Cội Rễ

Chương 9

Mười hai tuần trăng đã qua và, cùng với những trận mưa lớn chấm dứt một lần nữa, mùa du lịch của Gămbia bắt đầu. Dọc theo mạng lưới đường bộ hành giữa các làng, khá nhiều lữ khách đi qua hay tạm dừng chân tại Jufurê, đủ để cho Kunta và các bạn chơi của nó hầu như ngày nào cũng phải canh phòng. Hễ có một người lạ mặt xuất hiện, sau khi đưa báo động cho làng biết, chúng lại vội vàng trở ra gặp vị khách khi người đó đến gần cây lữ khách. Mạnh dạn kéo nhau lũ lượt theo bên cạnh người đó, chúng xí xộ hỏi han trong khi đưa cặp mắt sắc sảo truy tìm mọi dấu hiệu về công cán hoặc nghề nghiệp của khách. Nếu tìm ra dấu hiệu nào, chúng bèn đột ngột bỏ vị khách và chạy trước về kể cho những người lớn ở căn lều hôm đó được chọn để tiếp khách. Theo truyền thống cổ xưa, hàng ngày mỗi làng chọn một gia đình khách để biếu không đồ ăn thức uống và lo chỗ tạm trú cho các khách tới địa phương mình, chừng nào họ muốn lưu lại trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

 

Được giao trách nhiệm làm đội canh gác làng, Kunta, Xitafa và những đứa bạn cùng lứa kafô, bắt đầu tự cảm thấy và hành động lớn hơn tuổi của chúng. Giờ đây, mỗi sáng sau khi điểm tâm, chúng tập họp bên sân trường của arafang và lặng lẽ quỳ xuống nghe thầy dạy đám con trai lớn hơn - những đứa thuộc lứa kafô thứ hai, vừa qua tuổi Kunta, từ năm đến chín vụ mưa – bày cho chúng đọc những câu kinh Koran và tập viết với những cây bút bằng thân cỏ rỗng chấm vào thứ mực đen pha bằng nước cam đắng trộn với nhọ nồi.

 

Khi bọn học trò xong bài và chạy đi - vạt đuôi áo vải bông lật phật đằng sau - để lùa bày dê của làng ra những cánh đồng cỏ rậm chăn chúng ở đó trong ngày. Kunta và các bạn nó cố làm ra vẻ dửng dưng, nhưng thực ra chúng thèm những chiếc sơmi dài cuả bọn con trai lớn hơn chúng cũng như những công việc quan trọng của bọn này. Tuy không nói ra, nhưng chẳng phải chỉ một mình Kunta tự cảm thấy đã lớn, không thể để bị đối xử như một đứa con nít và thả rông trần truồng nữa. Bọn nó tránh những đứa còn đang bú mẹ như Lamin như tránh bệnh và coi những đứa mới chập chhững là không đáng để ý, trừ phi là để phát cho chúng một cái nên thân  khi người  lớn không  ngó tới. Trốn tránh cả sự chăm sóc ân cần của các bà già đã trông nom chúng bao lâu nay, từ những buổi còn lưu lại được trong trí nhớ chúng. Kunta, Xitafa và những đứa trẻ khác nữa, giờ đây, bắt đầu lảng vảng quanh những người lớn vào tuổi cha mẹ chúng, với hy vọng được họ thấy quẩn chân và có thể sai chúng chạy việc vặt gì đó.

 

Chính vào lúc trước khi mùa gặt tới, một đêm sau bữa ăn tối, Ômôrô rất thản nhiên bảo Kunta hôm sau dậy sớm để giúp vào việc canh giữ mùa màng. Kunta phấn khởi đến nỗi hầu như không ngủ được. Sáng ra, sau khi nuốt vội bữa điểm tâm, nó vui sướng tưởng đến vỡ tim khi Ômôrô đưa cho nó vác cái cuốc, lúc hai bố con xuất phát ra đồng. Kunta và các bạn lao lên lao xuống dọc những luống hoa màu đã chín, hò hét và vung gậy đuổi đám lợn rừng và khỉ đầu chó từ rừng mò tới hầm hè định tróc rễ hoặc moi bới lạc. Bằng những cục đất và những tiếng la thét, chúng đánh lui từng đàn chim hét vừa kêu rít vừa xà thấp trên ruộng mạch kê vì các bà già thường kể rằng chim đói phá các ruộng chín cũng nhanh không kém gì dã thú. Thu vén nhặt nhạnh những nắm mạch kê và lạc mà cha chú đã hái hoặc bới lên xem thử đã chín thật chưa và mang những bầu nước lạnh tới cho người lớn uống, bọn chúng làm việc suốt ngày nhanh thoăn thoắt, lòng đầy tự hào.

 

Sáu ngày sau, Chúa Ala phán truyền là bắt đầu mùa gặt. Sau khi cầu kinh xuba lúc rạng đông, các nông dân cùng con trai họ - một số chọn mấy đứa mang theo những trống tamtăngxaraba nhỏ - ra đồng và chờ đợi, nghênh đầu dỏng tai nghe. Cuối cùng, trống cái lớn tôbalô của làng rộn lên và đám nông dân lao vào công việc gặt hái. Trong khi jaliba và những tay trống khác bước vào giữa đám họ đánh theo một nhịp khớp với các động tác của họ, mọi người bắt đầu cất tiếng hát. Trong niềm hân hoan, thỉnh thoảng một nông dân tung cuốc lên xoáy tròn theo một tiếng trống rồi lại bắt lấy nó vào phách trống tiếp theo.

 

Lứa tuổi của Kunta cũng làm mướt mồ hôi cùng với cha chú, rũ những búi lạc cho sạch đất. Khoảng giữa buổi sáng, là đợt nghỉ đầu tiên - rồi đến trưa, những tiếng reo vui nhẹ nhõm thốt lên khi toán đàn bà, con gái mang bữa trưa tới. Đi thành một hàng dọc, cũng hát những bài ca mùa gặt, họ nhấc những chiếc nồi từ trên đầu xuống lấy muôi múc vào những trái bầu rỗng, dọn ra mời các tay trống và thợ gặt, đám này ăn xong rồi ngủ trưa cho đến khi trống tôbalô lại vang lên lần nữa.

 

Đến cuối ngày đầu tiên ấy, từng đống hoa màu đã thu hoạch, rải rác điểm khắp cánh đồng. Mồ hôi và bùn đất nhễ nhại, đám nông dân mệt mỏi đi tới dòng suối gần nhất, cởi quần áo, nhảy tùm xuống nước, cười vang và vỗ bì bạch, tắm mát và rửa ráy sạch sẽ. Rồi họ hướng về nhà, vừa đi vừa đập những con ruồi vo ve quanh thân thể bóng loáng của họ. Càng tới gần làn khói bốc ra từ bếp của các bà các chị bay về phía họ, mùi thịt quay càng khêu gợi cồn cào, món này sẽ được dọn cho họ mỗi ngày ba lần trong suốt thời gian gặt cho đến khi nào kết thúc.

Đêm ấy, sau khi nhồi nhét đầy tễ, Kunta nhận thấy – như nó đã thấy thế mấy đêm rồi - mẹ nó đang khâu khâu vá vá cái gì. Mẹ chẳng nói gì về cái đó mà Kunta cũng chẳng hỏi, nhưng sáng hôm sau nó vác cuốc lên và bước ra khỏi cửa, mẹ bèn nhìn nó và làu bàu nói: “ Sao con không mặc quần áo vào?”

Kunta quay phắt lại. Kìa, một cái áo dài mới toanh treo trên mắc. Cố giấu nỗi phấn khởi của mình, nó làm ra vẻ thản nhiên mặc áo vào và nhẩn nha bước ra khỏi cửa - đến đây, nó mới vùng chạy. Những đứa khác cùng lứa tuổi nó đã ra ngoài lều – tất cả bọn chúng, cũng như nó, lần đầu tiên trong đời được mặc quần áo, tất cả chúng đều nhảy cẫng lên, la hét và cười vang vì cuối cùng sự trần truồng của chúng đã được che đậy. Giờ đây chúng đã chính thức thuộc lứa kafô thứ hai. Chúng đang trở thành người lớn.