Con gái thầy lang

Phẩm cách

Cao Linh nói rằng quân Nhật chẳng bao lâu sẽ tìm đến tất cả chúng tôi, thế thì việc gì tôi phải bận tâm đến việc tự sát ngay. Tại sao không đợi để cùng chết với mọi người. Như thế đỡ cô đơn hơn.

Thầy Phan bảo tôi không được bỏ mặc ông để sang thế giới bên kia. Vả lại, ai sẽ là người còn lại trong gia đình để chăm sóc ông lúc tuổi già, trong những ngày cuối đời?

Cô Grutoff cho rằng bọn trẻ cần tôi để nêu một gương sáng cho hình ảnh của một đứa trẻ mồ côi luôn vươn tới. Nếu chúng biết rằng tôi tự chặt đứt niềm hy vọng thì chúng còn biết hy vọng vào cái gì?

Nhưng chính chị Dư mới là người cho tôi cái lý do sống và chịu khổ ải trên cõi đời này. Chị nói Khải Tĩnh sẽ lên nước thiên đàng của Chúa Jesus, và nếu tôi tự vẫn tôi sẽ bị Chúa cấm không cho gặp anh. Với tôi, thiên đường của người Thiên Chúa là một mảnh đất xa tít mù khơi, toàn những người xa lạ và sống theo luật lệ của họ. Tự tử là bị cấm.

Thế là tôi tạm ở lại cõi thế chờ quân Nhật quay lại bắt tôi đi. Tôi chăm sóc bố chồng, phụng dưỡng ông bằng những món ăn ngon nhất. Chiều chiều tôi lang thang ra ngoài cổng đến một triền đồi có nhiều tảng đá nhỏ. Đó là nơi những người truyền giáo chôn những đứa trẻ và những cô gái bị chết trong những năm qua. Đó là nơi Khải Tĩnh an giấc ngàn thu. Trong căn phòng của chúng tôi, tôi tìm thấy vài mảnh xương rồng mà anh đào được trong vài tháng qua. Chúng chẳng có giá trị gì nhiều, chỉ là xương những con thú cổ. Tôi cầm lên một khúc xương, dùng một chiếc kim to khắc chữ lên đó để làm thành một miếng xương có ghi lời sấm như miếng dì Báu đã cho tôi. Tôi khắc "Em đẹp. Chúng ta đẹp. Chúng ta siêu phàm, bất biến với thời gian". Khi đã khắc xong một cái, tôi lại bắt đầu một cái khác, không thể dừng lại được. Đó là những lời tôi cần ghi nhớ, đo là món ăn đắng cay mà tôi thích nhấm nháp.

Tôi đặt những miếng xương này lên mộ Khải Tĩnh. "Khải Tĩnh" tôi nói với chồng mỗi khi đặt một miếng lên trên mộ "Anh có nhớ em không?" Rồi sau một hồi im lặng tôi kể anh nghe chuyện xảy ra trong ngày, ai đau ốm, ai khôn ngoan, chúng tôi hết thuốc chữa bệnh ra sao và mọi việc lại trở nên tồi tệ như thế nào khi không có anh ở đây để dạy bọn trẻ về địa chất. Một hôm tôi phải nói với anh là bà Towler không thức dậy vào buổi sáng nữa và chẳng bao lâu bà sẽ nằm xuống bên cạnh anh. "Bà ấy đang trên con đường êm ả về với Chúa" cô Grutoff nói thế trong bữa ăn sáng và cô làm như vui vẻ vì bà Towler cuối cùng cũng về với Chúa. Nhưng khi cô mím chặt hai môi lại và hai nếp nhăn hằn sâu quanh miệng cô thì tôi hiểu rằng cô mất mát ghê gớm. Đối với cô, bà Towler cũng là mẹ, là chị, là người bạn tâm giao lâu nhất.

Sau cái chết của cô Towler, cô Grutoff bắt đầu may cờ Mỹ. Tôi nghĩ cô may cờ cùng một lý do như tôi ngồi khắc các mảnh xương trên mộ Khải Tĩnh. Cô muốn giành giật cho ký ức, cô sợ sự quên lãng. Mỗi ngày cô thêu một ngôi sao hay một vệt sọc. Cô sẽ nhuộm vải thành màu đỏ hoặc xanh. Trong trường các em nhỏ cũng giúp cô làm cờ. Chẳng bao lâu có 50 rồi 100, rồi 200 lá cờ Mỹ tung bay chung quanh khu tu viện bỏ hoang. Nếu ai không biết đó là trường mồ côi dành cho các em gái Trung Hoa, anh ta sẽ nghĩ có rất nhiều rất nhiều người Mỹ tổ chức một ngày hội yêu nước ở trong đó.

Cuối cùng một sớm mai lạnh giá, lính Nhật cũng xông đến đất chúng tôi. Chúng tôi đang ở phòng chung cho một buổi lễ ngày Chủ nhật dù rằng hôm đó không phải là Chủ nhật. Chúng tôi nghe súng nổ đì đùng. Mọi người chạy ra ngoài và nhìn thấy vợ chồng bác đầu bếp nằm úp mặt xuống đất, mấy con gà đang quằn quại cạnh đấy, mổ tới tấp một xô lúa mạch đổ tung toé. Lá cờ Mỹ rất lớn treo ngay ngoài cổng giờ nằm dưới đất. Các cô học sinh khóc ré lên nghĩ rằng vợ chồng người đầu bếp đã chết. Nhưng rồi chúng tôi thấy bác đầu bếp khẽ nhúc nhích, nghiêng đầu sang một bên, thận trọng trông chừng xem có những ai chung quanh. Cô Grutoff đẩy chúng tôi sang một bên để bước lên trước. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều tự hỏi cô có ra lệnh cho bọn lính để chúng tôi yên không vì cô là người Mỹ. Trái lại, cô bảo chúng tôi giữ yên lặng. Không có ai cử động hoặc nói năng gì. Rồi chúng tôi quan sát bọn lính Nhật bắn hạ từng lá cờ, hàng trăm lá cờ, thay phiên nhau, và chỉ trích kẻ nào bắn trật. khi tất cả những lá cờ đã rách bươm, chúng bắt đầu bắn gà qué, những con gà đập cánh, kêu quang quác rơi xuống đất. Cuối cùng chúng gom những con gà chết lại mang đi. Vợ chồng người đầu bếp đứng lặng, những con gà con lại kêu cục cục một cách yên lặng, bọn con gái để thoát ra tiếng khóc bàng hoàng mà chúng kìm nén ở trong lòng.

Cô Grutoff yêu cầu mọi người trở về phòng sinh hoạt. Ở đây cô thông báo với chúng tôi bằng một giọng run rẩy cái điều mà cô biết được qua radio mấy ngày trước: Nhật đã tấn công Mỹ và người Mỹ tuyên bố chiến tranh với Nhật. "Với người Mỹ làm đồng minh, giờ đây Trung Hoa có thể thắng Nhật nhanh hơn", cô nói chúng tôi vỗ tay hoan hô cùng với cô. Để làm cô hài lòng, chúng tôi mỉm cười giả vờ tin vào những cái tin tốt lành ấy. Sau đó khi bọn học sinh đã về phòng đi ngủ, cô thông báo với các thầy giáo, vợ chồng bác đầu bếp một cái tin khác cô nghe được từ bạn bè ở Đại học Y Bắc Kinh.

"Xương người Bắc Kinh đã mất".

"Bị phá huỷ?" Thầy Phan hỏi.

"Không ai biết. Chỉ biết là tất cả biến mất. Xương của 41 người cổ đại." Người cho rằng nó được vận chuyển bằng tàu hoả rồi đưa xuống một cái tàu thuỷ của Mỹ từ Thiên Tân đi Manila, nhưng con tàu này bị đắm. Một vài người khác lại nói xương không hề được đưa lên tàu thuỷ. Họ nói bọn Nhật đã chặn đoàn tàu lại. Chúng nghĩ rằng những cái hộp này chỉ chứa toàn đồ đạc của Mỹ vì thế chúng ném những cái hộp đó xuống đường, để chúng bị nghiền nát bởi một đoàn tàu khác. Chẳng ai còn biết nghĩ thế nào nữa. Chẳng có cái gì là tốt đẹp cả. Khi nghe cái tin này, tôi có cảm giác xương xẩu của tôi rỗng hết ra. Toàn bộ sự nghiệp của Khải Tĩnh, sự hy sinh của anh, chuyến đi cuối cùng của anh đến vùng mỏ - tất cả những điều đó đổ xuống sông xuống biển hết sao? Tôi hình dung những khúc xương nhỏ này trôi vào bụng cá ở ngoài cảng, từ từ chìm xuống đáy, những con lươn biển bơi lượn bên trên, phủ cát lên. Tôi nhìn thấy những mảnh xương khác bị ném vào bánh xe lửa như một đống rác và bánh xe nghiền chúng cho đến kh những mảnh vụn không còn lớn hơn hạt cát ở cao nguyên Gobi. Tôi có cảm giác như thế những mảnh xương này là của Khải Tĩnh.

Ngày hôm sau bọn Nhật quay lại bắt cô Grutoff vào trại tù binh. Cô biết điều này sẽ xảy ra nên cô không tìm cách trốn tboát. "Tôi không bao giờ muốn rời xa các học sinh thân yêu của tôi", vali của cô đã chuẩn bị sẵn sàng, cô đội một  cái mũ du lịch với một cái khăn quàng quanh cổ, với 56 cô gái nước mắt ngắn dài đứng ở cổng từ biệt cô. "Thầy Phan, mong thầy đừng quên bài giảng về thánh tông đồ", cô kêu lớn ngay trước khi cô bị tống lên thùng sau xe tải. "Và xin hãy vững lòng bảo những người khác là họ có thể trải qua với một từ tốt đẹp". Tôi nghĩ đó là một lời vĩnh biệt kỳ lạ. Ai cũng nghĩ thế cho đến khi thầy Phan nói cho chúng tôi biết cô muốn ngụ ý gì.

Ông dẫn chúng tôi vào hội trường đến chỗ pho tượng của một vị thánh. Ông vặn tay nó ra. Bên trong có một cái hốc mà ông và cô Grutoff đã dày công đục đẽo giấu vàng bạc và danh sách những học sinh cũ của trường ở Bắc Kinh. Trong vòng hơn một tháng qua ông và cô Grutoff đã làm vào ban đêm. Mỗi một pho tượng đều là một cái kho chứa tiền và vàng của cô Grutoff, vì thế nếu bọn Nhật tìm ra tiền ở một nơi, thì cái bọn tà giáo đó cũng không  biết là hàng trăm pho tượng khác cũng có chứa đồ quý để tìm kiếm.

Nếu mọi việc trở nên quá nguy hiểm chung quanh trại mồ côi, chúng tôi dự định là sẽ đưa bọn con gái đến Bắc Kinh mỗi lần  bốn, năm em. Ở đấy chúng có thể sống chung với những cựu học sinh hoặc những người là bè bạn của trường. Cô Grutoff đã liên hệ với những người này và họ đồng ý là khi cần họ sẽ vui lòng giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi chỉ cần báo cho họ qua đài khi nào thì chúng tôi đến.

Thầy Phan phân cho mỗi người trong số giáo viên, phụ giảng và bốn học sinh lớn nhất có một bức tượng thánh để chúng tôi dùng làm tiền chạy loạn. Từ ngày cô Grutoff ra đi, thầy Phan đã hướng dẫn chúng tôi thực tập và ghi nhớ tượng thánh nào và miếng gỗ ở đâu để có thể đào lên. Tôi nghĩ thế là đủ để chúng tôi nhận ra tượng của chúng tôi nhưng chị Dư bảo "Chúng ta phải đọc to tất cả những cái tên này lên. Lúc ấy các vị Thánh sẽ bảo vệ tiền của chúng ta. Fida, Pa, Matu, Yuhan, Jiamayi, Jiamaer, Andaru, Filipa, Tomasa, Shaimin, Todayim, và budalomu." Tên phản Chúa Judasa không có tượng.

Ba tháng sau khi cô Grutoff bị bắt, thầy Phan quyết định đã đến lúc lên đường. Bọn Nhật trở nên điên cuồng vì quân Cách mạng cứ ẩn náu mãi trên núi. Chúng muốn nhử cho họ ra bằng việc tàn sát người ở những làng lân cận. Chị Dư cũng bảo Cao Linh và tôi rằng bọn Nhật cũng làm cả những việc không thể nói ra được với những đứa con gái ngây thơ, một vài đứa mới có 11, 12 tuổi. Những việc này đã xảy ra ở Thiên Tân, Đông Châu và Nam Kinh. "Những cô bé mà chúng không giết ấy về sau cũng tự sát cả" chị nói thêm. Thế là chúng tôi biết đến những điều chị nói bằng cách dùng đến những vùng đang hoảng sợ trong trí tưởng tượng của chúng tôi.

Kể cả bốn học trò lớn ở lại với chúng tôi trong thời chiến, chúng tôi có 12 người giám hộ. Chúng tôi nhắn tin qua đài với bè bạn của cô Grutoff ở Bắc Kinh, họ nói rằng thành phố này hiện bây giờ cũng đang bị chiếm đóng, và mặc dù tình hình có tạm lắng xuống chúng tôi cần chờ đợi tin tức của họ. Tàu hoả không chạy và sẽ nguy hiểm cho chúng tôi nếu bi kẹt nhiều ngày chờ đợi ở những thành phố khác nhau trên đường chạy loạn. Thầy Phan, cân nhắc thời gian biểu cho sự ra đi của các nhóm, đầu tiên là nhóm của má Hoàng, người có thể nói lại cho chúng tôi về cuộc hành trình, sau đó là nhóm của bốn học sinh lớn, rồi của vợ bác đầu bếp, cô giáo Hoàng, bác đầu bếp, Cao Linh, tôi, chị Dư và cuối cùng là thầy Phan.

"Tại sao cha lại đi sau cùng?" tôi hỏi ông.

"Vì cha là người biết sử dụng sóng vô tuyến".

"Cha có thể dễ dàng dạy lại con" tôi nói.

"Và con nữa" Chị Dư và Cao Linh cùng nói.

Chúng tôi cãi nhau, thi đua tỏ ra mình can đảm hơn. Mà khi làm thế chúng tôi phải trở nên không tốt với nhau và chỉ trích lẫn nhau. Mắt của thầy Phan kém nếu bị bỏ lại một mình sẽ rất nguy hiểm. Chị Dư nặng tai. Cao Linh thì chân lại bị đau, đó là chưa kể nỗi sợ ma làm cho cô đi sai đường. Rất nhiều sự bất cập đối với tôi, nhưng rốt cuộc tôi được phép đi sau cùng, tạo cho tôi một khoảng thời gian còn lâu hơn để chăm sóc ngôi mộ Khải Tĩnh.

Bây giờ thì tôi phải thú nhận là tôi đã hoảng sợ như thế nào vào những ngày cuối cùng. Tôi  chịu trách nhiệm trông nom bốn đứa con gái 6 tuổi, 8 tuổi, 9 tuổi và 12 tuổi. Trong khi vẫn cảm thấy thoải mái khi nghĩ đến tự sát, tôi lại rất hốt hoảng về nỗi bị giết. Trong khi mỗi một nhóm rời đi, trại mồ côi lại trở nên rộng hơn và tiếng bước chân vang lên to hơn. Tôi sợ bọn Nhật kéo đến t`im ra chiếc đài rồi buộc tội tôi là gián điệp và hành hạ tôi. Tôi bôi đất cát lên mặt mấy đứa trẹ bảo chúng nếu bọn Nhật tới thì chúng phải cào đầu và gãi sồn sột luôn tay giả là có rận. Hầu như giờ nào tôi cũng cầu Chúa và Phật Thích Ca, ai nghe lời cầu nguyện của tôi cũng được. Tôi thắp nhang trước ảnh dì Báu, ra mộ Khải Tĩnh và chân thành bộc lộ nỗi sợ hãi của tôi. "Tính cách của em đâu rồi?" tôi hỏi anh. "Anh nói em mạnh mẽ mà, sức mạnh của em đi đâu rồi?"

Vào ngày thứ tư trong sự cô độc của chúng tôi, tôi nghe một lời nhắn trên đài. "Đi nhanh lên. Tàu đã chạy rồi". Tôi  chạy đi bảo mấy đứa con gái, lúc ấy tôi thấy một phép màu xảy ra, nhưng nó xảy ra từ phía các thánh thần phương Tây hay Trung Hoa thì tôi không biết. Tôi thầm cám ơn là tất cả bốn đứa con gái đều có đôi mắt sưng vù, một màu tim tím viền quanh mắt. Chúng bị đau mắt, không nghiêm trọng lắm nhưng trông rất ghê. Không ai muốn chạm tới chúng. Còn về phía mình tôi cũng nhanh chóng nảy ra một ý. Tôi lấy chỗ cháo mà chúng tôi còn để lại sau bữa sáng, chắt nước đi rồi bôi lên má, trán, cổ và hai bàn tay để khi nó khô đi tôi có vẻ của một bà già nhà quê da dẻ cóc cáy nứt nẻ. Tôi mang theo một cái phích đựng nước cháo gạo nếp cho thêm vào đó một ít tiết gà. Tôi bảo bọn gái lượm hết trứng gà, kể cả những cái trứng hư cho vào trong giỏ xách. Bây giờ chúng tôi đã sẵn sàng đi xuống ga.

Khi chúng tôi đi xuống đường được một quãng, nhác trông thấy tên lính đầu tiên tôi bèn bước chậm lại và làm một hú[ nước cháo tiết gà. "Các người đi đâu?" hắn hỏi. Cả năm người chúng tôi nhìn lên và tôi có thể nhìn thấy vẻ kinh tởm trên mặt hắn. Bọn con gái đưa tay gãi sột soạt. Trước khi trả lời, tôi ho vào một chiếc khăn tay, rồi gấp lại cố để hắn có thể nhình thấy một  vết nhầy dính máu. "Chúng tôi ra chợ bán trứng gà", tôi nói. Chúng tôi nhấc túi xách lên "Ông có muốn một ít trứng làm quà không?"

Khi chúng tôi đi được một đoạn ngắn nữa, tôi húp một ngụm nước cháo với tiết gà và ngậm trong miệng. Hai lần đứng lại, hai lần tôi ho khan trông giống một bà già bị lao ho ra máu. Bọn con  gái nhìn lên với đôi mắt toét nhoẻn tím bầm.

Khi chúng tôi đến Bắc Kinh, tôi nhìn qua cửa sổ toa xe thấy Cao Linh ra đón. Cô nheo mắt để chắc chắn rằng đó là tôi đang bước ra khỏi toa tàu. Cô từ từ đi đến gần, đôi môi của cô ngoạc ra vì kinh hãi. "Có chuyện gì xảy ra với chị vậy?" Tôi ho ra một ngụm máu lần cuối rồi nhổ vào khăn tay. "Ối trời!" cô kêu lên, nhảy giật lùi về phía sau.

Tôi cho cô xem phích nước đựng "chất nước đuổi quân Nhật". Rồi tôi ôm bụng cười và không thể ngừng lại được. Tôi hạnh phúc như điên, một sự phấn khích lạ lùng vì được giải thoát.

Cao Linh than phiền "Suốt thời gian qua em lo phát điên phát dại lên còn chị thì ở đấy bày trò đùa".

Chúng tôi xếp đặt bọn nhỏ vào nhà các cựu học sinh của trường. Trong những năm qua một số đã lấy chồng, một số chết đi, một số đến thăm chúng tôi như những bậc cha mẹ danh dự của họ. Cao Linh và tôi sống ở mấy phòng phía sau hiệu mực cũ ở khu bán hàng sứ. Thầy  Phan và chị Dư cũng ở cùng với chúng tôi. Còn về chồng của Cao Linh, tất cả chúng tôi đều hy vọng là hắn đã ngủm.

Tất nhiên việc gia đình họ Trương làm chủ hiệu mực này làm tôi tức tối không thể tưởng tượng được. Kể từ ngày dì Báu chết đi, tôi đã không nghĩ nhiều về ông chủ trại hòm này. Bây giờ ông ta lại là người ra lệnh cho chúng tôi bán nhiều mực hơn và phải bán nhanh hơn. Người đàn ông quỷ quyệt này đã giết ông ngoại tôi, cha tôi, gây cho dì Báu quá nhiều đau khổ đến nỗi dì phải tự kết liễu cuộc đời. Nhưng lúc ấy tôi nhận ra nếu một người muốn đánh trả, cô ta phải gần gũi với người mà cô ta muốn trả thù. Tôi quyết định sẽ sống ở hiệu mực bởi vì điều ấy rất có lợi, trong thời gian đó tôi sẽ nghĩ ra cách trả thù.

May mắn sao ông Trương không bận tâm đến chúng tôi bằng việc  buôn bán của ông ta. Công việc làm ăn tốt hơn trước lúc chúng tôi đến rất nhiều. Đó là bởi vì chúng tôi dùng đến cái đầu của mình. Chúng tôi nhận ra rằng càng ngày càng có ít người dùng mực và bút lông. Đang chiến tranh ai có thời gian nhàn rỗi để thư thái ngồi xuống, mài mực vào nghiên và trầm tư xem mình sẽ viết gì? chúng tôi cũng nhận thấy nhà họ Trương làm ăn dối trá, mực không  còn có chất lượng như xưa vì thế mà bánh mực và thỏi mực rất bở. Thầy  Phan là người gợi ý chúng tôi làm mực dùng liền. Chúng tôi mài loại mực rẻ tiền pha với nước và chế vào những cái lọ nhỏ dùng rồi mà chúng tôi mua lại với giá gần như cho không ở các hiệu thuốc.

Thầy Phan hóa ra cũng là người giỏi kinh doanh. Thầy có phong thái và nét chữ của một ông đồ già, điều đó thuyết phục khách hàng rằng chất lượng loại mực dùng liền của chúng tôi là rất tuyệt vời, dù thực ra không phải như thế. Tuy vậy để biểu diễn điều đó, thầy đã phải cẩn thận không viết ra bất cứ cái gì có thể bị diễn giải ra là chống Nhật hoặc bảo hoàng, hoặc thiên về người Thiên Chúa hay Cộng sản. Thật chẳng dễ làm điều đó chút nào. Một lần ông quyết định là chỉ đơn giản viết về thức ăn. Chẳng có gì nguy hiểm cả. Thế là ông viết "Cà rốt ăn ngon hơn khi được muối chua", nhưng Cao Linh vẫn sợ điều này có thể bị coi là một điều bôi nhọ quân Nhật hoặc là về phe với quân xâm lược vì cà rốt trông giống củ cải mà củ cải lại là món người Nhật khoái ăn. Thế là ông hạ bút viết "Cha, mẹ, anh, chị". Chị Dư nói rằng trông nó giống danh sách những người đã chết. "Và nó cũng có vẻ như quay lại nguyên tắc của Khổng Tử về gia đình", Cao Linh góp ý "Ý muốn trở về thời của các vì vua chúa". Bất cứ cái gì cũng có thể là nguy hiểm: mặt trời, các vì sao, đường đi của gió, điều này còn tuỳ thuộc vào bao nhiêu lo lắng phiền muộn mà mỗictg mang trong lòng. Mồi con số, màu sắc và con thú đều có một nghĩa xấu. Mỗi từ lại nghe giống một từ khác. Cuối cùng tôi nghĩ ra một ý hay nhất và điều đó được quyết định. "Xin mời thử mực dùng liền của chúng tôi! Vừa rẻ tiền vừa tiện dụng".

Chúng tôi nghĩ rằng nhiều trong số các sinh viên các trường đại học mua mực của chúng tôi là những chiến sĩ Cộng sản, họ dùng mực này để viết các khẩu hiệu tuyên truyền xuất hiện trên các bức tường vào lúc nửa đêm. "Cùng nhau vùng lên", khẩu hiệu hô hào như vậy. Chị Dư ban kế toán và chị không quá cứng rắn khi gặp những sinh viên nghèo không có đủ tiền mua mực. "Trả được bao nhiêu thì trả," chị bảo họ. "Một sinh viên bao giờ cũng nên có đủ mực để học hành". Chị Dư cũng đảm bảo rằng có thể gcó giữ một ít tiền nhưng ông chủ Trương không nhận ra điều đó.

Khi chiến tranh chấm dứt năm 1945, chúng tôi không còn nghĩ là những ý nghĩa bí mật có thể bị rắc rối với bọn Nhật nữa. Pháo nổ dòn tan ở các hè phố suốt cả ngày ban cho mọi người có một thứ hạnh phúc đầy hồi hộp. Suốt đêm các ngõ hẻm đông nghẹt những người bán hàng rong bán đủ các loại thức ăn ngon lành và những người hành nghề bói toán được mùa với những tin tức tốt lành. Cao Linh nghĩ dó là một ngày đẹp trời để hỏi về tương lai của cô. Thế là chị Dư và tôi cùng đi vớ vẩn ngoài phố với Cao Linh.

Người thầy bói mà Cao Linh chọn có thể viết ba chữ khác nhau cùng một lúc với ba cái bút lông cầm trong một tay. Cái bút đầu tiên đặt  giữa đầu ngón cái với một ngón khác, cái bút thứ hai nằm giữa lòng bàn tay. Cái bút thứ ba gắn vào cổ tay. "Chồng tôi có bị chết không?" Cao Linh hỏi thầy bói. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên vì câu hỏi lỗ mãng của cô. Chúng tôi nín thở khi nhìn thấy ba chữ hiện lên cùng một lúc "Về Thất Vọng".

"Câu đó nghĩa là  gì?"

"Với một chút thù lao nữa" thầy bói đáp "đấng tối cao sẽ cho phép tôi giải thích". Nhưng Cao Linh nói cô đã thoả mãn với câu trả lời và chúng tôi quay về.

"Hắn đã chết:" Cao Linh tuyên bố.

"Sao em lại biết chắc chắn như thế? Câu đó cũng có ý nghĩa rằng hắn còn sống" tôi nói.

"Nó rõ ràng có nghĩa là tất cả hy vọng về sự trở về của hắn đã tiêu tan".

Chị Dư gợi ý "Có thể nó có nghĩa là hắn sẽ  trở về nhà và chúng ta là người thất vọng".

"Không thể thế" Cao Linh nói, nhưng tôi có thể thấy một nếp nhăn nghi ngờ chạy ngang trán cô.

chiều hôm sau chúng tôi ngồi ngoài sân thích thú đón nhận cảm giác mới mẻ về sự yên bình, chợt một giọng nói vang lên "Này, tôi tưởng cô ngoẻo rồi chứ". Một người đàn ông mặc quân phục nhìn Cao Linh nói.

"Tại sao anh lại ở đây?" Cao Linh bật dậy khỏi ghế.

Người đàn ông cười khẩy "Tôi sống ở đây. Đây là nhà của tôi".

Lúc ấy chúng tôi biết đó là ai. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người đàn ông có thể đã là chồng tôi. Hắn cũng to con như cha hắn với cái mũi sư tử dài. Cao Linh đứng lên đỡ lấy hành lý và mời hắn ngồi vào ghế của cô. Cô đối xử với hắn một cách khách sáo như với một người khách không mời. "Có chuyện gì với những ngón tay của anh vậy?" Cô hỏi. Cả hai ngón tay út của hắn đều đã mất.

Đầu tiên hắn hơi khựng lại rồi cười "Tôi là một anh hùng trong cuộc chiến" hắn nói, liếc nhìn  chúng tôi. "Đây là ai vậy?" Cao Linh nói tên từng người và nói thêm mỗi người chúng tôi đều góp tay vào công việc làm ăn. Phú Nam gật đầu, rồi hướng về phía chị Dư nói "Chúng ta không cần thêm người. Tôi sẽ điều hành mọi việc từ hôm nay".

"Cô ấy là  bạn tốt nhất của tôi".

"Ai nói gì?" hắn nhìn Cao Linh và khi thấy cô không quay đi, hắn nói "Vẫn còn là một con rắn nhỏ đầy nọc độc hả? Được, ở đấy mà tranh luận với người chủ mới của cái cửa hiệu này kể từ hôm nay. Ngày mai ông ta sẽ tới". Hắn ném ra một tờ văn tự với dấu má đầy đủ. Cao Linh tóm lấy.

"Anh bán cửa hiệu này rồi à? Anh không có quyền. Anh không thể bắt gia đình tôi làm công cho một người nào khác. Còn món nợ - tại sao đến lúc này mà nó còn lớn hơn. Anh đã làm cái gì vậy, đánh bạc, ăn nó hay đốt nó đi? Làm gì nào?"

"Tôi đi ngủ đây, và đến lúc tôi thức dậy, tôi không muốn thấy người đàn bà gù này. Cái mặt của cô ta làm tôi muốn bệnh". Hắn vầy tay xua đi bất cứ lời phản đối nào. Hắn bỏ đi và chẳng bao lâu chúng tôi ngửi thấy mùi khói thuốc phiện. Cao Linh bắt đầu chửi vung lên.

Thầy Phan thở dài "Ít nhất thì chiến tranh cũng đã qua và chúng ta có thể tìm gặp vài người bạn ở trường Y tìm chỗ nào đó để chúng ta có thể tá túc".

"Con sẽ không đi đâu hết".

sao cô ấy có thể nói thế sau tất cả những gì cô đã kể cho tôi nghe về người chồng quái gở này? "Em sẽ sống với con quỷ này ư?" Tôi thốt lên.

"Đây là hiệu mực của dòng họ nhà em. Em không muốn bỏ đi. Chiến tranh đã kết thúc và bây giờ em sẵn sàng đấu tranh."

Tôi cố tranh luận với cô nhưng thầy Phan đập vào tay "Cho cô ấy thời gian. Cô ấy sẽ bình tâm lại".

Chiều hôm ấy chị Dư đến trường Y, nhưng chị sớm quay lại "Cô Grutoff đã trở về, được thả khỏi trại tập trung. Nhưng cô ấy yếu lắm". Bốn chúng tôi lập tức đến nhà một người ngoại quốc khác tên là bà Riley. Bước vào nhà chúng tôi đã thấy cô Grutoff gầy như thế nào. Chúng tôi thường đùa rằng phụ nữ ngoại quốc có những chiếc vú to như vú con bò sữa mà họ uống. Nhưng bây giờ cô Grutoff trông như bị hút kiệt sức. Nước da cô rất xâu. Cô nhất định đứng dậy chào đón chúng tôi và chúng tôi khăng khăng đề nghị cô ngồi xuống, đừng bận tâm đến việc tỏ ra lịch sự với những người bạn cũ. Lớp da thừa của cô buông thõng quanh cằm và cánh tay. Mái tóc đỏ rực của cô ngày xưa giờ bạc trắng và mỏng dính.

"Cô khỏe không ạ?" chúng tôi hỏi.

"Không đến nỗi nào," cô trả lời giọng vui vẻ và cô mỉm cười "Như các bạn thấy đấy, tôi vẫn còn sống. Bọn Nhật không làm tôi chết đói nhưng lũ muối thì có cách tấn công tôi. Sốt rét". Hai học sinh bé ở trường cũng bị sốt rét và đã chết. Nhưng tôi không thông báo với cô điễu đó. Cần nhiều thời gian cho những tin xấu sau này.

"Cô  cần phải hồi phục thật nhanh", tôi nói. "Rồi sau đó chúng ta sẽ tái thiết lại trường lớp".

Cô  Grutoff lắc đầu "Tu viện cũ ngày xưa đã không còn. Bị phá huỷ hoàn toàn. Một trong những người truyền giáo đã cho tôi biết".

Chúng tôi há hốc miệng sững sờ.

"Nhà cửa, cây cối, mọi cái đều bị đốt cháy trụi và đổ nát". Bà Riley gật đầu xác nhận.

Tôi định hỏi chuyện gì xảy ra với những ngôi mộ nhưng tôi không thể mở miệng. Tôi có đúng cái cảm giác tràn ngập trong lòng tôi lúc Khải Tĩnh bị giết. Nghĩ  về anh làm cho tôi cố nhớ lại khuôn mặt anh. Nhưng tôi lại thấy những hòn đá dưới chỗ anh nằm rõ hơn. Tôi đã yêu anh bao lâu lúc anh còn sống? Tôi sẽ đau khổ bao lâu sau khi anh chết?

Lúc ấy bà Riley mới nói "Chúng ta sẽ mở một trường ở Bắc Kinh một khi chúng ta tìm ra địa điểm. Nhưng bây giờ chúng ta cần giúp cô Grutoff khoẻ lại, phải không Ruth?" Bà đập vào tay cô Grutoff.

"Bất cứ điều gì" chúng tôi lần lượt nói. "Tất nhiên chúng tôi sẽ giúp. Chúng tôi yêu cô Grutoff. Cô là mẹ là chị của tất cả chúng tôi. Chúng tôi cần phải làm gì?" Bà Riley lúc ấy mới giải thích rằng cô Grutoff cần trở về Mỹ để chữa bệnh ở San Francisco. Nhưng cô cần một người giúp đỡ, bầu bạn với cô đến Hồng Kông và sau đó vượt biển về nước".

"Ai trong số mọi người muốn đi với tôi? Tôi nghĩ chúng ta cần làm hộ chiếu".

"Tất cả chúng tôi" Cao Linh trả lời ngay tắp lự.

Cô Grutoff bắt đầu bối rối. Tôi có thể thấy rõ điều đó.

"Tôi không muốn làm phiền nhiều người một lúc, chỉ một người là đủ" cô nói rồi cô thở dài nói rằng cô cảm thấy đuối. Cô muốn  nằm nghỉ.

Khi cô rời phòng, chúng tôi người nọ nhìn người kia, không biết bắt đầu cuộc thảo luận về việc ai sẽ là người giúp cô Grutoff như thế nào. Nước Mỹ ư? Cô Grutoff không nói đó là một đặc ân nhưng tất cả chúng tôi đều  biết chúng tôi có một cơ hội lớn. Một thị thực nhập cảnh vào Mỹ. Nhưng chỉ có một người trong chúng tôi có cơ hội ấy. Tôi nghĩ về điều đó. Trong tim tôi, nước Mỹ là thiên đàng của Chúa. Đó là nơi Khải Tĩnh đã đến, nơi anh đợi chờ tôi. Tôi biết điều này không có thực nhưng vẫn le lói trong tôi một hy vọng là tôi có thể tìm thấy hạnh phúc vẫn còn trốn khỏi tôi nấp ở đâu đó. Tôi có thể rũ bỏ lời nguyền và xuất thân đau đớn của tôi.

Lúc ấy tôi nghe Cao Linh tuyên bố "Thầy Phan sẽ đi. Thầy là người lớn tuổi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất". Cô nhanh nhảu đưa ra một đề xuất  vì thế tôi biết cô rất muốn đi. "Kinh nghiệm về cái gì kia chứ?" Thầy hỏi. "Tôi sợ rằng tôi sẽ chẳng giúp đỡ được ai. Một người già cả mù loà như tôi chẳng đọc được và chẳng viết được gì bằng đôi tay run rẩy thế này. Vả lại sẽ không thích hợp nếu một người đàn ông đi chung với một người đàn  bà. Nếu cô ấy cần giúp đỡ lúc đêm hôm thì sao?"

"Chị Dư vậy" Cao Linh nói tiếp. "Chính là chị. Chị khôn ngoan có thể vượt qua bất cứ trở ngại nào". Một đề cử nữa! Cao Linh nóng lòng muốn đi biết chừng nào, cô nói thế để có người nói cô mới là người đáng ra đi.

"Nếu người ta không đạp lên tôi trước" chị Dư nói. "Đừng có vớ vẩn. Ngoài ra tôi không muốn rời Trung Hoa. Nói thật lòng, trong khi tôi tràn trề tình yêu Thiên Chúa dành cho cô Grutoff và những người bạn ngoại quốc, tôi không quan tâm đến những người Mỹ khác. Chiến tranh hay không thì tôi cũng chỉ muốn ở lại Trung Quốc thôi".

"Vậy thì Lưu Linh nên đi" Cao Linh lại nói.

Tôi nên làm gì? Tôi phải lý sự. "Tôi không bao giờ rời xa cha già hay là Cao Linh".

"Không, không, không. Con không cần một ông già bên cạnh", tôi nghe cha chồng tôi phản đối. "Cha muốn nói rằng cha có thể tục huyền. Phải, cha nói thật đấy. Cha biết con nghĩ gì. Thần thánh đang cười và cả cha nữa  cũng tự cười mình".

"Nhưng ai ạ?" tôi hỏi. Tôi không thể tưởng tượng là ông có chút thời gian nào để đi cưa cẩm một bà. Ông bao giờ cũng ở cửa hiệu, trừ những khi ông ra ngoài làm vài  việc vặt.

"Bà ấy sống ngay bên cạnh chúng ta, bà quả phụ của ông chủ tiệm sách".

"Hả? Cái người đã kiện gia đình chúng ta ư?" Cao Linh bật lên hỏi.

"Sách là giả" tôi nhắc cô. "Người đàn ông thua kiện, nhớ chưa?" rồi chúng tôi nhớ lại cung cách và những lời chào của thầy Phan khi thầy hỏi bà ấy có phải là một đầu bếp giỏi không, có phải là có một khuôn mặt khả ái không, một giọng nói hiền từ không. Một gia đình không gây ra nhiều phiền toái, ông muốn nói thế. Tôi rất sung sướng  vì hạnh phúc của ông  và cũng mừng rằng tôi không phải viện ra lý do để không đi Mỹ nữa.

"Như vậy rõ là Lưu Linh sẽ là người đi Mỹ với cô Grutoff" chị Dư nói. "Thầy Phan chẳng  bao lâu sẽ vui duyên mới, thế là Lưu Linh không cần phải ở lại".

Cao Linh ngập ngừng một lúc lâu trước khi nói "Phải, chị ấy là người phù hợp nhất. Vậy là quyết định như thế". "Em định nói gì?" tôi mở lời, cố tỏ ra là người có trái tim rộng lớn. "Chị không thể bỏ em".

"Thực ra em đâu phải là em ruột của chị" Cao Linh cự lại. "Chị đi trước đi. Sau đó chị có thể bảo lãnh cho em".

"Ồ, coi nè! Vậy có nghĩa là em muốn đi!" Tôi không thể không trêu chọc chút xíu. Nhưng bây giờ mọi thứ đã được quyết định, tôi cảm thấy mình có thể được bảo hiểm rồi.

"Em không nói thế.Em muốn nói chỉ nếu như mọi việc thay đổi và sau này em cần phải đi".

"Tại sao em không đi trước và sau này em có thể bảo lãnh cho chị? Nếu em ở lại chồng em sẽ dí em dưới ngón tay cái của hắn và nghiền em ra cám." Tôi thực sự là người hào hiệp.

"Nhưng em…đối với em bỏ chị ở lại không dễ dàng chút nào" Cao Linh vớt vát.

"Đừng cãi nữa" tôi bảo cô. "Chị lớn tuổi hơn em. Em đi trước rồi sau đó chi sẽ đi Hồng Kông một tháng hoặc hơn thế và đợi giấy tờ bảo lãnh hoàn tất".

Cao Linh định cãi lại rằng cô mới là người đợi ở Hồng Kông. Nhưng thay vì  thế cô lại nói "Làm thủ tục cho một người khác thì mất bao lâu? Chỉ một tháng thôi ư?"

Và mặc dù tôi chẳng biết nó kéo dài bao lâu, tôi nói "Có thể nhanh hơn thế" TG nghĩ cô sẽ cãi lại cô là người ở lại.

"Nhanh đấy" Cao Linh ngạc nhiên. "Vậy em sẽ đi trước nếu như mọi việc xảy ra nhanh thế, nhưng đấy chỉ là vì em có thể bỏ thằng chồng quỷ ám này ngay lập tức".

ngay lúc đó bà Riley quay về phòng. "Chúng tôi đồng ý" chi Dư thông báo "cử Cao Linh đi với cô  Grutoff đến San Francisco".

Tôi bàng hoàng không thể mở miệng nói được điều  gì. Đêm ấy tôi đã bị một ý nghĩ giày vò đau đớn là tôi đã để mất đi một cơ hội. Tôi giận Cao Linh vì cô ta đã chơi khăm tôi. Rồi cái tình chị em lại dấy lên, tôi lấy làm mừng là cô có thể tránh xa được Phú Nam. Tôi bị quăng quật giữa hai cảm xúc đó. Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi quyết định rằng đó là số phận. bây giờ bất cứ điều gì xảy ra thì cũng là vận hội mới của tôi.

Ba ngày sau, trước khi chúng tôi bỏ đi Hồng Kông, chúng tôi có một bữa tiệc nhỏ. "Không cần những giọt nước mắt và những lời tiễn biệt" tôi nói. "Một khi chúng tôi đã định cư ở quê hương mới, chúng tôi sẽ mời các vị sang chơi". Thầy Phan nói rằng ông và người vợ mới sẽ vui sướng nếu có một dịp được đi thăm một nước khác trước khi cuộc đời chấm dứt. Chị Dư nói rằng chị đã nghe nhiều về các vũ điệu ở Mỹ. Chị thú nhận rằng chị bao giờ cũng muốn học nhảy. Và cả buổi tối còn lại, cái khoảnh khắc cuối cùng chúng tôi còn trông thấy họ ấy, chúng tôi lần lượt trêu chọc và đoán biết về tương lai. Cô Grutoff sẽ hồi phục, rồi quay lại Trung Hoa nơi cô sẽ hướng dẫn nhiều  bé gái mồ côi nữa diễn những vở kịch tồi hơn. Cao Linh sẽ trở nên giàu có, một ông thày bói giỏi có thể dùng bốn cây bút một lúc, mà cuối cùng cô tìm tới, đã nói thế. Còn tôi sẽ là một người nổi tiếng về thư pháp.

Chúng tôi dệt tương lại. Chẳng bao lâu, có thể là một năm hay it hơn, chị Dư, thầy Phan và người vợ mới sẽ đi tàu sang Mỹ tham quan. Cao Linh và tôi  sẽ đến cảng San Franscico trên một chiếc xe hơi mới, một chiêc xe đen bóng lộn với những chiếc ghế êm ái và một tài xế người Mỹ để đón họ. Trước khi đưa họ đến dinh thự của chúng tôi cao cao trên một ngọn đồi chúng tôi sẽ dừng lại ở một vũ hội. Và để chào mừng cuộc hội ngộ của chúng tôi mọi người đồng ý là chúng tôi sẽ xoay tròn, xoay tròn, xoay tròn.