Hôm nay tóc tôi màu vàng

Chương 5

Docsach24.com

hứ Tư ngày mùng 6 tháng Tư năm 2005

Không chỉ bố tôi mới có vấn đề với việc kết hợp màu sắc. Nội thất của bệnh viện OLVG cũng không hề chịu thua kém ông. Cách phối màu sơn ở khoa phổi có vẻ được tuân theo những tiêu chí về tâm lý học. Những khung cửa sổ màu vàng mà người ta nghĩ sẽ giúp tôi cảm thấy bình thản hơn tương phản với màu xanh nước biển của căn phòng. Sự bất ổn mà tôi cảm thấy trong những ngày điều trị bên bác sĩ K không phải xuất phát từ những mũi kim tiêm dài nhọn mà từ sự tương phản màu sắc này. Còn ở trạm C6 này hình như người ta không để những người có trình độ được thử tay nghề. Thay vào đó họ tự chọn màu tím nhạt và màu xanh da trời, một sự kết hợp làm tôi nhớ như in những phòng học ở trường phổ thông. Chắc ở đó người ta cũng nghĩ sự kết hợp này sẽ giúp học sinh ngồi bên trong cảm thấy bình thản.

“Ngạc nhiên chưa!” tôi nói khi nghe thấy câu “Chào trọc” của Bas ở trạm C6 song ngay sau đó anh lại thấy một Sophie với mái tóc đỏ hoe. Tôi gọi trạm C6 là trạm an dưỡng và điều này cũng chẳng xa sự thật là mấy. Ở trạm an dưỡng người ta được nghỉ ngơi hồi sức để ra về với tình trạng tốt hơn lúc đến, ngoài ra người ta còn được chăm sóc chu đáo. Ở chỗ y tá Bas và các y tá khác cũng tương tự như vậy.

“Tim, bàng quang và cật phải được để mắt đến. Em có cảm thấy khó chịu ở chỗ nào đó không?” y tá Pauke hỏi.

“Khó chịu ạ? Ở tim? Không hề, chỉ có điều em không nhịn đi tiểu lâu được. Thỉnh thoảng còn bị rỉ ra vài giọt như mấy cụ bà trong một quảng cáo trên truyền hình.” Nếu việc đó xảy ra tôi chỉ cần dùng băng vệ sinh của hãng Tena thay vì của hãng Libresse.

Bác chọc tôi vì chuyện đó và tiến vào phòng tôi trước. Tuần thứ ba ở bệnh viện đã bắt đầu. Những đợt hóa trị hằng tuần bằng thuốc gây nghiện Vincristin và một loại thuốc khác nữa mà thứ Hai nào tôi cũng phải trải qua một tiếng điều trị giờ đã là quá khứ. Giờ cứ ba tuần tôi đến điều trị một lần để được tiêm thuốc diệt u bướu.

Sau gần một nửa thời gian điều trị trong bệnh viện giờ tôi được chuyển vào một căn phòng đa giường bệnh. Cho đến lúc này độ tuổi của tôi đã trở thành thứ vũ khí lợi hại bảo vệ tôi khỏi căn bệnh quái ác. Ở khoa này chỉ có bốn phòng đơn, chúng được dành sẵn cho những bệnh nhân cần được cách ly hoặc cho những bệnh nhân vô phương cứu chữa và các trường hợp đặc biệt khác. Tôi thuộc về các trường hợp đặc biệt song tiếc là lần này có quá nhiều bệnh nhân của nhóm kia nên tôi bị chuyển về căn phòng cùng các bệnh nhân ung thư khác.

Giường tôi nằm giữa giường của hai mợ “quàng quạc”. Thỉnh thoảng tôi lại trao đổi ánh mắt với người đàn ông ở giường đối diện, người đã từ vài ngày nay phải tiêu hóa những cuộc buôn chuyện nóng hổi có cấp độ của hai mợ kia. Độ tuổi trung bình trong phòng tôi là 71, song tôi đã làm cho nó giảm xuống còn 58 tuổi rưỡi.

“Xin chào và chúc một buổi sáng tốt lành. Ai muốn uống gì nữa không?”

Không ai lên tiếng.

“Mọi người đừng muốn tất cả một lúc nhé”, cô phục vụ cà phê tếu. Vẫn không ai lên tiếng, có vẻ mọi người thích bị khát hơn. Tuy nhiên trà và cà phê vẫn được rót ra. Bên cạnh đó, tôi còn đang bị cột vào thanh truyền nước vậy mà một người không lấy gì làm dễ chịu nào đó lại đùa cợt một cách vô cảm để quấy rầy tôi. Tôi bảo vệ mình bằng tấm khăn lau và chiếc khăn trùm đầu để mọi thứ được hoàn toàn tiệt trùng.

Ngồi cạnh là mẹ tôi. Một người mẹ ân cần và tận tụy. Không ngày nào mẹ tôi không tô son đỏ.Bà là người đầy nghị lực, hiện đại và rất bộc trực, đặc biệt khi điều đó liên quan đến sức khỏe của con gái mình. Những thực tập sinh phải gườm bà, các trợ lý bác sĩ cũng phải nể. “Cô biết điều này rõ chứ? Bác sĩ L biết điều đó chứ?” Hoặc khi chuẩn bị tiêm: “Nếu cô không chắc là sẽ thành công ngay ở lần đầu tiên thì tốt nhất là hãy gọi thêm một đồng nghiệp khác.”

Bà túc trực bên giường tôi như chàng kỵ sĩ canh pháo đài, như con sói mẹ bảo vệ hai đứa con sinh đôi của mình giống bức tượng từ thời La Mã. Đôi lúc cũng thật khó khi ở cùng bà trong một nơi bất tiện thế này. Bởi bà sẽ thấy tôi nhăn nhó vì đau đớn như thế nào khi bắt đầu được truyền nước, hoặc nụ cười của tôi sẽ biến mất như thế nào khi điều gì đó tồi tệ xảy ra. “Chết tiệt” và “Đồ ngu” là chất thơ của mẹ tôi khi bà lo lắng. Khi đó cả bệnh viện sẽ là đồ chết tiệt và cả thảy những người có mặt trong đó, kể cả các bà bán cà phê đều là đồ ngu.

Bác sĩ L ghé thăm. Ông thích đến cùng các thực tập sinh giỏi nhất của mình để trong lúc nghỉ trưa ông có thể khoe với họ về kiến thức của mình trong khi mồm còn nhồm nhoàm nhai chiếc bánh mì nhân pho mát.

“Cháu bây giờ khó nhận ra thật đấy. Liệu đó có phải là thành tích mới thu lượm được của cháu?”

Ông cười pha trò và đi thẳng vào vấn đề.

Tôi kiêu hãnh gật đầu. “Tên nó là Blondie.”

Blondie đung đưa trên thanh truyền chất lỏng, thứ tôi cũng dùng để treo quần áo. Chiếc áo choàng mặc sau khi tắm cũng treo trên đó, cả một cái túi màu vàng nữa. Các thực tập sinh cười khúc khích. Bác sĩ L cũng cười. Trò biến hóa nổi tiếng của tôi càng được thêm nhiều người biết đến.

Tuy những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi chỉ thuần túy về y học song mối quan hệ của chúng tôi lại rất cá nhân. Ít nhất là tôi thấy thế. Những giờ phút mà tôi đã, đang và sẽ ở bên bác sĩ L là những giờ phút chân thành nhất của cuộc đời tôi.Ông biết rõ mọi trạng thái tình cảm của tôi, những giọt nước mắt, nỗi sợ và cả niềm vui của tôi. Và cả những lời càu nhàu khi tôi nguyền rủa ông cùng căn phòng màu trắng và chiếc bút bi Suriname chết tiệt của ông.

Tôi rất muốn biết ông kẹp bánh mì quệt bơ với thứ gì, căn nhà nơi mỗi sáng ông thức dậy trông ra sao và ông đi từ nhà tới bệnh viện bằng phương tiện gì. Tôi tìm hiểu ra rằng ông sống ở một ngôi làng có tên bắt đầu bằng chữ O và di chuyển bằng tàu. Buồn cười thật. Ông trở thành một người quan trọng đối với tôi đến nỗi tôi đã nghĩ ông phải sở hữu một chiếc xe hơi có kính nhuộm đen và một lái xe riêng. Chứ không phải mỗi sáng đầy căng thẳng với chỉ bánh mì quệt bơ, rồi vội vàng gấp đống tài liệu để phi ra sân ga đi cứu người.

Bác sĩ K giờ chỉ còn xuất hiện trong những giấc mơ của tôi và đôi khi ở cả trong dãy hành lang của bệnh viện hoặc ở phòng làm việc cũ của ông nơi tôi hằng ngày phải đi qua để tới chỗ bác sĩ L. Tệ là ở chỗ sau bao nhiêu bác sĩ của tất cả các chuyên ngành, cuối cùng tôi lại “rơi” vào một vị thô lỗ của khoa Ung thư.

Tôi đã nằm trên giường cả buổi sáng trong khi xung quanh tôi mọi thứ vẫn diễn ra sôi nổi. Đây mới là ngày đầu tiên của tôi song tôi đã chán ngấy. Người tôi bốc mùi, đầu óc tôi quay cuồng và tôi cảm thấy thật đau đớn khi nghĩ về đống kế hoạch tôi đang lên.

Đã lên.

Đang lên.

Đã lên.

Hoặc là đang lên, hoặc đã lên, một trong hai từ đó. Tôi lấy tay chống mũi lên. Để tăng thêm sức mạnh tôi còn chống tay lên rồi sau đó ngoảnh mặt đi. Đã hai ngày nay tôi được truyền chất lỏng. Tất cả các loại kem và nước hoa tôi mang theo vào bệnh viện đều trở nên vô dụng trước cái mùi mồ hôi nồng nặc do hóa chất gây nên. Cả nước tiểu của tôi cũng bốc mùi, Pauke gọi đó là “nước tiểu hóa trị”. Cả ngày trời tôi phải hít cái mùi khó chịu ấy bởi tôi phải đi tiểu vào bô chứ không được đi vào nhà vệ sinh như những người lớn bình thường. Ban đầu tôi còn cố khử mùi mồ hôi đó bằng cách tắm rửa nhiều lần, song cuối cùng tôi cũng hiểu ra việc đó sẽ chẳng mang lại kết quả gì.

Pauke, người mà có lẽ giày của hãng Birkenstock được phát minh chỉ để dành riêng cho cô ấy, cũng có mặt để cân, đo huyết áp và nhiệt độ cho tôi. Cô ấy không giống một nữ DJ, chẳng phải là một cô bán hàng bán thời gian, cũng không giống một cô gái trẻ xinh xắn mà là một cô y tá bình thường, một người nghiện làm việc. Tôi thấy cô ấy rất tuyệt. Dáng người dong dỏng của cô ấy khiến tôi nhớ đến dì Sidonia, cô ấy di chuyển rất chuyên nghiệp từ giường này sang giường kia. Pauke nghiêm túc lưu tâm tới việc tất cả những gì cần thực hiện phải được thực hiện, tuy nhiên cô không bao giờ đánh mất nụ cười đầy niềm nở của mình. Ngay cả khi thỉnh thoảng cô tiêm không đúng mạch. Việc đó chỉ xảy ra vào những ngày mà lẽ ra là ngày nghỉ của Pauke. Tôi thì không để ý lắm đến điều đó.

Tuy tôi không cảm thấy mình bị bệnh song mọi thứ trở nên thật nhàm chán khi ngày nào cũng phải lượn qua lượn lại dãy hành lang của khoa.Sau một vài giờ điều trị hóa chất, cảm giác buồn nôn bắt đầu xuất hiện. Cảm giác đó không mạnh tới nỗi tôi có thể nôn ra ngay song nó đủ mạnh để tôi không còn dám nghĩ đến chuyện ăn uống nữa. Pauke thuyết phục tôi chui ra khỏi giường để cô ấy có thể thay ga mới. Cô ấy làm việc đó hằng ngày, trừ khi vẻ mặt đầy thương hại của tôi làm cô ấy phải đầu hàng. Tuy vậy tôi mới chỉ thành công có một lần khi món bánh mì kẹp cá ngừ mà tôi ăn trước đó ồng ộc “tuôn trào” cực kỳ đúng lúc. Một lần tôi hỏi liệu cô ấy có nghĩ đến tôi khi tan ca rời bệnh viện để về với thế giới riêng của mình.

“Có”, cô ấy trả lời, “nhưng những lúc đó chị chỉ nghĩ đến những quả sung và quả chà là chứ không nghĩ đến những lần truyền dịch, máy báo tin, bàng quang hay những mũi tiêm tiệt trùng.” Không, cô ấy chỉ nghĩ đến những quả sung ngọt lịm và những quả chà là mềm mọng. Đó là do có lần tôi nghiên cứu về giá trị dinh dường của các loại quả này trong khi cô ấy đo huyết áp cho tôi. Triết lý về cuộc đời của cô ấy là vậy. Và bởi vì điều đó gợi cho tôi nhiều ý tưởng mới, tôi luôn liên tưởng Pauke với ba người con ở độ tuổi vị thành niên đang chờ cô ấy về nhà sau giờ làm, với bán đảo Cap Ferrat bởi cô ấy kể về nó thật hay và với dì Sidonia.

Thứ Năm ngày mùng 7 tháng Tư năm 2005

Người bạn cao kều luôn ở bên cạnh tôi: buổi tối khi tôi đánh răng rửa mặt, khi các bóng đèn vụt tắt rồi tôi vào giường ngủ để mơ về bác sĩ K. Kể cả những lúc đèn được bật lên và tôi tinh dậy, khi tôi lại phải đi đánh răng rửa mặt để ăn món cháo yến mạch. Cậu ấy luôn đứng cạnh để canh giữ cho tôi một cách trung thành, ân cần mà không hề bị xao nhãng.

Người bạn cao kều của tôi không phải là người nói nhiều song đôi lúc cậu ta cũng khiến mọi người phải lắng nghe. Ngay khi cậu ta đánh hơi thấy nguy hiểm, cậu ta há rộng mồm và biến mình thành một chú gà chọi bất bại thực thụ.Trong những lúc như vậy giọng nói lanh lảnh của cậu ta khiến tôi biết được rằng cậu ta vẫn ở đó và tôi phải để cậu ta làm nốt phần việc của mình dù cho việc cậu sẽ làm khiến tôi hơi căng thẳng nhưng tôi tin cậu ấy. Sau đó cậu ta hét toáng lên để mọi sự chú ý được đổ dồn về tôi. Tôi thấy điều đó ở cậu ta thật đáng yêu. Một chút chú ý cũng khiến tôi cảm thấy vui trong căn phòng toàn khổ đau này.

Một số người còn pha trò về người bạn cao kều của tôi. Có lẽ bởi họ không biết phải bắt đầu với thân hình cao gầy và giọng nói của cậu ta thế nào. Đôi lúc họ cười đùa về đồ trang sức của cậu ta, họ chỉ vào bóng đèn nhấp nháy của cậy ấy và gọi cậu ấy là “cây thông Noel”. Hoặc họ còn gọi cậu ấy là “cây sào lênh khênh”. Tuy nhiên điều đó cũng chẳng làm chúng tôi phiền lòng. Sophie và “cây sào lênh khênh” cũng đã quan sát nhiều đối thủ song không ai nhấp nháy đẹp như cậu ta.

Thậm chí người bạn cao kều của tôi còn bị cười nhạo vì những tiếng píp của mình. Tiếng píp của cậu ta làm tất cả những người bạn khác điên đảo, không thể không nhận ra tiếng kêu ấy và nó còn khiến mọi người phải ghen tị. Song ngay cả điều đó cũng không làm phiền chúng tôi bởi Sophie và “cây sào lênh khênh” đều biết rằng không ai cứu nhiều bệnh nhân ung thư khỏi lười hái tử thần như cậu ta. Người bạn cao kều của tôi biết làm rất nhiều thứ và cậu ta sẽ trở nên bất bại khi ở tình trạng bất động. “Duy trì trạng thái tĩnh lặng là khi người ta nắm bắt được cuộc sống. Cuộc sống kết nối cậu và tớ. Cậu và tớ, Sophie và cây sào lênh khênh”, cậu ta nói.

Chúng tôi được kết nối bằng thứ chất lỏng chảy qua một ống dẫn mỏng. Chúng tôi cùng nhau nghe lén tiếng nhạc của chiếc ống dẫn, giai điệu của bàng quang và tiếng động của thiết bị bơm. Chúng tôi thưởng thức trạng thái yên ổn cho đến khi người bạn cao kều của tôi phát hiện ra nguy hiểm và phát ra những tiếng píp píp. Các cô y tá chạy vội tới, đèn được bật sáng và bằng giọng nói lanh lảnh của mình, người bạn cao kều của tôi nhanh chóng biến thành một chiến binh hung tợn hăm hở bước vào cuộc chiến vì tôi. Song may thay lúc nào đèn cũng lại được tắt đi và người ta trả lại chúng tôi sự yên ổn thanh bình của mình. Sự yên ổn và cả một ít chất lỏng kết nối chúng tôi chảy qua một ống dẫn đang cất tiếng hát nhẹ nhàng.

Một lúc nữa là bố tôi sẽ đến trong chiếc áo sơ mi màu xanh da ếch và chiếc áo khoác màu xanh ô liu đặc trưng của mình. Đặc biệt là để dành cho dịp này. Rồi sau đó khi mọi ánh đèn được tắt đi, tôi lại ở một mình và có thể theo dõi tiếp phim Desperate Housewivestrên kênh Net5. Thỉnh thoảng các chị y tá cũng uể oải xem cùng tôi một lúc để biết các bà nội trợ làm gì. Sau đó mắt tôi đảo về phía chiếc đồng hồ phát sáng kêu tích tắc suốt cả đêm, nó giống y chiếc đồng hồ tôi thấy trong khoa của bác sĩ K. Mỗi ngày tôi đều chờ đợi chuyến thăm bất chợt của ông hay một tấm bưu thiếp. Còn mỗi đêm, lúc nỗi cô đơn của tôi lên tới đỉnh điểm thì cũng là đỉnh điểm của niềm mong mỏi đôi bờ vai rắn chắc của ông. Tôi thực sự chợt thấy mình ham muốn đôi tay của ông đến nhường nào chứ không phải đôi tay của một chàng thanh niên hấp dẫn ngoài 20 tuổi.

Phía lối đi dưới kia có ai đó đang nằm chờ chết, tiếng xe cứu thương kêu inh ỏi như một con hà mã bị đau răng. Lẽ ra người ta nên báo cho tôi trước để tôi còn chuẩn bị đồ bịt lỗ tai. Ồn ào làm sao! Không biết nếu là tôi nó sẽ ồn thế nào? Hay sẽ có mùi gì? Đúng là một cơn ác mộng. Nhưng tôi còn lâu mới đến lượt. Bas mang đồ bịt tai tới. Tôi cảm thấy vui ngay cả khi anh ấy tới vào lúc ba giờ đêm. Thứ để bịt tai có màu hồng và rất hiệu nghiệm. Trong khi tôi làm ấm nó ở lòng bàn tay, tôi nghe thấy cách đấy không xa giọng nói khe khẽ song đầy hăm dọa: “Câm mồm ngay!” Ở đây đôi khi thực sự giống một nhà thương điên.

Thứ Sáu ngày mùng 8 tháng Tư năm 2005

Buổi sáng tôi bị một người phụ nữ đáng sợ với một kim tiêm còn đáng sợ hơn trên tay đánhthức. Tất cả đồ đạc thiết bị của bà ta được đặt trong một chiếc chậu. Còn chưa tới tám giờ, mặt tôi còn chưa muốn rời xa chiếc gối, tôi cự tuyệt việc phải mở mắt. Thật kinh tởm! Song mọi kháng cự đều vô tác dụng, tôi ngoan ngoãn chìa cánh tay ra. Mắt nhắm mắt mở, tôi quan sát kỹ với hy vọng mũi tiêm kia sẽ thành công ở lần thử đầu tiên. Song vô hiệu. Đúng là một con người đáng sợ.

Chiếc rèm được vén lên, bữa sáng của tôi đã được chuẩn bị.

“Xin chào và chúc một buổi sáng tốt lành!” bà hộ lý réo lên để ai trong khoa cũng có thể nghe thấy dù người ta vẫn còn muốn ngủ. Sáng nào cũng vậy bà ấy đều mang cho tôi một cái phích nhỏ đựng nước nóng. Lại phải đi tiểu rồi, tôi nghĩ khi thấy túi nước muối sinh lý không biết là thứ bao nhiêu tìm đường vào cơ thể mình và điều đó đồng nghĩa với việc phải sờ soạng trong nhà vệ sinh với một đống dây truyền nước. Tôi đúng là một bệnh nhân đang có phong độ tốt. Trong đống hỗn độn với những bà hộ lý, những mũi tiêm, các y tá và bác sĩ đôi lúc tôi cũng thành công trong việc nhắm được mắt lại vờ như đang đêm và không có chuyện gì xảy ra.

Tôi ngồi dậy và sửa soạn để đi xuống chỗ bác sĩ nha khoa. Ông ấy là người đồng tính. Pê đê. Ái nam ái nữ. Mỗi tính một chút. Song rất tốt bụng. Tôi thường lui tới chỗ ông ấy để kiểm tra xem liệu đống thuốc men kia có làm răng tôi lung lay hay không. Nhưng cho đến nay chúng vẫn còn nằm chắc trong miệng. Ông bác sĩ nha khoa nói tôi có một hàm răng khỏe. “Giống mẹ cháu.”

Đúng, giống mẹ. Ông vẫn còn nhớ bà từ năm ngoái.

Để tới chỗ ông ấy tôi phải đi dọc hành lang qua những người bình thường. Những người bình thường, họ có thể cũng bị đau đớn một chút song người không nồng nặc mùi bệnh viện. Bởi ở hành lang thì mọi thứ vẫn còn vô hại. Một vài người trong phòng điều trị ngoại trú, một vài người tới thăm người nhà song không ai trong số họ là bệnh nhân người nồng nặc mùi bệnh viện. Tay còn bị cột vào thanh truyền nước, tôi bước vào thang máy để đi xuống tầng dưới. Tôi đẩy người bạn cao kều của mình về phía trước, hai má tôi đỏ rực lên, gương mặt tôi in rõ nỗi sợ hãi. Sợ gây chú ý. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía con bé tội nghiệp của khoa Ung thư. Điều đó đúng trong cả thực tế lẫn trong suy nghĩ của tôi. Tôi ăn mặc rất bình thường, quần jeans, áo len đen, bộ đồ của bệnh viện và đôi dép đi trong nhà được để lại trong phòng. Một số người ở đây chắc hẳn cũng đã từng được truyền nước, ít nhất là tôi nghe được vậy. Tôi hiểu được điều đó từ ánh mắt họ. Họ biết rằng tôi đang điều trị không phải ở một khoa nào khác mà chính ở khoa Ung thư, nơi có các bệnh nhân ung thư đủ loại. Những lần phải đối mặt như thế này quả thực vô cùng tệ hại, có lẽ nó là điều tệ hại nhất bạn phải trải qua khi bị ung thư. Người ta phải đối mặt với một thực tế tàn bạo. Cái thực tế mà đối với tất cả những người kia là vô thực, còn với tôi lại rất hữu thực.

Tôi quay người, phóng càng nhanh càng tốt về cái thế giới cô đơn của mình, cái thế giới mà ngày càng trở nên đơn côi hơn.

Thứ Hai ngày 11 tháng Tư năm 2005

Trên lịch tôi đọc được “tuần thứ mười một” trong năm mươi tư tuần và ở cuốn lịch thứ hai là “tuần thứ hai” của học kỳ hai khoa Chính trị học. Mùa hè sau khi tốt nghiệp phổ thông, khoảng gần bốn năm trước, tôi đăng ký một chuyến du lịch tới Tây Tạng. Sự quan tâm của tôi tới mảnh đất này được đánh thức bởi những cuốn sách của của Hermann Hesse và một tình yêu cuồng điên. Cơ hội duy nhất để tới được đó là đi theo nhóm có tổ chức mang tên “Phiêu lưu cùng những người về hưu”. Nhóm này khởi hành từ Bắc Kinh và kết thúc chuyến đi tại Kathmadu, tôi còn lên lịch thêm cho hai tháng ở Nepal và ba tháng ở Ân Độ. Sau đó tôi nhận ra rằng mình không nhận tấm bằng tốt nghiệp phổ thông khiêm nhường kia một cách vô bổ, tôi muốn học khoa Chính trị học để hiểu thêm về sự bất công trên thế giới.

Tôi vẫn còn là sinh viên trong trường, vẫn phải đóng học phí, song cụm từ “bị thôi học” khiến hàng ngàn giọt nước mắt cứ tuôn trào ra. Mỗi năm học chúng tôi phải đạt được 60 điểm ở nhiều bộ môn khác nhau. Ở khoa Chính trị học như thường lệ có 6 môn, mỗi môn có 10 điểm. Trong năm học đầu tiên tôi đăng ký vào khoa Kinh tế Quốc tế bởi lúc đó tôi không biết gì về bộ môn này và hơn nữa tôi lại muốn có một tấm bằng về Hợp tác Phát triển trong lĩnh vực Quan hệ Quốc tế. Tuy nhiên sau kỳ học đầu tiên tôi không đến dự giảng nữa. Đối với một sinh viên năm thứ ba như tôi, tôi không chỉ thích cà kê ở các quán cà phê hè phố mà còn thích lượn qua các khoa khác nhau. Chính vì vậy tôi đăng ký tham gia một khóa hội thảo mới mang tên “Phát triển kinh tế 2” như thể sự phát triển của khối ung thư trong người tôi còn chưa mang đến đủ vấn đề cho tôi suy nghĩ.

Tại buổi hội thảo đầu tiên chúng tôi bàn về kế hoạch cho hai tuần tới. Tôi được phân ngay một bài diễn thuyết vào đúng tuần mà tôi đổ bệnh vì Etoposid và các loại thuốc khác. Trong lúc nghe phần mở đầu của vị giáo sư, tôi lấy tay vuốt tóc, hôm nay tôi là Blondie. Tôi cảm thấy rối bời bởi đang ngồi ở đây nghe tất cả những thứ này trong khi có thể chi vài tháng nữa tôi sẽ chết. Tôi tự hỏi liệu mình còn bao thời gian nữa và chợt nhận ra là tôi không muốn tự tra tấn mình thêm nữa dù điều đó lúc này nghe có vẻ đầy nghịch lý. Tôi không cần thêm gì nhiều và tất cả mọi thứ giờ đây đối với tôi dường như chỉ còn là một mớ lùng bùng. Tôi không cần To-do-List. Đúng hơn là tôi ghét To-do-List. Một đứa con gái sống trên đất Hà Lan, nói tiếng Hà Lan thì chẳng cần quái gì phải biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hindi, tiếng Quan thoại hay một loạt các thứ vớ vẩn khác. Tôi cũng không hề muốn ngồi mơ mộng trong khóa hội thảo “Phát triển kinh tế 2” với một mớ tóc giả trên đầu.

Tôi đã làm nhiều việc, đã chạy theo nhiều thứ. Giờ tôi muốn có thời gian để suy nghĩ. Để đối diện với mọi thứ. Ví dụ như cái đầu trọc lốc mà tôi vẫn đang giấu dưới bộ tóc giả.