Bàn tay của Matilđa giơ lên làm anh im bặt và giọng cô lạnh lùng: “Chắc là con cáo cho anh uống rượu và rẩy vào anh nước hoa hồng mà tui cũng ngửi thấy”…Joóc-Gà há hốc mồm, “Này Joóc, anh nghe đây! Này nhé, chừng nào tui còn là vợ anh, còn là mẹ dững đứa con của chúng ta, thì tui vẫn nguyên đây khi anh đi khỏi nhà, tui vẫn nguyên đây khi anh trở về, bởi vì anh đang làm hại cho chính anh hơn là cho chúng ta. Cái í ở ngay trong Kinh Thánh, “Gieo gì gặt nấy” – anh gieo đơn thì anh gặt kép! Và sách Phúc âm của thánh Matiơ, chương bẩy, cũng nói: “Bất kể ngươi đối xử với người khác dư thế nào, ngươi cũng sẽ bị đối xử lại y hệt”.
Anh cố làm ra vẻ bị xúc phạm, không thèm nói, nhưng kỳ thực, anh không nghĩ ra được điều gì để nói. Anh quay lưng, chệnh choạng ra ngoài cửa và chân nam đá chân xiêu, đi xuôi con đường về ngủ với lũ gà.
Nhưng hôm sau anh lại về, chiếc mũ quả dưa cầm trong tay và giữ đúng bổn phận ở với gia đình suốt mùa thu và mùa đông năm ấy, chỉ trừ một số đêm vắng nhà vì phải theo ông chủ trong một chuyến đi ngắn nào đó. Và một buổi sáng sớm tháng giêng năm 1831, khi cơn đau đẻ lần sau của Matilđa dồn dập, thì mặc dầu bấy giờ là lúc cao trào của mùa chọi gà, anh vẫn xin được ông chủ cho ở lại nhà – và đem bác Mingô ốm yếu đi theo tới cuộc đấu ngày hôm đó.
Bồn chồn, anh đi đi lại lại bên ngoài căn nhà gỗ, nhăn nhăn nhó nhó lắng nghe những tiếng kêu rên đau đớn của Matilđa. Rồi, nghe thấy những tiếng khác, anh rón rén lại gần và thấy tiếng Kitzi giục” “Cứ níu lấy tay mẹ nữa đi - mạnh vào, cưng!...Lấy một hơi nữa… sâu vào!... đúng thế…thế! giữ nào! giữ chắc nhé!”. Rồi tiếng Xerơ ra lệnh: “Ấn xuống, nghe cô nào!...Bi giờ RẶN đi!... RẶN nào!”
Rồi, chẳng mấy chốc, “Đây rồi…phải…lạy Chúa…”
Khi nghe thấy những tiếng phát đen đét, rồi tiếng trẻ khóc oe oe, Joóc-Gà lùi lại mấy bước, bàng hoàng vì những gì anh vừa nghe thấy. Chẳng bao lâu, bà nội Kitzi ló ra, mặt rúm ró một nụ cười. “Ờ, tuồng dư trong ruột bọn bay thuần là con giai hết”.
Anh bắt đầu nhảy cẫng và tung tăng, hò la nhộn nhạo đến nỗi Malizi bổ ra cửa sau đại sảnh. Anh chạy lại gặp bà, nhấc bổng bà lên khỏi mặt đất, quay tít đi mấy vòng và hét: “Đứa này phải đặt tên cháu!”
Tối hôm sau, lần thứ ba, anh tụ tập mọi người xung quanh để nghe anh kể cho thành viên mới nhất của gia đình về người cụ gốc Phi tên là Kunta Kintê.
Trở về từ một cuộc họp thường lệ của điền chủ quận Caxuel vào cuối tháng 8, mexừ Liơ đang lái xe – Joóc-Gà còn bận moi ruột và đánh vẩy xâu cá măng, mỗi con to bằng bàn tay, mà ông chủ vừa mua đuợc – thì xe xịch đỗ lại đột ngột. Cặp mắt Joóc giương to khi anh nhổm dậy vừa kịp trông thấy mexừ Liơ đã nhảy xuống đất, hối hả cùng nhiều ông chủ khác chạy về phía một người da trắng vừa tụt xuống khỏi mình một con ngựa hổn hển, đầm đìa mồ hôi. Người này đang điên cuồng gào lên với đám đông mau chóng phát triển. Từng đoạn lời của y vọng tới Joóc-Gà cùng những người da đen khác đang há hốc mồm nghe. “Không biết bao nhiêu gia đình chết cả nhà”… “đàn bà, trẻ thơ”… “đang ngủ trong giường bọn nhọ sát nhân ập vào”.. “rìu, gươm, gậy gộc”.. “giáo sĩ nhọ tên là Nat Tơnơ”…
Bộ mặt những người da đen khác là tấm gương phản chiếu lại nỗi dự cảm kinh hoàng của chính anh, trong khi đám người da trắng nguyền rủa và hoa chân múa tay với những bộ mặt đỏ bừng, giận dữ. Anh vụt nhớ lại những tháng đầu khủng khiếp sau khi cuộc nổi loạn ở Saletơn bị bại lộ mà không ai bị tổn thương gì cả. Bây giờ liệu những gì sẽ xảy tới đây. Mắt him him, ông chủ trở về xe, bộ mặt đờ đẫn vì tức tối. Không thèm ngoái lại lấy một lần, ông ta phóng như điên về nhà, khiến Joóc-Gà đằng sau phải bíu cả hai tay vào thành xe.
Tới đại sảnh, mexừ Liơ vọt ra khỏi xe, để mặc Joóc ngồi nhìn đống cá đã làm sạch. Mấy phút sau, Malizi chạy ra khỏi cửa nhà bếp và lao qua sân sau về phía xóm nô, hai tay chới với trên cái đầu quấn khăn rằn. Rồi ông chủ lại xuất hiện, lăm lăm khẩu súng ngắn, gằn giọng bảo Joóc: “Về lều mày đi!”.
Hạ lệnh cho tất cả mọi người trong xóm nô ra khỏi chỗ ở, mexừ Liơ lạnh lùng nói với họ những điều Joóc-Gà đã nghe được. Biết rằng chỉ còn mình mình khả dĩ có thể làm dịu cơn thịnh nộ của ông chủ, Joóc-Gà cất được nên lời: “Xin ông, thưa ông chủ”… anh run run nóí. Khẩu súng ngắn ngoắt một cái, chĩa thẳng về phía anh.
“Dọn ra! Mang hết các thứ ra khỏi lều! Tất cả bọn nhọ chúng bay! DỌN RA!”. Trong một giờ tiếp theo, mọi người mang vác, kéo lết, chất đống những đồ đạc tư trang còm cõi của mình ra ngoài nhà dưới con mắt lục soát soi mói của ông chủ luôn mồm chửi rủa, doạ sẽ ra tay với bất kì ai bị khám phá ra là giấu vũ khí hoặc đồ vật gì khả nghi, họ phải rũ tung từng miếng vải, mở mọi thứ đựng, cắt rạch và xé toang từng tấm nệm rơm – mà cơn thịnh nộ của ông ta dường như vẫn vượt mọi giới hạn.
Ông ta lấy ủng giẫm nát chiếc hộp đựng các phương thuốc thiên nhiên của Xerơ, vừa quát mắng bà vừa đá tung các thứ rễ cây khô và thảo dược: “Vứt cái trò bùa yêu chết tiệt này đi!”. Trước các căn lều khác, ông ta ném vung các bảo vật và dùng nắm tay hoặc chân đạp nát nhiều thứ khác. Bốn người đàn bà bù lu bù loa khóc lóc, bác Pompi dường như tê liệt, mấy đứa bé khiếp đảm, nước mắt ròng ròng, níu lấy váy Matilđa. Joóc-Gà giận sôi máu thấy Matilđa gần như đau đớn khi báng khẩu súng đập nát khung gỗ phía trước chiếc đồng hồ đứng quý giá của cô. “Tao mà tìm được một cái đinh nhọn trong này thì có thằng nhọ phải chết!”
Để lại xóm nô ngổn ngang, ông chủ ngồi vào xe, tay cầm khẩu súng ngắn, cho Joóc lái xuống khu luyện gà.
Đứng trước khẩu súng và tiếng quát tháo ra lệnh trút hết đồ đạc ra, bác già Mingô khiếp đảm lắp bắp: “Tui có làm gì đâu, thưa ông chủ”…
“Cứ tin bọn nhọ thành thử bây giờ, bao gia đình chết sạch đấy!” mexừ Liơ thét. Tịch thu cả búa, rìu, chiếc nêm mỏng manh, một cái khung bằng kim khí và dao bỏ túi của hai bác cháu, ông chủ chất những thứ đó vào trong xe khi Joóc-Gà và bác Mingô đứng trơ mắt nhìn. “Trong trường hợp bọn nhọ chúng bay định ập vào, hãy nhớ là tao ngủ với khẩu súng ngắn này!” Y quát vào mặt họ, quất ngựa phóng nước đại và khuất trong một đám mây bụi trên đường.