Gót sắt

Chương XVI

Docsach24.com

ến lúc Ernest và tôi đi Washington, ba tôi không đi theo. Cụ đã mê cuộc đời vô sản. Cụ coi khu phố lụp xụp gần nhà chúng tôi như một phòng thí nghiệm xã hội học lớn, và cụ mải mê theo đuổi những cuộc điều tra vô tận của cụ. Cụ đánh bạn với những anh em lao công và được coi như người nhà trong hai chục gia đình. Cụ làm cả các việc vặt, coi đó là trò tiêu khiển đồng thời là việc nghiên cứu khoa học. Cụ làm như vậy một cách thích thú, và bao giờ cụ cũng về nhà với những trang ghi chép dày đặc và sẵn sàng kể cho chúng tôi nghe những chuyện mạo hiểm mới. Cụ đúng là một nhà bác học mẫu mực.

Kể ra ba tôi không cần phải đi làm, vì Ernest dịch sách cũng kiếm đủ cho ba người chúng tôi sống. Nhưng cụ cứ khăng khăng theo đuổi cái bóng ma thân thiết của cụ và nếu xét qua những công việc cụ làm thì đó phải là một con ma luôn luôn thay hình đổi dạng. Tôi sẽ không bao giờ quên cái buổi tối hôm ấy cụ đem về nhà một hòm hàng cụ đeo đi bán rong, có đủ cả dây giày và dây đeo quần, và một hôm khác tôi vào mua hàng ở một hiệu thực phẩm thì lại gặp chính ba tôi ra phục vụ. Sau đó thì tôi không còn ngạc nhiên khi thấy ba tôi làm bồi cho một quán rượu bên kia phố trong một tuần lễ. Cụ làm nghề gác đêm, đi rao bán khoai tây ngoài phố, dán nhãn hiệu trong một xưởng đóng đồ hộp, làm lao công trong một xưởng làm hộp giấy, đi khiêng nước cho một kíp công nhân đường xe điện. Cụ còn gia nhập cả công đoàn rửa bát đĩa vừa đúng trước khi tổ chức này tan rã.

Nói về ăn mặc thì tôi cho rằng gương đức Giám mục đã lôi cuốn được ba tôi, vì chính ba tôi cũng bận một tấm áo lót rẻ tiền bằng vải bông của anh em lao công và một chiếc quần mặc ngoài thắt bằng dải rút. Tuy nhiên, ba tôi vẫn còn giữ một tập quán do cuộc sống trước kia để lại: đến bữa ăn trưa, hay đúng hơn, đến bữa ăn tối, bao giờ cụ cũng đóng bộ chỉnh tề.

Sống với Ernest thì dù ở đâu tôi cũng thấy hạnh phúc: và niềm vui sướng của ba tôi trong hoàn cảnh đổi mới của chúng tôi càng làm cho hạnh phúc của tôi thêm toàn vẹn.

- Hồi còn nhỏ, tính ba rất tò mò, - ba tôi bảo. - Ba thường muốn biết tại sao lại có cái này, cái nọ và những cái đó diễn ra như thế nào. Chính vì thế mà ba thành một nhà vật lí học. Cuộc đời đối với ba lúc này cũng đầy vẻ hiếu kì như hồi ba còn nhỏ: và chính vì cuộc đời đầy vẻ hiếu kì cho nên nó mới đáng sống.

Thỉnh thoảng ba tôi lần mò ra tận khu bán hàng và rạp hát ở phía bắc Phố Chợ. Cụ đến đấy để bán báo, chạy hàng sách và mở cửa xe ngựa cho khách lên xuống. Một hôm, nhân đóng cửa một chiếc xe, ba tôi chạm trán với lão Wickson. Chiều về, cụ kể lại cho tôi nghe chuyện đó bằng một giọng rất thú vị.

- Lão Wickson nhìn chòng chọc vào ba, khi ba đóng cửa xe lại. Hắn bất giác kêu lên: "Ồ, thế này thì chết thật!" Hắn nói đúng như thế: "Ồ, thế này thì chết thật!" Hắn đỏ mặt lên và bối rối quá: đến nỗi quên cả trả tiền ba. Nhưng chắc là hắn định thần được ngay, vì chiếc xe vừa đi được dăm chục bước thì quay trở lại. Hắn thò đầu ra ngoài. "- Chết thật, giáo sư, thế này thì thật là quá quẩn, - hắn nói. - Tôi có thể giúp gì ngài được không? "- Tôi đóng cửa xe cho ngài, - ba đáp. - Theo lệ thường thì ngài có thể cho tôi một hào. "- Lại thế nữa ư, - hắn kêu lên. - Tôi muốn nói: giúp cái gì cho ra tấm ra món kia!

"Hắn nói đây chắc chắn là nói đứng đắn đấy. Có khi lương tâm gỗ đá của hắn thoáng bị day dứt cũng không biết chừng, thành thử ba đứng suy nghĩ mất một lúc. Khi ba bắt đầu trả lời, vẻ mặt hắn rất chăm chú, nhưng các con phải nhìn mặt nó khi cha vừa nói xong kia! "- Ngài có thể trả lại cho tôi cái nhà, - ba nói, - cùng với cổ phần của tôi ở nhà máy dệt Sierra. Ba tôi ngừng lại một lát. - Thế hắn nói thế nào? - Tôi sốt ruột hỏi.

- Còn nói thế nào được nữa? Hắn chẳng nói năng gì cả. Nhưng ba bảo "Tôi mong ngài sung sướng". Hắn rất ngạc nhiên nhìn ba. Ba liền hỏi:

"Thưa ngài, xin ngài cho tôi biết, ngài có sung sướng không?" Hắn liền ra lệnh cho xà-ích đánh xe đi và vừa đi vừa nguyền rủa kinh người. Hắn không cho ba hào nào, hắn lại càng không trả nhà và cổ phần kinh doanh. Đấy con xem, cái nghề chạy rông ngoài phố của ba toàn những chuyện thử lửa như thế đấy.

Ba tôi tiếp tục sống trong mấy căn phòng của chúng tôi ở phố Pell, còn Ernest và tôi đi Washington. Rõ ràng cái trật tự cũ đã chết và trận đòn kết thúc đến mau hơn tôi tưởng. Trái với chờ đợi của chúng tôi, không có gì cản trở những nghị sĩ của Đảng Xã hội ngồi vào ghế của họ.

Mọi việc đều tiến hành êm ả và tôi cười khi thấy Ernest nhận định rằng cái êm ả đó chính lại là điều gở.

Chúng tôi thấy các đồng chí xã hội chủ nghĩa của chúng tôi đầy tự tin, lạc quan vì sức mạnh của họ và vì những việc mà họ sắp làm. Một số ít đảng viên Kho thóc được bầu vào Quốc hội càng làm tăng thêm sức mạnh của chúng tôi, và hai bên phối hợp với nhau chuẩn bị đặt một chương trình hành động. Ernest đem hết lòng thành thật và nghị lực ra tham gia vào những công việc đó, mặc dầu thỉnh thoảng anh vẫn bật ra nói một cách bâng quơ: "Nói về chế tạo chất nổ thì tôi cam đoan rằng phương pháp hoá học tốt hơn là phương pháp cơ khí".

Đảng Kho thóc bắt đầu gặp khó khăn trước, ở những bang mà họ đã chiếm được trong cuộc tuyển cử vừa rồi. Có tất cả mười hai bang, nhưng những đảng viên Kho thóc trúng cử không tài nào nhậm chức được. Những người đương chức không chịu rút. Họ chỉ viện một lí do đơn giản là tuyển cử không hợp lệ, và làm cho tình hình rối mù lên bằng những thủ tục pháp lí. Các đảng viên Kho thóc đều bất lực. Nơi trông cậy cuối cùng của họ là toà án, nhưng toà án lại do phe địch nắm.

Lúc này là lúc nguy hiểm. Nếu những đảng viên Kho thóc bị đánh lừa kia mà nổi khùng lên thì mọi việc đều đi đứt. Những người xã hội chủ nghĩa chúng tôi phải tìm hết cách để kìm họ lại. Có nhiều ngày nhiều đêm Ernest không lúc nào chợp mắt. Những người lãnh đạo cao cấp của Đảng Kho thóc nhìn thấy tai hoạ, và hành động hoàn toàn nhất trí với chúng tôi. Nhưng cũng bằng vô ích. Tập đoàn thiểu số thống trị muốn bạo động. Không phải bàn cãi lôi thôi gì nữa: chính bọn nhân viên khiêu khích đã gây nên cuộc khởi nghĩa nông dân.

Cuộc khởi nghĩa nổ ra trong mười ba bang, những chủ trại đã bị tước đoạt tài sản dùng bạo lực chiếm lấy chính phủ các bang. Cố nhiên như vậy là trái với hiến pháp, và cố nhiên chính phủ Hoa Kỳ đưa quân đội ra chiến trường. Bọn nhân viên khiêu khích đi xui giục nhân dân ở khắp nơi. Chúng là những phái viên của cái Gót sắt cải trang làm thợ thủ công, chủ trại và công nhân nông nghiệp. Ở Sacramento, thủ phủ bang California, các đảng viên Kho thóc nắm được chính quyền. Tức thì hàng nghìn mật thám được tung vào thành phố. Trong những cuộc bạo động hoàn toàn chỉ gồm có chúng, chúng đốt phá, cướp bóc các dinh thự và nhà máy. Chúng khích động nhân dân đến độ họ hùa theo chúng đi ăn cướp. Chúng đem rượu phân phát thùng lớn thùng nhỏ cho dân nghèo để kích thích tâm trí họ. Và rồi khi mọi việc đã sẵn sàng, binh lính của nước Hoa Kỳ bắt đầu ra sân khấu. Thực ra đó là binh lính của cái Gót sắt. Mười một ngàn người, đàn ông, đàn bà. trẻ con, bị bắn giết trên các đường phố ở Sacramento hoặc bị tàn sát ngay trong nhà họ. Chính phủ quốc gia nắm lấy chính phủ bang, thế là hết chuyện.

Ở California thế nào thì ở các nơi khác cũng thế. Tất cả các bang do Đảng Kho thóc nắm đều bị tàn phá và tắm trong máu. Thoạt tiên, bọn mật thám và bọn "Trăm đen" gây rối loạn, rồi thì quân đội được phái đến. Không khí khủng bố bao trùm tất cả các thị trấn nông thôn. Trang trại, kho tàng, làng mạc, thành phố cháy suốt ngày suốt đêm, khói bốc ngất trời. Mìn bắt đầu nổ. Các cầu xe lửa và các đường hầm xuyên núi bị phá sập và các đoàn tàu liên tiếp bị lật đổ. Những người chủ trại khốn khổ bị bắn chết và bị treo cổ vô tội vạ. Sự trả thù cũng rất khốc liệt: nhiều tên tài phiệt và nhiều sĩ quan bị giết. Trong lòng người chỉ còn có máu và căm thù. Quân đội chính quy tàn sát các chủ trại hết sức dã man, không khác gì họ là người da đỏ. Và quân đội chính quy làm như vậy không phải là không có lí do. Họ bị tiêu diệt hai nghìn tám trăm người trong những trận đánh mìn khủng khiếp ở Oregon, và cũng vì trúng mìn mà nhiều đoàn tàu đã bị phá huỷ ở nhiều nơi, làm nhiều lúc. Thành thử quân đội chính quy cũng phải chiến đấu để bảo toàn tính mạng, không khác gì các chủ trại.

Còn về dân vệ thì đạo luật dân vệ năm 1903 được đem ra áp dụng và công nhân ở bang này bị cưỡng bức đi bắn giết đồng chí của họ ở những bang khác, nếu không tuân lệnh thì bị xử tử. Cố nhiên, lúc đầu, đạo luật dân vệ đem áp dụng không phải là êm thấm. Nhiều sĩ quan dân vệ bị giết và nhiều lính dân vệ đã bị toà án quân sự xử tử. Những lời tiên đoán của Ernest hết sức đúng với trường hợp của ông Kowalt và ông Asmunsen không chịu làm nghĩa vụ. Hai người được xưng tội cấp tốc. Toà án quân sự là phần thưởng của họ, và trường bắn quân sự là nơi kết thúc đời họ. Họ bị xử tử: lưng quay vào đội lính hành hình.

Nhiều người trai tráng bỏ trốn lên núi để khỏi phải đi dân vệ. Họ sống ngoài vòng pháp luật và mãi tới thời bình mới bị trừng trị. Họ bị trừng trị rất nặng. Chính phủ ra một bản tuyên cáo gọi những công dân trốn tránh pháp luật ở trên núi phải trở về trong thời hạn ba tháng. Đúng hạn, một nửa triệu binh lính được điều về những tỉnh miền núi trong khắp nước. Không điều tra, không xét xử. Bất cứ người nào bị bắt gặp bất cứ ở đâu đều bị bắn chết tại chỗ. Quân đội hoạt động trên cơ sở làm cho không còn lại một người nào sống ngoài vòng pháp luật trên núi nữa. Một vài nhóm chiếm được những vị trí vững mạnh chống lại rất anh dũng, nhưng cuối cùng thì tất cả những người trốn không đi dân vệ đều bị chết.

Tuy vậy vẫn còn một bài học trực tiếp hơn đập mạnh vào tâm trí nhân dân: đó là sự trấn áp dân vệ bang Kansas. Cuộc nổi loạn ở Kansas xảy ra ngay khi bắt đầu có những cuộc hành quân chống Đảng Kho thóc. Sáu nghìn dân vệ đã nổi loạn. Trước đó họ đã tỏ ra rất phẫn nộ và rất ngỗ ngược liên tiếp trong nhiều tuần lễ, và vì vậy cho nên họ giữ lại trại. Dẫu sao, họ công khai nổi loạn sớm như vậy cũng là do có bọn nhân viên khiêu khích thúc đẩy.

Đêm hôm 22 tháng tư, họ nổi dậy giết chết gần hết sĩ quan, chỉ có một số nhỏ trốn thoát. Việc đó vượt cả âm mưu của cái Gót sắt, vì bọn nhân viên khiêu khích đã làm việc quá ư đắc lực. Nhưng mọi sự đều có lợi cho cái Gót sắt. Chính nó đã chuẩn bị cho cuộc khởi loạn nổ ra, và sẽ vin vào việc nhiều sĩ quan bị giết để bào chữa cho những hành đồng sau này. Như một trò ảo thuật, bốn vạn binh lính của quân đội chính quy vây kín những người bất mãn. Đây hoàn toàn là một cái bẫy. Đoàn dân vệ khốn khổ lúc đó mới thấy súng máy của mình đã bị đánh tráo và đạn trong các kho họ chiếm được không vừa cỡ súng. Họ kéo cờ trắng hàng, đối phương cũng không hề đếm xỉa. Không một ai sống sót. Tất cả sáu nghìn người đều bị tiêu diệt. Trước họ còn bị bắn bằng đại bác và súng cối, về sau, đến lúc tuyệt vọng, họ xung phong ra phá vòng vây thì bị quét bằng liên thanh. Tôi đã nói chuyện với một người được mục kích trong thảm cảnh ấy, ông ta bảo người lính dân vệ nào tiến đến gần súng liên thanh nhất cũng còn cách xa một trăm năm mươi mã. Mặt đất ngổn ngang xác chết. Cuối cùng, kị binh xông vào dùng súng lục và kiếm kết thúc cuộc tàn sát, thậm chí cho ngựa xéo lên trên những người bị thương để di họ xuống đất.

Đồng thời với việc tiêu diệt Đảng Kho thóc, đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa của công nhân mỏ. Đó là cố gắng cuối cùng của giới lao động đã vào tổ chức. Bảy mươi nhăm vạn công nhân mỏ xuống đường bãi công. Nhưng vì họ phân tán trên khắp nước cho nên không sử dụng được lực lượng bản thân của họ. Họ bị cô lập trong từng tỉnh và bị đánh tơi bời, cuối cùng phải quy thuận. Thế là hàng loạt người bị bắt đi làm nô lệ. Tên Pocock 1 được lĩnh chức cai quản nô lệ và đồng thời, lĩnh luôn cả mối thù truyền kiếp của những người vô sản. Y bị mưu sát không biết bao nhiêu lần, nhưng hình như y có bùa hộ mệnh. Chính y phải chịu trách nhiệm về việc đem chế độ giấy căn cước của Nga hoàng áp dụng cho công nhân mỏ và việc xoá bỏ quyền tự do đổi chỗ ở của họ từ nơi này sang nơi khác ở trong nước.

Trong khi đó, những người xã hội chủ nghĩa vẫn đứng vững. Giữa lúc Đảng kho thóc ngắc ngoải trong máu lửa và giới lao động có tổ chức bị tan rã, thì những người xã hội chủ nghĩa giữ thái độ hoà bình để cố củng cố tổ chức bí mật của họ. Những đảng viên Kho thóc trách, chúng tôi cũng mặc. Chúng tôi trả lời một cách đúng đắn rằng chúng tôi mà khởi nghĩa lúc này thì toàn bộ cách mạng bị tiêu diệt. Cái Gót sắt mới bắt đầu thì do dự vì phải đối phó một lúc với tất cả giai cấp vô sản, nhưng về sau đó thấy làm như vậy không đến nỗi khó như nó tính, và lúc này nó không mong muốn gì hơn là chúng tôi nổi dậy. Nhưng chúng tôi hết sức tránh điều đó, mặc dầu bọn nhân viên khiêu khích chui vào hoạt động nhan nhản trong hàng ngũ chúng tôi. Trong những ngày đầu này bọn tay sai của cái Gót sắt áp dụng những phương pháp rất vụng về. Chúng còn phải học nhiều, và các đội chiến đấu của chúng tôi đã làm cỏ bọn chúng. Thật là một công tác khốc liệt và đẫm máu, chúng tôi chiến đấu cho cuộc sống và cho cách mạng, và chúng tôi phải lấy gậy của kẻ thù đập lên lưng kẻ thù. Tuy nhiên, chúng tôi làm rất thận trọng. Không một tên tay sai nào của Gót sắt bị thủ tiêu mà không có xét xử. Rất có thể chúng tôi giết nhầm, nhưng nếu có thì cũng hoạ hoằn lắm. Tham gia những Đội chiến đấu là những người can đảm nhất, nhiều tính chiến đấu nhất và giàu lòng hi sinh nhất trong các đồng chí chúng tôi. Mười năm sau, có lần Ernest đã làm một con tính với những số liệu do những chỉ huy của các Đội chiến đấu cung cấp, và anh kết luận rằng tính trung bình, người nhiều bù người ít, các nam nữ đội viên đều có năm năm tuổi đội. Những đồng chí trong các Đội chiến đấu đều là anh hùng cả, và điều đặc biệt nhất là họ phản đối việc giết người. Họ đã vi phạm ngay chính bản chất của họ. Tuy vậy, họ rất yêu tự do và đều biết rằng đối với sự nghiệp chung thì hi sinh bao nhiêu cũng vẫn là chưa đủ 2.

Nhiệm vụ mà chúng tôi tự đặt ra cho chúng tôi gồm tất cả ba điểm. Một là khử bọn mật thám của cái Gót sắt lẩn lút trong hàng ngũ chúng tôi. Hai là tổ chức những Đội chiến đấu và ngoài ra thì lập những tổ chức bí mật chung của Cách mạng, và ba là bí mật cài người của chúng tôi vào tất cả các ngành do tập đoàn thiểu số thống trị nắm - vào các đẳng cấp lao động và nhất là hàng ngũ các nhân viên điện báo, các thư kí bàn giấy, vào quân đội, trà trộn với bọn nhân viên khiêu khích và bọn cai tù. Đây là một việc rất lâu dài và nguy hiểm và chúng tôi thường bị những vố thất bại sâu cay.

Cái Gót sắt đã thắng trong cuộc chiến tranh công khai nhưng chúng tôi vẫn giữ vững vị trí trong một cuộc chiến tranh mới, kì lạ và khủng khiếp, một cuộc chiến tranh ngầm, mà chúng tôi phát động. Mọi thứ đều vô hình, và có nhiều cái bất ngờ. Đúng là xẩm đánh nhau với xẩm. Tuy vậy vẫn có kỉ luật, có mục tiêu, có kiểm tra đôn đốc. Chúng tôi chui vào toàn bộ tổ chức của cái Gót sắt trong khi đó bọn mật thám của cái Gót sắt lại chui vào tổ chức của chúng tôi. Đây là một cuộc chiến tranh âm thầm, rất dễ lạc hướng, đầy những mưu thần chước quỷ, bên này giăng bẫy bên kia. Mạng người lúc nào cũng treo lên sợi tóc, mà đã chết thì chết một cách đau đớn, ê chề. Những nam nữ đồng chí gần gụi nhất, thân yêu nhất của chúng tôi mất tích rất nhiều. Hôm nay chúng tôi không bao giờ thấy mặt họ nữa, thế là chúng tôi biết họ đã bỏ mình.

Ở đâu cũng vậy, không ai còn biết tin cậy vào ai được nữa. Kẻ này cùng hoạt động với chúng tôi, tất cả chúng tôi đều biết rõ, ấy thế mà vẫn có thể làm mật thám cho cái Gót sắt như thường. Chúng tôi phá hoại tổ chức của cái Gót sắt bằng những nhân viên công tác bí mật của chúng tôi, và cái Gót sắt lại phá trả chúng tôi bằng mật thám của nó nằm ngay trong tổ chức của nó. Bên phía tổ chức của chúng tôi thì cũng vậy. Và mặc dầu không còn biết tin cậy vào ai, chúng tôi vẫn bắt buộc phải lấy sự tin cậy làm cơ sở cho những hoạt động của mình. Chúng tôi thường bị bội phản luôn. Con người ta vốn yếu đuối. Cái Gót sắt có khả năng để mua chuộc bằng tiền tài, bằng những cuộc hành lạc trong các thành phố kì công của chúng. Chúng tôi thì chỉ có thể đem lại cho con người sự toại nguyện vì thấy mình trung thành với một lí tưởng cao cả. Và số tiền lương duy nhất Cách mạng có thể trả cho những người trung thành là nguy hiểm liên miên, là nhục hình và chết chóc.

Như tôi đã nói, con người vốn yếu đuối, và chính vì nó yếu đuối nên chúng tôi bắt buộc phải có một lối xử trí riêng trong phạm vi khả năng của chúng tôi. Lối xử trí đó là cái chết. Vì cần thiết cho nên chúng tôi bắt buộc phải trừng trị bọn phản bội. Cứ một tên làm phản là chúng tôi tung mươi mười hai người đồng chí trung thành ra để báo thù. Chúng tôi có thể thất bại trong việc thi hành những nghị quyết thủ tiêu kẻ thù như bọn Pocock chẳng hạn; nhưng có một việc chúng tôi đã làm thì không thể nào thất bại được, đó là việc trừng trị bọn phản bội ngay trong hàng ngũ chúng tôi. Có đồng chí được phép của Đảng giả vờ phản bội để có thể vào những thành phố kì công mà thi hành bản án đối với những kẻ phản bội thật. Trong thực tế chúng tôi đã gây một không khí ghê gớm đến nỗi mọi người đều thấy phản bội chúng tôi còn nguy hiểm hơn là trung thành với chúng tôi.

Cách mạng đã mang một tính chất tôn giáo sâu sắc. Chúng tôi tôn thờ lí tưởng trước đài Cách mạng, nó chính là con người chúng tôi. Đàn ông đàn bà hiến mình cho sự nghiệp, và người ta dâng cả những trẻ sơ sinh cho Cách mạng cũng như ngày xưa người ta dâng cho đức Chúa trời. Chúng tôi là những người yêu nhân loại.

Chú thích:

 Albert Pocock, một trong những tên phá bãi công khét tiếng ngay từ những năm đầu. Cho đến lúc chết, y đã thành công trong việc giữ tất cả công nhân mỏ làm việc cho chủ. Con trai y là Lewis Pocock đã nối nghiệp y và suốt năm đời cái dòng họ quản nô khét tiếng ấy đã làm mưa làm gió trong các mỏ than. Người ta tả tên Pocock cụ, mà người ta gọi là Pocock I, như sau: một cái mặt dài ngoẵng, đầu xù lên một mái tóc nâu đã điểm bạc, hai lưỡng quyền bạnh ra hai bên và cằm nhô ra phía trước... Nước da tái mét, đôi mắt xám đục ngầu, giọng nói sang sáng, dáng người bề bề". Y sinh trong một gia đình nghèo và thoạt đầu làm bồi trong một tiệm rượu. Sau đó y làm mật thám tư cho một công ty xe lửa rồi dần dần trở thành một tên phá bãi công chuyên nghiệp. Pocock V là tên cuối cùng của dòng họ Pocock đã bị tung xác trong một nhà máy bơm vì trái bom của công nhân mỏ trong cuộc bạo động nhỏ ở khu vực Người da đỏ.

 Những đội chiến đấu này ít nhiều rập theo tổ chức chiến đấu của Cách mạng Nga (London muốn nóiCách mạng 1906 - ND). Mặc dầu bị khủng bố liên tiếp, những đội này vẫn tồn tại suốt ba thế kỉ thống trị của cái Gót sắt. Gồm những đội viên nam nữ giác ngộ lí tưởng và không sợ chết, những đội này đã gây ảnh hưởng rất lớn và đã hạn chế được sự tàn bạo của bọn cầm quyền. Công tác của họ không phải chỉ là chiến đấu bí mật chống bọn mật thám của tập đoàn thiểu số thống trị. Ngay chính bọn thiểu số thống trị cũng bắt buộc phải tuân theo quyết định của các Đội chiến đấu. Nhiều lần vì không tuân theo những quyết định đó, nhiều tên đã bị xử tử. Bọn tay chân của tập đoàn thiểu sổ thống trị, bọn sĩ quan trong quân đội và bọn thủ lĩnh các đẳng cấp lao động cũng vậy. Những người đi trả thù một cách có tổ chức này hết sức tôn trọng công lí và đặc biệt là họ rất bình tĩnh và hành động theo đúng thủ tục pháp lí. Không có cuộc xét xử nào hấp tấp. Khi có một kẻ bị bắt, kẻ đó được đưa ra xử hẳn hoi và được quyền tự bào chữa. Những khi cần thiết, cũng có nhiều kẻ bị xử vắng mặt chẳng hạn như trường hợp của tên tướng Lampton. Việc này xảy ra năm 2138 thuộc công nguyên. Trong tất cả những tên lính đánh thuê cho cái Gót sắt, y là tên khát máu nhất và xảo quyệt nhất. Các Đội chiến đấu báo tin cho y biết là họ đã đưa y ra xét xử, đã xác nhận y là tội phạm và đã xử tử y. Họ làm như vậy sau khi đã cảnh cáo ba lần để cho y chấm dứt những hành vi tàn bạo của y đối với giai cấp vô sản. Sau khi tuyên án, y đã tìm trăm phương nghìn kế để tự bảo vệ. Nhiều năm trôi qua, các Đội chiến đấu hết sức thi hành bản án mà không được. Trong việc này, nhiều đồng chí, cả nam lẫn nữ, đã bị thất bại và đã bị tập đoàn thiểu số thống trị hành tội rất tàn bạo. Chính vì trường hợp của tên tướng Lampton mà bọn thống trị đã khôi phục lối đóng đinh lên câu rút làm một lối hành hình hợp pháp. Nhưng cuối cùng tên tội phạm đã phải đền mạng. Người thi hành bản án là chị Madeline Provence, một thiếu nữ mảnh dẻ mới mười bảy tuổi. Để thi hành nhiệm vụ, chị đã vào lâu đài của tên này làm thợ khâu cho gia nhân của y trong hai năm. Chị đã bỏ mình trong ngục tối sau khi bị tra tấn cực kì dã man trong một thời gian khá lâu. Nhưng ngày nay chị đã thành một bức tượng bất tử trong Đền liệt sĩ Đại đồng ở thành phố kì công Serles.