Tương truyền, một hôm, ở biển đông, trời đang trong xanh thì bỗng xuất hiện một cột nước cao. Lúc đầu cột nước cao ấy màu trắng đục, sau chuyển thành màu đen ngòm. Rồi cột nước ấy bỗng cuồn cuộn, làm cả vùng trời rung chuyển. Từ cột nước hung dữ đó, bỗng bày ra một con vật đầu to, hình nó như một con rắn khổng lồ cuồn cuộn trên bầu trời âm u. Nhiều ngư dân trong vùng nhìn nó thoáng bay qua nhận thấy con vật bờm rậm nhưng râu ngắn, mũi giống sư tử, từ biển bay thẳng vào đất liền. Trên đường đi nó cuốn hết thảy những thứ nó muốn. Lúa trên đồng, cá trong sông, thậm chí nó còn cuốn cả gia súc gia cầm, cuốn cả mái gianh, làm cho dân tình hoảng loạn. Con vật đi như gió và ăn hết nhiều tài sản của dân cư trong vùng.
Ngư dân trong vùng lập đàn, mới nhờ một con rùa xuống Long Hải Vương để hỏi tại sao lại cho con vật dữ từ dưới biển lên tàn phá dân lành.
Rùa mang lời ngư dân đi gặp Long Hải Vương.
Long Hải Vương bảo:
- Ngày trước, ngươi kiện ta thì có lý. Trước đây con vật đó là con cá chép thuộc quyền quản lý của Long Hải Vương, nhưng từ khi nó thi đỗ, nó đã hoá thành rồng, bay lên trời. Giờ thì trời quản lý, ngươi lên mà hỏi Thiên Vương.
Rùa về thưa lại với ngư dân. Ngư dân lại nhờ sư tử nhà trời hỏi cho rõ chuyện tại sao rồng lại hại chúng sinh. Sư tử nhà trời lên thiên đình thưa chuyện. Nhà trời bảo:
- Nó cũng giống lân, cùng họ với nhà ngươi, ăn như hùm, kém gì thuồng luồng, trời sinh ra nó thế, thế gian chịu vậy, biết làm sao. Thôi, ngươi về đi, nói với mọi người là khi thấy nó xuất hiện thì liệu mà tránh.
Từ đấy về sau, mỗi khi thấy rồng xuất hiện, là mọi người lại khiếp vía cất giữ lương thực, chằng chống nhà cửa, không dong buồm ra xa, rồi bảo nhau:
Rồng nó cuốn đấy, liệu mà phòng cho mau.
Người ta lấy hình tượng con rồng cuốn hết thảy mọi vật để chỉ sức ăn ghê gớm của nó, mượn cái hùng mạnh của lốc cuốn mà nhân cách như rồng.
Nên có câu:
Ăn như rồng cuốn
Uống như rồng leo
Sau này có người nói chệch đi là “nói như rồng leo”.