Đi ăn mày xin được chút ít lại đánh đổ mất cả ở cầu ao không vớt vát được gì. Thành ngữ này chỉ sự khốn cùng lại gặp đen đủi, không may liên tiếp.
Còn có câu gần nghĩa: Chó cắn áo rách.
Chuyện kể:
Xưa có người nghèo đói đi ăn xin đã lâu, một hôm được nhà giàu nọ bố thí cho một ít gạo.
Ăn mày mừng rỡ mới đem gạo xuống dưới cầu ao vo để nấu cháo. Chẳng may lúc đang vo, gió nổi lên tứ tung, làm lật rá gạo đổ cả xuống cầu ao.
Anh ăn mày khóc lóc thảm thiết, không biết bắt đền ai, bèn làm đơn lên thiên đình kiện thần Gió. Đơn rằng: “Tôi đói khát, mới phải đi ăn mày, nay được nhà giàu cho chút gạo, thế mà thần Gió lại lật cả rá gạo đổ xuống cầu ao. Mong thiên đình soi xét nghĩ đến kẻ khó này”.
Giời chấp nhận đơn, sai quỷ sứ đòi thần Gió lên tra hỏi. Thần Gió khai:
- Vì có người lái buôn, buôn mấy thuyền thóc, gặp phải độ không gió, thuyền không đi được mới làm lễ cầu phong…, cho nên tôi phải đổi gió cho thuyền nó chạy.
Giời nghe rồi quở thần Gió rằng:
- Người làm việc nhà Giời như thế là bất công, bất chính. Kẻ đói, người cùng, thì chẳng thấu tình mà thương đến nó. Đứa giàu có mang lễ vật đến thì tham của tối mắt lại, bất chấp việc gì cũng làm để đến nỗi khốn nạn cho kẻ nghèo.
Đoạn Giời bắt thần Gió bảo người phú thương kia phải giả người ăn mày một bát gạo. Người phú thương chịu đền, không can trách thần gió mà có câu ca rằng:
Ăn mày đánh đổ cầu ao
Vì ngài phong súy(*) nên tao phải đền.
Đã nghèo nhưng lại vụng dại, lật đật nên mới ra nông nỗi ấy. Nhưng như chuyện này thì là tại thần Gió. Như lời Giời phán thì kẻ mạnh làm hại kẻ yếu chỉ vì có lễ vật. Ấy lên đòi hỏi công bằng trong xã hội là việc muôn thuở, nhưng cũng luôn luôn cần bàn.
(Theo Điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn)
(*) Phong súy: Phong làm thần Gió