- Nếu mày định không quay về nhà nữa thật thì mày hãy lấy trộm hai con ngựa của chủ mày, chọn hai con thật tốt vào để tao với mày trong đêm nay có thể phi thật xa đây.
Tôi đau lòng quá. Tôi rất không muốn ăn trộm nhưng khốn nỗi đã nhận là chùm nho thì tất phải chui vào sọt thôi. Thế là do thuộc lòng đường đi lối lại trong chuồng ngựa, tôi vào dắt ra hai con thật hay, chạy đường trường không biết mệt là gì. Còn gã Di-gan thì móc trong túi ra hai cái răng chó sói buộc vào đầu dây, đeo lên cổ mỗi con ngựa một cái răng ấy. Tôi và gã nhảy lên lưng ngựa và giật cương. Hai con ngựa, thấy răng chó sói treo trên cổ, bèn lao như điên. Gần sáng, chúng tôi đã vượt chừng một trăm dặm và đã đến ngoại vi thị xã Ca-ra-sép. Đến đây chúng tôi bán ngay hai con ngựa cho một người gác cổng rồi ra ngoài bờ sông chia tiền. Tiền bán ngựa được ba trăm rúp, bằng tiền giấy. Nhưng gã Di-gan chỉ đưa tôi có một rúp bằng bạc và bảo:
- Phần của mày đây.
Tôi không chịu.
- Sao lại thế này? Tôi ăn trộm ngựa và mất bao nhiêu công sức đáng lẽ phải hưởng nhiều hơn ông chứ! Sao tôi lại được ít thế này?
- Bởi vì, - gã nói. - Ngần ấy là hợp với mày.
- Vô lý - Tôi nói. - Tại sao ông lại nhiều thế?
- Bởi vì, - gã nói. - Tao là thầy mà mày là học trò.
- Học trò à? - Tôi nói. - Ông nói láo! - Thế là lời qua tiếng lại tôi với gã đấu khẩu mỗi lúc một găng, thậm chí văng tục ra với nhau. Cuối cùng tôi bảo:
- Tao không đi với mày nữa, bởi vì mày là thằng khốn nạn.
Gã đáp lại ngay:
- Phải rồi, mày ở lại, tao cũng đang mong thế. Bởi vì mày không có giấy thông hành, tao đi với mày cũng chỉ phiền phức thêm.
Thế là tôi chia tay với gã. Tôi đã định tìm đến gặp ngài thẩm phán thú nhận tôi là kẻ đã trốn chủ, nhưng khi kể câu chuyện ra với viên thư ký của ngài thì ông này bảo tôi:
- Chú mày ngốc lắm! Chú mày khai ra sự thật làm cái gì kia chứ? Chú mày có trong túi được lấy chục rúp không?
- Không. - Tôi đáp. - Cháu chi có mỗi một rúp nhưng bằng bạc thật chứ không phải tiền giấy. Còn một chục thì không có.
- Thế chú mày không còn thứ gì khác nữa ư? Một cái thánh giá bằng bạc đeo trên cổ chẳng hạn? À mà chú mày có hoa tai kia kìa!
- Vâng, cháu có hoa tai thật.
- Bằng bạc chứ?
- Vâng. Cháu có cả thánh giá nữa, của thánh Mi-trô-phan, cũng bằng bạc.
- Vậy thì đưa tao, - ông ta nói. - Đưa đây tao, rồi tao viết cho chú mày một tờ chứng chỉ giải thoát. Không phải là nông nô của ai nữa. Chú mày hãy đến thị trấn Ni-cô-la-ép. Ở đấy người ta đang cần rất nhiều nhân công. Bọn du đãng kéo đến đây nhiều lắm.
Tôi bèn nộp ông ta đồng rúp bằng bạc, đôi hoa tai và cây thánh giá. Ông ta viết cho tôi một tờ chứng chỉ, áp triện của ngài thẩm phán vào rồi bảo:
- Đáng lẽ tao phải lấy thêm của chú mày, bởi vì với người khác tao đều không lấy ít thế này. Nhưng tao thương chú mày nghèo với lại tao cũng không muốn giấy chứng chỉ của tao cấp lại không hợp lệ, cho nên tao cũng đành áp cái triện này vào. Bây giờ chú mày đi đi - Ông ta nói. -Thấy ai cần giấy tờ thì mách cho họ đến gặp tao nhé.
"Quân tham tàn - tôi nghĩ bụng. - Cướp bóc người ta lấy cả đến cây thánh giá đang đeo ở cổ mà vẫn còn làm ra bộ thương người". Tôi không trỏ ai đến gặp lão ta hết, chỉ cắm cúi bước đi, miệng cầu Chúa phù hộ, trong túi không có một đồng xu nhỏ.
Đến thị trấn, tôi ra chợ xin việc. Đúng là có ít người xin việc thật, mỗi ba đứa và đều là vô gia cư như tôi. Trong khi ấy chủ thì rất đông, họ tranh nhau thuê chúng tôi, giành giật nhau, lôi mỗi đứa chúng tôi ra một góc. Tôi bị một ông người to lớn hơn cả túm chặt lấy tôi. Ông ta gạt tất cả mọi người ra, túm chặt lấy hai tay tôi rồi tay đấm chân đá mở một lối đi để lôi tôi theo. Miệng ông ta văng tục như một bác phu xe, nhưng hai mắt thì lại đầm đìa. Ông đưa tôi đến một ngôi nhà vừa mới dựng bằng đủ thứ vật liệu linh tinh, rồi hỏi:
- Cháu nói thật đi, có phải cháu trốn nhà chủ phải không?
Tôi đáp:
- Vâng, đúng thế ạ.
- Cháu ăn cắp, giết người? - ông ta hỏi - Hay chỉ vô gia cư một cách đơn giản thôi?
Tôi đáp:
- Ông hỏi thế để làm gì ạ?
- Để xem xếp cháu vào việc gì cho hợp.
Tôi bèn thuật lại hết, do đâu tôi bỏ nhà trốn đi. Bỗng nhiên ông ôm tôi hôn lấy hôn để rồi bảo:
- Thế thì cháu đúng là đứa bác đang cần! - Ông ta nói. - Đến bồ câu mà cháu còn thương xót thế, thì cháu có thể chăm sóc đứa con của bác được rồi, bác nhận cháu làm chân trông trẻ.
Tôi hoảng hốt.
- Cháu trông trẻ sao được kia chứ? Công việc ấy không hợp với cháu đâu!
- Không sao. - Ông ta nói. - Không sao mà! Bác thấy cháu trông trẻ được. Giúp bác một chút, kẻo bác khổ quá. Vợ bác bỏ bác đi theo một thằng cha sĩ quan kỵ binh, bỏ mặc cho bác một đứa con gái sơ sinh đang thời kỳ bú sữa. Nhưng bác bận quá không có thời giờ cho nó ăn và cũng không biết cho nó ăn thứ gì. Cháu hãy trông em cho bác. Bác trả lương cháu mỗi tháng hai rúp bằng bạc thật.
- Nhưng, - tôi đáp. - Đây không phải là chuyện lương lậu mà chuyện cháu có làm nổi cái công việc ấy không.
- Không sao, - ông ta nói. - Cháu là người Nga chứ gì? Đã là người Nga thì làm việc gì cũng được hết.
- Bác hiểu cho. Cháu là người Nga thật, nhưng cháu là con trai, làm sao cháu có thể trông trẻ được lại trẻ sơ sinh?
- Cháu yên tâm, - ông ta nói. - Bác đã tậu một con dê cái của lão Do Thái để lấy sữa rồi. Cháu sẽ vắt sữa của nó rồi cho em ăn.
Tôi suy nghĩ rồi bảo:
- Đã đành có con dê cái thì có thể cho đứa trẻ ăn sữa được. Nhưng cháu nghĩ, bác nên kiếm một bà hay một chị nào có hơn không.
- Không! - Ông ta đáp. - Cháu đừng nói đến đàn bà con gái ra với bác. Mọi chuyện rắc rối trên đời đều do đàn bà con gái gây ra hết. Với lại kiếm đâu ra đàn bà con gái bây giờ? Còn nếu như cháu không chịu trông em cho bác thì bác đành gọi mấy gã lính cô-dắc đến trói cháu lại, giải lên đồn cảnh sát để họ đem cháu về cho chủ cũ. Vậy cháu hãy chọn đi: hoặc trở về đập đá ở vườn của ngài công tước hoặc ở lại đây trông em cho bác?
Tôi suy tính, không, không thể quay về được, thế là tôi nhận lời trông trẻ. Ngay hôm ấy tôi đi theo ông chủ đến nhà người Do Thái tậu một con dê cái trắng toát cùng với một con dê con. Dê con thì tôi chọc tiết, để hai thầy trò nấu mì chén, còn dê mẹ thì tôi vắt sữa và bắt đầu cho đứa bé ăn. Đứa bé gầy còm, yếu ớt xấu xí, lúc nào cũng kêu the thé. Ông chủ của tôi, bố đứa bé, gốc Ba-lan, hiện làm viên chức và đúng là một kẻ tồi tệ, không có mặt ở nhà mấy khi, suốt ngày đêm la cà đàn đúm và cờ bạc. Trong nhà chỉ có tôi với đứa con gái bé nhỏ mà tôi có nhiệm vụ phải trông nom. Dần dần tôi rất gắn bó với nó, bởi vì buồn quá, chẳng có việc gì khác để làm. Hết đặt con bé vào cái thùng gỗ để tắm rửa kỳ cọ cho nó, lại nhìn xem có vết mẩn nào hiện lên trên làn da của nó để lấy bột rắc vào. Lúc thì tôi chải đầu cho nó, lúc thì quỳ xuống đưa cái nôi. Lúc nào buồn quá, tôi lại cho nó chui vào ngực áo đi ra sông giặt quần áo. Con dê cái cũng quấn chúng tôi, đi theo tôi đến bất cứ chỗ nào. Tôi sống như thế cho đến mùa hè năm sau. Đứa bé đã lớn và bắt đầu chập chững, nhưng tôi nhận thấy chân nó sao cong thế. Tôi đã định bảo ông chủ biết, nhưng ông không thèm nghe, mà chỉ nói:
- Bác biết đâu đấy. Cháu bế nó đến ông lang, nói ông ấy xem thử.
Tôi bế đi. Ông lang nói:
- Đây là bệnh Ăng-lê. Phải đặt nó trong cát mới khỏi.
Tôi bèn thực hiện. Tôi chọn bên bờ sông một chỗ nhiều cát, rồi vào một ngày nắng ấm, tôi bế con bé, cùng với con dê ra đấy. Tôi lấy tay bới cát lên, đặt con bé xuống, ngập đến ngang người. Tôi đưa nó mấy cái que và mấy viên sỏi để nghịch. Con dê cũng quanh quẩn gần đấy, tìm cỏ gặm. Tôi thì ngồi, hai tay ôm đầu gối thiu thiu ngủ.
Bộ ba chúng tôi giết thời gian kiểu như thế trong nhiều ngày liền. Đấy là cách tốt nhất tránh cho tôi khỏi nỗi buồn tẻ, tôi xin nhắc lại, đúng là một nỗi buồn tẻ khủng khiếp. Đặc biệt là mùa xuân năm ấy, kể từ khi tôi bắt đầu chữa bệnh cho đứa trẻ bằng cách đào bới cát lên, vùi nó xuống đấy rồi thiu thiu ngủ ở ven sông, tôi lại bắt đầu chiêm bao thấy đủ chuyện quái đản. Có lần, vừa chợp mắt tai vẫn còn nghe thấy tiếng nước vỗ vào bờ, da thịt vẫn còn thấy làn gió ấm thổi tới mơn man, tôi bỗng cảm thấy như một thứ gì khủng khiếp đang lao đến chỗ tôi. Tôi mơ thấy những cánh đồng cỏ bát ngát, những con ngựa phi trên đó và tiếng ai gọi tôi đi theo. Thậm chí nghe rõ cả đích danh tên tôi: "l-van! I-van! Đi thôi, đạo hữu I-van!". Tôi hoảng hốt choàng tỉnh dậy, bực tức nhổ nước bọt xuống đất. Hừm, ai lại gọi mình thế nhỉ? Tôi đưa mắt nhìn bốn xung quanh, chỉ một nỗi buồn tê tái như chấu cắn, con dê đã ra xa kiếm thức ăn, đứa trẻ vẫn ngồi trong hố cát, có thế thôi... ôi sao mà buồn đến thế! Chỉ có bãi trống, mặt trời và dòng sông, thế là tôi lại nhắm mắt và lại thiếp đi. Lại thấy tiếng sóng, tiếng gió và tiếng ai đó gọi tha thiết: "I-van! Đi nào, đạo hữu I-van!" Tôi tỉnh dậy, bực quá, văng tục: "Các người là ai thì cứ hiện ra đàng hoàng nào. Thói đâu hễ người ta chợp mắt là lại gọi rống lên?" Một hôm, đang bực tức như thế, tôi ngước cặp mắt ngái ngủ lên nhìn sang bên kia bờ, thấy một đám mây đang trôi về phía tôi. Tôi nghĩ bụng, khéo sắp có trận mưa bóng mây làm mình ướt mất. Đột nhiên tôi nhìn thấy ông thầy tu có bộ mặt nhăn nhúm như mặt bà lão mà tôi đã giết chết ngày nào, hồi còn làm chân phụ đánh xe. Tôi bèn quát: "Ông đi đi!". Nhưng ông thầy tu lại khẽ kháng bảo: "Ta đi thôi, I-van, đạo hữu, ta đi thôi! Cậu sẽ còn phải chịu đựng nhiều nỗi đau khổ, nhưng rồi cậu sẽ đạt được mục đích". Tôi vẫn văng tục trong giấc chiêm bao và tôi bảo ông ta: "Tôi phải đi đâu với ông chứ? Và tôi sẽ đạt được cái gì?". Ông ta liền biến thành đám mây và trỏ về phía sau, chính tôi cũng không rõ ông ta trỏ cái gì, lại vẫn cánh đồng cỏ hoang vắng, những người các dân tộc Hồi giáo giống như trong những câu chuyện cổ tích. Họ đội những chiếc mũ lông lởm chởm, vai đeo cung tên và cưỡi trên lưng những con ngựa hung hãn. Tôi nghe thấy cả tiếng ngựa hí, tiếng người reo hò, tiếng cười điên dại, rồi đến một trận cuồng phong... Cát bay mù mịt xóa mất mọi thứ. Tiếng chuông nhà thờ dịu hiền, một tu viện trắng toát hiện ra trên cao, dưới ánh nắng lung linh. Những thiên thần mang giáo bằng vàng đi lại trên các bờ tường, biển trải rộng xung quanh. Và mỗi khi một thiên thần gõ ngọn giáo vào chiếc khiên, mặt biển lại rung chuyển và tiếng vang ầm từ đáy biển vọng lên khủng khiếp: "Đấng tối cao, hãy cứu chúng con!".
“Chà - tôi nghĩ bụng. - Nghĩa là họ lại nhắc mình đi tu!". Tôi tỉnh dậy trong lòng bực bội, và tôi sửng sốt nhìn thấy trước mặt đứa trẻ mà tôi được giao phó, một người phụ nữ đang quỳ gối dáng vẻ dịu hiền và mắt ướt đẫm.
Tôi nhìn vào đấy rất lâu, xem thử đến bao giờ giấc chiêm bao này mới tan, nhưng rồi không thấy tan, tôi bèn đứng dậy, bước đến gần thì một bà quý phái thật. Bà đã bới đứa bé lên, ôm nó vào lòng rồi hôn vừa khóc thảm thiết.
Tôi bèn hỏi:
- Bà làm sao thế?
Bà ta chạy lại phía tôi, tay vẫn ôm chặt đứa bé ghì vào ngực, miệng thì thầm:
- Đứa bé này là của tôi. Nó là con gái tôi!
Tôi bảo:
- Thế nghĩa là sao?
- Cậu hãy trao nó cho tôi, - bà ta nói.
- Sao bà lại đòi tôi phải trao nó cho bà? - Tôi hỏi.
- Cậu không thấy thương hại nó hay sao? - Bà ta lại nói - Cậu không nhìn thấy nó đang ôm chặt lấy tôi đây à?
- Nó có biết gì đâu, nó ôm chặt lấy bà cũng có gì là lạ? Nó vẫn thường ôm chặt lấy tôi đấy thôi. Nhưng tôi không thể trao nó cho bà được.
- Tại sao?
- Bởi vì người ta giao nó cho tôi trông. Bà nhìn con dê kia kìa. Bây giờ tôi phải đem con bé này về cho cha nó.
Thế là bà quý phái khóc nức nở, hai bàn tay bóp chặt vào nhau;
- Thôi được, - bà ta nói. - Cậu không trao nó cho tôi cũng được, nhưng xin cậu đừng mách bố nó, tức là ông chủ của cậu, rằng cậu gặp tôi. Sáng mai cậu cũng lại đưa con gái tôi ra đây để tôi được ôm ấp nó lần nữa.
- À chuyện ấy thì được. Tôi đã hứa là tôi sẽ làm đúng.
Tôi không hé răng nói với ông chủ về bà quý phái kia, và sáng hôm sau tôi lại dắt con dê, bế đứa bé ra bờ sông. Bà quý phái đã đợi ở đấy từ lúc nào. Bà ngồi trong cái hốc, và vừa thoáng nhìn thấy chúng tôi, bà vùng dậy, chạy ra đón, hết khóc lại cười, giúi các thứ đồ chơi vào hai tay con bé. Thậm chí bà còn quàng lên cổ con dê một cái chuông nhỏ xíu buộc sợi dây vải màu đỏ và tặng tôi một cái tẩu, túi thuốc lá và chiếc lược nữa.
- Cậu hút thuốc đi, - bà nói. - Trong lúc cậu hút thì cho tôi chơi với đứa bé.
Thế rồi từ hôm ấy ngày nào cũng diễn ra cuộc gặp gỡ, trong lúc tôi ngủ thì bà chăm sóc đứa con. Thỉnh thoảng bà còn kể cho tôi nghe câu chuyện của bà, bà đã lấy người khác... ông chủ tôi bà lấy là do bị ép duyên... do một mụ độc ác bố trí... bà không thể nào yêu được ông chủ tôi, còn người kia, một sĩ quan chuyên tậu ngựa cho ky binh, thì bà yêu lắm... bà rất khổ tâm là đã không thể cưỡng lại tình cảm và đã yêu ông ta với tất cả tấm lòng.... Bà nói, cậu đã thấy đấy, chồng tôi sống rất bừa bãi, rượu chè, cờ bạc trong khi ông sĩ quan kia... ông ấy có bộ ria mép rất đẹp, quần áo bao giờ cũng chững chạc, sạch sẽ và rất tôn trọng tôi, rất thương tôi. Nhưng tôi vẫn không thể hạnh phúc được, vì còn đứa trẻ này tôi không thể bỏ. Bà giảng giải rằng gần đây ông sĩ quan kia và bà về đây, ở tạm nhà một người bạn của ông ấy, nhưng tôi rất lo chồng tôi sớm muộn sẽ biết... chúng tôi sắp phải đi và tôi sẽ lại phải xa con gái tôi.
- Biết làm sao được! Bà đã làm trái bổn phận, đã vi phạm pháp luật và đạo đức của tôn giáo thì bà phải chịu sự trừng phạt thôi.
Bà quý phái lại òa khóc nức nở và rên rỉ mỗi lúc một thảm thiết hơn. Rồi đột nhiên bà giúi tiền vào tay tôi. Hôm cuối cùng bà đến để chào tôi và bà nói:
- Cậu I-van này, - bà đã biết tên tôi. - Nghe tôi nói đây. Lát nữa ông ấy sẽ đích thân đến đây gặp cậu.
Tôi hỏi:
- Ông nào?
- Ông sĩ quan ấy.
Tôi bảo:
- Gặp tôi để làm gì?
Bà bèn kể rằng, đêm hôm trước ông sĩ quan đánh bạc gặp may, được một số tiền rất lớn. ông ấy định biếu tôi một ngàn rúp và xin tôi trao đứa con gái kia cho mẹ nó.
- Không được đâu - tôi đáp.
- Tại sao, I-van? Tại sao vậy? - Bà ta năn nỉ. - Cậu không thương tôi và cháu bé ư, mà bắt mẹ con tôi cứ phải xa nhau như thế này?
- Thương hay không, tôi cũng không đời nào chịu bán chác bản thân tôi, dù giá có cao đến mấy. Cho nên xin ông sĩ quan cứ giữ lấy số ngàn rúp của ông, còn tôi cũng cứ giữ con gái bà.
Bà khóc nhưng tôi nói:
- Bà đừng khóc nữa, bởi vì cũng không chuyển được ý tôi đâu.
Bà bảo:
- Cậu độc ác lắm!
Nhưng tôi trả lời:
- Tôi không độc ác đâu, mà tôi theo đúng bổn phận. Tôi đã nhận lời trông nom đứa trẻ thì tôi phải giữ gìn nó.
Bà cố thuyết phục tôi rằng bà trông nom đứa trẻ chu đáo hơn tôi.
- Điều ấy - tôi đáp - Không thuộc phạm vi tôi.
- Chẳng lẽ cậu bắt tôi lại phải xa con tôi nữa hay sao? - Bà hét lên.
- Không còn cách nào khác, - tôi nói. - Nếu như bà đã coi thường luật lệ và tôn giáo...
Nhưng tôi chưa kịp nói hết câu định nói thì đã nhìn thấy một sĩ quan khinh ky binh xuất hiện trên đồng cỏ đang đi về phía chúng tôi. Hồi ấy các sĩ quan đều mặc quân phục thực sự chứ không phải như bây giờ, họ mặc không khác gì nhân viên thư ký là mấy. Ông sĩ quan ky binh ấy đi dáng hiên ngang, hai tay đặt hai bên sườn, áo ca-pôt khoác trên vai... ông ta không có vẻ khỏe lắm nhưng dáng thì rất oai... Nhìn thấy ông ta, tôi nghĩ bụng: "Đang buồn vớ được ông này mà tiêu khiển cũng thú đấy!" Tôi dự định hễ ông ta thốt lên một lời nào thiếu lễ độ, tôi sẽ mắng lại ngay và kiếm cớ đánh nhau một chuyến xem sao. Hý hửng với cái dự định ấy, tôi không còn nghe thấy bà quý phái kia khóc lóc năn nỉ những gì nữa mà chăm chú vào trò chơi sắp tới.