Thần Trương Đình Thần tâu rằng: Gần đây có Thái Hành Sơn Hô Diên Tán phụng chiếu nhập triều, nhưng vì Phan Nhân Mĩ luôn bày mưu hãm hại, hắn căm phẫn nên trốn về. Nay bệ hạ mới lên nối ngôi, chú ý biên tướng, vả lại Tán một hào kiệt, chưa hiểu được tài năng, liền bị đại thần hãm hại, đuổi đến nơi xa, đó không phải là ý bệ hạ muốn gần người hiền, dùng người tài vậy. Nay nên đem Phan Nhân Mĩ thể cứu đích thực, mà hạ chiếu tuyên triệu lần nữa, khiến Tán vui vẻ mà tùng sự, việc ở biên thùy, có thể thành trong nay mai, đó thật là may mắn cho cho nước nhà vậy.
Thái Tôn xem tấu xong, nổi giận mà rằng: "Phan Nhân Mĩ sao được tự ý sát phạt, trục đuổi trung lương ư?” Lập tức hạ lệnh Hữu Khu Mật Dương Quang Mĩ tra xét việc này. Quang Mĩ được lệnh, khiến người mời Phan Nhân Mĩ đến phủ mà nói rằng "Chúa công muốn hỏi tôn ông về việc đuổi Hô Diên Tán, ông có lời gì nói không?”. Nhân Mĩ nói: "Việc này là do hạ quan làm, nay mong khu sứ giúp đỡ, sẽ báo ơn đức này". Dương Quang Mĩ nói: "Lệnh của chúa thượng, sao có thể bênh ông được, nay ông nên cùng tôi vào điện tấu, tôi tự có cách giúp ông”. Nhân Mĩ tạ ơn, lập tức theo Dương Quang Mĩ vào gặp Thái Tôn. Vua hỏi rằng: "Khanh truy cứu việc của Phan Nhân Mĩ, đúng là như vậy hay không? Quang Mĩ tâu rằng: "Thần thụ mệnh tra hỏi nguyên nhân Hô Diên Tán trở về núi, thật không liên quan gì nhiều đến Phan Nhân Mĩ. Nay Nhân Mĩ biết tội, theo thần vào để trần tình, mong bệ hạ rộng lượng".
Thái Tôn nghe tâu, triệu Phan Nhân Mĩ tới trước điện mà hỏi rằng: "Hô Diên Tán là Tán mà tiên đế luôn mong nhớ, nên trẫm mới cho tuyên vào triều, để bộc lộ tài năng, ngươi vì sao lại đuổi đi?" Phan Nhân Mĩ tâu rằng: “Thần thấy Hô Diên Tán vào chầu, hắn trong lòng thường cảm thấy bất mãn, muốn trở về đã lâu, chứ không phải là do thần đuổi đi. Nay nguyện phụng chiếu về núi, tuyên triệu vào chầu, cùng thần đối chất rõ ràng. Nếu đúng như lời Hô Diên Tán nói, thì cam chịu tru diệt dưới búa rìu, vạn tử bất từ”. Thái Tôn im lặng không đáp. Bát Vương tâu:"Bệ hạ nay lưu tâm đến tướng soái, Nhân Mĩ tuy có tội, nhưng nên chuẩn theo thỉnh cầu, triệu về lần nữa. Nếu Hô Diên Tán vẫn vâng chiếu về chầu thì có thể tha cho cả hai tội”. Thái Tôn nghe lời, liền hạ chiếu để Phan Nhân Mĩ đến triệu Hô Diên Tán.
Nhân Mĩ lĩnh chỉ, ngay hôm đó ra khỏi kinh, đi đến Thái Hành Sơn, khiến người lên núi báo. Hô Diên Tán nói: "Ta bị tên giặc này hạ độc thủ suýt nữa mất mạng, hận không báo được. Nay nhân dịp này mà giết đi để trả thù này, tha hắn không được". Kiến Trung nói: "Không được, bọn ta đang muốn lập công với trại đình, sao có thể vì chuyện nhỏ mà hại việc lớn, chi bằng phụng thừa thánh chỉ, để tránh được tội bỏ trốn". Tán vâng lời, liền cùng Kiến Trung ra trại nghênh tiếp. Phan Nhân Mĩ tiến vào trướng tuyên đọc chiếu thư:
"Trẫm buổi đầu lập quốc, lần đầu triệu khanh, muốn được trọng dụng kịp thời. Sao mới vào triều chưa được một tháng lại tự ý bỏ đi, quay về chốn cũ? Khanh vốn có tài văn võ, chính nên thứ trung hiến kế, sao lại chịu mai một hoài bão, tự cam che khuất sao? Nay tiếp tục cho sứ đến, khanh nên lập tức vào chầu, để chuộc tội bỏ trốn ngày trước. Nay chiếu cho biết vậy."
Kiến Trung lạy nhận xong, mời Nhân Mĩ vào ngồi giữa. Hai người bái tạ rằng: "Phiền nhọc khu sứ phụng chiếu đến đây, không đón tiếp từ xa, kính mong tha tội". Nhân Mĩ thấy Tán hơi có sắc thẹn, nên đáp rằng: "Hạ quan mạo phạm tướng quân, tự rất hối hận. Nay thánh chỉ lại đến tuyên triệu, nên lập tức vào chầu, để đáp lại mong mỏi của hoàng thượng". Kiến Trung mừng rỡ. Lập tức sai bày yến tiệc để khoản đãi sứ giả triều đình, lưu lại trong trại một đêm. Ngày thứ, Nhân Mĩ hối Hô Diên Tán xuống núi. Tán thương nghị với Kiến Trung. Kiến Trung nói: "Nhân Mĩ là đại thần đương triều, nay lĩnh thánh chỉ đến triệu, thì nên theo mà đi mà về kinh, nên bỏ oán cũ đi". Tán vâng theo, liền sửa soạn y giáp, yên, ngựa. Cùng Mã Thị theo Phan Nhân Mĩ xuống núi. Lý Kiến Trung đưa ra đến đường lớn mới từ biệt, tự đi rút nhân mã của Cảnh Trung về. Chuyện không cần nói nhiều.
Chỉ nói về Hô Diên Tán vào đến kinh sư, triều kiến Thái Tôn, dập đầu thỉnh tội bỏ trốn. Thái Tôn nói: "Trẫm vì khanh chưa lập kỳ công, hãy tạm lưu trong Hoàng thành cư trú, chờ lúc xuống Hà Đông, sẽ trọng dụng đến khanh". Tán tạ ơn rồi lui ra. Thái Tôn tuyên Bát Vương vào nói: "Trẫm thấy Tán là tướng mới, chưa thấy võ nghệ ra sao, nay muốn thử xem sao, người có cách gì không?’
Bát Vương tâu rằng: "Bệ hạ muốn xem võ nghệ của Tán, chuyện này rất dễ, nên bắt chước chuyện Du Khoa Viên của triều trước thì sẽ thấy được tài năng của hắn". Thái Tôn nói: "Kẻ sĩ như Đơn Hùng Tín, trong quân còn có thể có, chứ người bằng tiểu Tần Vương, thì e là khó được người như vậy". Bát Vương nói: "Thần xin giả làm tiểu Tần Vương, sai Hô Diên Tán làm Uất Trì Kính Đức, còn Đơn Hùng Tín thì phiền bệ hạ giáng chỉ chọn ra trong trăm vạn quân vậy". Vua chuẩn tâu, nên lệnh quần thần chọn trong các tướng súy người có thể giả làm Đơn Hùng Tín. Phan Nhân Mĩ vẫn ôm lòng độc hãm, bèn nảy ra một kế hãm hại, xuất ban tâu rằng: "Con rễ thần là Dương Diên Hán cung mã thuần thục, đáng sung vào vai này". Thái Tôn chuẩn tâu, lập tức hạ lệnh truyền trong quân. Diên Hán thụ mệnh xong suy nghĩ: "Đây chắc Nhạc phụ có lòng muốn hại Tán, nên mới cử ta sung chức này để báo thù cho con mình đây. Ngày trước ta bị Tán bắt, lại chịu ơn không giết, sắp đi lại tặng hoàng kim, hôm nay nếu ta không cứu hắn thì tức là người mất nghĩa”. Liền vào phủ Bát Vương, kể cho nghe chuyện này.
Bát Vương kinh ngạc nói: "Ngươi không nói ra thì cơ hồ lộng giả thành chân rồi. Ngươi hãy lui, ta tự có phương lược" Diên Hán cáo từ lui ra. Bát Vương vào tâu với Thái Tôn: “ Thánh chĩ của bệ hạ, chọn hai tướng soái, lấy Dương Diên Hán đóng vai Đơn Hùng Tín. Thần cho Hán là thù nhân của Tán, nên sợ sẽ có bất trắc, và sẽ tổn hại đến đại thể của triều đình. Nay nên chọn một người trong các thiên tướng, giả dụ có xảy ra bị thương tích nhẹ, cũng không dẫn đến hiềm khích”. Vua nhận thấy đúng. Liền hạ lệnh cho quần thần chọn lại một người trong các thiên tì tướng hiệu. Cao Hoài Đức tâu: "Giáo luyện sứ Hứa Hoài Ân võ nghệ tinh thông, có thể sung chức này". Vua chuẩn tấu, liền lệnh Hoài Ân ngày mai đợi lệnh ở giáo trường. Quần thần phụng mệnh mà lui.
Ngày thứ, trong giáo trường dựng tinh kỳ bốn phía, quân ngũ chỉnh tề. Đao thương tuốt trần, khôi giáp sáng bóng. Một lát sau, Thái Tôn thánh giá ngự đến. Văn võ bá quan phủ phục nghênh đón, theo ban mà đứng. Chỉ nghe trống nhạc vang trời, pháo nổ ầm đất. Thái Tôn tuyên Bát Vương, Hô Diên Tán, Hứa Hoài Ân ba người vào trong quân và nói: “Trẫm vốn mình thử võ nghệ của khanh để cho trong quân tin phục, mỗi người phải chú ý cẩn thận, đừng gây thương tích cho nhau”. Bát Vương mỗi người đều thụ mệnh. Thái Tôn ban cho Hô Diên Tán một thanh Kim Tiên, ban cho Hứa Hoài Ân một cây Đàn Thương, ban cho Bát Vương Hoạch cung vũ tiễn. Ba người lạy nhận rồi ra ngoài trướng. Bát Vương cưỡi một con tuấn mã cao lớn vung roi chạy vòng tròn. Hứa Hoài Ân tế ngựa múa thương đuổi theo, lớn tiếng kêu rằng: "Tiểu Tần Vương chớ chạy". Bát Vương lấy cung ra, giương cung đặt tên nhắm chuẩn Hứa Hoài Ân mà bắn. Hứa Hoài Ân nhanh mắt né qua, nâng thương đuổi gấp, Bát Vương bắn tiếp một mũi, lại bị Hoài Ân tránh được. Quân sĩ trong thao trường ai nấy đều ngạc nhiên. Hô Diên Tán thấy Hứa Hoài Ân khí thế dần dần ép gần, lập tức tế sản mã nâng roi, y hệt như Kính Đức thật vậy. Đuổi ớ phía sau, thét to: "Truy tướng chậm lại, có Hô Diên Tán tới cứu giá đây".
Hứa Hoài Ân thấy Tán đuổi đến gần, muốn hiển lộ tài nghệ bình sinh, bắt lấy đem dâng nạp, liền giật ngựa quay về địch với Hô Diên Tán. Tán vung roi vỗ ngựa xông vào đánh với Hoài Ân. Hai người đấu với nhau ở giáo trường hơn 20 hiệp, bất phân thắng bại. Tán ngẫm nghĩ: "Ta nếu bắt hắn ở đây, không thấy được uy phong của ta, đợi dụ đến trước ngự tiền mới tính". Liền tế ngựa giả thua, vòng theo giáo trường mà chạy. Hoài Ân giận nói: "không bắt tên giặc này, sao bày tỏ được lòng ta”. Tế ngựa đuổi gấp. Gần đến trước ngự tiền, Tán quay người lại, giơ Kim Tiên đánh Hoài Ân rớt xuống ngựa. Bọn Phan Nhân Mĩ thấy vậy, ai nấy đều thất sắc. Lúc này Bát Vương quay ngựa về gặp Thái Tôn. Thái Tôn vui mừng nói: "Không uổng là sở tri của tiên đế, Tán quả thật là tướng quân" liền ban cho vàng ròng 100 lượng, tuấn mã một con, lệnh cho đến ở Thiên Quốc Tự. Tán tạ ân lui ra, vua tôi đều tan cả.
Lúc này là vào ngày mùng 1 tháng 2 niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc nguyên niên, Thái Tôn coi triều xong, hạ chỉ đến Thái miếu hành hương. Lúc ấy các quan đều đứng trước khởi cư bia để chờ thánh giá đi ra. Nếu không có tấm bia này, tức là làm cản trở ngự giá. Chợt có người báo cho Hô Diên Tán biết: "Hôm nay Thái Tôn ngự giá dâng hương, các quan đều ở trong đứng trước khởi cư bia, tướng quân sao không làm vậy?" Tán nghe báo, đang không biết nguyên do, đang tính mặc quan phục để nghênh hầu, vừa lúc thánh giá đi đến. Người làm ngự tiền lại vừa đúng là Phan Nhân Mĩ, bèn hỏi: “Ai cản loan giá”. Quân hầu báo: "Tướng mới hàng Hô Diên Tán". Nhân Mĩ nổi giận nói: " Các quan đều đứng ở khởi cư bia, người sao lại được phạm vào lệ của triều đình”. Hô kỵ uý áp ra pháp trường chém. Kị úy được lệnh, liền trói Tán lại dẫn đi. Lúc đó các quan không ai dám can. Cho đến khi Thái Tôn dâng hương trở về. Bát Vương cũng trên đường về phủ, đi qua pháp trường, thấy có rất nhiều lính vệ vây lấy một phạm nhân bị trốn. Bát Vương liền hỏi: "Hôm nay là ngày tốt, thánh thượng hành hương, sao lại chém người?" Quân hầu báo: "Lúc sáng thánh giá vừa qua, tướng mới quy thuận là Hô Diên Tán không kịp tránh, bị tội xung mã, nay sắp xử trảm “.
Bát Vương nghe xong, hoảng hồn nói: "Suýt nữa thì mất đi một trụ cột nước nhà". Lập tức sai người cởi trói, đem Tán về phủ, hỏi nguyên nhân việc xung giá. Tán khóc nói: "Thần mới xuống núi, không hiểu phép nước, vừa gặp thánh giá xuất hành, chưa đứng ở khởi cư bia, đắc phải tội chết. Nếu không phải điện hạ tới cứu thì mạng trong gang tấc rồi". Bát Vương phẫn nộ ngẫm nghĩ: "Chưa đứng vào khởi cư bia, đó là tiểu tiết, sao lại khép vào tội chết vậy? Đây tất là mưu kế hãm hại của bọn gian nịnh". Do đó để Tán ở trong phủ. Vào cung triều kiến Thái Tôn, tâu rõ chuyện này. Thái Tôn nói: "Trẫm vốn không biết, nay phải ban chiếu ân xá". Bát Vương tâu: "Nay bệ hạ ở sâu trong cung cấm, dù có gì oan ức, cũng không nói lên được. Nay nên giáng chiếu ưu đãi, đưa cho để hắn được yên tâm. Vua chuẩn tâu, ngay hôm đó hạ thánh chỉ, đưa cho Bát Vương, để Tán theo đó mà làm.