Con gái thầy lang

Đạo

Cái đêm đầu tiên Khải Tĩnh và tôi thử cái niềm vui bị cấm đóan ấy là một đêm mùa hè, trăng sáng vằng vặc. Chúng tôi chui vào một gian nhà kho ở cuối một hành lang bỏ hoang, cách xa tai mắt của mọi người. Tôi không xấu hổ cũng không có cảm giác tội lỗi. Tôi cảm thấy mình trinh nguyên, tươi mới như thể tôi bơi lên thiên đường  và bay qua các ngọn sóng. Nếu đó là một số phận đen tối thì cứ để nó xảy ra đi. Tôi là con gái của dì Báu, một người đàn  bà cũng không thể kiềm chế được ham muốn của mình nên đã để cho tôi ra đời. Sao có thể là xâu xa được khi làn da trên lưng Khải Tĩnh thật mịn màng, thật ấm áp, thật thơm tho? Có phải là số mệnh khi tôi cảm thấy đôi môi của chàng lướt trên cổ tôi? Khi chàng cởi nút áo phía sau và để nó rơi xuống sàn là lúc tôi bị huỷ hoại, là lúc tôi hồi sinh. Rồi khi quần áo tôi lần lượt rơi xuống tôi cảm thấy mình càng lúc càng sáng lên và càng tối đi. Anh và tôi là hai cái bóng đen và nhỏ cuộn vào làm một, yếu và mạnh, không trọng lượng, bay bổng và chẳng quan tâm đến bất cứ ai – cho đến khi tôi mở mắt và thấy cả chục người đang quan sát chúng tôi.

Khải Tĩnh bật cười "Không, không, họ không phải là người thật." Anh đập vào một cái. Đó là bức tranh về cảnh tượng địa ngục bây giờ đã được cải tạo thành ngày Giáng Sinh vui vẻ.

"Họ giống như là khán giả của một vở kịch tồi" tôi nói "chẳng có vẻ gì là hài lòng". Đó là Đức Mẹ Mary với cái miệng gào thét, những người chăn cừu với cái đầu nhọn hoắt và chúa Hài đồng, người có đôi mặt lồi ra như mắt ếch. Khải Tĩnh trùm cái áo của tôi lên đầu Đức mẹ Mary, che mặt cha Joseph bằng cái váy của tôi, trong khi Chúa Hài đồng nhận một vật còn nhỏ hơn. Rồi anh trùm quần của an hlên ba người khôn ngoan và quay đầu những người chăn cừu đi chỗ khác. Khi tất cả con mắt của họ đã quay vào tường, anh hướng dẫn tôi nằm xuống cỏ và một lần nữa chúng tôi lại thành những cái bóng.

Nhưng những gì xảy ra sau đó không giống như một bài thơ hoặc một bức tranh ở cấp độ thứ tư của cái đẹp. Chúng tôi không giống như thiên nhiên, đẹp một cách hài hoà như một chiếc lá vươn lên trên nền trời. Chúng tôi đã chờ đợi tất cả những thứ này. Nhưng rơm rạ làm cho chúng tôi ngứa ngáy và sàn nhà bốc mùi xú uế. Một con chuột cống chạy nháo nhào ra khỏi tổ của nó làm cho Khải Tĩnh lăn khỏi người tôi và làm Chúa Hài đồng lăn ra khỏi máng cỏ. Con quỷ mắt ếch nằm ngay cạnh chúng tôi như thể nó là đứa con tình yêu của chúng tôi. Sau đó Khải Tĩnh đứng lên đánh một que diêm tìm con chuột. Dưới ánh lửa những phần kín đáo của anh phơi ra và nó không còn có cái vẻ đẹp mê hoặc nữa. Tôi cũng nhìn thấy những con rệp bò trên đùi anh. Ngay sau đó anh chỉ tôi ba con đậu trên mông tôi. Tôi vùng lên nhảy tưng tưng để đủôi nó. Tôi phải cố gắng rất nhiều để không cười và khóc cùng một lúc khi Khải Tĩnh xoay người tôi xem xét rồi đốt những con rệp bằng đầu que diêm. Khi tôi lấy cái áo từ trên đầu của Mary xuống, trông bà có vẻ rất sung sướng  vì nỗi xấu hổ của tôi, dù là chúng tôi còn chưa thoả mãn. Trong lúc vội vã mặc lại áo quần, Khải Tĩnh và tôi quá xấu hổ để nói chuyện bình thường. Anh cũng không nói gì khi đưa tôi về phòng nhưng ở ngưỡng cửa anh bảo tôi "Anh xin lỗi. Anh nên kiềm chế bản thân hơn". Tôi cảm thấy đau nhói trong lòng. Tôi không muốn nghe lời xin lỗi của anh, sự ân hận của anh. Tôi nghe anh nói thêm "Lẽ ra anh phải đợi đến khi chúng ta cưới nhau". Và sau khi tôi thở hổn hển và sụt sịt khóc, anh ôm lấy tôi thề hẹn rằng chúng tôi sẽ vẫn là người yêu trong mười ngàn kiếp nữa tôi cũng thề như thế cho đến khi chúng tôi nghe một tiếng xuỵt xuỵt. Dù khi chúng tôi đã im bặt rồi, chị Dư ở ngay cạnh phòng tôi cũng vẫn lẩm bẩm "Chẳng để ý gì đến ai. Còn tệ hơn cả con gà trống nữa…"

Sáng hôm sau tôi cảm thấy thật hạnh phúc nhưng cũng lo lắng nữa. Chị Dư đã nói rằng bạn có thể nhận ra những cô gái điếm bởi vì họ có đôi mắt giống như mắt gà. Chị ấy muốn nói gì tôi cũng không biết nữa. Có phải những đôi mắt ấy trở nên đỏ hơn hoặc nhỏ hơn không? Liệu những người khác có nhìn thấy trong đôi mắt tôi một điều gì mới mẻ không? Khi tôi đến phòng sinh hoạt chung để ăn sáng, tôi thấy hầu như mọi người đều tập trung đông đủ, thành những nhóm nhỏ nói chuyện với một giọng nghiêm trọng. Khi tôi bước vào tất cả các thầy cô giáo ngước mặt lên nhìn tôi vẻ sững sờ và buồn phiền. Rồi Khải Tĩnh lắc lắc đâu. "Tin xấu" anh nói và thế là máu rút hết khỏi chân tôi đến nỗi nếu tôi muốn bỏ chạy thì tôi cũng không đủ sức làm việc đó. Tôi có bị đuổi không? Cha của Khải Tĩnh không cho phép anh cưới tôi ư? Nhưng làm sao mọi người lại biết được? Ai đã nói? Ai đã nhìn thấy? Ai đã nghe thấy? Khải Tĩnh chỉ vào một chiếc radio băng tần ngắn của các nhà khoa học mà những người khác dỏng tai lắng nghe. Tôi băn khoăn lo lắng, bây giờ radio sẽ thông báo những việc chúng tôi đã làm? Bằng tiếng Anh?

Cuối cùng khi anh nói cho tôi nghe mọi chuyện, thậm chí tôi cũng không có lấy một phút nhẹ lòng là cái tin xấu ấy không phải về chúng tôi. "Quân Nhật tấn công đêm qua", anh nói "đóng cửa Bắc Kinh và ai cũng nói là chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra".

Maku polo thế này, maku polo thế nọ, tôi nghe đài nói thế, rồi tôi thắc mắc "Maku là cái gì vậy?"

Chị Dư nhanh nhảu "Cầu Maku polo. Hòn đảo này bị chiếm đóng". Tôi rất ngạc nhiên khi chị ấy dùng một từ xấu chỉ quân Nhật. Trên lớp chị là người dạy trẻ con không được dùng những câu chữ tục tĩu ngay cả với những người mà chúng tôi ghét. Chị Dư tiếp tục "Bắn tiểu liên lên trời – chỉ để thực tập. Chúng nói. Thế là quân đội chúng ta bắn lại để dạy cho chúng một bài học. Và bây giờ một trong những thằng chó chết ấy bị mất tích. Có thể cái thằng thỏ đế ấy bỏ chạy, nhưng bọn Nhật lại nói rằng chỉ cái thằng mất tích ấy cũng đủ lý do cho chúng tuyến bố chiến tranh. " khi chị Dư là người dịch từ tiếng Anh ra tiếng Hoa, thật khó có thể biết đâu là tin tức đâu là ý kiến của chị.

"Cái cầu Maku Polo ấy" tôi hỏi "nó có ở xa đây không?" "Ở phía Bắc, ở Vạn Bình", cô Grutoff nói "gần ga xe lửa". "Nhưng đó là cầu  Lữ Hào, cách làng em 46 km". Tôi nói. "Khi nào thì họ bắt đầu kêu nó bằng một cái tên khác?"

"Hơn 600 năm trước" cô Grutoff đáp "khi Marco Polo lần đầu tiên thừa nhận nó". Trong khi mọi người bàn tán về chiến tranh, tôi tự hỏi tại sao không ai ở trong làng tôi biết cái tên ấy khi nó đã được thay quá lâu như vậy. "Bọn Nhật tiến đến bằng con đường nào?" Tôi hỏi. "Từ phía Bắc đến Bắc Kinh hay là từ hướng Nam đến đây?"

mọi người bỗng thôi bàn tán. Có một người đàn bà đứng ở ngưỡng cửa. Với ánh sáng mặt trời  chiếu sau lưng, cô ta trở thành một cái bóng và tôi không thể nhìn ra mặt cô chỉ biết là cô mặc một cái váy. "Lưu Linh có sống ở đây không ạ?? Nghe câu hỏi, tôi nheo mắt nhìn. Cô là ai mà hỏi về tôi? Tôi đã nhầm lẫn nhiều lần và lần này cũng vậy. Trong lúc tôi đi về phía cô gái, sự lẫn lộn của tôi biến thành một sự phỏng đoán, rồi sự phỏng đoán lại hoá ra là một điều xác tín. Dì Báu tôi thường mơ rằng hồn ma của dì sẽ trở lại. Như trong mơ dì có thể nói chuyện, khuôn mặt của dì vẫn còn nguyên vẹn, và như trong mơ tôi lao về phía dì. Cuối cùng, trong lần này dì không đẩy tôi ra xa. Dì mở rộng cánh tay và kêu lên "Vậy là chị vẫn nhận ra em chị sao?"

Đó là Cao Linh. Chúng tôi xoay tròn, nhảy cỡ lên vồ vào cánh tay nhau, thay phiên nhau kêu lên "Nhìn chị kìa!" "Nhìn em coi!" Tôi không nghe được tin tức gì từ khi cô viết cho tôi lá thư cuối cùng vào bốn, năm năm trước. Lúc này chúng tôi lại đối xử với nhau như chị em ruột. "Tóc em làm sao vậy?" tôi đùa, sờ vào mái tóc xoăn tít của cô. "Bị tai nạn à? Hay là em làm ra như thế?"

"Chị thích….không?"

"Cũng không tệ. Trông em hiện đại hơn, không còn là cô gái quê nữa".

"Chẳng có con ruồi nào vo ve quanh đầu chị. Em nghe nói là chị  bây giờ là trí thức cơ đấy".

"Chị là một giáo viên quèn. Còn em… em vẫn là…"

"Vợ của Trương Phú Nam. Sáu năm tròn, khó mà tin được".

"Nhưng chuyện gì đã xảy ra với em? Trông em kinh quá".

"Em chưa có gì trong  bụng từ ngày hôm qua".

Tôi cuống quýt chạy vào trong bếp mang cho cô một tô cháo kê, đồ muối chua, đậu phụng hầm và một số đồ nguội. Chúng tôi ngồi ở một góc xa cách chỗ đang bàn luận về chiến tranh. Cao Linh ăn uống rất nhanh và ồn ào "Chúng em sống ở Bắc Kinh, không có con" cô nói giữa hai miếng ăn ngồm ngoàm. "Chúng em có vài phòng ở đàng sau hiệu mực. Em có kể cho chị nghe trong thư của em không?"

"Một chút".

"Vậy thì chị biết họ Trương làm chủ việc kinh doanh, gia đình ta chỉ làm chủ những món nợ của mình. Cha và các chú quay lại Hằng Tâm thôn làm mực cho đến khi nó thấm thành mồ hôi khắp người. Còn bây giờ họ thường ở nhà,họ luôn cáu  bẳn và cãi nhau suốt về việc ai là người có lỗi trong chuyện này chuyện kia và về thời tiết".

"Thé còn anh Hai và anh Ba thì sao? Cũng ở nhà à?"

"Quân Tưởng bắt anh Hai đi lính năm năm về trước. Tất cả bọn con trai cùng tuổi anh đều phải đi. Còn anh Ba thì bỏ trốn gia nhập quân cách mạng hai năm sau đó. Các con của chú Lớn cũng đi theo, thế là chú từ con, bảo rằng cả ba đứa đừng vác mặt về nhà nữa. Mẹ không nói chuyện với chú cho đến khi Mặt trận Thống nhất được thành lập, chú xin lỗi mẹ nói rằng bây giờ chuyện ai ở phe này, phẹ nọ không còn quan trọng nữa".

"Thế còn mẹ, sức khoẻ như thế nào?"

"Chị nhớ tóc mẹ đen như thế nào không? Bây giờ thì nó như râu ông già, trắng xoá và cứng queo. Mẹ không còn nhuộm tóc nữa."

"Cái gì? Chị nghĩ là tóc đen tự nhiên do làm việc với mực chứ".

"Đừng có ngớ ngẩn. Tất cả mọi người đều nhuộm tóc. Cả cụ Cố và các thím. Có điều bây giờ mẹ không quan tâm đến hình thức bên ngoài nữa. Mẹ than là đã hai năm nay mẹ bị mất ngủ. Bà bị ám ảnh là  những người thuê nhà đêm đêm đến ăn trộm đồ trong nhà ta, và sắp xếp lại vị trí đồ đạc trong nhà. Bà cũng tin rằng hồn ma dì Báu quay lại nhà cầu. Bà không thể đi cầu được bình thường. Phân quá cứng, đó là lý do tại sao bụng bà phồng tướng như trái bầu mùa hè". "Thật là đáng buồn!" mặc dù mẹ là người đã đủôi tôi ra khỏi nhà, tôi cũng chẳng vui khi nghe những khó khăn của bà. Có lẽ ở một nơi nào đó trong tôi vẫn còn sống cái cảm nghĩ bậc cha mẹ đó vẫn là bậc sinh thành của tôi.

"Còn hồn ma dì Báu thì sao? Vẫn quay về à?"

"Không một tiếng kêu, không một tiếng khóc than, một điều thật lạ bởi vì ông pháp sư trừ tà ấy hoá ra là một kẻ mạo danh, chẳng là thầy tu thầy tiếc gì. Ông ta có vợ và ba con, một đứa đóng vai người phụ lễ. Họ cũng dùng đúng cái lọ dấm ấy để bắt ma, cứ mở ra rồi lại niêm phong lại hết lần này đến lần khác. Họ đã bắt được nhiều khách hàng ngu ngốc bằng cái trò bắt ma ấy. Khi cha nghe nói thế, ông những muốn ghè cái lọ ra nhét phân ngựa vào đó. Nhưng em can "Nếu hồn ma dì Báu không bao giờ trở lại thì làm thế để làm gì?" Nhưng kể từ đó ông không ngớt cằn nhằn về hai nén bạc mà ông đã mất, tiếc đứt ruột trong khi theo ý ông với hai nén bạc ấy ông có thể mua cả ông trời".

Đầu óc tôi quay cuông với câu hỏi: nếu cái ông thầy pháp ấy dỏm thì có nghĩa là dì Báu đã trốn thoát ư? Hoặc là dì chưa bao giờ bị nhét vào cái lọ ấy ư? Và rồi tôi có một ý khác.

"Có thể là không có ma quỷ gì hết bởi vì dì chưa chết" tôi bảo Cao Linh.

"Ồ, chắc chắn là dì đã chết rồi. Em nhìn thấy bác đầu bếp già ném xác của dì xuống vực mà".

"Nhưng có thể là dì chưa chết hẳn và dì trèo lên khỏi vực. Nếu không tại sao chị không thể tìm ra xác dì? Chị đã tìm dì cả ngày trời, từ đầu này qua đầu kia, từ trên xuống dưới".

Cao Linh lảng tránh cái nhìn của tôi "Thật là một ngày kinh khủng đối với chị….chị không tìm thấy, nhưng xác mẹ chị đã ở đấy. Ông đầu bếp cảm thấy xót xa cho dì Báu vì không được chôn cất tử tế. Ông thương dì lắm, thế là khi mẹ không để ý, ông đã lén tìm xuống đó lấp đá lên cái xác".

Và bây giờ tôi hình dung mẹ tôi đang vùng vẫy dưới đáy vực cố đứng dậy, một hòn đá ném về phía mẹ, một đòn chí mạng, rồi một tảng đá nữa, nữa trong khi mẹ khuỵu xuống. "Tại sao em không cho chị biết sớm hơn?"

"Em không biết cho đến khi bác bếp chết, hai năm sau cái chết của dì Báu. Vợ của bác ấy đã kể lại cho em. Bà ấy bảo ông ấy đã làm một điều tốt mà không ai biết".

"Chị muốn trở lại tìm xương mẹ. Chị muốn được chôn cất mẹ chị tử tế".

"Chị sẽ không bao giờ tìm thấy đâu" Cao Linh nói. "Năm ngoái bờ đất lại sụp một lần nữa trong một cơn mưa bão. Tất cả sụp xuống chôn vùi tất cả mọi thứ dọc theo kẽm núi với đất cát và đá sâu ba lớp. Nhà của chúng ta cũng sẽ sắp đến lượt thôi."

Thế là tôi thổn thức một cách bất lực. "Giá như em đến đây và nói với chị sớm hơn".

"Thật đáng buồn, em biết. Em không nghĩ là chị vẫn còn ở đây. Nếu không nhờ ba vợ lắm điều của ông Vệ em cũng đâu có biết chị là cô giáo ở đây. Bà ta nói với em khi em về thăm nhà vào dịp Thanh minh".

"Vậy tại sao em không đến gặp chị lúc ấy?"

"Chị nghĩ chồng em cho phép em đi chơi khi em muốn sao? Em phải đợi một dịp may từ trên trời rơi xuống. Và thế là nó đến vào lúc loạn lạc này. Hôm qua Phú Nam bảo em về Hằng Tâm xin cha hắn thêm tiền. Em mới bảo "Anh không nghe gì à? Quân Nhật đang dàn quân dó/ các đường tàu!" Hừm, hắn cóc quan tâm. Sự đói thuốc của hắn lớn hơn bất cứ nỗi lo ngại nào về việc vợ hắn có thể nhận một lưỡi lê từ sau ra trước".

"Vẫn nghiện thuốc phiện à?"

"Đó là cuộc sống của hắn. Thiếu thuốc thì hắn chỉ là một con chó dại. Thế là em đi đến Vạn Bình, đến đấy xe lửa dừng lại không đi tiếp nữa. Tất cả hành khách xuống xe, líu ríu vào nhau như một bầy cừu hay một đàn vịt. Một toán lính xua đuổi tụi em đi. Chúng lùa mọi người đến một cánh đồng nơi em đinh ninh chúng em sẽ bị giết chết. Nhưng rồi chúng em nghe có tiếng pằng pằng, nhiều phát súng vang lên, bọn  lính tháo chạy, bỏ chúng em ở lại. Trong vòng một phút, chúgn em sợ đến nỗi đứng im không nhúc nhích. Nhưng em chợt hỏi, tại sao mình lại đứng ở đây chờ cho chúng quay lại giết mình? Chúng có thể đuổi theo mình. Thế là em hộc tốc bỏ chạy. Chẳng bao lâu mọi người cũng làm theo em, chạy tứ tán bốn phương tám hướng. Em đã phải đi bộ suốt mười hai tiếng đồng hồ".

Cao Linh tháo giày ra. Hai cái gót đã bị long, má giầy tuột, đôi chân cô sưng phồng, rớm máu. "Chân em đau đến nỗi em nghĩ em sẽ chết vì đau. Có thể em nên để Phú Nam nghĩ rằng em đã chết. phải để cho hắn cảm thấy có tội. Dù chắc chắn là hắn chẳng mảy may động lòng. Hắn lúc nào cũng muốn trở về với giấc mơ nàng tiên nâu. Ngày nào đối với hắn cũng chỉ có thế, chiến tranh hay không chiến tranh, có vợ hay không có vợ, thì cũng thế thôi". Cô cười, sẵn sàng bật khóc. "Vậy chỉ bảo em phải làm gì? Có nên quay về  với hắn không?" Tôi còn có thể làm gì ngoài việc khăng khăng đến bốn lần mời cô ở lại với tôi? Và côcòn có thể làm gì ngoài việc nằng nặc đòi ra về tới ba lần vì không muốn làm gánh nặng cho tôi? cuối cùng tôi đưa cô về phòng tôi. Cô lau mặt lau cổ bằng một cái khăn ướt, đoạn nằm lăn ra giường với một tiếng thở dài rồi lập tức ngủ thiếp đi. Chị Dư là người duy nhất phản đối lại việc Cao Linh sống với tôi ở trường. "Chúng ta không phải là một trại tị nạn"  chị cự nự "mà như thế chúng ta không còn giường để nhận thêm trẻ mồ côi khác".

"Cô ấy có thể sống trong phòng em, ngủ trên giường em".

"Nhưng cô ta vẫn là một miệng ăn. Và nếu chúng ta cho phép một ngoại lệ này, thế còn những trường hợp khác thì sao? Không kể gia đình cô giáo Hoàng, ở đây có tới mười người. Còn những học sinh cũ và gia đình của họ? Chúng ta có cho họ vào không?"

"nhưng họ không xin đến đây".

"Cái gì? Rêu mọc trong đầu em chắc? Nếu chiến tranh xảy ra ai cũng sẽ xin tá túc ở đây. Hãy nghĩ về chuyện đó đi. Trường của chúng ta được điều hành bởi người Mỹ đứng trung lập với người Nhật, Quốc dân đảng hoặc Cộng sản. Ở đây chúng ta không phải lo lắng hàng ngày về chuyện bên này thắng hay bên kia thua. Em chỉ việc quan sát. Điều đó có nghĩa là trung lập".

Trong suốt bao nhiêu năm qua, tôi đã phải ngậm đắng nuốt cay khi chị Dư quyền thế hách dịch. Tôi đã phải tỏ ra kính trọng chị trong khi trong lòng tôi không có cái tình cảm đó. Và mặc dù bây giờ đã là giáo viên tôi vẫn không biết phải tranh luận với chị như thế nào. "Chị nói về lòng nhân ái, cnị nói chúng ta phải có tình thương" và trước khi tôi có thể nói điều tôi thực sự nghĩ về chị, tôi nói "còn bây giờ chị muốn đẩy em tôi về với thằng chồng nghiện thuốc phiện".

"Chị cả của tôi cũng sống với thằng chồng như thế", chị đáp ngay không chút do dự. "Khi phổi của chị ấy chảy máu, người chống nhất định không chịu mua thuốc. Trái lại hắn mua thuốc phiện cho hắn. Đó là lý do tại sao chị ấy ra đi mãi mãi". Chị Dư đã tìm ra ngay được một người còn khốn khổ hơn để so sánh. Tôi nhìn chị tập tễnh ra khỏi phòng.

Tôi chạy đến tìm Khải Tĩnh, chúng tôi bước khỏi cổng đi dạo phía sau bức tường trại mồ côi để tìm chỗ âu yếm nhau. Rồi tôi than phiền với anh về chị Dư.

"Em có thể không nghĩ thế, nhưng cô ấy thực sự có một trái tim nhân hậu" anh nói. "Anh biết cô ấy từ khi bọn anh còn là những đứa trẻ".

"Có thể anh sẽ cưới chị ấy đấy".

"Anh thích người đàn bà có những con rệp trên mông hơn". Tôi hẩy tay anh ra. "Em nghĩ đến sự trung thành", anh tiếp tục. "Cổ ấy lại rất thực tiễn. Đừng có mâu thuẫn với nhau về sự khác biết ấy. Tìm chỗ hai người nhất trí với nhau. Hoặc đơn giản là không làm gì hết. Cứ đợi đấy". Thành thật mà nói tôi thán phục Khải Tĩnh cũng nhiều như tôi yêu anh. Anh tốt bụng và thông thái. Nếu anh có một khiếm khuyết thì đó là sự ngốc nghếch của anh trong tình yêu. Trong khi đầu óc tôi bồng bềnh với những bí mật và sự ve vuốt của anh tôi quên đi chiến tranh và những trận đánh lớn nhỏ.

Trở về phòng tôi giật mình thấy chị Dư đang ở đây la hét Cao Linh "Rỗng như một cái cây bị mối ăn".

Còn Cao Linh thì xua tay nói "Đạo đức của một con dòi". Thế là chị Dư cười "Tôi ghét người đàn ông này đến tận xương tuỷ". Cao Linh gật đầu "Đó đúng là cảm giác của em".

Sau đó tôi hiểu ra rằng họ không cãi nhau mà chỉ  ganh đua xem trong hai người đàn ông ai là người đã làm khổ người khác hơn ai là kẻ xấu xa đáng kinh tởm hơn. Hai giờ tiếp theo, họ đua nhau tả oán. "Cái bàn đã có mặt trong nhà em đến đời thứ chín", Cao Linh nói "cũng ra đi để đổi lấy một  vài khói thuốc phiện".

"Không có thức ăn, củi đuốc, và áo ấm trong mùa đông. Bọn chị phải rúc vào nhau tìm hơi ấm và thế là trông bọn chị như một con ấu trùng dài thòong".

Sau đó vào buổi tối, Cao Linh bảo tôi "Cái chị Dư ấy thật là khôn ngoan, lại vui đáo để". Tôi chẳng nói gì. Cô ta sẽ sớm biết được rằng người phụ nữ này cũng là một con ong vò vẽ bám chắc mục tiêu thôi.

Ngày hôm sau tôi gặp họ đang ngồi ở phòng ăn dành cho giáo viên. Chị Dư nói bằng một giọng khẽ khàng và tôi nghe Cao Linh trả lời chị "Chỉ nghe thôi cũng đã không thể chịu đựng nổi. Chị ấy có đẹp như tấm lòng của chị ấy không?" "Không đẹp rực rỡ nhưng dễ thương", chị Dư đáp. "Thực ra em làm chị nhớ đến chị ấy – cũng khuôn mặt tròn, đôi môi đầy đặn".

Và Cao Linh đáp lại rất thành thật, không lộ vẻ mếch lòng chút nào. "Giá như em có thể can đảm hơn và không ưa than vãn như vậy".

"Em phải nói ra chứ" chị Dư đáp. "Em nữa. Tại sao những người chịu đau khổ lại cứ phải câm lặng? Tại sao lại chấp nhận số phận? Chính ở đây chị đứng về phía những người Cộng sản. Chúng ta phải tranh đấu để nói lên giá trị làm người. Chúng ta không thể ngập mãi trong vũng bùn quá khứ và tôn thờ những cái chết".

Cao Linh bịt miệng cười phá lên "Chị phải giữ mồm giữ miệng đấy, không thì quân Nhật và Quốc dân đảng sẽ lần lượt lấy đầu chị".

"Lấy đầu ư? Chị nói điều gì chị nghĩ đấy. Người Cộng sản gần với Chúa hơn dù họ không tin ở Người. Chia ngọt xẻ bùi, đó là điều họ tin tưởng. Thật đấy, họ cũng giống những người Thiên Chúa giáo. Có thể họ sẽ thành lập một liên minh với những người Thiên Chúa chứ không phải là với Quốc dân đảng".

Cao Linh lấy tay bịt miệng chị Dư "Có phải tất cả những người Thiên Chúa giáo đều ngốc như chị không?" Thế đấy, họ thoải mái trêu chọc nhau như là những người bạn tốt. Vài ngày sau tôi lại thấy họ ngồi ngoài sân trước giờ ăn tối, trông giống như những đồng chí gắn bó keo sơn với nhau bất chấp tuổi tác. Cao Linh vẫy tôi lại gần đưa cho tôi một phong thư niêm xi đỏ và được trang trí với những tia nắng mặt trời. Đó là lá thư từ "Cảnh sát quân sự lâm thời Nhật Bản".

"Đọc đi" chị Dư nói.

Lá thư gửi đến Trương Phú Nam thông báo rằng vợ anh ta, Lưu Cao Linh, đã bị bắt ở Vạn Bình như là một gián điệp chống Nhật. "Em bị bắt à?" Tôi kêu lên.

Cao Linh đập vào tay tôi "Đúng là cái đầu bí ngô, đọc tiếp đi". Trước khi trốn thoát khỏi nhà giam, nơi thị đang chờ bị hành hình, Lưu Cao Linh thú nhận là chồng thị Trương Phú Nam đã phái thị đến ga xe lửa để thực hiện một nhiệm vụ bất hợp pháp. Vì lý do này đại diện quân Nhật ở Bắc Kinh sẽ tiếp xúc với Trương Phú Nam để làm rõ sự liên quan của anh ta với những hoạt động gián điệp. Chúng tôi sẽ đến chỗ Trương Phú Nam cư ngụ để làm rõ vụ việc này".

"Chị đã đánh máy đấy" chị Dư khoe.

"Còn em thì gắn xi lên".

"Thật lắm. Tim tôi đập như trống làng khi đọc những dòng này đấy".

"Phú Nam sẽ nghĩ là súng nổ "ngay ngực hắn". Cao Linh nói và cô cùng chị Dư cười khanh khách như bọn nữ sinh. "Nhưng mẹ và cha không đau khổ khi họ nghe tin em mất tích sao?"

"Em sẽ về gặp họ tuần tới nếu đường xá an toàn".

Đó là điều Cao Linh đã làm, trở về Hằng Tâm nơi cô khám phá ra là Phú Nam không nói với ai về lá thư. Một tháng sau cô trở lại trường với tư cách là người phụ tá cho chị Dư. "Cha mẹ chỉ biết những điều ông Trương nói" cô thuật lại. "Chồng con, cha nói với em, cha đã nghĩ chỉ ba hoa và và kẻ không có xương sống. Vậy mà cha nghe nó đã xung lính – thậm chí không đợi đến lúc bị gọi đi".

"Em cũng bảo cha mẹ là em chạy từ nhà ga ở Chu Khẩu đi tìm chị. Em khoe rằng bây giờ chị đã là một trí thức đang làm việc cùng với các nhà khoa học và sẽ cưới một nhà khoa học nay mai".

Tôi rất mừng là cô đã nói thế. "Vậy cha mẹ có tiếc về chuyện họ đã làm với chị không?"

"Ha! Họ tự hào về chị. Mẹ nói rằng, ta bao giờ cũng biết là mình đã đối đãi với nó tử tế. Bây giờ thì con thấy kết quả đó."

Những giọt sương sớm hoá ra sương giá và vào mùa đông chúng tôi tổ chức đám cưới theo hai phong tục Mỹ và Hoa. Theo phong tục Mỹ cô Grutoff tặng tôi một chiếc áo dài trắng muốt mà cô đã may cho đám cưới của mình nhưng không bao giờ mặc tới. Người yêu của cô chết trong thế chiến, vì thế đó là một cái áo cưới xui xẻo. Nhưng cô đã long lanh những giọt lệ vui sướng khi cô trao tặng nó cho tôi, sao tôi có thể lắc đầu từ chôi? Trong đám cưới truyền thống tôi mặc một kỳ bào màu đỏ khăn trùm đầu là do Cao Linh thêu.

Bởi vì Cao Linh thông báo với gia đình về đám cưới của tôi, tôi buộc phải mời họ cho phải lẽ. Tôi hy vọng là họ sẽ viện cái cớ rất tiện lợi là chiến tranh để không đi dự. Nhưng tất cả mọi người đều kéo đến, cha, mẹ, chú, thím, con cái họ và cả cháu nôi cháu ngoại nữa. Chẳng có ai đề cập đến sự việc đã qua mà tất cả mọi người đều biết rõ. Thật là một khoảnh khắc ngượng ngùng với tất cả. Tôi giới thiệu cha mẹ là hai bác, một điều hoàn toàn đúng nếu tính đến cái sự thật là tôi là một đứa con của tình yêu nhưng lại không có một sự tuyên bố chính thức về danh phận. Hầu hết mọi người trong trường tỏ ra rất lịch thiệp với họ nhà gái. Tuy vậy, chị Dư nhìn họ chê trách. Chị làu bàu với Cao Linh cố để cho mẹ nghe thấy "Họ đã tống cổ cô ấy đi, và bây giờ lại vục miệng xuống bàn ăn của cô ấy". Suột cả ngày hôm đó tôi cảm thấy rất bối rối – hạnh phúc trong tình yêu, giận dữ với gia đình, tuy cũn cảm thấy vui sướng vì họ đã có mặt trong ngày vui của tôi. Tôi cũng lo lắng về cái áo cưới nữa, nghĩ rằng đó là dấu hiệu báo trước là hạnh phúc của tôi không bền lâu.

Chỉ có hai nhà khoa hoc, Đông và Trào tới dự đám cưới của chúng tôi. Trong thời chiến, thật nguy hiểm cho bất cứ ai tiếp tục làm việc dưới mỏ. Hầu hết các nhà khoa học đã bỏ về Bắc Kinh, để lại sau lưng tất cả mọi thứ trừ những di vật của quá khứ. Chỉ có 26 người thợ đào mỏ cùng Khải Tĩnh, Đông và Trào, những người sống tại tu viện cũ là còn ở lại. phải có một ai ở lại để trông coi khu mỏ chứ, Khải Tĩnh lý luận như vậy. Nếu  bọn Nhật quyết định cho nổ tung hầm mỏ thì sao? Hoặc nếu quân đội Cách mạng lại biến khu hầm mỏ này thành chiến trường? thậm chí nếu họ định dùng nó như một cái hố xí công cộng", tôi hỏi anh "thì anh có cấm họ được không?" Tôi không tranh luận là tôi và anh nên rút chạy về Bắc Kinh. Tôi biết anh không bao giờ chịu xa cách người cha già, và cha anh thì không bao giờ từ giã mái trường và bầy trẻ mồ côi. Nhưng tôi không muốn chồng tôi bám lấy cái mỏ và chết như một vị thánh tử vì đạo. Chả có gì là chắc chắn cả. Bao nhiêu thứ đã trôi qua. Nhiều người trong chúng tôi có cảm giác bị bỏ lại phía sau. Và kết quả là tiệc cưới của chúng tôi giống như một bữa tiệc chào mừng một thắng lợi buồn  bã.

Sau bữa tiệc, bọn học trò và bạn bè công kênh chúng tôi đến phòng cưới. Đó cũng là cái phòng kho nơi Khải Tĩnh và tôi đã gặp trục trặc trong đêm đầu tiên. Nhưng giờ đây phòng ốc được dọn sạch sẽ, không có chuột, mùi xú uế, không có rận và không có rơm rạ. Một tuần trước, bọn học trò đã quét  vôi màu vàng lên bốn bức tường, rồi kẻ chân tường màu đỏ. Chúng cũng đẩy các pho tượng sang một bên. Để giữ cho ba người khôn ngoan không quan sát chúng tôi, tglàm một cái màn che. Trong đêm tân hôn, bọn trẻ ngồi ngoài cửa hàng giờ cười đùa, trêu chọc, nô đùa như điên và đốt pháo. Mãi đến khi mệt chúng mới bỏ đi để lại chúng tôi bên nhau, lần đầu tiên với tư cách vợ chồng. Đêm ấy chẳng có gì là cấm đoán và niềm vui của chúng tôi chính là Đạo.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm gia đình hai họ. Chúng tôi đi đến hai phòng ở hai đầu hành lang nơi thầy giáo Phan sống. Tôi vái chào và mời ông dùng trà, gọi ông là "phụ thân", và tất cả chúng tôi cùng cười vì lối xưng hô trịnh trọng ấy. Sau đó Khải Tĩnh và tôi đến cái bàn thờ nhỏ mà tôi lập lên với cái ảnh dì Báu lồng khung kính. Tôi cũng dâng trà lên dì rồi thắp một nén nhang. Khải Tĩnh gọi dì là "mẫu thân" và hứa sẽ chăm sóc cho tôi suốt đời, cũng như toàn thể gia đình tôi kể cả các vị tổ tiên xa xưa. "Con bây giờ cũng là người trong một nhà" anh hứa.

Bỗng tôi cảm thấy một hơi thở giá lạnh phà vào cổ. Cái gì thế nhỉ? Tôi nghĩ đến vị tổ tiên chết ở Hàm Khỉ - Đó có phải là duyên do không? Tôi nhớ đến những miếng xương không bao giờ được trả về chỗ cũ, lời nguyền. Cái ký ức này có ý nghĩa gì?

"Chẳng làm  gì có cái gọi là lời nguyền đâu" sau này Khải Tĩnh bảo tôi. "Đó chỉ là những chuyện dị đoan, chỉ gây nên những nỗi sợ không cần thiết. Lời nguyền chỉ là những lo lắng mà em không rũ bỏ được".

"Nhưng dì Báu đã bảo em thế, mà bà là người thông minh mẫn tiệp".

"Bà là người tự học, chỉ tiếp thu những tư tưởng cổ hủ. Bà không có cơ hội học hành và tiếp xúc với khoa học, không đi học đại học như anh".

"Nếu vậy sao cha em chết? Sao dì Báu chết?"

"Cha em chết là vì một tai nạn. Mẹ em tự vẫn. Em chả nói thế là gì".

"Nhưng tại sao ông trời lại để cho những chuyện đó xảy ra?"

"Không có ông trời. Chuyện ấy xảy ra chẳng có lý do gì".

Bởi vì tôi yêu chồng tôi nhiều lắm, tôi cố tiếp thu những ý kiến mới mẻ này, không có lời nguyền, không có vận xui, cũng chẳng có vận may nữa. Khi tôi nhìn lên trời lo lắng vì những đám mây đen, tôi nói nó chẳng có duyên cớ gì. Khi gió và mưa đổi hướng, tôi cố thuyết phục rằng nó cũng chẳng có lý do gì. Có một khoảng thời gian tôi sống đời hạnh phúc không băn khoăn lo lắng.

Mỗi buổi tối sau bữa ăn, Khải Tĩnh và tôi đến thăm cha anh. Tôi thích ngồi ở chỗ ông, biết rằng đó cũng là gia đình mình. Đồ đạc trong phòng đơn giản, cổ kính và toát lên vẻ trung hậu, nơi mỗi cái đều được đặt đúng chỗ và có mục đích. Dựa vào bức tường phía tây thầy giáo Phan kê một chiếc trường kỷ chạm trổ, cũng là giường ngủ của ông, phía trên ông treo ba bức hoành phi mỗi bức có một trăm mẫu tự, như thể nó được hoàn thành trong một hơi thở, trong một cơn ngẫu hứng. Ở cửa sổ phía đông ông đặt một chậu hoa theo mùa, màu sắc tươi sáng kéo cái nhìn ra khỏi bóng tối. Ở bức tường phía đông có kê một cái bàn đơn giản và một chiếc ghế gỗ lim có chạm trổ. Trên bàn có những món đồ quý hiếm được sắp xếp như trong một bức tranh tĩnh vật, một cái hộp da sơn dầu, những cái giá cắm bút bằng sứ, một nghiên mực thuộc loại quý nhất, vật có giá trị nhất của ông, món quà từ một người truyền giáo đã già đã dạy dỗ ông từ thời thơ ấu.

Một buổi tối, thầy Phan đưa cho tôi nghiên mực ấy. Tôi đã định từ chối nhưng rồi tôi nhận ra rằng ông cũng là cha tôi và tôi đón nhận nó với tất cả tấm lòng. Tôi cầm cái nghiên mực tròn ấy lên, xoa tay lên lớp da mịn như nhung lụa của nó. Tôi đã thầm ngưỡng mộ nghiên mực này từ cái ngày đầu tiên tôi được nhận vào trường với tư cách là người phụ giảng của ông. Một lần ông đã mang vào lớp cho học trò xem. "Khi các con mài mực vào nghiên, các con đã thay đổi tính chất của nó, từ chỗ miễn cưỡng đến chỗ sẵn lòng hy sinh, từ một dạng cứng không thay đổi sang dạng lỏng với nhiều hình tượng. Nhưng một khi con đã đặt bút lên giấy, thì nó lại trở thành một cái gì không khoan nhượng. Con không thể thay đổi nó được nữa. Nếu con phạm một lỗi thì chỉ có một cách là huỷ đi toàn bộ thành quả". Dì Báu cũng đã có lần nói những điêu ấy một cách tương tự. Con phải nghĩ về nhân cách của con. Phải biết chỗ nào con đang thay đổi, con sẽ biến cải như thế nào và cái gì không bao giờ có thể sửa chữa được. Dì đã nói thế trong lần đầu tiên tôi học mài mực. Dì cũng nói thế khi dì giận tôi trong những ngày cuối cùng hai người sống bên nhau. Và khi tôi nghe thầy Phan nói thế, tôi hứa với mình là tôi sẽ thay đổi và trở thành một người con ngoan hơn.

Có quá nhiều thay đổi đã diễn ra, ước gì dì Báu có thể chứng kiến cuộc sống êm đẹp của tôi. Tôi là một cô giáo và một phụ nữ có chồng. Tôi có cả chồng và có cả một người cha. Họ là những người tốt chứ không như gia đình bên chồng của Cao Linh, nhà họ Trương. Gia đình của tôi trung hậu và thành thật với mọi người, vẻ đẹp bên trong cũng cao quý như họ bỉêu lộ ra bên ngoài. Dì Báu đã dạy dỗ tôi rằng đó mới là điều quan trọng. Phong cách bên ngoài tốt đẹp là chưa đủ, dì nhấn mạnh, nó không giống với một tấm lòng nhân hậu. Dù dì Báu đã ra đi, trong suốt những năm qua tôi vẫn nhớ lời dì, trong lúc buồn cũng như vui, chỉ điều đó là quan trọng.

Sau khi quân Nhật tấn công Chu Khẩu, Cao Linh và tôi trèo lên đỉnh đồi nơi chúng tôi có thể nghe tiếng súng ì ầm từ đàng xa, chúng tôi nhìn về hướng có những đụn khói bốc lên. Chúng tôi nhận ra lối di chuyển của xe thồ và xe tải dọc các con đường. Cao Linh nói đùa rằng chúng tôi còn mang tin nhanh hơn cái radio cà khổ mà Khải Tĩnh và cô Grutoff ngồi cạnh hàng nửa ngày hy vọng nghe được tin tức gì đó từ những nhà khoa học đã đến Bắc Kinh. Tôi không hiểu tại sao họ lại muốn cái radio nói chuyện lại với họ. Nó chỉ nói toàn những chuyện xấu – thành phố nào bị chiếm đóng, gần như tất cả mọi người ở chỗ này, chỗ kia bị giết ra sao để dạy cho mọi người một bài học là đừng đánh nhau với quân Nhật.

"Bọn Nhật sẽ không thắng ở đây đâu", Cao Linh nói vào một buổi tối. "Chúng có thể nhanh nhẹn trên biển, nhưng ở địa hình núi non này chúng sẽ mắc bẫy như những con cá giãy giụa trên cát. Trong khi đó người của chúng ta lại nhanh nhẹn như những con dê." Đêm nào cô cũng nói thế để tự thuyết phục mình là điều đó đúng. Trong một thời gian thì điều đó xảy ra đúng như vậy, quân Nhật không thể mở đường đi lên núi.

Trong khi nước không chảy  ngược lên núi được thì tiền lại chảy xuống. Tất cả các loại buôn bán lớn nhỏ từ mạn dưới lẻn qua những biển cấm mang theo hàng hoá lên cao trên vùng núi để cư dân ở đây có thể tiêu hết tiền của họ để họ khỏi phải mang vàng sang thế giới bên kia. Cao Linh và vợ chồng tôi thường đi xuống dưới mép đường mua những món xa xỉ. Thỉnh thoảng tôi lèn đầy cái hộp thiếc của mình thiếu bính – những chiếc bánh xốp thơm lừng có rắc mè mà tôi biết đó là món khoái khẩu của thầy Phan. Những hôm khác tôi mua đậu phộng rang, nấm khô hoặc là dưa bở ướp đường. Sự thiếu thốn vẫn xảy ra trong chiến tranh thế nên những món ngon lành chúng tôi kiếm được bao giờ cũng là một cái cớ cho những bữa tiệc nho nhỏ.

Chúng tôi mở tiệc ở phòng thầy Phan. Cao Linh, chị Dư cũng như những nhà khoa học khác – Đông, người lớn tuổi hơn với nụ cười hiền từ và Trào, người thanh niên cao lớn có mái tóc dày xoã ra trước trán – bao giờ cũng là khách mời. Khi chúng tôi dùng trà, thầy Phan sẽ vặn dây cót chiếc máy hát. Và trong lúc nhấm nháp đồ ăn, chúng tôi nghe bài hát "Vũ điệu phương Đông" của Rachmaninov. Tôi vẫn có thể hình dung lại hình ảnh thầy Phan vung tay lên như một nhạc trưởng bảo với người chơi piano và đàn cello chỗ nào thì ngưng lại, chỗ nào lại trỗi lên với một cảm xúc tràn đầy. Vào cuối bữa tiệc, ông sẽ năm dài trên chiếc trường kỷ chạm trổ, mắt nhắm lại, thở dài sung sướng  vì bữa tiệc ngon lành. Rachmaninov, con trai, con dâu và những người bạn thân thương của ông. "Đó mới là ý nghĩa chân thực nhất của hạnh phúc", ông bảo chúng tôi. Sau đó vợ chồng tôi sẽ đi dạo dưới trời đêm trước khi chúng tôi đi về phòng ngủ, hân hoan với niềm vui chỉ tồn tại giữa hai người. Đó là những nghi lễ nho nhỏ mà chúng tôi thực hiện, những điều mà chúng tôi yêu thích, có sức an ủi chúng tôi, điều mà chúng tôi có thể trông đợi, điều mà chúng tôi phải tạ ơn và ghi nhớ suốt đời.

Ngay cả trong lúc chiến tranh và đói kém, người ta vẫn cần đến ca múa nhạc kịch. "Chúng là ngôn ngữ và âm nhạc của tâm hồn". Khải Tĩnh bảo tôi thế. Mỗi chiều chủ nhật  bọn học trò  biểu diễn cho chúng tôi xem, và chúng trình diễn với tất cả nhiệt tình. Nhưng thành thực mà nói, diễn xuất và âm nhạc cũng chẳng có gì hay ho, đôi khi phải vừa nhìn vừa nghe những màn ấy là cả một sự buồn chán và chúng tôi quả cũng là những nghệ sĩ xuất sắc khi giả vờ rằng đó là một niềm  vui không gì so sánh được. Thầy Phan bảo tôi rằng những vở kịch đó cũng dở như vậy khi tôi còn là học sinh và tham gia biểu diễn. Bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi nhỉ? Bây giờ cô Towler đã còng lưng xuống và cũng thấp bé như là chị Dư, khi bà chơi piano mũi bà gần chạm phím đàn. Thầy Phan bị bệnh đục mắt và lo rằng chẳng bao lâu nữa thầy không  còn có thể viết được nữa.

Mùa đông đến, chúng tôi nghe đồn rằng có nhiều người cộng sản bị bệnh và chết vì bệnh dịch trước khi có dịp bắn một phát súng. Quân Nhật có nhiều thuốc men, quần áo ấm và chúng cướp thức ăn cũng như hàng tiếp tế từ các thôn làng mà chúng chiếm đóng. Với một số ít quân cách mạng chiếm giữ các ngọn đồi, quân Nhật bắt đầu tiến lên cao, đi đến đâu chúng đốn cây đến đấy thế là không ai có thể ẩn náu và trốn tránh.  Bởi vì chúng đến gần hơn, chúng tôi không còn an toàn xuống núi mua thức ăn nữa.

Tuy vậy Khải Tĩnh và đồng nghiệp của anh vẫn tiếp tục xuống mỏ. Điều này làm cho tôi phát điên lên vì lo lắng. "Đừng đi" tôi thường năn nỉ anh "Những cái xương ấy đã nằm đây hàng triệu năm rồi, chúng có thể chờ cho đến khi chiến tranh kết thúc". Cái mỏ này là nguyên nhân duy nhất trong những cuộc cãi vã của chúng tôi và đôi khi nhớ lại những điều này tôi thấy lý ra tôi phải tranh luận với anh gay gắt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa cho đến khi anh thôi không xuống mỏ nữa. Nhưng rồi tôi lại biết rằng, không, tôi không nên cự nự anh quá nhiều về chuyện đó hay là không nên bày tỏ một ý kiến phản đối nào. Thế thì có lẽ cái hình ảnh cuối cùng của anh về tôi sẽ không phải là một người vợ ưa cằn nhằn.

Khi Khải Tĩnh không xuống mỏ, anh dạy các đứa trẻ trong lớp tôi về địa chất. Anh kể cho chúng nghe về trái đất và người tiền sử, tôi cũng là học trò của anh. Anh vẽ lên bảng hình ảnh về những dòng băng và những tiếng nổ dữ dội trong lòng đất, xương sọ người Bắc Kinh khác với khỉ như thế nào, thuỳ trán cao hơn, có nhiều chỗ dành cho não bộ hơn. Nếu côTowler hoặc cô Grutoff lắng nghe, Khải Tĩnh không  vẽ khỉ và nói chuyện về tuổi của trái đất nữa. Anh biết ý kiến của anh về những gì xảy ra trước và sau sự sống là không giống ý kiến của họ.

Một hôm Khải Tĩnh kể cho bọn học trò gái nghe con người đã dần dần khác với loài khỉ như thế nào "Người vượn Bắc Kinh có thể đứng dậy và bước đi. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này qua cách hình thành xương của người Bắc Kinh, dấu móng chân để lại trên đất. Ông ấy dùng dụng cụ. Chúng ta biết được điều này nhờ vào những mẩu xương và hòn đá ông ấy làm ra để chặt và đập. Người Bắc Kinh chắc chắn là có học nói. Ít nhất thì trong não có chứa những khu vực hình thành lời nói".

"Từ nào ạ? Có phải là tiếng Hoa không?" một học sinh hỏi.

"Chúng ta không được biết chắc chắn" Khải Tĩnh đáp "bởi vì các em không thể để lại cho đời sau tiếng nói. Lúc ấy còn chưa xuất hiện chữ viết.  Điều này chỉ có vào khoảng hàng ngàn năm sau. Nhưng nếu đã có một ngôn ngữ thì đó cũng chỉ là một tử ngữ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian. Và chúng ta chỉ có thể đoán là người Bắc Kinh đã cố gắng nói. Cái gì một người muốn nói nào? Đàn ông, đàn bà hay trẻ con là người anh ta trò chuyện? Các em nghĩ cái âm đầu tiên để hình thành một từ có nghĩa là âm gì?"

"Em nghĩ một người bao giờ cũng sẽ cầu nguyện thượng đế của cô ta" một cô gái khác nói. "Cô ta sẽ nói lời cám ơn với những ai tử tế với cô".

Đêm ấy khi Khải Tĩnh ngủ say, tôi vẫn còn thao thức vì những câu hỏi này. Tôi tưởng tượng ra hai người không có tiếng nói, không có khả năng giao tiếp với nhau. Tôi hình dung những điều cần thiết. Màu xám của bầu trời có nghĩa là "bão". Mùi của lửa có nghĩa là "bỏ chạy". Tiếng gầm của một co nhổ là hành động vồ mồi. Ai sẽ lo lắng  về những chuyện như thế? Rồi tôi nhận ra là cái từ đầu tiên phải là mẹ, cái âm thanh một em bé bập môi tìm vú mẹ. Trong một thời gian dài đó là từ duy nhất mà một đứa bé cần. Mẹ, mẹ, mẹ. Rồi người mẹ sẽ dạy bé phải cẩn thận với bầu trời, ngọn lửa và con cọp. Một người mẹ bao giờ cũng là sự khởi đầu. Bà là cách mà mọi sự bắt đầu.

Một chiều xuân, học sinh trình diễn một vở kịch. Tôi vẫn còn nhớ đó là một cảnh trong "Người lái buôn thành Venice" mà cô Towler đã dịch sang tiếng Hoa, "Hãy quỳ xuống và cầu nguyện", có một điệp khúc như thế. Và đúng lúc ấy đời tôi thay đổi. Thầy Phan ào vào hội trường, thở hổn hển và gào lên "Bọn chúng bắt họ rồi!"

Giữa hai hơi thở ngắt quãng, ông kể chúng tôi nghe là Khải Tĩnh và đồng nghiệp của anh đi xuống hầm mỏ khảo sát như thường lệ. Thầy Phan đi cùng với họ nói chuyện và hít thở không khí trong lành. Ở hầm mỏ họ thấy một toán lính đứng đợi. Họ là những người Cách mạng, và bởi vì họ không phải quân Nhật, những người đàn ông này không quan tâm. Lãnh đạo của toán lính tiến đến chặn đầu. y hỏi Khải Tĩnh "Này, tại sao các anh không gia nhập lực lượng của chúng tôi?"

"Chúng tôi là những nhà khoa học, chứ không phải lính" Khải Tĩnh giải thích. Anh bắt đầu nói với họ về công việc tìm kiếm người Bắc Kinh,  nhưng một tên lính cắt lời anh "Chẳng có công việc gì ở đây hết trong vòng mấy tháng qua".

"Nếu anh làm việc để bảo tồn quá khứ" người chỉ huy nói, cố tỏ ra hoà nhã "thì chắc chắn anh cũng có thể làm việc để tạo dựng tương lai. Với lại, anh sẽ cứu được cái quá khứ gì nếu bọn Nhật tàn phá đất nước này?"

"Các anh có nghĩa vụ phải tham gia với chúng tôi" một tên khác nói một cách trắng trợn. "Chúng tôi đổ máu ra là để giữ gìn làng quê của các anh".

Người chỉ huy vẫy tay ra hiệu cho hắn im miệng rồi quay sang Khải Tĩnh. "Chúng tôi yêu cầu tất cả đàn ông trong các làng mà chúng tôi bảo vệ, giúp đỡ chúng tôi. Các anh không cần cầm súng. Các anh có thể nấu nướng hoặc quét dọn hoặc sửa chữa đồ đạc." Khi không thấy ai nói gì, y nói giọng đã bớt thân thiện "Đây không phải là yêu cầu mà là một đòi hỏi. Làng xóm các anh nợ chúng tôi điều này. Chúng tôi ra lệnh đấy. Nếu các anh không đi theo chúng tôi như những người yêu nước thì chúng tôi sẽ biết các anh như những kẻ hèn nhát".

Mọi việc xảy ra trong chớp mắt, thầy Phan nói. Bọn lính cũng bắt cả ông nhưng chúng cho rằng một ông già gần như mù loà sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn là có ích. Khi bọn lính giải mọi người đi, thầy Phan kêu to "Bao giờ họ sẽ trở về?"

"Nói cho tôi nghe đi đồng chí" người chỉ huy nói. "Trong bao lâu thì chúng ta đánh đuổi hết quân Nhật?"

Hai tháng tiếp theo tôi ngày càng gầy đi. Cao Linh ép tôi phải ăn, dẫu có thế tôi cũng chẳng cảm thấy ngon miệng gì. Tôi không thể không nghĩ đến lời nguyền ở Hàm Khỉ, tôi kể cho Cao Linh nghe điều đó, ngoài ra không kể cho ai nữa. Chị Dư giúp chúng tôi cầu nguyện cho những cuộc hội ngộ kỳ diệu, cầu xin những người Cộng sản mau chóng tống cổ được quân Nhật để Khải Tĩnh, Đông và Trào sớm đoàn tụ với chúng tôi. Thầy Phan lang thang trong sân trường, mắt thầy kéo sương mù với bệnh đục thuỷ tinh thể. Cô Grutoff và cô Towler không cho phép bọn con gái ra ngoài khuôn viên nhà trường dù rằng các cuộc đánh nhau diễn ra ở những khu vực khác. Họ nghe những câu chuyện kinh hoàng về việc bọn lính Nhật hãm hiếp đàn bà con gái. Họ tìm đâu được một lá cờ Mỹ rất lớn và họ treo ngay ngoài cổng cứ như thể đó là một lá bùa có thể bảo vệ khỏi sự tàn bạo độc ác.

Hai tháng sau khi những người đàn ông bị bắt đi, lời cầu nguyện của chị Dư thành sự thật một nửa. Một sớm tinh mơ có ba người đàn ông đi qua cổng, cô Grutoff rung cái chuông ở tai Phật. Chẳng bao lâu mọi người đồng thanh kêu lên rằng Khải Tĩnh, Đông và Trào đã trở về. Tôi chạy nhanh qua sân, trượt té và suýt nữa vỡ mắt cá chân. Khải Tĩnh và tôi ôm chặt nhau trong tiếng nấc nghẹn ngào hạnh phúc. Khuôn mặt anh gầy đi, đen xạm, tóc và da anh đượm mùi khói lửa. Còn đôi mắt anh mới khác làm sao. Tôi nhớ cái ý nghĩ của tôi lúc đó. Đôi mắt anh thất thần và bây giờ tôi nghĩ là một cái gì đó trong con người anh đã vĩnh viễn mất đi. "Bọn Nhật đã chiếm những ngọn đồi," anh bảo chúng tôi. "Chúng dánh đuổi quân đội chúng tôi". Đó là lúc chị Dư biết một nửa những lời cầu nguyện kia đã không thành sự thật. "Chúng sẽ đến đây tìm chúng tôi".

Tôi đun nước nóng và kỳ cọ người anh bằng một miếng vải trong lúc anh ngồi trong cái thùng gỗ chật hẹp. Rồi chúng tôi đi về buồng ngủ và tôi phải vắt một miếng vải lên cái cửa sổ mắt cáo làm cho phòng tối đi. Chúng tôi nằm xuống trong lúc anh đung đưa tôi trong tay anh, anh nói với tôi bằng một giọng thì thầm êm mượt, khiến cho tất cả các giác quan của tôi nhận ra rằng tôi đang nằm trong vòng tay anh, rằng đôi mắt anh đang nhìn tôi. "Chẳng có lời nguyền nào cả", anh nói. Tôi nghe anh rất chăm chú, cố gắng tin rằng tôi bao giờ cũng nghe lời anh. "Em thật can trường, thật mạnh mẽ" anh tiếp tục. "Tôi định phản đối rằng tôi không muốn mạnh mẽ nhưng tôi khóc nức nở đến nỗi không thể cất lên thành tiếng. "Em không thay đổi được điều đó. Đó là tính cách của em".

Anh hôn lên mắt tôi, mỗi mắt một  cái. "Cái này đẹp, cái này đẹp và em rất đẹp, tình yêu rất đẹp, cả hai ta đều đẹp. Chúng ta là siêu phàm không thay đổi với thời gian". Anh cứ nói thế cho đến khi tôi hứa sẽ tin anh, cho đến khi tôi đồng ý rằng nói như thế là đủ lắm rồi.

Bọn Nhật đến tìm Khải Tĩnh, Đông và Trào ngay chiều hôm ấy. Cô Grutoff rất ngoan cường tuyên bố cô là người Mỹ và không ai có quyền bước chân vào trại mồ côi. Chúng chẳng thèm chú ý đến cô, và khi bọn chúng đi rảo qua các phòng nơi bọn con gái trốn tránh dưới gầm giường, thì Khải Tĩnh và những người đồng sự bước ra nói rằng chúng không cần tìm kiếm nữa, tôi cố chạy theo.

Vài ngày sau tôi nghe có tiếng khóc thảm thiết trong phòng chính, khi Cao Linh đến tìm tôi với đôi mắt đỏ hoe, tôi bảo cô đừng nói với tôi cái điều tôi đã biết. Trong vòng hơn một tháng tôi cố giữ lời Khải Tĩnh sống mãi trong tim trong óc. Trong một khoảng thời gian lâu hơn tôi cố gắng hết mình để tin vào điều anh nói "Không làm gì có chuyện lời nguyền", và rồi cuối cùng Cao Linh kể ra cái chuyện ấy.

Hai tên sĩ quan Nhật tra khảo ba người đàn ông suốt mấy ngày đêm, cố moi cho được chỗ ẩn náu của những người Cộng sản. Sau ba ngày chúng xếp ba người Khải Tĩnh, Đông, Trào cùng với ba mươi dân làng khác thành một hàng. Một tên lính đứng gần cầm lưỡi lê. Tên sĩ quan nói hắn sẽ hỏi mọi người một lần nữa, mỗi người một lần. Từng người từng người một lắc đầu và từng người từng người một ngã xuống. Trong đầu tôi, lúc thì Khải Tĩnh ngà xuống đầu tiên, lúc thì anh ngã xuống cuối cùng, lúc thì anh ở giữa hàng người.

Tôi không ở đấy khi sự việc xảy ra nhưng tôi nhìn thấy hết. Chỉ có một cách duy nhất giúp tôi đẩy hai cảnh ấy ra khỏi đầu là trở về với kỷ niệm của tôi. Và đây trong một chốn an lành, tôi cùng với anh, anh hôn tôi khi anh nói "Chúng ta siêu phàm, không hề thay đổi cùng với thời gian".