Cội Rễ

Chương 94

Sáng ngày cưới Joóc-Gà vào tháng tám năm 1827, khi măt trời lên, chú rể đang hăm hở bắt bản lề sắt vào cái rầm cửa gỗ sến của căn nhà gỗ hai buồng còn dở dang. Làm xong, anh chạy bổ ra chuồng ngựa, hối hả đội về cánh cửa mới mà bác Pompi đã chạm khắc và quét bằng nước vỏ quả óc chó đen nghiền nát, lắp nó vào chỗ. Rồi, lo lắng đưa mắt nhìn mặt trời đang lên cao, anh ngừng lại đủ để ngốn chiếc bánh xăngđuých kẹp xúc xích mà mẹ anh đã gần như ném cho anh tối hôm trước trong cơn giận giữ vì cái chuỗi dài những lần lữa, lý do, ngứt đoạn và đi đây đi đó của anh. Anh đã đợi quá lâu và tiến hành quá chậm đến nỗi cuối cùng, mẹ đã bảo mọi người khác chẳng những đừng giúp anh gì nữa, mà còn chấm dứt mọi lời động viên đối với anh.

 

Tiếp đó, Joóc-Gà đổ đầy vôi tôi và nước vào một chiếc thùng lớn, khuấy mạnh và nhúng thật nhanh cái chổi vào vũng lầy nhầy đó, rồi bắt đầu quét trắng mặt ngoài của lớp ván xẻ còn xù xì. Cuối cùng, vào quãng mười giờ, anh lùi lại, người cũng dính vôi trắng lốp như vách nhà, để ngắm nghía công việc đã hoàn thành. Hãy còn khối thời giờ, anh tự nhủ. Anh chỉ còn có việc tắm rửa, mặc quần áo và lên xe đi hai tiếng đồng hồ đến đồn điền Mêc Grigo, ở đó lễ cưới sẽ bắt đầu từ một giờ.

Chạy đi chạy về từ nhà đến giếng, anh đổ ba xô nước đầy vào cái chậu mạ mới ở phòng ngoài. Vừa nghêu ngao hát vừa kì cọ, anh mau lẹ lau khô người, rồi choàng chiếc khăn tắm bằng vải bao bì tẩy trắng, chạy vào phòng ngủ. Sau khi xỏ chân vào chiếc quần đùi vải bông, anh mặc chiếc sơmi xanh ngực hồ cứng, quần vàng, tất đỏ và áo vettông vàng có đai lưng và cuối cùng đi đôi giày màu da nhạt mới toanh; tất cả những cái đó, anh đã mua dần từng thứ bằng tiền được cá tại các cuộc đấu hạ cấp trong mấy tháng qua, khi anh cùng mexừ Liơ rong ruổi qua các thành phố khác nhau ở Bắc Carôlina. Đi đôi giày mới cứng kêu cót két đến chỗ bàn buồng ngủ, ngồi trên chiếc ghế đẩu chạm trổ, mặt đen bằng sợi hồ đào, quà mừng của bác Mingô, Joóc-Gà toét miệng cười với bóng mình trong chiếc gương cán dài, một trong những món quà bất ngờ anh sẽ tặng Matilđa. Ngắm nghía trong gương, anh cẩn thận quàng quanh cổ chiếc khăn len xanh Matilđa đã đan cho anh. Trông tươm đấy, anh thừa nhận. Chỉ còn điểm thêm nét hoàn chỉnh cuối cùng nữa thôi. Kéo một chiếc hộp cáctông tròn từ gầm giường ra, anh bỏ nắp và nhẹ nhàng, gần như kính cẩn nữa, nhấc ra chiếc mũ quả dưa màu đen, quà cưới do mexừ Liơ tặng. Xoay xoay chiếc mũ từ từ trên hai đầu ngón tay trỏ, anh thưởng thức cái hình dáng thanh nhã của nó với một khoái cảm gần như nhục dục trước khi trở lại trước gương và đội nó vừa đúng độ lệch ngang tàng, nghiêng nghiêng xuống một bên mặt.

 

“Ra đi nào! Bọn tau ngồi trong xe một tiếng đồng hồ rồi!” Tiếng hò gọi của Kitzi, mẹ anh, ngay bên ngoài cửa sổ, chứng tỏ rành rành là cơn tam bành của bà vẫn chưa nguôi.

 

“Con ra đây, mẹ ạ!” anh la to đáp lại. Sau khi xem xét lại lần cuối, đánh giá toàn bộ trang phục mình trong gương, anh đút một chai nhỏ, dẹt đựng uytxki trắng hạng xoàng vào trong túi áo vettông và nhô ra khỏi căn nhà gỗ mới như thể chờ đợi mọi người hoan hô. Anh sắp sửa cười toét miệng và lật nghiêng chiếc mũ thì chợt thấy luồng mắt dữ tợn của mẹ, của cô bác Malizi, Xerơ và Pompi, tất cả ngồi đuồn đuỗn trong xe, với những bộ đồ đẹp nhất. Ngảnh nhìn sang hướng khác và cố hết sức làm ra hồ hởi huýt sáo, anh leo lên ghế ngồi lái – thận trọng không để nhàu một nếp áo quần nào – quật dây cương vào lưng đôi la và thế là họ lên đường – có điều là muộn mất một tiếng.

 

Dọc đường, Joóc-Gà tợp lén mấy hụm rượu bổ ở cái chai của mình và xe tới đồn điền Mêc Grigo vào lúc hơn hai giờ một chút. Kitzi, Xerơ và Malizi bước xuống, rối rít xin lỗi cô nàng Matilđa lo lắng và cuống ra mặt, trong chiếc áo dài trắng. Bác Pompi rỡ xuống những giỏ thức ăn mang theo và, sau khi hôn vội vào má Matilđa, Joóc-Gà chuyếnh choáng đi quanh vừa  tự giới thiệu vừa vỗ vỗ vào lưng và thở hơi rượu vào mặt các vị khách. Trừ những người ở xóm nô của Matilđa mà anh quen từ trước, hầu hết khách khứa là thành viên các cuộc họp cầu nguyện mà Matilđa đã chiêu mộ trong số những nô lệ ở hai đồn điền lân cận và được phép mời đến dự. Cô muốn họ gặp ý trung nhân của mình và họ làm theo ý cô. Tuy phần đông đã nghe nói nhiều về anh từ những nguồn khác ngoài bản thân cô, nhưng lần đầu tiên chính mắt trông thấy Joóc-Gà gây cho họ một loạt những phản ứng từ xì xào đến há hốc miệng sững sờ. Trong khi huyênh hoang để gây ấn tượng trong đám những người dự cưới, anh vẫn tránh xa mẹ mình, Xerơ và Malizi mà những tia nhìn sắc như dao càng được mài nhọn thêm bởi những nhận xét họ nghe lỏm được, tỏ ý nghi ngại “Con cá cắn câu” của Matilđa. Bác Pompi thì chọn cái ứng xử đơn giản là hòa lẫn với các tân khách khác, làm như không biết chú rể là người thế nào.

 

Cuối cùng, vị giáo sĩ người da trắng được thuê đến làm lễ, ra khỏi đại sảnh, theo sau là hai cặp vợ chồng ông chủ Mêc Grigo và Liơ. Họ dừng lại trong sân sau, ông cố đạo níu chặt quyển Kinh thánh như chiếc mộc, và đám người da đen đột nhiên im lặng tụ lại đứng sững cách một quãng xa. Theo như bà chủ của Matilđa dự định, đám cưới sẽ kết hợp một phần nghi thức hôn phối Cơ đốc của người da trắng với lễ nhảy chổi tiếp sau đó. Kéo một tay áo vàng của chú rể nhanh chóng tỉnh rượu, dẫn đi, Matilđa cùng anh đến đứng trước mặt ông cố đạo: ông này hắng giọng và bắt đầu đọc mấy đoạn long trọng trong quyển Kinh Thánh của mình. Rồi ông hỏi: “Matilđa và Joóc, hai con có long trọng thề, dù hay dù dở, vẫn ăn ở với nhau đến trọn đời không?”

“Con xin thề”, Matilđa khẽ nói.

“Dạ vâng!” Joóc-Gà nói, hơi to quá.

Hoang mang, ông cố đạo ngừng một lát rồi mới nói: “Ta tuyên bố, hai con là vợ chồng!”.

Trong đám khách da đen, có người thổn thức.

“Bây giờ con hôn cô dâu đi!”

 

Nắm lấy Matilđa, Joóc-Gà ghì chặt cô trong tay và hôn đánh chút một cái. Giữa những tiếng “hức” kinh ngạc và, chậc lưỡi, anh chợt nghĩ là có thể mình đã không gây ấn tượng tốt nhất và sau đó, trong khi hai người ngoắc tay nhảy chổi, anh moi óc cố tìm ra điều gì để nói, khả dĩ đem lại chút trịnh trọng cho dịp này, một điều gì khả dĩ làm nguôi dịu cái gia-đình-xóm-nô của mình và tranh thủ đám người sính kinh thánh. Anh nghĩ ra rồi!

 

“Đức Jêhôva là đấng chăn dắt tôi!” Anh dõng dạc tuyên bố. “Người ban cho tôi những thứ tôi cần!”.

 

Khi thấy những con mắt nhìn anh tròng trọc đón lời công bố ấy, anh bèn quyết định thôi không đếm xỉa đến họ và vớ được cơ hội đầu tiên là lén rút cái chai trong túi ra, nốc cạn khô. Phần liên hoan còn lại – một bữa tiệc cưới và tiếp tân – qua đi trong một lớp sương nhòa và chính bác Pompi phải lái cỗ xe la của đồn điền Liơ trở về qua hoàng hôn. Hằm hằm tức giận vì mất thể diện, mẹ Kitzi và các cô Xerơ, Malizi ném những cái nhìn dữ tợn vào cảnh tượng đằng sau họ: chú rể ngáy khò khò gối đầu vào lòng cô dâu nước mắt đầm đìa, cái khăn quàng xanh lệch lẹo và chiếc mũ quả dưa đen che gần hết mặt.

 

Joóc-Gà khụt khịt thức giấc khi chiếc xe đỗ xịch lại bên nhà gỗ mới của đôi tân lang tân giai nhân. Lơ mơ cảm thấy rằng mình phải xin lỗi mọi người, anh toan làm thế, nhưng cánh cửa ba căn nhà gỗ đóng sầm lại như tiếng súng nổ. Tuy nhiên, chắc anh sẽ không bị từ chối cử chỉ ưu nhã cuối cùng. Nhấc cô vợ mới cưới dậy, anh dùng một chân đẩy cánh cửa ra và, cách nào đó, xoay sở dìu nhau vào được cả đôi không sây sát gì – duy chỉ kéo Matilđa cùng vấp vào chậu nước tắm còn sừng sững giữa phòng. Đó là nỗi sỉ nhục phút chót – song mọi sự đều được quyền tha thứ khi Matilđa, với một tiếng reo vui, nhìn thấy món quà cưới đặc biệt của mình: chiếc đồng hồ lớn để đứng, vỏ gỗ sơn mài bóng loáng, tám ngày lên dây một lần, cao bằng cô, mà Joóc-Gà đã mua bằng tất cả tiền dành dụm từ các cuộc chọi hạ cấp và chở đằng sau xe suốt từ Grinxborâu về.

 

Còn đang mờ mắt ngồi xệt trên sàn, nơi anh vừa ngã bịch xuống, nước tắm bẩn ướt sũng đôi giày da cam mới toanh, thì Matilđa bước lại chìa tay để đỡ anh dậy.

 

“Nào, bi giờ lại đây mấy em, Joóc. Để em đặt anh vào giường”.