"Tội gì mà ở với đám quân của thằng cha Sép-cun Em-gua-sê-ép, - bọn chúng bảo tôi. - Thằng cha Sép-cun ấy là một kẻ lưu manh. I-van ạ, anh hãy ở lại với bọn tôi. Chúng tôi sẽ hậu đãi anh và sẽ kiếm cho anh những Na-ta-sa thật đẹp. Ở với Sép-cun anh chỉ có hai Na-ta-sa nhưng ở đây, chúng tôi sẽ lấy cho anh nhiều Na-ta-sa hơn".
Tôi từ chối.
"Lắm Na-ta-sa mà làm gì, - tôi đáp. - Tôi không cần nhiều hơn thế".
"Không, chúng nói. - Càng nhiều Na-ta-sa càng tốt chứ. Bởi vì chúng sẽ đẻ cho anh nhiều Cô-li a và anh sẽ được nhiều đứa gọi anh là bố".
"Nhưng mà, - tôi nói. - Lắm Cô-li-a thì hay ho gì? Có ai rửa tội cho chúng đâu. Tôi có nuôi dạy bao nhiêu đứa thì chúng vẫn cứ là Tác-ta và không bao giờ thành con chiên của Chúa. Thế rồi khi lớn lên, chúng lại lừa bịp những người của chúng tôi".
Sau đấy tôi nhận hai cô vợ, và không nhận thêm nữa, bởi vì mặc dù chúng đều là con gái Tác-ta nhưng cũng lại xung khắc nhau, chửi mắng nhau, chỉ mất công dạy thôi.
- Thế bác có yêu những bà vợ mới này không?
- Ông hỏi sao cơ?
- Bác có yêu hai cô vợ mới lấy ấy không?
- Yêu ấy à?... Vậy các ông định hỏi chuyện ấy ư? Trong hai cô nhà lão A-ga-si-mô-la dẫn đến cho tôi, có một cô rất nhịn nhục, sai bảo gì cũng được cho nên tôi rất thương.
- Thế còn cô bé mười ba tuổi mà bác lấy ở bộ lạc Tác-ta lúc trước ấy? Chắc bác thích cô bé ấy hơn cả phải không?
- Cô ấy cũng được, tôi cũng thương.
- Chắc sang đến bên này, bác nhiều lúc tiếc cô ấy chứ?
- Không, tôi chẳng tiếc cũng chẳng nhớ nó.
- Nhưng chắc hai cô vợ ở bộ lạc trước cũng đẻ cho bác vài đứa con chứ?
- Đã đành rồi: cô vợ của lão Xa-va-ki-rây đẻ được hai thằng Cô-li-a và một con Na-ta-sa. Còn cô bé trẻ kia thì trong năm năm đẻ luôn sáu đứa, bởi vì một lần cô ấy đẻ sinh đôi hai thằng Cô-li-a.
- Bác cho phép được hỏi: tại sao bác toàn đặt tên cho chúng là Cô-li-a và Na-ta-sa thế?
- Đấy là theo cách gọi của dân Tác-ta. Bất cứ người Nga nào, nếu lớn tuổi chúng gọi là I-van, con gái thì chúng gọi là Na-ta-sa, còn trẻ con thì là Cô-li-a. Những cô vợ của tôi tuy là dân Tác-ta nhưng do lấy tôi cũng được chúng coi là người Nga và được gọi là Na-ta-sa. Con tôi thì chúng gọi bằng Cô-li-a. Thế nhưng đấy chỉ là cách gọi, còn chúng có được rửa tội, được làm phép thánh đâu, cho nên tôi không coi chúng là con tôi.
- Sao lại thế được?
- Bởi vì chúng có được làm phép ở nhà thờ đâu?
- Nhưng bác là bố, bác cũng có tình cảm bố con với chúng chứ?
- Nghĩa là sao?
- Chẳng lẽ bác không yêu chúng chút nào, không chiều chuộng chúng hay sao?
- Chiều chuộng thế nào kia chứ? Thật ra đôi khi tôi ngồi buồn một mình, có đứa nào chạy đến, tôi cũng xoa đầu nó rồi bảo: "Ra với mẹ." Nhưng cũng hiếm khi như thế, bởi vì tôi chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến chúng.
- Tại sao vậy? Bác bận quá hay sao?
- Không phải. Việc thì cũng chẳng có gì mà bận. Duy có điều tôi rất thèm trở về nước Nga.
- Sống mười năm trời mà bác vẫn không quen được với cuộc sống ngoài thảo nguyên ư?
- Không, tôi vẫn thèm trở về quê hương... Tôi rất nhớ nhà, nhất là những buổi chiều tối, thậm chí nhiều khi cả giữa ban ngày nữa... Những hôm trời đẹp, nóng nực, khắp khu vực đóng trại im ắng, bọn Tác-ta chui vào lều tránh nắng và ngủ. Tôi vén tấm vải lều lên, nhìn ra đồng cỏ... bên này cũng như bên kia quang cảnh y hệt như nhau... Nắng chói chang, thảo nguyên kéo dài không thấy đâu là nơi chấm dứt. Chỉ toàn cỏ mọc lút đầu, rậm rạp lượn như sóng trắng như bạc. Mỗi khi có cơn gió thoảng, tôi ngửi thấy mùi hoi hoi của cừu. Nắng chói chang, gay gắt, thiêu đốt. Đồng cỏ thì vô tận, cũng như cuộc sống đơn điệu không bao giờ dứt... Lòng tôi buồn tưởng như chết đi được. Tôi đưa mắt lơ đãng ra xa và bỗng thấy như bóng dáng một tu viện hiện ra cuối chân trời, nhắc nhở tôi nhớ đến quê hương ngoan đạo. Những lúc ấy tôi không thể ghìm được nước mắt.
Bác Phli-a-ghin ngừng lại, thở rất dài như thể nhớ lại tất cả quãng đời ấy. Rồi bác lại kể tiếp:
- Nhưng vùng đất mặn trên bờ biển Ca-xpi lại còn tồi tệ hơn nhiều. Nắng thiêu đốt, mặt đất láng bóng lên, sóng biển lấp lánh... Tất cả những ánh sáng chói chang ấy khiến đầu óc ta như mụ đi, còn tồi tệ hơn cả mùi cỏ vũ mao nồng nặc. Nhiều lúc tôi không còn biết mình đang ở đâu, nghĩa là không biết tôi đang sống hay tôi đã chết và đang bị đầy ải dưới địa ngục. Nơi ở trước, những chỗ cỏ vũ mọc rậm rạp, dù sao vẫn còn dễ chịu hơn. Chen giữa cỏ còn có hoa cúc dại, có cây này cây khác và thỉnh thoảng còn nhìn thấy một ngọn đồi trắng, trong khi ở đây chỉ có ánh sáng lấp lánh... Nơi kia những lúc cỏ nỏ bốc cháy, những con chim sâu, gà rừng, sẻ đồng cỏ bay vụt lên và người ta chạy đuổi theo bắn chúng. Những con chim to hơn thì người ta dùng ngựa đuổi theo và quất chúng bằng những sợi roi dài. Rồi đến những con ngựa thấy đám cháy cũng hoảng hốt chạy... Dù sao cũng còn vui mắt. Ít lâu sau, từ đất bị cháy mọc lên những đám cỏ vũ mao non, chen vào đấy là những cây dâu rừng, chim chóc kéo đến khắp bãi líu lo tiếng chim hót... thỉnh thoảng, tuy rất hiếm hoi, nhưng cũng đôi khi còn thấy được một cây to, sến hoặc anh đào dại. Buổi sáng, lúc mặt trời mọc, khi sương còn đọng trên những ngọn cỏ, thoang thoảng một mùi tươi mát... Tất nhiên cũng có buồn nhưng còn chịu được. Còn ở đây, vùng đất mặn này thì tôi xin khuyên đừng ai đến đấy và ở lại dài ngày. Riêng ngựa thì thời gian đầu chúng còn thích thú bởi vì chúng được liếm mặt đất mằn mặn, do đó chúng khát, uống rất nhiều nước và chúng béo hắn lên. Chứ người thì thật khổ. Không có chim chóc, cầy cáo gì hết mà như để trêu chọc ta thêm, duy nhất có một thứ chim nhỏ xíu giống như chim én chỉ khác ở mỏ có một vệt đỏ. Tôi không rõ chúng tìm kiếm được thứ gì ở cái đất này. Chúng bay đến và chắc vì không có chỗ nào để đậu, chúng cứ lượn trên trời và lúc nào mỏi quá, chúng thả cho rơi trên mặt đất mặn, nằm im một lát rồi lại bay đi. Nhìn chúng mà tôi thèm có được đôi cánh như chúng. Nhưng số kiếp tôi sẽ bị đày đọa ở miền đất này, nửa sống nửa chết, không được xám hối, rồi đến một ngày nào đó sẽ bị vùi trong muối giống như người ta vùi xương của những con cừu bị giết làm thịt. Tôi đành sống cho hết đời ở cái nơi khốn khổ này vậy. Nhưng khủng khiếp hơn cả là mùa đông. Tuyết phủ lên mặt đất một lớp băng cứng, mỏng. Bọn Tác-ta ngồi trong lều hút thuốc, chung quanh đống lửa... Rồi buồn quá, thỉnh thoảng chúng lại sinh sự để đánh lộn với nhau. Những lúc như thế, tôi tránh ra ngoài, nhưng chẳng có gì bên ngoài để nhìn! Vài con ngựa đi lang thang, lông lởm chởm và gầy còm đến nỗi chỉ nhìn thấy bờm và đuôi chúng phất phơ theo gió. Chúng uể oải lấy móng cào tuyết, cố tìm vài nhánh cỏ còn sót lại để ăn cho đỡ đói, bởi vì chúng không còn thức ăn gì khác... Nỗi buồn mới khủng khiếp. Tiêu chuẩn duy nhất là chọc tiết một con ngựa yếu quá, không còn đủ sức bới tuyết để tìm cỏ ăn nữa. Người ta lột da nó rồi xẻ thịt ăn. Thịt nó nhạt nhẽo, dai như vú bò cái mà lại cứng nữa chứ. Tôi nhai trệu trạo bởi vì cũng chẳng có thứ gì hơn, nhưng trong lòng sao giận đời đến thế. May mà một trong hai cô vợ tôi biết cách nướng sườn ngựa. Cô ta chọn những xương sườn còn dính nhiều thịt, cho vào khúc ruột ngựa, rồi đặt lên bếp than nướng. Dễ nuốt hơn, vì hơi có vị như thịt lợn hun khói của ta, nhưng mùi thì đến khó chịu. Những lúc phải nuốt cái thứ khốn khổ ấy, bỗng nhiên tôi sực nghĩ: lúc này ở quê mình nhà nào cũng chuẩn bị sẵn vịt, ngỗng và nhiều nhà đã bắt đầu mổ lợn. Và món mì ống nấu với thịt lợn mới ngon làm sao. Sắp đến ngày lễ Thiên chúa giáng sinh rồi. Cha I-li-a linh mục ở nhà thờ quê tôi, một ông già phúc hậu sẽ đi hết nhà này sang nhà khách để sáng danh Chúa. Cùng đi với cha là các thầy cả, các bà sơ và các tu sĩ trong chủng viện. Tất cả đều say, riêng cha I-li-a thì không uống được nhiều. Ông đầu bếp nhà ngài công tước đã ép cha uống một ly, rồi bà vợ ông quản lý lại mời cha thêm ly nữa, bây giờ cha đi đã không còn vững. Trên đường cha không điều khiển được cặp giò nữa. Đến mỗi nhà dân, cha không thể từ chối được, đành nhấp quấy quá tý chút cho chủ nhà vừa lòng, rồi lén đổ ly rượu vào cái lọ giấu dưới làn áo. Với thức uống như vậy, với thức ăn cha cũng xử sự thân tình như người trong nhà. Mỗi khi nhìn thấy món gì ngon, cha bảo chủ nhà gói vào tờ giấy cho. Thường chủ nhà đáp, chúng con không có giấy báo để gói, thưa cha. Thế là cha cầm lấy miếng thức ăn, trao cho bà vợ rồi tiếp tục cuộc thăm viếng con chiên không hề tự ái. Ôi, thưa các ông, mỗi khi thấy những kỷ niệm thuở thơ ấu trở lại, tôi càng thấy cuộc sống trói buộc này sao mà khốn khổ đến thế. Tôi càng đau đớn thấy mình phải sống trong cảnh lầm than, lấy vợ mà không có phép cưới ở nhà thờ và sẽ phải chết không được ai cầu kinh... Đêm những hôm như thế, tôi lén chui ra khỏi lều, không để vợ hoặc con, hoặc bất cứ kẻ ngoại đạo nào nhìn thấy, và tôi quỳ xuống ngoài chỗ đất trống, cầu nguyện... Tôi cầu nguyện mãi, cầu nguyện cho đến khi tuyết dưới đầu gối tôi đã tan và nơi những giọt nước mắt của tôi nhỏ xuống, sáng hôm sau một ngọn cỏ non nhú lên.
Bác kề đến đấy ngừng lại, đầu cúi xuống. Mọi người im lặng không ai nỡ khuấy động nỗi đau đớn của con người mộ đạo trước những kỷ niệm cuối cùng. Nhưng chỉ một lát sau, bác I-van Phli-a-ghin thở một hơi rất dài như để gạt đi nỗi đau đớn, lột chiếc mũ tu viện rồi vừa làm dấu Thánh vừa nói:
- May mà tất cả những thứ đó đã trôi qua, tạ ơn Chúa!
Sau khi để bác suy tư thêm chút nữa, chúng tôi đều muốn nghe bác kể xem bác, người hảo hán mê đắm kia đã làm cách nào mà chữa được vết rạch, bỏ ra được những sợi bờm ngựa nhét trong gan bàn chân, để rời bỏ các Na-ta-sa và các Cô-li a của mình, trở về với đạo Thiên chúa.
Bác Phli-a-ghin đã thỏa mãn nỗi tò mò của chúng tôi với một sự thành thật tuyệt đối, sự thành thật mà bác không thể nào, không bao giờ vi phạm.