Khi nó quay lưng định đi, ra mặt hờn dỗi vừa đủ mức mà nó nghĩ không đến nỗi phải ăn đòn, thì Binta gọi lại – có lẽ để mắng về tội hờn dỗi, Kunta nghĩ vậy, hay có thể là vì thương hại nó mà thay đổi ý kiến chăng. “Bố muốn gặp con sáng mai đây.” mẹ nó thản nhiên nói. Kunta biết rằng tốt hơn là đừng có hỏi tại sao, nên nó chỉ nói: “Thưa mẹ, vâng.” Và chúc mẹ ngủ ngon. Cũng may mà nó không mệt, vì dù sao đi nữa, nó cũng không thể ngủ ngay được, nó nằm dưới tấm chăn da bò, tự hỏi mình đã làm điều gì bậy bạ, như vẫn thường xảy ra luôn. Nhưng vắt óc mãi, nó vẫn không nghĩ ra chuyện gì, nhất là một chuyện tệ hại đến nỗi Binta không tự tay trừng phạt mà phải đến bố nó, bởi lẽ một người bố chỉ nhúng vào khi có chuyện gì ghê gớm lắm. Cuối cùng nó thôi không thắc mắc nữa và ngủ thiếp đi.
Vào lúc điểm tâm sáng hôm sau, Kunta xìu đến nỗi hầu như quên cả niềm vui về chiếc áo dài, mãi cho đến khi thằng bé Lamin trần truồng tình cờ cọ mình vào nó. Kunta giật phắt tay lên định đẩy nó ra, nhưng thấy Binta quắc mắt nhìn, lại không dám. Ăn xong, Kunta quanh quẩn một lát, hy vọng Binta sẽ nói thêm điều gì, nhưng khi chị làm như thậm chí đã không bảo gì nó đêm qua, thằng bé đành hậm hực rời khỏi lều và lững thững bước một, đi tới lều Ômôrô, khoanh tay đứng trước cửa.
Khi Ômôrô chui ra và lẳng lặng đưa cho con trai một cái ná bắn đá nho nhỏ, mới tinh, Kunta gần như ngừng thở. Nó đứng nhìn xuống cái súng, rồi lại ngước lên nhìn bố, không biết nói gì. “Đây là của con, vì con đã thuộc lứa kafô thứ hai. Con phải đảm bảo chớ bắn quàng xiên và đã bắn cái gì là phải trúng”.
Kunta chỉ nói: “ Vâng, thưa bố” lưỡi vẫn líu lại không thốt ra được lời nào nữa.
“Thêm nữa, nay con đã bước sang kafô thứ hai,” Ômôrô nói tiếp, “thế có nghĩa là con sẽ bắt đầu chăn dê và đi học. Hôm nay, con hãy đi lùa dê với Tumani Turay. Nó với bọn trai lớn sẽ dạy con. Hãy chú ý nghe bọn nó. Và sáng mai, con sẽ tới sân trường.” Ômôrô trở vào lều và Kunta lao đi tới các chuồng dê, ở đó nó thấy thằng bạn Xitafa và số còn lại thuộc kafô nó, tất cả đều mặc áo dài mới và nắm chắc những chiếc ná mới - những đứa bố chết rồi thì chú, bác hoặc anh lớn làm cho.
Bọn con trai lớn mở cửa chuồng và bầy dê be be nhẩy ra, đói thèm bữa gặm cỏ trong ngày. Trông thấy Tumani, con trai đầu lòng của đôi vợ chồng bạn thân thiết của Ômôrô và Binta, Kunta tìm cách sán lại gần, nhưng Tumani cùng bọn bạn thảy đều lùa dê xô vào đám trẻ nhỏ đang chen nhau né ra. Nhưng chẳng mấy chốc, bọn lớn khanh khách cười cùng lũ chó uôlô (1)(loại chó lớn để chăn gia súc, như chó becgiê) đã xua đàn dê hối hả theo con đường lầm bụi, với lứa kafô hoang mang chạy theo sau, vừa nắm chặt những chiếc ná bắn đá vừa cố phủi những vết lấm trên áo.
Tuy đã quen thuộc với dê là thế, Kunta vẫn chưa hề biết chúng chạy nhanh đến mức nào. Trừ một số cuộc đi dạo với bố, nó chưa bao giờ ra khỏi làng xa như giờ đây đàn dê đang dẫn bọn nó tới một bãi chăn rộng đầy cỏ và bụi cây thấp, một mé là rừng và mé kia là cánh đồng của nông dân trong làng. Bọn lớn uể oải đứa nào đứa nấy thả đàn của mình ở những đám cỏ riêng rẽ, trong khi lũ chó uôlô đi quanh quanh hoặc nằm xuống gần bầy dê.
Cuối cùng, Tumani quyết định để mắt tới Kunta đang lẽo đẽo theo sau, nhưng nó làm như thằng bé là một giống sâu bọ nào đấy. “Mày có biết giá trị của một con dê thế nào không?” nó hỏi và Kunta chưa kịp thừa nhận rằng mình không biết chắc chắn lắm, nó đã nói: “Này nhé, mày mà để mất con nào bố mày sẽ cho mày biết!” Và Tumani bắt đầu lên lớp về những điểm phải đề phòng trong việc chăn dê. Trước hết là nếu thằng nào không chú ý hoặc lười nhác để một con dê nào lạc khỏi đàn, thì vô số điều khủng khiếp sẽ có thể xảy ra. Chỉ về phía rừng, Tumani bảo rằng chẳng hạn, ở ngay kia kìa có những con sư tử và báo thường hay lết bụng trườn qua đám cỏ cao, và chỉ nhảy một phát là có thể xé một con dê ra làm hai mảnh. Nhưng nếu có một thằng bé con ở khá gần”, Tumani nói “thì đó là một món còn ngon hơn dê.”
Hài lòng nhận thấy Kunta tròn xoe mắt, Tumani tiếp tục. Một điều thậm chí còn nguy hiểm hơn cả sư tử và báo là bọn tubốp cùng lũ tay sai da đen giúp việc thường bò qua đám cỏ cao để bắt người, đem đến một nơi thật xa để ăn thịt. Trong năm vụ mưa nó làm công việc chăn dê – nó kể - đã có chín thằng ở Jufurê và nhiều thằng nữa ở các làng lân cận bị bắt đi. Kunta không biết đứa nào trong số con trai của làng Jufurê bị mất tích, nhưng nó nhớ là nó đã sợ hết vía khi nghe kể về bọn ấy, đến nỗi trong mấy ngày liền, nó không dám đi quá lều mẹ đến một tầm tay ném.
“Nhưng ngay cả ở bên trong cổng làng, mày cũng chả an toàn đâu.” Tumani nói, như đọc được ý nghĩ của Kunta. Nó kể với Kunta; nó biết một gã ở Jufurê mất hết của cải vì một bày sư tử giết sạch đàn dê của y, thế rồi ít bữa sau cái đêm có hai đứa con trai thuộc lứa kafô thứ ba (10 đến 14 tuổi) mất tích ngay trong lều của chúng, người ta bắt được y mang tiền của bọn tubốp trong người. Y bảo là bắt được số tiền ấy trong rừng, nhưng ngay trước hôm đem ra xử ở Hội đồng Bô lão, y đã biến mất tăm. “Hồi ấy, chắc mày còn bé quá, chả nhớ được chuyện này.” Tumani nói. “Nhưng những điều như vậy vẫn còn xảy ra. Cho nên, chớ có đi đâu khuất khỏi tầm mắt của những người mày tin cậy. Và khi mày ra đây chăn dê, đừng có bao giờ để chúng đi xa đến độ có thể phải xục vào rừng sâu tìm chúng, kẻo rồi gia đình mày có bữa chẳng gặp lại được mày đâu.”
Trong khi Kunta đứng run lên vì sợ, Tumani nói thêm rằng ngay cả nếu nó không bị một con mèo lớn hoặc một tên tubốp bắt, nó vẫn có thể mắc chuyện lôi thôi nếu một con dê tách khỏi bầy, và một khi chú dê đào tẩu vào khu trại mạch kê và lạc của một người nào đó gần đấy, thì đừng hòng bắt lại được. Và một khi cả người lẫn chó đều đổ đi tìm, bầy đàn còn lại có thể chạy theo con dê lạc, mà dê đói thì thậm chí có thể phá hoại cánh đồng của một nông dân nhanh hơn là khỉ đầu chó, linh dương hoặc lợn rừng nữa kia.
Đến trưa, khi Tumani chia một suất ăn mẹ nó đã gói cho nó với Kunta, thì toàn thể bọn trẻ mới bước vào lứa kafô thứ hai đã nuôi trong lòng một niềm kính trọng lớn hơn đối với lũ dê từ xưa tới nay vẫn quanh quất ở bên chúng. Ăn xong, mấy đứa trong lứa kafô của Tumani nằm kềnh ra dưới bóng những cây nhỏ gần đấy và số còn lại đi loanh quanh bắn chim bằng những cây súng bật học trò chưa được thử thách của mình. Trong khi Kunta và các bạn cố canh giữ đàn dê, bọn lớn hét lác, lúc dặn dò, lúc mắng mỏ và ôm bụng cười khi thấy tụi nhỏ cuống cuồng la lối và xông tới bất cứ con dê nào ngóc đầu lên nhìn xung quanh. Lúc nào Kunta không rượt theo dê, thì lại đưa mắt nơm nớp nhìn về phía rừng, đề phòng trường hợp có con gì rình mò ở đó định ăn thịt nó.
Xế chiều, khi dê sắp no cỏ, Tumani gọi Kunta đến chỗ nó và nghiêm nghị nói: “Mày muốn tao phải kiếm củi thay cho mày đấy phỏng?” Đến lúc đó, Kunta mới nhớ ra là đã bao lần nó thấy bọn chăn dê chiều chiều trở về, mỗi đứa đều đội một bó củi để đóng góp vào đống lửa ban đêm của làng. Vừa phải để mắt đến đàn dê, vừa phải coi chừng phía rừng, Kunta và các bạn chỉ có thể chạy quanh tìm kiếm và bứt những bụi rậm, nhặt những nhánh cây nhỏ rơi xuống đất đã đủ nỏ để cháy tốt. Kunta chất số củi của mình thành một mớ mà nó cho là vừa sức, có thể đội lên đầu được, nhưng Tumani liền giễu và ném thêm vào mấy que nữa. Rồi Kunta lấy một sợi dây leo xanh, mảnh buộc mớ củi lại, trong bụng không chắc đã nhấc nổi nó lên đầu, chưa kể còn phải đi cả quãng đường từ đó về làng.
Dưới con mắt quan sát của bọn lớn, Kunta và các bạn nó cũng tìm được cách nâng những bó củi lên đầu và bước thấp bước cao theo chân lũ chó uôlô và đàn dê, những con vật này lại thuộc đường về nhà hơn là toán mục đồng mới. Giữa tiếng cười chế giễu của bọn lớn, Kunta và những đứa kia cứ níu chặt lấy bó củi trên đầu để giữ cho nó khỏi rơi. Chưa bao giờ Kunta thấy làng mình đẹp hơn lúc này, vì nó đã mệt thấu xương; nhưng chúng vừa mới bước vào bên trong cổng làng, bọn lớn đã làm rầm rĩ ỏm tỏi lên, nào quát tháo ra lệnh, nhắc nhở dè chừng, nào nhảy chồm chồm xung quanh, sao cho tất cả những người lớn ở trong trong tầm nhìn và tầm nghe đều biết rằng chúng đang hoàn thành nhiệm vụ và cái ngày huấn luyện những thằng nhóc vụng về này quả là một thực nghiệm hết sức vất vả đối với chúng. Dù sao bó củi của Kunta cũng an toàn đến được sân nhà arafang Brima Xêxay, mà sáng hôm sau, Kunta và lứa kafô mới của nó sẽ bắt đầu theo học.
Ngay sau khi ăn sáng, các chú mục đồng mới - mỗi đứa hãnh diện mang một tấm bảng gỗ, một cái bút lông chim và một đoạn tre đựng bồ hóng để hòa với nước làm mực - hồi hộp kéo nhau vào sân trường. Coi chúng thậm chí còn ngu xuẩn hơn những con dê của chúng, arafang ra lệnh cho bọn trẻ ngồi xuống. Vừa nói dứt lời, ông đã bắt đầu giáng cây thước gỗ vào bọn chúng, làm chúng nháo nhác vì biểu hiện đầu tiên của chúng để tuân thủ mệnh lệnh ông không nhanh chóng như ông muốn. Mặt cau có giận dữ, ông đe chúng thêm rằng chừng nào chúng còn học lớp ông, bất cứ đứa nào làm một tiếng động nhỏ, trừ trường hợp xin phép nói, sẽ ăn roi nữa – ông dữ tợn vung roi vào mặt bọn chúng – và sẽ bị đuổi về nhà với bố mẹ. Và hình phạt đó cũng sẽ áp dụng với bất cứ đứa nào đến lớp muộn, giờ học được ấn định vào sau bữa điểm tâm và cả ngay sau khi chúng lùa dê trở về.
“Các con không còn là trẻ nít nữa và bây giờ các con có những trách nhiệm rồi.” arafang nói. “Hãy lo làm tròn những trách nhiệm ấy.” Sau khi quy định những kỷ luật ấy, ông thông báo rằng giờ học chiều hôm ấy, chúng sẽ bắt đầu nghe ông đọc một số câu kinh Koran mà chúng phải nhớ và đọc thuộc lòng trước khi học sang những môn khác. Rồi ông cho chúng ra về, khi bọn học trò lớn hơn - những mục đồng cũ - bắt đầu tới. Tụi nầy ngó bộ còn sợ sệt hơn cả lứa kafô của Kunta nữa kia, bởi vì đó là ngày thi kiểm tra kết thúc của chúng về khoa mục đọc thuộc lòng kinh Koran và viết chữ Arập, kết quả của đợt kiểm tra này sẽ có ảnh hưởng quyết định đến việc chúng được chính thức chuyển qua cương vị lứa kafô thứ ba.