Đó là nơi chỉ có biển xanh và mây trắng…
Cái cảm giác thật bềnh bồng khi bạn đi trên con đường dốc cheo leo qua đỉnh đèo, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm sâu hun hút, xa xa là biển cả xanh rì, đường núi gập ghềnh và mây mù bao phủ… thật tuyệt vời, lung linh huyền ảo, nơi nào cũng có gió thổi lồng lộng… gió thổi xuyên qua vách đá, gió thổi về từ biển, gió thổi đến tận chân trời, gió từ tâm hồn con người bay khắp nơi nơi… Hơn 6 thế kỷ trước, vùng đất này thuộc vương quốc Chămpa, vua Chămpa là Chế Mân đã cắt 2 châu Ô, Rí làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân… đấy có lẽ là khởi đầu cho sự mất đi của cả một đế chế. Trên từng viên gạch đổ, dưới từng chân tháp vẫn như còn đọng lại những giọt nước mắt của một dân tộc đã tự mình tuyệt diệt.
Từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan này đi về phía bắc là có thể đến tận ải Nam Quan, còn đi về phía nam sẽ đến tận mũi Cà Mau… dù đi đâu về đâu thì cũng phải có tình em chỉ lối, ngay cả đến đại gia N.K. mà cũng còn phải như vậy nữa là…
Đại gia N.K. sợ đi máy bay, trừ những trường hợp buộc phải đi Âu, đi Mỹ… còn thì ông ta khoái đi bằng chiếc Lancruise hai cầu hơn cả.
Lần đi xuyên Việt ấy ông ta còn dẫn theo một cô bạn thật đặc biệt, da ngăm ngăm, mắt to to, không đẹp lắm nhưng có giọng ca hay tuyệt, và hay nhất là ca “xẩm chợ”. Cái tên cô ta cũng chẳng giống ai, “Tiêu Thu Thu”, một cái tên có vẻ rất Tàu.
Tiêu Thu Thu mặc một cái quần bó, chân đi đôi bốt, cái áo màu đỏ chóe, xẻ cổ thật rộng, để lộ ra một phần đôi gò bồng đảo và cái lạch đào nguyên thơ mộng.
Đôi môi cô ta sơn đỏ còn hơn cái áo, nhìn một hồi ĐHC bất giác thầm nghĩ “ả này mà lên đồng thì hết chỗ chê”.
Tiền chảy về túi đại gia N.K. càng ngày càng nhiều, riêng cả trăm mẫu cao su ở Bình Phước cũng đủ khiến ông ta phải sắm hai cái máy đếm tiền mới xuể. Đó là chưa kể cả trăm căn nhà, biệt thự ở mấy khu dân cư cao cấp mới mở. Họ là những con người vĩ đại đẻ ra những dự án vĩ đại và từ đó hàng tỷ tỷ tiền chảy về như thác đổ. Ông ta lại cho xây hẳn một trang trại nuôi heo mọi để dành ăn thịt, vì “thịt heo bây giờ toàn dùng thuốc tăng trưởng, ăn vào chết lúc nào không biết”.
Muốn ăn thịt bò có khi ông ta ngả cả một con bò.
Sự mơ mộng của ông ta lại càng không còn giới hạn, ông thuê cả KTS thiết kế cho mình một cái lăng thật hoành tráng, thật kỳ vĩ, có lẽ ông muốn ướp xác mình như các vĩ nhân?
Thiên nhiên dù có tươi đẹp, hùng vĩ tới đâu, núi có cao tới đâu và biển có mênh mông như thế nào thì cũng sẽ chẳng là gì nếu đi bên anh không có người đàn bà, mà nhất là một người đàn bà trên cả tuyệt vời…
Trên đời này có một người như thế…
Khi Tiêu Thu Thu ngồi yên lặng nhìn ra biển, nom cô ta thật gợi cảm, thảo nào mà tuy có biết bao người đẹp vây quanh nhưng Đại gia N.K. lại si mê cô ta hơn cả...
Trên dốc đá này, ai ngồi có lẽ cũng biến thành đá, nhưng Tiêu Thu Thu ngồi thì lại làm “đá biến thành người”.
Nơi đây là bờ biển Bình Thuận, là vùng đất nghìn năm lộng gió, vùng đất của những đồi cát vàng ngút ngàn, chập chùng đến tận chân trời, của những hàng cây sừng sững trong cái nóng khát khô, rực lửa. Vùng đất của những dốc đá trắng đầu kỳ ảo chìm trong làn sóng biển mênh mông, của những con thuyền thúng nhấp nhô trong nắng và những giọt mồ hôi mặn lấp lánh trên bàn tay chai sạn. Ở đây có một thứ mà Tiêu Thu Thu rất thích, đó là xương rồng. Trên những triền cát cháy bỏng từng bụi xương rồng gai góc vươn cao, cao vút, chúng không gục ngã mà lại còn trổ hoa đỏ rực, cô ta có thể ngồi hàng giờ để ngắm những bụi hoa xương rồng như thế.
Chiều từ từ buông xuống, biển chuyển màu tím rịm, bầu trời chuyển màu tím sẫm, không gian đen thẫm và lúc đó gương mặt của Tiêu Thu Thu bỗng bừng sáng lên ngời ngời. Nàng cất tiếng ca:
“…Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
…Anh ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu…”
Khi chọn Tiêu Thu Thu thì Đại gia N.K. quả là có một con mắt tinh đời, một tầm suy nghĩ hơn người, đâu phải ngẫu nhiên mà ông ta trở nên giàu có như thế?
Nhưng khi ông và ĐHC cùng đứng bên cái giếng, một cái giếng đã được xây lại thật to, thật đẹp, thì miệng của ông ta lầm bầm, chắc đại gia N.K. đang nguyền rủa kẻ nào đã nhanh tay xây trước. Từ khi quá giàu có, no nê thì đại gia N.K. cũng nghĩ đến chuyện phải nôn ra chút ít để làm từ thiện… và hiển nhiên bực nhất là có kẻ lại nhanh tay hơn, làm trước.
“Ông Bác sĩ đã ghé thăm, ông cho sửa sang lại chùa, nạo vét và làm giếng rộng hơn, chắc chắn hơn” – Một nhà sư nói như thế. Cái giếng này cũng lạ, nó không tròn mà lại có hình vuông, nhìn xuống muốn chóng cả mặt.
Bên cạnh ĐHC còn có một người nữa, đó là Đồng Đen.
Y sống khá lâu bên Miên nên nói tiếng bản địa rất rành.
Y tóc quăn tít, đen trùi trũi, cao sừng sững, ngực nở, vai rộng, mặc hờ hững một cái áo đen, quấn một cái xà-rông ngang bụng, cơ bắp cuồn cuộn cứ như là pho tượng đồng vậy. Nếu trên đời này Huyền Hòm có một đối thủ thì người đó chắc chắn phải là Đồng Đen.
Y cũng đứng sát bên thành giếng, mặt lạnh như đồng.
Đây là đất nước của những cánh rừng thốt nốt bao la đến mức bạn đi mãi, đi mãi mà vẫn chỉ thấy phía trước toàn thốt nốt và thốt nốt… có những vùng hoang vu đến mức khi đi trên những con đường mòn nhiều ngày bạn có thể chẳng gặp một bóng người nào… và chắc chắn là khi bạn vừa mệt vừa khát sẽ chỉ mơ thấy những ma rừng, quỷ núi… Bạn sẽ sải từng bước chân qua những thị thành sầm uất, những khu chợ đông người, và qua những vùng đất thật hoang tàn…
Khi Đồng Đen còn là một chú bé y đã đi lang thang nhiều nơi, cuối cùng trụ lại ở chân cầu Chba-OmPau, còn được gọi là “cầu Sài Gòn” bắc ngang sông Basac ở Phnom Penh. Y làm đủ thứ nghề như bán cà-rem, bán kẹo kéo, thợ mộc, thợ hồ,… sau này chuyển qua buôn ghe chở trái Nhàu mang từ VN qua. Đồng Đen kể y có nhà ở Bác Đai, thậm chí còn có một cô vợ nữa. Một gã khổng lồ như Đồng Đen đâu có thể chỉ làm cái nghề “buôn trái nhàu” tầm thường này, hẳn còn làm nhiều việc khác, chính vì thế y mới trở thành “bạn” của ĐHC.
Y là người dẫn đường cho xe của đại gia N.K. qua biên giới, qua những con đường đầy sình lầy với những ổ gà, ổ voi to lớn, qua những cánh đồng xám xịt bạt ngàn lâu lâu mới thấy bóng người, qua những nhà sàn xiêu vẹo để đến được ngôi chùa cô đơn trong một buổi hoàng hôn vàng vọt.
Việc làm giếng và sửa chùa không thành, Đại gia N.K. có vẻ buồn buồn, sau khi cải táng cho nhà sư yểu mạng Chau-Bona-Rutsa, ông ta cùng Tiêu Thu Thu đi Thái Lan… Còn ĐHC và Đồng Đen theo đường tắt từ Tà-keo đến phà Neak-Lueng, qua phà là tới Kandal, một nơi tập trung khá đông người Việt.
Người Việt và người Miên bây giờ sống chan hòa chứ không còn sợ cái nạn “cáp-duồn” như hồi xưa nữa, nhưng nói vậy chứ cũng đừng dại mà mò vào mấy Phum, lỡ gặp đám tà sư có thể bị “thư” chết bất tử hay điên khùng.
Đồng Đen có vẻ được kính trọng ở khu Chợ Mía dưới chân cầu Chba-OmPau này, từ già đến trẻ ai gặp y cũng chào. Y bỗng nói “Ông đã từng nghe Mười Hổ còn có một nữ đệ tử?” – “tôi cũng nghe đồn như thế, hình như là bà Chín V thì phải.” - “Bà ta ở đây, là trùm của khu chợ này, chủ nhân của những tiệm vàng ở đây, nhưng không phải là bà Chín V, mà còn ghê ghớm hơn nhiều. Tôi không biết có nên dẫn ông đến gặp bà ta không, người đàn ông nào lọt vào mắt của bà ta thì đều sẽ si mê bà ta – trở thành những tên nô lệ”.
Buổi tối hôm đó Đồng Đen dẫn xuống khu Coi-Prekliep bên dòng Tonle-Sap uống rượu với món “Bò-Hóc-Lin”, một đặc sản của người Miên, nôm na là mắm cá trèm xay nhuyễn với thịt heo bằm, cà dòn, cà săn, cà chua, cà tím, gừng tươi, chuối chát …chấm với lá đinh lăng được y ca tụng là bổ dương tuyệt đỉnh. Có khá nhiều người biết y ở đây, hiển nhiên y không thể là “thằng buôn nhàu” tầm thường được. Khu Coi-Prekliep này rất nhiều cô gái làm nghề “tiếp thị rượu”, đủ cả Việt, Miên, Thái, Lào, thậm chí có cả mấy em mặc Kimono của người Nhật tiếp thị rượu Sa-kê… mỗi em đều cố “khoe hàng” một kiểu. Nếu may mắn thì còn được xem mấy em múa điệu “Nâm-thol” và biểu diễn đánh trống Râm-vung rộn rã. Ở nơi này tiền bạc là thượng đế, tiền bạc có thể mua được tất cả, từ một trinh nữ cho đến một Pi-âm. Khi rượu ngà ngà Đồng Đen mới thong thả kể về Mười Hổ và người nữ đệ tử… xem ra y biết hơi bị nhiều…
Theo Đồng Đen thì Mười Hổ có khá nhiều đệ tử, nhưng được biết đến thì có Lâm Dơi, Thạch Holk, Huyền Hòm và Sơn Cẩu… Lâm Dơi là kẻ có sức khỏe vô địch, tàn bạo nhưng dốt đặc, không biết chữ, hùng trấn ở Châu Đốc. Còn Thạch Holk sau này trốn đâu mất, nghe đồn y lên núi tu hành sám hối. Huyền Hòm cao lớn dị thường, trước đây làm thợ rừng, chuyên buôn lậu gỗ từ Miên về VN, sau này phụ trách công trường khai thác đá, là kẻ rất trung thành với Mười Hổ. Sơn Cẩu lúc nào cũng là con chó dữ săn mồi, nghe như em cùng cha khác mẹ với Mười Hổ, chuyên buôn hàng cấm bằng đường thủy, có tài phóng dao như chớp nhưng chỉ là lời đồn thổi chứ chưa ai được thấy tận mắt, nên được đánh giá là kém cỏi nhất. Cuối cùng là một người đàn bà đang ở đây, bà này về bùa ngải nghe nói không thua gì Mười Hổ, ngày mai nếu ĐHC có đủ gan y sẽ dẫn đến diện kiến.
Sáng hôm sau cả hai kéo ra khu chợ ăn món bún mắm Bò-hóc, người Miên gọi là “mum-bò-chóc” ngon đặc biệt. Chủ yếu là từ quán này có thể nhìn thấy tiệm vàng, nơi mà mỗi buổi sáng bà đệ tử của Mười Hổ thường ra ngồi.
Bà ta được mọi người gọi bằng một cái tên rất đẹp “Ngọc Quan Âm”.
Khi ánh nắng vàng bắt đầu chiếu xiên xiên, Đồng Đen đã ăn hết hai tô bún và cả chục chén chè bí, một loại chè làm bằng bí đỏ, rất phổ biến của người Miên. Tuy nhiên, nếu lỡ vào mấy Phum, phải rất cảnh giác với đồ ăn và nước uống, vì ở xứ này có một tháng gọi là tháng “thử thuốc”, người nào xớ rớ ăn phải đồ ăn của mấy thầy bà pháp sư vào tháng này sau vài ngày có thể “đi đứt” như chơi. Thông thường họ hay “thử thuốc” vào tháng bảy âm lịch, nhưng cũng có khi họ đổi qua tháng khác, vì thế nếu là người lạ mặt thì nên cẩn thận.
Chờ mãi, chờ mãi, khi mặt trời đứng bóng thì bà ta cũng xuất hiện.
Không gì có thể diễn tả được vẻ đẹp của Ngọc Quan Âm, một làn da trắng muốt, nuột nà như nhung, như lụa. Gương mặt nom giống phật bà không thể tả, đôi mắt thật là dài, hai hàng lông mày thanh mảnh, đúng là cặp “mắt phượng mày ngài”. Đôi môi đỏ thắm với sống mũi dọc dừa thanh mảnh, hai lỗ tai mới thật là “tai phật”, dái tai dài và thật đẹp, cái cằm lại chẻ đôi nom thật kiêu sa.
Điều đặc biệt nhất ở bà ta là mập, mập kinh hoàng, dễ phải đến hai tạ là ít. Một gương mặt tuyệt đẹp như vậy mà lại cắm lên cái thân hình phì nhiêu như thế thì thật là kinh ngạc.
Bà ta nom không khác gì một con gấu trắng, một con gấu to lớn dịu dàng ngồi trên một cái ghế bành khổng lồ. Bà choàng trên người một chiếc khăn thêu mỏng manh lấp lánh ánh vàng, có thể đó là chiếc khăn “Kà-ma” huyền thoại của những pháp sư Kh’mer, choàng hờ hững vậy nhưng không một thứ bùa phép hay tà thuật nào xâm nhập nổi.
Đồng Đen sừng sững như thế mà bà ta không thèm nhìn đến, lại chăm chú nhìn ĐHC mới thật là kỳ, bất giác nhớ lại lời Đồng Đen nói “người đàn ông nào lọt vào mắt của bà ta thì đều sẽ si mê bà ta – trở thành những tên nô lệ” mà rùng mình kinh sợ. Tối hôm qua y còn kể đã có rất nhiều người vì mê gương mặt đẹp, mê túi tiền mà về sống với bà ta, chỉ sau một thời gian là thân tàn ma dại, thậm chí có người còn lăn ra chết. Thiên hạ đồn rằng bà ta luyện “Hấp tinh đại pháp”, một công phu bí truyền của các vua chúa Trung Hoa thì phải. Sau này nó được lưu truyền ra bên ngoài và những kẻ lắm tiền nhiều của muốn trường sinh bất lão đã luyện nó. Ở miền Tây có nhiều gia đình quá nghèo khổ đã mang con gái mình đi “bán trinh”, vô tình họ bán con mình cho một tay Pháp sư Đài Bắc trong vài tháng để lấy tiền trả nợ. Tên này sau khi phá trinh cô gái để đả thông huyệt đạo, dùng công phu dẫn khí chạy vòng quanh kinh mạch nhâm, đốc, sau đó nhét một trái táo khô (táo Tàu) vào âm đạo cô gái. Trái táo khô có đặc tính hút ẩm rất mãnh liệt, liên tục không ngừng hút tinh khí của cô gái trẻ. Mỗi ngày tên Pháp sư lại lấy trái táo ra ngâm rượu uống, thay trái táo khác vào đồng thời nhiều khi cũng trực tiếp hút tinh khí của cô gái mỗi đêm… Sau vài tháng khi cô gái trở về với gia đình thì đã như một bộ xương khô, một cây đèn đã hết dầu, dù gia đình thuốc thang chạy chữa đến mấy cũng không cứu được và cô gái đã chết không lâu sau đó vì bệnh suy tủy, nhưng không có bằng chứng gì để có thể buộc tội tên pháp sư được. Tên này đã giết khá nhiều cô gái ở miền Tây bằng cái cách như thế để duy trì sự trường thọ “sung mãn, trẻ trung” trên cái chết của đồng loại. Đối với đàn bà thì chuyện này còn dễ dàng hơn vì cơ chế của họ mang tính hấp thụ nhiều hơn, vì thế công phu trở nên đơn giản. Người đàn bà sẽ luyện những bí quyết “Hấp tinh đại pháp”và dùng cái khả năng thiên phú hút tinh lực của đàn ông để trẻ mãi không già. Người đàn ông sẽ được săn sóc tẩm bổ thuốc thang thật mập mạp, to khỏe, nhưng cũng như cây cao su, sau một thời gian bị hút nhựa sẽ mục ruỗng và phải chết.
Trên đời này không ngờ lại có một thứ công phu kinh khủng như vậy.
Nhưng bà ta lại có “bùa yêu”, ai mà bị bà ta chấm rồi thì đố mà thoát được.
Tia mắt của Ngọc Quan Âm mới thật là đáng sợ, đó là tia mắt thu hồn, khi bà ta nhìn ai thì cứ như là con mèo đang nhìn con chuột, làm người đối diện như bị mê hoặc, không còn cái phản xạ kháng cự.
Bà ta nở một nụ cười…
Ngọc Quan Âm cười thì dường như làm cả thời gian nở hoa, hai hàm răng trắng bóng và đều tăm tắp.
Nếu có cái gì trắng hơn cả màu trắng thì đó là làn da của Ngọc Quan Âm.
Nếu có cái gì đen hơn cả màu đen thì đó là mái tóc của Ngọc Quan Âm.
Nếu có cái gì đỏ hơn cả màu đỏ thì đó là đôi môi của Ngọc Quan Âm.
Ngọc Quan Âm còn nói tiếng Việt rất sõi.
Đó là điều hiển nhiên vì bà ta là người gốc Việt.
Đúng ra trong người Ngọc Quan Âm chảy ba dòng máu: Hoa, Việt, Miên và ông trời lại chọn những gì đẹp nhất ở ba dân tộc ấy cho bà ta.
Một mái tóc đen mun, loăn xoăn nhẹ nhàng của người Miên, một làn da trắng muốt của người Hoa và cái vẻ đẹp hoàn hảo của người con gái Việt.
Không biết trên đời này Mười Hổ có bao nhiêu đệ tử, trong đó có bao nhiêu phụ nữ, nhưng ông ta có thể tự hào vì có một đệ tử như Ngọc Quan Âm – nếu ai đã từng lang thang bên Miên những năm chín mươi của thế kỷ 20 ở khu vực này, chắc là đã từng thấy và sẽ còn nhớ tới người đàn bà này… một miếng mồi ngon ngọt nhưng cực độc cho những gã đàn ông háo sắc.
Giọng nói của Ngọc Quan Âm mới thật là dịu dàng, bà ta không hỏi Đồng Đen vì có lẽ ở đây ai mà không biết y?
Bà ta nói “Xốc-sóp-bai, anh muốn mua gì?”
ĐHC không muốn mua gì, nhưng cũng mua thử một cái lắc vàng.
Lúc đó mới phát hiện ra bà ta khác với phật Quan Âm chính là ở chỗ trên người đeo đầy vàng.
Xung quanh bà ta cũng đầy người, ngoài mấy em bán hàng còn có mấy tay người Miên quấn xà-rông, mặc áo rằn ri thuộc dạng "đầu chày, đít thớt, mặt bù-loong".
Bà ta dịu dàng hỏi thêm “anh mới qua bên đây lần đầu?”
Ngọc Quan Âm còn hỏi nhiều câu nữa, ĐHC đều răm rắp trả lời.
Giả sử bà ta có nói “anh hãy ở lại đây” thì có lẽ ĐHC cũng sẽ ở lại.
Nhưng bà ta lại nói “xôm-lia, chuyến này anh về nhớ cẩn trọng nhé!”.
Bà là một pháp sư, có thể đoán trước được tương lai?
Con người nhiều khi suy nghĩ giống nhau, có thể lúc đó Ngọc Quan Âm đã suy nghĩ giống như Lâm Dơi. Mười Hổ là một kẻ tàn bạo nên y có vô số kẻ thù, ngay cả những người thân cận với y nhất cũng muốn y chết.