Dặm Xanh

Chương 5

Docsach24.com
ôi nghĩ bạn biết tôi không khám phá được tất cả những sự kiện đó vào một buổi chiều nóng nực tháng mười trong cái thư viện trại giam sắp bị khai tử, từ một bộ báo cũ chất đống trong cặp sọt đựng cam Pomana, nhưng tôi đã biết đủ để khó ngủ đêm hôm ấy. Khi vợ tôi thức giấc lúc hai giờ sáng và bắt gặp tôi ngồi trong nhà bếp đang uống buttermilk và hút thuốc quấn Bugler, nàng hỏi tôi chuyện gì không ổn và tôi đã nói dối, một trong ít ỏi những lần nói dối suốt chặng đường hôn nhân lâu dài của chúng tôi. Tôi nói đã va chạm với Percy Wetmore lần nữa. Tất nhiên là có, nhưng đấy không phải là lí do để nàng bắt gặp tôi thức dậy sớm. Tôi thường có khả năng bỏ Percy lại văn phòng.

 

- Thôi, quên cái quả táo thối ấy đi và quay về giường. - Vợ tôi nói. - Em có cái sẽ giúp anh ngủ được và anh có thể có những gì anh muốn.

- Em nói nghe hấp dẫn đấy, nhưng anh nghĩ chúng ta không nên. - Tôi đáp. - Anh có chuyện rắc rối nhỏ với hệ thống nước thải của anh và không muốn trút sang em.

Vợ tôi nhướng một bên lông mày lên.

- Hệ thống nước thải há? - Nàng nói. - Em đoán chắc anh đã lăng nhăng với ả gái điếm bệnh hoạn khi đến Baton Rouge lần vừa qua. - Tôi chưa bao giờ đến Baton Rouge và cũng chưa bao giờ đụng đến một ả gái điếm, và cả hai chúng tôi đều biết như thế.

- Chỉ là cái bệnh nhiễm trùng đường tiểu cũ thôi. - Tôi trả lơi. - Mẹ anh thường bảo con trai mắc bệnh đó vì đi tiểu khi gió Bắc nổi lên.

- Mẹ anh cũng thường ngồi lì ở nhà suốt ngày nếu bà làm đổ lọ muối. - Vợ tôi nói. - Bác sĩ Sadler.

- Không, thưa ngài. - Tôi nói, tay giơ lên. - Ông ấy muốn anh uống thuốc sulfa, và anh sẽ nôn mửa trong khắp góc văn phòng, nhưng trước mắt, anh nghĩ tốt nhất chúng ta tránh xa sân chơi.

Nàng hôn lên trán ngay trên lông mày bên trái của tôi, một cử chỉ luôn luôn làm tôi nổi da gà... và Janice biết rất rõ điều đó.

- Tội nghiệp cưng. Cứ như thể gã Percy Wetmore tồi tệ đó chưa đủ vậy. Sớm vào giường nhé.

Tôi đã làm thế, nhưng trước khi làm, tôi bước ra hiên sau nhà để trút ra ngoài. “Trút bầu tâm sự” ngoài trời là một cái thú của cuộc sống vùng quê mà các nhà thơ không bao giờ miêu tả nổi, nhưng đêm hôm ấy tôi không vui thú chút nào; dòng nước thoát ra khỏi người tôi bỏng rát như một dòng dầu hỏa bị đốt cháy. Tuy thế tôi nghĩ chứng bệnh nặng hơn vào chiều hôm đó, và đã biết nó trở nặng hơn từ hai hoặc ba ngày trước. Tôi hi vọng có thể đã bắt đầu khỏi bệnh. Chưa bao giờ niềm hi vọng lại thiếu căn cứ hơn thế. Không ai cho tôi biết rằng đôi khi vi trùng xâm nhập vào trong đó, nơi vốn ấm áp và ẩm ướt, lại có thể nghỉ ngơi một hoặc hai ngày trước khi mạnh mẽ trở lại. Tôi sẽ ngạc nhiên khi biết điều đó. Tôi sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng trong hai mươi năm nữa, sẽ có thuốc cho bạn uống để quất cái thứ nhiễm trùng đó văng ra khỏi hệ thống của bạn trong thời gian kỉ lục... và trong khi những loại thuốc đó có thể làm bạn nôn nao một chút ở dạ dày hoặc chảy lỏng trong ruột, chúng gần như không bao giờ làm cho bạn nôn mửa như thuốc viên sulfa của bác sĩ Sadler. Vào năm ba mươi hai, bạn không thể làm gì nhiều hơn là chờ đợi, và cố mà lờ đi cái cảm giác có ai đó đã đổ dầu hỏa vào cơ thể bạn rồi dí một que diêm vào đó.

Tôi kết thúc mẩu thuốc lá còn lại, vào phòng tắm, rồi sau cùng thiếp ngủ được. Tôi mơ thấy những bé gái có nụ cười e thẹn và máu dính trên tóc.

 

Sáng hôm sau có một mẩu giấy ghi nhớ màu hồng trên bàn giấy của tôi, yêu cầu tôi ghé qua văn phòng Giám thị ngay khi có thể. Tôi biết là chuyện gì - có những luật chơi bất thành văn nhưng rất quan trọng, và ngày hôm qua có lúc tôi đã thôi chơi theo luật - và tôi đã trì hoãn lâu đến mức có thể. Giống như đến bác sĩ vì chuyện rắc rối hệ thống nước thải của mình, tôi luôn nghĩ rằng cái trò “giải quyết cho xong” này đã bị thổi phồng quá đáng.

Dù gì tôi cũng không vội đến văn phòng của Giám thị Moores. Thay vào đó, tôi cởi chiếc áo khoác đồng phục bằng len ra, vắt lên lưng ghế và bật quạt trong góc phòng - lại thêm một ngày nóng bức. Rồi tôi ngồi xuống và xem qua bản báo cáo trực đêm của Brutus Howell. Không có gì đáng lo ngại. Delacroix đã khóc lóc sau khi vào giường - hầu như đêm nào cũng khóc, khóc cho bản thân gã nhiều hơn cho những người mà gã đã thiêu sống, tôi dám chắc thế - rồi sau đó lấy ông Jingles, con chuột, ra khỏi cái hộp xì gà, nơi nó ngủ. Điều khiến Del dịu xuống, và gã ngủ ngon như em bé suốt đêm còn lại. Dường như ông Jingles nằm trên bụng Delacroix, đuôi cuộn lại trên chân, mắt mở trao tráo. Như thể Chúa quyết định Delacroix cần có một thiên thần hộ mệnh, nhưng đã quy định trong trí tuệ của Người rằng, chỉ một con chuột nhắt mới thích hợp với một con chuột cống như anh bạn giết người đến từ Louisiana của chúng ta. Không phải tất cả những điều đó nằm trong báo cáo của Brutus, dĩ nhiên, nhưng bản thân tôi đã trực đêm đủ nhiều để hiểu được ẩn ý. Có một đoạn vắn tắt về Coffey: “Nằm thao thức, phần nhiều im lặng, có lẽ đã khóc một chút. Tôi thử gợi chuyện, nhưng sau vài tiếng càu nhàu đáp lại của Coffey, tôi chào thua. Có thể Paul hoặc Harry gặp may hơn.”

- Thử gợi chuyện. - Thật sự là trọng tâm công việc của chúng tôi. Lúc ấy tôi không biết, nhưng nhìn lại từ điểm thuận lợi của tuổi già kì lạ này, tôi hiểu nó là trọng tâm, và tại sao lúc ấy tôi không hiểu - nó quá to tát, là trọng tâm đối với công việc của chúng tôi, chúng như hít thở là trọng tâm đối với sự sống của chúng ta. Nó không quá quan trọng để những người làm việc thời vụ phải giỏi gợi chuyện, nhưng đối với tôi, Harry, Brutal và Dean lại vô cùng thiết yếu... và nó giải thích tại sao Percy Wetmore là một tai họa. Tù nhân ghét hắn, lính gác ghét hắn... mọi người ghét hắn, có lẽ ngoại trừ những mối quan hệ chính trị của hắn, bản thân Percy, và có thể là mẹ hắn. Hắn như một liều thạch tín rắc vào ổ bánh cưới, và tôi nghĩ mình đã biết hắn bốc mùi tai họa ngay từ đầu. Hắn là một tai nạn rình rập xảy ra. Về phần tất cả chúng tôi, hẳn chúng tôi sẽ chế giễu cái ý tưởng cho rằng chúng tôi hoạt động có hiệu quả, không chỉ như người canh gác những kẻ bị kết án, nhưng còn như chuyên viên tâm lí của họ - ngày hôm nay một phần con người tôi vẫn còn muốn chế giễu ý tưởng đó - nhưng chúng tôi biết cách gợi chuyện... và nếu không nói chuyện, những kẻ đối mặt với Già Sparky sẽ có thói quen tệ hại là hóa điên.

Tôi ghi chú vào bên dưới báo cáo của Brutal để nhớ gợi chuyện với John Coffey rồi chuyển qua một ghi chú của Curtis Anderson, đang chờ đợi lệnh DOE sắp đến cho Edward Delacrois (Anderson viết sai chính tả, thực sự tên gã là Eduard Delacroix). DOE nghĩa là ngày thi hành án, và theo đó thì Curtis được tin có thẩm quyền cho biết gã người Pháp nhỏ bé sẽ bước trên Dặm Đường Xanh, không lâu trước lễ Halloween - anh ta đoán chắc nhất là ngày hai mươi bảy tháng mười, và những tiên đoán của Curtis Anderson thì rất thông thạo. Nhưng trước đó có thể chúng tôi sẽ nhận một gã tù nhân mới, tên William Wharton. Gã là cái mấy anh thích gọi là “trẻ em có vấn đề”. Hung bạo, điên rồ và kiêu ngạo về tính cách đó. Lang bạt khắp tiểu bang suốt năm ngoái, sau cùng đã gây ra chuyện lớn. Giết ba người trong một vụ cướp giật, một là phụ nữ có thai, giết người thứ tư tại cổng ra vào là cảnh sát tiểu bang. Gã chỉ giết hụt một nữ tu và một người mù”. Tôi hơi buồn cười trước điều này. “Wharton mười chín tuổi, xăm hình Billy the Kid trên bắp tay trái. Anh sẽ phải đập vào mũi nó một hay hai lần, tôi đảm bảo với anh điều đó, nhưng hãy cẩn thận khi ra tay. Thằng này cóc cần đời.” Anh ta gạch dưới câu cuối này hai lần, rồi kết luận: “Đồng thời nó có thể là kẻ làm phí thời giờ. Nó đang tiến hành kháng cáo, và thực tế là vị thành niên.”

Một thằng nhóc điên rồ, tiến hành kháng cáo, có khả năng ngồi tù một thời gian. Ồ, tất cả nghe hay thật. Đột nhiên ngày có vẻ nóng nực hơn bao giờ hết, và tôi không thể trì hoãn việc gặp Giám thị Moores nữa.

Tôi đã làm việc cho ba Giám thị trong những năm làm lính gác ở Cold Mountain; Hal Moores là người sau cùng và tốt nhất. Lương thiện, thẳng thắn, thậm chí thiếu óc sắc sảo cơ bản của Curtis Anderson, nhưng được trang bị vừa đủ thế lực chính trị để giữ được chức vụ trong những năm u ám đó... và đủ liêm chính để không bị cám dỗ bởi trò chơi. Moores sẽ không leo cao hơn nữa, nhưng với ông thì dường như thế là tạm được. Lúc ấy ông năm mươi chín tuổi, gương mặt đầy nét hằn sâu như mặt chó săn bloodhound mà có lẽ Bobo Marchant sẽ thích ngay. Ông có mái tóc trắng, bàn tay run rẩy vì một chứng liệt nào đó, nhưng mạnh mẽ. Năm trước, khi một gã tù nhân xông vào ông trong sân tập thể dục với khúc gỗ chuốt nhọn, Moores vẫn giữ vững tư thế, chụp lấy cổ tay thằng khốn, vặn mạnh đến nỗi xương vỡ nghe như tiếng cành cây khô nổ khi bị đốt trong lửa nóng. Quên hết những đau đớn, gã tù nhân gục xuống bùn và bắt đầu gào lên gọi mẹ.

- Tao không phải bà ấy! - Moores nói bằng giọng miền Nam có giáo dục. - Nhưng nếu là bà ấy, tao sẽ vén váy lên và tè vào mày từ cái nơi đã sinh ra mày.

Khi tôi bước vào văn phòng, ông dợm đứng dậy và tôi vẫy tay ra hiệu cho ông ngồi xuống. Tôi lấy ghế ngồi đối diện qua bàn giấy và bắt đầu hỏi thăm về vợ ông... ngoại trừ trong thế giới của chúng tôi, ở ngoài đời bạn không xử sự như thế.

- Cô gái xinh đẹp của ông thế nào? - Đó là câu hỏi của tôi, như thế Melinda mới chỉ nhìn mười bảy mùa hè trôi qua thay vì sáu mươi ba. Sự quan tâm của tôi là thật tình - bà là người phụ nữ tôi có thể đã yêu và kết hôn, nếu như đường đời của chúng tôi gặp nhau - nhưng tôi cũng chẳng ngại làm cho ông ấy xao lãng công việc đôi chút.

Ông thở dài.

- Không khỏe lắm, Paul à. Không khỏe chút nào.

- Nhức đầu thêm nữa?

- Tuần này chỉ một lần, nhưng là lần tồi tệ nhất, bà ấy phải nằm gần suốt ngày hôm kia. Và bây giờ tình trạng yếu bàn tay phải gia tăng. - Ông ấy giơ bàn tay phải màu nâu đỏ lên. Cả hai chúng tôi nhìn nó run rẩy bên trên bàn thấm mực trong một tháng, rồi ông lại hạ tay xuống.

Tôi có thể nói rằng ông ấy sẽ chịu mất bất cứ điều gì để không phải kể với tôi điều đang kể, và tôi sẽ chịu mất bất cứ điều gì để không phải nghe điều đó. Những cơn nhức đầu của Melinda đã bắt đầu vào mùa xuân, suốt mùa hè năm ấy bác sĩ riêng của bà cứ nói chúng là chứng “đau nửa đầu vì lo lắng căng thẳng”, có lẽ vì việc Hal sắp về hưu gây stress. Ngoại trừ việc không ai trong số họ có thể chờ đợi việc ông về hưu, và vợ tôi đã bảo rằng chứng nhức nửa đầu là bệnh của giới trẻ, không phải bệnh của người già; đến thời điểm bệnh nhân bằng tuổi Melinda Moores, thông thường họ sẽ tốt hơn chứ không xấu đi. Và bây giờ đến tình trạng bàn tay yếu. Tôi nghe không giống bệnh lo lắng căng thẳng mà nghe như chứng đột quỵ đáng nguyền rủa.

- Bác sĩ Haverstrom muốn vợ tôi đến bệnh viện ở tận Indianola để xét nghiệm. - Moores nói. - Ý ông ta là chụp X quang đầu. Ai mà biết còn gì khác nữa. Bà ấy sợ muốn chết. - Ông dừng lại, rồi nói thêm. - Nói thật, tôi cũng sợ.

- Phải, nhưng ông hãy lo cho bà ấy tiến hành đi. - Tôi đáp - Đừng chờ đợi. Nếu hóa ra thứ gì đó người ta nhìn được bằng X quang, có thể sẽ hóa ra thứ gì đó người ta chữa được.

- Phải! - Ông ấy đồng ý, rồi trong thoáng chốc - khoảnh khắc duy nhất trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, như tôi nhớ lại - ánh mắt chúng tôi gặp và khóa chặt vào nhau. Có một thứ hiểu biết hoàn toàn trần trụi giữa chúng tôi, không cần nói. Phải, có thể là chứng đột quỵ. Cũng có thể là một khối u phát triển trong não bộ bà ấy và nếu thế, cơ may các bác sĩ ở Indianola có thể làm được gì chỉ từ mong manh đến con số không. Lúc ấy là năm 1932, nên nhớ điều đó, thời kì mà thậm chí với một thứ tương đối đơn giản như nhiễm trùng đường tiểu thì hoặc là thuốc sulfa và lôi thôi, hoặc chịu đựng và chờ đợi.

- Tôi cảm ơn anh đã quan tâm, Paul ạ. Bây giờ ta nói chuyện về Percy Wetmore.

Tôi rên lên và che mắt lại.

- Sáng nay tôi nhận được cú điện thoại từ thủ phủ tiểu bang. - Viên Giám thị bình thản nói. - Một cú gọi khá giận dữ, mà tôi chắc anh có thể hình dung ra. Paul này Thống đốc râu quặp đến mức gần như lão ta không hiện hữu, nếu anh hiểu ý tôi. Và vợ lão có ông anh có một con. Đứa con đó là Percy Wetmore. Đêm qua Percy gọi điện cho bố, rồi bố Percy gọi điện cho cô của Percy. Tôi có cần vạch ra phần còn lại cho anh không?

- Không. - Tôi trả lời. - Percy là đồ mách lẻo. Cứ như thằng học trò õng ẹo mách thầy nó bắt gặp Jack và Jill ôm hôn nhau trong phòng cất áo choàng.

- Phải. - Moores đồng ý. - Đúng là tầm cỡ đó.

- Ông biết chuyện xảy ra giữa Percy và Delacroix khi Delacroix nhập trại chứ? - Tôi hỏi. - Percy và cây dùi cui gỗ hồ đào khốn kiếp của hắn đấy?

- Biết, nhưng...

- Và ông biết thỉnh thoảng hắn lại quẹt cây dùi cui dọc theo chấn song như thế nào, chỉ thuần túy vì thú tính. Hắn đê tiện và ngu ngốc. Tôi không biết còn chịu nổi hắn được bao lâu nữa. Đấy là sự thật.

Chúng tôi biết nhau đã được năm năm. Đó có thể là một quãng thời gian dài để người ta hòa hợp với nhau, đặc biệt khi công việc là đánh đổi sự sống lấy cái chết. Điều tôi muốn nói là ông ấy hiểu ý tôi. Chẳng phải tôi sẽ bỏ việc, không thể bỏ việc trong khi cuộc Đại Khủng Hoảng đang quanh quẩn bên ngoài các bức tường nhà tù như một con thú nguy hiểm, một con thú không thể bị đem nhốt như trách nhiệm của chúng tôi. Nhiều người giỏi hơn tôi đang vất vưởng ngoài đường hoặc lâm vào thế cưỡi cọp. Tôi có may mắn và biết rõ điều đó - con cái lớn lên và nợ cầm cố, cái khối đá cẩm thạch nặng 200 pound đó đã cất ra khỏi lồng ngực tôi từ hai năm nay. Nhưng một gã đàn ông phải có ăn, và vợ hắn cũng phải ăn. Đồng thời, chúng tôi đã quen cho con gái chúng tôi và anh con rể 20 đôla mỗi khi có thể. Anh ta là một giáo viên trung học thất nghiệp, vào thời đó nếu như thế chưa đủ tiêu chuẩn để tuyệt vọng thì cái từ đó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Vậy thì không, bạn không bỏ cái việc làm được trả lương bằng chi phiếu như của tôi... không lạnh lùng mà bỏ đâu. Nhưng mùa thu năm ấy máu tôi không lạnh. Nhiệt độ bên ngoài đã vô lí, bệnh nhiễm trùng bò quanh trong người tôi còn làm tăng nhiệt kế hơn nữa. Và khi một con người lâm vào thứ tình huống như vậy, đôi khi cú đấm của anh ta tự ý tung ra theo ý của nó. Và nếu bạn đã một lần đánh kẻ có thế lực như Percy Wetmore, bạn nên tiếp tục đánh, bởi vì không thể thối lui.

- Hãy kiên trì. - Moores lặng lẽ khuyên. - Đấy là điều tôi gọi vào anh để nói. Tôi nắm được nguồn tin có thẩm quyền - thực tế là người đã gọi điện cho tôi sáng nay - cho biết Percy nộp đơn xin việc tại Briar, và đơn của hắn đã được chấp thuận.

- Briar. - Tôi thốt lên. Đấy là Briar Ridge, một trong hai bệnh viện công thuộc tiểu bang. - Thằng nhóc làm gì vậy? Thanh tra cơ sở tiểu bang chăng?

- Công việc quản lí. Lương cao hơn và đẩy giấy tờ, thay vì đẩy giường bệnh dưới sức nóng ban ngày. - Ông ấy tặng tôi một nụ cười đầy vẻ thành kiến. - Paul, anh biết đấy, lẽ ra anh đã loại được hắn nếu không nhét hắn vào phòng cơ điện với Van Hay khi Tù trưởng bước trên Dặm Đường Xanh.

Trong một thoáng, điều ông nói có vẻ lạ thường đến nỗi tôi không có manh mối để hiểu ông định nói gì. Có lẽ tôi không muốn có manh mối.

- Thế tôi sẽ cất hắn vào đâu? - Tôi hỏi. - Lạy Chúa, hắn gần như cóc hiểu hắn làm gì ở Khu! Để hắn tham gia vào đội thi hành án... - Tôi không nói hết câu. Không thể nói hết câu. Tiềm năng phạm sai lầm dường như không có kết thúc.

- Tuy nhiên, anh sẽ làm đúng nếu cho hắn xuất hiện với Delacroix. Nghĩa là, nếu anh muốn trừ khử hắn.

Tôi nhìn ông ấy, miệng há hốc. Sau cùng tôi đã nắm được mấu chốt để có thể phát biểu.

- Ông nói gì? Rằng hắn muốn đến tận nơi có thể ngửi được mùi tử tội bị nướng chín?

---

Moores nhún vai. Ánh mắt ông, vốn dịu dàng khi nói về vợ mình, trở nên sắt đá.

- Cái của nợ của Delacroix sẽ bị nướng chín dù Wetmore có tham gia đội hay không? - Ông nói. - Đúng không?

- Vâng, nhưng hắn có thể làm hỏng chuyện. Hal, trên thực tế nhất định hắn sẽ làm hỏng chuyện. Lại trước mắt khoảng ba mươi nhân chứng nữa kia... và các phóng viên từ Louisiana lên...

- Anh và Brutus Howell phải đảm bảo không để cho hắn sai lầm. - Moores đáp. - Và nếu như hắn cứ sai lầm, sự việc sẽ được ghi vào hồ sơ, và sự việc sẽ còn đó lâu dài, cả sau khi thế lực chính trị của hắn đã tiêu tan. Anh hiểu chứ?

Tôi hiểu. Điều đó làm tôi muốn phát bệnh và hoảng sợ nhưng tôi hiểu.

- Có thể hắn muốn ở lại vì Coffey, nhưng nếu chúng ta gặp may, hắn sẽ có đủ những gì hắn cần từ Delacroix. Anh nhất định sắp xếp cho hắn xuất hiện một lần này.

Tôi đã có kế hoạch đẩy Percy vào phòng cơ điện lần nữa, sau đó xuống dưới hầm, cầm súng bảo vệ băng ca chở Delacroix ra xe chở xác đỗ bên kia đường, đối diện trại giam, nhưng rồi tôi vứt tất cả những kế hoạch đó qua vai, không nhìn lại một lần thứ hai. Tôi gật đầu. Tôi có ý thức mình đang đánh bạc, nhưng tôi cóc cần. Để loại trừ Percy Wetmore, tôi sẵn sàng véo cả mũi quỷ sứ. Hắn có thể tham gia vào đội thi hành án, chụp cái mũ kim loại lên đầu tử tội, rồi nhìn qua tấm phên sắt và bảo Van Hay đóng cầu dao; hắn có thể nhìn gã người Pháp nhỏ bé cưỡi trên tia chớp mà hắn, Percy Wetmore, đã thả từ trong chai ra. Cứ cho hắn hưởng cái thú vui run rẩy ghê tởm, nếu đấy là điều có ý nghĩa đối với hắn. Cứ để hắn đến Briar Ridge, nơi hắn sẽ có văn phòng riêng và một cái quạt để làm mát. Và nếu lão chú bên thông gia bị thất bại trong kì bầu cử sau và hắn phải hiểu thế nào là lao động trong cái thế giới nhọc nhằn cháy nắng cũ kĩ, nơi không phải tất cả bọn xấu đều bị nhốt sau chấn song sắt và thỉnh thoảng chính mình bị quất roi vào đầu, thì mặc xác hắn.

- Được. - Tôi nói và đứng dậy. - Tôi sẽ cho hắn xuất hiện với Delacroix. Và trước mắt, tôi giữ gìn hòa bình.

- Tốt. - Ông ấy đáp và cũng đứng dậy. - Nhân tiện, vấn đề của anh thế nào? - Ông tế nhị chỉ vào hạ bộ của tôi.

- Có vẻ đỡ hơn một chút.

- Thế thì tốt. - Ông tiễn tôi ra cửa. - Nhân tiện, Coffey thế nào? Gã sẽ gây rắc rối không?

- Tôi nghĩ là không. - Tôi trả lời. - Cho đến nay gã vẫn yên lặng như một con gà chết. Gã rất kì lạ - đôi mắt kì lạ - nhưng yên lặng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn theo dõi. Đừng lo!

- Dĩ nhiên anh biết gã đã làm gì.

- Chắc chắn.

Ông tiễn tôi ra đến văn phòng ngoài, nơi cô gái già Hannah vẫn đánh vật với cái máy đánh chữ hiệu Underwood như thuở nào. Tôi rất mừng được đi khỏi. Xét cho cùng, tôi cảm thấy như đã thoát nạn một cách dễ dàng. Sau hết, thật tốt đẹp khi biết có cơ hội thoát khỏi gã Percy.

- Ông gửi Melinda một giỏ tình cảm đầy của tôi. - Tôi nói. - Và cũng đừng đi mua thêm cho mình một sọt phiền hà nữa. Có lẽ sẽ hóa ra chẳng là gì ngoài chứng nhức nửa đầu.

- Còn phải nói. - Moores đáp, và bên dưới đôi mắt bệnh hoạn, môi ông ấy nở một nụ cười. Một kết hợp gần như ma quái đáng nguyền rủa.

Về phần mình, tôi trở lại Khu E để bắt đầu một ngày mới. Có giấy tờ để đọc và viết, sàn nhà để lau chùi, có bữa ăn để dọn ra, một bảng phân công trực để soạn cho tuần sau, có hàng trăm chi tiết để xem xét. Nhưng hầu hết là chờ đợi - điều này thì trong trại giam luôn luôn thừa thãi, nhiều đến nỗi không bao giờ hết. Chờ Eduard Delacroix bước trên Dặm Đường Xanh, chờ William Wharton đến với cái môi cong cớn và hình xăm Billy the Kid, và trên hết, chờ Percy Wetmore cút ra khỏi cuộc đời tôi.