- Lại đây. - Brutal nói bằng một giọng kì lạ, méo mó đến mức tôi vùng quay lại, nghiêm khắc nhìn anh ta. Tôi vừa mới bước vào từ một đêm mưa lạnh lẽo, và đang rũ tuyết khỏi vai áo trước khi treo nó lên.
- Có gì không ổn? - Tôi hỏi.
- Không. - Anh ta trả lời. - Nhưng tôi đã tìm thấy nơi ở của ông Jingles. Khi nó xuất hiện lần đầu tiên, tôi muốn nói là trước khi Delacroix nuôi nó. Anh muốn xem không?
Dĩ nhiên là tôi muốn. Tôi đi theo anh ta xuống Dặm Đường Xanh, đến phòng kỉ luật. Tất cả đồ đạc cất trong phòng đã được bỏ ra hành lang; rõ ràng Brutal đã tận dụng thời gian vắng khách để dọn dẹp. Cửa mở và tôi thấy cái xô lau nhà có miếng giẻ bên trong phòng. Sàn phòng, cũng cái màu xanh bệnh hoạn như chính Dặm Đường Xanh, đang khô thành những vệt dài. Đứng giữa sàn phòng là một cái thang, loại thường dùng trong nhà kho, vốn cũng tình cờ được dùng như trạm cuối cùng dành cho những kẻ bị tiểu bang trừng phạt. Có một cái kệ nhô ra từ mặt sau thang gần đỉnh, thứ mà công nhân dùng để đặt bộ dụng cụ, hoặc thợ sơn dùng đặt thùng sơn. Trên đó có một cái đèn pin. Brutal trao nó cho tôi.
- Anh lên trên kia đi. Anh thấp hơn tôi, vì thế anh phải với lên, nhưng tôi sẽ giữ chân anh cho.
- Chân tôi hay bị nhột. - Tôi đáp và bắt đầu leo lên. - Đặc biệt ở đầu gối.
- Tôi sẽ lưu ý điều đó.
- Tốt. - Tôi nói. - Vì một cái hông bị gãy sẽ là cái giá quá cao phải trả cho việc khám phá nguồn gốc của một con chuột.
- Hả?
- Bỏ đi. - Lúc ấy đầu tôi nhô lên bên cạnh bóng đèn bọc trong lồng sắt giữa trần phòng, và tôi cảm thấy cái thang ngọ nguậy dưới sức nặng của mình. Ở ngoài kia, tôi có thể nghe thấy tiếng gió đông rên rỉ. - Nắm chặt tôi đấy nhé!
- Tôi giữ được anh rồi, đừng lo! - Anh ta nắm chặt bắp chân tôi, và tôi leo lên một nấc nữa. Bây giờ đỉnh đầu tôi còn cách trần nhà không đầy 1 feet, và tôi thấy những mạng lưới mà các chú nhện dạn dĩ đã giăng trong những cái chạc, nơi các thanh rui mè đỡ mái gặp nhau. Tôi chiếu đèn chung quanh nhưng không thấy có gì đáng để liều mạng leo lên đây.
- Không phải. - Brutal nói. - Anh nhìn quá xa, Paul. Hãy nhìn sang trái, chỗ có hai thanh rui mè bắt chéo. Anh thấy chưa? Một cái hơi bạc màu.
- Tôi thấy.
- Hãy chiếu sáng chỗ bắt chéo.
Tôi làm theo, và gần như nhìn thấy ngay cái anh ta muốn tôi xem. Các thanh rui mè được chốt vào nhau bằng nửa tá con chốt và một cái đã long ra, để lại một cái lỗ đen hình tròn, to bằng cỡ đồng xu. Tôi nhìn cái lỗ, rồi nghi ngờ ngoái nhìn Brutal qua vai.
- Con chuột vốn nhỏ. - Tôi lên tiếng. - Nhưng nhỏ đến cỡ đó sao? Thôi đi, tôi không nghĩ thế.
- Nhưng đó là nơi nó đến. - Brutal trả lời. - Tôi dám chắc như đinh đóng cột.
- Tôi không hiểu sao cậu lại chắc.
- Cúi gần hơn nữa, đừng lo, tôi giữ được anh. Ngửi đi.
Tôi làm theo lời anh ta yêu cầu, tay trái nắm vào một thanh rui mè và cảm thấy an tâm hơn. Gió ngoài trời lại nổi lên, không khí thoát ra từ cái lỗ quét vào mặt tôi. Tôi có thể ngửi thấy hơi thở rét buốt của một đêm đông ở miền Nam biên thùy... đồng thời một cái gì đó khác nữa.
Mùi bạc hà.
“Đừng để xảy ra chuyện gì cho ông Jingles”, tôi nghe được Delacroix nói bằng giọng không vững. Tôi có thể nghe được lời nói đó, và cảm nhận được sức ấm của ông Jingles khi gã người Pháp trao nó cho tôi, chỉ là một con chuột, dù thông minh hơn hầu hết các loài, chắc chắn là thế, những vẫn chỉ là một con chuột, dù thế này thế kia. “Đừng để cho kẻ xấu kia gây tổn thương con chuột của tôi”, gã nói, và tôi đã hứa, như tôi luôn luôn hứa vào giây phút cuối cùng, khi việc bước lên Dặm Đường Xanh không còn là một huyền thoại hoặc giả thuyết nữa, nhưng là một điều gì đó mà họ thật sự phải làm. “Gửi lá thư này cho anh tôi, người đã hai mươi năm tôi không gặp, được chứ?” Tôi hứa. “Hãy để tôi chết dưới cái tên thần linh của tôi và lo cho nó được khắc lên bia mộ, nhé?” Tôi hứa. Đấy là cách mà bạn khiến họ chịu ra đi và ngoan ngoãn chấp nhận, cách mà bạn tiễn họ vào chiếc ghế ngồi ở cuối Dặm Đường Xanh trong trạng thái tỉnh táo. Dĩ nhiên tôi không thể giữ tất cả những lời hứa, nhưng tôi giữ lời hứa với Delacroix. Về phần bản thân gã người Pháp đã phải trả giá tệ hại. Kẻ xấu đã gây tổn thương cho Delacroix, gây tổn thương rất nhiều cho gã. Tôi biết gã đã phạm tội gì, đúng thôi, nhưng không ai xứng đáng với điều xảy ra cho Eduard Delacroix khi hắn ngã vào vòng tay ôm dã man của Già Sparky.
Một mùi bạc hà. Và một thứ gì khác. Một thứ gì khác bên trong cái lỗ.
Tôi rút cây bút từ túi áo ra bằng tay phải, không còn lo ngại về việc Brutal tình cờ làm đầu gối tôi bị nhột. Tôi vặn nắp bút bằng một tay, rồi chọc đầu ngòi bút vào trong, khều ra được thứ gì đó. Đó là một mẩu gỗ vụn nhỏ xíu, từng nhuốm sắc vàng tươi, và tôi lại nghe thấy giọng Delacroix, lần này rõ ràng như thể hồn ma của gã đang ẩn náu trong căn phòng cùng chúng tôi - căn phòng nơi William Wharton trải qua rất nhiều thời gian của gã.
“Ê này! Mấy anh!” lần này giọng nói lên tiếng - cái giọng tươi cười, đầy ngạc nhiên của một con người đã quên mất nơi hắn đang ở và điều gì đang chờ hắn, ít nhất là trong khoảnh khắc. “Đến xem ông Jingles làm được những trò gì nào!”
- Chúa ơi! - Tôi thầm thì. Tôi cảm thấy như làn gió đã bị đánh bật ra khỏi người tôi.
- Anh tìm được một cái nữa, phải không? - Brutal hỏi. - Tôi tìm được ba hoặc bốn.
Tôi leo xuống và chiếu ánh đèn pin vào bàn tay to chìa ra của anh ta. Nhiều mẩu gỗ vụn rải rác trên đó, giống như những cây gậy đồ chơi cho người lùn. Hai mẩu màu vàng, giống như mẩu tôi tìm thấy. Một mẩu màu xanh và một màu đỏ. Chúng không phải được sơn mà tô màu bằng bút chì sáp.
- Ôi trời! - Tôi thốt lên bằng một giọng thấp, run rẩy - Đây là những mảnh vụn ống chỉ, phải không? Nhưng tại sao? Tại sao lên tận trên kia?
- Khi còn là thằng nhóc, tôi không to xác như bây giờ. - Brutal nói. - Hầu như tôi phát triển trong khoảng mười lăm và mười bảy tuổi. Trước đó tôi chỉ là con tép. Khi đến trường lần đầu, tôi cảm thấy mình nhỏ bé như... một con chuột - tôi nghĩ anh sẽ nói thế. Tôi sợ muốn chết. Vậy anh biết tôi đã làm gì không?
Tôi lắc đầu. Bên ngoài gió đã lại nổi lên. Trong những góc rui mè, mạng nhện run lên trong làn gió mỏng manh như lớp ren bị hỏng. Chưa bao giờ tôi lọt vào một nơi nào có cảm giác ám ảnh trần trụi như thế, và đúng lúc đó, trong khi chúng tôi đứng nhìn xuống những mảnh vỡ của cái ống chỉ đã gây ra nhiều rắc rối, đầu tôi bắt đầu nhận ra điều mà trái tim tôi đã hiểu từ khi John Coffey bước trên Dặm Đường Xanh: tôi không thể tiếp tục công việc này nữa. Khủng hoảng hay không Khủng hoảng, tôi không thể chứng kiến thêm con người bước qua văn phòng của tôi để đến gặp cái chết nữa. Dù chỉ thêm một cũng là quá nhiều.
- Tôi hỏi xin mẹ tôi một chiếc khăn tay. - Brutal nói. - Để khi cảm thấy muốn khóc, tôi có thể lấy nó ra, ngửi mùi nước hoa của bà và sẽ không còn thấy buồn tủi.
- Cậu nghĩ - cái gì? - Con chuột cắn vỡ cái ống chỉ tô màu để nhớ đến Delacroix sao?
Anh ta nhìn lên. Trong thoáng chốc tôi tưởng trong mắt anh ta có nước mắt, nhưng tôi nghĩ có lẽ mình đã lầm.
- Paul, tôi không nói gì cả. Nhưng tôi tìm thấy chúng trên kia, và ngửi thấy mùi bạc hà, cũng như anh - anh biết là anh đã ngửi thấy. Và tôi không thể làm việc này nữa. Tôi sẽ không làm việc này nữa. Chứng kiến thêm một người nữa trên chiếc ghế kia sẽ làm tôi chết mất. Tôi sẽ xin thuyên chuyển sang trại Cải huấn Thanh Thiếu niên vào thứ hai. Nếu được chấp thuận trước cuộc hành hình sắp đến thì tốt. Nếu không được, tôi sẽ từ chức, về quê cày ruộng.
- Cậu đã cày ruộng gì, ngoài sỏi đá?
- Không thành vấn đề.
- Tôi biết thế. - Tôi nói. - Tôi nghĩ tôi đồng tình với anh.
Anh ta chăm chú nhìn để biết chắc tôi không nói bãi bôi với anh ta, rồi gật đầu như thể vấn đề đã được giải quyết. Gió đã lại nổi lên, lần này đủ mạnh để lay các thanh rui mè kêu răng rắc rồi dịu xuống, và cả hai chúng tôi bồn chồn nhìn quanh các bức tường lót nệm. Tôi nghĩ trong một thoáng chúng tôi nghe được William Wharton - không phải Billy the Kid, không phải gã, gã đã là “Wild Bill” đối với chúng tôi từ ngày đầu đến Khu - la hét và cười cợt, lên án chúng tôi thích thú khi trừ khử gã, đe dọa chúng tôi sẽ không bao giờ quên được gã. Về những điểm đó thì gã nói đúng.
Về điều mà Brutal và tôi đồng ý vào cái đêm trong phòng kỉ luật, sự việc diễn ra đúng như vậy. Gần như chúng tôi đã có lời thề trang trọng trên những mẩu gỗ được tô màu. Cả hai chúng tôi không bao giờ tham gia vào việc hành hình nữa. John Coffey là vụ cuối cùng.
Nhà dưỡng lão, nơi tôi đang gạch ngang một nhúm chữ “t” và chấm lên đầu một mớ lộn xộn những chữ “i” cuối cùng, được gọi là Georgia Pines. Nó cách Atlanta khoảng sáu mươi dặm và cách xa cuộc đời khoảng hai trăm năm ánh sáng như hầu hết mọi người, cứ cho là những người dưới tám mươi tuổi - trải qua cuộc sống. Bạn nào đang đọc tập truyện này hẳn muốn cẩn thận biết chắc không có một nơi chốn như thế chờ đợi mình trong tương lai. Nó không phải là một nơi chốn độc ác, phần lớn thì không; có truyền hình cáp, thức ăn ngon, nhưng theo cách của nó, cũng độc bằng một chai thuốc độc ở Khu E tại Cold Mountain dạo nào.
Ở đây có một kẻ gợi tôi nhớ lại một chút về Percy Wetmore, kẻ đã có việc làm trên Dặm Đường Xanh nhờ có họ hàng với Thống đốc tiểu bang. Tôi nghi ngờ việc tay này có họ hàng với nhân vật quan trọng nào đó, mặc dù hắn làm ra vẻ như thế. Brad Dolan là tên hắn. Hắn luôn chải đầu, giống như Percy, và luôn luôn nhét thứ gì đó để đọc trong túi quần sau. Với Percy là những tạp chí như Argosy và Men’s Adventure; với Brad thì những quyển sách bỏ túi rẻ tiền gọi là “Những Câu Chuyện Tếu Thô Tục và Bệnh Hoạn”. Hắn luôn luôn hỏi mọi người vì sao gã người Pháp băng qua đường hoặc cần bao nhiêu người Ba Lan để gắn một cái bóng đèn, hoặc trong một đám tang ở khu Harlem có bao nhiêu đạo tì. Giống như Percy, Brad là một gã đần độn vốn nghĩ rằng không có gì vui nhộn, trừ khi nó là điều tầm thường.
Ngày hôm kia Brad đã nói gi đó gây ấn tượng cho tôi vì điều đó thật sự thông minh, nhưng tôi không đánh giá hắn cao. Tục ngữ có câu: “Thậm chí một cái đồng hồ chết cũng đúng giờ hai lần trong ngày”. “May mắn cho ông không mắc chứng bệnh Alzheimer đó, Paulie” là điều hắn đã nói. Tôi ghét hắn gọi tôi là Paulie nhưng hắn cứ gọi; tôi đã chịu thua không đòi hắn thôi đi. Có những câu nói khác - không hẳn là tục ngữ - áp dụng được cho Dolan: “Có thể dẫn một con ngựa đến dòng nước nhưng không thể buộc nó uống” là một; “Có thể chải chuốt cho nó nhưng không thể đưa nó ra trình diễn” là câu khác. Trong tính cách đần độn thì hắn cũng như Percy.
Khi bình phẩm về chứng bệnh Alzheimer thì hắn đang lau sàn phòng tắm nắng, nơi tôi đang xem qua những trang đã viết. Có rất nhiều trang và tôi nghĩ có khả năng thêm một số lượng lớn nữa trước khi tôi viết xong.
- Cái bệnh Alzheimer đó, ông biết nó thật sự là gì không?
- Không. - Tôi trả lời. - Nhưng tôi chắc anh có thể nói cho tôi nghe, Brad.
- Là bệnh AIDS của người già. - Hắn đáp rồi phá ra cười, như hắn hay làm với những câu chuyện tếu ngu ngốc của hắn.
Tuy nhiên tôi không cười vì điều hắn nói chạm đến một sợi thần kinh ở đâu đó. Không phải vì tôi mắc bệnh Alzheimer; mặc dù ở Georgia Pines xinh đẹp này có rất nhiều, bản thân tôi chỉ gặp những khó khăn thông thường về trí nhớ của tuổi già. Những vấn đề đó dường như liên quan đến thời điểm nhiều hơn về sự kiện. Nhìn lại những gì tôi đã viết cho đến nay, tôi nhận thấy mình nhớ tất cả mọi sự kiện đã xảy ra vào năm 1932; chính thứ tự thời gian của chúng mới thỉnh thoảng gây nhầm lẫn trong đầu. Thế nhưng, nếu cẩn thận, tôi nghĩ có thể giữ cho điều đó không phát tác. Dù ít hay nhiều.
John Coffey đến Khu E và Dặm Đường Xanh vào tháng mười năm đó, bị kết án giết chết hai bé gái song sinh chín tuổi nhà Detterick. Đấy là điểm mốc chính của tôi, và nếu giữ điều đó trong tầm nhìn, tôi sẽ viết tốt. William “Wild Bill” Wharton đến sau Coffey, Delacroix đến trước. Con chuột cũng thế, con chuột mà Brutus Howell - với bạn bè là Brutal - gọi là Steamboat Willy và Delacroix kết thúc bằng tên gọi ông Jingles.
Dù bạn gọi là gì thì con chuột vẫn đến trước, thậm chí trước cả Del - khi nó xuất hiện vẫn còn là mùa hè, và chúng tôi có hai tù nhân khác trên Dặm Đường Xanh: Tù trưởng Arlen Bitterbuck; và Tổng thống, Arthur Flanders.
Con chuột đó. Con chuột trời đánh. Delacroix yêu nó, nhưng Percy Wetmore chắc chắn là không.
Percy thù ghét nó ngay từ lúc đầu.