Hôm nay tóc tôi màu vàng

Chương 6

Docsach24.com

Thứ Ba ngày 12 tháng Tư năm 2005

iệc mọi thứ giờ đều trở nên khác trước không chỉ thể hiện qua triết lý sống mới của tôi mà qua cả cái giỏ đựng đầy tóc giả. Tuy nhiên vẫn còn một số thứ không hề thay đổi. May mắn thay! Giống như trước kia tôi vẫn tè trong khi tắm. Một cảm giác thật tuyệt khi được “xả” thỏa thuê và trút hết mọi thứ xuống dưới. Hôm qua tôi ăn món măng tây. Hôm nay lần đi tè vào buổi sáng khiến tôi nhớ lại món đó. Vậy đó, có một số thứ sẽ chẳng bao giờ thay đổi.

Tôi chưa bao giờ đánh mất sự bình thản vào buổi sáng. Ý tôi là sự kiên nhẫn để trang điểm cho mình. Chỉ một chút kẻ lông mi và bôi phấn hồng. Tôi yêu buổi sáng, nhưng phải là buổi sáng trong quán cà phê với tờ báo và tách cà phê trên tay hoặc một tách trà xanh thì còn tốt hơn nữa. Chứ ngồi đừ một chỗ để trát kem và các loại make-up khác lên mặt, đó không phải là tôi.

Tháng Tư năm 2005, tôi là một trong số những phụ nữ đổi vẻ đẹp tự nhiên của mình để lấy bột phấn và bút kẻ mắt từ cửa hàng DA. Tôi bắt đầu với lông mày. Với chiếc bút kẻ mắt giá 42 euro tôi thận trọng trang điểm cho hàng lông mày. Từ những đường kẻ đen dầy mà tôi từng sở hữu giờ đây chỉ lại còn vài sợi mày lưa thưa. Còn bao lâu nữa tôi sẽ trở thành cô Moneypenny?(4) Tiếp theo là bút kẻ phấn than vào cuộc. Mớ lông mi mà lẽ ra tôi có thể để dài hơn giờ đã biến mất. Mà cũng chẳng sao, phấn than trông cũng không đến nỗi.

4. Nhân vật nữ thư ký trong loạt phim về Jame Bond.

Tôi chọn Sue bởi hôm qua tôi đã là Daisy. Biến hóa và phối màu, tôi là chuyên gia trong những việc đó.

Trên phố Gravenstraat tôi cùng Rob, Jochem và Jan ngấu nghiến xơi món bít tết. Kể từ khi bị chẩn đoán ung thư, nhịp sống của tôi và Jan dường như giống nhau. Anh ấy thường dậy sớm hơn tôi nhưng chúng tôi luôn đi ăn cùng nhau. Anh ăn trưa, còn tôi nửa là ăn trưa nửa là ăn sáng. Sau một tua mua sắm ở khu chợ trên phố Haarlemmerstraat chúng tôi chia tay nhau. Là người dẫn chương trình truyền hình thành công và một gã đồng tính thích được ở một mình, anh biến mất vào phòng làm việc của mình. Từ một vài ngày nay tôi cũng sinh hoạt tương tự như anh ấy. Đầu tôi ngày càng nghĩ ra nhiều thứ và tôi không muốn đánh mất mạch sáng tạo đó.

Nhịp sống của Rob cũng tương tự vậy, trừ khi anh ấy không phải tới trường quay chương trình Hart van Nederland hoặc không phải đến các vùng sâu vùng xa để quay chương trình thời tiết của Piet Paulusman. (Rob còn là một nhà quay phim tự do).

Trong bộ ba này Jochem là người ít thành công nhất. Việc ăn không ngồi rồi khiến anh ấy phát điên và trông anh như thể muốn “tậu” cho mình một cuộc sống khác có nhiều việc để làm hơn vị bác sĩ của tôi. Anh ấy gắn bó thường xuyên với các quán bar lạ thay vì với các quán mà anh hay lui tới. Jochem là người tôi quen lâu nhất. Cho đến một năm trước chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc, giờ thì chỉ hằng tuần song chúng tôi vẫn rất quý mến nhau.

Tôi thường xuyên gặp gỡ Jan, Rob và Jochem và tôi cũng thưởng thức cuộc sống bệnh nhân của mình thường xuyên hơn. Cả ngày tôi chỉ uống trà bạc hà trong quán bar và luôn được người khác trả tiền hộ.

Jan nói anh đã viết gì đó về những ngày mà chúng tôi lo lắng chạy toán loạn trong khu với những suy nghĩ rối bời. Hai ngày sau tin xấu đó chúng tôi gặp nhau ở Harkema - một quán bia trong ngõ Nes. Cũng giống Franken và Kok, Jan, Rob và Jochem cũng xin nghỉ việc vào ngày đó để chúng tôi có thể gặp nhau tại phòng tập thể hình của Marcel trong khách sạn Barbizon. Hôm đó chỉ với rượu vang, khoai tây chiên và thuốc lá, lần đầu tiên chúng tôi lại cùng nhau có được cơ man nào là trò vui. Nhất là khi Jochem và Franken làm động tác đóng giả điệu bộ của Rob và Kok, tôi gần như chết vì cười.

Thật hay khi nói rằng ngày đó tất cả chúng tôi đều cô độc trong sự hoang mang của mình, không chỉ riêng mình tôi cho dù đôi lúc tôi có cảm thấy vậy. Có lẽ chính vì vậy mà chúng tôi cảm thấy bên nhau thật yên bình. Chúng tôi cảm nhận được những chuyển động và cơn bất tỉnh tương tự nhau, khóc những giọt nước mắt giống nhau. Đến bây giờ tôi mới thấy rõ được điều đó.

Khi bên nhau, tôi là người hoàn toàn khác. Một người ở nơi mà anh ta cần đến chứ không phải ở nơi mà anh ta không nên ở. Tôi thấy ngạc nhiên vì ở cái tuổi này tôi lại có thể thẳng tay vứt đi niềm thôi thúc được thấy và khám phá càng nhiều càng tốt mà không phải từ bỏ việc được khám phá một giây nào cả. Tôi không còn dám nhìn vào xa xôi, không còn dám tìm kiếm những nơi thực tập hoặc tìm kiếm những thứ có thể sẽ làm sơ yếu lý lịch và danh thiếp của mình trông đẹp hơn. Chính vì vậy tôi thích thú với mọi thứ như không có ngày mai. Tôi không chỉ thích thú với một ngày của mình, tôi còn thưởng thức bữa sáng, tách cà phê, ly cốc tai, cốc rượu vang, bữa ăn trưa bên ngoài cùng ánh mặt trời hoặc nếu trời mưa, tôi thích thú với vầng mặt trời đêm và với cơn dông. Tôi thích thú, thích thú, thích thú. Phần để trống trong cuốn lịch đã dày đặc những khoảnh khắc thích thú đó của tôi. Tôi ở lại trong những trang trống này. Tôi đã tìm ra sự thanh bình mà tôi không bao giờ muốn đánh mất.

Rob làm đứt quãng mạch suy nghĩ của tôi. “Tóc em trông rất đẹp đấy. Trông em thật tuyệt. Hoàn hảo, thật đấy.” Cả gương mặt tôi bừng nở một nụ cười. Tôi và Rob chỉ là bạn, không phải tình nhân song từ ngày đầu quen nhau chúng tôi đã rất quấn quýt. Anh ấy rất bảnh trai và tay tôi luôn tìm tới tay anh ấy khi chúng tôi dạo bộ trên phố. Rồi cả ngày đó chúng tôi cười nói rôm rả, chuyện trò ầm ĩ dù có hay không có Jan. Thậm chí còn có cả chút ghen tuông khi người này thấy người kia ngồi tán tỉnh ai đó trong quán cà phê hè phố. Đơn giản là chúng tôi thuộc về nhau.

Với Sue hôm nay tôi cảm thấy khác hôm qua khi còn là Daisy. Bộ tóc đỏ không chỉ tạo ra những chuyển biến mới mà tôi còn cảm thấy mình như một tip phụ nữ khác. Bướng bỉnh song cũng đầy tự tin. Thật ngạc nhiên khi tóc đỏ mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc như vậy. Người ta thấy Sue là một cô gái bốc lửa khi bước vào quán bar và chính tôi sau đó cũng cảm thấy như vậy. Những người đàn ông cô đơn ở quán bar giờ lại có lý do để bắt chuyện tán tỉnh tôi.

“Này cô em, mớ bờm hoang dại này vẫn chưa chịu buông tha nhỉ”, một người đàn ông ngồi một mình ở quán bar nói.

Tôi tham gia vào trò đùa cợt này và giũ mái tóc cho nó thêm bồng bềnh. Jan và Jochem bật cười còn Rob thản nhiên quan sát cảnh này. Khi đội tóc vàng tôi cảm thấy mình sexy và được chú ý nhiều hơn, nghĩa là giống với con người thật của tôi hơn bởi tôi rất thích cảm giác mình là một cô gái sexy và gây được chú ý. Song thật vui khi thấy màu tóc đỏ cũng mang lại hiệu quả. Cơ mà người ta sẽ thấy tôi là người thế nào khi tôi bước vào với một mái đầu trọc? Chắc chắn là không sexy, chẳng rực lửa mà cũng không nữ tính. Chỉ là trọc.

Đã có nhiều thay đổi trong cuộc sống của tôi, trong con người tôi cũng vậy. Một mái đầu lạ lẫm trong chiếc gương của tôi. Tôi không còn nhận ra mình nữa. Giữa tôi của ngày xưa và tôi của hôm nay là những thế giới khác nhau. Nhưng với các kiểu đầu khác nhau người ta học được cách nhìn vào mình một cách đúng đắn. Đó là tôi, đó là tôi, đó thực sự là tôi.

Thứ Sáu ngày 15 tháng Tư năm 2005

“Sophie!”

Tôi đang đứng trước cửa nhà Hildus. Khi tôi vừa chuẩn bị bấm chuông thì nghe thấy tiếng ai đó gọi tên mình.

Với chiếc túi màu xanh trắng đầy ắp đồ vừa đi chợ, Hildus lao nhanh về phía tôi. Cậu ta nhìn tôi dò xét. “Đúng là cậu rồi. Tóc mới à?” Có vẻ Hildus còn chưa biết gì nên tôi giả bộ. “Ừ”, tôi nói bằng một nụ cười có phần ngượng nghịu. Nụ cười đó biểu lộ sự thiếu tự tin của tôi. Hildus có vẻ không hài lòng. Cậu ta nhìn chằm chằm quan sát mái tóc mềm mại của tôi, trông nó tự nhiên như mái tóc của nữ hoàng Hà Lan.

Tôi hẹn hò với một chàng trai, người không mảy may về tôi. Thật ghê rợn, hẹn hò với một cái đầu bệnh ung thư. Lần hẹn hò và ngủ nghê với một người đàn ông gần đây nhất của tôi là ở New York trong và sau đêm đón Giáng sinh với Annabel. Kể từ ngày bị chẩn đoán ung thư tôi không còn qua lại với đàn ông và ngược lại. Hildus, cậu thanh niên đang đứng cạnh tôi chưa biết gì cả. Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau là vào tháng Mười hai trong câu lạc bộ NL ở Nieuwezijdsvoorburgwal trước khi tôi bay sang New York thăm Annabel. Sau đó chúng tôi có hẹn hò nhau một vài lần nữa, trao đổi số phôn, hứa sẽ gọi cho nhau song chưa bao giờ thực hiện được.

Cũng trong buổi tối đó tôi vô tình gặp lại người yêu cũ của mình, đã hơn hai tháng nay tôi không còn biết chút tin tức gì về anh ấy. Nghĩ về từ “quan hệ yêu đương” là tôi nghĩ ngay tới anh ấy. Chúng tôi yêu nhau được một năm và thực sự dành nhiều thời gian cho nhau. Buổi sáng chúng tôi chạy bộ trong công viên Vondelpark hoặc ở Amsterdamse Bos, sau đó ăn sáng, check mail, và nếu còn thời gian chạy sang quán Brandmeesters để uống ly cà phê. Mười rưỡi là anh phải có mặt ở phòng tranh còn nửa tiếng sau đó tôi phải tới trường. Nửa tiếng là đủ để có thể đi từ căn hộ của anh ấy tới buổi hội thảo đầu tiên của tôi. Anh ấy cũng đi Ấn Độ cùng tôi và tôi còn muốn cùng anh đi thăm miền Nam nước Pháp. Lý lịch và bè bạn của chúng tôi khác nhau đến nỗi chúng tôi phải lòng nhau gần như lập tức. Song thỉnh thoảng cũng có hiểu lầm và cãi vã. Chúng tôi tiếp tục mối quan hệ của mình cho tới khi anh ấy nhận ra rằng khoảng cách giữa chúng tôi là quá lớn. Rồi anh ấy quyết định chấm dứt mối quan hệ với tôi. Khi đó tôi mới 20, còn anh ấy đã 30.

Kể từ khi chúng tôi thôi nhau, mối liên lạc cũng gần như hoàn toàn bị cắt đứt. Nhưng lúc này, khi tôi đang phải chống chọi với bệnh ung thư, tôi rất hy vọng nhận được tin về anh, hay một tấm bưu thiếp, một tin nhắn cũng đã là đủ. Tôi muốn nói cho anh biết rằng tôi đang khỏe mạnh. Rằng tôi vẫn ăn, vẫn cười và đạp xe đạp khi thời tiết cho phép. Và rằng tôi đã có những cuộc hẹn hò mới như tất cả những người bình thường khác.

“Trông tóc cậu cứ như tóc giả ấy.”

Câu nói đó như một cú đòn giáng xuống làm mắt tôi ươn ướt. Tôi lấy tay dụi mắt thật nhanh và nuốt vội miếng bánh bao.

Trông như tóc giả. Quan điểm của Hildus về kiểu tóc mới của tôi là vậy. Đau đớn thật. Tôi cảm thấy như có một cú đánh trúng giữa đầu mình. Blondie vẫn đang được xịt keo hình như cũng xẹp xuống như một đống nước ô xy già buồn bã. Tôi đã mất ít nhất ba ngày qua sửa sang mái tóc để hôm nay đội. Tôi chọn Blondie bởi nó giống với tính cách của tôi nhất.

Trông như tóc giả.

Tôi cố gắng giấu đi cơn bối rối của mình bằng một nụ cười ngượng ngịu. Càng ý thức rõ hơn về mớ tóc giả của mình, tôi càng cảm thấy có phần bất ổn trên chiếc tràng kỷ. Lần này đối diện với tôi không còn là một nhà kinh doanh thành đạt mà là một vận động viên lướt ván nghiệp dư, một nhà tấu hài và một nhà văn. Tất cả những từ đó nghe thật thú vị. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng bằng cách dính một miếng giữ đặc biệt - một phần của bộ tóc giả giá 800 euro của tôi - vào cái đầu trọc của mình. Không, tôi không có gì phải lo lắng về việc tôi bị rụng tóc. Mà nên lo lắng về lọ dầu nhựa thơm đặc biệt - cũng là một món quà - bỗng dưng mất tác dụng kia và việc đó làm mất đi độ dính của mái tóc giả. Tại sao tôi lại đi hẹn hò trong khi trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất: tôi bị bệnh, tôi khác mọi người và tôi cô đơn.

“Một ly vang nhé?”

“Không, cảm ơn cậu. Cho tớ một ly nước cà chua có vắt chanh.”

Hildus yêu thực vật. Lá cây bám đầy tóc tôi. Cảm giác tự do tự tại của những nhánh xuân non trên tóc thật tuyệt vời. Cậu ta sống bên bờ kênh đào Prinsengracht đoạn nhìn sang phố Leidsestraat sôi động.

Cậu ta đứng sát tôi trong bếp. Rau vẫn còn chưa được bỏ vào chảo.

“Nói chuyện trước đã”, tôi nghe thấy mình lẩm bẩm. Giỏi lắm Sophie, một nước đi tốt.

Cậu ta lôi ra hai chiếc xúc xích chay và lên lớp về ý nghĩa của thiên nhiên và của tất cả những gì có màu xanh. “Cậu có biết mình ăn những gì vào người không? Thái độ của cậu với động vật thế nào?”

AH, tôi đọc được trên gói xúc xích. Đó là tên một siêu thị. Hildus biết rằng tôi chẳng rõ điều gì cả. Tôi đặt mình ngồi lại lên chiếc tràng kỷ trong phòng.

Từ trong bếp cậu ta đi ra với hai chiếc đĩa trên tay và sau đó ngồi xuống cạnh tôi.

“Cậu có Ketchup không?” Tất nhiên là tôi thích ăn những đồ có lợi cho sức khỏe và một chút sản phẩm sinh thái nữa. Song xúc xích chay thì tôi không thể hiểu nổi. Vô vị!

Hildus đi vào bếp rồi quay lại với một chai Ketchup. Lần này cậu ta ngồi sát tôi hơn nữa và tìm cách hôn tôi.

Liệu tôi có muốn điều đó? May thay cậu ấy đã hỏi tôi. May thay mớ lông mi của tôi vẫn còn lưa thưa và đống lông mày nực cười kia không biến tôi thành một con mụ xấu xí. Và may thay phấn trang điểm cũng ngụy trang cho tôi được nhiều. Thận trọng, tôi dịch người sang một bên trên chiếc trang kỷ bụi bặm, cách Hildus khoảng nửa mét. Hildus thích ăn giá đỗ, tôi ngửi thấy mùi ấy khi cuối cùng môi cậu ấy cũng chạm vào môi tôi. Tôi không thể tránh được. Hildus thích vuốt tóc và mái tóc giả của tôi sẽ không tránh khỏi bàn tay cậu ấy.

Trước khi mọi chuyện vỡ lở và Sophie tóc vàng trở thành Sophie đầu trọc, tôi phải khai ra tất cả.

Hildus há hốc miệng.

Tôi cũng vậy. “Tớ nghĩ tớ phải nói với cậu điều này.”

Hildus im lặng.

“Tớ bị bệnh. Ung thư. Cậu đã đúng về tóc giả. Tớ bị trọc hoàn toàn.”

Tôi chờ thêm vài ba giây nữa. Không có gì xảy ra.

“Chính vì vậy mà tớ giữ khoảng cách với cậu. Ngạc nhiên chứ? Sao cậu chẳng nói gì thế? Cậu sợ à?”

“Không, không phải vậy. À mà có, hơi sợ một chút, nhưng không sao. Tớ vẫn muốn hôn cậu như trước đó.”

“Thật chứ? Thế còn mớ tóc giả? Và mái đầu trọc lốc của tớ? Và còn có thể tớ sẽ chết?”

“Thì sao nào? Dù gì thì cậu vẫn là Sophie.”

Tôi im lặng. Sau đó lại cười. Đó chính là điều tôi muốn được nghe. Tôi cúi người về phía trước rồi hôn Hildus, trong nụ hôn đó có cả sự biết ơn lẫn đắm say. Sau đó tôi phải chuồn.

“Cậu không ở lại qua đêm ư?”

“Không.”

“Tại sao không?”

 “Vì tớ mang một cái đầu trọc. Tóc giả của tớ thì nếu cử động quá mạnh nó sẽ rơi ra. Tớ không thể nằm ôm cậu với một cơ thể toàn tế bào ung thư, cả hiển hiện lẫn vô hình. Tớ nằm ở nhà với Saartje thì tốt hơn là nằm với cậu.”

“Saartje?”

“Là con mèo của tớ.”

“Lại đây nằm cạnh tớ một chút đã.”

“Không.” Tôi nhìn thẳng vào cậu ấy. “Tớ không thể, tớ không muốn. Cảm ơn vì buổi tối nay.”

Tôi trao cho cậu ấy một nụ hôn rồi đứng dậy và đi ra phía cửa. Tôi phát tín hiệu rằng tôi vẫn có thể, rằng tôi trông vẫn hấp dẫn. Người ta vẫn huýt sáo chọc ghẹo tôi. Tôi vẫn còn có ích. Thật tuyệt vời khi những cuộc hẹn hò như vậy và tất cả những điều thuộc về chúng giờ đây bỗng trở nên vụn vặt. Tôi bị bệnh nhưng tôi không khác mọi người và không cô đơn.

Thứ Năm ngày 19 tháng Năm năm 2005

Tôi cảm nhận được rằng Lance thấu hiểu tôi. Tôi cũng rất hiểu anh ấy. Những điều tương tự như vậy sẽ ngay lập tức gắn kết con người ta. Mỗi lần phóng qua thành phố trên chiếc xe đạp địa hình của mình tôi lại nghĩ về câu chuyện của anh ấy. Tôi cảm thấy mình như được anh ấy dẫn đường. Bất bại. Không ai có thể nghĩ, chứ đừng nói là tin, rằng tôi bị bệnh nặng. Một cơn gió thổi qua khiến tôi phải dùng tay phải giữ tóc và váy. Một tiết mục nghệ thuật ấn tượng mà cho đến nay tôi vẫn chưa diễn thành công. Lúc đạp qua Westeninde, Blondie suýt bị gió thổi bay xuống sông Amstel. Đi qua lối có con đập cũng không còn an toàn. Giá như tôi cố gắng luyện tập thêm chút nữa lúc còn là một cô nhóc.

 Còn hôm nay tôi nằm trong phòng bệnh, cô đơn và uể oải. Tuần thứ 16 đã bắt đầu và đây là tuần thứ tư của tôi ở trạm C6. Mọi thứ diễn ra thật nhanh, nhất là khi tôi nghĩ đến việc khoảng hơn hai tháng nữa người mình sẽ không còn nồng nặc mùi bệnh viện. Không bao giờ nữa. Tôi không dám tin vào điều ấy. Cuối tháng Bảy là xong tuần thứ 27, sau đó tôi chỉ còn phải điều trị ngoại trú. Đến bệnh viện rồi được về nhà trong ngày.

Có ánh mặt trời. Ngay cả ở trong bệnh viện OLVG. Tôi là người lạc quan. Ngoài cuốn sách của Lance Amstrong tôi còn mang theo mình một cuốn của Primo Levi và một cuốn của Heleen van Royen. “Để thay đổi không khí”, tôi giải thích vậy trước ánh mắt ngạc nhiên từ phía vị bác sĩ. Khi giở cuốn sách về Primo Levi tôi thấy một bài thơ rơi ra ngoài. Đó là bài “Ithaka” của Konstantinos Kavafis. Mật sau tờ giấy là bức thư của Jaap, một người bạn học tôi quen ở khoa Chính trị.

Sophie thân,

Đây là bài thơ “Ithaka ” của Konstantinos Kavafis.

Hãy đọc nó khi cậu sợ hoặc cậu buồn.

Tớ không biết sau khi đọc nó cậu có vui hay không, nhưng cũng không nhất thiết phải vậy.

Bài thơ này dạy chúng ta cách yêu cuộc sống, cho dù nó đã thế nào, đang thế nào và sẽ thế nào.

Khi cậu đọc bài thơ; hãy nghĩ tới đất nước Hy Lạp cố đại, đất nước của Homer và Sokrates, đất nước, nơi sự khuất phục trước số phận và sự thông thái cùng song hành.

Hơn hết, hãy nghĩ đến nguồn gốc tên của cậu, chính những bậc hiền triết(5) là những người đầu tiên không chịu đầu hàng trước số phận.

5. Tiếng Đức: Sophisten.

Họ luôn tìm cách hiểu ra điều cần làm để vượt qua số phận.

Hãy làm vậy và nhớ một điều rằng cậu phải khỏe trở lại!

Thân mến!

Jaap

Tại sao ở đây không có những chiếc giường kiểu Pháp? Nếu vậy hằng ngày Jaap đã có thể ngồi đọc cho tôi nghe các tác phẩm của Vergil, Primo Levi, Spinoza và Rousseau mà cậu ấy ngưỡng mộ. Không phải triết học sẽ làm tôi khỏe lên song chắc chắn nó sẽ giúp quên đi thời gian. Mà tại sao tôi lại phải đổi bác sĩ K lấy bác sĩ L? Tại sao trong cuộc sống của tôi lại có nhiều bệnh viện đến nỗi tôi phải tìm kiếm tình yêu nơi các bác sĩ?

Trong lúc còn đang được truyền nước, tôi quan sát thấy những bóng áo bờ lu trắng đi ra rồi lại đi vào: các y tá, các thực tập sinh, những bác sĩ trong khoa và hơn hết là vị bác sĩ của tôi. Từ giường mình tôi thấy những điều đang diễn ra giống như một màn kịch câm. Giờ đây tôi có khả năng nhận ra ai là bác sĩ có kinh nghiệm, còn ai vẫn đang phải tra cứu sách.

Tôi nghe lén được cuộc đối thoại giữa các y tá. Tôi biết hết mọi chuyện và mưu mẹo, những thứ thường chỉ diễn ra trong đầu tôi.

“Cuối tuần của cậu thế nào? Vẫn phải làm việc à?”

“ Ừ, nhưng không phải trên khoa mà ở quán Paradiso.” Chị y tá Esther không chỉ chăm sóc bệnh nhân mà còn làm cả nghề DJ.

“À, rồi sao? Có nhiều chàng đẹp trai chứ?”

“Cậu còn nhớ Gerard chứ? Cái cậu mà năm ngoái được chuyển vào đây vì bị ung thư tuyến tiền liệt ấy. Cậu ta hôm ấy cũng nhảy ở đó, ngay trước mặt tớ. Trông tuyệt lắm.”

“Thật chứ? Tuyệt.”

Tuyệt vời. Tuần sau sẽ đến lượt tôi. Nhưng trước tiên hãy nói tới bác sĩ K, người đã đưa tôi từ bóng tối - lúc đó tôi nhắm mắt - tới một ham muốn cháy bỏng: bản năng sống đích thực.

Tôi tưởng tượng không chỉ cho mình mà cho cả những người đến thăm mình. Lẽ ra phải được nghỉ ngơi dưới ánh mặt trời, họ lại đứng cần mẫn bên giường của tôi. “Bên ngoài trời đẹp đấy nhỉ?” hoặc khi trời mưa: “Đang mưa à?” bằng giọng hồ hởi nhất của mình.

Sẽ chẳng ra gì nếu tôi không tham gia vào cuộc đối thoại. Tôi biết được điều đó nhờ những lần đến thăm bà cô, người trải qua phần lớn đời mình trong bệnh viện. Ở đó tôi ngồi cùng gia đình mình, nói chuyện xã giao mà thực ra đầu óc tôi cũng chẳng chú tâm. Quá sức và thiếu thoải mái. Nhưng người nằm trên giường mới là người cảm thấy ít thoải mái nhất.

Và giờ người đó là tôi. Chính vì thế tôi quyết định chỉ để một số ít người tới thăm mình. Tôi không cần mọi người lũ lượt kéo đến thăm tôi chỉ để giết thời gian. Chỉ có gia đình, bạn bè và những người có thiện chí, những người mà sau đó sẽ trở nên thân thiết với tôi hơn. Tôi thực sự đâu cần những bối rối ở cuối giường kia. Tôi thích được ở một mình và đọc sách về Lance, người cũng đã từng phải nằm ở một nơi tương tự, trên đầu là một bình truyền tương tự và có những suy nghĩ tương tự. Lance Amstrong của tôi. Để giết thời gian anh ấy đã nôn đầy những chiếc xô. Còn tôi thích viết, chơi sudoku và nghĩ về bác sĩ K hơn. Lance giờ đã quay trở lại với chiếc xe đua, lại vô địch Tour de France. Còn tôi, tôi đi xuống cuối hành lang để chuẩn bị một cuộc dạo bộ ngắn. Tuy không phải là một tay đua xe đạp song tôi cũng biết cách nhìn về phía trước. Giống như Lance. Lance, mẫu mực của tôi, thần tượng của tôi, người bạn của tôi.

Tôi đâu có cần nhiều người cùng cảnh ngộ thế này. Đâu cần một phòng đầy ắp những mái đầu trọc mang mầm bệnh ung thư hoặc một buổi cuối tuần học về nhận thức với một đạo quân tóc giả tại một nhà nguyện ở Amersfoort. Tôi chỉ cần cuốn sách về Lance Amstrong. Tôi đã xem nhiều trang web khác nhau về ung thư, hơn hết là về những người trẻ tuổi bị bệnh này. Bệnh ung thư có thể làm con người ta thấy khá đơn độc. Những người khác vẫn đang mải miết với việc của họ, những việc mà mới đây đối với tôi vẫn còn rất quan trọng. Còn tôi phải nằm đây, phải trì hoãn những khao khát bỗng trở thành thứ yếu và tìm cách sống sót. Bên một chiếc ống dẫn sùi bọt vô nghĩa.