Bà ta phàn nàn hết với ông ta về việc tôi không chịu trao đứa con gái cho bà. Nhưng ông vuốt tóc bà và bảo:
- Em đừng buồn. Anh sẽ có cách nói chuyện với cậu ta, - ông ta nói. - Cậu ta nhìn thấy tiền sẽ tối mắt lên cho mà xem. Còn nếu như cậu ta vẫn không chịu, thì ta sẽ vùng vũ lực cướp lấy đứa trẻ. - Nói xong ông ta bước đến trước mặt tôi, chìa ra xấp giấy bạc rồi nói: - Đây vừa chẵn một ngàn rúp. Cậu hãy trao đứa trẻ cho chúng tôi rồi cầm lấy tiền và đi đâu tuỳ thích.
Nhưng tôi đã tính gây chuyện với ông ta cho nên không trả lời ngay. Trước tiên tôi từ từ đứng dậy. Rồi chậm rãi gài lược vào thắt lưng. Xong xuôi tôi mới ho một tiếng rồi nói:
- Không được. Thưa ngài sĩ quan, tiền của ngài không ăn thua gì đâu, - và tôi cầm lấy xấp tiền, nhổ nước bọt lên rồi quăng xuống đất, nói tiếp: - Ông cúi xuống mà nhặt nó lên!
Ông sĩ quan đỏ bừng mặt, giận lắm, lao vào đánh tôi. Nhưng tôi thừa biết, chẳng khó khăn gì tôi cũng hạ được ông ta. Chỉ đẩy nhẹ một cái, ông đã lăn quay ra đất, chổng bốn vó lên trời, kiếm thì văng sang một bên. Tôi liền giậm chân lên mũi kiếm và bảo:
- Lòng can trường của ông đã nằm dưới bàn chân tôi.
Tuy sức không khoẻ lắm, nhưng ông ta rất dũng cảm. Biết không thể nhấc kiếm lên được nữa, ông ta cởi dây đeo kiếm quăng ra rồi chân tay không lao vào đánh tôi. Nhưng làm thế cũng chẳng ăn thua gì, chỉ chuốc thêm nỗi đau mà thôi. Nhưng tôi đã thấy mến ông ta vì thấy con người tự trọng và cao thượng. Tôi không nhận số tiền nhưng ông ta cũng không thèm nhặt lên.
Khi cuộc đánh nhau đã kết thúc tôi nói to:
- Ngài hãy nhận lại số tiền kia đi, vì dọc đường thế nào cũng có lúc ngài cần đến.
Nhưng các ông tưởng tượng được không? Đáng lẽ nhặt số tiền thì ông ta lao đến nắm tay đứa bé. Tôi bèn nắm tay kia của nó rồi bảo:
- Ta cùng kéo nào, xem ai được phần lớn hơn.
Ông thét lên:
- Đồ khốn nạn! Quân đao phủ! - Rồi nhổ nước bọt vào mặt tôi, ông buông tay đứa bé ra, kéo bà quý phái đi theo. Bà ta gào lên tuyệt vọng, hai tay chới về phía đứa con... Tôi thấy rõ là bà đang bị dằng xé giữa người tình và đứa con... Đúng lúc ấy tôi thấy ông chủ tôi chạy từ trong thị trấn ra, tay lăm lăm khẩu súng ngắn. Ông vừa bắn, vừa gào to:
- Giữ chúng lại, I-van! Giữ chúng lại!
"Đời nào - Tôi thầm nghĩ, - Đời nào tôi lại giữ họ. Cứ để cho họ yêu thương nhau!" Thế rồi tôi đuổi theo bà quý phái với ông sĩ quan khinh kỵ trao đứa bé cho bà và bảo:
- Bà hãy bế lấy nó! Nhưng bà cũng đem cả tôi đi theo nữa, bởi vì ông kia rất có thể sẽ đem nộp tôi cho cảnh sát, chẳng là tôi không có giấy thông hành hợp lệ.
Bà ta nói:
- Cậu đi với chúng tôi, I-van! Cậu sẽ ở với chúng tôi.
Thế là tôi phi ngựa cùng với họ và đứa con gái nhỏ để lại cho ông chủ tôi con dê, số tiền và tờ giấy thông hành không hợp lệ của tôi.
Suốt dọc đường đi với họ, ngồi trên chỗ đằng trước bên cạnh người đánh xe cho đến tận thành phố Pen-de, tôi cứ suy nghĩ: lúc nãy tôi đánh ông sĩ quan phải chăng như thế là không tốt? Bởi vì ông đã tuyên đọc lời thề trước đức Vua, đã cầm thanh kiếm xông pha trận mạc bảo vệ Tổ quốc, thậm chí đích thân Đức Vua có khi cũng xưng hô lịch sự với ông ta, vậy mà mình là thằng nhãi ranh lại dám xúc phạm ông ta!... Rồi tôi lại nghĩ sang chuyện khác, không biết số phận cuộc đời còn đưa đẩy mình đi tận đâu mà (chắc chỗ này in thiếu) ở thành phố Pen-de ngày trước vẫn thường có chợ phiên. Bỗng ông sĩ quan khinh kỵ bảo tôi:
- Cậu I-van này, chắc cậu đã thừa biết rằng tôi không thể giữ cậu ở cùng được chứ?
Tôi hỏi:
- Tại sao vậy?
- Bởi vì, - ông đáp. - Tôi là sĩ quan trong quân ngũ, mà cậu thì lại không có giấy tờ hợp pháp.
- Tôi có thông hành đấy chứ, - tôi nói. - Nhưng là thông hành giả thôi.
- Đấy nhé, - ông đáp. - Nhưng ngay tờ thông hành ấy cậu cũng không còn nữa rồi. Vậy cậu hãy cầm lấy hai trăm rúp này rồi cậu muốn đi đâu thì tuỳ.
Mà tôi thì thú thật, không muốn xa họ một chút nào hết, bởi vì tôi đã đâm mến đứa bé. Nhưng không thể khác được. Tôi bèn nói:
- Thôi đành. Xin chào hai ông bà, xin cảm ơn vạn bội ông đã thưởng công quá hậu hĩ cho tôi. Nhưng tôi muốn nói một lời.
- Cậu muốn nói gì? - ông sĩ quan hỏi.
- Tôi có tội với ông, đã đánh nhau với ông và ăn nói bậy bạ, - tôi đáp.
Ông sĩ quan cười vang rồi bảo:
- Không sao. Nhưng cậu đúng là một chàng trai tốt bụng.
- Không, - tôi đáp. - ông bảo tốt, nhưng tôi thấy lương tâm tôi áy náy, ông là người chiến. đấu bảo vệ Tổ quốc, vậy mà tôi đã đối xử hỗn láo. Phỏng chừng ngay Đức Vua cũng xưng hô lịch sự với ông nữa ấy chứ.
- Đúng thế. Khi tôi được phong chức, trong sắc lệnh của Hoàng đế có câu: "Trẫm duyệt y và ra lệnh cho mọi người phải kính trọng ông".
- Đấy nhé, cho nên tôi không thể chịu đựng được nỗi áy náy này thêm nữa.
- Vậy cậu muốn thế nào bây giờ? Cậu khoẻ hơn tôi và cậu đánh tôi thua rồi, bây giờ làm lại thế nào được nữa?
- Đúng là không thể gỡ lại, nhưng để lương tâm tôi đỡ áy náy, tôi xin ông tát cho tôi một cái, -vừa nói tôi vừa gồng má lên.
- Tại sao tôi lại phải tát cậu?
- Để tôi khỏi bị lương tâm dằn vặt là đã xúc phạm một sĩ quan của Đức Vua mà không bị trừng phạt.
Ông ta cười vang, còn tôi thì gồng hai má lên.
Ông sĩ quan khinh kỵ hỏi tôi:
- Sao cậu nhăn nhó mặt mũi như thế kia?
Tôi theo đúng như điều lệnh quân đội, xin ông ta tát tôi cả hai má. Nói xong tôi lại gồng cả hai má lên. Nhưng ông đã chẳng tát, lại ôm chầm lấy tôi hôn và bảo:
- Thôi đủ rồi, I-van. Vì Chúa! Tôi sẽ không tát cậu đâu, nhưng cậu hãy đi ngay bây giờ, trong khi Ma-sa và đứa bé không có ở đây. Kẻo nàng biết, nàng và đứa nhỏ sẽ khóc như mưa như gió mất.
- Đúng thế. Tôi cũng không muốn nhìn thấy họ buồn rầu.
Mặc dù không muốn xa họ chút nào, tôi cũng vội vã bước đi. Ra đến phố tôi đứng lại, bối rối, không biết đi đâu bây giờ.
Từ khi tôi trốn khỏi nhà chủ đầu tiên, tôi vẫn lang thang, chưa có nơi nào ổn định... "Chậc! - Tôi nghĩ bụng. - Đến đồn cảnh sát mà thú nhận quách đi cho rồi. - Nhưng tôi lại nghĩ. - Không ổn, bởi vì lúc này tôi đang có tiền, họ sẽ tịch thu của tôi mất. Trước hết ta tiêu bớt một phần món tiền ấy đi, vào quán uống một chầu trà và ăn một chầu bánh quấn thừng cho thỏa thích đã." Thế là tôi vào một quán hàng trong chợ phiên, gọi trà và bánh quấn thừng, rồi tôi ngồi nhấm nháp rất lâu. Khi đã no nê, tôi đi dạo một vòng. Tôi ra ngoài đồng cỏ, sang chơi bên kia sông. Đây là một con sông nhỏ tên là Xu-ra. Đến nơi tôi nhìn thấy những đàn ngựa và những chiếc lều của người Tác-ta. Các lều đều giống nhau, riêng có một lều mầu sắc sặc sỡ và rất đông người xúm quanh đang thử những bộ yên cương. Cả quân nhân, cả người dân sự, cả các chúa đất đến dự chợ phiên đều kéo sang đây. Mỗi người cầm một cái tẩu và phả khói mù mịt. Ở giữa, trên một tấm thảm bằng dạ mầu sặc sỡ, một người đàn ông Tác-ta ngồi. Ông ta gầy và cao lênh khênh như cái sào, mặc áo thụng dài rất sang và đội chiếc mũ thêu kim tuyến, dáng điệu bình thản. Trong số đứng vây quanh, có một người tôi đã gặp trong quán lúc nãy. Tôi bèn đến gần anh ta, hỏi xem cái ông Tác-ta sang trọng kia là ai vậy. Anh ta đáp:
- Cậu không biết à? Đấy là thủ lĩnh Gian-ga.
- Thủ lĩnh Gian-ga? Nghĩa là ai vậy?
- Là người chủ ngựa giầu nhất của khắp vùng thảo nguyên này. Ngựa của ông ta ăn cỏ trên khắp cả vùng đất cát mênh mông từ sông Von-ga đến sông U-ran. Thế lực của ông ta không kém gì của đức Vua.
- Thế vùng thảo nguyên này không thuộc nước Nga ư?
- Có chứ. Nhưng chúng ta không thể cai quản nổi, bởi vì suốt từ đây cho đến bờ biển Ca-xpi chỉ toàn một thứ đất mặn không cầy cấy gì được, họa chăng chỉ có cỏ dại mọc, với những đàn chim bay lượn trên trời. Các quan trị nhậm chẳng thu được lợi lộc gì nên chẳng buồn ngó ngàng tói. Chỉnh vì thế mà thủ lĩnh Gian-ga mới làm vương làm tướng được. Nghe đâu ngài thủ lĩnh có cả một triều đình gồm các đạo trưởng, các quan văn quan võ hầu cận ngài. Đám cận thần này rất lấy làm vinh hạnh được phục vụ thủ lĩnh.
Trong khi nghe anh ta giải thích, tôi nhìn thấy một chàng trai trẻ Tác-ta dắt con ngựa cái mầu trắng bé nhỏ đến và nói với thủ lĩnh bằng tiếng Tác-ta. Vị thủ lĩnh đứng dậy, cầm lấy chiếc roi ngựa có chuôi rất dài, bước đến trước mặt con ngựa chĩa ngọn roi vào trán nó. Trông đúng là một tên tướng cướp hiên ngang oai vệ! Một pho tượng tuyệt mỹ. Và tôi thấy rõ ngay là cặp mắt lão ta như xuyên thủng con ngựa. Bản thân tôi cũng đã từng lăn lộn với ngựa nghẽo từ nhỏ, nên tôi thấy ngay được rằng con ngựa trắng kia nhận ra tài ba của người chủ và răm rắp phục tùng. Nó đứng thẳng chân ở tư thế "nghiêm" như thể muốn thưa với chủ rằng tôi là một con ngựa cái xinh đẹp biết chừng nào! Lão thủ lĩnh Tác-ta đứng bất động mà ngắm con ngựa, chứ không lăng xăng chạy xung quanh nó như những chàng sĩ quan hiếu động. Đột nhiên lão hạ ngọn roi xuống rồi đưa mấy đầu ngón tay lên sát môi, như ý nói: tuyệt! Rồi lão quay vào ngồi lại trên tấm thảm. Con ngựa lập tức vẫy tai, cất tiếng hí rồi bắt đầu nhảy múa.
Các vị khách bèn đấu giá: người đặt một trăm rúp, người sau đặt giá trăm rưởi và cứ thế tiếp lên. Con ngựa trông thật đẹp: không cao lớn, dáng kiểu giống ngựa A-rập, thon mình, đầu nhỏ, mắt ếch, tai thẳng, bụng thon, lưng như mũi tên, chân thon và rắn chắc. Tôi vốn thích vẻ đẹp của loài ngựa, tôi không rời được mắt. Còn lão thủ lĩnh, thấy mọi người trầm trồ, bèn ra hiệu cho tên đầy tớ da nâu sẫm. Tên đầy tớ nhảy lên lưng con ngựa quý, cưỡi theo kiểu Tác-ta, hai chân quặp hai bên sườn con vật và con ngựa lao vút đi nhẹ như sợi lông. Tưởng như nó bay là là bên trên mặt đất, giữa không trung. Mỗi khi đặt chân xuống đất, nó hí một tiếng nhỏ, cong người lại làm tung lên một đám bụi cát; "Chà, đẹp quá! - Tôi tự nhủ - Đâu ra của quý này không biết, vừa nhẹ như chim vừa mạnh như lửa?" Và tôi mê mẩn ngắm con ngựa kỳ diệu này. Tên đầy tớ kỵ sĩ Tác-ta dắt con ngựa quay vào. Con ngựa thở mạnh ra qua hai lỗ mũi một lần cho tan đi mọi nỗi mỏi mệt và nó lại đứng bình thản như trước. Tôi nghĩ bụng: "Tuyệt đỉnh! Tuyệt đỉnh!" Nếu như vị thủ lĩnh Tác-ta kia chịu đổi con ngựa lấy cả linh hồn thì tôi cũng chấp nhận ngay. Thậm chí lão đòi cả linh hồn bố mẹ tôi tôi cũng không ngập ngừng. Nhưng tôi làm sao chiếm được con ngựa kia, trong khi các vị khách cứ thay nhau nâng giá của nó lên đến con số cao khủng khiếp? Bỗng nhiên, trong lúc giá con ngựa vẫn chưa định đoạt xong thì một kỵ sĩ phi ngựa như bay từ bên kia sông Su-ra sang ghìm cương ngay trước lều, con ngựa của ông ta đen tuyền. Ông ta lắc mũ, nhảy xuống đất, đứng lặng đi trước con ngựa trắng:
- Con ngựa này là thuộc về ta!
Lão thủ lĩnh Gian-na đáp:
- Còn xem đã. Bởi vì các vị kia đang trả tôi với cái giá năm trăm.
Gã kỵ sĩ Tác-ta mới đến, dáng cao lớn, bụng phệ, mặt đỏ như bị bóc mấy lần da, mắt xếch kéo dài hét lên:
- Ta trả thêm một trăm đồng nữa!
Các vị khách lúc nãy nổi xung, trả thêm nữa. Lão thủ lĩnh Gian-na bật môi. Lại một kỵ sĩ nữa phi từ bên kia sông Su-ra trên lưng một con ngựa có bờm rất to và mầu trắng. Y cũng là người Tác-ta, gầy còm, da vàng ủng, nhưng quái đản còn hơn gã kỵ sĩ kia. Vừa đặt chân xuống đất y đứng ngay trước con ngựa quý tuyên bố:
- Xin báo mọi người biết: tôi muốn con ngựa này thuộc về tôi.
Tôi ghé tai người bạn làm quen được ở quán trà, hỏi thế nghĩa là sao. Anh ta đáp:
- Lão thủ lĩnh Gian-na này tinh quái lắm. Kỳ chợ phiên nào lão cũng bầy ra cái trò này: sau khi bán xong những con ngựa bình thường, đến ngày cuối cùng, thế nào lão cũng thò ra một hai con ngựa không ai rõ lão kiếm được ở đâu: Loại ngựa làm mê mẩn tất cả những tay sành ngựa. Và thế là lão kiếm được một số tiền chật ních túi. Mọi người đều biết lão có cái trò ấy cho nên ai cũng ngóng đợi. Họ tin rằng lão sẽ đi khỏi chợ ngày hôm nay mà đêm nay lão sẽ đi thật, nhưng trước khi đi bao giờ lão cũng bầy ra cái trò này...
- Con ngựa của lão quả là tuyệt diệu thật!
- Đúng thế. Lão dắt nó đến chợ phiên cùng với cả đàn, nhưng xếp vào giữa để không ai chú ý, chỉ riêng mấy tay Tác-ta kia là biết. Lão còn bảo họ rằng con ngựa quý này lão không bán. Cứ đến đêm lão lại giấu nó trong rừng, giao cho một tên lâu la coi giữ, đợi đến hôm nay mới đột nhiên tung ra bán. Cậu đứng dậy mà xem diễn tiến và sẽ thấy lão lái ngựa quỷ quái kia thu được món tiền lớn đến mức nào. Cậu có muốn đánh cuộc với tớ tay nào sẽ mua được không?
- Đánh cuộc ư? Để làm gì?
- Rồi cậu sẽ thấy thú vị lắm Mọi người sẽ tranh cướp nhau, nhưng rồi thế nào các vị khách trông có vẻ sang trọng giầu có kia cũng sẽ lui hết. Và con ngựa sẽ rơi vào tay một trong hai thằng cha người châu Á mới đến kia.
- Bởi vì - tôi hỏi. - Hai người ấy lắm tiền chứ gì?
- Lắm tiền cũng có, mà cái chính, chúng là những kẻ thích chơi trội, - anh ta đáp - Chúng đều có những đàn ngựa rất đông nhưng vẫn cứ có một số ngựa hay mà chúng lấy làm tự hào và không chịu để ai có ngựa hay hơn ngựa của chúng. Hai gã này ở đây ai cũng biết. Thằng cha bụng phệ có bộ mặt đỏ ửng kia tên là Bác-sây Ô-tu-sép còn thằng cha gầy còm xanh xao kia là Sép-cun Em-gua-sê-ép. Cả hai đều dữ tợn không kém gì nhau, rồi cậu sẽ thấy chúng tranh chấp với nhau cách nào.
Tôi không hỏi gì nữa mà chăm chú theo dõi. Những vị khách sang trọng lúc nãy thi nhau nâng giá con ngựa, lúc này đã lùi ra, chỉ đứng làm khán giả. Hai gã Tác-ta kia thì đẩy nhau rồi nắm lấy tay lão thủ lĩnh Gian-na mà lắc, mà vỗ, miệng gào lên. Một tên gào:
- Ngoài tiền, ta còn trả ông thêm năm đầu ngựa nữa.
Tên kia hét:
- Im đi! Ta trả một chục đầu ngựa thêm.
Gã Bác-sây quát:
- Ta trả mười lăm đầu ngựa,
Còn Sép-cun thì:
- Hai chục,
Bác-sây:
- Hai mươi lăm,
Và Sép-cun:
- Ba chục.
Đến đây thì xem chừng cả hai đều không có hơn nữa. Sép-cun hét ba chục. Bác-sây cũng ba chục, không thêm con nào. Nhưng Sép-cun trả thêm bộ yên. Còn Bác-sây thì thêm yên và một cái áo dài. Sép-cun cũng thêm cái áo dài. Đến đây thì cả hai lại không còn gì thêm để vượt nhau nữa. Sép-cun thét: “Thủ lĩnh Gian-na! Ta về đến nhà sẽ bắt con gái ta đến để ông dùng". Nhưng Bác-sây cũng lại cho con gái hắn. Thế là hai bên vẫn cân bằng. Đúng lúc ấy, tất cả đám Tác-ta đứng xem xung quanh bỗng nhiên reo hò vang dội, gào lên những gì bằng tiếng của họ. Họ kéo hai địch thủ sang hai bên, can hai tên Sép-cun và Bác-sây đừng ganh đua nhau để một tên phải khánh kiệt. Họ thuyết phục, chỉ trỏ, hích vào mạng sườn hai gã đang hăng máu này.
Tôi quay sang hỏi người bạn mới quen:
- Họ làm gì thế?
- Mấy vị khách sang trọng kia thấy thương hai tên Tác-ta, sợ chúng khuynh gia bại sản mất cho nên họ cố khuyên can chúng, đừng găng quá.
- Nhưng làm sao can được? Bởi vì cả hai đều mê mẩn con ngựa đến thế kia mà?
- Không phải thế đâu. Bọn này là dân châu Á quen sống lý trí. Chúng biết cách tự kiềm chế. Chúng sẽ nghĩ được rằng, tội gì quẳng tiền qua cửa sổ như vậy. Chúng sẽ đưa cho lão thủ lĩnh Gian-na khoản tiền mà lão đòi, rồi sau đó hai tên Bác-sây và Sép-cun cũng sẽ đấu với nhau bằng roi.
Tôi tò mò:
- Đấu bằng roi nghĩa là thế nào?
Anh bạn đáp:
- Giải thích cho cậu làm gì. Tốt hơn hết là cậu hãy xem tận mắt. Sẽ thú vị hơn nhiều. Chúng sắp sửa rồi đấy.
Tôi quay sang và nhìn thấy cả Bác-sây lẫn Sép-cun hình như đã bình tĩnh trở lại. Chúng rời khỏi đám khách, bước lại bên nhau, rồi vỗ vào tay nhau.
- Xư-gô-đa? - Một tên nói. - Đồng ý!
Tên kia lặp lại:
- Xư-gô-đa!
Liền sau đấy, cả hai tháo giầy ra, cởi áo dài vứt xuống đất, bỏ lần nữa nữa(?) rồi đến áo lót, chỉ giữ lại chiếc quần ống rộng và ngắn bằng vải sọc. Cả hai cùng ngồi bệt xuống đất, quay mặt vào nhau, giống như hai con công ngoài đồng cỏ.
Tôi chưa bao giờ mục kích quang cảnh này cho nên chăm chú theo dõi, không bỏ sót một chi tiết. Hai gã giơ thẳng tay trái, nắm chặt lấy nhau, hai chân duỗi thẳng, áp các lòng bàn chân vào nhau, rồi hét to: "Đem lại đây!".
Tôi còn chưa hiểu chúng đòi người mang đến thứ gì, thì đám Tác-ta đứng xem đáp lại ngay:
- Có ngay đây!
Một lão Tác-ta già bước lên, tay cầm hai chiếc roi ngựa, trịnh trọng so hai cái roi xem có bằng nhau không trước mặt tất cả mọi người rồi quay sang hai đấu thủ: "Hai ông xem, hai cây roi đều bằng nhau".
- Đúng thế, - đám Tác-ta reo lên. Chúng tôi thấy rõ cả hai cây roi đều được làm rất nghiêm chỉnh. Hai đấu thủ hãy thi tài.
Bác-sây và Sép-cun nóng lòng muốn giật lấy cây roi.
Nhưng lão già Tác-ta trịnh trọng nói: "Khoan đã," rồi tự tay trao cho từng gã. Sau đấy lão ta vỗ tay: một, hai, ba... Tiếp đó Bác-sây quất ngay ngọn roi thật mạnh vào giữa tấm lưng trần của Sép-cun. Gã này cũng làm đúng như thế vào giữa lưng đối thủ. Cuộc đọ sức bắt đầu. Hai gã Tác-ta mắt chiếu thẳng vào mắt, chân đạp vào chân, tay trái nắm chặt tay trái, tay phải giáng vào lưng nhau những ngọn roi khủng khiếp... Cuộc đọ sức mới rùng rợn làm sao. Mỗi đấu thủ cố giáng lên đối phương những đòn tàn ác nhất. Mắt nhìn trừng trừng, tay trái lên gân, chúng nhất định không chịu đầu hàng nhau.
Tôi hỏi anh bạn mới quen.
- Giống như kiểu đấu súng trong giới quý tộc phải không?
- Chỉ khác một điều, đấu súng là để bảo vệ danh dự, còn đây là chuyện thương mại.
- Thế họ cứ quật nhau thế này đến tận bao giờ?
- Đến bao giờ chúng không còn đủ sức nữa.
Trong khi hai đấu thủ giáng ngọn roi vào lưng nhau thì công chúng đứng xem bàn tán. Người thì bảo: "Sép-cun sẽ thắng". Người thì quả quyết "Bác-sây sẽ thắng". Họ đánh cuộc, người đặt vào đấu thủ này, người đặt đấu thủ kia. Họ nhìn mắt, hàm răng, cái lưng của hai đấu thủ với vẻ sành sỏi, theo dõi từng diễn biến nhỏ để đoán xem bên nào thua cuộc trước. (Chỗ này chắc in thiếu). Lúc đầu anh đặt vào Bác-sây, rồi anh bảo:
- Thế là mất toi hai hào rồi. Sép-cun sẽ thắng mất.
Tôi nói:
- Chưa chắc! Lúc này chưa thể biết được. Cả hai xem chừng đều rất vững, chưa bên nào hơn bên nào.
Nhưng anh bạn đáp:
- Đúng là cả hai đều vững nhưng mỗi bên theo một kiểu khác nhau.
- Theo tôi, - tôi nói. - Thì Bác-sây quật dữ dội hơn.
- Chính thế lại nguy. Mất toi hai hào rồi, rõ ràng Sép-cun thắng mất.
"Anh chàng này đến là lạ, - tôi nghĩ bụng. - Anh ta đã dám bỏ tiền ra đặt tức cũng phải hiểu biết lối đấu này chứ?"
Bị cuốn vào trò đấu, tôi gặng hỏi anh bạn:
- Nhưng căn cứ vào đây mà anh đoán Bác-sây sẽ thua?
Anh ta đáp:
- Cậu đúng là tẩm! Cậu thử nhìn xem lưng hắn ta xem.
Tôi ngắm cái lưng của gã Tác-ta, đúng là một cái lưng vạm vỡ, rắn chắc như được lèn bông thật chặt bên trong.
- Cậu không để ý thấy cách hắn ta quất ngọn roi à?
Tôi thấy gã quật một cách hung hãn, cặp mắt như lồi hẳn ra ngoài, và mỗi đòn đánh đều để lại trên lưng đối thủ một vệt dài rớm máu.
- Bây giờ, cậu hãy thử đoán xem ruột gan hắn rồi sẽ ra sao nào?
- Ruột gan thằng cha ấy ư? Tôi thấy gã vẫn ngồi thẳng lưng và miệng há to đớp không khí.
Anh bạn giải thích:
- Đấy chính là chỗ yếu của hắn: hắn có tấm lưng rộng cho nên ngọn roi của đối phương giáng xuống sẽ nằm toàn bộ trên bề mặt của lưng. Vậy mà hắn lại há hốc miệng ra mà hít thế kia thì ruột gan hắn chẳng mấy lúc sẽ bốc lửa thôi.
- Nghĩa là anh bảo Sép-cun có lợi thế hơn à?
- Tất nhiên rồi: thằng cha ấy gầy, chỉ có da bọc xương, lưng hắn vênh thế kia thì mỗi ngọn roi giáng xuống chỉ đụng vào được chỗ nào lưng hắn nhô lên mà thôi, chứ không phải toàn bộ bề mặt. Hắn lại đánh rất khôn, đánh chậm, giữ ngọn roi trên lưng Bác-sây một lát rồi mới nhấc lên, khiến lưng thằng cha Bác-sây chẳng mấy lúc mà sưng vù. Cậu để ý sẽ thấy lưng nó đã sưng hết cả lên và đen xì như trát nhựa đường. Máu không chảy được ra mới càng gay. Bao nhiêu cái đau náu lại bên trong. Còn lưng thằng cha Sép-cun thì nứt toác ra như da con lợn quay. Bao nhiêu đau đớn thoát ra theo dòng máu. Cho nên dứt khoát nó sẽ thắng Bác-sây. Bây giờ thì cậu hiểu chưa nào?
- Hiểu.
Và bây giờ thì tôi đã rõ cách thức của bọn dân châu Á này rồi và tôi rất nóng muốn biết cách nào lợi hơn.
- Cái chính, - anh bạn nói tiếp - Là thằng cha Sép-cun rất khôn. Hắn quất roi rất nhịp nhàng. Thậm chí còn lẩm bẩm đánh nhịp nữa chứ. Cậu để ý sẽ thấy, mỗi khi quất ngọn roi xuống lưng Bác-sây, thằng cha Sép-cun lại khẽ rút ngọn roi lại, mắt hơi nhắm vào cho nên hắn tốn ít sức hơn kiểu trợn mắt như của Bác-sây. Ngoài ra hắn còn khẽ nghiến răng và bụm môi lại để ruột gan bên trong khỏi nóng.
Được giải thích cặn kẽ, tôi theo dõi cuộc đấu một cách lý thú hơn. Và bây giờ thì tôi không nghi ngờ gì nữa, Bác-sây sẽ thua. Lúc này cặp mắt gã đã bắt đầu bối rối và đôi môi đã nhành ra bặm vào lợi nhe cả hàm răng ra... Gã quật thêm lên lưng Sép-cun độ hai chục roi nữa, nhưng những roi sau cứ yếu dần. Và cuối cùng gã bật ngửa người ra phía sau, tay trái buông bàn tay trái của đối thủ, tay phải vẫn còn cố vung lên như muốn đánh tiếp, nhưng không nổi. Gã lăn ra bất tỉnh. Đến lúc ấy anh bạn tôi lại chép miệng: "Mất toi hai hào chỉ!" Cả đám Tác-ta đứng xem reo ầm lên, ca ngợi Sép-cun:
- Giỏi! Sép-cun Em-gua-sê-ép giỏi! Ông khôn ngoan lắm. Bây giờ thì con ngựa kia thuộc về ông!
Lão thủ lĩnh Gian-na cũng đứng dậy, bước ra khỏi tấm thảm, bập bập môi nói:
- Con ngựa thuộc về ông, Sép-cun ạ. Ông hãy nhảy lên lưng nó mà phi cho bõ công.
Sép-cun đứng dậy: lưng hắn đẫm máu. Máu tuôn ra như suối, nhưng hắn vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên, trải chiếc áo trong và chiếc áo dài mặc ngoài lên lưng con ngựa trắng, trèo lên nằm úp sấp trên đó, rồi cả người và ngựa đi xa dần. Còn tôi thì lại đau khổ: "Thế là xong. Bây giờ mình lại phải tính xem sẽ đi đâu, làm gì bây giờ". Mà tôi không muốn phải nghĩ đến chuyện ấy chút nào.
May thay anh bạn mới quen bảo tôi:
- Đừng đi vội. Sắp có chuyện khác thú vị lắm đây.
- Còn gì nữa? Hết rồi chứ?
- Cậu hãy nhìn lão thủ lĩnh Gian-na châm tẩu. Kiểu như thế có nghĩa lão đang sắp bầy một trò gì mới, một trò rất châu Á đấy.
Tôi nghĩ bụng: "Nếu một trò gì đó tương tự như lúc nãy sắp xảy ra thì kỳ này mình sẽ tỏ một thái độ gì đó để cho có người nào bênh vực che chở cho mình".