Bông lông, khoác lác dành cho những kẻ “Bán trời không văn tự”. Những con người như thế ắt chẳng làm nên tích sự gì. Vậy mà lắm kẻ vẫn dùng miệng lưỡi ấy mà lừa gạt được thiên hạ mới hay.
Văn tự: Viết giấy chứng thực khi mua bán, trao đổi.
Nghĩa bóng: Liều lĩnh, bất chấp, làm ăn mạo hiểm, khoác lác, không có lề luật, không biết đúng sai.
Còn có câu: Bán trời không chứng.
Chuyện kể:
Có hai người học trò, một người tên là Tự, một tên là Chứng học hành chểnh mảng, kỳ thi cả hai đều trượt. Trên đường trở về quê, hai người mới nghĩ ra một việc là góp vốn để làm nghề đi buôn. Nhưng buôn chung bán chung phải có người làm anh, người làm em. Họ mới kết nghĩa làm huynh đệ. Nhưng ai là anh, ai là em thì họ chẳng bầu ra được. Chữ nghĩa thì không mấy nhưng lại có tài nói khoác, người tên là Tự mới nói:
- Bây giờ ta thi nói khoác. Ai thua thì người ấy chịu là em.
Hai người vỗ tay tán thưởng.
Người tên là Tự mới hỏi trước:
- Trên đời này cái gì to nhất?
Người tên là Chứng đáp liền:
- Trái đất là to nhất.
Người tên là Tự mới nói:
- Chưa to.
- Vậy thì cái gì?
- Trời là to nhất.
Người tên là Chứng mới lại nói:
- Trời cũng chưa to. Ta còn bán được cả trời.
Tự mới vặn lại:
- Thế anh bán cho ai, người mua trời rồi cất vào đâu?
- Ấy có người mua được mới lại chứ. Ta bán cho ông nội của ta, ông của ta cầm trời rồi cất đi.
Tự lại hỏi:
- Thế ông nội của anh lấy gì để mua?
Chứng mới nói:
- Ông ta lấy trái đất để mua. Mà phải trái đất mới mua nổi trời.
Tự mới cự lại:
- Thế thì trời cũng chẳng to. To hơn phải là ông nội của anh, vì ông nội của anh cầm được cả trời kia mà.
Có một thầy giáo đi qua, thấy hai anh chàng học trò cãi cọ lý sự khoác lác bèn thêm vào:
- Đồ bán trời không văn tự. Chúng mày không thi đỗ là đáng đời lắm.
-----------------------
Bông lông, khoác lác dành cho những kẻ “Bán trời không văn tự”. Những con người như thế ắt chẳng làm nên tích sự gì. Vậy mà lắm kẻ vẫn dùng miệng lưỡi ấy mà lừa gạt được thiên hạ mới hay.
Bắc thang lên hỏi Thiên đình
Liệu trời được giá cho mình bán chăng!
(Ca dao)
(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)