Gót sắt

Chương XV

Docsach24.com

ần đến cuối tháng giêng năm 1913, tập đoàn thiểu số thống trị công khai hoá thái độ đối với các công đoàn được ưu đãi. Báo chí đưa tin: nhân viên đường sắt, công nhân đúc sắt và đúc thép, kĩ sư và công nhân cơ khí được tăng lương và giảm giờ làm theo một chế độ chưa từng có. Nhưng người ta không nói hết sự thật. Bọn thiểu số thống trị không dám cho phép nói hết sự thật. Thực ra, tiền lương được nâng cao lên hơn nhiều, và những đặc quyền đặc lợi tương xứng với tiền lương cũng lớn hơn nhiều. Tất cả những cái đó đều được giữ bí mật, nhưng rồi vẫn bị tiết lộ. Đoàn viên những công đoàn được ưu đãi về nói với vợ, vợ họ lại đi nói bô lô bô la và không bao lâu tất cả giới lao động đều biết hết chuyện.

Đó chẳng qua chỉ là sự phát triển của cái thủ đoạn mà hồi thế kỉ thứ mười chín người ta gọi là chia phần ăn cướp. Trong cuộc xung đột công nghiệp thời đó, người ta đã cố thực hiện việc chia lợi nhuận. Nghĩa là các nhà tư bản đã ra sức xoa dịu công nhân bằng cách cắn nhả quyền lợi cho họ để họ thiết tha với công việc. Nhưng chế độ chia lợi nhuận vừa buồn cười, vừa không thể thực hiện được. Giữa một hệ thống xung đột công nghiệp, chia lợi nhuận chỉ có kết quả trong những trường hợp riêng biệt mà thôi, bởi vì nếu tất cả lao động và tất cả tư bản cùng chia lợi nhuận với nhau thì tình hình lại sẽ trở lại y như khi chưa chia lợi nhuận.

Cho nên từ cái ý kiến không thực tế là chia lợi nhuận, đã nảy ra một ý kiến thực tế là chia phần ăn cướp. "Hãy trả nhiều lương cho chúng tôi và quàng nặng vào cổ nhân dân", đó là khẩu hiệu của những công đoàn mạnh. Và lẻ tẻ ở một vài nơi, cái chính sách ích kỉ này đã vận dụng được kết quả. Quàng gánh nặng vào cổ nhân dân có nghĩa là quàng nặng vào cổ quảng đại quần chúng lao động không có tổ chức và lao động tổ chức yếu ớt. Những lớp công nhân đó đã thực sự trả chỗ tiền tăng lương cho những anh em của họ mạnh cánh hơn và là đoàn viên những công đoàn đã trở thành những tổ chức độc quyền. Tôi xin nói, ý kiến đó đã được đưa đến một kết luận tất nhiên như vậy, trên một quy mô lớn như vậy, chẳng qua cũng do sự câu kết giữa bọn thiểu số thống trị và các công đoàn được ưu đãi 1.

Ngay từ khi bí mật về sự phản bội của những công đoàn được ưu đãi lọt ra ngoài, giới lao động đều nhao nhao cả lên. Tiếp đó các công đoàn được ưu đãi rút ra khỏi các tổ chức quốc tế và cắt đứt mọi liên hệ với họ. Rồi thì tình hình rối ren lên và các cuộc bạo động nổ ra. Bọn đoàn viên của những công đoàn được ưu đãi bị vạch mặt chỉ tên là những kẻ phản bội trong các tiệm rượu, các nhà chứa, ngoài đường phố, trong công xưởng, và đâu đâu chúng cũng bị những người đồng chí mà chúng đã đê hèn bỏ rơi xông vào đánh.

Không biết bao nhiêu cái đầu vỡ, và có nhiều kẻ bị giết. Không một đoàn viên nào của những công đoàn được ưu đãi thoát không bị đánh. Chúng phải tập hợp thành từng bọn để đến xưởng làm và đi từ xưởng về nhà. Bao giờ chúng cũng đi ở giữa đường. Đi trên vỉa hè thì có mà vỡ sọ vì ăn gạch và đá củ đậu từ trên các cửa sổ và các nóc nhà ném xuống. Chúng được phép mang vũ khí và bọn cầm quyền giúp chúng đủ mọi cách. Những ai đụng vào chúng đều bị phạt tù dài hạn và bị đối xử tàn tệ trong tù. Trong khi đó thì ngoài những đoàn viên của những công đoàn được ưu đãi ra, không một người nào được phép mang vũ khí. Vi phạm luật đó bị coi như một tội nặng và bị trừng trị thích đáng.

Giới lao động bị nhục mạ tiếp tục trả thù bọn phản bội. Thế là ranh giới giữa các đẳng cấp được vạch ra. Con cái những công nhân bị bội phản đem con cái bội phản ra đánh nhừ tử, đến nỗi bọn này không dám thò mặt ra phố chơi, cũng không dám đi học nữa. Cả vợ con họ hàng bọn phản bội cũng bị đả kích, còn hiệu thực phẩm ở góc phố bán hàng cho chúng thì bị tẩy chay.

Kết quả là bọn phản bội và gia đình chúng bị đánh tứ phía phải họp nhau thành bè đảng. Thấy không thể nào ở yên được giữa những người vô sản mà chúng đã phản bội, chúng dọn đến những khu vực mới chỉ có mình chúng ở. Về mặt này, chúng cũng được bọn thiểu số thống trị biệt đãi. Bọn thiểu số thống trị xây cho chúng những toà nhà hiện đại và hợp vệ sinh, giữa những khu đất rộng rãi: đó đây lại có cả vườn hoa và sân chơi. Con cái chúng theo học trường riêng và trong những trường này khoa thủ công và khoa thực hành được chuyên môn hoá. Thành thử sự cách biệt này ngay từ lúc đầu đã để lại một kết quả không thể tránh được: đẳng cấp. Đoàn viên những công đoàn được ưu đãi trở thành một tầng lớp quý tộc trong nhân dân lao động. Chúng tách rời hẳn những người lao động khác. Chúng được nhà ở tốt hơn, quần áo tốt hơn, ăn uống tốt hơn và đối xử tốt hơn. Và chúng càng cuồng lên chạy theo đuôi bọn tài phiệt để chia phần ăn cướp.

Trong khi đó, bộ phận còn lại của giai cấp công nhân càng bị đối xử tàn tệ hơn trước. Họ được chút quyền lợi nào thì đã bị cướp đi hết và đã khiến các nhà ngữ nguyên học phải lúng túng khá lâu. Nhưng bây giờ chắc xuất xứ của nó được cắt nghĩa như thế là rõ ràng.

Nước Mỹ chiếm được thị trường thế giới đã đẩy các nước khác vào con đường tan rã. Ở khắp mọi nơi, các tổ chức hành chính và các chính phủ đều đang sụp đổ hoặc đang biến đổi. Đức, Ý, Pháp, Úc và New Zealand đang bận thành lập những nước cộng hoà hợp tác xã. Đế quốc Anh đang rạn vỡ thành từng mảnh. Nước Anh rối bời vì trăm nghìn việc. Khởi nghĩa sôi sục ở Ấn Độ. Khắp châu Á hô vang: "Châu Á của người Châu Á!" Nấp sau lời hô đó là nước Nhật Bản, luôn luôn thúc đẩy và giúp đỡ những chủng tộc da vàng và da đen chống người da trắng. Và trong khi Nhật Bản mơ thành một đế quốc lục địa và ra sức thực hiện giấc mơ đó thì đồng thời nó thủ tiêu cách mạng vô sản ở bên trong. Đó chỉ đơn thuần là một cuộc chiến tranh đẳng cấp, anh em phu phen chống bọn võ sĩ đạo và những người xã hội chủ nghĩa trong giới phu phen đã bị hành hình hàng vạn. Bốn vạn người đã bị giết chết trong các trận chiến đấu đường phố ở Tokyo và trong các trận tấn công xốc nổi vào cung điện Nhật hoàng. Thành phố Kobe là một lò sát sinh; vụ tàn sát công nhân dệt bằng súng liên thanh đã trở thành kinh điển khét tiếng là vụ hành hình ghê gớm nhất chưa từng bao giờ thấy, do những bộ máy chiến tranh hiện đại tiến hành. Trong tất cả các bọn thống trị thì dã man nhất là bọn thiểu số thống trị Nhật Bản lúc đó đang nổi lên. Nước Nhật thống trị phương Đông và một mình nắm tất cả phần châu Á của thị trường thế giới, trừ Ấn Độ.

Nước Anh đã đè bẹp được cuộc cách mạng vô sản bên trong và vẫn giữ được Ấn Độ, mặc dầu nó đã gần kiệt quệ. Nhưng nó bắt buộc phải nhả các thuộc địa lớn ra, thành thử những người xã hội chủ nghĩa đã xây dựng được Úc và New Zealand thành những nước cộng hoà hợp tác xã. Và cũng chính vì thế mà "nước mẹ" mất cả Canada. Nhưng Canada đã đè bẹp được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa bên trong, nhờ có cái Gót sắt giúp sức. Đồng thời cái Gót sắt đã giúp Mexico và Cuba đàn áp khởi nghĩa. Kết quả là cái Gót sắt đứng vững như bàn thạch ở Tân thế giới. Nó đã gắn chặt thành một khối chính trị vững chắc tất cả miền Bắc châu Mỹ, từ kênh đào Panama đến Bắc Băng Dương.

Nước Anh phải hi sinh các thuộc địa lớn mà cũng chỉ giữ được có mình Ấn Độ. Nhưng đó hoàn toàn cũng chỉ là nhất thời. Cuộc đấu tranh với Nhật Bản và các nước còn lại ở châu Á để giành Ấn Độ chẳng qua mới chỉ đi đến chỗ hoà hoãn. Nước Anh sớm muộn thể nào cũng mất Ấn Độ và biến cố đó sẽ mở màn cho cuộc đấu tranh giữa khối đoàn kết các nước châu Á và thế giới.

Và trong khi tất cả thế giới bị xé nát vì các cuộc xung đột thì người Mỹ chúng tôi cũng không yên ổn, thái bình. Sự phản bội của các công đoàn lớn đã chặn bước tiến của cách mạng vô sản ở nước chúng tôi, nhưng khắp mọi nơi đều nổ ra bạo động. Cộng vào những cuộc nổi dậy của lao động và sự bất bình của các chủ trại cùng những tầng lớp còn lại của giai cấp trung lưu, còn có một cuộc phục hưng tôn giáo nó bùng lên như lửa cháy. Một chi nhánh của giáo phái "Cơ đốc phục sinh" 2 đột nhiên xuất đầu lộ diện và tuyên bố đã đến ngày tận thế.

- Thật là loạn, thật là rối như bòng bong, Ernest kêu lên. - Bao nhiêu xung khắc, bao nhiêu xu hướng trái ngược nhau? Thế này thì mong gì thực hiện được đoàn kết?

Và quả thật cuộc phục hưng tôn giáo đã lan ra trên một quy mô ghê gớm. Nhân dân vì quá nghèo khổ và vì chán chường mọi sự trên đời, hết sức mong mỏi được lên thiên đường và họ hi vọng bọn thống soái tàn bạo của nền công nghiệp sẽ không thể nào lọt được vào đó cũng như con lạc đà không thể nào lọt qua được lỗ kim. Bọn thầy tu có đôi mắt man rợ như mắt thú rừng đổ đi khắp nước để truyền giáo; và mặc dầu các nhà đương cục nghiêm cấm và những người không tuân lệnh đều bị hành hạ, vẫn có những cuộc họp mặt tôn giáo dưới hình thức cắm trại và những cuộc họp mặt này càng quạt bùng ngọn lửa cuồng tín lên.

Người ta hô hoán lên rằng đã bắt đầu đến ngày tận thế. Khắp bốn phương trời đều nổi gió. Do tay Chúa xoay vần, các dân tộc đều lâm vào cảnh tao loạn cấu xé lẫn nhau. Thời kì này là thời kì thịnh hành của mê tín và tà thuật. Thầy bói và thầy số, thầy tiên tri nhan nhản. Nhân dân bỏ việc hàng trăm hàng nghìn để trốn lên núi chờ Chúa hiện xuống lên thiên đường. Nhưng Chúa không xuống: còn họ thì bị chết đói một số lớn. Trong lúc tuyệt vọng, họ đi cướp phá các trang trại để lấy lương thực và những sự hỗn loạn vô chính phủ do họ gây ra ở các thị trấn nông thôn lại càng làm tăng thêm nỗi thống khổ của lớp chủ trại bất hạnh đã bị cướp đoạt hết tài sản.

Nhưng các trang trại và các kho thóc lại là tài sản của cái Gót sắt. Quân đội được phái về nông thôn như nước chảy và bọn người cuồng tín bị lính tráng dùng lưỡi lê tuốt trần điệu về thành phố hàng đàn hàng lũ để tiếp tục làm việc. Về đến đấy họ lại liên tiếp nổi loạn. Lãnh tụ của họ bị hành hình vì tội phiến loạn, hoặc bị giam vào nhà điên. Những người bị hành hình ngang nhiên nhận cái chết với niềm vui sướng của những kẻ tuẫn tử vì đạo. Thời kì này là một thời kì điên loạn. Tâm trạng bất an lan rộng. Trong những đồng lầy, những sa mạc và những vùng đất hoang từ Florida đến Alaska, những toán người da đỏ còn sống sót nhảy nhót như những bóng ma và chờ đấng cứu thế của họ xuất hiện.

Và giữa tất cả những cái ấy, với một sự điềm đạm và một niềm tự tin kinh khủng, vẫn tiếp tục nổi bật lên hình thù con quái vật của các thời: Tập đoàn thiểu số thống trị. Nó dùng bàn tay sắt và cái Gót sắt để khuất phục hàng triệu nhân dân đang nổi dậy, nó dẹp tan mọi rối loạn để dựng nên trật tự và ngay trên cái đống hỗn độn đó thiết lập nền móng và dinh luỹ của nó.

- Hãy chờ đến ngày chúng tôi nhậm chức, - các đảng viên đảng Kho thóc tuyên bố thế. và ông Calvin thuật lại cho chúng tôi nghe tại nhà riêng chúng tôi ở phố Pell. Các bạn hãy nhìn vào những bang mà chúng đã chiếm được. Có những người xã hội chủ nghĩa các bạn ủng hộ khi chúng tôi ra làm việc, chúng tôi sẽ làm cho chúng phải đổi giọng. Những người xã hội chủ nghĩa thì nói:

- Hàng triệu quần chúng bất bình và tất cả những người bị bần cùng hoá là chúng ta. Các đảng viên Kho thóc đi với chúng ta, cả các chủ trại giai cấp trung lưu và những lao công thường nữa. Chế độ tư bản rồi sẽ tan tành. Sang tháng sau là chúng ta sẽ cử năm mươi người vào Quốc hội. Chỉ hai năm nữa, tất cả các chức vụ sẽ do chúng ta nắm, từ chức Tổng thống cho xuống đến chức bắt chó ở các tỉnh. Trước những nhận định đó, Ernest lắc đầu nói:

- Các bạn có bao nhiêu súng? Các bạn có biết lấy đâu ra được nhiều chì để đúc đạn? Còn về chế tạo thuốc nổ thì các ban cứ tin lời tôi, phương pháp hoá học tốt hơn là phương pháp cơ khí.

Chú thích

 Tất cả những công đoàn đường sắt đều đã cấu kết với bọn thiểu số thống trị. Nên chú ý rằng chính sách chia phần ăn cướp là do một công đoàn đường sắt áp dụng lần đầu tiên vào hồi thế kỉ thứ 19. Công đoàn này chính là "Hội kết nghĩa của công nhân đầu máy", do P.M. Arthur làm lãnh tụ tối cao trong suốt hai mươi năm. Sau cuộc bãi công của công nhân đường sắt Pennsylvania năm 1877, Arthur đã vạch ra một kế hoạch cho công nhân đầu máy bắt tay với các công ty hoả xa và "ăn mảnh một mình", bỏ mặc các công đoàn khác. Cái kế hoạch ích kỉ đó đã thu được kết quả hoàn toàn. Từ đó nảy ra danh từ "Arthur hoá" để chỉ những công đoàn thực hiện âm mưu chia phần ăn cướp. Danh từ "Arthur hoá" tiền lương cùng với mức sống của họ sụt xuống rất nhanh. Các trường học do đó bị tan vỡ và nền giáo dục cưỡng bách dần dần không còn nữa. Số người không biết đọc biết viết trong thế hệ trẻ tăng lên một cách khủng khiếp.

 Một giáo phái ở Mỹ. Họ tin rằng chỉ trong một ngày rất gần Chúa sẽ lại xuất hiện và tiếp theo đó thì tất cả những ngươi chết đều sống lại (ND).