của bọn chúng. Hễ chúng quý ai và muốn giữ kẻ ấy lại, chúng bèn thực hiện một cách để người kia muốn bỏ chúng mà đi cũng không nổi. Trường hợp tôi cũng vậy. Ngay hôm đầu, khi tôi tìm được dịp bỏ trốn, nhưng không may bị chúng đuổi theo tóm lại được, thì chúng bảo: "I-van này, để cho anh khỏi trốn đi, mà chúng tôi rất quý anh, không muốn để anh đi khỏi đây, chúng tôi đành phải rạch gan bàn chân anh, nhét vào đấy dúm lông bờm ngựa". Thế là chúng làm luôn. và suốt thời gian sau tôi chỉ có một cách là chống tay xuống đất mà bò thôi.
- Bác làm ơn kể rõ xem cách chúng làm như thế nào mà độc ác thế?
- Rất đơn giản. Độ một chục thằng Tác-ta vật tôi nằm ngửa trên mặt đất rồi bảo: I-van, anh kêu lên, hét lên, gào lên thật to vào, trong khi chúng tôi rạch, cho đỡ cảm thấy đau. Thế là hai thằng ngồi đè lên bụng tôi giữ chặt, mấy thằng khác ghì chặt chân tay tôi, một thằng thật khéo tay nhanh nhẹn rạch một vệt dài giữa gan bàn chân tôi, nhét một dúm lông bờm ngựa thái nhỏ vào rồi lấy chỉ khâu lại. Chúng làm ở cả hai bàn chân tôi. Sau đấy chúng trói chân tay tôi lại giữ tôi nằm một chỗ trong vài ngày, để tôi khỏi làm gì khiến cho vết thương mưng mủ. Khi vết rạch liền da chúng mới thả tôi ra: "Bây giờ thì I-van ạ, anh sẽ là bạn của chúng tôi mãi mãi, bởi vì anh không thể chạy đi đâu được nữa". Lúc ấy tôi vừa mới đứng lên thì lập tức ngã lăn quay ra mặt đất, bởi vì những sợi bờm ngựa nhét trong lòng bàn chân lên đến tận gót mỗi khi đụng đến làm tôi đau tưởng ngất đi được. Bước đi không nổi mà đứng cũng không xong. Những sợi lông bờm đâm vào thịt bên trong. Từ thuở bé tôi không hề khóc bao giờ, vậy mà lúc này tôi gào lên đến đau cả họng.
"Sao các người độc ác thế, các vị dân châu Á khốn kiếp kia? Thà các người giết tôi đi còn hơn, đồ man rợ! Sao bắt tôi suốt đời làm kẻ tàn tật, đặt bàn chân xuống đất cũng không nổi".
Bọn chúng đáp:
“Không sao, I-van, không sao! Chuyện vặt ấy mà"
“Thế mà là chuyện vặt ư? - Tôi nói. Các người huỷ hoại thân thể tôi như thế này mà bảo tôi không căm uất sao được?"
“Vậy thì anh hãy tìm cách mà đi, - chúng bảo. Cong hai chân và đừng đặt bàn chân thẳng xuống đất. Hãy đặt cách nào để xương tì vào mặt đất thôi thì sẽ đỡ đau”
“Quân khốn nạn!" - Tôi nghĩ bụng rồi quay mặt đi, không thèm nói chuyện với chúng nữa. Tôi thầm nghĩ, làm cách nào chết đi cho đỡ khổ. Thà chết đi còn hơn phải đi cong chân theo chúng mày mách. Nhưng nằm vài hôm buồn quá, tôi đành dậy và lựa cách để đi, và cuối cùng đành phải theo đúng như chúng nói, nghĩa là tôi cong hai chân, khuỵu xuống rồi đặt mép bàn chân lên mặt đất, cố làm sao cho chỗ da bị rạch và chỗ thịt có nhét lông bờm ngựa không chạm tới. Bọn Tác-ta thấy tôi loay hoay như vậy không hề cười mà chỉ bảo tôi thêm:
“Tốt lắm, I-van, tốt lắm. Anh đi được rồi đấy!”
- Khổ quá nhỉ! Nhưng tại sao cái lần bác trốn đi ấy bọn chúng lại đuổi theo và tóm được?
- Không thể trốn được. Thảo nguyên mênh. mông, phẳng lỳ, đường xá không có... rồi lại đói nữa chứ... Tôi đi suốt ba ngày không có thứ gì vào bụng. Đói quá phải dùng tay không vồ chim. Vồ được một con chim, chẳng hiểu chim gì, cũng cứ xé ra ăn sống. Nhưng rồi vẫn lại đói. Khát nữa chứ. Không kiếm đâu ra ngụm nước... Không đi nổi nữa, tôi ngã gục, nằm lỳ đấy. Bọn chúng tìm thấy bèn đem về và làm cái trò nhét lông bờm ngựa vào gan bàn chân như vậy.
Một người trong đám khách trên tầu nghe đến đấy đưa ra nhận xét rằng đi bằng mắt cá chân như vậy thì quá vất vả.
- Lúc đầu thì đúng là quá vất vả, - bác I-van Phli-a-ghin đáp. - Nhưng về sau tôi tìm cách khéo léo đặt chân, tuy cũng vẫn không đi được xa. Được cái, chỗ này thì tôi phải nói thật, đám Tác-ta từ ngày ấy rất thương tôi. Chúng bảo: "I-van ạ, bây giờ thì anh vất vả đấy, xách nước không được, nấu ăn không được. Nghe chúng tôi nhé, anh hãy lấy một cô Na-ta-sa đi. Chúng tôi sẽ dẫn đến cho anh một số cô để anh tha hồ chọn” Tôi đáp: "Việc gì phải chọn. Cô nào cũng thế thôi. Các anh dẫn cô nào đến đây cũng được". Thế là bọn chúng lấy vợ luôn cho tôi.
- Có nghĩa bác lấy một con Tác-ta?
- Đúng, tôi lấy vợ người Tác-ta. Lúc đầu tôi lấy con vợ của thằng cha Xa-va-ki-rây mà tôi đã quật roi đến chết, nhưng rồi cô ta không làm tôi thích thú. Cô ta đần độn thế nào ấy và lúc nào cũng cứ nem nép, như sợ hãi tôi, thành thử tôi cũng chán. Không rõ tại cô ta luyến tiếc gã chồng cũ hay tính cô ta như vậy. Bọn Tác-ta thấy tôi có vẻ không thích cô ta nữa, bèn dẫn đến cho tôi một cô bé Tác-ta khác chỉ độ mười ba tuổi là cùng...
“I-van, anh dùng thêm con Na-ta-sa này nữa. Con bé này chắc sẽ làm anh thích đấy". Và thế là tôi lấy luôn cô bé.
- Bác có thấy thích thú với cái cô bé con ấy thật không? - Các thính giả hỏi bác I-van Phli-a-ghin.
- Thích chứ, - bác đáp. - Nhưng thỉnh thoảng con bé giở những trò nghịch ngợm oái oăm ra làm tôi bực.
- Trò gì chẳng hạn?
- Đủ thứ trò quỷ quái... Nghĩ ra trò gì là con bé làm luôn. Lúc thì nhảy lên đứng trên đầu gối tôi. Có lúc tôi đang ngủ, nó đá tung chiếc mũ vải trên đầu tôi, quăng đâu mất rồi cười khanh khách. Tôi đe thì con bé càng cười ngặt nghẹo rồi lẩn đâu mất tăm. Bò bằng hai tay và hai đầu gối tôi làm sao đuổi được, thế là tôi ngã sóng soài và đành cùng cười với nó vậy.
- Bác cũng cạo trọc đầu và cũng đội mũ mềm của dân Tác-ta chứ?
- Vâng, tôi cũng cạo trọc.
- Chắc để vừa lòng đám phụ nữ Tác-ta phải không?
- Không. Để cho sạch, bởi vì dân Tác-ta không tắm bao giờ.
- Nghĩa là bác có hai vợ?
- Lúc sống ở thảo nguyên tôi có hai vợ. Nhưng sau này, khi ở với thủ lĩnh A-ga-si-mô-la, chẳng là ông ta cướp tôi trong tay lão Ô-tu-sép, thì ông thủ lĩnh mới này lại cho tôi hai người vợ khác.
- Bác bị bắt cóc à? - Một người trong đám nghe chuyện lại hỏi. - Đầu đuôi thế nào?
- Chỉ là một cuộc chơi xỏ nhau thôi. Chẳng là mới đầu trốn khỏi Pen-da tôi đi theo đám Tác-ta của lão Sép-cun Em-gua-sê-ép rồi sống với đám này trong năm năm liền. Bấy giờ rất nhiều khách các loại đến thăm lão, cả các vị quý phái, các sĩ quan khinh kỵ, các thủ lĩnh đủ loại và trong số đó có cả lão thủ lĩnh Gian-na và lão Bác-sây Ô-tu-sép.
- Chính là cái lão đã bị Sép-cun đánh cho thua ấy phải không?
- Đúng thế.
- Nhưng... thế lão Bác-sây không thù à?
- Sao lại thù?
- Bởi vì Sép-cun đã đánh bại lão và phỗng mất con ngựa.
- Bọn họ không có lối thù như thế. Trong cuộc tranh tài ai thắng là chuyện bình thường. Thậm chí lão thủ lĩnh Gian-na có lần còn trách tôi... "I-van, tại sao anh lại nhận lời đấu với Xa-va-ki-rây thay cho tên quý tộc Nga kia? Tôi đang thèm được thấy một thằng cha quý tộc thực sự như thế cởi trần ra và nhận những ngọn roi đánh vào giữa lưng".
"Nếu ông muốn thế thì còn lâu lắm"
"Tại sao?"
“Bởi vì các vị quý tộc của chúng tôi đều nhát gan hết."
Lão ta hiểu.
"Tôi thấy rõ là trong giới quý tộc các anh không có ai thực sự ham muốn thứ gì. Nếu muốn được hưởng thứ gì họ chỉ dùng một cách là quăng tiền bạc ra để mua thôi.
“Đúng thế: không có tiền là họ đành chịu bó tay hết".
Còn lão thủ lĩnh A-ga-si-mô-la thì bộ lạc của lão ở nơi xa xôi. Những đàn ngựa của lão được chăn dắt mãi tận gần biển Ca-xpi. Lão thích có thầy thuốc bên cạnh, và lão đã đề nghị với Sép-cun Em-gua-sê-ép cho tôi sang chỗ lão để chữa bệnh cho vợ lão. Đổi lại, lão xin biếu Sép-cun khá nhiều súc vật. Sép-cun bằng lòng. Thế là tôi đi theo thằng cha A-ga-si-mô-la, đem cả một bao tải lá lô-hội và rễ cây can-gan. Vừa được tôi xong, lão A-ga-si-mô-la phóng đi ngay, ngồi trên lưng ngựa suốt tám ngày liền.
- Bác cũng cưỡi ngựa được kia à?
- Được.
- Nhưng hai bàn chân?
- Sao?
- Những sợi lông bờm ngựa nhét trong gan bàn chân không còn làm bác đau đớn nữa hay sao?
- Không. Bởi vì bọn Tác-ta tính toán rất chu đáo: người bị rạch bàn chân không đi bộ được nhưng cưỡi ngựa có khi lại giỏi hơn kẻ khác, bởi vì hai chân quen cong thành hình chữ O cho nên quặp vào lưng ngựa sẽ rất chắc, ngựa không sao quật anh ta ngã được.
- Bác đã gặp những chuyện gì ở vùng thảo nguyên mới mẻ, nơi đóng trại của lão A-ga-si-mô-la?
- Tôi phải chịu thêm bao nhiêu nỗi hiểm nguy còn hơn thế.
- Nhưng bác đã không gục.
- Không.
- Bác vui lòng kể chúng tôi nghe những nỗi gian nan của bác sau đấy.