“Không, cảm ơn cô”, Matilđa nói. “Cháu chỉ muốn hỏi hôm nay họ làm cánh đồng nào, mấy lại cháu có thể kiếm đâu được cái cuốc”.
Mấy phút sau, Matilđa xuất hiện và nhập bọn với Kitzi, Xerơ và bác Pompi, tham gia làm đồng. Tối hôm ấy, tất cả tụ tập xung quanh cô ở xóm nô, ngồi chơi với cô đến lúc chồng cô về. Trong khi trò chuyện, Matilđa hỏi ở đây có thường xuyên họp mặt để cầu nguyện không và khi được trả lời là không, cô bèn đề nghị mỗi chiều chủ nhật nên có một buổi như vậy.
“Nói thật mấy con, mẹ lấy làm xấu hổ mà nói rằng mẹ bỏ nhãng bổn phận cầu kinh tận đẩu tận đâu rồi”. Kitzi nói.
“Cô cũng rứa”, Xerơ thú nhận.
“Ta xem chừng có cầu nguyện mấy cũng chả bao giờ thay đổi được người da trắng”, bác Pompi nói.
“Kinh thánh nói ông thánh Juxe bị bán làm nô lệ cho người Ai Cập, dưng mà Chúa ở bên thánh Juxe và Chúa ban phước lành cho nhà người Ai Cập vì thánh Juxe”, Matilđa nói một cách thực tế.
Ba cặp mắt liếc nhanh nhìn nhau nói lên sự cảm phục mỗi lúc một tăng của họ đối với cô gái.
“Cái thằng Joóc bảo mấy bọn ta ông chủ đầu tiên của con là một cụ đạo”, Xerơ nói. “Chính mầy cũng có vẻ dư một cụ đạo, con ạ”.
“Cháu là một tôi tớ của Chúa, vậy thôi!” Matilđa trả lời.
Hội cầu kinh của cô bắt đầu ngày chủ nhật kế đó, hai ngày sau khi Joóc-Gà và mexừ Liơ lên đường với mười hai chú chọi trong xe.
“Ông chủ biểu cuối cùng, ông đã có những con gà đích đáng để đem đi chọi ở nơi to tiền”, anh giải thích rằng lần này gà lò Liơ sẽ đua tài trong một cuộc đấu “chủ lực” quan trọng ở một nơi nào đó gần Gôldxborâu.
Một buổi sáng ở ngoài đồng, Xerơ thận trọng dùng một giọng dịu dàng biểu lộ sự thông cảm của một người phụ nữ bốn mươi bảy tuổi với một cô dâu mới mười tám tuổi: “Lạy Chúa, cưng ạ, cô ngờ ngợ rằng duyên số con rồi phải chia sẻ với ba con gà mất”.
Matilđa nhìn thẳng vào mặt bà: “Xưa nay cháu vẫn nghe nói và tin rằng cuộc nhân duyên của ai cũng vậy, họ làm nó thế nào thì nên thế ấy. Và cháu chắc anh í biết rõ anh í muốn cuộc vợ chồng của chúng cháu phải như thế nào”.
Nhưng sau khi xác định lập trường của mình về hôn nhân, Matilđa sẵn sàng tham gia bất cứ cuộc mạn đàm nào về anh chồng đặc sắc của mình, dù tính chất câu chuyện là vui đùa hay nghiêm chỉnh.
“Nó ngứa chân từ thuở mới bò toài”, Kitzi nói với con dâu, một đêm đến thăm cô ở căn nhà mới.
“Vâng, mẹ ạ”, Matilđa nói, “con cũng nghĩ thế khi anh í đến tìm hiểu. Anh í hồ dư không nói gì khác ngoài chuyện chọi gà và đi đây đi đó với ông chủ”. Cô ngập ngừng rồi nói thêm theo cái cách chân thực của mình: “Dưng khi anh í hiểu ra rằng không người đàn ông nào được tòm tem với con trước khi nhảy chổi thì, lạy Chúa, anh í nổi cơn tam bành lên chứ! Thực tế, có lần con thôi không gặp lại anh í nữa. Chả biết cái gì ốp anh í, dưng mà con muốn cười chết ngất cái đêm anh í hớt hải chạy đến biểu: “Nầy, chúng mình lấy nhau đi!”
“Ờ, rành là mẹ mừng là nó còn biết làm thế!” Kitzi nói. “Cơ mà bi giờ, các con nên vợ nên chồng rồi, gái ạ, mẹ muốn nói thẳng điều mẹ tâm niệm. Mẹ muốn có mấy đứa cháu!”.
“Cái í thì chả có gì là dở, mẹ Kitzi ạ. Là vì con cũng muốn có mấy đứa con, dư mọi phụ nữ khác.”
Hai tháng sau, khi Matilđa báo tin mình có mang, Kitzi mừng quýnh. Việc con trai mình sắp sửa thành bố khiến bà nghĩ đến cha mình - nhiều hơn bao giờ hết trong những năm qua – và một tối, khi Joóc-Gà lại đi xa, Kitzi hỏi: “Nó có bao giờ nói gì mấy con về ông ngoại không?”
“Không ạ”, Matilđa có vẻ bối rối.
“Nó không nói?” Thấy vẻ thất vọng của bà, Matilđa vội nói thêm: “Con chắc anh í thấy chưa đến lúc đấy thôi, mẹ Kitzi ạ”.
Quyết định rằng tốt hơn hết là tự mình làm việc đó vì dù sao bà cũng nhớ nhiều hơn Joóc, Kitzi bèn kể cho Matilđa nghe về quãng đời mười sáu năm của mình ở đồn điền mexừ Uolơ cho đến khi bị đem bán cho mexừ Liơ và phần lớn những điều bà nói là về ông bố người Phi của mình cùng biết bao thứ ông cụ đã bảo ban bà. “Tilđa, sở dĩ mẹ nói cho con nghe tất cả dững cái í, là vì mẹ muốn con hiểu rằng, mẹ muốn đứa bé trong bụng con cả dững đứa khác sau này cũng đều phải biết về ông, bởi vì ông là cụ ngoại của bọn nó”.
“Rành là con hiểu, mẹ Kitzi ạ”, Matilđa nói, thế là bà mẹ chồng lại kể thêm những hồi ức của mình, và cả hai đều cảm thấy mỗi lúc một gần gũi nhau hơn suốt thời gian còn lại của buổi tối.
Con trai đầu lòng của Joóc-Gà và Matilđa ra đời mùa xuân năm 1828, do bà Xerơ đỡ với sự giúp việc của một bà Kitzi nhớn nha nhớn nhác. Niềm vui được đứa cháu đích tôn làm nguôi cơn giận của bà về nỗi cha nó lại đi tận đâu với mexừ Liơ một tuần. Tối hôm sau, khi người mẹ mới cảm thấy có thể tiếp khách được, tất cả mọi người trong xóm nô tụ tập trong căn nhà gỗ để mừng sự ra đời của đứa hài nhi thứ hai sinh ra tại đồn điền Liơ.
“Cuối cùng, bi giờ mẹ thành “bà nội Kitzi” rồi đó!” Matilđa nói, dựa mình vào mấy cái gối trên giường, tay ẵm đứa bé và yếu ớt mỉm cười với các khách đến thăm.
“Lạy chúa, đúng thế đấy! Nghe mà sướng cái lỗ tai!” Kitzi thốt lên, cả bộ mặt bà là một nụ cười lớn.
“Ta nghe nó tuồng dư Kitzi đang già đi, thế đấy!” Bác Pompi nói, một ánh long lanh trong mắt.
“Hừm! Phụ nữ ở đây chả có ai già bằng cái người nào đó mà chúng ta đều biết!” Xerơ cười rộ nói.
Cuối cùng, Malizi ra lệnh: “Thôi, đến giờ bọn ta rút để cho mẹ con nhà nó nghỉ!” Tất cả ra về, trừ Kitzi.
Sau một hồi im lặng trầm ngâm, Matilđa nói: “Mẹ ạ, con đang nghĩ về dững gì mẹ kể về người cha của mẹ. Vì con không bao giờ thấy được mặt cha của con, nên con tin Joóc sẽ không phản đối lấy tên cha con đặt cho cháu bé. Tức là Vơjơl, mẹ con biểu thế”.
Tên đó lập tức được Joóc-Gà nhiệt liệt tán thành khi anh trở về, lòng tràn đầy vui sướng trước sự ra đời của đứa con trai đến nỗi gần như không tự kiềm chế nổi. Chiếc mũ quả dưa đen đội lệch trên đầu, đôi bàn tay hộ pháp nhấc bổng đứa bé lên trên không, anh kêu lên: “Mẹ ạ, mẹ có nhớ con đã nói gì mấy mẹ không, con sẽ nói cho các con con biết dững gì mẹ đã nói mấy con!” Mặt ngời sáng, anh trịnh trọng ngồi xuống trước lò sưởi, bế thằng Vơjơl trong lòng, nói với nó bằng giọng nghiêm trang như thể đang làm một nghi thức nhỏ: “Nghe đây, con trai! Cha sẽ nói con nghe về cụ ngoại con! Cụ là một người Phi, cụ biểu tên cụ là “Kunta Kintê”. Cụ gọi cái đàn bằng Kô, con sông bằng Kămby Bôlônggô và một lô các thứ khác nữa bằng dững tiếng Phi. Cụ kể là cụ đang chặt cây để làm cho em trai một cái trống thì có bốn người lẻn đến đằng sau bắt lấy cụ. Rồi một cái tầu to đưa cụ qua miền nước nhớn đến một chỗ gọi bằng Nơplix. Rồi cụ chạy trốn bốn lần, khi cụ định giết dững kẻ bắt cụ thì họ chặt phăng nửa bàn chân của cụ!”
Giơ cao đứa nhỏ, anh quay mặt về phía Kitzi: “Và cụ nhảy chổi mấy một người bếp nữ ở đại sảnh tên là Bel, rồi hai người đẻ một con gái – và đây là người con gái í, bà nội con đang cười mấy con đấy!” Matilđa tán thưởng, nét mặt cũng nở nang, tươi rói như Kitzi; mắt Kitzi ướt đẫm những giọt lệ yêu thương và tụ hào.
Vì chồng đi xa luôn, nên Matilđa bắt đầu tiêu nhiều thì giờ buổi tối với bà nội Kitzi và sau một thời gian, hai mẹ con góp khẩu phần lại, ăn bữa tối với nhau. Bao giờ Matilđa cũng đọc kinh trong khi Kitzi lặng lẽ ngồi chắp tay và cúi đầu. Sau đó Matilđa cho con bú, rồi Kitzi hãnh diện ngồi ôm bé Vơjơl trong lòng, đu đưa và âm a hoặc hát khe khẽ trong khi chiếc đồng hồ đứng kêu tích ta tích tắc và Matilđa ngồi đọc quyển Kinh Thánh cũ nát. Mặc dù điều đó không trái với luật lệ của ông chủ, Kitzi vẫn phản đối đọc sách báo – nhưng đây là Kinh Thánh nên bà dỗ rằng không có hại gì. Thường thường không lâu sau khi đứa bé ngủ, Kitzi bắt đầu gà gật và nhiều khi lẩm bẩm một mình trong khi nửa tỉnh nửa mơ. Khi cúi xuống đỡ Vơjơl đã ngủ say khỏi tay Kitzi, Matilđa đôi khi nghe loáng thoáng thấy từng mẩu bao giờ cũng như vậy: “Mẹ…bố…đừng để họ bắt con đi!...Gia đình tui tan tác rồi…Chả bao giờ còn được thấy bố thấy mẹ trên đời này…” Xúc động sâu sắc, Matilđa thường thì thầm: “Bi giờ, chúng con là gia đình bà, bà nội Kitzi ạ”. Và sau khi đặt Vơjơl vào giường, cô nhẹ nhàng đánh thức Kitzi – mà cô dần yêu như mẹ đẻ mình - rồi sau khi tiễn bà đến tận nhà, trên đường về, Matilđa thường lau nước mắt.
Những chiều chủ nhật, mới đầu chỉ có ba người đàn bà dự buổi nguyện cầu do Matilđa đề xướng – cho đến khi miệng lưỡi nanh nọc của Xerơ cuối cùng khiến bác Pompi đâm xấu hổ mà phải tham gia. Không ai thậm chí nghĩ đến chuyện mời Joóc-Gà, vì ngay cả những khi anh có nhà, cứ đến trưa chủ nhật là anh quay về khu gà rồi. Với cái nhóm nhỏ năm người trịnh trọng ngồi trên những ghế tựa mang từ lều mình đến, xếp thành hình bán nguyệt quanh cây hạt dẻ, Matilđa đọc một vài đoạn Kinh Thánh cô đã chọn trước, rồi, với đôi mắt nâu nghiêm nghị nhìn dõi vào từng khuôn mặt; cô hỏi xem có ai muốn xướng kinh cho mọi người theo và thấy không ai nhận, bao giờ cô cũng nói: “Thôi được, vậy xin tất cả quỳ xuống cùng tui”. Khi mọi người quỳ xuống đối diện với cô, Matilđa liền đọc một bài nguyện giản dị, xúc động. Sau đó, cô lĩnh xướng cho họ hát một bài ca tôn giáo. Rồi cuộc họp chuyển sang bàn luận về đề tài chung: lòng tín ngưỡng.
“Hôm nay là ngày của Chúa. Tất cả chúng ta có một linh hồn để cứu rỗi và một thiên đàng để gìn giữ”. Matilđa có thể mào đầu như vậy theo cái cách bình thường của cô. “Chúng ta cần ghi nhớ ai làm ra chúng ta, ấy là Đức Chúa Lời. Rồi ai cứu chuộc chúng ta, ấy là Chúa Kirixitô Jêxu. Chúa Kirixitô dạy chúng ta khiêm nhường và lo tâm để chúng ta có thể tái sinh trong tinh thần”.
Mặc dầu chả mấy người gặp trong những chuyến đi có thể đoán, qua cung cách của Joóc-Gà, là anh đã có vợ, cánh phụ nữ ở xóm nô lấy làm ngạc nhiên thấy anh nhiệt tâm với chuyện hôn nhân và đối xử với vợ, với gia đình rất tốt. Không bao giờ anh ở một cuộc chọi gà trở về - với chiếc khăn quàng và chiếc mũ quả dưa đã trở thành trang phục thường xuyên của anh, nắng cũng như mưa, hè cũng như đông – mà không có tiền được cá để để dành. Phần lớn, sau khi mua các món quà mà tất nhiên bao giờ anh cũng mang về không những cho Matilđa và mẹ mình, và cho cả các cô bác Malizi, Xerơ, Pompi cũng như bé Vơjơl, và cho Matilđa mấy đôla nữa, anh chả còn được bao nhiêu. Mỗi lần trở về, anh còn mang theo hàng loạt tin tức, ít nhất cũng đủ kể một tiếng đồng hồ về những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi. Hễ cái gia đình xóm nô tụ tập quanh anh, Kitzi hầu như bao giờ cũng nghĩ đến ông bố người Phi của mình đã từng là nguồn thông tin chủ yếu cho một xóm nô khác như thế nào và bây giờ lại đến lượt con trai bà.
Một lần, từ một chuyến đi dài đến tận Saletơn trở về, Joóc-Gà tả “cơ man là thuyền buồm to tướng, cột chi chít dư rừng và nhọ đông dư kiến khuân kìn kìn dững thùng thuốc lá to đùng mấy lại đủ các thứ khác chở qua miền nước nhớn sang bên Anh mấy lại nhiều nơi khác nữa. Tuồng dư bi giờ, tui mấy ông chủ đi đến đâu cũng thấy nhọ đào kênh, làm đường đá, xây đường xe lửa! Rành là dân nhọ đang dựng xây đất nước nầy bằng bắp thịt mình!”
Một lần khác, anh nghe nói là “người da trắng dọa dân da đỏ về việc nhận quá nhiều nhọ vào các khu dành riêng của mình. Ối người da đỏ tộc Críc và Xêminôl cưới nhọ làm chồng làm vợ! Có cả một số thủ lĩnh da đỏ là nhọ! Cơ mà tui nghe nói các người da đỏ tộc Tsócto, Tsiccơxo và Tsirôki còn ghét nhọ hơn cả người da trắng ghét nhọ”.
Những câu hỏi đặt ra với anh ít hơn nhiều so với những điều mọi ngưòi thực sự muốn biết, và thoáng sau, Kitzi, Malizi, Xerơ và bác Pompi tế nhị viện cớ rút về lều riêng để anh và Matilđa một mình với nhau.
“Em đã tự nhủ mình là anh sẽ không bao giờ phải nghe em phàn nàn hàng lô hàng lốc, Joóc ạ”, cô nói với anh một đêm như vậy khi hai người đã nằm vào giường. “Cơ mà rành là em chả mấy khi có chồng ở bên”.
“Anh hiểu em muốn nói gì, cưng ạ, dất khoát là anh hiểu”, anh nói thoải mái, “dững lúc đi mấy ông chủ ngoài xe, hoặc đôi khi anh mấy bác Mingô thức suốt đêm chăm cho ba con gà ốm, thực tình anh chỉ nghĩ đến em và con”.
Matilđa cắn lưỡi ghìm chặt lại, không muốn nói lên những ngờ vực của mình, kể cả những điểm cô bán tín bán nghi trong một số điều anh nói. Trái lại, cô chỉ hỏi: “Joóc, anh xem liệu chừng có bao giờ khá hơn tí nào không?”
“Bao giờ làm cho ông chủ khá giàu, thế thì tự ông í sẽ muốn ở nhà! Nhưng nầy, cái í chả hại gì chúng mình đâu, em bé ạ! Em xem mình để dành được bao nhiêu nếu anh cứ mang tiền được cá về nhà dư vậy?”
“Tiền không phải là anh!” Matilđa nói thẳng thừng, rồi cô dịu giọng “Mấy lị nếu anh thôi đừng mua quà cáp cho tất cả mọi người thì chúng mình còn dành được thêm ói tiền! Các quà í, bọn em ai cũng quý, anh biết đấy! Cơ mà Joóc ạ, dư cái áo dài lụa đẹp em chắc các bà chủ cũng chả bằng, em biết mặc nó để đi đâu?”
“Em bé ạ, em có thể mặc cái áo dài í ngay ở đây rồi cởi nó ra cho anh xem!”
“Anh là gớm lắm cơ!”
Anh là người đàn ông nhộn nhất – hơn bất kì ai mà cô từng mơ tưởng đuợc biết, chí ít cũng theo cách ấy. Và hẳn nhiên anh là một tay cung ứng tuyệt vời. Song cô vẫn không tin anh thật sự là không thể không tự hỏi hiện anh có yêu vợ con bằng các chuyến đi với ông chủ không. Chẳng biết trong Kinh Thánh có nói gì về gà không nhỉ? Cô mang máng nhớ có một chỗ - trong Sách Phúc Âm của thánh Matiơ thì phải, nếu cô không nhầm – nói về “một con gà mái xoè cánh che cả đàn con”…Mình phải tìm xem lại đoạn í mới được, cô tự nhủ.
Tuy nhiên, khi có chồng ở nhà, Matilđa dẹp hết mọi nghi ngờ, thất vọng và cố gắng làm người vợ hiền thảo nhất theo sự hiểu biết của cô. Nếu cô biết anh sắp về nhà, một bữa ăn thịnh soạn liền chờ sẵn. Nếu anh về bất ngờ, cô tức tốc làm ngay một bữa, dù là ngày hay đêm. Sau một thời gian, cô thôi không bắt anh cầu kinh trước khi ăn nữa, mà chỉ đọc một lời cầu nguyện ngắn rồi sung sướng ngắm anh vừa ăn vừa bế thằng bé Vơjơl bi ba bi bô trong lòng. Rồi sau đó, khi đứa bé đã được đặt vào giường, cô xem xét, nặn trứng cá trên mặt Joóc; hoặc nấu nước đổ lưng chiếc chậu thiếc, gội đầu và lau rửa lưng cho anh; và nếu khi về đến nhà, anh kêu đau chân, cô liền nướng bánh hòa với xà phòng nhà làm, thành một thứ bột âm ấm để xoa bóp cho anh. Vào cái đận Vơjơl bắt đầu tập đi, Matilđa lại có mang, cô lấy làm lạ là chuyện đó đã không xảy ra sớm hơn.
Với triển vọng sắp có thêm một đứa bé, bà nội Kitzi quyết định đã đến lúc phải gọi riêng con trai ra nói một đôi điều bà đã tâm niệm từ lâu. Một sáng chủ nhật, Joóc-Gà từ một chuyến đi trở về nhà, thấy bà đang trông Vơjơl trong khi Matilđa đang ở trên đại sảnh giúp Malizi làm tiệc đãi các khách khứa sẽ tới trong chốc lát.
“Anh ngồi luôn xuống đây đi!” bà nói, không bỏ phí giây phút nào. Anh làm theo, lông mày nhướn lên. “Tui bất kể là bi giờ anh đã nhớn, tui vẫn là người đẻ ra anh, vậy nên anh hãy nghe đây! Trời đã cho anh một người lền bà tốt thật là tốt mà anh không ăn ở cho phải tí nào! Tui không có rỡn mấy anh đâu, nghe không! Tui vẫn có thể lấy gậy quật vào đít anh trong phút chốc! Anh phải dành nhiều thì giờ hơn cho vợ con anh, mà nó cũng đã chửa mấy anh lần nữa!”
“Mẹ ngờ cái gì vậy mẹ?” anh nói, bực bội vừa tới mức dám tự cho phép. “Khi ông chủ nói: “Đi” thì biểu ông í tui không à?”
Mắt Kitzi như rực lửa. “Tui không nói cái í, anh biết thừa đi rồi. Anh biểu con bé tội nghiệp là đêm đêm anh phải thức trông nom gà mấy lại dững chuyện tương tợ dư thế! anh kiếm đâu ra các cái sự dối trá í, trong khi vừa rượu chè, vừa cờ bạc lại vừa chơi rông? Anh biết là tui không có nuôi dạy anh dư thế! Mà đừng có tưởng chỉ có mình tui nói thế! Matilđa nó chả ngu gì đâu, nó chỉ không để anh biết là nó cũng đi guốc trong bụng anh rồi!” Không nói thêm lời nào, bà nội Kitzi giận dữ, biến ngay ra khỏi gian nhà gỗ.
Vì mexừ Liơ ở trong số những người dự cuộc chọi gà lớn năm 1830 tại Saletơn, nên không ai có thể phê phán Joóc-Gà về tội vắng mặt khi đứa bé ra đời. Anh chàng trở về, vừa sung sướng ngất ngây được biết về đứa con trai thú hai – mà Matilđa đã lấy tên em trai mình là Asfođ đặt cho - vừa hớn hở với vận may của mình. “Ông chủ được hơn nghìn đôla, còn tui được năm chục trong các cuộc đấu hạ cấp! Bà con ta phải nghe thấy cả cánh da trắng lẫn nhọ hò la: “Tui cá vào cửa Joóc-Gà!” như thế nào”. Anh kể với Matilđa là ở Sacletơn, mexừ Liơ đã được biết tổng thống Anđru Jêchxơn là một người theo kiểu họ. “Không có ai thích chọi gà hơn tổng thống đâu! Ông gọi cả thượng mấy hạ nghị sĩ vào, rồi bày trò một thời gian cho họ xem lũ gà Tennetxi của ông chọi nhau ngay trong Nhà Trắng! Ông chủ biểu cái ông Jêchxơn í đánh cờ mấy uống rượu mới bất kì người lền ông nào. Họ biểu khi thắng dững con ngựa màu hạt dẻ chở ông đi trong cỗ xe Tổng thống đẹp đẽ, thì ông ngồi trên í mới cái vali lót nhung đựng đầy rượu ngay bên cạnh! Ông chủ biểu về phần dững người da trắng ở miền nam, ông có thể giữ Tổng thống lại đến khi nào Tổng thống mệt!”. Matilđa dửng dưng.
Nhưng Joóc-Gà đã thấy ở Saletơn một điều khiến cô – và mọi người khác ở xóm nô - bị kích động sâu sắc không kém gì anh. “Tui thấy một xâu nhọ dài đến một dặm, bị xiềng vào nhau lùa đi!”
“Lạy Chúa! Nhọ từ đâu đến?” Malizi hỏi
“Một số bị bán ở miền bắc và miền nam Calini, dưng mà phần chính ở Vơjiniơ, là cháu nghe thấy thế!” anh nói. “Nhiều nhọ ở Saletơn biểu cháu có hàng nghìn nhọ, mỗi tháng bị đem đến dững đồn điền bông lớn đang được khai khẩn đều đều từ các khu rừng ở Alabama, Mitxixipi, Luyziana, Ackanxax và Têchxơx. Họ biểu lái buôn nhọ kiểu cổ cưỡi ngựa đã hết thời rồi, bi giờ thành công ty lớn có trụ sở ở các khách sạn to tướng! Họ biểu còn có cả dững tàu có bánh lái to tướng chở toàn nhọ ở Vơjiniơ bị xiềng vào nhau, đưa xuống Niu Oliân! Họ còn biểu…”
“Thôi im đi!” Kitzi chồm đứng dậy. “IM ĐI!” Bà lao về lều mình, nước mắt ròng ròng.
“Mẹ làm sao thế?” Joóc hỏi Matilđa sau khi những người khác bối rối bỏ đi,
“Anh không biết ư?” chị sẵng giọng “Ông bà đẻ ra mẹ ở Vơjiniơ, điều cuối cùng mẹ biết về các cụ là thế và anh đã làm mẹ gần chết khiếp!”
Joóc-Gà nom như phát ốm. Vẻ mặt anh nói với Matilđa là anh không hiểu ra nhưng cô không chịu buông tha anh dễ dàng đến thế. Cô đã trở nên tin chắc rằng với cái thói trần tục của Joóc, anh có tật thiếu nhạy cảm với quá nhiều sự việc. “Anh cũng biết rõ dư tui là mẹ Kitzi đã bị bán! Cũng dư chính tui đây!” cô nói với anh. “Bất kì ai đã bị bán đều chả bao giờ quên được điều í! Và cũng không bao giờ còn nguyên dư cũ nữa!” Cô nhìn anh với vẻ đầy ý nghĩa. “Anh chưa bao giờ bị bán. Vì thế cho nên anh không hiểu rằng chả có ông chủ nào tin được - kể cả ông chủ của anh!”
“Em cáu mấy anh để làm gì?” anh hỏi với ý thăm dò.
“Anh hỏi tui cái gì khiến mẹ Kitzi hoảng hốt thì tui nói cho anh biết. Chả còn gì mà nói về chuyện í nữa!”. Matilđa tự kiềm chế lại. Cô không muốn gay go với chồng. Sau một lát im lặng, cô cố hé một nụ cười.
“Joóc à, em biết cách làm cho mẹ Kitzi khuây khỏa! Anh đi mời mẹ sang đây nghe anh kể cho thằng nhỏ này về người ông nội người Phi, dư anh đã kể với Vơjơl dạo trước í!”. Và anh đã làm thế.