Thứ Bảy ngày mùng 2 tháng 7 năm 2005
ochem uống hết cốc bia và gọi thêm một cốc mới. Giờ có đợt bán hàng tổng kết nên tôi không muốn bỏ lỡ. Trong quán PC tôi cúi xuống nhìn bát xúp đỏ và tự hỏi số cà chua trong bát xúp biến đâu mất. Một vài sợi tóc dài đen của Oema bơi lội tung tăng trong đó. Tôi không hiểu làm sao người ta có thể nuốt nổi những bát xúp thiếu vệ sinh và món thịt ngỗng dai như cao su trên con phố này. Hay là những người mới giàu không có cái gọi là vị giác? Tôi nhìn quanh rồi lắc đầu: chắc hẳn là không. Hay thật đấy.
Trong lúc lắng nghe Jochem bằng một tai, tôi quan sát những điều mình vừa thu nhặt được. Đằng sau Jochem là một người đàn ông mặc com lê đang di chuyển. Dáng người mảnh khảnh và mặc com lê. Tôi càng lúc càng ít lắng nghe Jochem, và càng lúc càng chú ý đến người đàn ông mặc com lê đang di chuyển. Người mảnh khảnh mặc com lê. Ông ta là luật sư? Hay thẩm phán? Hay bác sĩ? Hay chỉ là thương gia? Đã lấy vợ hay chưa? Hay đang đi công tác? Liệu đã có con chưa? Hay đã có người yêu? Hay là Oema?
Tôi vắt tréo chân và đung đưa chân phải. Tôi kiêu hãnh ngắm đôi giày cao gót dưới hai ống quần jeans, rồi lấy tay đan qua tóc. Tôi uống thêm một ngụm nước nữa; đôi môi tôi để lại một vệt bóng mỡ trên thành cốc. Chúng là thứ quan trọng nhất ở tôi, đó là điều rõ ràng từ khi tôi còn nằm nôi. Đôi môi tròn và dày. Là một phụ nữ gợi tình lãng mạn, chúng hợp với tôi một cách không thể nào chê. Chúng đã biết yêu khi tôi 14 tuổi. Yêu Emiliano, người đàn ông quét rác. Đó là cách đây tám năm. Để có Emiliano tôi sẵn sàng tráo đổi Ridge Forrester, Amie Alberts và MacGyver mà không cần do dự. Thậm chí đổi cả Steven Tyler và Mick Jagger. Từng là người dễ gần và lãng mạn, tôi không thể tưởng tượng được nếu một lúc nào đó tôi không được ngồi cùng trên chiếc Vespa của anh ấy nữa. Ngày đó tôi không hề biết rằng ngoài kia có thể vẫn có những chiếc Vespa khác khiến tôi mê mệt. Những buổi tối ngồi cùng Emiliano trên chiếc xe máy màu trắng, nặng trịch của anh ấy làm những ham muốn tuổi trẻ trong tôi trỗi dậy. Rên rỉ dưới ánh sao, đối với tôi đó như một thiên đường. Liệu đó có phải là chất liệu của một cuộc tình rẻ tiền?
“Hóa đơn tính cho ai đây?” người bồi bàn hỏi. Tôi ngạc nhiên nhìn lên, quên cả bỏ lại những suy nghĩ về các ngôi sao. “Oema.”
Jochem cười và kể liến thoắng tiếp về sự nghiệp diễn viên của mình, về mông cô bồi bàn và về bụng mình. Một quả bụng đẹp song không hẳn là được chào mừng bởi Jochem rất thích mặc áo phông kiểu hippi. Anh ấy nói nó chỉ phình ra khi uống bia. Tiếc là ngày nào anh ấy cũng uống, chỉ trừ khi anh ấy phải bổ sung một hoặc hai thức uống bổ dưỡng nào khác. Chính vì vậy mà tôi không gọi anh ấy là “Cưng” mà là “Khoai tây”.
Jochem còn là người mẫu. Với quả bụng đẹp anh ấy hớt hết tất cả các buổi thu hình có thể rồi hạ cánh an toàn cùng các em gái xài dầu gội Andrelon trong phòng tắm hoặc cùng các em nấu cơm Lassie trong bếp. Với một khuôn mặt điển trai, nghệ thuật nói chuyện rất duyên cùng đôi mắt xanh biếc màu trời anh ấy luôn thoát thân trong những lần bị phạt vì đậu xe sai hoặc những điều phiền hà khác. Giống tôi, anh cũng là một kẻ mơ mộng song đôi khi anh ấy không còn biết phân biệt giấc mơ với những tờ giấy phạt. Đối với anh ấy Amsterdam cũng giống Hollywood, nơi những giấc mơ trở thành hiện thực. Được thỏa thích với công việc của một người mẫu và những lần trúng quả ở sòng bạc, trong giấc mơ của mình Jochem cũng chẳng cần bận tâm tới việc phải bê các thùng đồ, phải phết bánh mì hoặc phải dặt dẹo ở một văn phòng nào đó.
Chúng tôi đi dọc theo những gian hàng trên phố. Sự rầu rĩ do buồn chán hiện rõ trên gương mặt của các bà các chị bán hàng. Có lẽ đã đến lúc họ nên nghĩ tới một màu tóc mới. Hoặc một bộ tóc giả. Hay nhất lúc này là lạnh lùng gí tấm danh thiếp của bệnh viện OLVG vào tay một trong những chị bán hàng của Azzuro: Bác sĩ L, khoa Ung thư.
Thứ Ba ngày mùng 5 tháng Bảy
Nói chuyện với các bác sĩ cũng mang lại không ít vấn đề. Chỉ mới nửa năm trước thôi, tôi vẫn còn có một hình ảnh khác về bệnh viện. Tôi thấy bệnh nhân nhập viện rồi sau đó lại xuất viện vì đã khỏe mạnh trở lại. Còn giờ tôi chỉ thấy những mẫu máu không cánh mà bay, những mũi tiêm phải mất ba lần mới chọc đúng ven của bác sĩ gây mê, những cuốn bệnh án bị thất lạc và những quyết định phụ thuộc vào rủi ro. Rồi những bác sĩ mỗi lần nói một kiểu. Người này nói to hơn người kia. Điều đó đôi khi làm việc giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân trở nên khó khăn. Chính vì vậy việc có gia sư cho môn Ngôn ngữ bác sĩ cũng sẽ chẳng làm ai thấy phiền.
“Chào bác sĩ, bác đã xem xét chẩn đoán về khả năng ‘bình phục hoàn toàn’ của cháu chưa? Lá phổi phải của cháu bây giờ nằm hẳn về phía vách lồng ngực, phần mô mềm ở phía lồng ngực trước đã giảm. Trong các cấu trúc có mắt nhỏ vẫn còn một thứ gì đó, xương sườn số 6 cho thấy thể dạng của xương sau. Phần mô mềm ở vách phần bụng bên cũng giảm. Phần lưng phải phía trước có những bất thường hình dải băng trên phổi.”
Một lúc nào đó tôi sẽ hỏi liệu tôi có được xem bệnh án của mình và cùng được ngồi bàn luận bên một tách trà và những viên thuốc với các bác sĩ hay không. Chắc chương trình kiểm tra lỗi ngữ pháp trên máy tính của tôi cũng phải nổi đóa. Chắc có lẽ bệnh viện có những chương trình riêng cho việc đó.
Tôi ngồi cùng bố trong viện AMC. Căn phòng đợi kinh khủng trong một tòa nhà kinh khủng. May là tôi vẫn còn được tá túc trong căn lều của bác sĩ L ở bệnh viện OLVG. Trong lúc bố tôi thăm dò chiếc máy bán cà phê tự động, tôi theo dõi từng cử động của chị y tá trong phòng đăng ký. Liệu chị ta có phải là y tá? Y tá như Annemarie và Ploni cũng chỉ được trực điện thoại. Chị kia thậm chí còn không mặc đồng phục.
Một trong số mấy cánh cửa được sơn xấu tệ mở ra. Một vị bác sĩ bước vào, mắt đeo kính, tóc trùm qua tai. Ông ta gọi một tên, người đàn ông đằng trước tôi đứng dậy. Vợ ông ta lê bước theo sau.
Lại một cánh cửa nữa mở ra, lần này một vị bác sĩ trẻ xuất hiện. Tầm khoảng 35 tuổi. Liệu đó có phải bác sĩ O? Anh ta chỉ cho người phụ nữ ở quầy đăng ký cuốn sổ bệnh án mà anh ta đã giở sẵn, rồi lại biến mất vào phòng mình trong khi tôi vẫn chưa được gọi tên.
“Van der Stap?”
Tôi nhìn quanh. Thêm một cánh cửa nữa vừa mở ra. Tôi đứng dậy và bắt tay người thứ ba vừa bước vào. Tấm thẻ đề tên “Bác sĩ O” treo lơ lửng trên túi áo ngực. Ông tuôn cho tôi một bài diễn thuyết vừa khó hiểu vừa không lấy gì làm tích cực. Để ngụy trang sự bất an của mình, ông phác họa lá phổi của tôi rồi vẽ thêm những mũi tên lớn vào các vị trí cần được xạ trị. Sau đó ông bắt tôi đứng lên cân rồi xem xét các tuyến trên cơ thể tôi từ chiếc ghế băng của mình. Trên cân hiện ra số 55. Nghĩa là tôi bị giảm một cân so với cách đây một tháng.
“Còn một vài điều bác vẫn chưa thực sự rõ. Đây là một trường hợp khó, điều đó thì rõ ràng. Bác sẽ liên lạc hỏi ý kiến các đồng nghiệp ở Rotterdam và Utrecht để đưa ra quyết định. Bác muốn xem họ sẽ nói gì. Bác sĩ N ở Rotterdam là một bác sĩ rất giỏi.”
Tôi rời căn phòng trong trạng thái hoàn toàn bất an. Tại sao họ không thể cho người ta một ít cam đảm nhỉ?
Tôi xoay người trên chiếc ghế đã trở nên quen thuộc với mình. Một trong số các cô gái làm việc trong cửa hàng cẩn trọng sửa tóc cho Oema. Họ chỉ bấm tỉa chút ngọn tóc.
Martijn - một cậu bạn tốt, người dùng máy ảnh lưu lại tất cả các kiểu tóc mới của tôi ghé qua thăm khi tôi vừa từ viện AMC về. “Tới cửa hàng tóc giả nhé? Tuyệt lắm!”
Cậu ta hồ hởi lượn một vòng qua các mẫu tóc được trưng bày rồi quay lại với những kiểu tóc kinh khủng nhất, tuy nhiên trong số đó cũng có một kiểu tóc vàng đẹp. Đó lại là Oema. Còn đây là Pam. Pam, cô nàng tóc vàng ngây thơ từ Hollywood. Hoặc cả “Pam, mái tóc em khiêu vũ” từ đoạn quảng cáo của Andrelon. Và trước hết là “Pam - một phụ nữ tuyệt vời”, cũng nên nhớ một “Pam - vừa trở về từ tiệm cắt tóc”.
Ngay cả dì tôi cũng biết điều này: Mái tóc có thể làm người phụ nữ đứng vững hoặc ngã ngửa. Tôi cũng biết một điều: Với Pam tôi đứng vững còn với Stella tôithích ngã ngửa hơn.
Martijn lái chiếc Cabrio của Nhật. Tóc tôi tung bay trong gió. Ở mỗi đoạn cua, qua mỗi cây cầu, mỗi cú xóc, Pam đều đung đưa rất tự nhiên. Tôi rất nóng lòng muốn biết Rob sẽ phản ứng thế nào khi hôm nay tôi sẽ làm anh ngạc nhiên bằng kiểu tóc giả thứ bảy này.
Thứ Tư ngày 6 tháng Bảy năm 2005
Tôi đọc bức thư mà một người cha viết cho ba người con của mình khi đang nằm chờ chết trên giường bệnh.
Tôi hiểu rõ khát khao được viết ra những trăn trở của riêng mình. Người ta muốn để lại một phần nào đó của mình để có thể tiếp tục được hiện hữu. Không chỉ hiện hữu trong suy nghĩ của những người khác, mà hiện hữu một cách cụ thể. Người ta sợ mình sẽ không còn tồn tại. Sẽ không còn được đề cập đến.
Có vẻ sau tuần thứ 54 nỗi sợ hãi của tôi đang tăng theo cấp số mũ. Tôi có thể ngồi nghĩ ngợi hàng giờ về bài phát biểu bên mộ tôi mà bố sẽ nghẹn ngào đọc. Nỗi sợ trước một tế bào ung thư ngu ngốc duy nhất nào đó không chịu biến mất. Nỗi sợ này còn lớn hơn cả nỗi sợ từ ngày mọi thứ vẫn còn chưa rõ ràng, tôi chưa biết là mình có thể sẽ khỏe trở lại mà chỉ biết rằng mình bị bệnh nặng. Giờ đây chắc mọi việc đã được sắp đặt.
Đôi lúc tôi cố đẩy xa nỗi sợ hãi khỏi mình bằng cách tự nhủ rằng đã có bao người ra đi trước mình. Thế giới bên kia chắc cũng không đến nỗi cô đơn. Sự cô đơn - đó là thứ tôi sợ nhất, nó là điều ghê tởm nhất đối với tôi trong toàn bộ quá trình này. Tại sao tất cả chúng ta không thể chết cùng một lúc? Tôi truy cập vào trang web của Lance và mua 100 chiếc vòng vàng. Tôi đã gián tiếp nợ anh ấy rất nhiều, rất rất nhiều. 100 đồng đô la vàng để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khác. Mười, với tôi chẳng đáng là bao nhưng một ngàn thì lại không thể. Hơn nữa giờ tôi cũng chẳng còn đủ một ngàn đô la. Tôi bấm chuột vào nút CONFIRM - tôi rất muốn giúp những người cùng số phận.
Ở A Tavola, tôi và Rob uống rượu vang cùng Salvatore, người chủ quán. Ngày hôm nay bước vào nhật ký của tôi như một ngày mà tôi cùng người yêu mình đeo vào tay nhau chiếc vòng Live Strong nổi tiếng. Như trong đám cưới, chi hơi khác một chút. “Live Strong” - đối với một bệnh nhân ung thư như tôi thì những từ này có thể khiến người ta chết. Còn đối với những người khác và những người tôi yêu thương thì chúng giúp họ có thể tiếp tục sống.
Tôi nhìn thẳng vào mắt Salvatore, một người đeo chiếc vòng để tiếp tục sống. Đó là chiếc vòng mà con trai anh, Marco đã mua khi cậu ta qua đời vì bệnh bạch cầu hồi tháng Mười một khi mới 16 tuổi. Còn lúc này khi chúng tôi đang ngồi uống cùng nhau thì trăn trở của anh ấy cũng là của tôi, trăn trở của tôi cũng là của anh ấy.
Tôi nép sát vào người Rob khi anh ấy đã ngủ được một tiếng. Tôi sợ song tôi im lặng. Phải nói gì bây giờ? Một câu đại loại như “Rồi mọi việc sẽ tốt” không giúp gì được tôi. Liệu tôi có phải chết vì căn bệnh chết tiệt này không?
Thứ Năm ngày 21 tháng Bảy năm 2005
Nhưng giờ trước hết là phải giải tán mấy cái mớ xạ trị đi đã. Juhu! Hai tuần được tắm nắng, ăn ngon, uống vang Pháp, đôi chân rám nắng, dép xăng đan và không hề có bóng dáng một chiếc áo bờ lu trắng nào. Hai tuần đi nghỉ cùng Annabel!
Năm tuổi, chỉ vì một con thú nhồi bông nằm trong giỏ mà tôi đã đại náo cả trung tâm mua sắm Bijenkorf. Minoe được buộc vào chiếc móc treo. Minoe là chú mèo đã ngủ cùng giường với tôi 17 năm, điều mà tôi không thể nói được về những người bạn của mình. Minoe đã trải qua một số chuyến đi, chuyến xa nhất là tới núi Himalaya ở Tây Tạng. Rồi sau đó nó đột nhiên thấy mình ở giữa lũ vịt Bắc Kinh và đám bò Tây Tạng, những người Trung Hoa và những người Tây Tạng. Lúc đầu nó không biết phải nghĩ thế nào về những vùng đồng bằng xanh mướt, những hồ nước lấp lánh màu xanh ngọc bích, về bầu trời xanh thẳm và những mỏm núi trắng toát. Còn thời tiết thì quá lạnh đối với một chú mèo chưa bao giờ đi đâu xa hơn khỏi thế giới văn minh phương Tây. Dần dần Minoe đưa ra thông lệ đổi chiếc giỏ của mình để lấy lều ở Iran, lấy đệm ở Nepal, lấy thuyền ở Kaschmir hay lấy lông cừu của dân du mục. Ngày nay nó có thể chuyển đổi dễ dàng từ lẽ đương nhiên phương Tây sang tính phiêu lưu của phương Đông và ngược lại.
Song để Minoe có thể lại được vươn mình ra thế giới rộng lớn và tuyệt đẹp ngoài kia, trước hết nó phải ngủ trên chiếc giường trắng của bệnh viện OLVG đã. Nó được kêu khừ khừ khừ bên tai các chị y tá năm đêm nữa. Năm đêm nữa là bắt đầu.
Thứ Bảy ngày 23 tháng Bảy năm 2005
Tôi được ra viện. Được ra viện theo cách cổ lỗ sĩ. Mớ giấy tờ được mong đợi nằm trên bàn cạnh giường tôi. Từ giường tôi quan sát nó. Đêm cuối cùng của mình tôi đã trải qua, bình minh cuối cùng của tôi đã lên.
Tôi đã trải qua bao nhiêu đêm ở đây rồi nhỉ?
Ba mươi lăm.
Túi dung dịch truyền cuối cùng đung đưa một cách mông lung trên người bạn cao kều.
Sáu tháng đầu tiên, chính xác hơn là 27 tuần, đã trôi qua. Tôi quan sát người bạn cao kều của mình bằng những cảm xúc lẫn lộn. Nó không còn píp nữa.
Sẽ không bao giờ còn phải chui vào trạm C6 để người nồng nặc mùi bệnh viện nữa. Từ giờ trở đi tôi chỉ còn phải điều trị hóa liệu bổ sung ngoại trú. Không bao giờ nữa? Tôi hầu như không dám nói ra câu đó.
Có lẽ bệnh tình của tôi sẽ không bao giờ thuyên giảm và tôi đang từ từ chết.
Vĩnh biệt trạm C6, Rotterdam đang vẫy gọi. Ở đó thế nào cũng lại có một y tá Bas - nhân viên khoa xạ trị. Có lẽ không phải với mái đầu trọc lốc và dây xích đeo cổ mà thay vào đó là một mái tóc dài với chiếc vòng đá quanh cổ. Liệu Bas có nhớ tôi như nhớ những người đã ra đi trước đó?
Thứ Hai ngày 25 tháng Bảy năm 2005
Trước mặt tôi là một đĩa sò, bốn chiếc càng cua cộng thêm khoai tây chiên và mayonnaise. Cạnh tôi là bố mẹ. Xung quanh là toàn cảnh khách sạn New York: dòng nước trong xanh, một vài chiếc thuyền và đối diện là bến cảng cũ. Một ngày đằng đẵng đang đợi tôi giữa bốn bức tường bệnh viện ở Rotterdam. Nhưng trước hết phải ăn đã. Bởi ba tuần nữa mọi việc sẽ không còn được như xưa.
Các bác sĩ xạ trị đã sẵn sàng chờ tôi cùng đống ê ke, com pa và các dụng cụ đo đạc khác của mình. Trong số tất cả các bác sĩ từng làm việc với tôi, bác sĩ N đúng là một món quà của Chúa trời ban xuống. Từ khoảnh khắc đầu tiên, ông đã cho thấy mình là một người nhiệt thành, ông không hấp tấp hay phô trương. Ánh mắt ông trìu mến, dịu dàng và thông thái như giáo sư Bienlein đồng thời cũng không tiếc một cái vỗ vai để động viên. Ông là bác sĩ N. Tôilập tức lưu số điện thoại của ông vào di động của mình.
Khe khẽ và rụt rè, tôi ngồi lên chiếc ghế đối diện ông. Cuộc nói chuyện với bác sĩ O ở viện AMC đã hút mất hết nhuệ khí của tôi.
“Bác đã xem các tấm ảnh chiếu chụp của cháu, phải nói là vụ này sẽ khó khăn đấy...”
“…”
“Các u bướu đều nằm ở vùng khó chiếu xạ, nơi không thể đưa vào một lượng tia chiếu như ý. Tiếp cận chúng cũng là một việc khó.”
“…”
“Bác không muốn làm cháu nản lòng. Bác đã điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư là trẻ em, nhưng trong trường hợp này bác chưa dám nói gì.”
“…”
Hai lòng bàn tay tôi ướt đẫm và bắt đầu ngứa rát.
“Tuần sau chúng ta sẽ chụp X-quang”, bác sĩ N tiếp tục, “sau đó bác có thể bắt đầu đánh giá ngay. Tiếp theo chúng ta sẽ đo lồng ngực để làm một chiếc áo để cháu mặc trong những lần xạ trị.”
“Cháu sẽ bị chiếu chụp trong bao lâu ạ?”
“Bác chỉ có thể trả lời sau khi đã có những đánh giá.” Ông tạo vẻ mặt như thể ông phải đếm một bầu trời đầy sao vậy.
Điều đó vừa làm tôi an tâm đôi chút song cũng khiến tôi thấy bất ổn.
“Tại sao mọi việc lại khó khăn đến vậy ạ?”
“Chúng tôi phải để phổi của cháu được nghỉ ngơi càng lâu càng tốt. Điều đó có nghĩa cháu sẽ được xạ trị từ nhiều hướng khác nhau. Bác còn chưa biết liệu có đạt được kết quả tốt như nhau ở mọi nơi hay không nữa.”
“Chắc chắn là có rồi.”
Một nụ cười thân thiện nở rộ trên khuôn mặt bác sĩ N. Giọng nói của ông thật nhẹ nhàng và bình thản, hành động của ông thật khiêm tốn và nhân từ. Như vậy vẫn còn những bác sĩ biết cách xử sự với bệnh nhân. “Bác thích cách cháu phản ứng như vậy. Ngày mùng 8 tháng Tám chúng ta sẽ bắt đầu.”
Lá phổi phải của tôi bị hỏng còn gan bị hư hại nặng, cả thực quản cũng bị ảnh hưởng. Chà, như anh bạn học y của tôi giải thích thì xạ trị đâu khác gì phương pháp thiêu thời Trung cổ. Ở mỗi lần xạ trị các tế bào sẽ bị tổn thương rồi sau đó chúng sẽ dần bình phục. Mục đích là để tiêu diệt các tế bào ung thư trong khi vẫn giúp các tế bào khỏe vượt qua được những đợt xạ trị. Có vẻ cơ thể tôi vẫn tự điều chỉnh được mọi việc. Lá phổi còn lại đảm nhận nhiệm vụ tay chèo, còn gan cấu tạo thêm mô mới để sau này cùng phần còn khỏe của mình thực thi nhiệm vụ.
Tôi chờ cho đến khi bố mẹ tôi đi ra ngoài rồi mới cảm ơn bác SĨ N vì cái vỗ vai động viên. Tôi hoàn toàn giao phó mình vào những kết luận của ông. Ngày mùng 8 tháng Tám bữa tiệc sẽ được bắt đầu. Rồi sau đó là mệt mỏi, đốt phổi, làn da khô ráp, những cơn sốt, ho, tình trạng khó nuốt, những viên giảm đau. Tôi không thích thuốc giảm đau chút nào. Tôi không khoái các tác dụng phụ và thuốc thang chút nào. Khi rời khỏi phòng tôi có cảm giác của một cô gái bị cuốn xa khỏi cái tuổi 21 của mình, khỏi những hoài bão lớn lao.
Một giờ sau tôi nằm sấp trên giường. Hai người đàn ông hăm hở cầm một chiếc chậu, một túi gồm băng, thạch cao, bàn chải tiến lại phần cơ thể trên của tôi để lấy mẫu. “Phải để thạch cao nguội”, họ dặn tôi. Tôi phải nằm im bởi thạch cao khô rất nhanh. Nằm im giờ đối với tôi đã quá quen thuộc. Ở khoa Ung thư của bệnh viện OLVG tôi chẳng thể làm gì được khác.
Mẹ đứng cạnh tôi. “Trông đẹp lắm”, mẹ nói.
Ngực tôi bị ướp thạch cao, trên chút nữa vẫn là chiếc đầu trọc. Càng ngày trông cảnh này càng giống phim Chiến tranh giữa các vì sao hơn.
“Mẹ chụp một kiểu nhé?” mẹ nói.
Tất nhiên rồi. Chính tôi cũng hồi hộp xem bức ảnh trông thế nào. Mẹ vớ lấy điện thoại di động. Tách!