Gót sắt

Chương XVII

Docsach24.com

ồng thời với việc tiêu huỷ các bang do Đảng Kho thóc nắm, các đảng viên Kho thóc ở Quốc hội cũng biến mất. Họ bị đưa ra xử vì tội phản quốc và ghế của họ bị tay sai của cái Gót sắt chiếm đoạt. Những người xã hội chủ nghĩa chỉ còn là một thiểu số thảm hại, và họ biết rằng họ cũng sắp bị tiêu diệt đến nơi. Quốc hội và Thượng nghị viện là những sự phô trương hão, những trò hề. Những vấn đề quốc sự được đem bàn luận trang nghiêm và được thông qua theo những hình thức cũ, nhưng trong thực tế thì chỉ phải làm có một việc là đóng cái dấu thủ tục hiến pháp lên những uỷ nhiệm của tập đoàn thiểu số thống trị.

Sự kết thúc của chúng tôi xảy đến giữa lúc Ernest đang đấu tranh hết sức kịch liệt. Hôm đó Quốc hội tranh luận về dự luật cứu tế thất nghiệp. Tình hình khó khăn năm trước đã dìm đồng bào quần chúng vô sản xuống dưới cả mức độ chết đói, loạn lạc liên miên ở khắp nước lại càng làm cho họ chìm sâu trong cùng khốn. Hàng triệu người chết đói trong lúc bọn thiểu số thống trị và tay chân của chúng thừa mứa hàng hoá ế thừa không tiêu thụ hết [ ].

Chúng tôi gọi những người cùng khốn này là "đám dân của vực thẳm"[2] và Đảng Xã hội đề ra dự luật về thất nghiệp chính là để giảm bớt những nỗi đau khổ kinh hồn cho họ. Nhưng cái Gót sắt không nghĩ như vậy. Nó đang chuẩn bị cho hàng triệu người đó đi làm theo cách của nó, nhưng cách đó không phải là cách của chúng tôi. Vì vậy, nó đã ra lệnh phải bỏ phiếu bác dư luận của chúng tôi. Ernest và các đồng chí của anh đều biết có cố gắng cũng bằng thừa, vô ích, nhưng họ đã hết cả kiên nhẫn vì thấy tình trạng bế tắc kéo dài. Họ muốn phải xảy ra một việc gì. Họ cũng chẳng làm nên trò trống gì đâu nhưng điều họ mong muốn nhất là chấm dứt các trò hề lập pháp trong đó họ là những diễn viên bất đắc dĩ. Họ không rõ kết cục sẽ có thể thê thảm đến thế là cùng.

Hôm ấy tôi ngồi trong hành lang. Tất cả chúng tôi đều biết sắp có một biến cố khủng khiếp xảy ra. Nó như đang lơ lửng trên trời, cứ nhìn binh lính đem vũ khí xếp hàng ở hành lang và các sĩ quan tụ tập ở các cửa nghị viện thì rõ. Tập đoàn thiểu số thống trị sắp tấn công đến nơi. Ernest đang nói. Anh tả những nỗi thống khổ của những người thất nghiệp, tưởng chừng anh đang nuôi cái ảo vọng làm cho những trái tim và những lương tâm kia xúc động. Nhưng những đảng viên Dân chủ và Cộng hoà cười ầm lên để chế nhạo anh và hội trường đầy những tiếng la ó không khác gì chợ vỡ. Ernest bất đồ đổi chiến thuật.

- Tôi biết tất cả những điều tôi nói đều không mảy may ảnh hưởng đến các ngài. Các ngài làm gì có tâm hồn mà ảnh hưởng được. Các ngài là một loài không có xương sống, là những cây thịt nhão. Các ngài huênh hoang tự xưng là Cộng hoà, là Dân chủ? Làm gì có những người Cộng hoà và những người Dân chủ trong Nghị viện này? Các ngài là một bọn liếm gót giày, một bọn đĩ bợm, một bọn người do giai cấp tài phiệt nặn ra. Các ngài dùng những lời lẽ cũ rích để nói huênh hoang về lòng yêu tự do của các ngài; trong khi đó thì các ngài mặc tấm áo gia nô màu máu của cái Gót sắt nó phát cho.

Đến đây, những tiếng la ó và những tiếng thét "Trật tự! Trật tự!" át giọng anh đi và anh giữ thái độ khinh bỉ cho đến khi tiếng ồn ào đã hầu như lắng xuống. Anh vung tay chỉ vào tất cả bọn chúng, quay lại nói với các đồng chí của anh: - Các đồng chí nghe, bầy thú béo mập nó đang gầm.

Tiếng gào thét lại nổi lên dữ dội. Chủ tịch Nghị viện đập bàn giữ trật tư và đưa đôi mắt chờ đợi về phía bọn sĩ quan túc trực ở các cửa ra vào. Có những tiếng thét "Phiến loạn!" Và một ông nghị béo tròn béo trục của bang New York lên tiếng chửi Ernest là quân "vô chính phủ". Nhìn Ernest lúc này thật là hung dữ. Tất cả những thớ thịt chiến đấu của anh rung lên và vẻ mặt anh là vẻ mặt của một con mãnh thú đang chiến đấu. Nhưng đồng thời anh cũng tỏ ra lạnh lùng, bình tĩnh. Giọng nói của anh cao vút lên, át cả tiếng ồn ào: - Các ngài cứ nhớ cho, các ngài thương xót giai cấp vô sản như thế nào thì rồi giai cấp vô sản sẽ thương xót các ngài như thế. Những tiếng "phiến loạn" và "vô chính phủ" lại nổi lên dữ dội.

- Tôi biết rằng các ngài sẽ không bỏ phiếu cho bản dự luật này, - Ernest nói tiếp. - Các ngài đã nhận được lệnh của chủ các ngài là phải bỏ phiếu chống, ấy thế mà các ngài lại gọi tôi là vô chính phủ. Các ngài là những kẻ phá hoại chính phủ của nhân dân, những kẻ phô trương bộ áo gia nô đỏ choét một cách vô liêm sỉ ở những nơi công cộng, các ngài lại gọi tôi là vô chính phủ à? Tôi không tin có âm phủ, có vạc dầu, nhưng những lúc như lúc này, tôi tiếc rằng mình đã không tin như thế. Không, những lúc như lúc này, tôi gần như tin là có. Chắc chắn là phải có âm phủ, vì không thể có nơi nào khác để cho các ngài đến nhận những sự trừng phạt tương xứng với những tội ác của các ngài. Chừng nào còn các ngài thì còn phải có âm phủ và vạc dầu trong vũ trụ. Các cửa ra vào bắt đầu xao động. Ernest, chủ tịch Nghị viện và các nghị sĩ quay cả ra nhìn.

- Thưa ngài chủ tịch, sao ngài không gọi lính của ngài vào ra lệnh cho họ thi hành nhiệm vụ đi? - Ernest hỏi. - Họ sẽ lập tức thi hành kế hoạch của các ngài. - Còn có nhiều kế hoạch khác cần thi hành! - Đó là câu trả lời. - Chính vì vậy mà binh lính có mặt ở đây. - Kế hoạch chung của chúng ta chăng, thưa ngài? - Ernest mỉa. - Chắc là kế hoạch giết người, hay cũng na ná như thế.

Đến tiếng "giết người" thì tiếng la ó lại nổi lên dữ dội. Ernest không tài nào làm cho người khác nghe mình được nữa, nhưng anh đứng hiên ngang chờ cho hội trường im lặng. Rồi hội trường im lặng thật. Tôi ngồi ngoài hành lang chỉ thấy một tia chớp loé ra, tiếp sau là tiếng nổ. Hai tai tôi đinh lên và tôi nhìn thấy Ernest lảo đảo ngã xuống giữa làn khói mù mịt. Lính tráng đổ xô đi trấn các hành lang. Các đồng chí của Ernest đứng cả dậy, điên lên vì tức giận, sẵn sàng dùng bạo lực. Nhưng Ernest đứng vững lại một lúc và xua tay bảo im. - Đây là một âm mưu, - anh nói sang sảng, để cản các đồng chí của anh. - Các đồng chí đừng làm gì cả kẻo bị chúng nó tiêu diệt bây giờ. Rồi anh từ từ gục xuống và bọn lính xô lại chỗ anh. Tiếp đó, bọn lính đuổi hết người ở các hành lang, tôi không nhìn thấy gì nữa.

Mặc dầu anh là chồng tôi, tôi không được phép lại gần. Tôi vừa xưng danh đã bị bắt liền. Đồng thời tất cả những nghị sĩ của Đảng xã hội ở Washington cũng đều bị bắt, kể cả đồng chí Simpson, lúc ấy bị thương hàn và đang nằm bẹp trong khách sạn.

Việc xét xử tiến hành nhanh và gọn. Án của mọi người đều đã được định trước rồi. Lạ lùng nhất là Ernest không bị xử tử. Đó là một sai lầm của tập đoàn thiểu số thống trị, chúng phải trả bằng một giá đắt. Nhưng những ngày đó, tập đoàn thiểu số thống trị còn đang tự tin một cách quá đáng. Nó đang say sưa với thắng lợi, và không ngờ rằng một dúm anh hùng cỏn con này lại có đủ sức mạnh để làm cho nó rung chuyển đến tận gốc. Ngày mai, khi cuộc khởi nghĩa vĩ đại bùng nổ, và tất cả thế giới vang lên bước chân dồn dập của hàng triệu con người, tập đoàn thiểu số thống trị sẽ nhận rõ đám anh hùng ấy đã lớn mạnh đến thế nào, nhưng lúc đó thì muộn quá rồi 3.

Là người cách mạng đứng trong tổ chức, hiểu rõ nguyện vọng lo âu và những kế hoạch bí mật của những người cách mạng hơn ai hết, tôi có đủ điều kiện để trả lời câu buộc tội những người cách mạng đã làm nổ quả bom trong Quốc hội. Không phải nghi ngờ lôi thôi gì cả, tôi có thể nói trắng ra rằng những người xã hội chủ nghĩa trong và ngoài Quốc hội không ai nhúng tay vào việc này hết. Ai ném quả bom, chúng tôi không biết, nhưng có một điều chúng tôi hoàn toàn biết chắc là chúng tôi không ném.

Vả lại, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng cái Gót sắt phải chịu trách nhiệm về hành động đó. Cố nhiên chúng tôi không thể chứng minh được điều này. Chúng tôi kết luận như vậy cũng chỉ là suy đoán thôi. Đây là một số sự việc như chúng tôi được biết. Bọn nhân viên mật vụ của chính phủ báo cáo với chủ tịch nghị viện rằng các nghị sĩ Xã hội sắp đem áp dụng những chiến thuật khủng bố và họ đã quyết định ngày hành động. Ngày đó chính là ngày bom nổ. Thành thử nhiều bộ đội đã được tập trung trước trong nghị viện. Do chỗ chúng tôi không biết một tí gì về trái bom, do chỗ trái bom đã nổ ra thật và do chỗ các nhà chức trách đã chuẩn bị trước cho bom nổ, tất nhiên phải kết luận rằng cái Gót sắt đã gây ra vụ này, chính cái Gót sắt đã đặt kế hoạch và đã đem thực hiện với mục đích đổ tội lên đầu chúng tôi rồi tiêu diệt chúng tôi cho dễ.

Chủ tịch nghị viện đã mật báo cho tất cả những nghị sĩ bận tấm áo gia nô màu máu. Bọn này đều biết rằng trong lúc Ernest tham luận sẽ xảy ra một việc bạo động gì đây. Nói cho công bằng thì bọn này đều thành thực tin rằng việc này là do những người xã hội chủ nghĩa làm ra thật. Ra toà chúng vẫn thành thực tin như thế và nhiều kẻ còn thành thật làm chứng rằng mình đã tự mắt trông thấy Ernest chuẩn bị ném quả bom và bom đã nổ cướp. Cố nhiên chúng hoàn toàn có nhìn thấy như thế đâu! Trong lúc hoảng hốt, chúng đã tưởng tượng ra và chúng cho rằng chúng nhìn thấy, có vậy thôi. Ra toà, Ernest cãi:

- Nếu tôi định ném thật, thì có lí nào tôi lại chọn một quả pháo đùng nhỏ như thế không? Quả bom rất ít thuốc, nó xì ra nhiều khói: nhưng không làm ai bị thương, trừ tôi. Nó nổ ngay dưới chân tôi, ấy thế mà tôi cũng không chết. Các ngài cứ tin rằng khi nào tôi đã ném bom thì tôi sẽ gây nhiều thiệt hại kia. Bom của tôi không phải sẽ chỉ có khói mà thôi, nó sẽ còn có nhiều thứ khác.

Để đập lại, viên biện lí lập luận rằng chọn một quả bom yếu, đó là một sai lầm của những người xã hội chủ nghĩa, và bom nổ cướp, đó cũng là một thiếu sót, do chỗ Ernest mất bình tĩnh, để rơi bom. Để xác nhận lập luận trên là đúng, có nhiều nghị sĩ làm chứng rằng đã nhìn thấy Ernest mân mê trái bom và đánh rơi bom xuống đất.

Về phía chúng tôi, không ai biết quả bom ném ra như thế nào. Ernest bảo tôi rằng trước lúc bom nổ không đầy một cái tích tắc, anh có nghe thấy và trông thấy nó rơi dưới chân anh. Anh khai như vậy trước toà, nhưng không ai tin. Vả lại, nói theo nhân dân thường nói, thì tất cả vụ này đã được "xào xáo" từ trước rồi. Cái Gót sắt rắp tâm tiêu diệt chúng tôi, không còn lôi thôi gì nữa.

Có một câu tục ngữ là sự thật cuối cùng rồi cũng sẽ ra ánh sáng. Tôi đã bắt đầu nghi ngờ câu tục ngữ này. Mười chín năm trôi qua, chúng tôi hết sức tìm kiếm cũng không ra kẻ ném quả bom. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một tên tay sai của cái Gót sắt, nhưng y đã trốn đâu mất, không thể tìm ra được. Chúng tôi không tài nào tìm ra một mảy may tung tích của y. Cho mãi tới ngày nay, cũng chẳng còn cách nào khác là xếp việc này vào với những điều bí ẩn của lịch sử [4].

Chú thích:

Hồi thế kỉ thứ 19 thuộc công nguyên, dưới ách thống trị của Anh, Ấn Độ cũng phải chịu những điềukiện tương tự. Dân bản xứ chết đói hàng triệu trong lúc bọn thống trị cướp đoạt những thành quả lao động của họ để phung phí trong cảnh xa hoa lộng lẫy và cảnh hoan lạc điên rồ. Trong thời đại sáng sủa này, chúng ta không khỏi xấu hổ vì những hành vi của tổ tiên chúng ta. Đối với chúng ta chỉ có mỗi một niềm an ủi là niềm an ủi về mặt triết học. Chúng ta phải chấp nhận cái giai đoạn tư bản chủ nghĩa trong sự tiến hoá xã hội, nó cũng gần như tương đương với thời đại của loài khỉ. Loài người phải trải qua những giai đoạn đó để vươn khỏi vũng bùn của cuộc sống hữu cơ hạ đẳng. Tự nhiên lớp bùn đó phải dính vào chúng ta và tất nhiên là gột được nó đi không phải chuyện dễ.

Đám dân của vực thẳm - Danh từ này do thiên tài của H. G. Wells sáng tạo ra vào cuối thế kỉ thứ 19 thuộc công nguyên. Về mặt xã hội học, Wells có một cái nhìn ra sáng suốt. Ông là một người lành mạnh, bình thường và rất nhân đạo, ông còn để lại cho chúng ta nhiều đoạn trong các tác phẩm của ông. Hai cuốn sách lớn nhất của ông là "Tiên đoán" và "Loài người trong sự hình thành" hiện nay còn nguyên vẹn. Trước bọn thiểu số thống trị và trước cả Everhard, Wells đã suy nghĩ về việc xây dựng những thành phố kì công mà trong các tác phẩm của ông, ông gọi là những "thành phố khoái lạc".

Avis Everhard cho rằng những đoạn ghi chép của mình sẽ chỉ có những người cùng thời với mình đọc, vì vậy chị đã bỏ sót không ghi kết quả cuộc xét xử án về tội phản quốc. Trong tập bản thảo của chị còn có nhiều chỗ sót đáng buồn như thế. Năm mươi hai nghị sĩ Đảng Xã hội bị đem ra xử và bị coi là tội phạm. Kể cũng lạ, không một ai bị xử tử. Everhard và mười một người khác, trong đó Theodore Donnelson và Matthew Kent, bị tù chung thân. Những người còn lại bị kết án từ ba mươi đến bốn mươi nhăm năm tù. Riêng Arthur Simpson trong tập bản thảo nói là bị sốt thương hàn khi bom nổ chỉ có mười lăm năm. Theo thông lệ, bọn cầm quyền đã để anh chết đói trong xà lim. Anh bị đối xử như vậy vì anh căm thù không đội trời chung với tất cả bọn người làm tay sai cho chế độ chuyên chế. Anh chết ở Cabanas tại Cuba, ở đó cũng còn có ba đồng chí của anh bị giam cầm. Năm mươi hai nghị sĩ Xã hội bị giam ở những pháo đài quân sự rải rác khắp nước Mỹ. Du Bois và Woods bị giam ở Porto Rico, còn Everhard và Merryweather thì bị giam ở Alcatraz, một hòn đảo trong vịnh San Francisco, từ lâu vẫn được dùng làm nhà lao quân đội.

4  -  Avis Everhard muốn biết rõ điều bí ẩn đặc biệt này thì phải sống thêm nhiều thế hệ nữa mới biết được. Non một trăm năm trước đây, nghĩa là hơn sáu trăm năm sau khi Avis mất, người ta mới tìm lời xưng tội của Pervaise trong căn khố mật của toà thánh Vatican. Nói chút ít về cái tài liệu mờ ám đó kể cũng tốt, mặc dầu về căn bản, tài liệu này chỉ có ích cho những nhà sử học.

Pervaise là một người Mỹ gốc Pháp. Năm 1913 thuộc công nguyên, y bị giam ở nhà lao Tombs ở thành phố New York, chờ ngày ra toà vì tội giết người. Theo lời xưng tội của y, chúng tôi được biết y không phải là cố tình can phạm. Y máu nóng như lửa và rất dễ xúc động, dễ nổi khùng. Trong một cơn ghen, y đã giết chết vợ (thời đó việc này xảy ra cũng là thường thôi). Y rất sợ chết và bị nỗi sợ đó chế ngự hoàn toàn: y kể lại như vậy trong bản xưng tội. Y có thể làm bất cứ một việc gì để được tha chết. Để chuẩn bị tư tưởng cho y, bọn mật thám doạ rằng ra toà thể nào y cũng bị kết vào "tội giết người cấp một" không thoát được. Thời đó, phạm "tội giết người cấp một" là bị tử hình. Tội phạm (cả nam lẫn nữ) bị ngồi vào một ghế hành hình đặc biệt, và dưới sự giám sát của những thầy thuốc có thẩm quyền, tội phạm bị tiêu huỷ bằng một dòng điện. Như vậy gọi là hành hình bằng điện, một lối hành hình rất thông dụng thời bấy giờ. Lối bức tử bằng thuốc mê mãi sau này mới áp dụng. Pervaise bản tâm là người tốt, tuy y hung hãn như thú vật. Y nằm trong tù đợi chết và bọn mật thám của cái Gót sắt thuyết phục, y đã ném bom vào Hạ nghị viện. Trong lời xưng tội của y đã khai rõ điều này: bọn mật thám đã cho y biết trước rằng sức quả bom rất yếu và sẽ không giết được ai. Điều đó phù hợp với việc bom nhồi rất ít thuốc và mặc dầu nổ ngay dưới chân Ernest vẫn không làm chết người được.

Pervaise được đưa bí mật vào một cái hành lang bịt kín không cho ai vào, nói là để chữa. Y được lệnhphải chọn lúc để ném quả bom, nhưng y ngây thơ xưng tội rằng y đã bị những lời phát biểu của Everhard và sự xao xuyến trong hội trường thu hút, đến nỗi suýt quên cả nhiệm vụ.

Để thưởng công cho y, cái Gót sắt không những đã thả y ra mà còn trợ cấp tiền cho y sống đến hết đời. Nhưng y cũng chẳng sống được lâu. Tháng 9 năm 1914, y bị bệnh thấp biến chứng vào tim và chỉ sống được ba ngày. Lúc đó y cho đi mời một thầy tu công giáo là Cha Peter Durban và y đã xưng tội với ông ta. Chắc hẳn dưới mắt người thầy tu này, đây là một việc rất quan trọng, vì vậy ông đã ghi lại thành văn bản, bai Pervaise thề và kí vào đó. Việc này về sau diễn biến ra sao, chúng tôi cũng chỉ ức đoán được thôi. Tài liệu này chắc phải khá quan trọng nên mới được gửi về La Mã: Những bậc có quyền thế chắc đã tìm mọi cách để bưng bít nó đi. Hàng mấy thế kỉ không hề có ai biết một tí gì về nó. Mãi tới thế kỉ vừa rồi, nhà học giả xuất sắc người Ý tên là Lorbia vào tra cứu và Vatican mới tình cờ tìm ra nó.

Ngày nay, chứng cớ đã rành rành là cái Gót sắt phải chịu trách nhiệm về quả bom nổ ở Hạ nghị viện năm 1913. Ngay như lời xưng tội của Pervaise không đưa ra ánh sáng thì sự thể cũng đã rõ ràng: bởi vì hành vi trên đây khiến cho 52 nghị sĩ xã hội phải vào nhà giam, hoàn toàn ăn khớp với nhiều hành vi khác của bọn thiểu số thống trị và trước đó, của bọn tư bản. Vụ thảm sát những người vô tội mà giới thống trị gọi là "Bọn vô chính phủ Haymarket" ở Chicago hồi gần cuối thế kỉ thứ 19 thuộc công nguyên là một ví dụ kinh điển về những vụ tàn sát hung ác, dã man, được toà án cho phép. Những vụ đốt phá các tài sản tư bản do chính bọn tư bản cố tình gây ra cần được xếp riêng ra một loại. Sau những vụ đốt phá như thế, lại cái đám dân vô tội bị trừng trị, bị "đặt lên đường ray", nói theo tiếng thời đó.

Trong những cuộc xung đột nổ ra vào khoảng mười năm đầu của thế kỉ 19 thuộc công nguyên giữa bọn tự bản và Liên đoàn thợ mỏ miền Tây, bọn thống trị đã áp dụng những chiến thuật tương tự nhưng còn có phần đẫm máu hơn. Nhà ga xe lửa ở Independence bị bọn tay sai của tư bản phá sập, mười ba người chết, số bị thương rất nhiều. Bọn tư bản kiểm soát các cơ quan lập pháp và tư pháp của bang Colorado liền buộc anh em công nhân mỏ đã gây ra tội ác đó và định đưa họ ra xử. Tên Romaines là một tên mà bọn tư bản đã dùng trong vụ phá hoại này. Cũng như Pervaise, y đang ngồi tù ở một bang khác (bang Kansas), chờ ngày ra toà thì tay sai của bọn tư bản đến tìm y. Nhưng khác với trường hợp của Pervaise, những lời xưng tội của Romaines đã được công bố ngay khi y còn sống...

Cùng thời kì đó còn có trường hợp của Moyer và Haywood hai lãnh tụ khoẻ mạnh và gan dạ của lao động. Một người làm chủ tịch và một người làm thư kí của Liên đoàn thợ mỏ miền Tây. Viên cựu thống đốc của bang Idaho bị ám sát. Những người xã hội chủ nghĩa và anh em thợ mỏ thời đó buộc cho bọn chủ mỏ. Nhưng bất chấp cả hiến pháp bang và hiến pháp toàn quốc, viên thống đốc bang Idaho và tên thống đốc bang Colorado đã thông đồng với nhau cho bắt cóc Moyer và Haywood, tống họ vào nhà giam và buộc họ vào tội giết người. Việc này đã khiến cho Eugene V. Debs, lãnh tụ toàn quốc của những người xã hội chủ nghĩa Mỹ thời đó viết ra những lời sau đây: "Những lãnh tụ lao động nào mà không thể mua chuộc, cũng không thể hăm doạ được thì phải phục kích họ và giết họ đi. Tội trạng duy nhất của Moyer và Haywood là lòng trung thực không gì lay chuyển nổi của họ đối với giai cấp công nhân. Bọn tư bản đã đánh cắp đất nước chúng ta, đã đồi truỵ hoá nền chính trị của chúng ta, đã làm nhơ nhuốc nền tư pháp của chúng ta, đã dùng giày đinh giày xéo lên chúng ta, và bây giờ chúng lại rắp tâm ám sát những người không chịu đầu hàng nhục nhã nền thống trị tàn bạo của chúng. Những viên thống đốc của các bang Colorado và Idaho chẳng qua chỉ thi hành mệnh lệnh. Đấu tranh hiện nay là đấu tranh của thợ thuyền chống bọn tài phiệt. Chúng cứ giáng đòn đầu tiên đi, chúng ta sẽ giáng đòn cuối cùng."