Hôm nay tóc tôi màu vàng

Chương 9

Docsach24.com

ôi kể cho chị ấy nghe về lần đi khiêu vũ và thân mật với Cà Vạt vài ngày trước.

“Em có ảnh của hắn không?”

 “Không.”

“Tiếc thật. Giờ em ăn cùng chứ?” Trên tay chị là cuốn thực đơn của Saladetuin - một quán ăn nhanh ở góc phố.

“Vâng, em rất sẵn lòng.” - dù thức ăn ở đó cũng chẳng ngon là mấy - “Chị đã đặt chưa?”

“Chưa, chưa, năm giờ mới đặt.” Chị đặt cuốn thực đơn lên giường tôi và rút chiếc ổ cắm.

 Chúng tôi rời phòng để đi đến phòng số 2. Bas sẽ lo liệu phần còn lại của việc thay đồ, thay dép mới... Bốn giờ kém mười lăm, khoảng thời gian mà bệnh viện khác hẳn với đời thường. Esther mới bắt đầu công việc, còn tôi đã vượt qua được thêm một ngày nữa. Chính xác hơn là được phần lớn thời gian của ngày bởi các cuộc thăm viếng thường diễn ra sau năm giờ. Bà và bố mẹ tôi sắp đến, sau đó là Annabel và Rob. Giống bố mẹ và chị gái tôi, Annabel gần như ngày nào cũng túc trực bên giường tôi cho đến khi bầu trời xanh chuyển sang sắc xám, những giọng nói ở hành lang thưa dần đi và tôi ở lại một mình cùng người bạn cao kều cùng những tin nhắn.

 “Kể chút gì về anh chàng đó đi.” Rob ngồi bên giường tôi, anh ấy muốn biết rõ hơn về Cà Vạt.

 “Anh ấy đeo cà vạt và đi một đôi giày xịn, bọn em đã nằm ôm nhau rất lãng mạn.”

 “Rồi sau đó?”

“Chẳng gì cả. Rồi em dừng lại, em đã kể cho anh rồi còn gì. Anh ấy thậm chí còn không biết là em đội tóc giả.”

Rob bật cười.

“Lúc hôn, anh ấy còn luôn vuốt tóc em. Không thể tưởng tượng nổi là anh ấy không nhận ra điều đó.”

Rob bật cười to hơn và ôm tôi một cái thật chặt.

Rob rất biết cách ôm, anh ấy ôm giỏi đến nỗi nếu không để ý người bị ôm có thể bị ngạt thở. “Anh làm gì tối nay?”

“Anh nghĩ anh sẽ qua chỗ Franken và Kok. Để tổ chức sinh nhật cho em, vào lúc 12 giờ.”

Franken và Kok làm chủ một quán bar gia đình. “Thật tuyệt. Mai em được phép ra ngoài. Em chắc vẫn sẽ uể oải nhưng rất muốn gặp mọi người.”

“Thôi nào người đẹp, bọn anh sẽ mang tặng em một bông hoa nhỏ. À mà không, một bó hoa thật to dành cho quý bà.”

Trời đã tối, Rob ra về. Khi tiếng bước chân của anh ấy xa dần trong hành lang, những giọt nước mắt cô đơn bắt đầu lăn trên má tôi. Esther vẫn chạy qua chạy lại. Tôi quan sát người bạn cao kều và thấy túi hóa chất chuẩn bị hết. Vài phút nữa người bạn cao kều sẽ lại píp píp và Esther sẽ chạy lại mang theo một túi mới.

Esther tốt bụng và xinh đẹp, người xóa bỏ tất cả những gì là màu trắng và bệnh viện bằng mái tóc đỏ rực của mình.

Chị bước vào và thấy tôi trong tình trạng trọc lốc nhất: tôi ngồi viết trên giường, không tóc, không pha trò.

“Mai Jochem đến thăm, em đã có lần kể cho chị về anh ấy. Chị phải quen anh ấy bằng mọi giá.”

“Thế ư? Tại sao?”

“Anh ấy vừa gọi điện và nói chắc hẳn đã có lần anh ta ngủ nghê với chị rồi. Nhưng em nói, điều đó thật nhảm nhí. Anh ta chỉ được cái to mồm.”

“Chị chưa bao giờ lên giường với ai tên là Jochem”, Esther mỉm cười nói.

Thứ Bảy ngày 11 tháng Sáu năm 2005

Trước mặt tôi là 22 bông hồng vàng. Tôi không thích hồng vàng song vẫn tỏ ra hớn hở trong khi đếm. Đúng chính xác 22 bông. Còn có thêm một tấm thiếp kèm theo: “Tiếc là tớ không tự mang tới được cho cậu.” Vô danh. Cũng chẳng cần thiết bởi tôi biết được ngay ai là người gửi chúng. Chỉ có một người bạn có thể gửi hồng vàng và chỉ có một người bạn chu đáo tới nhường vậy: Martijn.

Quả đúng là một ngày lễ! Ngày sinh nhật sẽ đẹp hơn khi người ta bị bệnh và biết rằng mình vẫn còn sống và bước sang một tuổi mới. Đẹp hơn cả khi người ta khỏe mạnh và biết rằng mình lại già thêm một tuổi.

 Chiếc vú thứ ba của tôi là đồ trang điểm đặc biệt cho ngày lễ này. Do Pauke dẫn đầu, các chị y tá khác vừa bước vào phòng vừa hát. Pauke không thích lãng phí thời gian nên chị ấy ngắt tôi ngay ra khỏi thanh truyền.

Tôi cũng không thích lãng phí thời gian, đồ đạc của tôi đã sẵn sàng. Bas trực ca đêm, anh nhẹ nhàng tăng lưu lượng bơm của tôi. Cả những người còn lại trong khoa cũng tích cực tham gia vào kế hoạch của tôi. Độ hemoglobin của tôi hôm nay tăng lên 6,5, chính vì vậy nên tôi không phải truyền máu.

Một chiếc xe lăn đã chờ sẵn. Con bé vẫn còn khá yếu, chắc mọi người nghĩ vậy về tôi. Sự thật là tôi cảm thấy mình vẫn còn uể oải và cũng thể hiện ra như vậy. Tôi muốn phản kháng nhưng khi đứng dậy tôi thấy váng vất chóng mặt. Tôi rời khoa và hướng thẳng tới thang máy. Chết tiệt thật - mới 22 tuổi mà tôi đã phải ngồi xe lăn.

Thứ Ba ngày 14 tháng Sáu năm 2005

“Tớ muốn để kiểu tóc như Uma Thurman trong phim Puirp Fiction.” Tôi uống hết tách trà, hôn má Annabel, quăng mình lên chiếc xe đạp địa hình và 10 phút sau đã có mặt ở cửa hàng tóc giả yêu thích. Tôi nhận ra ngay là màu đen hơi cứng so với mình nhưng mẫu màu nâu đỏ tương tự lại cực hợp với làn da nhợt nhạt của tôi. Mái tóc buông xõa xuống hai vai, cả chiếc đuôi ngựa cũng dài.

“Chúng tôi có thể cắt thành phom ngay cho cháu bây giờ.”

“Nó giá bao nhiêu ạ?”

“52,50 euro”

Tôi kinh ngạc nhìn người bán hàng. Đây là bộ tóc giả rẻ nhất mà tôi từng đội.

Cạnh tôi còn có một người phụ nữ da màu khác đang thử tóc giả. Cô ta giấu mái tóc xoăn tít của mình dưới một bộ tóc trắng mượt mà. Bộ tóc giả khiến tôi lóa cả mắt song hiệu quả của nó thì thật ghê gớm. “Tôi thử nó được chứ?”, tôi hỏi.

“Vậy là hết 52,50 cộng 66... bằng 118,50 euro. Miễn phí hộp gel bóng tóc cho khách quen.”

Tóc giả - thật tuyệt vời. Sáu bộ tóc giả, sáu cái tên, thêm sáu lần bạn bè và những kẻ ngưỡng mộ. Sáu con người phụ, ẩn sau mỗi người là một phần Sophie. Một Sophie bất an và nhút nhát: Stella. Một Sophie đa cảm: Oema. Một Sophie luôn tươi cười và đầy hoang dại: Sue. Một Sophie đầy nội tâm: Blondie. Một Sophie thích phiêu lưu: Plantina. Một Sophie đầy mộng mơ: Daisy.

Vào cái ngày tôi được chẩn đoán ung thư, sân chơi của tôi từ cỡ chỉ bằng hành lang của một trường học đã lớn bằng một sân bóng đá. Không ngày nào tôi không ý thức được rằng những người khác đang nghĩ đến mình. Tất cả đều muốn làm điều gì đó tốt cho tôi, dù chỉ là tặng một cốc nước ở quán Finch hay một ngày làm đẹp miễn phí ở Beauty Salon. Nhiều khi tôi sợ tấm chăn ấm áp này sẽ làm mình quên mất thực tại trong khi còn chưa được đi qua một vài góc khuất của cuộc sống. Tôi có thể làm tất cả, có thể nói tất cả, có thể tìm thấy tất cả. Và may thay, tôi cũng có thể mang trên người tất cả. Ai cũng đều cảm thấy có lỗi khi họ nhìn tôi với bộ tóc giả mới. “Nó rất hợp với cháu đấy. Cách cháu vượt qua bệnh tật quả rất cừ đấy.”

Bộ tóc giả giúp tôi giấu kín những điều tôi muốn giấu, mang lại cho tôi lòng can đảm được là người mà tôi muốn làm. Với mỗi bộ tóc giả trên đầu tôi lấy lại được sân chơi mà tôi cần. Mớ hỗn độn trong đầu tôi do sự hiếu kỳ sinh ra ngày càng giống con phố một chiều hơn là một mê cung mà mới đây tôi vẫn còn mò mẫn trong đó để đi về phía trước.

 Quãng thời gian của cuộc chơi trốn tìm đã chấm dứt. Tôi thích thú tột đỉnh được là một phụ nữ. Được than vãn, được đong đưa, được gây chú ý. Điều đó làm tình cảnh nhẹ nhõm hơn cho cả hai phía. Đôi khi thật khó có thể hiểu được vấn đề của người khác. Rồi một bộ tóc giả đầy phô trương ra tay cứu giúp, tôi không thể biểu lộ nỗi đau và sau đó là chính mình một cách tốt hơn thế.

Tôi kiêu hãnh quan sát mái tóc giả của mình. Tôi ngồi lên chiếc xe đạp để tới chỗ Rob và Jan đang đợi ở quán trên phố. Họ cười rạng ngời. Jan thích sự điên rồ và phô trương của mái tóc, còn Rob thích tôi. Với Plantina tôi vừa có một chút điên rồ, vừa một chút phô trương.

“Chắc có lẽ em đã làm Cà Vạt phát hoảng.”

“Em có gặp lại anh ta không?”

“Có, hôm qua ở quán De Winkel. Nhưng anh ấy không nhận ra em vì em đội Blondie.”

 “Thế em nói sao?”

 “Kiểu tóc thử nghiệm. Chắc anh ấy nghĩ em là đứa hippi. Hoặc hoàn toàn điên rồ.”

 “Em đúng thật đáng yêu. Lại đây nào.” Rob hôn tôi một cái thật kêu vào thái dương và ôm tôi thật chặt đến nghẹt thở.

“Người đẹp?”

“Gì cơ?”

“Không gì cả.”

Thứ Tư ngày 15 tháng Sáu năm 2005

 Cầm chiếc túi đay trên tay, tôi xếp hàng trả tiền trong cửa hàng bán đồ sạch trên phố Westerstraat. Vấn đề họ kiêng cho bệnh nhân ung thư không làm tôi bận tâm. Tôi cũng chẳng tin nó. Ai cũng to mồm lên giọng rằng anh ta biết rõ hơn những người khác. Cơ mà tôi tin vào thức ăn chứa nhiều vitamin, thực phẩm sinh học, thực phẩm chống ô xy hóa, rau quả và củ cải đường.

 Trong giỏ của tôi có hạt yến mạch, gạo Peru, lúa miến, hạt lanh, hạt vừng, hạt bí ngô và sữa dê. Tôi vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, vì vậy tôi đã rất ngạc nhiên khi sáng nay tôi tự ép được hẳn một cây thì là tây. Tôi vẫn tự hỏi người khác sẽ làm gì với những thứ như lúa miến, kiều mạch và gạo Peru. Hài lòng với giỏ hàng rất tốt cho sức khỏe của mình, tôi nhìn sang giỏ của một phụ nữ bên cạnh: Tảo, không gì khác là tảo. Sau quầy thuốc là tảo xoắn, tảo ngọt, Aloe vera, sâm và rất nhiều đồ Tàu khác. Tôi thờ ơ nghe cuộc đối thoại của người đàn bà đứng cạnh nói tiếng Tàu với ông thầy lang đi dép của hãng Birkenstock - tôi thề đấy - đằng sau quầy. Một vài viên thuốc biến mất vào trong chiếc túi đay của bà ta. Tôi thở dài, tiếng Tàu hãy cứ tạm để đó đã.

 Trên đường về nhà tôi ghé vào một trong số rất nhiều trung tâm Yoga của quận này. Yoga cũng giúp người ta trở nên “đẹp và khỏe”. Hôm nay tôi sẽ lên danh sách. Yoga - một từ thật đẹp. Tôi cố gắng duỗi các chi cứng đơ của mình trên tấm thảm tập Yoga. Bởi đó mới là Yoga: duỗi, duỗi và duỗi một khi cơ còn cho phép. Không chỉ tay và chân mà cả ngón tay lẫn ngón chân.

Sau Yoga là ngồi thiền. Phù... ngồi thiền - thật là một quãng đường dài. Phải vậy thôi khi người ta quên hỏi nó tốt cho cái gì. Tôi ngồi thiền, ít nhất là tôi cũng nỗ lực làm vậy. Tôi nghĩ rằng tôi đang ở giai đoạn đâu đó giữa trầm ngâm và tập trung.

Trong lúc viết tôi mới nhận ra mình bị định kiến như thế nào. Một định kiến về bệnh tật, về việc muốn làm những điều như thể mình khỏe mạnh và muốn tỉnh táo sống, về cả những cửa hàng bán đồ thiên nhiên, triết học, Yoga và ngồi thiền, về sự yên bình, sự đồng cảm tinh thần và những nụ cười. Đó như là một người bạn trên ghế dự bị. Rồi tôi đốt nến cầu nguyện cho điều gì đó. Cho người chị luôn yêu mình và hay ghé qua uống cà phê cùng thay vì làm một công dân của thế giới ở Hồng Kông. Cho chú mèo đang đợi tôi bên cửa sổ, cho bố mẹ vẫn còn là một cặp hạnh phúc và ơn trời là bố mẹ của tôi. Và cho một cơ thể không có những dị thường.

Thứ Sáu ngày 24 tháng Sáu năm 2005

“Chính vì vậy bác cần phải chụp cộng hưởng từ đầu cháu.” Bác sĩ L gật đầu, lẩm bẩm gì đó như là: “Làm thế để cháu được yên tâm thôi còn bác thì không lo lắng gì về chuyện này” và điền vào tờ đăng ký.

 Tôi đoán là trong đầu tôi mọc một thứ gì đó. Một thứ gì đó ác tính. Đã vài tuần nay tôi bị đau đầu liên tục. Tôi cảm thấy những vết kim châm, những cơn đau như búa bổ, nước mũi thì chảy ròng ròng. Trong hiệu sách của viện AMC tôi đọc được rằng việc hay chảy nước mũi có thể do nguyên nhân nào đó không liên quan đến đầu hoặc não và rằng với căn bệnh này, một khối u trong đầu đôi khi có thể lan tới tận phổi. Sau những cơn đau dữ dội, những nỗi hoảng sợ và hai bữa ăn trưa trong hiệu sách y tế, tôi quyết định thông báo cho bác sĩ luận điểm còn chưa vững của mình.

 “Thứ Tư, ngày 29 tháng Sáu, 7 giờ 50 phút”, ông nói. Vậy là chỉ còn vài ngày nữa.

“Cháu viết ra chưa?”

“Rồi ạ, thứ Tư tuần sau, lúc 8 giờ kém 10.”

“Tốt, bác sẽ gặp cháu sau đó ở phòng bệnh. Cho tới lúc đó cháu vẫn còn sức chứ?”

“Vâng. Mà đây là đợt hóa trị thứ bao nhiêu rồi bác nhỉ?”

“Bác phải xem đã. 7 này, 8, 9, 10, 11, lần này là 12, đúng rồi lần thứ 12. Nhanh thật đúng không. Được nửa thời gian rồi.” Bác sĩ L gật đầu về phía tôi đầy an ủi.

“Trong sổ ghi chú của cháu là tuần thứ 22. Khi nào có kết quả ạ?”

“Bác sẽ cố càng sớm càng tốt. Hy vọng ngay hôm sau, sau đó bác có thể thông báo với cháu về phần còn lại của quá trình điều trị. Thứ Tư bác có một nhóm hội thảo ở viện AMC, ở đó mọi người sẽ bàn bạc về các khả năng của phương pháp xạ trị và phẫu thuật. Bác nói lại này: Phẫu thuật là nằm ngoài kế hoạch.”

Bác sĩ L khụt khịt mũi rồi đi gặp các nhà khoa học, giáo sư và các chuyên gia xạ trị khác để quyết định xem phải làm gì tiếp với đợt điều trị của tôi. Nếu họ muốn mổ xẻ tôi thì phải làm ngay vào lúc này. Tất cả các bác sĩ từng nhìn vào sổ bệnh án của tôi đều lắc đầu quầy quậy nhưng tôi vẫn hy vọng là mình được phẫu thuật. Sau sáu tháng điều trị hóa liệu đám u bướu giờ trông khác hẳn.

“À nói thêm, bộ tóc giả này – Platina – bác không thấy thích lắm. Nó làm cháu trông già đi.”

“Cháu cũng cảm thấy mình già rồi.”

Thứ Tư ngày 29 tháng Sáu năm 2005

 Tôi ở trong tình trạng căng thẳng tột độ. Đã 20 phút trôi qua tôi vẫn nằm đó, trên đầu là đôi tai nghe to bự còn trên mặt là tấm lưới che. Thứ tiếng động đang lọt vào tai khiến tôi nghĩ tới chiếc máy khoan của bác hàng xóm nhà cạnh con kênh. Đột nhiên tiếng động đó im bặt. Hai gương mặt lạ lởn vởn ngay cạnh tôi.“Chúng tôi phải tiêm thêm chất phản quang để có thể nhìn tốt hơn.”

Khỉ thật, họ đã thấy thứ gì đó. Ở đó có thứ gì đó. Khỉ thật, nó ở trong đầu tôi.

“Nó có tệ lắm không ạ?” tôi hỏi.

Hai gương mặt lạ đó nhìn tôi rồi gọi thêm vị chuyên gia X-quang tới.

Mỗi giây trôi qua tôi càng cảm thấy khiếp đảm hơn.

“Đến thời điểm này thì mọi thứ đều tốt, chúng tôi chỉ muốn...” Ông ta không nói thêm nữa.

Tôi thổn thức, đôi vai tôi run lẩy bẩy. Trong lúc nghe nốt những tiếng động cuối cùng của chiếc máy khoan, tôi mới vỡ lẽ ra rằng tôi ngày càng đặt thêm nhiều niềm tin vào vị bác sĩ của mình hơn.

Cuối cùng tôi cũng đến phòng điều trị. Judith hớt hải chạy qua chạy lại. Chị được các y tá khác đật cho biệt hiệu là “Gió cuốn”. Tôi chào những người có mặt ở đó, đặt mình xuống chiếc ghế bên cửa sổ, gặm một miếng bích quy rồi nhấn nút PLAY. Đợt hóa trị đã có thể được tiến hành.

Thứ Năm ngày 30 tháng Sáu năm 2005

Rob và tôi ngồi ở Ouderkerk cạnh sông Amstel và cùng chờ một cuộc điện thoại. Đã 20 phút trôi qua, tôi khều ra khều vào đĩa ăn của mình. Như thường lệ Rob luôn ăn thứ gì đó đo đỏ, có thịt, còn tôi cũng như thường lệ luôn ăn rau quả và đồ có lợi cho sức khỏe.

Có điện thoại. Tôi vô thức vội cắm chiếc dĩa của mình vào đồ ăn của Rob. Một cục mỡ. Chúa ơi!

“Tất cả bác sĩ đều thống nhất rằng phẫu thuật là không thể. Chúng tôi sẽ bắt đầu ngay bằng xạ trị.”

Tôi không hiểu. “Chỉ cần cắt bỏ những gì thừa đi là xong phải không ạ?”

“Không, không được. Đó là cuộc phẫu thuật mà chúng ta đã thôi không thực hiện từ những năm 70. Một vùng quá khó phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ hại nhiều hơn lợi.”

“Ra thế. Vậy giờ làm sao ạ?”

“Tuần tới bác đã lên lịch hẹn với bác sĩ O ở viện AMC cho cháu. Đó là một chuyên gia về xạ trị. Ông ấy sẽ giải thích cho cháu mọi việc.”

“Bác đã đọc email chưa ạ?”

“Rồi và cũng đã trả lời. Kết quả đợt chụp cộng hưởng từ là tốt, như họ đã nói.”

“Phù.”

“Không có thêm đau đớn nào khác chứ?”

“Không ạ.”

“Cháu cảm thấy tốt chứ?”

“Vâng, chỉ có điều uể oải hơn thường lệ đôi chút.”

“Đó có thể là do lượng máu của cháu xuống thấp gây nên. Khi nào cháu lại đi xét nghiệm máu? Có lẽ họ phải truyền máu cho cháu.”

“Thứ Hai ạ.”

“Được, nhớ rẽ qua chỗ bác một chút nhé. Tạm biệt. Chúc cháu cuối tuần vui vẻ.”

“Cảm ơn bác, chúc bác cuối tuần vui vẻ. Hẹn thứ Hai gặp lại.”

“Tạm biệt Sophie.”

“Tạm biệt, bác sĩ.”

Tôi không biết là mình nên thở phào hay khiếp sợ. Tôi chẳng thiết tha gì một vết sẹo dài tới 20 cm. Song để được khỏe trở lại tôi cũng chẳng ngần ngại nó.

Và nó đã xảy ra ở đây, giữa cái bẹo tay, sự âu yếm và những nụ hôn bè bạn. Một ánh nhìn thật lâu kèm theo nụ hôn thật dài. Rob đã đẩy sợ hãi ra khỏi tôi. Đã yêu.

Thứ Sáu ngày mùng 1 tháng Bảy năm 2005

Tôi mở mắt. Có ai đó nằm cạnh mình. Tôi chớp mắt, người đó biến mất. Mở, nhắm, mở, nhắm.

Mở.

Đôi vai, lưng và hai tay rám đặc một màu nâu. Đám tóc nâu xám trên chiếc đầu oai vệ giống cảnh quảng cáo thuốc lá Marlboro. Đôi tay người ấy cài vào nhau, đặt nửa chừng lên gối. Mắt nhắm chặt. Tôi rón rén trườn người sang bên, mắt đảo quanh tìm kiếm Blondie và ngồi lại lên giường. Bên ngoài trời vẫn tối. Tôi thận trọng trùm mớ tóc giả lên đầu rồi chui xuống lớp chăn, cọ mình vào cơ thể ấm áp của Rob. Lớp da xung quanh mắt tôi giống y lớp da trên hộp sọ, đỏ hồng và nhẵn thín. Mông được để trần. Tôi hôn một cái vào mũi Rob. Mắt anh ấy dần mở. Một nụ cười. “Chào người đẹp của anh, em ngủ ngon chứ?”

Tôi gật đầu.

“Mấy giờ rồi?”

Tôi nhún vai.

Chúng tôi nhìn.

Và nhìn.

Cái cách mà một gương mặt có thể thay đổi khi người ta lại gần nó thật buồn cười. Lại thêm một nụ cười. Chúng tôi vẫn nhìn nhau. Bàn tay anh xoa lấy tay tôi. Tôi nhích người sát anh hơn. Rồi một nụ hôn. Dưới chăn đôi chân chúng tôi đang tìm lấy nhau. Bộ tóc giả tuột không đúng lúc ra khỏi đầu, song tôi không thể không có nó. Tôi đang yêu và muốn được cảm thấy mình là phụ nữ một cách trọn vẹn. Gợi tình, quyến rũ, được yêu và không thể cường lại. Song tôi không thể thành công với một cái đầu bị ung thư.

“Tháo nó ra đi em yêu.”

“Không.”

“Em vẫn tuyệt đẹp khi không có nó.”

 “Em không thể.”

Rob biết tôi từ hồi tôi còn vén tóc cao với những tham vọng chính trị và những lần la cà trên quán phố. Anh cũng biết tôi khi tôi đã là một đứa bị trầm cảm nặng, một đứa bị số phận quật ngã hoàn toàn. Một hôm anh tới quán bar nơi tôi làm việc và không lâu sau đó anh trở thành một trong những người thân nhất của tôi.

 Tôi tìm kiếm sự an ủi nơi anh vào đêm trước khi tôi được bác sĩ thông báo mọi việc sẽ tiếp diễn thế nào. Liệu tôi có được chữa trị và chữa trị thế nào. Đơn giản bởi chính anh cũng đã từng phải trải qua quãng thời gian tàn bạo đó với nào là xạ trị, phẫu thuật rồi nhiều điều ngạc nhiên lạ thường khác. Tôi bật cười khi anh kể về lần mặt mũi trở nên xanh xám khi bị tiêm chất phản quang vào giữa kẽ chân.

“Chào Rob, em đây.”

“Chào em, em khỏe chứ?”

Tôi sụt sịt. “Em sợ.”

“Thôi nào em yêu. Tất nhiên là em sợ rồi. Anh cũng còn sợ nữa là.”

“Ngày trước diễn ra thế nào?”

“Ngày trước?”

“Khi anh vẫn còn bị bệnh đấy. Anh cũng từng sợ hãi chứ?:

“Tất nhiên rồi. Nhưng chẩn đoán của anh rất tích cực.”

“À.”

“Em thấy khá lên chưa, em yêu?”

“Chưa. Có lẽ em sẽ chết. Không lâu nữa.”

“Em sẽ không chết, khỉ thật!”

“Ngày mai các bác sĩ sẽ bàn bạc xem nên tiếp tục thế nào. Hoặc liệu có nên tiếp tục.”

“Họ sẽ làm em khỏe trở lại. Anh chắc chắn đấy.”

“Tại sao anh lại chắc chắn vậy?”

“Đơn giản là họ phải làm em khỏe trở lại.”

“Vậy chắc là thế. Mà chính bác sĩ đã nói: ‘Nếu chúng tôi có thể giúp được cháu thì thử thách không chỉ ở chỗ phải cắt bỏ nó mà còn phải làm sao để nó không phát triển trở lại. ’ ”

“Chúa ơi, tệ thật. Anh cũng không biết nữa.”

“Chính xác thì anh làm việc ở đâu?”

“Ở Cineac. Anh quay phim những kẻ luôn coi mình là quan trọng.”

 “À.”

“Anh qua chỗ em nhá?”

 “Đừng, Annabel đến ngay bây giờ.”

“Tốt, em có thể gọi anh bất cứ lúc nào. Em biết điều đó, đúng không?”

“Vâng.”

“Kể cả đêm nay.”

“Giờ đã là đêm rồi.”

“À, khỉ thật. Anh yêu em, đừng quên điều đó đấy.”

 “Em cũng yêu anh. Em gác máy đây, Annabel đứng ngoài cửa rồi.”

 “Mai ta gặp nhau nhé? Chúc em mọi điều tốt đẹp, anh luôn nghĩ về em.”

“Cảm ơn. Tạm biệt, anh yêu.”

“Ngủ ngon nhé.”

Đó chắc hẳn phải là sự kết hợp giữa gương mặt đẹp rám nắng, những cử chi âu yếm quen thuộc và chiếc Jaguar XJS của anh. Cả ba thứ đó như góp phần làm đàn bướm trong bụng tôi bay loạn xạ(7). Thêm vào đó là gu thích đàn ông trung tuổi của tôi. Dù có hơi ngượng một chút, nó cũng không làm tôi bận tâm. Điều duy nhất khiến tôi bận tâm lúc này là những người mà tôi yêu quý. Và tôi yêu anh ấy. Yêu Rob.

7. Từ câu thành ngữ “Như có bướm bay trong bụng” với nghĩa là đang yêu.

“Này anh?”

“Ừ, cưng?”

“Em đang yêu.” Chúng tôi ngồi tắm nắng cùng nhau ở Noordermarkt.

“Đang yêu?”

“Vâng, yêu anh. Vài hôm rồi.”

“Ôi.” Anh hôn tôi một cái.

“Trái tim của anh.” Rob luôn gọi tôi là cưng, trái tim hoặc em yêu. Anh vỗ vào chân tôi. Rob luôn vỗ vào tay, chân hoặc mông tôi.

“Nào, chúng ta đi thôi.” Anh đứng dậy, trả tiền rồi chụp lấy tay tôi.

“Chúng ta đi xem sopranos nhé?”

“Đồng ý.”

“Em ở qua đêm chứ?”

“Vâng.”

“Anh quá già đối với em rồi.”

“Già gấp đôi.” Chúng tôi cười.

“Không thể thế được. Chỉ có ngủ và chẳng gì cả”, anh nói.

“Thì sao nào? Em vẫn quý anh.”

Đó là của ngày hôm qua. Hôn, ôm, ngủ nghê. Đam mê và tình dục. Tôi lượn một vòng qua các cửa hàng tóc giả để mua băng dính và để làm cho mái tóc giả của mình chắc chắn hơn khi quan hệ. Không tóc giả, không tình dục. Thế mà sau đó chúng lại bị vất vật vất vạ trên giường chẳng được động tới. Tôi vẫn cảm thấy khó khăn khi để Rob gần gũi mình bởi nỗi sợ gánh nặng mà tôi mang theo vào giường sẽ làm anh ấy hoảng. Tôi sống như vậy trong thế giới riêng của mình. Có lẽ vì thế mà đối với tôi tóc giả quan trọng đến nhường vậy bởi cái đầu trọc lốc kia thật kinh tởm.

“Đến đây nào em yêu.” Rob đã dậy, bồn nước đã đầy. Chúng tôi ở trong đó hồi lâu, lâu đến nỗi những ngón tay tôi nhăn nheo và nước nguội dần. Rồi sau đó lại vào giường và quấn quít nhau.