Tư Hường nói “anh có người bạn cũ thời kháng chiến, tên Bảy Quyền, tiện thể ghé thăm nó luôn”.
Muốn gặp được bạn, Tư Hường phải nhắn tin để xe ra đón vì họ ở sâu tận trong rừng. Đường khá khó khăn, ngồi trên chiếc xe zeep mà cứ nhảy giựt cà tưng suốt, lắm khi đi qua những hố bom còn to như cái ao. Vào sâu bên trong, tán cây rừng rậm rạp che khuất hẳn phía trên đầu, không khí âm u và ẩm ướt, chỗ này chắc là đã sát với biên giới tỉnh Kampong Cham rồi. Rừng Tây Ninh trải rộng qua tận CPC, có rất nhiều cây gỗ quý như căm xe, trắc, sao, dầu, giáng hương…Xung quanh muỗi bay vù vù, muỗi ở đây to như con ruồi, ruồi ở đây to như con ong… còn rắn ba sọc thì nhiều vô kể, nghe đồn vùng này có cả rắn hổ mang chúa dài hàng năm sáu mét.
Xe dừng lại trong tiếng tiếng chó sủa hỗn loạn, cả chục con chó, con nào con nấy trụi lủi, to đùng, nhe nanh rất dữ tợn, cũng may là chúng đều bị xích.
Giữa rừng già bỗng có một căn nhà gỗ to rất hoành tráng, có cả mấy chiếc xe zeep lùn nữa chứng tỏ nơi đây cũng khá đông người. Luật pháp VN cấm súng mà ở đây súng để lủ khủ trong góc nhà mấy khẩu, băng đạn sáng ngời ngời.
Bảy Quyền tóc dài đến vai, bộ râu quai nón rậm rạp, thân thể lực lưỡng, ông ta đúng là con hổ xám của rừng già. Cái ông ta mặc trên người không biết là cái gì nữa, nửa thì giống cái khố, nửa thì giống cái váy. Bên cạnh ông ta lại có hai người dân tộc đen thủi đen thui, cũng mặc đồ y như vậy.
“Tối hôm nay đốt đuốc lên để uống rượu, bạn cũ lâu ngày gặp lại phải uống cho thật say” – Bảy Quyền nói, giọng ông ta ồ ồ như tiếng gầm của gấu rừng.
Ông ta là gì nhỉ? Biên phòng, Kiểm lâm? Vua rừng, Chúa núi… cũng chẳng biết là gì nữa, có điều đây mới chính là những chủ nhân thực sự của núi rừng, của đất nước này, tài sản của họ không thể tính bằng tiền được, nó là cả những cánh rừng bạt ngàn, cả hàng hàng con người sinh sống trên đó. Có thể xem họ như là những lãnh chúa, là những kẻ hùng mạnh nhất trên thế giới này.
Bảy Quyền ngày xưa cũng ở Đồng Tháp Mười, ông ta biết Mười Trí khá rõ, có thể họ cũng làm ăn với nhau không chừng.
Rùa, rắn, thằn lằn núi được mang ra ê hề, rượu của Bảy Quyền là thứ rượu “Tam xà – Bìm bịp” chỉ cần ngửi hơi là đã muốn say rồi, vì thế nên chỉ sau vài tuần rượu là ai nấy đều ngà ngà cả, ông ta còn kêu mấy em dân tộc nhìn rất mặn mòi ngồi uống trong ánh đuốc bập bùng.
Bỗng Bảy Quyền đứng dậy, đã đứng tuổi mà bắp thịt ông ta vẫn còn cuồn cuộn săn chắc, nhìn kỹ thì thấy ngang lưng ông ta có đeo một sợi cà tha nhỏ. Bảy Quyền múa máy những động tác rất kỳ lạ, chắc là một thứ võ Miên gì đó… một trong hai tay dân tộc cũng đứng lên uốn éo múa theo, cảnh tượng nom thật ma quái. Mặt của tay dân tộc đỏ lừ như đang lên đồng, hai vai không ngừng lắc lư như nhịp sóng, eo hông đung đưa, đây hẳn là một thứ võ thần bí truyền hiếm thấy trên đời. Bảy Quyền còn kêu tay dân tộc lấy cái mác ra chém vài nhát vào lưng, tay, vai nghe chan chát như chém vào kim loại vậy, đây hẳn là thuật “vô kim” nổi tiếng của người Thổ, cái xứ “Rồng ẩn Cọp nấp” này quả là nhiều chuyện lạ.
Có điều mấy màn đó chỉ là khởi động cho vui thôi, khi xung quanh đã trở nên tối mịt mùng, đóm đóm bắt đầu bay lập lòe, người cũng đông hơn và rượu cũng nồng hơn thì mấy tay người Thổ mới khiêng ra một bộ trống gồm một cái trống lớn và ba cái trống nhỏ có chạm hình những vũ nữ ở bên hông nom rất kỳ ảo. Một người đen trùi trũi, râu nhọn lưa thưa bắt đầu dùng tay đánh trống dồn dập, nhìn anh ta xuất thần giống như người đang lên đồng vậy. Những âm điệu cổ xưa vang vọng trong màn đêm đen thẫm. Lúc đó thì mấy em gái cũng đứng lên biểu diễn những vũ điệu tuyệt vời chỉ thấy ở trong cung đình, đôi bàn tay của người vũ nữ uốn cong vun vút, bước chân uyển chuyển theo từng nhịp vỗ.
Không hiểu sao Bảy Quyền lại có được dàn trống Tapon này, đây là dàn trống Vua, dàn trống ra trận của đế chế Ăngko cổ, hẳn ông ta dùng dàn trống này để chinh phục những người Thổ, khiến họ trung thành theo ông vì sợ hãi những lời nguyền của bộ tộc?
Cuộc chơi đến hơn nửa đêm mới chấm dứt, mọi người đắm chìm vào giấc ngủ với những mộng mị đầy hư ảo, để rồi sáng hôm sau bừng tỉnh trong tiếng chó sủa inh tai. Bảy Quyền chỉnh tề trong bộ đồ “Tây” từ lúc nào, ông ta chẳng có còn cái vẻ “đường Thổ” gì nữa mà trở thành một người đàn ông lịch lãm, đầy bản lĩnh với quyền uy thực sự, ngay cả đến Tư Hường cũng phải dụi mắt ba bốn lần để nhìn cho rõ.
Đó là cái chuyện đã qua lâu rồi, còn bây giờ Tám Nghĩa đã ra người thiên cổ, đã về sum họp với ông bà ở đâu đó. Y hẳn đã bị ám ảnh nhiều về cái chết, có lần y đã kể về người mẹ già, bà đã khóc mù một mắt khi nghe tin về cái chết của những đứa con, và con mắt còn lại cũng tiếp tục mù nốt khi nghe tin Tám Nghĩa ra đi. Tám Nghĩa ra đi vì lời kêu gọi xếp bút nghiên tìm đường cứu nước. “chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo việc đao cung”
Y không bao giờ còn gặp lại người mẹ già nữa, sau này y chỉ nghe mọi người kể lại câu nói phều phào cuối cùng của người mẹ trước khi chết là câu hỏi “Thằng Tám nó về chưa?”. Chắc hẳn trước khi chết y cũng có nhớ về người mẹ già, và còn có thể nhớ về người vợ trẻ đã bỏ mạng ở Đồng Tháp Mười…
“…Ai về ngang, ai về ngang mảnh đất mến thân
Cho gửi lời về nơi ấy tình thương nhớ, nhớ thương không nhòa,
Ai về ngang Thiên Hộ Dương những đêm trời sáng
Đến nơi ấy mái tranh ấy
Lấp lánh đôi mắt trong xanh của nàng…”
Tám Nghĩa hẳn hiểu rằng cho đến tận cuối đời y chỉ là một dân đen không hơn không kém, một thứ dân đen “trên răng dưới giái”. Đất nước này đâu phải là của y, mặc dù y đã từng hy sinh vì nó, y không phải là kẻ mơ mộng, cái luận điệu bịp bợm gì đó để đưa cái mác dân đen lên thành “nhân dân” đâu có thể lừa được Tám Nghĩa, một kẻ từng sống qua bao thời kỳ loạn lạc. Y đã từ bỏ tất cả, chẳng cần gì hết ngoài chén cơm, cái tộ cá rô kho mặn… ăn trước khi chết để khỏi trở thành con ma đói, một bộ bà ba trắng mặc trước khi chết để khỏi trở thành con ma trần truồng. Cái quan trọng là y vẫn giữ được cái đầu, cái xứ sở này có quá nhiều con ma không đầu đi lang thang rồi, Tám Nghĩa hẳn là tự hào rằng mình là một con ma có đầu hẳn hòi, một cái đầu do người mẹ rặn ra trong cơn đau vật vã…
Cuối cùng thì cũng trở về mảnh đất ngàn đời, có khác là lần này lại có thêm một cái bọc giấy nữa. Bốn con người lại cùng ngồi vào cái bàn gỗ đơn sơ, Tư Hường thong thả mở cái bọc, có lẽ y đã đoán biết bên trong đó là cái gì.
Đó là một cái đầu, chính là cái đầu của pho tượng, hẳn là Tám Nghĩa muốn nhắc Năm Lành rằng ông ta vẫn còn thiếu nợ một cái đầu trên cổ, có điều y đâu có ngờ là ông ta chưa bao giờ mở cái bọc, không bao giờ mở cái bọc giấy đó.
Trong mớ giấy nhàu nát hiện ra một gương mặt tròn bầu, một gương mặt đàn bà tuyệt đẹp với đôi môi dầy gợi cảm, không phải là gương mặt vuông vuông của vũ nữ Apsara mà là một gương mặt khác hẳn – Một gương mặt của Phù Nam cổ.
Khi cái đầu được gắn lên thì vũ nữ đã hiện hình trong ánh nắng vàng hắt hiu của buổi chiều tà, cái ánh nắng lung linh dường như đã làm cho Vũ nữ Phù Nam sống lại… Tất cả, tất cả giờ đây chỉ còn là những đền tháp rệu rã, những pho tượng mất đầu, những chân tường sụp đổ, những bụi cỏ gai ngập tràn, xơ xác, hoang vu. Vương quốc đã sụp đổ, dân tộc đã tuyệt diệt, chỉ còn để lại cái điệu múa cổ trên những pho tượng nhỏ bé. Trong cái buổi chiều hôm ấy dường như tất cả cùng bị ảo giác, một dân tộc đang hồi sinh trở lại… Những kinh thành tráng lệ, những đền đài nguy nga lộng lẫy, những con đường ngựa xe tấp nập, những buổi lễ hiến tế uy nghi và rùng rợn… như hiển hiện ra trước mắt.
Rồi bỗng nhiên tất cả như ngập chìm trong biển lửa, ngập chìm trong những xác người. Những cuộc chém giết tàn bạo đã có từ ngàn xưa rồi, đó là vì trong con người luôn tồn tại cái bản năng hoang dại của loài động vật, cái bản năng cắn xé của sự sinh tồn. Chính vì thế có thể nói các tên độc tài không hề đào tạo ra các đao phủ, họ chỉ làm một việc đơn giản là trao cho chúng một lá cờ và một thanh mã tấu, để cho chúng tự phất lên và tha hồ đập phá, chém giết. Chiến tranh dường như là nguyên lý của sự sinh tồn, và máu luôn không ngừng chảy, máu phun lên từ những pho tượng cụt đầu, máu chảy thành sông, thành suối, thật là một ảo ảnh khủng khiếp trong tiếng kêu gào đòi nợ của những linh hồn…
Vũ nữ đã bắt đầu nhảy múa, đã bắt đầu uốn éo, hai chân dang rộng ra và lắc lư theo một nhịp điệu dồn dập, hai bên hông lúc thì nâng lên lúc thì hạ xuống, bụng lúc thì ưỡn ra trước lúc thì thót lại, hai tay dập dờn như sóng lượn, hiển nhiên đây không phải là vũ điệu của đế chế Ăngko rồi, một vũ điệu hoàn toàn khác.
Cái Vũ điệu tối cổ có sự khêu gợi đặc biệt, đánh thức cái bản năng gốc hoang dại, đánh thức cái hoài niệm anh hùng trong tiềm thức sâu thẳm của người đàn ông… Và Ba Cao cũng đã đứng lên rồi, y luôn mang trong người một hoài niệm tình yêu cháy bỏng, có thể vì thế mà y bị ma nhập trước nhất. Chắc là y đang nhớ về cô vợ vũ nữ, cái cô vợ đã bỏ y vĩnh viễn để theo một kẻ nào đó. Mặt Ba Cao đỏ rực, hai con mắt của y còn rực đỏ hơn thế, cái thân hình gày gò của y bắt đầu giựt giựt, chắc y nhìn thấy máu chảy hay sao mà bắt đầu rống lên, không phải y khóc mà là hát, một thứ giọng hát nghèn nghẹn của một dân tộc đau khổ và mất mát:
“…Ôi, bao năm rồi cách biệt…
anh ra đi vì đất Việt!
Thì dù xa xôi em nhớ rằng đừng tủi sầu,
Làng quê êm ấm đón anh về mình cùng nhau…“…/.