Thứ Ba ngày 26 tháng Bảy năm 2005
ôi lang thang dọc bờ biển Nice. Tôi uống thé de verveine vàgrand crème lẫn lộn nhau rồi tiếp tục tìm thêm đồ uống khác trên cuốn thực đơn đã sờn rách. Bởi ở Nice không có gì là quá nhiều. Ngao sò đủ các loại và kích cỡ: chúng tôi gọi tất cả.
Tôi mở túi, lấy ra chiếc kính râm và hòa vào không khí xung quanh. Thật huyên náo! Tay cầm chiếc lều che nắng cỡ 3x5 mét - kho dự trữ kem chống nắng hệ số 30 bằng sắt - tôi dọn đường đi cho mình qua những cơ thể rám nắng trên bãi biển Pamplonne. Ở đây ngay cả những làn da già nhăn nhúm và dễ bị tổn thương cũng không bị hư hại, rốt cuộc thì người ta cũng đã phải bỏ tiền để mua một chút tia nắng mặt trời loại hảo hạng.
Pam tung bay trong gió. Tôi không hề nghĩ mình lại có thể được thưởng thức cái cảm giác tự do tự tại trên chiếc Cabrio mùa hè này. Tôi tưởng tượng bên cạnh mình là một người đàn ông thành công về tiền bạc song đen đủi chuyện tình duyên. Hay một người đã ở vào giai đoạn xế chiều, hoặc một chàng còn độc thân thích đến miền Nam nước Pháp nhất.
Mặt nước xanh ngắt, bầu trời cũng vậy. Đã từ vài ngày nay tôi không còn nhìn thấy chân trời.
Ánh mặt trời dần yếu đi. Tôi phải thận trọng, phải đi vào chỗ râm trước khi bị chị y tá Hanneke phát hiện. Rất có khả năng chị ấy cũng lởn vởn đâu đó quanh đây.
Giấu kín mình dưới một chiếc mũ bự, một mái tóc giả và đôi kính râm hiệu Onassis, tôi thoa kem chống nắng hệ số lớn một lần nữa. Đơn giản là phải thưởng thức ánh mặt trời chiều này. Annabel nằm phơi nắng cạnh tôi. Để làn da mình cũng rám nắng, mùa hè này tôi phải dùng kem bôi. Chai lọ. Tôi thấy chai lọ ở khắp mọi nơi và chúng đều hứa hẹn làm da tôi rám nắng. Tôi đã thử tất cả những gì có thể: nào là bọt rám nắng, khi thoa phải đi găng tay cao su và ngày càng trở nên khan hiếm trên khoa Ung thư, nào là hộp xịt và kem bôi rám nắng.
Từ mặt nước tôi quan sát màn biểu diễn của những con thuyền. Cánh buồm vẫn trắng và mặt biển vẫn xanh. Tôi nhìn vào mặt nước phản chiếu và không tìm đâu thấy bóng dáng bệnh viện OLVG. Tôi nhìn lâu hơn, xa hơn và cũng không thể tìm thấy bóng dáng cơn ác mộng của tôi ở đâu. Tôi được giải thoát khỏi tất cả, tất cả đều đã bị quên lãng. Khi mở mắt ra tôi thấy cơ man nào là tàu thuyền.
“Này, cái gì kia nhỉ?” Annabel chỉ vào một cái gì đó đang trôi trên mặt nước gần đó. Nó càng lúc càng trôi xa hơn.
Tôi nằm dài trên nệm và nghe tiếng sóng vỗ.
“Hôm nay cậu không đội tóc giả à?”
“Khỉ thật! Đó là Blondie!”
Bầu trời xanh thẳm dần chuyển sang sắc hồng, những con thuyền đầu tiên đã tìm đường về bến đậu, những chùm ánh sáng đầu tiên đã được thắp lên. Và cả đôi giày cao gót của chúng tôi nữa. Chúng tôi “hạ cánh” xuống một buổi tiệc trong vườn ngôi biệt thự trên núi của một ông trùm điện ảnh Mỹ giàu sụ. Do tình cờ, chúng tôi lại đến đúng chỗ, đúng thời điểm.
“Sâm banh nhé? Không, nước cà chua, có vắt chanh.”
Tôi đi giữa những nàng Nga chân dài và những gã Ả rập lùn. Một bữa tiệc trong vườn thế này thật tuyệt. Ngay cả khi tôi có cảm thấy hơi lạc lõng khi mồ hôi do hóa trị chảy trên lưng và mái tóc giả nhảy múa thật dễ thương theo nhịp điệu riêng của nó. May mà ngực áo bên phải không có lỗ xẻ để tương phản với lỗ xẻ bên ngực trái. Tôi sẽ nói với bác sĩ N để ông ấy không để lồng ngực trái của tôi nằm bên trái.
Một dãy những chiếc xe địa hình đắt tiền và du thuyền sang trọng bên vịnh Riviera. Chúng tôi trông thấy Paris Hilton và cơ man nào các cơ thể cháy nắng. Những đôi chân dài thẳng tắp và những đôi xăng đan hợp mốt nhất. Khắp nơi là những chiếc váy trên tạp chí Vogue. Cơ số những phụ nữ đẹp và chỉ một ít đàn ông điển trai. Một chàng cao bồi già từ Los Angeles.
Rồi cả Ivana Trump, Catherine Deneuve và Natalia Vodianova. Đằng sau đôi kính râm to đùng, Annabel và tôi cùng bật cười.
Hai giờ đêm, chúng tôi đã mệt lử. Tôi mệt vì lượng máu giảm còn Annabel mệt vì đôi giày cao gót đầy phức tạp của cô ấy. Chúng tôi xuống cầu thang dẫn ra ban công và ngắm tất cả những gì đẹp nhất đang diễn ra.
Thứ Tư ngày 10 tháng Tám năm 2005
Rob đứng đằng sau và hôn tôi một cái thật kêu. Chúng tôi tới cửa hàng Health Store, nơi dễ nhận ra qua những quầy bán thực phẩm y tế bổ sung to đồ sộ và những người Tàu.
Tôi đọc một tờ rơi về phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh. Những đợt nóng ran trên cơ thể là một trong các tác dụng phụ được ghi trên đó và chúng giống một cách đáng sợ với những triệu chứng đã hành hạ tôi từ vài tuần nay. “Thời kỳ mãn kinh thường diễn ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 45 tới 55. Trong giai đoạn này, một loạt các thay đổi về cấu trúc hoóc môn sẽ diễn ra. Sự biến đổi về hoóc môn này gây ra cho hơn nửa số phụ nữ Hà Lan tình trạng rối loạn về thể chất cũng như tinh thần, những rối loạn này còn được gọi là rối loạn thời kỳ mãn kinh. Phạm vi của chúng bao gồm từ những đợt nóng ran trên cơ thể, đau đầu, mất ngủ tới cáu kỉnh, hay lo lắng và suy nhược.”
Đau đớn thật! Rõ ràng là người ta viết về những người phụ nữ như tôi. Mới 22 tuổi đầu. Mãn kinh. Cứ như đã 45 đến 55 tuổi. Cuốn sách về thảo dược kỳ diệu của tôi viết rằng cây Anis có thể giúp phụ nữ hành kinh trở lại. Chúng tôi mua ngay một túi đầy.
Thứ Sáu ngày 12 tháng Tám năm 2005
“Chúa ơi, em lại bị rồi!” từ ghế sau tôi gọi với lên phía trước.
“Em uống thuốc nhé?” Rita hỏi. “Thuốc của chị ngon hơn nhiều.” Bên vô lăng chị ấy nhoẻn cười dù người đẫm mồ hôi.
Trên ghế sau của chiếc Mercedes người tôi đầm đìa mồ hôi và tự hỏi liệu bác sĩ N, bác sĩ L hay bác sĩ K có đưa những trận đổ mồ hôi mới này của tôi vào danh sách các tác dụng phụ. Không có gì sáng sủa ngoài việc đợt điều trị này có thể khiến người ta mất khả năng sinh nở. Rita nuốt ực một viên thuốc chống ra mồ hôi, còn tôi nuốt ực viên thuốc làm tôi càng ra mồ hôi nhiều hơn. Ra mồ hôi khi ngồi trên ghế sau xe còn tạm chấp nhận được, cơ mà khi phải chống chọi giữa sống và chết trên chiếc bàn xét nghiệm của bác sĩ K mà người đầm đìa thì quả thực là chuyện này đã đi quá xa. Dù sao tôi vẫn là môt đứa con gái trẻ, xinh, đứa con gái trong độ tuổi luôn phải uống thuốc để không bị dính bầu.
Rob ngồi cạnh tôi. Anh cũng đổ mồ hôi, song mồ hôi của anh là sự kết hợp giữa ánh nắng mặt trời và trận Vodka ngày hôm qua. “Cứ đi theo đường kẻ vàng, quý cô ạ.”
Rita, người lái xe giỏi nhất Amsterdam và vùng phụ cận đóng cửa xe và đi theo đường kẻ vàng tới phòng chiếu chụp. Tới phòng điều trị. Tới buồng điều trị. Đối với tôi bây giờ tất cả chỉ xoay quanh từ “điều trị”. Đó là một cuộc chiến đầy cam go. Bảy tuần trời, ngày nào tôi cũng phải đi đi về về từ Amsterdam tới Rotterdam. Trung bình hơn ba tiếng đi xe chỉ phục vụ cho mười phút xạ trị. Điều đó có nghĩa là được buôn chuyện với Rita và ngủ trên ghế sau xe. Bố mẹ tôi cũng thường đi cùng, nếu điều kiện cho phép họ còn muốn đi cùng tôi mỗi ngày. Đôi khi còn có thêm một người bạn song đi một mình với Rita cũng đã rất tuyệt.
Ngồi cạnh tôi trong bộ bờ lu trắng là Kevin. Kevin lúc nào cũng thân thiện và không bao giờ từ chối một cuộc tán gẫu. Chắc hẳn anh ta sẽ nghĩ tôi muốn tiêu khiển và làm Rita an tâm đôi chút.
Ý tốt đấy, nhưng không phải vậy. Bởi phim Chiến tranh giữa các vì sao đã được công chiếu và tôi đóng vai chính. Những chùm tia laser xanh rồi đến ánh đèn đỏ và một con quái vật cỡ bằng con lợn biển đang có bầu nhảy múa xung quanh mái đầu trọc lốc của tôi. Toàn cảnh giống như trong phim khoa học viễn tưởng. Tôi bị thắt chặt vào chiếc bàn hẹp mà thực ra là một tấm ván bằng gỗ và kim loại rộng 45 cm. Phần cơ thể trên trần trụi của tôi - Darth Vader(8) đã có mặt ở đó - được phủ bởi một tấm nhựa trong suốt đến nỗi người ta vẫn có thể nhận ra những vết dao cắt và dấu vết của ung thư.
8. Nhân vật chính trong phim Chiến tranh giữa các vì sao.
Bị nằm bẹp trên bàn, đôi gò bồng đảo của tôi gần như không thể nhô ra khỏi chiếc gò bồng đảo thứ ba. Cơ mà giờ đang là giờ chiếu phim Chiến tranh giữa các vì sao. Và tôi là nhân vật chính. Là ngôi sao. Là người chiến thắng. Mà có đúng Anakin cuối cùng là người chiến thắng không nhỉ?
Những đồng minh của tôi ghì chặt tấm nhựa vào bàn rồi quay mặt về phía chiếc máy kêu inh ỏi. Sau đó họ chạy mất và để lại tôi một mình với cuộc chiến. Dù gì tôi cũng là nhân vật chính ở đây, tôi sẽ chiến đấu tới cùng. Điều đó đã được viết trong kịch bản, kịch bản của riêng tôi, song đây cũng là bộ phim của tôi.
Một tiếng hét nổi lên: Con lợn biển đã sẵn sàng và dần chuẩn bị vào tư thế. Những tiếng rít của thiết bị điện và những tia chiếu trong suốt. Kẻ thù trong tôi bị nung cháy còn tôi vẫn tỏa sáng. Hai tay tôi bắt đầu đau. Tôi theo dõi từng cử động của loài động vật có vú lực lường đang lồng lộn quanh tôi. Có lúc tôi tập trung, có lúc tôi lại nhắm mắt chìm sâu vào dòng suy tưởng.
Bên ngoài, ở phòng chờ kề bên, các nhân vật trong Chiến tranh giữa các vì sao đến rồi đi. Mỗi người đều có một kịch bản riêng, cách diễn xuất riêng. Một cậu bé khoảng 8, 9 tuổi đứng đó. Trông cậu ta cứng cỏi song cũng có gì đó đáng thương. Đồng thời cậu ta cũng hơi có gì đó của Chiến tranh giữa các vì sao, chắc có lẽ do mái đầu trọc của cậu ấy. Cậu ta không muốn tới đây nữa, cậu nói vậy với một người lạ mặc bờ lu trắng.
“Cái máy to kia làm cháu đau”, cậu nói bằng giọng ồm ồm đã vỡ.
Tôi nhìn cậu ta, đôi mắt tôi bỗng ươn ướt. Giá như tôi có thể nói với cậu ấy rằng đây chỉ là một bộ phim đang diễn ra trong căn phòng đầy đồ này. Rằng chúng tôi đang ở trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao. Rằng đằng sau chiếc bờ lu trắng kia là Obi-Wan Kenobi và rằng “cái thiện” sẽ luôn chiến thắng. Và trước hết là cậu ấy sẽ chiến thắng để được sớm quay lại chơi với bạn bè mình. Song đó chỉ là cuốn phim của tôi. Trong phim đó tôi là người diễn xuất. Tôi cảm thấy khao khát cháy bỏng được giữ mối liên lạc với cậu ta, song tôi không biết phải làm như thế nào. Rồi cậu ta được gọi vào phòng. Hai chúng tôi, mỗi người biến mất vào sau một cánh cửa khác nhau.
Thứ Hai ngày 29 tháng Tám năm 2005
Tôi dạo bộ trên bãi biển. Cát ướt dính vào từng kẽ chân. Đó là một trò chơi giữa biển và cát: nước biển lạnh gột sạch đôi chân tôi song cát cũng ngay lập tức tìm thấy đôi chân tôi. Tôi đi dạo từ phải sang trái, từ Đông sang Tây như mình nghĩ song lại không phải vậy bởi bên trái tôi có những chiếc lò sưởi công nghiệp của Ijmuiden. Ở đằng xa, Ben, con chó của Jan hớn hở chạy lại bắt quả bóng tennis do Rob ném. Còn tôi bận rộn với việc nhặt vỏ sò. Tôi hồ hởi cúi người xuống nhặt mỗi khi sóng rút về biển, rồi vứt đủ các loại màu mè của biển vào chiếc áo sơ mi vàng của Jan mà tôi đã cuộn vào làm túi đựng. Thậm chí tôi còn nhặt được một vài vỏ sò có lỗ, cái lỗ to đến nỗi tôi có thể buộc chúng ngay vào chiếc vòng cổ đang đeo. Giờ có thêm hai vỏ sò trang điểm cho cổ tôi. Một đến từ những con sóng của miền Nam nước Pháp, một đến từ vùng biển mặn Wijk aan Zee.
Mỗi lần ra biển tôi đều mang theo hai vỏ sò của mình. Tôi đặt chúng trong bồn tắm, cạnh bồn rửa hoặc đặt nến vào trong chúng. Hoặc tôi dùng chúng làm nơi bảo quản nữ trang và các loại vòng linh tinh khác khi không đeo. Miền Nam nước Pháp, Wijk aan Zee. Tôi ao ước được sống trong một căn nhà cạnh biển với một khu vườn đầy sò.
Rob, Jan và tôi cố gắng một tuần ra biển vài lần.
Hôm nay chúng tôi làm được việc đó. Một cơn gió mạnh thổi qua làm Oema rối bù. Tôi ăn một đĩa xa lát với phó mát làm từ sữa dê và cà chua, đồng thời ngồi phân loại số sò nhặt được. Rob loay hoay tìm một chỗ ngồi để có thể hứng được nhiều tia nắng mặt trời nhất. Jan thò tay lục tìm trong chiếc túi ni lông đầy ngập các tạp chí lá cải và các loại báo khác trong khi con Ben chọc tức những người ngồi cạnh. Tôi lẻn vào nhà vệ sinh lặng lẽ chải lại tóc bằng chiếc lược cổ bằng bạc mà bà tôi đã tặng. Chiếc lược bạc này hợp với tóc giả một cách miễn chê.
Rob chạy tới. Anh tặng tôi một nụ hôn vào má, chuông điện thoại di động trong túi vang lên. Ai đó của tờ Thương mại NRC. Anh ta thích các bài viết của tôi.
Anh ta còn nói về sức mạnh. Anh ta cũng thấy đám tóc giả của tôi thú vị. “Chúng ta phải gặp nhau, nhưng trước đó hãy gửi cho tôi thêm chút tài liệu.”
Tôi tắt máy lòng đầy hân hoan.
Thứ Ba ngày mùng 6 tháng Chín năm 2005
Rob và tôi ngồi bên chiếc ghế trong bếp và nói về tương lai của chúng tôi. Tương lai. Chúa ơi, hai từ này mới kêu làm sao! Chúng tôi rất hạnh phúc bên nhau song chỉ như những người bạn chứ chưa hẳn như một cặp tình nhân. Chúng tôi cùng ở trong một hoàn cảnh oái oăm, nơi chỉ có từ Hôm nay là tồn tại. Và hôm nay Rob là tất cả những gì tôi ao ước. Song nếu tôi được phép nhìn về phía trước, tôi biết rằng mối quan hệ của chúng tôi sẽ không mang lại điều gì. Tôi yêu Rob, rất yêu nữa là khác, bên anh ấy tôi thấy mình hạnh phúc và an toàn. Tất cả đều ổn. Anh chơi thân với Jan và Jochem, tôi cũng là bạn thân của Jan và Jochem song chúng tôi không hoàn toàn tâm đầu hợp ý. Rob nghĩ, chúng tôi phải đưa ra quyết định, song cả hai đều muốn hoãn lại quyết định này cho đến khi chúng tôi chắc chắn hơn bởi điều đó liên quan tới tương lai của tôi và của chúng tôi.
Tôi vẫn ỡm ờ với những người đàn ông khác. Tôi thích đong đưa với những người đã có vợ, khó tính hoặc những người mặc bờ lu trắng nhất. Điều cốt yếu là họ đã phải bước qua tuổi 35.
Tôi vẫn nghĩ tới Jur như trước kia và tưởng tượng ra cuộc sống với anh ấy cho dù đối với anh ấy tôi không là gì khác ngoài như một người bạn. Hơn nữa chúng tôi cũng chưa từng ngủ với nhau.
Khi nghĩ tới danh sách dài các mối quan hệ ngắn ngủi của mình, tôi nghĩ ngay đến một từ: rối loạn. Một lúc tôi có thể yêu vài người đàn ông mà không đắn đo. Điều này phần nào lý giải cho các mối quan hệ chớp nhoáng của tôi. Hoặc có thể tôi vẫn chưa tìm ra một tình yêu đích thực, trong đó chỉ một người đàn ông là quan trọng đối với tôi và ngủ cùng tôi. Mười lăm tuổi tôi đã ngủ với những chàng trai sành điệu mà tôi quen ở Club de Ville, thay vì ở Paradiso. Hay tôi đã từng nhảy nhót với những người đàn ông 30 tuổi ở Roxy Swing thay vì với những người cùng tuổi ở Melkweg House. Tôi chỉ có thể nghĩ đến một lý do tại sao từ trước kia tôi đã thích những người đàn ông đứng tuổi: sự căng thẳng hồi hộp. Tôi sớm nhận ra hiệu quả của đôi mắt to và đôi môi mọng. Một chàng nghệ sĩ đẫn đờ, một gã Ba Tư có tính thích sở hữu, một tay đua xe đạp ỡm ờ, một ông trùm dầu mỏ đến từ Dehli - tất cả bọn họ đều có mặt trong danh sách của tôi.
Tôi có thể đào ra vàng, như vậy cũng hay bởi tôi là một đứa con gái có giá. Tôi đã nhẩm tính xem năm nay giá tôi khoảng bao nhiêu. Ý tôi ở đây không phải là những chiếc áo sơ mi nữ bằng lụa hay những đôi giày nhung. Ý tôi là những đợt truyền bạch cầu mà giá mỗi đợt lên tới một ngàn ba trăm bốn mươi bốn euro, những vỉ thuốc giá mỗi vỉ ba mươi lăm euro và những lần chụp X-quang mỗi lần giá tám trăm euro. Cả thảy là năm lần chụp và một lần chụp cộng hưởng từ. Thêm vào đó là lệ phí lưu trú ở bệnh viện với giá chín trăm sáu mươi bảy euro mỗi ngày. Tất cả cộng lại làm thành một con số lớn. Càng nghĩ nhiều về điều đó, thử hỏi làm sao tôi không qua lại với một gã tư vấn thuế ma mãnh hay một tay Ba Tư đến từ Luân Đôn, kẻ lập tức rút tiền đặt vé cho tôi bay mà không hề đắn đo. Tôi đã làm việc đó duy nhất một lần bởi tôi không muốn bỏ lỡ Cơ hội. Tất cả đều được chuẩn bị sẵn: Sâm banh, đám bè bạn, đặt bàn ở hộp đêm Boujis. Rồi đột nhiên là ánh mắt đầy sở hữu trong lúc tôi đang nhảy một mình. Một lần và không bao giờ nữa.
Tiếc là Rob cũng để mắt tới một phụ nữ khác. Anh không chỉ đi ăn cùng cô ta mà nếu điều kiện cho phép anh còn có thể lôi cô ta vào một góc phố tối. Chân cô ta dài tới nách trong khi tôi chỉ cao có 1 mét 71. Chính tôi đã khuyến khích Rob lao vào chuyện đó, song tôi không muốn nghe tên cô ta và tốt nhất là giả như cô ta không tồn tại. Nhưng tất nhiên thỉnh thoảng cô ta vẫn được nhắc đến. Đôi khi do tôi không kìm nén được tò mò. Lúc khác thì bởi Rob nghĩ chúng tôi là bạn, mà đã là bạn thì có thể nói về việc đó.
Thứ Tư ngày 14 tháng Chín năm 2005
Chắc đây phải là lần tắc đường dài nhất Hà Lan, ấy vậy mà chúng tôi lại kẹt trong đó. Chuyến đi từ bệnh viện OLVG tới Trung tâm Y tế Erasmus Rotterdam (EMCR). Từ hóa trị tới xạ trị. Hôm nay có Zus đi cùng. Chuyến đi càng dài, tôi càng được ngủ lâu, đó là mặt tích cực.
Sau nửa tiếng đồng hồ buôn chuyện, buôn chuyện, tôi gục vào lòng chị ngủ. Tôi không thể tiếp tục. Tôi không muốn tiếp tục nữa. Tôi không muốn diễn trong Chiến tranh giữa các vì sao nữa, cũng không muốn là một đứa mạnh mẽ nữa. Tôi uể oải và yếu ớt. Bụng và hai má hóp cả lại. Đôi mắt mờ đi, lớp da bên dưới ngày càng thâm quầng. Mệt mỏi. Mệt mỏi vì Rotterdam. Pam nằm cạnh chúng tôi trên ghế da, Zus âu yếm xoa chiếc sọ trọc của tôi bằng những ngón tay mềm mại của chị. Trong suốt phần còn lại của chuyến đi Zus vuốt ve hai tay và lưng tôi bởi chị biết tôi rất thích điều đó.
Đột nhiên tôi cảm thấy có gì ươn ướt ở chỗ đó. Tôi lấy tay ấn nhanh vào để nó khỏi chảy ra nữa. Nước tiểu.
“Zus à?”
“Ừ”
“Em tè ra rồi.”
“Tệ thật.”
“Chỉ tệ một nửa thôi, chỉ có quần bị ướt. Nó ngừng chảy rồi.”
Thứ Năm ngày 15 tháng Chín năm 2005
Chúng tôi tình cờ gặp nhau ở một thành phố lạ. Ông đi công tác, còn tôi đi săn mồi. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đã đưa tôi vào phòng đợi trong khách sạn của ông. Đó là khách sạn mà người ta có thể muốn lưu trú ngay trong vài tháng mà không cảm thấy nhớ bánh xà phòng, bồn rửa và chiếc bàn chải đánh răng của mình ở nhà. Tại phòng đợi này ông ngồi cùng một nhóm những người trung tuổi khác ở quầy bar. Họ uống, hút thuốc lá và cười nói vui vẻ. Họ đang thư giãn và tìm kiếm những cuộc phiêu lưu bởi họ biết thời gian mà họ có để dành cho sân chơi này rất eo hẹp.
Rồi tôi bước vào. Bước vào để tìm địa chỉ một buổi tiệc tối mà tôi không thể tìm thấy dù đã qua tới mười dãy nhà rồi. Mấy đầu ngón chân tôi như bị đốt cháy dù mới chỉ sau một tiếng bị nhốt trong đôi giày mới, còn chiếc váy bó cứ tung lên một cách khêu gợi. Tôi cảm thấy sự chú ý của những quý ông bên quầy bar được chuyển dần sang mình. Tôi cũng ném về phía họ một cái nhìn thận trọng song cũng đầy quyến rũ. Chính xác hơn là chỉ về phía ông bởi trong đám người đó tôi phát hiện ra bác sĩ K.
Một số người đàn ông luôn là niềm ao ước của tôi.
Ao ước thực sự. Bác sĩ K là một người như vậy. Tôi nén mình, cúi đầu rồi hất mái tóc nâu ra đằng sau. Tôi cười, ý thức được đầy đủ vẻ nữ tính của mình rồi từ từ tiến về phía quầy bar. Màn dạo đầu đã thành công. Cá đã cắn câu.
Vô cùng thận trọng, ông vừa cởi cúc áo của tôi vừa nhìn thẳng vào mắt tôi. Chiếc áo ngực đen tôi mặc hiện ra trước mặt ông. Một tay ông phiêu lưu trên ngực tôi còn tay kia khéo léo cởi chiếc khóa áo ngực trên tấm lưng đang run lẩy bẩy của tôi. Đôi núm bồng đảo cứng đơ của tôi nằm gọn giữa những ngón tay ông. Ông hôn chúng, hôn cổ rồi hôn môi. Càng lúc càng nhanh và dữ dội hơn. Kích thích. Khoái cảm.
Ông bế tôi lên và nhẹ nhàng đặt tôi vào giữa giường của mình. Chúng tôi biến mất trong tấm ga trải giường, trọn một đêm, cho đến khi chúng tôi mệt lử và ngủ thiếp bên nhau, rồi tỉnh dậy khi những tiếng động ban trưa ở thành phố lạ kia tiến sát chúng tôi.
Đúng với bản tính lãng mạn của mình, tôi kéo dài cái đêm đó thêm năm buổi trưa, buổi chiều và buổi tối nữa để chúng tôi có thể thưởng thức nhau trọn vẹn. Lúc ăn sáng, lúc đi dã ngoại văn hóa và cả ở các bữa ăn tối kéo dài. Đặc biệt là ban đêm lúc chỉ có chúng tôi và tấm ga trải giường của ông tồn tại.
“Van der Stap.”
Tôi nhìn thẳng vào mắt bác sĩ K.
Tỉnh dậy đi nào, cô vũ công ngủ mơ! Hai tay đan vào nhau, người cúi về phía trước, ông vừa nhìn tôi vừa nháy đôi mắt xanh của mình. Tôi ngượng đỏ lựng cả người, lưng tôi nóng ran và mồ hôi bắt đầu chảy. Giờ là lúc tôi cần những viên thuốc của Rita.
“Liệu tôi có thể làm được gì cho cháu?” ông hỏi.
“Hay đi kiểm tra phổi?”
Chuyến viếng thăm bác sĩ K thật tuyệt vời - “Hít vào, thở ra...” - tôi thở phào thoải mái.
Tôi có thể hình dung ra cuộc sống ngoài giờ làm việc của ông thế nào. Như những người khác - và có lẽ còn hơn cả những người khác do khía cạnh đạo đức trong nghề nghiệp của ông - chắc hẳn ông không mang theo một mảy may phiền toái nào về nhà. Có thể trên đường về nhà ông cũng đã giải phóng hết phần lớn các suy nghĩ, song chắc chắn có một vài suy nghĩ ông vẫn phải mang theo lên giường ngủ. Cái cảnh tượng ông có thể sẽ mang tôi vào giường ngủ, nói nôm na đại loại như vậy, khiến tôi cảm thấy bị kích thích kinh khủng. Cơ mà ông sẽ nghĩ gì? Liệu ông sẽ bị lòng thương hại chế ngự để rồi phải nghĩ đến sự bất công trên trái đất này? Hay ông cũng thèm muốn đôi mắt nâu tinh nghịch đang nhìn ông đắm đuối?
Ồ Pam, xem cậu lại giở trò tán tỉnh ai kìa. Lại là những ứng cử viên tiềm tàng mặc bờ lu trắng. Trong những tuần đầu tiên tôi vẫn còn mơ tưởng tới việc mình được toàn những người đàn ông mặc bờ lu trắng điều trị. Ngày đó áo bờ lu trắng vẫn khiến tôi bị ấn tượng mạnh. Còn giờ, sáu tháng sau, tôi thăm dò từng người mặc bờ lu một. Đầu tiên tôi kiểm tra tình trạng đôi giày và độ dài ống quần. Hễ chỉ cần một xăng ti mét tất thò ra thôi là mắt tôi sẽ đổi hướng sang chàng mặc bờ lu trắng khác.
Thứ Hai ngày 10 tháng Mười năm 2005
Sáng nay tôi đọc hết câu chuyện về Oskar. Oskar mới lên mười và sống ở khoa nhi tại một bệnh viện. Cậu bị bệnh bạch cầu. Cuộc sống của cậu bé chỉ diễn ra trong bệnh viện và cũng như những đứa trẻ khác mỗi tối cậu đi ngủ và thức dậy mỗi sáng. Giống tôi, Oskar cũng có một người y tá yêu thích: bà Rosa. Bà khuyên Oskar nên đặt những câu hỏi của mình cho Chúa. Trong những bức thư gửi Chúa, cậu bé tìm thấy một người bạn mới mà không hề biết rằng chính cậu đã tự trả lời hết các câu hỏi của mình.