Đại hồng cát truyện

Chương 6 (C)

Chưa “làm ăn” được gì thì lại phải quay về SG làm Ba Cao bực dọc văng tiếng chửi thề, y vẫn không bỏ được tính nóng nảy, có lẽ y sốt lên vì phải xa pho tượng vũ nữ?

Cuối cùng thì Ba Cao cũng kể y đã nhìn thấy cái gì.

“Tôi nhìn một lúc thì giống như bị ảo giác, đột nhiên thấy pho tượng vũ nữ từ từ lay động, sau đó nó bắt đầu múa một vũ điệu thật kỳ ảo… phía xa xa là một đền thờ chìm trong sương mù. Nhưng kinh khủng nhất là khi từ cái cổ vũ nữ bắt đầu phụt ra những tia máu đỏ lòe, những tia máu đó bắn vào mặt cho cảm giác nóng hôi hổi, chưa bao giờ có cái cảm giác ghê sợ như thế” - “đó là một pho tượng ma -  Ba Cao nói – Tám Nghĩa tự nhiên bị đột tử biết đâu cũng là do pho tượng, bây giờ anh Tư giữ nó thì phải coi chừng.”

Lý Thông lại cười khùng khục, họ Lý có vẻ không tin lắm vào chuyện Ba Cao kể. Đây là một pho tượng cổ có một giá trị kim tiền đích thực, vì thế những người trong cuộc bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau... Một pho tượng có giá như thế mà Tám Nghĩa để lại cho người ngoài thì cũng lạ? – Hay nó là một pho tượng ma? Tám Nghĩa muốn trút gánh nặng đó cho Tư Hường?

Xứ Mỹ Tho có một vùng đất gọi là Gò Thành, là một giồng đất sét pha cát nhân tạo rộng hơn 1 mẫu, cao ba mét so với mặt nước. Khi người Pháp phát hiện và khai quật nơi này họ đã mang về xứ tất cả những gì tìm được. Sau này có vài đoàn khảo cổ của VN tiếp tục đào bới nữa, cũng thu hoạch được chút ít những gì còn sót lại mà người Pháp không kịp vét hết do chiến tranh. Suốt mấy chục năm, dân sống ở gần đây vào những dịp mưa lớn cũng tình cờ lượm được những mảnh vàng hay một vài cái bình cổ, đĩa cổ, vài mảnh tượng vỡ, nhiều viên đá cuội… nhưng có người lại mang đập cái bình ra để tìm vàng trong đó, thế là đi đứt. Di chỉ này là của một vương quốc cổ xưa, có một thời rất huy hoàng gọi là Vương Quốc Phù Nam. Vương quốc này trải dài từ đông sang tây Nam Bộ, đến tận Campuchia và Thái Lan. Thời đó, Phù Nam là vương quốc hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á, họ rất sùng bái thần linh, người Phù Nam cho mình là con của thần Mặt Trăng và Mặt Trời. Qua những gì còn lại của họ có thể thấy đời sống tâm linh của người Phù Nam rất phong phú, họ coi trọng sự thờ cúng, hiến tế, xây dựng các đền đài rất nguy nga, đồ sộ, hao phí sức người, tiền của… phải chăng dân tộc của họ bị tuyệt diệt là do điều này?

Chưa xác định được pho tượng vũ nữ cổ có phải là Phù Nam hay không, nhưng nếu đúng đi nữa thì cái khả năng Tám Nghĩa tìm được ở Gò Thành cũng không chắc lắm vì nơi này hầu như đã bị đào tung, không còn gì nữa.

Biết đâu Mỹ Tho ngoài Gò Thành ra có thể còn những nơi khác?

Bỗng nhiên Ba Cao tự sỉ vả “mình không thể quên được, mình đúng là thằng ngu, là thằng không ra gì, tình nghĩa ở đâu mà nặng, mà nhiều thế?”.

Ai là người có đủ ý chí để có thể quên đi được những điều cần phải quên, nhớ được những điều cần phải nhớ? – Tư Hường nói “có một người  – chúng ta hãy đến tìm người đó”.

 

Đi từ sáng sớm mà tận xế chiều mới tìm được nhà của ông Năm Lành, không biết nên gọi là nhà hay là chùa nữa. Ở xứ sở này có cả hàng ngàn cái chùa tự tạo như vậy, và vì thế cũng có cả hàng ngàn thầy chùa, thầy pháp như thế. Đó là những điện thờ nhỏ bé để nhà tu hành sống một cuộc sống ẩn dật, trong số họ cũng có những bậc chân tu và cũng đầy những người trần tục.

Ông Năm tuy gầy gò nhưng thật là đẹp lão, mái tóc trắng bạc phơ, ánh mắt của ông thật hiền và nụ cười nhân ái, nhất là hai hàng lông mày thật là dài, biểu hiện của sự trường thọ, đúng là một tiên ông giữa đời thường. Cả ĐHC lẫn Lý Thông, Ba Cao đều ngưỡng mộ nhìn cái đầu của ông, chẳng phải là để có được cái đầu này ung dung trên cổ thì đã từng phải có tới bốn cái đầu khác rơi xuống hay sao?

Tự nhiên có ba người lạ hoắc tới tìm, ông Năm không hề tỏ ra ngạc nhiên, có lẽ vì những người xa lạ đến tìm ông cũng nhiều. Có người đến để thờ cúng, đến để đàm đạo, đến để học tập kinh sách… nhưng chủ yếu là đến để hốt thuốc vì ông Năm bây giờ vừa là thầy tu vừa là thầy thuốc nam. Trong nhà ông, trừ điện thờ ra chỗ nào cũng chất đầy các loại rễ cây, vỏ, lá… mùi đủ loại cây thuốc thơm sực nức. Có cả chục người đang ở trong nhà, họ đều bỏ ra ngoài khi thấy bọn ĐHC tiến vào, có lẽ họ nghĩ đám này là CA cũng nên. Sau những câu chào hỏi, trong lúc uống ly trà nhài thơm phức, Lý Thông mới thăm dò “bọn tôi tới để xin lại Món Đồ mà lúc trước ông Tám có gởi lên cho thầy…”

Tư Hường đã suy luận như vậy - Y thật là tài tình, linh cảm là một món quà mà Thượng Đế ban cho con người, nhưng không phải ai cũng được hưởng.

Nghe nói thế ông Năm gật đầu, ông cũng đang chờ con cháu ông Tám lên để đưa lại mà mãi không thấy ai đến. Tám Nghĩa đã gửi cái bọc giấy này lên khá lâu rồi, cái bọc vẫn còn y nguyên, ông Năm chưa hề mở ra xem.

Cái bọc giấy này y hệt cái bọc giấy mà Tám Nghĩa gửi cho Tư Hường.

Năm Lành đã tìm đến đạo Phật như một sự giải thoát khỏi cái quá khứ đau buồn, nhưng ông càng muốn quên đi cái quá khứ ấy thì Tám Nghĩa lại càng muốn khơi lên điều đó. Ông Năm đã tìm được một con đường mới cho chính cuộc đời của mình, một con đường đòi hỏi phải đặt vào đó tất cả niềm tin và ý chí, còn Tám Nghĩa thì vẫn lầy lội trong cái quá khứ bi kịch vừa có dáng vẻ đau thương vừa có dáng vẻ hào hùng mà chính ông ta cũng không thể tự lý giải được. Còn Ông Năm từ lâu lắm rồi đã giải thoát khỏi quá khứ, đã tìm cho mình một con đường mà với ông, đó chính là sự quên mình.

Chẳng biết giữa Tám Nghĩa và Năm Lành ai đúng ai sai, nhưng sớm muộn gì thì họ cũng mang cái quá khứ ấy trở về với cát bụi… đám con cháu với những nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” đâu có rỗi hơi mà nghĩ đến.

 

 

 

 

 

Khi tất cả đi hết rồi, chỉ còn một mình Tư Hường trong căn nhà trống trải. Ông Sáu cũng đã đi đâu đó, thực ra tuốt phía sau nhà bếp cũng có vài người đàn bà và mấy đứa con nít, những người sống nương tựa vào ông Sáu, họ quét dọn và nấu nướng, thỉnh thoảng hái trái cây mang ra chợ bán.

Pho tượng vũ nữ không đầu vẫn đang múa trên bàn.

Tư Hường lại châm thuốc hút, dù là chỗ đông người hay một mình, lúc nào y cũng hút thuốc, một loại thuốc rẻ tiền…

Y đâm ra sợ pho tượng, bởi vì Ba Cao đã nhìn thấy những điều kinh khủng từ pho tượng, Ba Cao đã nhìn thấy thì tất nhiên Tư Hường cũng nhìn thấy. Nhưng y không hề nói ra – Đâu có gì bắt buộc con người phải nói ra tất cả những điều mà họ nhìn thấy?

Cảm thấy sợ khi phải ở một mình với pho tượng, y đứng dậy thong thả đi ra ngoài, theo con đường nhỏ hơn nửa tiếng thì đến chợ.

Tư Hường thích ngắm nhìn những người đàn bà ngoài chợ, dân gian từng có câu “trai khôn tìm vợ chợ đông”, Tư Hường không đi tìm vợ, nhưng y tìm được rất nhiều điều từ những ngôi chợ làng quê này.

Đây là một ngôi chợ cổ xưa có tuổi cỡ trăm năm rồi.

Chỉ cần nhìn sơ qua khu chợ, nhất là những cái thúng cái mẹt của những người “buôn gánh bán bưng” là có thể hiểu cuộc sống của “người Việt”, chẳng phải là ở cái chợ nhỏ bé này, nơi kinh thành sầm uất cũng vậy thôi.

Đây là một đất nước thuộc sở hữu của các Vua Chúa, của các Vị Tướng đã từ hàng ngàn năm rồi, và các Vua Chúa, các Vị Tướng phi thường đó vẫn hàng ngày mỉm cười độ lượng nhìn các thần dân của mình, việc chăn dắt cả một bầy cừu hiển nhiên là không dễ dàng.

Tư Hường thong thả đi qua cầu, y đi bộ tà tà theo những con đường ruộng, nhiều năm trước y đã cùng với Tám Nghĩa đi như thế này, bây giờ thì chỉ còn một mình.

Lúa đã bắt đầu ngậm sữa, tỏa ra một mùi thơm phảng phất.

Nơi y đến là một ngôi chùa, thực ra đó là một ngôi nhà nhưng đã biến thành chùa từ hàng chục năm nay rồi, bên trong chính điện thờ tượng Phật Thích Ca, bên ngoài là tượng Quan Âm cầm tịnh bình, trên đầu có che lọng. Đây là nơi tu hành của các sư nữ.

Những nơi như thế này không thuộc quyền quản lý của giáo hội, vì họ không đề tên chùa… cuộc sống ở nơi này là cả một sự thanh bình. Họ sống hoàn toàn tự cung tự cấp, chùa có mấy mẫu ruộng, các sư cô tự cày, cấy, gieo trồng và gặt lúa, những công việc nào cực nhọc quá thì họ thuê thêm người ngoài làm. Lúa trồng để chùa dùng, họ còn bán bớt để mua thêm quần áo, dầu, nhang đèn..., xung quanh chùa trồng đủ loại cây ăn trái, đủ các loại rau cải, trồng đậu nành để làm đậu hủ, các sư nữ còn tự làm chao để ăn, món chao của họ có thể nói là ngon tuyệt vời, hơn chao đỏ HK nhiều.

Tư Hường ngồi đàm đạo với bà Chín, một ni sư già nhất ở đây… có lần y hỏi sao chùa không đặt tên, sư bà nói “nêu đặt tên thì phải vào giáo hội, lúc đó nhiều khi họ cử người khác đến để trụ trì ngôi chùa… mà ở nơi đây họ sống như vậy đã hàng chục năm nay rồi”. Mỗi người một hoàn cảnh, có người tu từ tấm bé, có người gặp hoàn cảnh éo le xuống tóc đi tu… lâu ngày họ đều có gương mặt hao hao giống nhau, một gương mặt hiền hiền như mặt Phật.

Nơi đây không cần phải có phật tử cúng dường, của cải họ tự làm ra nhiều khi còn dư để giúp những người cơ nhỡ. Các ni sư sống một cuộc sống tự cung tự cấp, bình yên và trong lành, nơi này có khác gì Niết Bàn?

Niết Bàn có gì khác nơi này?

Từ giã ngôi chùa của các Ni sư, Tư Hường lại đi lang thang theo những bờ ruộng, đến một bờ kinh có cái chòi nhỏ, y leo lên đó ngồi. Nắng trưa như đổ lửa, cái nắng này sẽ báo hiệu một cơn mưa lớn sẽ kéo đến, ba bốn đứa trẻ đang bơi lội dưới dòng, chúng hò hét ầm ĩ…

Ngồi trên chòi nhìn ra cánh đồng mênh mông trước mặt, bất giác Tư Hường lại chìm vào dĩ vãng, đó là cái thời ở “Đồng Tháp Mười”, còn gọi là khu tám.

Làm sao có thể quên được những cánh rừng tràm bạt ngàn, những cánh đầm mênh mông với muôn vàn đoá sen rực rỡ của mùa nước nổi… Lúc đó Pháp càn dữ dội, Tám Nghĩa lại phải đi Gò Công, mà đi Gò Công lúc đó là “không có đường về”, trước khi đi y đã gửi gắm một việc…

Vợ Tám Nghĩa lúc đó còn trẻ lắm, đẹp lắm, mới ngoài hai mươi, đang mang cái bầu đứa con đầu lòng chang bang, ở một mình trong cái chòi bên kinh Dương Văn Dương. Cứ khoảng vài ngày Tư Hường lại chèo tam bản ra tiếp tế lương thực cho chị Tám.

Lần đó y chèo qua Vàm Cỏ Đông để đón Sáu Trung, lúc này muốn ghé thăm chị dâu trước khi về khu chín. Chiếc tam bản đi ra tới giữa dòng Vàm Cỏ thì nghe tiếng phạch phạch của trực thăng, lúc đó đâu còn tấp vào bờ kịp nên mạnh ai nấy nhảy, Tư Hường nổi tiếng bơi như rái, y còn ráng cắp theo cả cái nón lá, sợ trôi mất, Sáu Trung bám vào cái tam bản, nên bị dính một loạt đạn, chìm mất tích.

Tư Hường ráng bơi mãi, bỏ mất luôn cái nón lá, đến xế chiều y tìm được chiếc ghe khác, chèo đi tìm Sáu Trung thì không thấy, sau đó quay lại kinh Dương Văn Dương, đến chòi chị Tám thì đã thấy tan hoang cả, vợ Tám Nghĩa bị đạn bắn từ trên cao, rơi xuống kinh, xác trôi cầu cả mấy cây số… bà vợ sau này là bà thứ hai của y.

“Bác mua cá hông bác” – Tư Hường bất giác giật mình, y nhìn thấy một đứa trẻ đứng trước mặt, một đứa bé đen nhem nhẻm.

“Bác mua cá hông bác – bộ bác ngủ quên hả?” đứa bé hỏi lần nữa.

Tư Hường dụi mắt, buổi trưa làm y cảm thấy mệt mỏi, y rít một hơi thuốc, chăm chú nhìn đứa bé. Đứa nhỏ khoảng mười ba mười bốn tuổi, trên tay cầm một con cá lóc to xù, chắc có lẽ nó mới câu được.

Tư Hường nói “phải nhóc con Hai Ngang?” – “phải” chú bé ngần ngừ đáp.

“Vậy chú mày tên gì” – “tui tên Mương” – ngừng một lát,chú bé nói tiếp “hồi nhỏ ba tui lượm được tui dưới mương nên đặt tên là Mương.” Tư Hường cười khì khì, chắc có nhiều người thắc mắc về cái tên “Mương” nên chưa hỏi chú bé đã tự giải thích - “thế ba mày dạo này sao rồi, ổng còn nhậu dữ không?” – “ổng hết nhậu nổi rồi, nếu không thì tui mang con cá này về cho ổng, đâu bán làm gì”.

Tư Hường bỗng thèm món cá lóc nướng trui nên mua con cá, y cũng muốn giúp đứa bé.

Y bỗng nhớ đến lần đào ngôi cổ mộ ngay ruộng nhà Hai Ngang, ngôi mộ này bị bỏ hoang cả mấy chục năm rồi, sau này con cháu trong dòng họ truy lại gia phả mới tìm lại được. Ngôi mộ bị bỏ hoang lâu năm nên đã lún hầu như tất cả, chỉ còn ló bốn cái trụ bằng đá ong lên phía trên, lâu nay bọn trẻ chăn trâu hay dắt trâu về nghỉ ở chỗ này. Dòng họ này về sau đàn ông bị chết đột tử, bị tù đày rất nhiều nên con cháu coi thầy thì được phán rằng do mồ mả ông bà tổ tiên bị lún nên xảy ra cớ sự, khi họ tìm lại được mộ của cụ tổ thì thấy đúng như vậy nên muốn cải táng lại.

Lần đó Tư Hường đào được một ít xương mục còn sót lại và một chiếc vòng đen tuyền bằng ngọc huyền. Chiếc vòng này người ta gọi là “Vòng yểm tâm”, được đặt trên ngực một người chết trẻ hay chết bất đắc kỳ tử, người này chắc chết vào giờ rất xấu, mộ lại bị bỏ hoang phế, trâu bò leo lên dẫm đạp nên dòng họ sau này bị nhiều chia ly, con cháu lụn bại… Chiếc “Vòng yểm tâm” cổ này rất quý, Pháp sư dùng để mài cho người bị vong nhập, ma nhập hay người bị động kinh uống sẽ hoàn hồn lại.

Thế mà Tám Nghĩa vẫn cho Tư Hường là kẻ “không có cái đầu”, chính là từ cái hôm Mười Trí tìm đến…