Mười Trí là tay tổ trong chuyện “đánh quả”, nếu không ngửi thấy ngon ăn thì đâu chịu bỏ ra ba cây cọc trước. Y nói tiếp “Bọn nó sợ bị cướp nên không chịu giao ở SG mà đòi hẹn gặp ở… Plâyku, có cơ sở của tụi nó trên đó” – “hẹn gặp chỗ lạ, tụi nó cướp vàng thì sao?” – “Chính vì thế tôi phải nhờ hai anh và thêm mấy thằng đàn em nữa, tổng cộng là sáu người” - “Thực ra vụ này tôi cũng không bỏ vốn hết, đã có một thằng đại gia chuyên đánh hàng từ đây đi Thái Lan, sau đó qua Âu chịu giá với tôi là bảy chục cây rồi, nếu chuyện này mà thành công sau khi trừ vốn, tôi sẵn sàng chia 1/3” – Y năn nỉ “ Đôi hươu này nghe nói được lấy ở một ngôi chùa cổ từ cái thời cải cách ruộng đất, bọn họ chôn giấu mãi đến bây giờ… chuyện này chắc ăn quá mà hai anh chỉ phải đi một lần duy nhất thôi”.
Trong mấy anh em nhà Tám Nghĩa thì Mười Trí tuy sinh sau đẻ muộn nhưng tỏ ra có tư chất đặc biệt hơn hết thảy, y không chịu đi theo nếp nhà, đó là trở thành những nông dân cần cù, chân chất, cam chịu cái kiếp nghèo. Ngay từ cái thời mông muội lẽo đẽo theo mấy thằng anh đi mò cua bắt cá ngoài ruộng, Mười Trí đã tỏ ra thích tách một mình riêng biệt… Lớn lên y chọn cho mình một con đường khác hẳn, đó là đi buôn gỗ. Thuở đầu y cũng chỉ là làm công, đi theo ghe buôn của ông LS… Do thông minh, nhanh nhẹn, lại chịu khó, Mười Trí dần dần trở thành cánh tay đắc lực, khi ông LS bị VM chặt đầu, y nhân cơ hội đó vươn lên làm “thầu khoán”. Trong lúc đám con cái LS run sợ hoang mang, bỏ của chạy lấy người, thì Mười Trí lúc đó mới hơn hai mươi tuổi, bỗng chốc có trong tay số gỗ quý mà LS vì rơi đầu đã bỏ lại, cộng với bản tính dám xông pha vào những nơi nguy hiểm mà kẻ khác không dám vào nên y giàu lên rất nhanh. Nghe đồn sau này y lại làm “ Chef section plantation de suzannah” trên Dầu Dây, có mấy đồn điền cao su rộng mênh mông.
Mười Trí giàu suốt mấy thời kỳ, lên tận khu Bàn Cờ ở SG xây biệt thự, y chỉ tạm lao đao vào cái thời cải tạo tư sản, tuy nhiên trong lúc mọi người sống dở chết dở thì Mười Trí nhanh chân phóng ngay vào chùa, biến hóa thành một thầy chùa tối ngày tụng kinh gõ mõ, mở miệng ra là niệm phật nên “trăm họa cũng đều qua khỏi”. Nhờ tài phép thần thông như vậy, nên bây giờ tuy đã đứng tuổi, thời thế vừa thay đổi y lại nhảy ngay vào những cuộc chơi vô tiền khoáng hậu.
Lần đi mua “hươu” ấy Tám Nghĩa viện cớ không hạp với Mười Trí nên không chịu tham gia, nhưng lại là chuyện cũng thằng em ruột nên không bỏ được, đành phải nhờ Tư Hường và ĐHC. Sáng hôm ấy cả bọn sáu người lên một chiếc Cá Mập thẳng tiến Plâyku, dọc đường Mười Trí còn rước thêm hai người lạ hoắc nữa. Một người bụng to, vai xệ, dáng khá sang trọng, người còn lại thì giống như vệ sĩ – Mười Trí giới thiệu cả hai là “đối tác”, bọn ĐHC cũng không tò mò dò hỏi làm gì. Xe đi đến Plâyku thì vừa chạng vạng tối, trời bắt đầu se lạnh, một bầy két xanh dễ cả ngàn con bay rợp trời, kêu vang inh ỏi, chẳng biết là điềm gì nữa…
Xứ Plâyku này cũng thật lạ kỳ, ở trên cao chót vót như vậy mà lại có một cái hồ nước mênh mông, về chiều nhuộm một màu xanh biếc. Mới xẩm tối mà thành phố đã có vẻ yên tĩnh, đám giang hồ đất Bắc quả là sáng suốt khi xây dựng căn cứ trên đây, một bên là núi rừng hùng vĩ, linh thiêng và bí ẩn, một bên là cái thị trấn cao nguyên nhỏ bé với vài con đường độc đạo, kẻ lạ mặt nào xuất hiện cũng dễ bề bị phát hiện.
Điểm hẹn là một biệt thự vùng ven, trên lưng chừng một con đường dốc, một quán bar hẳn hòi, từ đây có thể nhìn xuống thànhphố với nhưng ngọn đèn lung linh trong màn đêm huyền bí. Quán bar được thiết kế đúng chất Tây nguyên với những pho tượng nhà mồ ngồi trơ trụi, những gương mặt dân tộc ngơ ngác… Mười Trí tỏ ra quen thuộc với nơi này, y dẫn bọn ĐHC và hai tay “đối tác” lên thẳng tầng trên cùng, nơi đây có một căn phòng gỗ nhỏ và một cái bàn bida cực đẹp, một em “dân tộc” nhưng trắng nõn đang đứng bên bàn nở nụ cười xinh như mộng.
Mười Trí nói “bọn nó hẹn mười giờ tối nay lận, hãy còn sớm chán, anh em có thể nhâm nhi chút rượu và làm vài món đặc sản Tây Nguyên”.
Đây chính là cái đỉnh của “Les Hauts Plateaux du Sud”, chủ nhân của biệt thự này hẳn cũng là một tay trùm cỡ bự. Đặc sản TN thì có đủ kiểu, nhưng Mười Trí cho kêu món “mắm bồ-hóc” đựng trong ống tre mới thật là kỳ lạ. ĐHC đã từng được nếm món này của người M-nông, nó thật kinh khủng, đó là thịt còn sống, trộn với tiết, gan, ruột non, ruột già và muối ớt, nguyên một con nhái được “tái chín”, lần ấy vẫn phải cố gắng trợn mắt để nuốt và khen ngon… nhưng món của Mười Trí kêu lại là món “mắm Bồ-hóc Hoàng gia” của giới quý tộc thật sự. Khi cái ống lồ-ồ được mở ra, một mùi thơm ngào ngạt, nồng đậm khắp căn phòng nhỏ, không thể tưởng được trên đời này có một món ăn thơm ngon như thế… Mười Trí lại không uống rượu cần, y kêu một chai “Claude Chatelier” to đùng mà chủ nhân của ngôi biệt thự đã dành sẵn, uống bằng những cái ché Tuk đen sì, bóng lưỡng.
Đến giờ này thì Mười Trí mới chịu giới thiệu hai “đối tác”, tay đầu sói bóng, lùn lùn bụng phệ, có hàng lông mày dài thượt, nhìn cứ như tài phiệt Nhật Bổn chính là đại gia chuyên đánh hàng xuyên Việt, xuyên biên giới. Còn tay nhìn cứ như lính hầu lại còn ghê gớm hơn nữa, một tay tổ trong ngành khai thác mỏ quặng, y đang có tham vọng thâu tóm mấy mỏ quặng thiếc ở cái xứ “rừng vàng núi cũng vàng” này. Riêng Tư Hường thì được trân trọng giới thiệu là một chuyên gia bậc thầy về các loại đồ “tối cổ”.
Thời gian trên cao nguyên trôi thật chậm, rượu được vài tuần tay “chủ mỏ” bỗng nhiên nổi hứng rủ ĐHC đánh một cơ bida trong lúc chờ đợi. Có lẽ y bắt đầu thấy thích em dân tộc da trắng, môi đỏ, chân dài, zíp ngắn đang đứng mòn mỏi bên bàn nãy giờ. Tay “chủ mỏ” xem ra cũng là một tay cơ lão luyện, đường cơ của y “mướt rượt”, muốn gom là gom, muốn tan là tan, y còn rủ ĐHC đánh độ “chuyến này ra quân thắng lợi, về lại SG, ai thua độ này sẽ phải đãi một chầu từ A đến Z” – ĐHC cũng mong đánh thắng để về SG được y đãi một chầu xem thử cái Z của giới Đại gia có khác cái Z của giới Dân đen thế nào? Có điều phen này chắc là đại bại rồi, tay “chủ mỏ” xuất thân là “dân chơi Hải Phòng” thứ thiệt hay sao mà y càng uống càng tỉnh, càng đánh càng hay… đang lúc căng thẳng thì bỗng có một bàn tay vỗ lên vai ĐHC “để anh đánh giúp chú cơ này, trời đang lạnh mà sao chú đổ mồ hôi ghê thế?” bất giác nhìn lên thì mới biết chính là tay chủ quán bar đã ra chơi, nói chuyện với Mười Trí và Tư Hường nãy giờ. Y nhìn ĐHC chằm chằm, trên cái bản mặt lỳ lỳ lại nở ra một nụ cười tươi tắn… ôi chao, chính là đàn anh Sáu Đá đây mà…
Sáu Đá vốn là một tay cơ “có tiếng”, nhưng có nhiều chuyện y còn có tiếng hơn nữa như “buôn ma túy, bảo kê, cờ bạc…”. Tuy nhiên tầm cỡ y không thể nắm một cơ ngơi cỡ này, hẳn sau lưng còn có một “ông kẹ” nữa. Sáu Đá thuộc loại “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, chỉ thích tiền và mê gái nhưng y cư xử với đàn em cũng rất sòng phẳng nên đám “giang hồ mồ côi” theo về rất nhiều, có lẽ vì điều này mà một “ông kẹ” nào đó đã cho y trông coi chỗ này. Sáu Đá ở đây thì chắc Hanh Già cũng đang ở đâu đó, hai tên vốn dĩ là một cặp bài trùng trong nghề cờ bạc, hiển nhiên trong các căn phòng của ngôi biệt thự này phải có một sòng bạc cỡ lớn và Hanh Già đang trực chiến ở đó.
ĐHC biết Hanh Già đã lâu lắm rồi, đã là cái quá khứ cũ ca cũ kỹ, y nhìn già như người tiền sử, được cái mày râu nhẵn nhụi, quần áo lúc nào cũng bảnh bao. Lần gặp sau cùng cách đây khá lâu, lúc đó Hanh Già đang trụ ở đường HP, nơi có khá nhiều sòng bạc, y ăn ngủ hầu như suốt ngày trên chiếu bạc, vừa chơi vừa cho vay, cầm đồ, còn phần bảo kê và thu xâu là Sáu Đá.
Sòng bạc nằm trong một con hẻm sâu tít, trong đó có mấy tụ đang đánh sập xám, một tụ đánh tứ sắc của mấy em ca-ve. Hanh Già cũng mê gái không khác gì Sáu Đá, đâu phải ngẫu nhiên mà y ham thích cờ bạc, nơi đây hầu như là đầy gái đẹp, mà các em này khi máu cờ bạc nổi lên, đánh thua rồi thì…muốn gì cũng được.
Hanh Già nói “dạo này thua quá xá, hay ông kiếm việc gì cho tui làm, như đi giao hàng hay nhận hàng chẳng hạn” – Hanh Già có vẻ muốn thăm dò nhiều chuyện, có khi y cũng là ăng-ten không chừng - “tôi đâu có việc gì mà giao hàng nhận hàng? Đang tính nhờ ông truy dùm cái xế của một người bạn mới bị mất ở khu này” – “bây giờ vụ này khó tìm lắm, con girl của tui đang thua cháy túi, hay ông cho nó ít tiền chơi tiếp đã”.
Đó hẳn là một điều kiện của sự nhờ vả… một điều kiện của bạn bè trong chốn giang hồ.
Con girl của Hanh Già nhìn mặt mũi trắng trẻo, bàn tay thon thả, chắc xuất thân cũng con nhà đàng hoàng nhưng đua đòi ăn chơi mà vào chốn này cho thỏa sức quậy, đó là do mấy em tự nguyện chứ mấy khi có ai ép buộc? Mỗi khi xong một “chến bạc” là mấy em thua chửi thề tá lả, một em văng miệng “đ..má, nãy giờ quên mất để bài ngay l… nên xui xẻo quá…”.
Giang hồ là nơi hiểm ác, không có tình người, chớ dại dột mà bước chân vào chốn này.
Sáu Đá đứng ngay cạnh cô bé dân tộc trắng nõn, lúc đó nom y thật giống con đười ươi hơn cả. Con đười ươi cầm cây cơ nom thật lão luyện, y mà đánh cơ này thì tay “chủ mỏ” thua là cái chắc rồi… có điều tay này sao không có ý kiến ý cò gì, y còn rót một ly “Claude Chatelier” đỏ quạch nốc cạn?
Hiển nhiên bọn này biết nhau rồi.
Cái món “Billard France” này có nhiều chiêu rất khó, Sáu Đá nổi tiếng là tay “cơ kéo”, khi hai trái bi nằm ở sát hai góc bàn, trái bi còn lại nằm tuốt ở phía bên này, thay vì phải đánh cú “a-bank” thì mới có thể trúng thì y lại đánh cú “dètro” kéo giựt cả ba trái bi gom về một tụ, cái chiêu tuyệt kỹ này không phải ai cũng có thể làm được.
ĐHC bất giác nghĩ về tay “chủ mỏ”, tay mafia Hải Phòng thuộc vào loại cộm cán này đâu phải ngẫu nhiên lại có mặt ở đây? hơn nữa vài chục cây vàng cũng còn bọt bèo lắm, chưa đủ mãnh lực để Mười Trí phải quy tụ một bọn đông đảo như thế lên tận nơi này, hẳn đằng sau phải có thêm chuyện gì nữa…
Quả nhiên khi con đười ươi nhẹ nhàng để tay đánh một đường tuyệt kỹ thì cửa phòng bỗng bật mở, phía dưới đi lên hai con người.
Là hai người đàn bà.
Thời buổi bây giờ những người đàn bà phải bươn chải làm ăn như đàn ông có vẻ hơi bị nhiều, họ là những “business woman” của thời đại mới. Công việc tạo cho họ cái phong cách tự tin và đĩnh đạc, nhưng không phải ai cũng giữ được cái nữ tính thiên phú. Thoáng nhìn cũng có thể nhận biết hai người mới vào không phải tầm thường, một người mặc cái đầm màu đỏ, cái áo khoác ngoài cũng màu đỏ, nom rực rỡ như đóa hoa Hải Đường, người kia lại mặc nguyên bộ đồ màu đen, cổ choàng một cái khăn trắng tạo nên một sự tương phản rất đặc biệt.
Sự xuất hiện của hai người này tạo cho căn phòng có vẻ trở nên trang trọng. Sáu Đá vội đánh nốt cơ cuối cùng, khi hai mệnh phụ này xuất hiện thì tay “chủ mỏ” đâu còn quan tâm đến ván đấu và ĐHC nữa, y tỏ vẻ khá săn đón hai người đàn bà này.
Bọn họ vội rủ nhau đi, kéo theo cả Mười Trí, ở cái xứ sở này làm ăn lớn thì tất phải mafia, chẳng có doanh nghiệp nào dám vỗ ngực xưng tên là mình trong sạch, tất cả bọn họ đều biết nhau quá rõ. Điều này cũng phải thôi, sống trong môi trường nước mặn thì cá bắt buộc phải là loài cá nước mặn. Hiển nhiên bọn Mười Trí đang cần huy động nhiều tỷ để củng cố thêm thực lực và để thâu gom các khu mỏ. Mối duyên giữa Quyền lực và Tiền bạc là một cần thiết hàng đầu của những thương vụ lớn.
ĐHC thong thả rửa tay ở cái bồn rửa cổ điển tuyệt đẹp, tấm gương được chiếu đèn sáng ngời ngời, dòng chữ “pour l’amour de moi” được trang trọng khắc theo kiểu chữ gothic, mạ vàng óng ánh – chủ nhân nơi này tỏ ra tinh tế trong từng chi tiết kiến trúc nhỏ, những nhà tư bản mặc áo khoác đỏ này bắt đầu tập tành thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, bắt đầu đặt bàn chân nông dân sần sùi, thô ráp vào tấm thảm của sự quý phái.
Khoảng hơn mười giờ thì Mười Trí quay lại, y nói “bọn ngoài Bắc bị “chèo” theo dữ quá nên đổi địa điểm gặp ở Tây Ninh, bây giờ ta phải xuống đó trước, đến nơi thì bọn nó sẽ hẹn cụ thể sau”. Việc hẹn đi tới đi lui này làm Tư Hường có vẻ bực dọc, nhưng đã lỡ hứa giúp rồi thì cũng không bỏ được. Y tuy tài thật đấy nhưng trong thương trường thì cũng chỉ là con gà con so với con diều hâu Mười Trí.
Xe khởi hành ngay trong đêm cao nguyên giá lạnh và sao trời lấp lánh. Đường xuống dốc thật quanh co, một bên là vách núi sừng sững, một bên là vực núi sâu hun hút, băng đèo giờ này thật nguy hiểm nhưng thời gian đòi hỏi phải như vậy. Đến Tây Ninh thì mới hơn tám giờ, xe tạm ghé vào một quán ven đường để ăn sáng, nơi đây có một món ăn khá nổi tiếng là “bánh canh trảng bàng”, là món bánh canh giò heo ăn với nước mắm nhỉ có thêm chanh, ớt…
Ngày xửa ngày xưa, cái vùng đất “Pare aux éléphants” này chỉ có rừng rậm và thú dữ, những trảng bàng lác mênh mông, thủ phủ của một vương quốc đã bị tiêu diệt là Thủy Chân Lạp, bây giờ thì nơi đây đã trở thành những đường phố sầm uất, Thánh địa của đạo Cao Đài. Đó là một tôn giáo dung nạp nhiều nguồn tư tưởng với ý định tối cao là “hòa đồng tôn giáo”. Đối với con người, chấp nhận một cái gì đó giống mình thì quả là một điều dễ dàng, chấp nhận một cái gì khác hẳn mình thì mới là điều vô cùng khó, đúng ra chính điều đó mới thực sự gọi là “Sự Chấp Nhận”. Vì thế cuối cùng thì “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” cũng bị chia rẽ không kém gì các tôn giáo khác. Ai là người đam mê cầu cơ thì cũng biết Đạo Cao Đài được khai sinh bởi Cơ Bút và giảng truyền chân đạo, những kinh điển, nghi thức cúng kiến, những áng thi văn dạy Đạo được lưu truyền qua nhiều thế hệ, từ đông sang tây cũng đều qua Cơ Bút. Tòa Thánh Tây Ninh là một nơi rộng mênh mông, tôn nghiêm và ít người lạ lảng vảng,ngay cả đám hình sự cũng ít bén mảng nên bọn bán đồ cổ quyết định dùng nơi đây để làm chỗ gặp mặt.
Bọn giang hồ đất Bắc này rất nguy hiểm, nhất là đám nhỏ tuổi, sẵn sàng “nổ” vì bất cứ chuyện gì. Nhiều thằng miệng búng ra sữa nhưng tuyên bố xanh rờn “Đời dân chơi không cần sai hay đúng, chỉ cần biết dùng...súng là Ok”
Mỗi con người được sinh ra ở một miền nào đó, dù muốn hay không họ cũng mang dấu ấn đậm nét của xứ sở đó. Nếu nói về sự liều lĩnh và tàn bạo thì không đâu bằng đám giang hồ xứ Nghệ, có điều trong bọn này ai cũng muốn xưng hùng xưng bá nên ít kết với nhau mà thường hoạt động lẻ tẻ nên không thể mạnh được. Thế nên các băng đảng cộm cán nhất bao giờ cũng thuộc về hai vùng đất Cảng và đất Mỏ, họ hành sự có tổ chức và quy củ hơn nhiều, đặc biệt là trong đó còn có cả những thành phần được cho là “cao” trong xã hội. Mười Trí muốn vươn cái vòi bạch tuộc về đất Bắc thì không thể không quan hệ với bọn này, hơn nữa bây giờ giàu nhất, quyền lực nhất chính là các nhà tư bản áo đỏ, không làm ăn với họ thì làm ăn với “thằng đếch” nào nữa?
Ba thằng đi theo Mười Trí tuy thuộc vào loại “gà đá không chạy” nhưng đều dốt đặc cán mai, nói năng, cư xử bát nháo chẳng ra làm sao cả… phen này mà lỡ có đụng độ thì thua là cái chắc. Tuy vậy chứ trong bọn cộm nhất vẫn là Tư Hổ, y từng đâm chết một tay cớm chìm nên bị truy nã, trốn qua TQ. Một thân bơ vơ, không hề biết tiếng bản địa mà vẫn sống sót được cả chục năm, thậm chí trở thành dân anh chị luôn, sau này trở về VN bị “tó” lại, vừa mới bóc xong hơn chục cuốn, bây giờ trở thành đàn em tin cẩn của Mười Trí.
Chờ đợi, căng thẳng và phòng thủ như vậy, có điều làm gì có cuộc đụng độ nào? bởi vì tất cả đều cùng một phe cả, đó là phe Mười Trí.
Cái xảo thuật dàn cảnh công phu như vậy của y cũng chưa phải là lần đầu, nhưng vẫn thành công vì lòng tham của con người là vô bờ bến. Sau này Tư Hường mới thố lộ một điều, đó là khi nhìn thấy cặp “Tỳ hươu” y đã vô cùng kinh ngạc – Bởi vì trong một cuộc triển lãm ở Paris đã từng thấy một cặp tương tự - Y cũng không thể đoán được đâu là thật đâu là giả nữa. Ngay cả đối với “Truyền Quốc Ngọc Tỷ” cũng vậy, nghe đồn là của Thái Hậu Dương Vân Nga dâng cho Lê Hoàn, một viên ngọc Lưu Ly bảy màu sáng chói trong đêm, viên này cũng từng được trưng bày tại Paris, thế thì cái viên còn được lưu giữ ở làng “Hộ Ngọc” đó là viên gì?
Thôi thì suy nghĩ nhiều mà làm gì, bởi vì cuối cùng thì ai cũng thắng cả - Mười Trí bán được cặp “Tỳ hươu”, một món đồ cướp được từ trong chùa của một thời mông muội – Tay “đối tác” nhìn cứ như tài phiệt Nhật Bổn rồi cũng sẽ thắng lớn, Tư Hường, ĐHC, đám giang hồ đất Cảng… tất cả cũng đều có phần cả, thế thì còn suy tư làm gì nữa? thời buổi này phải biết bắt tay nhau mà sống chứ?
Ấy thế mà vì việc này Tám Nghĩa lại đánh giá Tư Hường là “không có cái đầu”? – Y đúng là kẻ bảo thủ thật.
Tây Ninh là nơi có rất nhiều cao nhân ẩn sĩ, họ tu luyện trong các hang động trên núi Bà Đen (Điện Bà) hoặc những ngọn núi khác như núi Cậu, núi Phụng… Họ thờ “Mẹ Linh Sơn Thánh Mẫu” – Bà Chúa Núi, Thần Hoàn Bổn… Họ sống một cuộc đời thanh hàn, những cao nhân này có khả năng đoán được quá khứ vị lai… Họ cũng có luyện bùa phép để cứu nhân độ thế
Có một câu chuyện kể là khi Sư phụ của thầy Hai mất (Thầy Sáng), người có ngôi mộ ở phía sau chùa Ông trên núi Cậu, có để lại cho một đệ tử là Cô Tư Châu một chiếc khăn phép và một tấm hình dặn là ông còn một người đệ tử thứ 9 nữa, nhưng chưa từng gặp mặt.
Mấy chục năm sau, trong một lần tình cờ Bà Tư Châu gặp một bà bạn thân thường kể chuyện không hiểu sao hay nằm mơ thấy một ông già mặc áo đen đưa cho mình một tấm hình và một chiếc khăn phép, Bà Tư Châu mới nhớ lại chuyện cũ và lấy chiếc khăn và tấm hình đưa cho người này – Như vậy thầy Sáng đã tìm được người đệ tử cuối cùng, đó là Bà Chín, nay cũng đã già lắm.
Thầy Sáng có xây một ngôi chùa ở Giồng Ông Tố, cách đây hơn 60 năm vùng này còn rất nghèo và ít người. Lúc đó ông đã nói sau này, nơi đây sẽ rất sầm uất, bây giờ thì nơi này đã là quận 2 của SG và đang là khu đô thị mới phát triển mạnh mẽ