Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa

Hồi Thứ Bảy

Bát vương lĩnh chỉ trở về phủ, gặp Tán chúc mừng rằng: "Nay tôi xin được cho ông một đạo chiếu chỉ của triều đình, chỉ cần giữ pháp lệnh, là đảm bảo không lo nữa". Tán bái tạ mà lui. Không ngờ Mã Thị nghe thấy phu quân bị tội phải chém, sợ bắt cả gia đình, nên cùng thuộc hạ bí mật trốn về sơn trại mất. Tán tự nhiên không còn người thân, than thở không ngớt. Chỉ đành lưu lại ở trong chùa.

Khi mới về đến Hà Đông Lưu Quân nghe được tin Thái Tôn mới lên ngôi, chiêu hàng Thái Hành Sơn Hô Diên Tán làm tướng, liền tập họp văn võ lại thương nghĩ rằng: "Ngày Trung Quốc Tống Thái Tổ còn, xem nước ta như địch quốc. Nay nước họ mới lập Thái Tôn, mối lo của đất Hà Đông ta lại tránh được sao?" Đinh Quý tâu rằng: “Năm trước, do triệu Dương Lệnh Công giải mối vây ở Dịch Châu, giảng hòa mà về. Nay quân sĩ tích trữ lực lượng, binh giáp tinh nhuệ, bệ hạ có thể gối cao không lo nữa. Những nỗi tệ gần đây, phần nhiều do chuẩn bị không kĩ khiến quân địch tiến vào nhanh chóng. Nay nên hạ lệnh cho các nơi ở biên quan, đề phòng cẩn mật, không được để quân Tống xâm nhập dễ dàng, đặc biệt là kế giữ lâu dài. Ta nhân địch cực nhọc, quân hao tốn vô công, tự nhiên sẽ không dám nhòm ngó Hà Đông nữa". Lưu Quân nghe theo lời tâu này, lập tức hạ lệnh thông báo cho các nơi biên quan. Còn ở thành Tấn Dương thì xây lũy cao hào sâu mà chờ.

Tin tức truyền vào Biện Kinh., Thái Tôn hội quần thần lại bàn kế sách đánh Hà Đông. Dương Quang Mĩ tâu rằng: "Hà Đông đã chuẩn bị đầy đủ, chắc chắn, chưa thể sơ xuất đánh được. Bệ hạ nếu thật sự muốn mưu lấy nên thừa kẻ địch có sơ hở, sau đó mới tiến quân, thì mới quyết định được thành công". Thái Tôn trầm ngâm chưa quyết. Tào Bân tâu rằng: "Với sự tinh nhuệ của binh giáp nước ta, thì một cô lũy ở Thái Nguyên, ta có thể lấy dễ như trở bàn tay, còn phải nghi ngờ hay sao?" Vua nghe lời Bân, ý đã quyết. Phong Phan Nhân Mĩ làm Bắc Lộ đô chiêu thảo sứ, Cao Hoài Đức làm chánh tiên phong, Hô Diên Tán làm phó tiên phong, Bát Vương làm giám quân, thống lĩnh 10 vạn tinh binh, ngay hôm đó ngự giá thân chinh.

Chỉ mệnh vừa xuống, bọn Phan Nhân Mĩ lui triều, đến giáo trường điểm binh mã. Thuộc hạ của Hô Diên Tán, đều là những người già yếu. Cao Hoài Đức vào nói: "Chức vụ tiên phong không nhẹ, gặp núi mở đường. Gặp nước bắt cầu. Nay để Tán thống lĩnh toàn những quân già yếu, sẽ làm lỡ việc lớn của triều đình, sẽ chiêu thảo tội thì ai là người gánh vác?" Phan Nhân Mĩ im lặng, rồi nói: "Vậy quân già yếu, nên giao cho ai?" Cao Hoài Đức nói: "Đã nói là già yếu thì đều là những người không dùng được, nếu đem xung trận thì giết giặc, chắc là không thể. Nên để số quân này phân bố cho các tướng theo ngự giá thống lĩnh, tiền quân nên tuyển người tinh dũng, đều chia để tiểu tướng và Hô Diên Tán thống lĩnh". Nhân Mĩ không còn cách nào, chỉ còn cách nghe theo.

Hôm sau, Nhân Mĩ vào thỉnh ngự giá khởi hành. Thái Tôn đem việc nước giao cho Thái tử Thiếu Bảo Triệu Phổ xử lý và dùng Quách Tiến làm Thái Nguyên Thạch Lĩnh quan đô bộ thử, để cắt sự tiếp ứng của Yến Kế. Sau khi cắt đặt xong, ngay hôm đó xa giá rời khỏi Biện Lương, thẳng tiến theo hướng Hà Đông. Chỉ thấy tinh kỳ phấp phới, kiếm kích trùng trùng.

Một ngày nọ, quân đến địa giới Hoài Châu. Chợt thám tử báo vào trong đội đi đầu: "Phía trước có phục binh cản đường, không rõ là ai?" Hô Diên Tán nghe được vội dẫn quân lên trước nhìn xem, thì ra là Kiến Trung, Cảnh Trung, Cảnh Lượng, Liễu Hùng Ngọc, Kim Đầu Mã Thị. Tán cắp thương xuống ngựa, đứng ở bên đường: "Ca ca vì sao không giữ sơn trại? Đến đây làm gì?”. Kiến Trung nói: "Ngày trước Mã Thị về trại, báo cho biết em phạm tội bị chém. Chúng ta ôm hận đã lâu, nay nghe ngự giá đến đánh Hà Đông, nên đem quân đến cản lấy đường đi, muốn bắt kẻ đã hại em để báo thù”. Sau khi nghe xong, liền kể chuyện nhờ ơn Bát điện hạ giải cứu. Lời chưa dứt, Cao Hoài Đức dẫn một cánh quân kéo tới, biết là huynh đệ của Tán, liền nói: "Nếu gặp nhau ở đây việc phi ngẫu nhiên. Sao không tâu với thiên tử, cùng đánh Hà Đông, để lấy phú quý?” Lý Kiến Trung nói: "Đó là chí nguyện của chúng tôi, nay tình nguyện đi trước". Cao Hoài Đức lập tức chuyển tấu Thái Tôn ngự tiền: "Nay có huynh đệ của Tán gồm tám viên mãnh tướng, nguyện theo bệ hạ đánh giặc". Thái Tôn mừng rỡ phán: "Lần này chắc sẽ lấy được Hà Đông!". Lập tức tuyên thụ bọn Kiến Trung, tám người vào chức Đoàn Luyện Sứ, chờ bình định Hà Đông về triều, lĩnh thụ cáo mệnh. Bọn Kiến Trung tạ ơn lui ra. Có thơ làm chứng:

Thánh chúa long phi trọng tuấn lương,

Anh hùng vân tập khởi tầm thường.

Can qua trực chỉ phong thanh khiếu,

Quản thủ Hà Đông hiến vực cương.

(Thánh chúa lên ngôi trọng hiền tài,

Anh hùng theo đến thiếu gì ai.

Giáo gươm thẳng tiến mưa gào thét,

Chiếm giữ Hà Đông mở cõi ngoài).

Hôm sau, đại quân tới hạ trại ở Thiên Tĩnh quan. Tướng giữ quan là Thiết thương Thiệu Toại, có sức địch với muôn người, nghe thấy quân Tống kéo đến, bèn thương nghị việc nghênh địch cùng bộ tướng là Vương Văn. Vương Văn nói: "Quân Tống thanh thế lớn, khó mà giao phong. Tướng quân chỉ nên cố thủ, cho người đến Tấn Dương cầu cứu. Đợi khi viện binh đến nơi, trước sau xuất kích, mới có thể thắng được". Toại nói: "Ngày trước Lưu Chủ có lệnh, không được để địch quân vào dễ dàng, nay chính là khi thừa lúc chúng mệt mỏi, chỉ một trận là phá được, sao lại phải cứu binh?" liền dẫn quân xuất quan nghênh địch. Hai bên dàn trận. Tống tiên phong Hô Diên Tán vác giáo tế ngựa, phi ra trước trận nói: "Bắc tướng vì sao không hàng đi? Mà tự chuốc lấy họa diệt vong . Toại nói: "Mi nên sớm lui đi, vẫn chưa muộn đấy. Nếu không chúng mày sẽ không còn manh giáp mà quay về đấy". Tán giận dữ, múa thương đâm Thiệu Toại. Thiệu Toại múa đao đỡ lấy. Hai ngựa giao nhau, hai tướng đánh hơn 30 hiệp, bất phân thắng bại. Tán muốn bắt sống Thiệu Toại, nên giả thua chạy về trận nhà. Toại không tha, vỗ ngựa đuổi theo. Tán nhìn thấy đuổi đến gần quay ngựa lại thét to một tiếng, bắt sống Toại ngay trên lưng ngựa. Người sau có bài thơ khen:

Binh mã về nam khí thế hùng,

Tướng quân chí ở lập kỳ công.

Tinh kỳ triển ngoại phong vân biến,

Định tướng thân vong khuynh khắc trung.

Cánh quân khác, Cao Hoài Đức thấy Tán đã thắng được tướng giặc, liền thúc quân xông vào, quân Bắc đại bại, người chết vô số. Vương Văn không dám nghênh địch, cưỡi ngựa đi đầu Lục Lượng Phương. Quân Tống đánh xong Thiên Tĩnh quan. Thái Tôn đón quân trong quan, Tán trói Thiệu Toại đem dâng. Thái Tôn nói: "Để tên nghịch thần cũng vô ích". Lệnh cho tả hữu lôi ra chém, bêu đầu làm hiệu lệnh.

Ngày thứ, quân đến Dịch Châu. Tướng giữ thành là Viên Hi Liệt nghe quân Tống đã đến, thương nghị với phó tướng Ngô Xương rằng: "Tống binh tinh nhuệ, Hô Diên Tán lại là hổ tướng trên đời, nếu giao phong khó bảo đảm sẽ thắng. Nên chỉ nên cố thủ, giữ quân lại là được Ngô Xương nói: "Dịch Châu thành cao, hào sâu, quân sĩ tinh dũng, việc đánh hay thủ đều không mất được. Để mạt tướng đem sở học bình sinh, ra lui quân Tống, nếu như không thắng thủ vẫn chưa muộn". Hi Liệt nghe theo, cấp cho 5000 quân.

Ngô Xương nai nịt đầy đủ, mở cửa Đông bày thế trận. Bên kia thì Tống tiên phong Hô Diên Tán vác thương tế ngựa, đứng dưới cờ ở cửa trận. Ngô Xương nói: "Chúa ta là Hán Vương tự giữ một phương, vì sao cứ xâm phạm mãi?" Tán nói: "Thái Tôn ta lấy quân nhân nghĩa mà quét sạch lục hợp, chỉ có Hà Đông là chưa hạ. Các người nay như cá nằm trên thớt, chết trong nay mai, sao không hàng còn chờ gì nữa?"

Ngô Xương nổi giận, múa đao tế ngựa đến chém. Hô Diên Tán khua thương nghênh địch. Hai ngựa vừa kề quân Tống dũng cảm xông lên. Quân Bắc tự rối loạn trước. Ngô Xương thế lực không địch nổi, quay ngựa chạy về hướng trận nhà, Tán thừa thế đuổi theo. Xương thấy quân Tán hùng dũng, không dám vào thành, dẫn quân vòng theo sông Phần chạy mất. Tán giết đến say máu, tế ngựa đuổi theo, kêu to: "Tướng quân đừng chạy!” Xương nhìn lại thấy Tán đuổi gấp, gác đao, giương cung bắn ra một mũi, bị Tán tránh được. Ngô Xương hoảng hốt cắm đầu chạy về phía trước. Bỗng cả người lẫn ngựa rơi xuống đầm lầy. Thuộc hạ của Tán lên trước bắt lấy, còn quân hàng hơn 2000 người. Tán đem Ngô Xương giải vào gặp Thái Tôn. Thái Tôn lệnh lôi ra chém, và hạ lệnh đánh thành gấp.

Bại tốt của Xương chạy vào trong thành, báo với Hi Liệt, Hi Liệt thất kinh nói: "Không theo lời ta, quả nhiên bị bại trận, làm sao lui kình địch đây?”. Nói chưa xong thì phu nhân là Trương Thị, vốn là con gái của Trương Công Cẩn ở Tượng Châu, dung mạo cực xấu, người ta gọi là Quỷ diện phu nhân, nhưng rất giỏi võ nghệ, vạn người khó đến gần, nghe được lời than của chồng, tiến lên trước nói: "Tướng quân đừng sợ, thiếp có kế lui giặc". Hi Liệt nói: "Trong thành thế như lửa đốt, phu nhân có diệu kế gì?" Trương Thị nói: "Tống binh thế lớn phải dùng trí để đánh bại. Chàng ngày mai dẫn quân xuất chiến, giả thua dẫn địch vào trong rừng, thiếp sẽ mai phục sẵn xạ kị ở đó. Bốn phía bắn ra, chắc chắn thắng được". Hi Liệt nghe mẹo này, sắp đặt đâu vào đấy.

Ngày thứ, đem 6000 quân tinh nhuệ ra thành nghênh địch. Hai trận bày ra, Tống tướng Hô Diên Tán ra ngựa quát to: "Bại tướng sao chưa đem dâng thành trì, mà còn dám ra đánh”. Hi Liệt nói: "Hôm nay bắt ngươi để trả thù cho Ngô Xương". Nói dứt lời, giơ búa xông thẳng vào trận quân Tống, Tán vỗ ngựa múa thương đánh trả. Quân sĩ hai bên reo hò, hai người đấu trên 20 hiệp, Hi Liệt quay ngựa bèn chạy. Tán thúc bộ tướng Tổ Hưng thừa thế đuổi theo. Gần đến khu rừng, Hi Liệt nổ pháo hiệu, tiếng vang dội núi sông. Phục quân của Trương Thị đổ ra, ngàn mũi tên đồng loạt bắn ra. Quân Tống bị chết và bị thương vô số.

Tán biết trúng kế, quay ngựa gấp chạy về, vừa gặp Trương Thị cản đường. Hai ngựa giao nhau, chưa đầy hai hiệp, bị Trương Thị đâm một nhát trúng vai trái, Tán nhịn đao phá vây mà chạy. Tổ Hưng và bọn thuộc hạ theo sau giết tới. Hỉ Liệt quay ngựa đuổi theo, chém Hưng một búa chết lăn xuống ngựa, quân Tống thua to. Hi Liệt và Trương Thị hợp quân truy kích, thắng được một trận, liền thu quân vào thành.

Tán về đến trong quân, căm hận Trương Thị nhất thương chi thù, nói với Mã Thị rằng: "Trận đánh hôm nay không thu được lợi, lại mất đi đại tướng là Tổ Hưng, thuộc hạ tử thương quá nửa". Mã Thị nói: "Là ai xuất chiến mà có thể thắng chúng ta?" Tán nói: "Hi Liệt không đáng lo, nhưng vợ hắn là Trương Thị thương pháp không thua chúng ta, lại có mưu trí. Nếu cố chết mà giữ thì Dịch Châu khó lòng đánh gấp được". Mã Thị nói: "Đó không đáng lo. Kế mai phục của họ chỉ dùng được một phen, thiếp cũng sẽ dùng mẹo để lấy thành này". Tán nói: "Nàng có kế gì?" Mã Thị nói: "Hãy cho các trại dừng lại, chỉ nói là do bị quân địch đâm trọng thương vai trái, không thể ra đánh. Họ nghe được tin này, tất bê trễ việc phòng thủ. Và lệnh cho những tên lính già yếu bãi việc binh, ngày thì đem ngựa tắm ở sông Phần Dương, làm như vẻ muốn lui quân. Thiếp và chàng đem quân phục ở gò cao phía Đông thành, chờ cho họ xuất binh. Hẹn với Cao tướng quân ra đánh trước, chúng ta sẽ thừa cơ lẻn vào trong thành, thì Dịch Châu trở tay là lấy được!”. Tán mừng rỡ: "Mẹo này đủ rửa hận của ta!". Lập tức bí mật hạ lệnh, các trại án binh không ra.

Quả nhiên, sau vài ngày thám mã báo với Hi Liệt, Hi Liệt mời Trương Thị đến bàn. Trương Thị nói: "Ngày trước tên thất phu bị thiếp đâm cho một thương, quân Tống nếu mất người này, lòng quân tất bê trễ. Nên thừa cơ mà đánh, xuất binh ngăn cản, quân Tống tất sẽ phá được”. Hi Liệt nói: "Tuyệt". Lập tức điểm 7000 tinh binh, giương cờ gióng trống, ra cửa Nam đánh. Quân Tống không đánh mà chạy. Hi Liệt tưởng là kế mình sẽ được, xua quân giết thẳng vào trong lũy. Cao Hoài Đức xông ra cản lại giao phong, hai ngựa giao nhau. Hậu quân báo quân Tống đã đánh thẳng vào Đông môn. Hi Liệt thất kinh, lập tức quay ngựa chạy về. Vừa gặp Hô Diên Tán chạy đến, quát to: "Tướng giặc chớ chạy". Hi Liệt không dám ham đánh, phá vây mà chạy. Tán tế ngựa đuổi theo. Không đến nửa dặm, đuổi kịp đến gần, giơ kim tiên đánh một roi chết lăn xuống ngựa, quân sĩ hàng hết. Có thơ làm chứng:

Tinh binh bắc hạ thế như long,

Khẳng khái anh hùng kỉ trận trung.

Địch quốc vị bình tâm kích liệt,

Đoạt cờ trảm tướng hiển uy phong.

Lúc ấy, Trương Thị giết ra thành Đông, gặp Mã Thị đánh giết một trận, chỉ dư lại hơn trăm quân kị, chạy về Tượng Châu. Cao Hoài Đức hợp binh, đánh lấy Dịch Châu. Tán sai người báo với Thái Tôn. Thái Tôn mừng rỡ, hạ lệnh xa giá vào thành đóng quân.