gay từ tháng giêng năm 1913, Ernest đã nhìn thấy hướng phát triển của tình hình, nhưng anh không sao làm cho các lãnh tụ khác của phong trào thấy rõ được viễn ảnh của cái Gót sắt đã thành hình trong tâm trí anh. Họ quá ư tin tưởng. Sự biến thì xảy ra quá dồn dập và tiến rất mau đến chỗ tuyệt đỉnh. Một cuộc khủng hoảng đã diễn ra trong phạm vi thế giới. Tập đoàn thiểu số thống trị Mỹ đã thực sự nắm được thị trường thế giới và hai chục nước đã bị quẳng ra khỏi thị trường đó với chỗ hàng ế thừa không tiêu thụ được cũng không bán được ở trong tay. Đối với những nước như thế, chỉ còn một cách là tổ chức lại. Họ không thể tiếp tục phương pháp sản xuất hàng ế thừa của họ được. Họ thấy chủ nghĩa tư bản đối với họ như vậy là sụp đổ, không còn hi vọng gì nữa.
Việc tổ chức lại những nước đó tiến hành dưới hình thức một cuộc cách mạng. Đó là một thời kì hỗn loạn, người ta phải dùng bạo lực. Những tổ chức xã hội và những chính phủ ở khắp mọi nơi đều sụp đổ. Trừ một vài nước, còn thì ở khắp mọi nơi, bọn chủ tư bản trước đây đều chống lại kịch liệt để bảo vệ tài sản của chúng. Nhưng giai cấp vô sản chiến đấu đã giành được chính phủ trong tay bọn chúng rồi. Rốt cùng, câu nói cổ điển của Marx đã được thực hiện: "Hồi chuông báo hiệu giờ chết của tư hữu tư bản chủ nghĩa đã điểm. Bọn người chuyên đi tước đoạt tài sản của người khác sẽ bị tước đoạt hết tài sản". Và những chính phủ tư bản sụp đổ đến đâu, thì lập tức có những hợp tác xã nổi lên thay thế. "Vì sao nước Hoa Kỳ lại đi lệt bệt đằng sau như vậy?"; "Anh em cách mạng Mỹ, hãy hoạt động lên!"; "Nước Mỹ làm sao thế này?"
Đó là những bức thư của những đồng chí chúng tôi đã thành công ở những nước khác gửi cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi không tài nào ngóc dậy được. Tập đoàn thiểu số thống trị đã đứng sững trên đường đi. Cái khối lù lù của nó, giống như một con quái vật khổng lồ, đã bịt lối chúng tôi. Chúng tôi trả lời: "Các đồng chí hãy chờ đến sang xuân, lúc chúng tôi nắm chính quyền. Lúc ấy các đồng chí sẽ rõ".
Đằng sau câu trả lời của chúng tôi có một điều bí mật. Chúng tôi đã tranh thủ được các đảng viên Kho thóc, và sang xuân tất cả sẽ có mười hai bang do họ nắm, theo những kết quả bầu cử mùa thu vừa rồi. Tất cả sẽ có mười hai nước cộng hoà hợp tác xã được thành lập cùng một lúc. Sau đó, phần còn lại cũng dễ giải quyết thôi.
- Thế lỡ những đảng viên Kho thóc bị phá sản, không nắm được các ghế đó thì sao? - Ernest hỏi. Và các đồng chí của anh gọi anh là người động mở mồm là nói đến tai họa.
Song việc các đảng viên Kho thóc không nhậm chức vẫn chưa phải là nguy cơ chính mà Ernest lo ngại. Anh nhìn thấy trước rằng những công đoàn lớn sẽ bội phản và sẽ phân hoá thành đẳng cấp.
- Ghent đã dạy cho bọn thiểu số thống trị cách thức gây nên tình trạng đó rồi. - Ernest nói. - Tôi đánh cuộc rằng bọn thiểu số thống trị đã dùng cuốn "Chủ nghĩa phong kiến từ thiện" của lão ta làm sách giáo khoa 1.Tôi sẽ không bao giờ quên buổi đêm hôm đó. Sau một cuộc bàn cãi sôi nổi với sáu lãnh tụ công đảng. Ernest quay lại nói với tôi bằng một giọng bình tĩnh: - Thế này là hết. Cái Gót sắt đã thắng. Chúng ta sắp bị tiêu diệt đến nơi rồi.
Cuộc hội nghị nhỏ này nhóm họp ở nhà tôi. Nó không có tính chất chính thức. Nhưng Ernest cùng với các đồng chí của anh đều cố vận động những lãnh tụ công đảng để họ cam kết sẽ động viên quần chúng của họ tham gia cuộc tổng bãi công sắp tới. Trong số sáu lãnh tụ công đảng có mặt, O'Connor, chủ tịch Hội công nhân cơ khí, là người từ chối cương quyết hơn cả. Y nhất định không cam kết điều đó. - Ông đã thấy đấy, sách lược bãi công và tẩy chay cũ của các ông khiến cho các ông bị đánh tơi bời ra còn gì. - Ernest nói. O'Connor và những lãnh tụ công đảng khác gật đầu.
- Mà các ông cũng đã thấy, chỉ cần một cuộc tổng bãi công là đủ, - Ernest tiếp. - Chúng tôi đã ngăn chặn được chiến tranh với nước Đức. Chưa bao giờ tinh thần đoàn kết và sức mạnh của lao động lại được phô trương đẹp đẽ như thế. Lao động có thể và sẽ cai quản thế giới. Nếu các ông tiếp tục bắt tay với chúng tôi thì nhất định chúng ta sẽ chấm dứt được ách tư bản. Đó là mối hi vọng duy nhất của các ông. Còn hơn thế nữa kia, thì các ông đã biết đấy. Không có lối nào thoát đâu! Nếu các ông cứ theo những sách lược cũ thì bất kì làm cái gì các ông cũng sẽ thất bại. Chỉ riêng cái việc bọn chủ tư bản nắm trong tay các toà án cũng đủ làm cho các ông thất bại rồi 2.
- Ông kết luận vội vàng quá, - O'Connor đáp. - Ông không biết hết các lối thoát. Vẫn còn một lối thoát khác. Việc của chúng tôi thì chúng tôi phải biết hết chứ. Chúng tôi phát ốm người lên vì bãi công rồi. Chính vì bãi công mà chúng tôi bị đánh tơi bời. Nhưng từ nay về sau, thì chúng tôi không bao giờ cần phải tung quần chúng của chúng tôi ra nữa. - Thế lối thoát của ông là gì? - Ernest hỏi thẳng. O'Connor cười lắc đầu: - Tôi có thể nói để ông rõ điều này, là trước đây chưa bao giờ chúng tôi nằm ngủ cả, cho nên lúc này chúng tôi không mê ngủ đâu. - Chắc các ông cũng chẳng có gì phải sợ hãi hay phải xấu hổ chứ nhỉ? - Ernest nói kháy. - Tôi nghĩ việc của chúng tôi thì chúng tôi phải biết rõ hơn ai hết, - y đáp. - Cứ xem cái lối các ông giấu như mèo giấu cứt ấy thì cũng biết đó là một việc mờ ám, - Ernest nổi giận nói.
- Bài học kinh nghiệm của chúng tôi đã phải trả bằng mồ hôi, bằng máu. Cho nên sau này nếu chúng tôi có được hưởng cái gì thì cũng đều do chúng tôi khổ công mà có. Phải biết làm phúc cho mình trước, rồi mới đi làm phúc cho người... Máu Ernest sôi lên:
- Nếu các ông sợ không dám nói cho tôi nghe lối thoát của các ông thì để tôi nói toạc nó ra cho các ông nghe. Các ông định theo voi hít bã mía. Các ông đã bắt tay với kẻ thù. Đó, việc các ông đã làm là như thế. Các ông đã bán rẻ sự nghiệp của lao động, của tất cả những người lao động. Các ông đang bỏ trận địa như một lũ hèn nhát.
- Tôi không nói lôi thôi, - O'Connor cáu gắt. - Tôi nghĩ rằng làm thế nào có lợi nhất cho chúng tôi, điều đó tất chúng tôi phải biết hơn các ông.
- Nhưng còn làm thế nào có lợi nhất cho tất cả số người lao động còn lại thì các ông không thèm quan tâm lấy một xu. Các ông giơ chân ra đá họ lăn xuống huyệt.
- Tôi không nói lôi thôi, - O'Connor đáp. - Ông chỉ cần biết tôi là chủ tịch Hội công nhân cơ khí, và việc của tôi là phải trông nom đến quyền lợi của những người mà tôi đại diện, có thế thôi.
Sau đó các lãnh tụ công đảng bỏ về. Với một vẻ trầm tĩnh anh thường có khi gặp thất bại, anh phác qua cho tôi thấy trình tự những biến cố sẽ xảy ra. Anh bảo:
- Những người xã hội chủ nghĩa vẫn thường vui mừng báo trước cái ngày nhân dân lao động có tổ chức bị đánh bại trên lĩnh vực công nghiệp, sẽ bước sang lĩnh vực chính trị. Bây giờ thì cái Gót sắt đã đánh bại các công đoàn trên lĩnh vực công nghiệp và đẩy họ sang lĩnh vực chính trị; nhưng đáng lẽ việc đó là một điều đáng mừng cho chúng ta thì trái lại nó sẽ là một nguồn phiền luỵ. Cái Gót sắt đã có kinh nghiệm rồi. Chúng ta đã vạch cho nó thấy sức mạnh của chúng ta trong cuộc tổng bãi công. Nó đã tìm biện pháp để ngăn ngừa một cuộc tổng bãi công khác. - Nhưng bằng cách nào cơ? - tôi hỏi.
- Có gì đâu, nó sẽ trợ cấp cho các công đoàn lớn. Các công đoàn này sẽ không tham gia cuộc tổng bãi công sắp tới. Thành thử sẽ không có tổng bãi công. - Nhưng cái Gót sắt không thể duy trì một chương trình tốn kém như thế mãi được, - tôi phản đối.
- Ồ, nó có trợ cấp cho tất cả các công đoàn đâu! Cái đó không cần thiết. Tình hình rồi sẽ diễn biến như thế này: nó sẽ tăng lương và giảm giờ làm trong các công đoàn đường sắt, công đoàn luyện kim, công đoàn kĩ sư và công đoàn cơ khí. Ở những công đoàn đó sẽ tiếp tục có những điều kiện ưu tiên hơn. Có chân trong những công đoàn này sẽ không khác gì kiếm được một ghế ngồi trên thiên đường.
- Em vẫn chưa nhìn thấy thế, - tôi phản đối. - Thế còn những công đoàn khác thì sẽ sao? Những công đoàn ở ngoài vẫn nhiều hơn những công đoàn đứng trong cái tổ hợp đó kia mà?
- Những công đoàn khác sẽ bị tiêu diệt, sẽ bị hết. Bởi vì công nhân đường sắt, công nhân cơ khí và kĩ sư, công nhân đúc sắt và đúc thép, họ làm công việc chủ yếu, có tính chất sinh tử, của nền văn minh cơ khí chúng ta. Em có thấy thế không nào? Một khi đã nắm chắc được họ, cái Gót sắt sẽ bất chấp tất cả những người lao động khác. Sắt, thép, than, cơ khí và vận tải họp lại thành cái xương sống của tất cả bộ máy công nghiệp.
- Thế còn than? - Tôi hỏi. - Có đến gần một triệu công nhân mỏ kia mà?
- Trong thực tế, họ là những lao động không có chuyên môn. Họ không đáng kể. Họ sẽ bị hạ lương và tăng giờ làm. Họ sẽ phải làm nô lệ cũng như tất cả chúng ta, và trong tất cả chúng ta đây, không khéo họ sẽ trở thành khốn đốn và ngu muội nhất, không khác gì súc vật. Họ sẽ bị cưỡng bức phải lao động, y hệt như các chủ trại lúc này đang cưỡng bức phải lao động cho bọn trùm tư bản đã cướp không ruộng đất của họ. Và tất cả những công đoàn đứng ngoài tổ hợp rồi cũng thế. Em cứ chờ mà xem: họ dao động và đi đến chỗ tan rã và các đoàn viên của họ trở thành một lũ nô lệ bị cái dạ dày lép kẹp của bản thân và luật pháp của Nhà nước dồn đến chỗ đầu tắt mặt tối.
"Em có biết thằng Farley 3 và bọn tay chân của chúng chuyên đi phá hoại bãi công sau này sẽ ra sao không? Để anh nói cho em nghe. Cái nghề phá bãi công sẽ hết. Sẽ không còn bãi công nữa. Thay thế cho các cuộc bãi công sẽ có những cuộc khởi nghĩa của nô lệ. Farley và đồng đảng của nó sẽ được cất nhắc lên làm cai tù. Ồ, mà gọi thế cũng không đúng: phải gọi là làm những kẻ củng cố pháp luật mà Nhà nước ban hành để cưỡng bách mọi người lao động. Sự bội phản của những công đoàn lớn sẽ làm cho cuộc đấu tranh của chúng ta phải kéo dài hơn, có thế thôi. Cách mạng bao giờ sẽ thắng lợi, và sẽ thắng lợi ở đâu có trời biết!
- Nhưng trước sức mạnh của tập đoàn thiểu số thống trị câu kết chặt chẽ với công đoàn lớn, liệu còn có thể tin tưởng được rằng cách mạng rồi ra sẽ thắng lợi không? - Tôi hỏi. - Liệu cái tổ hợp đó có thể vĩnh viễn được không? Anh lắc đầu:
- Một trong những quy luật chung chúng ta rút ra là tất cả những chế độ xây dựng trên nền tảng giai cấp và đẳng cấp đều mang sẵn trong mình nó những mầm mống diệt vong. Một chế độ xã hội xây dựng trên nền tảng giai cấp thì làm sao ngăn ngừa được đẳng cấp? Cái Gót sắt không thể nào ngăn ngừa được đẳng cấp và cuối cùng, đẳng cấp sẽ tiêu diệt cái Gót sắt. Bọn thiểu số thống trị đã phát triển rồi công đoàn được ưu đãi cũng sẽ phát triển đẳng cấp. Cái Gót sắt sẽ tìm mọi cách để ngăn ngừa, nhưng nó sẽ thất bại.
"Trong các công đoàn được ưu đãi, có những bông hoa của các giới lao động nước Mỹ. Họ là những người có sức mạnh và có năng lực. Họ đã qua một cuộc cạnh tranh để giành lấy một chân cho mình mới thành được đoàn viên trong những công đoàn đó. Tất cả những công nhân có đủ điều kiện ở Hoa Kỳ sẽ nuôi tham vọng trở thành đoàn viên những công đoàn được ưu đãi. Tập đoàn thiểu số thống trị sẽ khuyến khích tham vọng đó và sự cạnh tranh do nó đẻ ra. Thành thử những con người cách mạng sẽ bị mua đi mất và sẽ đem sức mạnh của mình ra ủng hộ tập đoàn thiểu số thống trị.
"Mặt khác, những đẳng cấp lao động, những đoàn viên của những công đoàn ưu đãi sẽ tìm mọi cách để biến tổ chức của họ thành những phường hội kín mít. Và họ sẽ làm được như vậy. Có chân trong các đẳng cấp lao động sẽ thành một vấn đề gia truyền. Con sẽ nối nghiệp cha, và những sức mạnh mới, từ các nguồn sức mạnh vô tận là đám dân thường sẽ không chảy vào đó nữa. Như vậy có nghĩa là những đẳng cấp lao động sẽ mục nát đi và sẽ ngày càng suy yếu. Trong lúc đó, đứng về mặt tổ chức mà nói, họ sẽ tạm thời trở thành toàn năng. Họ sẽ như bọn vệ binh hoàng cung ở cổ La Mã và sẽ nổ ra những cuộc đảo chính giống như những cuộc đảo chính trong hoàng cung, giúp cho họ nắm chính quyền. Nhưng rồi tập đoàn thiểu số thống trị sẽ nổi lên nắm chính quyền. Tình trạng đó sẽ khiến cho sự suy yếu không thể tránh được của các đẳng cấp cứ thế tiếp diễn một cách ngày càng sâu sắc, và cuối cùng thì quần chúng nhân dân nắm lấy mọi quyền hành.
Ernest đã phác ra trước một quá trình tiến hoá chậm chạp của xã hội giữa lúc lần đầu tiên anh bị thất vọng, do các công đoàn lớn làm phản. Tôi chưa bao giờ đồng ý với anh về điều đó. và ngay lúc này, giữa lúc tôi viết những dòng này, tôi lại càng phản đối kịch liệt, phản đối hơn bao giờ hết; bởi vì ngay lúc này, mặc dầu Ernest đã qua đời, chúng tôi đang tiến sát nút một cuộc khởi nghĩa nó sẽ quét sạch tất cả bọn thiểu số thống trị. Tuy nhiên, tôi cũng đã trình bày ra đây lời Ernest tiên đoán, bởi vì đó là lời tiên đoán của anh. Mặc dầu anh tin là thật, anh đã làm việc hết mình để cho cái lời tiên đoán đó không thành hiện thực. Anh đã làm việc như một người khổng lồ, và hơn ai hết, anh đã tạo điều kiện cho cuộc khởi nghĩa mà chúng tôi đang chờ hiệu lệnh để cho nổ ra 4. Chiều hôm đó, tôi hỏi Ernest. - Nhưng nếu bọn thiểu số thống trị vẫn còn, thì những số hàng ế thừa khổng lồ hàng năm chúng thu về được sẽ ra thế nào?
- Những số hàng ế thừa, chúng sẽ phải tiêu thụ bằng cách này hay cách khác. Em cứ tin chắc là bọn thiểu số thống trị sẽ tìm được cách tiêu thụ. Chúng sẽ cho xây những con đường tráng lệ. Khoa học và nghệ thuật, sẽ đạt được những thành tựu lớn. Khi bọn thiểu số thống trị đã nô dịch được nhân dân, chúng sẽ có thì giờ dành cho những việc khác.
Chúng sẽ trở thành những người tôn thờ cái đẹp. Chúng sẽ thành những người yêu nghệ thuật. Các nghệ sĩ sẽ lao động dưới sự lãnh đạo của chúng và sẽ được thưởng công rất hậu. Kết quả là nền đại nghệ thuật sẽ ra đời, bởi vì các nghệ sĩ sẽ không phải đánh đĩ với cái thị hiếu tư sản của giai cấp trung lưu như từ trước đến nay nữa. Sẽ có một nền đại nghệ thuật, anh nói thật đấy. Những thành phố kì công sẽ mọc lên, khiến cho những thành phố thời xưa trở thành vô vị, rẻ tiền. Và trong những thành phố đó, bọn thiểu số thống trị sẽ ngự trị để tôn thờ cái đẹp 5.
"Như thế đấy, số hàng ế thừa sẽ bị phí phạm thường xuyên, trong khi lao động phải nai lưng ra làm. Việc xây dựng những công trình và những thành phố vĩ đại đó sẽ đem lại cho hàng triệu người lao động bình thường một khẩu phần chết đói. Bởi vì cái khối lượng khổng lồ những hàng ế thừa bắt buộc phải phí phạm trên một quy mô khổng lồ ngang như thế, và bọn thiểu số thống trị sẽ xây dựng như thế trong hàng nghìn năm, à quên, hàng vạn năm. Chúng sẽ xây những công trình mà người Ai Cập và người Babylon ngày xưa chưa bao giờ mơ ước tới: và khi bọn thiểu số thống trị đã hết đời rồi thì những con đường vĩ đại và những thành phố kì công của chúng sẽ còn lại: tinh thần tương thân tương ái của nhân dân lao động sẽ bước những bước rộn ràng trên những con đường đó và sẽ toả ánh sáng chói ngời trong những thành phố đó 6.
Những thứ đó, bọn thiểu số thống trị sẽ xây dựng lên, bởi vì chúng không thể đừng xây dựng được. Những công trình vĩ đại đó sẽ là một hình thức tiêu xài chỗ của cải thừa, cũng giống như các giai cấp thống trị ở Ai Cập thời xưa đã từng tiêu xài chỗ của cải thừa chúng cướp bóc được của nhân dân bằng cách xây dựng đền đài và kim tự tháp. Dưới ách bọn thiểu số thống trị, sẽ có một giai cấp phát đạt: không phải giai cấp thầy tu đâu, mà là giai cấp nghệ sĩ. Và thay thế cho tầng lớp thương nhân của giai cấp tư sản sẽ là những đẳng cấp lao động. Và bên dưới sẽ là một cái vực thẳm trong đó lớp dân đen, tức là tuyệt đại đa số nhân dân, sẽ đau đớn ê chề, sẽ chết đói, sẽ rữa xác ra, nhưng bao giờ cũng vẫn sinh sôi nảy nở. Và cuối cùng cũng chưa ai biết là một ngày nào họ sẽ đứng lên khỏi vực thẳm; các đẳng cấp lao động và tập đoàn thiểu số thống trị sẽ sụp đổ tan tành; và rồi cuối cùng, sau một quá trình của nhiều thế kỉ, sẽ là thời đại của con người bình thường. Trước đây anh vẫn mơ ước được thấy cái ngày đó; nhưng bây giờ thì anh biết rằng anh sẽ không bao giờ thấy được. Anh ngừng một lát, nhìn tôi và nói tiếp.
- Xã hội tiến hoá chậm ghê cơ, chậm đến phát sợ lên, có phải không, em yêu quý của anh? Tôi vòng tay ôm chặt lấy anh, và anh nép đầu vào ngực tôi: - Em hát đi cho anh nghe, - anh thì thầm, nũng nịu. - Anh đã nhìn thấy một ảo ảnh và bây giờ anh muốn quên đi.
Chú thích:
"Chủ nghĩa phong kiến từ thiện của chúng ta" là một cuốn sách của Ghent xuất bản năm 1902. Mọingười đều quả quyết rằng Ghent đã đem tư tưởng thiểu số thống trị đến đặt vào đầu óc bọn đại tư bản. Việc mọi người tin như thế thể hiện trong nền văn học của suốt ba thế kỉ bị cáiGót sắt thống trị và ngay trong nền văn học của thế kỉ đầu tiên của thế giới đại đồng. Ngày nay chúng ta đã biết rõ hơn. Những dù rõ đến đâu, hiểu biết của chúng ta cũng không rửa được tiếng cho Ghent là một người vô tội đã từng bị chửi rủa nhiều nhất trong lịch sử.
Dưới đây là mấy ví dụ về những quyết định đầy tính chất thù địch đối với lao động của các toà án. Việc dùng trẻ con làm việc trong các vùng mỏ than thì ai ai cũng biết. Năm 1905, lao động ở Pennsylvania đã thành công trong việc đòi thông qua đạo luật bắt buộc ràng những lời tuyên thệ của cha mẹ về tuổi già về học vấn của trẻ em phải có chứng cớ kèm theo. Liền sau đó, đạo luật này bị Toà án Luzerne tuyên bố là trái hiến pháp, với lí do là nó vi phạm điều tu chính thứ 14 ở chỗ nó đã phân biệt đối xử với những cá nhân cùng một giai cấp, nghĩa là giữa trẻ con trên mười bốn tuổi và trẻ con dưới mười bốn tuổi. Toà án Quốc gia đã ủng hộ quyết định này. Toà án đặc biệt ở New York năm 1905 đã tuyên bố trái hiến pháp đạo luật cấm những người vị thành niên và phụ nữ làm việc quá chín giờ đêm, viện lí rằng đạo luật đó là một đạo luật có tính chất giai cấp. Cũng thời đó công nhân làm bánh mì bị bắt làm việc hết sức cực nhọc, cơ quan lập pháp của bang New York thông qua đạo luật hạn chế lao động ở các lò bánh mì trong vòng mười giờ một ngày. Năm 1906, Toà án tối cao của Hoa Kỳ tuyên bố đạo luật đó là trái hiến pháp. Một đoạn của quyết định đó như sau: "Không có một lí do chính đáng nào để xâm phạm vào quyền tự do thân thể và quyền tự do hợp đồng bằng cách quy định giờ lao động cho công việc của thợ làm bánh mì".
James Farley, một tên phá bãi công khét tiếng thời bấy giờ. Y là một kẻ vô lại, nhưng rất gan dạ và rất tài tình. Y leo lên rất cao dưới quyền thống trị của cái Gót sắt và cuối cùng đã hoà vào giai cấp thiểu số thống trị. Năm 1932, y bị một người đàn bà là Sarah Jenkins ám sát để trả thù cho chồng đã bị bọn tay chân của y giết chết ba mươi năm trước.
Khả năng nhìn trước các vấn đề xã hội của Ernest thật là tài tình. Sự bội phản của những công đoàn được ưu đãi, sự xuất hiện và sự suy vong lần lần của những đẳng cấp lao động, sự đấu tranh giữa bọn thiểu số thống trị đang giãy chết và các đẳng cấp lao động để kiểm soát bộ máy Nhà nước lớn lao, tất cả những điều đó Ernest thấy rõ, không khác gì anh đã được những biến cố đã qua soi sáng.
Sự nhìn xa trông rộng của Ernest quả là kì diệu. Ngay từ trước khi những ý nghĩ về các thành phố kì công như Ardis và Asgard nảy ra trong óc bọn thiểu số thống trị, Ernest đã thấy trước rằng việc xây dựng những thành phố đó là tất yếu, không thể tránh được.
Từ ngày có lời tiên đoán này đến nay, đã trải qua ba thế kỉ thống trị của cái Gót sắt và bốn thế kỉ nhân loại đại đồng. Ngày nay chúng ta đi trên con đường và ở trong những thành phố do bọn thiểu số thống trị xây dựng. Quả là chúng ta đang xây dựng những thành phố kì công còn kì diệu hơn thế nữa, nhưng cho đến nay, những thành phố kì công của bọn thiểu số thống trị vẫn còn tồn tại, và tôi viết những dòng này ở Ardis, một thành phố kì diệu nhất trong số tất cả những thành phố đó.