Hôm nay tóc tôi màu vàng

Chương 7

Docsach24.com

Thứ Sáu ngày 20 tháng Năm năm 2005

m đấy à? Em muốn gì? Lại chọc giận bác sĩ L bằng một mớ câu hỏi à? Em đi cùng ai vậy? Chồng em à?” Annemarie nhoẻn miệng cười và xuất hiện từ sau bàn làm việc.

Tôi xoay người. Đằng sau tôi là một bệnh nhân gương mặt xám xanh của trạm C6, người có vẻ sẽ sớm phải đầu hàng. Cái chị Annemarie này thật dễ thương.

Đã nhiều lần tôi hỏi bác sĩ L liệu có làm sao không khi tôi không muốn lượn lờ quanh đây trong bộ đồ tù nhân của trạm C6 dù bệnh của tôi còn chưa được chẩn đoán cụ thể. Rất may câu trả lời là không.

Bất chấp tất cả những gì đang xảy ra tôi vẫn tìm được niềm vui trong phòng bệnh quen thuộc của mình. Tôi thường tới chuyện phiếm với hai chị y tá Annemarie và Ploni, hai chị y tá ấy luôn khiến tôi phải bật cười. Tôi muốn cùng người bạn cao kều của mình tới chúc họ một ngày tốt lành, đơn giản chỉ để xua đi sự nhàm chán của tuần điều trị thứ tư này. Khi Annemarie kể cho tôi nghe về những cuộc phiêu lưu trứ danh của chị ấy là tôi quên ngay lập tức mình đang ở đâu. Một lần ở Granada chị ấy đã rơi tõm xuống giếng cùng chiếc máy ảnh của mình.

Trên đường về trạm C6 tôi quyết định đi qua nhà thờ bệnh viện để chào bạn Jesus một tiếng. Ông ấy lúc nào cũng ở đó. Bây giờ tôi thường xuyên dành cho ông ấy một cuộc viếng thăm ngắn. Không phải vì mục đích đạo đức giả là củng cố tình bạn với Chúa mà là để cầu nguyện và xua đi sự nhàm chán trong bệnh viện OLVG. Tôi đứng cùng thanh truyền chất lỏng kêu píp píp của mình trong nhà thờ màu trắng, Chúa Jesus nhìn xuống tôi. Để không phá vỡ bầu không khí yên lặng tôi đi rón rén tới chỗ Chúa và thắp một cây nến để cầu cho điều tốt lành. Rồi một cây nến cầu nguyện cho may mắn của tôi, nhưng nhân danh người bạn cao kều của mình bởi tôi không thể tự thắp nến cầu cho chính mình như ánh mắt Chúa có vẻ muốn nói vậy với tôi. Sau đó tôi ngồi xuống một trong các dãy ghế - tất nhiên được sơn màu trắng. Đơn giản chỉ để ngồi một lúc. Bởi tôi không thể là cả người vô thần lẫn người theo thuyết bất khả tri cùng một lúc. Tôi nhìn về phía trước đắm mình trong những suy nghĩ tốt đẹp và thăm thẳm cho đến khi tiếng píp của người hộ tống tôi tới nhà thờ khiến tôi choàng tỉnh. Rất ngoan ngoãn, tôi đứng dậy và cắm mình vào chiếc ổ cắm gần nhất ở hành lang. Tôi nhấn nút bơm, sự yên lặng và tĩnh mịch quay trở lại.

Khi người bạn cao kều của tôi được nạp đủ điện để có thể tiếp tục dạo bộ, tôi đi vào phòng cầu nguyện cho những người theo đạo Hồi. Đây là một đất nước tự do và theo tôi biết thì ở đất nước của những người Ả rập hiện đang là cuối tuần. Tôi loay hoay buộc chiếc áo khoác của mình quanh đầu rồi quỳ gối xuống. Có thể tôi sẽ tìm thấy niềm cảm hứng nào đó ở nơi đây. Thanh truyền nước lại hết điện, hoạt động mới này cũng không khiến tôi thấy khuây khỏa hơn, tôi rời căn phòng tĩnh lặng đó và lao như ma đuổi về phía thang máy ở cuối hành lang.

Hành lang của tôi.

Về phía ánh sáng.

Ánh sáng của tôi.

Tới đó, tôi bước vào và đi lên phía trên. Hay nên đi cả hai chiều? Người bạn cao kều của tôi đồng ý. Thang máy dừng ở tầng hai, cửa dần mở. Trước niềm vui to lớn của tôi, bác sĩ K với bộ bờ lu trắng bước vào. Ông vui vẻ nhìn tôi và hơi có phần bí ẩn rồi đứng sát lại tôi mặc dù trong chiếc thang máy rộng lúc đó chỉ có thêm hai y tá nữa. Họ nói chuyện về buổi tiệc của bệnh viện sẽ diễn ra cuối tuần tới. Tôi tự hỏi liệu ở đó có thể gặp được bác sĩ K trong bộ đồ dân sự hay không. Trông ông ấy đẹp hơn nhiều khi không mặc bộ đồ hành nghề y.

Tôi cảm nhận được hơi thở của ông nơi sống gáy mình. Những lan truyền nhẹ nhàng: dọc lưng, dưới cánh tay, giữa những ngón tay. Việc đổ mồ hôi đêm giờ không xảy ra nữa nhưng mồ hôi thường thì vẫn đổ. Ba tháng trước nguyên nhân là do bọn u bướu còn bây giờ là vì tôi mê mệt bác sĩ K.

Thang máy lại dừng ở tầng ba, cửa mở cho các cô y tá mồm năm miệng mười. Tôi biết rõ đường đi của họ bởi tôi rất thường xuyên chạy đi chạy lại giữa trạm C6 và trạm A8 cũ. Lối đi đó trước tiên dẫn tới khoa chụp X-quang, rồi tới phòng hộ sinh, khoa Tim và khoa Phẫu thuật. Sau đó tất nhiên nó phải dừng ở khoa Ung thư, tiếp đến là khoa Thần kinh, khoa Phổi rồi khoa Chỉnh hình ở tầng tám, hay đó còn được gọi là khoa của bác sĩ K.

Mấy chị y tá biến mất, trạng thái căng thẳng trong tôi được đẩy lên đỉnh điểm. Tôi còn ba tầng nữa, bác sĩ K còn năm. May mắn thay thang máy hôm nay cũng không có gì vội vàng và nó cần tới hơn bốn phút. Bốn phút ở bên cạnh bác sĩ K, đằng sau cánh cửa đóng kín. Tôi cảm nhận được hơi thở của ông. Không chỉ ở sống gáy mà còn ở đôi tai và bên cổ. Sức sống thanh xuân mơn mởn của tôi co rúm lại một cách sợ hãi. Mọi thứ trong tôi bắt đầu nóng rực. Tôi đã phải cam chịu nhiều điều tồi tệ để bây giờ được rơi vào vòng tưởng tượng cực độ về vị bác sĩ của mình.

Chúng tôi ngượng ngùng đứng ngang hàng. Cuối cùng ông cũng ngắt quãng mạch hơi thở để hỏi một cách hứng thú về tình trạng cơ thể tôi, đặc biệt là lá phổi. “Cháu đã làm chúng tôi sợ chết khiếp đấy.”

Tôi xoay người và rụt rè cười. “Bác sĩ của mình thật thiếu nhạy cảm.”

Bác sĩ K cười ân cần và nói bác sĩ L là một bác sĩ giỏi. “Bác sẽ vẫn để mắt đến cháu.” “Thỉnh thoảng bác ghé qua trạm C6 chứ?” Thang máy chậm lại. Bác sĩ K gật đầu, vươn người về phía trước rồi thân ái hôn tôi vào má. Đó là một chuyến đi tuyệt đẹp, nó đã đưa tôi tới những thế giới vô cùng xa lạ. Chúng tôi đi tiếp lên trên. Càng ngày tôi càng lên cao hơn, gần với đích đến của mình hơn.

Ping.

Cửa mở, tôi bị đánh thức khỏi giấc mơ đẹp và thấy mình vẫn ở trong sự nhàm chán bất tận này. Chính nó đã đưa tôi tới với màu sơn trắng của nhà thờ và của phòng cầu nguyện dành cho người theo đạo Hồi. Cũng chính sự nhàm chán đó đã mang bình an tới cho tôi và đưa tôi vào giấc mơ. TẦNG 6, KHOA UNG THƯ. Tôi đọc được qua cánh cửa mở. Tôi vẫn còn ở trong thực tại của mình: một thân hình tiều tụy dưới cái đầu trọc ở khoa Ung thư. Hai má còn ấm nóng tôi tạm xa bác sĩ K.

Thứ Bảy ngày 21 tháng 5 năm 2005

Mặt trời chiếu sáng chói chang. Cả ở bên ngoài bệnh viện OLVG cũng vậy. Tôi chẳng cần phải mở mắt bởi sức ấm nóng của nó đang thiêu cháy hai hàng mi vẫn còn nhắm của tôi. Tôi đã vượt qua được tuần điều trị này, giờ tôi muốn ra ngoài. Tôi mở mắt và nhìn đồng hồ trên chiếc điện thoại di động vẫn nằm trên giường cùng tôi: mười hai rưỡi. Dậy thôi nào, đám màu sắc trước những khung cửa sổ vẫy gọi.

Tôi thấy thú vị khi được vầng mặt trời chói chang hoặc một cơn mưa dịu nhẹ đánh thức dậy. Đối với tôi giờ không còn những chiếc đồng hồ báo thức nữa, chỉ còn lại mỗi thời gian. Không còn cả những danh sách, những nghĩa vụ, những cuộc hẹn hò. Trống rỗng. Trống trải. Yên ổn. Xa xỉ. Thưởng ngoạn và ung thư là hai thứ đang tịnh tiến lại khá gần nhau.

Tôi đứng trong buồng tắm và thoa xà phòng từ đầu đến chân. Không vội vàng. Tôi tò mò quan sát hình những cô gái trên rèm phòng tắm. Trên đó có cơ man nào là các cô gái, cô nào cũng đẹp, mỗi cô đều có một bộ ngực khác nhau. Tôi nhìn thật kỹ xem có bộ nào giống của mình, nhỏ, tròn, với đôi núm lõm, tất nhiên chỉ khi tôi không tắm. Tôi tìm thấy chúng ở một cô gái với mái tóc xoăn dài, tay giơ cao còn cằm cúi xuống. Tôi vặn sang nước lạnh và nó xối thêm một lúc nữa xuống người mình. Để lưu thông máu.

Lau khô người và trang điểm xong, tôi đội Daisy, giơ hai tay lên cao và vặn sườn phải. Trong gương tôi thấy mình giống cô gái trên chiếc rèm phòng tắm. Hôm nay tôi là Daisy.

Một rưỡi: Đã đến lúc phải ăn. Tôi rán một quả trứng và quan sát nó. Lòng trắng trở nên trắng hơn còn phần vàng trở nên vàng hơn. Quãng thời gian mà một lúc có thể làm nhiều việc đã chấm dứt. Thời kỳ dưỡng bệnh của tôi bắt đầu.

Sau khi ăn hết miếng trứng cuối cùng, tôi mở điện thoại tìm số của Rob. Không nhấc máy. Chắc anh ấy đang quay cảnh mới với Piet Paulusma. Song Annabel đã trả lời, chúng tôi hẹn một tiếng nữa gặp nhau ở quán Finch gần chợ Noordermarkt. Như vậy là còn đủ thời gian để tôi sửa sang lại tóc, tìm kiếm cách điều trị cho đôi tay, đôi chân và đôi má xám xịt của mình, viết e-mail cho bác sĩ L để thông báo cho ông ấy biết về việc tôi hay có những cảm giác như bị kim châm. Kể từ khi được điều trị, tôi không còn phân biệt nổi cảm giác như bị đốt của các tế bào u phát ra với cảm giác do hóa trị gây nên. Tôi tránh ánh nắng mặt trời bởi nó gây ra các vết sắc tố. Hơn nữa điều này cũng không tốt cho quá trình điều trị hóa chất.

Tôi gặp Michelle giữa những cửa hàng solarium trên phố Haarlemmerstraat. Chúng tôi trò chuyện về ung thư, về làn da nâu. Cô ấy mới trải qua một cuộc phẫu thuật vì bị ung thư vú và hiểu rõ ung thư là thế nào cho dù bộ ngực bự của cô ấy đã khỏe trở lại. Đối với tôi cô ấy là Anita, còn với cô ấy tôi là Daisy. Với những lọn tóc vàng xoăn này người ta dễ bắt đầu một cuộc nói chuyện hơn nhiều.

Chúng trông thật đáng yêu, cả hai chúng tôi đều nghĩ vậy.

Căn bệnh chết tiệt, không được đi làm da nâu, cả hai chúng tôi cùng nghĩ vậy.

Trong lúc rảo bước tôi chợt nhớ ra một cuộc đối thoại diễn ra nhiều tháng trước đây, trước cả khi tai họa của tôi bắt đầu. Một người bạn nghĩ tôi thấy mọi thứ đều đẹp. Tôi vẫn còn nhớ rõ lần đó. Cho đến giờ tôi vẫn có những cảm giác lẫn lộn khi nhớ tới cuộc nói chuyện đó. Tôi cảm thấy khó khăn khi loại bỏ những điều tốt ra khỏi những việc xấu.

Tôi vẫn thấy mọi thứ đều đẹp. Đúng hơn là khá nhiều thứ. Tôi thích những gã mặc áo phông nhàu nát râu ria ba ngày chưa cạo. Song tôi cũng thích những chàng mặc sơ mi hiệu Armani được là thẳng ly, đi cùng đôi giày hợp kiểu và một hàm răng trắng bóng. Tôi thích những người da đỏ trong thành phố, song tôi cũng thích những thổ dân. Tôi thích những sinh viên lôi thôi lếch thếch, những công dân thế giới năng động, những chàng trai bản địa vùng Côte-d’Azur. Tôi thích nhà triết học, người thổi nhận thức của mình ra bằng tẩu thuốc lá. Tôi thích những chàng trai thể hình vạm vỡ, những người chẳng có tí nhận thức nào. Tôi thích bác sĩ K. Tôi thích Liam Neeson khi ông mặc áo phông bó sát cơ thể và cả vai Schindler của ông nữa. Tôi thích đàn ông thế này và đàn ông thế kia.

Còn giờ đây với căn bệnh ung thư này tôi được phép ghét tất cả. Tôi được phép chống lại tất cả, la hét tất cả, từ chối tất cả. 21 tuổi, bị ung thư. Cuộc sống không còn là người bạn mà đã trở thành kẻ thù. Kẻ thù đầu tiên của tôi. Sự căm thù đầu tiên của tôi. Niềm bi quan thực sự đầu tiên của tôi. Mặt khác bệnh ung thư cũng trở thành một người bạn. Nhờ nó mà tôi có cảm giác mạnh mẽ hơn, thích thú lớn hơn, nếm trải sâu hơn, đứng vững hơn trên đôi chân của mình, khao khát được ở một mình hơn và cảm thấy hạnh phúc mãnh liệt hơn. Tôi thích những gã mặc áo phông nhàu nát và những chiếc áo sơ mi hiệu Armini được là thẳng ly, những người da đỏ trong thành phố và những người thổ dân, những sinh viên lôi thôi lếch thếch, những công dân thế giới năng động và những chàng trai bản địa vùng Côte-d’Azur, những nhà triết học và những chàng trai thể hình vạm vờ, bác sĩ K và Liam Neeson, đàn ông và đàn ông. Căn bệnh ung thư đã tặng tôi Jurriaan, một người bán rau quả thường xuyên chu đáo chọn cho tôi củ cải đường, Kiwi và những quả chuối ngon. Hoặc một người bán hoa Ấn tặng tôi một cây phong lan tím khi tôi không để ý. Quỷ tha ma bắt, tôi lại thất bại trong nỗ lực phải ghét tất cả, ghét cay ghét đắng. Sự bất công chết tiệt này, niềm cô đơn kinh sợ này, nỗi sợ hãi vô thực mà cũng rất hữu thực này. Quỷ tha ma bắt, tôi có thêm một người bạn mới. Người bạn mới thân nhất của tôi: bệnh ung thư. Chính tôi cũng là người bạn tốt nhất của mình. Quỷ tha ma bắt, tôi thực sự thấy mọi thứ đều đẹp.

“Vú mới chồng lên vú cũ, cậu thử tưởng tượng mà xem.” Ở quán Finch tôi cố giải thích cho Annabel nghe về việc tôi sẽ bị đặt một miếng nhựa vào trong vùng ngực trái, có thể miếng nhựa đó còn to hơn bộ ngực cỡ A của tôi. Cả hai chúng tôi phá lên cười.

“Liệu người ta có dính thêm vào đó một ống dẫn nữa hay không nhỉ?” Annabel hỏi để làm sự việc thêm buồn cười.

Chúng tôi lại cười phá lên.

“Chỉ khó chịu một chút thôi, quan trọng là cậu sẽ khỏe trở lại.”

“Nhưng tớ sợ.”

“Tớ cũng vậy. Nhưng thử nhìn cậu mà xem, cậu trông thật tuyệt vời.”

Tôi cười. Annabel nói đúng, tôi trông khỏe hơn nhiều so với hồi tháng Giêng khi bệnh ung thư còn ở mức nguy hiểm nhất. “Dù sao tớ vẫn sợ. Tớ tin là đám u bướu sẽ teo nhỏ đi nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng không teo hẳn?”

“Không có lý gì mà cậu phải nghĩ tới việc đó.”

“Ừ nhưng tớ rất hay nghĩ đến nó.”

Annabel đứng dậy rồi cầm tay tôi. “Khi nào cậu xét nghiệm?”

“Thứ Tư.”

“Thế khi nào có kết quả?”

“Thứ Hai.”

Thứ Tư ngày mùng 1 tháng Sáu năm 2005

“Xin chào, đây là bác sĩ Van der Stap, hãy làm ơn cho tôi nói chuyện với bác sĩ L.”

Trốn sau một trong nhiều cột bê tông ở hành lang bệnh viện, tôi gọi điện vào phòng đăng ký. May thay vị bác sĩ của tôi cũng bật cười. Ông và các đồng nghiệp đáng kính của mình hiểu rõ nhất mối đe dọa của tệ quan liêu đối với một bệnh viện hiện đại. Tầng hầm của bệnh viện OLVG hiện vẫn bị ngập lụt bởi hàng đống bệnh án của năm 2005. Tôi sợ rằng mình không hoàn toàn không có lỗi trong việc đó. Việc phải di chuyển từ phòng này sang phòng khác khiến công cuộc tìm kiếm các bệnh án của tôi trở thành một nhiệm vụ bất khả thi. Còn bốn quyển vẫn lưu lạc ở đâu đó.

Song bệnh viện OLVG cũng biết thế nào là cải tiến. “Không, tiếc là tôi không thể giúp cô được. Cô cần phải có thẻ.”

Rất tử tế, tôi đặt nhẹ số bệnh nhân xuống và giải thích kỹ rằng tôi không tìm thấy thẻ bệnh nhân của mình. Khi nghĩ đến việc tôi đã phải lấy nó ra bao nhiêu lần từ túi đeo, túi quần và ví thì tôi cảm thấy rất tự hào rằng đây mới là lần thứ ba mình phải xếp hàng để xin cấp thẻ mới.

“Không, chúng tôi có quy chế mới từ thứ Hai, giờ mọi thứ đều phải được quét qua máy. Không có thẻ thì tôi không thể làm gì cho cô được.”

Tờ khai thủ tục xét nghiệm được chính bác sĩ của tôi điền đã nằm sẵn trên bàn của ông ấy. CÔ VAN DER STAP 8 GIỜ còn được viết trên đó. Bảy phút trôi qua. Kể từ bảy phút nay tôi đã cùng mớ tóc vàng xoăn của mình lao vào cuộc đấu tranh. Vô ích, tôi lại phải quay lại xếp hàng để xin cấp thẻ mới. Từng phút từng phút một tim tôi đập nhanh hơn. xếp hàng để được chẩn đoán. Không gì có thể làm tôi phát điên hơn thế.

“Hất năm euro.”

“Sao cơ?” tôi hỏi, “tôi lại còn phải trả tiền cho cái thứ vớ vẩn này nữa sao? Tôi chỉ quên thẻ ở nhà thôi mà.”

Mụ nhân viên ở quầy mặt vẫn lạnh như tiền. Hàng mi của mụ không hề chớp.

Tôi chẳng bận tâm thêm về số tiền phải trả. Với đôi mắt ứa nước, tôi nhận lấy chiếc thẻ mới.

08 giờ 14. Tệ thật. Tôi không được phép đến muộn. Tôi tìm cách gọi “người đồng nghiệp” đáng kính của mình song không có ai nghe máy.

08 giờ 17. Tội vội vàng chạy tới phòng đăng ký, băng qua các cụ bô lão và những chướng ngại cản đường khác. Lúc này tôi là người quan trọng hơn, đúng không?

“Ồ cô Van der Stap, mọi việc đều ổn. Tôi đã tìm thấy bản đăng ký của cô. Tôi không biết đó là cô.” Rằng tôi là ai? Cô gái trong bản đăng ký? Đúng là con ngỗng ngờ nghệch. Tôi căng thẳng chạy đến một chiếc ghế trống. Tất cả đều chật kín. Tôi được mang cho một bình nước có chứa chất phóng xạ và tôi phải uống hết nó. Uống hết một lít nước trong vòng một tiếng. Tôi không hiểu nổi, lần trước tôi đã được truyền nước có chứa chất phóng xạ một lần. Người đàn ông - giống một người mà sau lần tác nghiệp danh dự ở bệnh viện OLVG lại cảm thấy mình vẫn còn có ích cho công việc cố gắng giải thích cho tôi tại sao lần này tôi phải uống chứ không được truyền.

“Cháu phải uống hết bình nước này.”

“Tại sao?”

“Vì cháu phải uống hết bình nước này.”

Cuối cùng tôi cũng thấy an tâm bởi một nhân viên, một người ăn lương bệnh viện và hiểu tại sao tôi không hiểu đến giải thích cho tôi. “Hôm nay chúng tôi xét nghiệm cả vùng bụng dưới, chính vì vậy nên phải bổ sung các loại thuốc khác vào cơ thể.”

Tôi ngồi xuống. Không gì cả, một tiếng đồng hồ. Không gì cả, chỉ có ngồi đó, chờ và uống nước.

Thứ Sáu ngày mùng 3 tháng Sáu năm 2005

Chỉ còn 20 phút nữa là tôi được chuyển vào phòng mổ. Tại phòng thí nghiệm nằm trên đường từ khoa Ung thư tới góc bán Espresso tôi rút được số 871 để chuẩn bị cho lần xét nghiệm máu hằng tuần. Trước tôi còn tám số. Chẳng sao, ở đây rất yên tĩnh. Từ góc bán cà phê mới được dựng lên ở bệnh viện OLVG - ở đó tất cả đều thay đổi, trừ những chiếc bánh cũ đằng sau quầy bán, tôi vẫn có thể trông rõ khi nào tôi được gọi. Sau một cốc cà phê và hai bịch sữa, tôi được gọi vào. Người phụ nữ lấy ba ống máu nhỏ, dính tên vào đó rồi đặt chúng ra chỗ khác. Qua đôi vai của bác sĩ L, tôi đọc được tên ba mẫu máu trên tờ khai, phần còn lại tôi đành bỏ. Đó là tiểu cầu, bạch cầu và hồng cầu, tức là độ hemoglobin.

Với cánh tay dính đầy băng keo tôi bước vào phòng mổ. Cả ngày hôm nay tôi đã phải chạy đi chạy lại nhiều lần trong bệnh viện OLVG, nhưng điều đó cũng có nghĩa những ngày khác tôi ít phải lui tới đây hơn.

Tôi ngoan ngoãn đi theo chị y tá vào cái căn phòng bất hủ đó. Chỉ có điều giờ nó ở một khu điều trị mới, của một bác sĩ mới. Tôi cam đảm ngồi đó. Năm phút sau cửa mở, tôi tập trung quan sát hình dáng mờ mờ của vị bác sĩ mới. Khỏi cần bàn, đó là một người hùng mới: bộ mặt trẻ điển trai, đôi tay rắn chắc, đôi hông hẹp và một đôi giày lười. Daisy đã có vẻ buồn vì bác sĩ K. Thà có một bác sĩ khoa Phẫu thuật với đôi tay đẹp và rắn chắc còn hơn là một ông bố đi đôi giày đồng bóng và bận bịu vào Ngày của cha.

Vị bác sĩ phẫu thuật lập dữ liệu của tôi thành một bệnh án rồi giải thích cho tôi rõ về cuộc phẫu thuật: một đường cắt qua ngực, một ống thông máu được đặt vào rồi khâu lại. Hay thật, bác sĩ L quyết định đắp thêm cho tôi một chiếc vú nữa. Tên khoa học của nó là portkatheter hay gọi tắt là port. Nó sẽ làm đôi tay tôi trở nên dễ nhìn hơn, tạm thời tẩy đi dấu vết của các tế bào ung thư chết người. Song chắc hẳn nó cũng sẽ lâm vào cuộc xung đột lớn với chiếc cổ áo khoét sâu, thứ tôi quyết định sẽ mặc vào những ngày hè ở miềnNam nước Pháp. Tôi đã có thể hình dung ra chỗ sưng phồng lên sau khi phẫu thuật. Lại thêm một vết sẹo nữa trên cơ thể. Lần này không phải như vết sẹo kín sau lưng mà bác sĩ K đã để lại mà nó sẽ được in lồ lộ trên ngực bởi vị bác sĩ có đôi cánh tay đẹp và vạm vỡ này.

Thứ Bảy ngày mùng 4 tháng Sáu năm 2005

Hôm nay là ngày trao đổi quần áo ở nhà cô Tanja, một người bạn của mẹ tôi. Bên cạnh những người phụ nữ đã đứng tuổi ở đây, tôi đương nhiên là người trẻ nhất. Tôi gặp những người phụ nữ đã có chồng con, những người đã ly dị, những người có bố mẹ đã mất, những người mặc quần lót hợp mốt và đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, những người bụng và vú đã xệ, những người có ô sin giữ trẻ và ô sin lau chùi nhà, những người có mái tóc vén cao. Tóm lại, mỗi người có một cuộc sống, một cảnh đời.

Cô Tanja dường như chưa bao giờ bước vào tuổi 60. Kể cả về cách ăn mặc lẫn những nếp nhăn. Chúng tôi uống cà phê, ăn sô cô la và cười đùa. Thật tuyệt vời khi quan sát những phụ nữ đã ở tuổi mãn kinh này thử quần áo và thấy rằng ở độ tuổi 50 họ vẫn như những cô gái trẻ giống tôi.

Suy nghĩ này khiến tôi như bị đóng băng trong một khoảnh khắc. Đóng băng trong khi thời gian vẫn cứ mải trôi, trong một thế giới vô tận mà tất cả chúng ta phải đương đầu. Tôi có lẽ sẽ phải đương đầu với nó sớm hơn các bà vú xệ xung quanh tôi đây. Tôi cố tìm cách để hiểu rõ hơn song càng nghĩ nhiều về điều đó tôi càng cảm thấy mình cách xa những phụ nữ tràn đầy niềm vui sống đang ở quanh mình hơn. Tôi thấy buồn và rối bời. Rối bời bởi thời gian sẽ đặt dấu chấm hết cho mọi cảnh đời và sẽ quên hết chúng. Buồn bởi thời gian có thể sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho cảnh ngộ của tôi, để tiết kiệm hộ tôi những ông chồng và những chiếc quần lót hợp mốt. Bởi đằng sau tấm mặt nạ kia có lẽ chỉ nửa năm nữa thôi thời gian sẽ đặt sẵn một chiếc quan tài cho Daisy, Stella, Sue và Blondie. Cho tôi. Đột nhiên tôi không còn hứng thú gì với chiếc váy tím và chiếc áo choàng vàng vừa tìm được trong đống quần áo năm phút trước. Tôi vứt chúng lại vào một đống quần áo khác và khi thấy chiếc váy tím ở trong tay một bà bụng chảy không quen biết tôi thấy tiếc vì mình không hề có cảm giác muốn có lại nó. Giá như tôi muốn có nó. Tôi muốn một thứ gì đó vẫn còn là quan trọng đối với mình, về lâu về dài.