- Ấy là cậu ấy bảo thế, còn sao thì có trời biết, và chính mình cũng lấy làm lạ. Ồ, sao cậu lại cười? Đúng là sau vụ mưu sát ấy hắn bị sổ mũi kinh khủng thực. Mũi hắn chảy nước như tháo cống, và hắt hơi liên tục, cứ như súng máy bắn.
- Chẳng qua là do anh ấy học thức kém mà thôi, - bác kế toán, một dân kô-dắc đứng tuổi đã từng làm văn thư trung đoàn, càu nhàu nói. Bác ta đẩy ngược lên trán đôi kính gọng bạc dùng lâu đã xỉn, và nhắc lại bằng một giọng khô khốc: - Chẳng qua là đồng chí Nagunốp đã tỏ ra là một người kém học thức!
- Bây giờ thì những người kém học thức lại càng hay bị ăn đòn, - Radơmiốtnốp cười khẩy, nói. – Đấy như ông là người học thức ác, bàn tính gẩy như gió, chữ viết như rồng bay phượng múa thì chúng nó có bắn vào ông đâu, mà lại bắn vào Nagunốp…- Và quay sang Đavưđốp, anh kể tiếp: - Sáng hôm sau, mình đến thăm cậu ấy từ sớm tinh mơ, thấy hắn đang tranh cãi với ông y sĩ cái gì kịch liệt lắm, nghe đến ma cũng không biết đằng nào mà lần. Lão y sĩ bảo là cậu Maka bị sổ mũi là do đêm khuya ngồi bên cửa sổ mở toang bị trúng phong nhiễm lạnh. Còn cậu Maka thì cứ nhất định sổ mũi là do viên đạn đã chạm vào dây thần kinh mũi. Lão y sĩ vặn lại; “Viên đạn đi qua mé trên tai, sượt vào thái dương, sao lại chạm vào dây thần kinh mũi được?”. Cậu Maka đối đáp lại: “Sao nó chạm được thì không việc gì đến ông; thực tế là nó đã chạm rồi, và nhiệm vụ của ông là chữa cho người ta khỏi cái bệnh sổ mũi thần kinh ấy, chứ không phải nói ba lăng nhăng về những cái ông không biết”.
Cậu Maka là thằng tổ sư cha bướng, mà cái ông lão y sĩ cũng chẳng kém, kẻ tám lạng người nửa cân. Ông ấy cãi: “Anh đừng đem những chuyện dấm dớ ấy ra bịp tôi. Người ta bị thần kinh thì chỉ giật giật mi mắt thôi chứ không giật cả hai mí, rung rung một bên má chứ không rung cả hai bên. Cớ làm sao trong trường hợp này anh bị sổ mũi, không sổ một lỗ mà lại sổ cả hai lỗ mũi? Rõ rành rành là do cảm lạnh”.
Cậu Maka im lặng một tí, rồi hỏi: “Này, ông y sĩ đại đội ơi, ông đã bao giờ bị ai quại cho một quả vào mang tai chưa?”.
Đề phòng xảy ra chuyện gì không hay, mình kéo ghế ngồi gần vào hắn, để còn kịp túm tay hắn, còn lão y sĩ thì ngược lại, lảng ra xa, mắt đã liếc ra cửa và nói bằng một giọng nhũn như chi chi: “Khô-ô-ông, lạy Chúa tha cho, chẳng ai quại cả. Sao anh lại hỏi tôi thế?”.
Cậu Maka lại hỏi tiếp: “Thế giả dụ tôi thoi cho ông một quả vào mắt trái, dễ ông tưởng chỉ riêng tai trái ông ù lên thôi hẳn? Ông yên chí, cả hai tai ông sẽ rung loạn lên, như chuông nhà thờ ngày lễ Phục sinh cho mà xem!”.
Lão y sĩ đứng dậy, rồi len lén, len lén lảng ra cửa. Cậu Maka lại bảo: Này, ông đừng có giở hung, ngồi xuống đây ông ơi, tôi không định nện ông đâu, chỉ là giải thích cho ông thôi, để làm thí dụ. Rõ chưa?”.
Làm sao mà lão y sĩ lại có thể giở hung được? Lão dịch ra cửa là vì lão hoảng qúa, nhưng nghe Maka nói thế, lão lại ngồi xuống ghế, nhưng chỉ ngồi ghé nửa đít thôi, trong khi mắt vẫn lấm lét nhìn ra cửa… Maka nắm tay lại, ngắm nghía mặt nọ mặt kia quả đấm của mình, cứ như lần đầu tiên trông thấy nó, rồi lại hỏi: “Thế giả dụ tôi mời ông xơi thêm một quả này nữa thì thế nào nhỉ?”. Lão y sĩ lại đứng dậy, lỉnh ra cửa, và khi tay đã nắm quả đấm cửa rồi, lão mới nói: “Anh nói toàn những chuyện dấm dớ! Quả đấm của anh không có tí liên quan gì đến y học và thần kinh cả!”, - Cậu Maka đáp lại: “Có quá đi chứ!”, rồi lại yêu cầu lão y sĩ ngồi xuống và lịch sự kéo lão ngồi xuống ghế. Đến lúc ấy không hiểu sao lão y sĩ tự nhiên mồ hôi toát ra như tắm, và kêu lão bận lắm, phải đi thăm bệnh nhân ngay bây giờ. Nhưng cậu Maka dứt khoát bảo rằng bệnh nhân có thể đợi thêm vài phút nữa, rằng cuộc tranh luận về đề tài y học này cứ sẽ tiếp tục, và hắn, Maka, tin rằng về môn khoa học này hắn sẽ ăn đứt ông y sĩ.
Đavưđốp nhếch một nụ cười mệt mỏi, bác kế toán thì che miệng cười rinh rích như một bà lão, nhưng Radơmiốtnốp vẫn cứ hết sức nghiêm trang, kể tiếp:
- Cậu Maka nói: “Thế này nhé, giả dụ tôi tống thêm cho ông một quả nữa vào đúng chỗ cũ, thì ông chớ tưởng chỉ có mắt trái ông vãi ra nước mà thôi đâu. Cả hai mắt ông sẽ vọt nước ra, như quả cà chua chín bị bóp vỡ vậy, điều ấy tôi chắc chắn đảm bảo với ông! Thế thì cái bệnh sổ mũi thần kinh cũng vậy: nếu lỗ mũi bên trái chảy nước thì lỗ mũi bên phải cũng phải chảy. Rõ chưa?”. Đến đây thì lão y sĩ lại hăng lên, nói: “Thôi anh ơi, anh đã không biết mô tê gì về y học thì đừng ba hoa bốc phét nữa, và xin anh hãy uống mấy giọt thuốc tôi đưa cho anh đây”. Chà, cậu Maka nhà ta mới nhảy cẫng lên một cái nhá! Suýt nữa thì đầu húc vào trần nhà, và miệng thì gào lên, lạc cả giọng: “Tôi đây mà không biết gì về y học hả?! Ông là lão lang băm thì có! Tôi đây, trong chiến tranh chống Đức đã bốn lần bị thương, hai lần chấn thương và một lần bị hơi độc, trong nội chiến đã ba lần bị thương, đã từng lang thang ba mươi trạm cấp cứu, nhà thương, bệnh xá mà lại không biết mô tê gì về y học hả?! Này, đồ lang vườn, ông biết những bác sĩ và giáo sư nào đã chữa cho tôi đây không? Đồ ngu như lợn, những nhà bác học như vậy thì cái đời ông chưa bao giờ mơ thấy đâu!”. Nhưng đến đây thì lão y sĩ hăng tiết lên, chẳng hiểu hắn lấy được can đảm ở đâu ra, và quát lại cậu Maka: “Dù anh có được những nhà bác học chạy chữa cho thì bản thân anh, tôi nói anh tha lỗi cho, về y học thì vẫn cứ là dốt đặc cán mai!”. Maka đốp chát lại: “Còn ông, về y học, ông dốt đặc cán thuổng! Ông thì chỉ được cái cắt rốn cho trẻ mới đẻ và chữa bệnh sa đì cho mấy ông già là cùng thôi, còn về chuyện thần kinh thì ông thông thạo cũng như con lừa thông thạo kinh thánh vậy! Về môn khoa học ấy ông biết cái chó gì!”.
Thế là lời đi tiếng lại, họ xỉ vả nhau một hồi thậm tệ, rồi lão y sĩ ù té bỏ chạy như bị ma đuổi. Rồi cậu Maka nguôi nguôi đi một tí và bảo tôi: “Cậu về trụ sở trước đi, mình chữa theo lối cổ truyền, xoa tí mỡ vào mũi, rồi mình đến ngay”. Đavưđốp ạ, cậu có biết một tiếng sau hắn đến mặt mũi nom thế nào không? Mũi sưng vêu, tím như quả cà dái dê, mà vẹo sang một bên. Chắc là hắn xát mạnh quá, vênh cha nó cả mũi. Và hắn, nghĩa là cái mũi hắn, sặc mùi mỡ cừu, nồng nặc cả trụ sở. Cái lối xoa bóp ấy chính hắn nghĩ ra đấy… Mình nhìn hắn, và nói không ngoa đâu, mình cười một trận tưởng chết. Chà, cu cậu tự làm tình làm tội mình đã khiếp! Mình định hỏi hắn làm sao mà nên nông nỗi ấy, nhưng không thở ra được một câu vì cười. Thế là hắn nổi cơn điên lên, hỏi mình: “Cười cái gì, đồ con lợn? Hoá dại hay sao đấy thì bảo? Có cái gì mà cậu phởn, đồ con vật? Trí khôn của cậu thì cũng chỉ vừa vặn bằng của con Tơrôphim, thế mà còn dám mở miệng cười người!”.
Hắn bỏ ra chuồng ngựa. Mình theo luôn. Mình thấy hắn lấy bộ yên, thắng con ngựa hồng, dắt ra ngoài, và cứ lầm lì chẳng nói chẳng ràng. Nghĩa là hắn vẫn cáu chuyện mình cười. Mình hỏi: “Đi đâu vậy?”. Hắn hầm hầm đáp: “Ra đồng chặt cái cành cây, về quật cho anh một trận”. Mình hỏi: “Mình làm gì mà ông quật?”. Hắn im. Mình bước đi theo hắn. Hai đứa không mở miệng cho đến tận nhà hắn. Tới cổng, hắn quẳng dây cương cho mình, đi vào nhà. Mình thấy hắn trong nhà bước ra, thắt lưng bao súng chỉnh tề, và tay thì cầm chiếc khăn mặt…
- Khăn mặt à? – Đavưđốp ngạc nhiên, hỏi: - Sao lại cầm khăn mặt?
- Mình đã bảo cậu là hắn sổ mũi kinh khủng, không mùi xoa nào chịu nổi. Còn như xỉ toẹt mũi xuống đất như anh em chúng mình thì hắn ngượng, ngay cả đứng giữa thảo nguyên cũng vậy. – Radơmiốtnốp cười hóm hỉnh: - Cậu chớ có tưởng người ta tầm xoàng, chẳng gì thì người ta cũng học tiếng Anh, người ta phải tỏ ra là người học thức chứ… Thế cho nên hắn mới mang theo khăn mặt thay cho mùi xoa. Mình bảo hắn: “Này, Maka, cậu cũng phải băng bó lại tí chứ, cho kín vết thương đi”. Hắn phát khùng lên, quát tướng: “Thương cái khỉ gió, xéo cha anh đi! Mắt anh mù hay sao mà không thấy đây là cái vết xước, đâu phải vết thương?! Những cái trò đàn bà ấy tôi cứ coi khinh! Tôi đi xuống đội, gió sẽ thổi nó se, bụi bám vào đóng thành vẩy, nó khắc liền, như da con chó già vậy. Việc gì anh phải chõ mõm vào công việc người khác, anh hãy vác những lời khuyên dấm dớ của anh xéo đi cho được việc!”.
Mình thấy là do cuộc đấu khẩu với lão y sĩ và do bị mình cười, hắn đang bực, cho nên mình lựa lời khuyên hắn đừng phô súng lục ra như thế. Úi chào! Hắn mới đuổi tống đuổi táng mình đi chứ, và bảo: “Bất cứ một quân chó má nào cũng có thể bắn vào tôi, thế mà tôi đây, tôi cứ phải chạy nhông với khẩu súng cao su trong tay chắc? Tám năm nay súng lục tôi đút túi, bao nhiêu túi rách mẹ nó hết, bây giờ thì xin đủ! Từ nay tôi sẽ đeo công khai. Súng tôi không phải của ăn cắp, tôi đã đem xương máu giành lấy nó. Nó là tặng phẩm người ta thay mặt đồng chí Phrunde trao cho tôi, có cả tên tôi khắc trên cái lập lắc bạc gắn vào báng hẳn hoi chứ chơi đâu? Thôi đi ông, ông đừng có chõ mũi vào công việc người khác nữa cho tôi nhờ”. Nói xong hắn nhảy lên yên, đi thẳng. Và cho đến lúc hắn ra khỏi đầu làng còn nghe thấy tiếng hắn xỉ mũi vào khăn mặt to như người thổi kèn. Xêmiôn ạ, cậu nên bảo hắn một câu về chuyện đeo súng. Dù sao trước mặt bà con cũng không hay đâu. Cậu nói thì hắn nghe đấy.
Tiếng Radơmiốtnốp nói không còn lọt vào tai Đavưđốp nữa. Hai tay chống má, khuỷu tì xuống bàn, anh đăm đăm nhìn mấy tấm gỗ mặt bàn đầy vết sứt sẹo, vết mực, và nhớ lại lời kể của Argianốp anh nghĩ: “Được, Iakốp Lukits là một tên kulắc, cứ cho là như thế đi, nhưng tại sao mình nghi cho chính lão ấy. Chẳng phải tay lão bắn đâu, lão ấy già rồi, và khôn chán; vả lại cậu Maka nói thằng kia là một thằng trẻ, chạy nhanh thoăn thoắt. Hay là thằng con lão đồng loã với lão? Dẫu sao không có chứng cớ rõ ràng thì không thể cách chức Iakốp Lukits được, làm thế thì nếu như lão có dính vào một âm mưu nào thật sẽ chỉ tổ làm cho lão cảnh giác đề phòng, và bọn đồng loã cao chạy xa bay nữa chứ. Đơn độc thì Iakốp Lukits chẳng làm cái việc ấy. Thằng quỷ ấy ranh lắm, một mình hắn thì không đời nào hắn lao đầu vào cái trò ấy cả. Nghĩa là đối với lão, ta cứ phải như bình thường, không để lộ tí gì nghi ngờ, không thì hỏng bét cả. Ván bài bắt đầu sử dụng đến chủ bài đây… Tốt hơn hết là ta nên lên huyện, trao đổi với đồng chí bí thư và trưởng phòng GPU huyện. GPU ta vẫn ăn no ngủ kỹ, trong khi đó thì ở đây đêm hôm đạn bắt đầu bay vèo vèo. Hôm nay bắn Maka, mai vào mình hoặc Radơmiốtnốp. Không, không thể để thế được. Nếu ta không hành động thì chỉ một tên chó chết nào đó cũng có thể trong ba ngày cho chúng mình đi đời nhà ma tất… Nhưng chẳng có lẽ Iakốp Lukits lại lao vào cái trò phản cách mạng này. Lão tính toán khôn lắm, thực tế thế! Mà lão được lợi quái gì? Lão làm quản lý, uỷ viên ban quản trị, lão sống ung dung, sung túc. Không, mình không thể tin được rằng lão lại bám khư khư lấy quá khứ. Cái quá khứ đã ra đi không có ngày trở lại, điều ấy tất lão phải hiểu. Giả thử như bây giờ ta có chiến tranh với một ông láng giềng nào đó thì lão có thể cựa quậy thật đấy, nhưng lúc này mình không tin là lão cựa quậy”.
Radơmiốtnốp cắt đứt dòng suy nghĩ của Đavưđốp. Anh ta lẳng lặng nhìn hồi lâu khuôn mặt gầy tọp đi của bạn, rồi săn đón hỏi:
- Cậu ăn sáng chưa?
- Ăn sáng hả? Làm sao? – Đavưđốp lơ đãng đáp.
- Cậu gày lắm, nom phát sợ! Độc thấy răng với mắt, mặt thì cháy nắng.
- Lại chuyện cũ rích giở ra hả?
- Không mà, mình nói nghiêm chỉnh, thật đấy!
- Mình chưa ăn. Không kịp ăn, và cũng chẳng muốn ăn, vì hôm nay mới sáng đã nóng khiếp.
- Mình cũng đang đói meo đây. Về nhà mình đi, Xêmiôn, tìm cái gì chén chơi. – Radơmiốtnốp đề nghị.
Đavưđốp miễn cưỡng đồng ý.
Họ cùng bước ra sân, và ngọn gió thảo nguyên khô hanh, nóng bỏng và ngào ngạt mùi hương cỏ ngái hầm hập phả vào mặt họ.
Tới bên cổng, Đavưđốp dừng lại, hỏi:
- Anđrây ạ, cậu có nghi ai không?
Radơmiốtnốp nhún vai và từ từ giang hai cánh tay:
- Có thánh biết! Mình đã cân đi nhắc lại không biết đến bao nhiêu lần rồi, nhưng vẫn chẳng suy ra được cái chết tiệt gì. Mình đã điểm tất cả đám kô-dắc trong làng, nhưng chẳng rút ra được cái gì đứng vững cả. Một thằng quỷ tha ma bắt nào đặt ra cho chúng mình câu đánh đố này, và bây giờ chúng mình cứ việc tha hồ mà nát óc. Một đồng chí GPU huyện đã về đây, đi mấy vòng xung quanh nhà cậu Maka, hỏi cậu Maka, lão Suka, bà chủ nhà cậu Maka và tôi, xem xét cái đui đạn chúng mình đã tìm thấy, cái đui đạn ấy không có chữ gì cả… Xem xong, anh ta nói: “Nhất định là ở đây có bàn tay kẻ địch”. Cậu Maka liền hỏi vặn lại anh ta: “Này, ông anh ơi, vậy theo ông anh có trường hợp là bàn tay đồng chí mình ư? Mời ông anh tếch ngay đi cho được việc! Chúng tôi khắc tự lo liệu lấy”. Cái anh chàng dấm dớ ấy chẳng nói chẳng rằng một lát, rồi nhảy lên ngựa tếch thẳng.
- Cậu nghĩ thế nào? Có thể là Ôxtơrốpnốp đã chơi cái cú này không?
Radơmiốtnốp tay đã nắm lấy then cổng, nghe hỏi thế sửng sốt quá lại buông thõng tay xuống, rồi cười phá:
- Cậu có điên không đấy? Iakốp Lukits ấy ư? Lão ấy lao vào chuyện này làm gì? Lão ấy nghe tiếng xe ngựa cót két đã hết hồn vía rồi, cậu nghĩ gì mà lẩm cẩm vậy! Cứ chặt đầu mình đi, mình vẫn bảo hắn không dính đến việc này! Ai thì ai, nhưng nhất định không phải hắn.
- Thế thằng con hắn?
- Cũng không phải. Này, nếu cứ đoán già đoán non thế thì rồi có thể chụp cho cả mình nữa đấy. Không, câu đố này phức tạp lắm… Đây là cái ổ khoá chìm.
Radơmiốtnốp rút hộp thuốc lá ra, cuốn một điếu, nhưng chợt nhớ ra hôm nay mình vừa ký cái thông tri cấm các bà nội trợ nổi lửa ban ngày và đàn ông hút thuốc ngoài đường. Anh hậm hực vò nát điếu thuốc đi. Thấy Đavưđốp nhìn mình không hiểu, anh đáp một cách thản nhiên, cứ như không phải chuyện mình, mà là chuyện ai khác:
- Có những cái thông tri dấm dớ. Cấm hút thuốc ngoài đường! Thôi, vào nhà mình làm một điếu.
- Cám ơn mẹ nhá, hôm nay được một bữa no căng. Cám ơn nhất là khoản dưa chuột. Năm nay con được ăn dưa chuột tươi lần này là lần đầu tiên. Ngon, ngon không chê được, thực tế thế!
Bà lão là người bản tính ân cần và hay chuyện, buồn rầu tì tay chống má:
- Khốn khổ, anh thì kiếm đâu ra dưa mà ăn? Vợ con chả có…
Đavưđốp mỉm cười:
- Con chả còn thời giờ nào mà đi hỏi vợ nữa.
- Hỏi vợ không có thời giờ thì đừng chờ có dưa chuột mà ăn. Muốn trồng cây hái quả thì phải có anh có ả, có cả đôi bên chứ. Đấy như thằng Anđrây nhà tôi cũng thế, cứ ở vậy một mình. Không có mẹ lo cơm nước cho thì khéo chết đói nhăn răng rồi. Có mẹ thì thỉnh thoảng còn được miếng ăn. Trông các anh mà tôi nẫu cả ruột. Đã thằng Anđrây nhà tôi ở vậy, lại thêm anh Maka, rồi lại cả anh nữa. Ba anh không biết lấy thế làm xấu hổ à? Như ba con bò tót thế mà chạy nhông khắp làng không kiếm nổi cô vợ. Có thật các anh nhất định không anh nào lấy vợ không? Thế thì đáng xấu hổ lấy rổ mà che!
Radơmiốtnốp cười, trêu mẹ:
- Có ma nào thèm lấy chúng con đâu hả mẹ.
- Các anh cứ như thế này dăm sáu năm nữa thì chẳng ma nào thèm thật. Già câng rồi thì một mẹ nạ dòng nó cũng chả lấy làm gì. Còn gái tơ thì tôi chả nói nữa, các anh đã quá cái tuổi lấy gái tơ rồi!
Radơmiốtnốp nói đùa đánh trống lảng:
- Gái tơ chẳng đứa nào muốn lấy chúng con, vì chúng con già câng rồi, chính mẹ nói thế. Còn gái già thì chúng con lại không muốn lấy. Phải vạ gì mà còng lưng nuôi con người khác!
Câu chuyện như thế xem ra Radơmiốtnốp đã quen tai rồi, nhưng Đavưđốp thì cứ ngồi im và không hiểu sao cảm thấy mất tự nhiên.
Cảm ơn chủ nhà mến khách, anh chào ra về, và đi thẳng đến lò rèn. Anh muốn, trước khi tiểu ban tiếp nhận nông cụ tới, được tự mình kiểm tra lại những cỗ máy cắt và cào cỏ vừa được sửa chữa chuẩn bị cho vụ cắt cỏ, nhất lại là vì chính anh đã tham gia một tay vào công việc sửa chữa ấy.