Gió Biên Thùy

- VIII -

Thành Vũ Hán về đêm.

Trăng thượng tuần bẽn lẽn trên nền mây, phong tỏa giữa ngàn sao lấp lánh. Làn gió thổi oặt òa mấy cành thùy dương lã ngọn, chuyển mình bên những cánh Trước đào.

Thiếu nữ trong bộ áo chẻn màu đen, tiến nhanh về phía thành. Mấy nhịp trống canh làm lung lay bóng nguyệt. Nàng nói thầm: “Đã canh hai”. Gót hài lại thoăn thoắt, thanh kiếm bên mình nhịp lạc xạc bên tà áo lụa bâng khuâng bọc gió.

Cả thành đang chìm đắm trong giấc mộng tàn đông. Phía này xa cửa thành nên vắng người canh gác. Nàng dừng bước nghe ngóng. Yên chí, nàng lấy ra một cuộn dây quăng lên móc vào một thành cây phía trong tường, rồi vương mình phăng lên. Thoắt cái nàng đã vào được phía trong. Đưa mắt nhìn quanh để định rõ phương hướng, thiếu nữ lần trong bóng tối, thẳng tới phía dinh quan Tổng trấn.

Đến một cái láng trại nhỏ le lói mấy ánh đèn xanh, nàng chợt nghe có tiếng xì xào nói chuyện. Nàng kịp thu hình bên góc trại, thì một bọn ba người tuần cảnh đã bước tới. Nàng chỉ được nghe thoáng qua những lời bàn bạc của họ:

- Phía đông, bộ đội ai trấn nhỉ?

- Ba nghìn quân của Vương Lỗ Ngạn.

- Mấy phía bên kia đều kiên cố chứ?

- Một mống cũng không thoát được.

- Đừng xem thường, bọn họ cũng ghê gớm lắm!

Một nụ cười mũi:

- Ừ, ghê gớm lắm!

Bọn tuần cảnh vừa qua khỏi, thiếu nữ có cảm giác như một gáo nước lạnh vừa xối vào đầu mình. Nàng thấy lòng hồi hợp trước một sự biến cố bất ngờ, không biết nên tiến hay lùi, nhưng qua phút lo sợ, nàng tự nghĩ: “Dầu sao nước cờ đã đánh”, và nàng cương quyết đi tới.

Quanh dinh thự Tổng trấn Vũ Hán có trồng một vòng cây dương liễu và trước đào, tàng lá sum suê nghiêng la đà trên mái ngói. Mỗi lần gió động, nhành lá lại đưa lên một luồn sóng nhạc xạc xào, bầy chim lại reo lên những tràng tiếng não nùng chiêm chíp. Thiếu nữ đu mình lên một nhành cây rồi chuyền qua mái ngói. Lời chim tiếng lá không làm cho nàng bận tâm. Nàng đang canh cánh bên lòng một chương trình để thi hành thủ đoạn.

Mái bên tây có một tia sáng dịu dàng vượt qua miểng kính, nổi bật lên cành dương. Đó là văn phòng của Tổng trấn. Không ngần ngại, thiếu nữ tìm đến phía ánh đèn. Nhưng vừa bước được hai bước, bỗng một tiếng động phía sau làm cho nàng giật mình. Nàng chưa kịp ngoảnh lại, nhưng biết rằng sau lưng mình có một người đứng. Nàng rùng mình một cái, đưa tay sờ đốc gươm.

Một bàn tay vỗ nhẹ vào vai nàng, bảo khẽ:

- Cô Thu Cẩn cả gan thật!

Thiếu nữ lùi bước và nhận ra người ấy là Thái.

Nàng ngạc nhiên:

- Lại anh!

Thái chúm chím cười:

- Những lúc cô lâm nguy thì tôi có bổn phận phải đến.

- Nhưng tôi có lâm nguy gì đâu?

Thái không đáp, kéo tay Thu Cẩn đến một rặng dương. Qua lùm cây um tùm, Thái chỉ ra phía góc tường nói:

- Cô nhìn xem.

Thu Cẩn run run.

- Họ chuẩn bị?

- Cả bốn phía đều có phục binh như thế. Hơn nữa họ sẽ có binh tiếp viện.

- Như thế thì còn gì đảng em!

- Trễ rồi.

- Còn Lý Chuẩn?

Tổng trấn Lý Chuẩn không có trong dinh, hắn đang phục binh ở phương bắc.

Thu Cẩn tái mặt:

- Bây giờ làm sao?

Thái xem đồng hồ rồi nói:

- Gần đến giờ rồi. Ta hãy xuống đốt kho lương làm hiệu lịnh, rồi nhập vào đoàn nội ứng đánh ra.

- Anh đánh về đâu?

- Về phía Nam để liên lạc với bộ đội của Hoàng Hưng.

- Còn em sẽ về phương Bắc để liên lạc với bộ đội Tôn lãnh tụ.

Dứt lời, hai người theo nhành dương chuyền xuống. Thái hăng hái tiến về phía kho lương.

Trong đêm khuya tĩnh mịch, hàng vạn quân cách mạng do Tôn Dật Tiên, Hoàng Hưng, Hồ Hán Dân, Uông Tinh Vệ đốc xuất, chia ra làm bốn bộ đội ở bốn hướng, hồi hộp chờ hiệu lịnh của đoàn nội ứng. Vừa lúc tiếng trống thành điểm canh ba, một tiếng tạc đạn nổ dữ dội ở phía kho lương, ánh lửa cùng một lúc bốc lên đỏ rực cả một góc trời.

Quân cách mạng reo lên vang dậy, cả bốn mặt thành mở toát. Họ tiến vào như làn nước lở bờ. Khi một số đông đã vào được bên trong, chợt những tiếng nổ liên tiếp phát ra khắp nơi. Quân cách mạng biết rằng mình bị lâm vào vòng vây chắt chẽ của phục binh, vội đổi chiến lược, lấy hậu phương làm tiền tuyến. Họ hăng hái lăn xả vào các quân doanh, đi đến đâu ngọn lửa bùng theo đến đấy.

Sau khi đốt xong kho lương, Thái dẫn đoàn nội ứng đánh ra, gặp ngay bộ đội Hoàng Hưng. Hai người hiệp nhau tấn công ra mặt thành. Thu Cẩn cũng dẫn một đoàn nội ứng ra phía Bắc, chưa kịp gặp bộ đội của Tôn Dật Tiên thì bị đoàn phục binh của Lý Chuẩn chận lại. Quân cách mạng phải chia ra làm hai trận tuyến, đánh ép tốp quân của Lý Chuẩn vào giữa.

Hơn hai giờ tác chiến, phần thắng lợi đã thiên về phía dân quân. Trong lúc mọi người đang say vì chiến trận, phía ngoài thành có tiếng ồn ào nôn nao, rồi những loạt súng nổ rền tứ phía.

Lý Chuẩn thét to:

- Tiếp viện đã tới, quân ta hãy hăng hái lên.

Thái nhìn ra: dưới ánh lửa đỏ rực, đoàn hùng binh của Tổng trấn Quảng Châu đã bị bao chặt cả vòng thành. Chàng thở dài, bảo Hoàng Hưng:

- Ta liên lạc với ba bộ đội của Tôn, Hồ, Uông rồi tìm thế rút lui.

Hoàng gật đầu, dẫn quân tiến về phía Nam họp với đạo quân của Uông Tinh Vệ. Vừa lúc ấy bộ đội của Tôn Dật Tiên và Hồ Hán Dân cũng gồm về, cùng tiến mãnh liệt ra cửa thành. Dưới sức phản công anh dũng, đạo quân tiếp viện Quảng Châu đành phải nhường một đường máu cho tàn quân cách mạng.

Còn sót lại đoàn nội ứng của Thu Cẩn vì không liên lạc được với các bộ đội, đành làm mồi cho những làn mưa đạn của địch quân. Vài người sống sót đều bị bắt. Thu Cẩn cũng đành chịu chung số phận của những người chiến sĩ sa cơ.

*

Sáng hôm sau, Lý Chuẩn đòi Thu Cẩn ra. Thấy vẻ mặt ương ngạnh của nàng, tên Mãn nô cười một cách nham hiểm:

- Phải cô là nữ gián điệp đắc lực của đảng cách mạng chăng?

Thu Cẩn ngẩng mặt nhìn hắn, nhưng không đáp.

Hắn tiếp:

- Phải cô tên là Thu Cẩn chăng?

Thấy không cần phải chối, nàng thản nhiên nói:

- Phải, tôi là Thu Cẩn.

Hắn không cười nữa, trố mắt ra nhìn nàng. Ở mặt hoa chan chứa cả nét diễm lệ của một thời xuân, làm cho gã thất phu bỗng có lòng mến phục.

- Bấy lâu nghe tiếng, nay mới biết quả lời đồn không sai. Người như cô nương lại hoạt động cho quân phiến loạn, chẳng là hoài công lắm sao?

Đôi mày tầm vảnh ngược, nàng bỉu môi khinh bỉ:

- Xưa nay những người có chí lớn đều là phiến loạn cả sao? Dân tộc ta đã ba nghìn năm lạc hậu dưới chế độ phong kiến, ba trăm năm đồ thán dưới ách tàn bạo Mãn Thanh. Bấy nhiêu cũng đủ là một bài học đau đớn lắm rồi.

Lý Chuẩn cười gằn:

- Nhà nữ gián điệp kiêm cả tài ngụy biện

- Đó không phải là ngụy biện mà sự thật.

- Chỉ có một sự thật nên nhớ là hiện cô nương đang ở trong tay địch thủ là triều đình Mãn. Cô nương dè dặt một chút.

Thu Cẩn ung dung nói:

- Người ta sống ở xã hội cốt quý ở chính nghĩa, nhà cách mạng không bao giờ sợ kẻ địch mà quên chính nghĩa.

Hai hàng vệ binh đứng hầu bên cạnh Lý Chuẩn đều đưa mắt nhìn thiếu nữ có vẻ ái ngại. Người ta vừa cảm động, vừa lo thay cho số phận nàng. Nhưng tên võ quan có tiếng là tàn ác ấy vẫn tươi cười.

- Cô nương nói đến chính nghĩa, ta cũng nên dùng chính nghĩa mà đối lại với cô nương. Cô nương có thấy mấy lần cách mạng khởi nghĩa đều thất bại đau thương đó không? Cô nương há không biết triều đình vẫn còn mạnh, dân tộc ta vẫn thâm nhiễm chế độ đế quyền? Bọn cách mạng đã đi ngược lòng dân, trái mệnh trời, có khi nào thành công được. Cô nương nên thức thời, chịu quay về với triều đình, ta sẽ vì cảm tình đối với một nhân tài của tổ quốc mà xin tội giùm cô nương với Tây Thái Hậu. Bằng trái lại, ta sẽ vì sự an ninh chung của xứ sở mà không thể dung thứ cho cô nương.

Thu Cẩn không chịu được nữa:

- Tôi không thể phản bội đảng, không thể phản bội dân tộc. Tôi vui lòng nhận điều kiện thứ hai của ngài.

Lý Chuẩn thở dài:

- Ta lấy làm tiếc một người như cô nương, nhưng không thể nào làm khác được.

Và hắn ra lệnh đem Thu Cẩn ra pháp trường.

*

Đêm hôm ấy có tiếng vó ngựa phi về phía ngoài thành Vũ Hán. Ngang pháp trường, người kỵ mã nhẹ nhàng nhảy xuống, rồi tiến đến nấm mộ vừa mới đấp.

Cả một vùng cỏ ấy dường đẫm lệ dưới trời sương. Tiếng chim hót nỉ non một nhịp điệu u hoài không thể tả. Thanh niên đứng trước tấm bia có đề bốn chữ “Thu Cẩn chi mộ”, hai hàng lệ lăn dài xuống má. Lần này người ấy đã về hẳn nơi chốn nghìn thu...

Chàng lấy nghiên mực ra mài dưới ánh trăng, rồi dùng bút đề vào sau tấm mộ bia:

“Hoa hãy đó, người xưa sao chẳng thấy? Đi qua Nam phố, thương thay ôi! nghìn nỗi trăm đường!

Cảnh còn đây khách cũ biết nơi nao? Trông lại sông Tiền, thấu chăng hỡi ba hồn chín phách!

Ngàn Tây lĩnh phất phơ làn gió thổi, nghĩ người tiết liệt ngậm ngùi thương:

Nước sông Tiền lấp lánh bóng trăng soi, nhớ khách trung trinh ngao ngán nhẻ!” [1]

Viết xong, chàng gục đầu trên mộ.

Gió biên thùy lại reo lên rộn rã. Chàng nhìn lại cảnh xưa một lần chót, đoạn ngậm ngùi lên yên. Lớp bụi lẩn sương ngàn che mất bóng hình người kỵ mã.

Chàng tuổi trẻ ấy chính là Nguyễn Hoàng Thái.

Thẩm Thệ Hà

Chú thích:

[1] Nguyễn Nam Thông dịch.

HẾT