Nhưng khi có mây che liềm trăng thượng tuần như đêm nay, thì mọi người tản ra, hoảng hốt, và đàn ông vào đền cầu nguyện xin tha tội, vì một vầng trăng đầu tháng bị mây phủ có nghĩa là các vị thần phật trên trời có điều không bằng lòng dân làng Jufurê. Sau khi cầu nguyện, cánh đàn ông dẫn những gia đình khiếp đảm của mình đến cây bao-báp, tại đó, trong đêm ấy, Jaliba đã ngồi xổm bên một đống lửa nhỏ, hơ cho căng đến tột cùng mặt trống da dê của mình.
Rụi đôi mắt cay xè vì khói của đống lửa, Kunta nhớ lại những lần mà tiếng trống đàm thoại ban đêm từ nhiều làng khác nhau đến quấy rối giấc ngủ của nó. Tỉnh giấc nó thường nằm nguyên, lắng nghe thật kỹ, những âm thanh và tiết tấu của trống sao mà giống âm thanh và tiết tấu ngôn từ, đến nỗi cuối cùng, nó hiểu ra một số lời, kể về một nạn đói, hay một dịch bệnh, hay việc cướp bóc, đốt phá một làng nào đó, giết dân hoặc bắt người mang đi.
Treo trên một cành cây bao-báp, bên cạnh Jaliba, là một tấm da dê có ghi những dấu hiệu biết nói, nghĩa là do thầy giáo viết lên đó bằng chữ Arập. Trong ánh lửa chập chờn, Kunta ngắm nhìn Jaliba bắt đầu nện rất nhanh và sắc gọn những khuỷu xù xì của bộ dùi gấp khúc lên nhiều chỗ khác nhau của mặt trống. Đó là một thông điệp khẩn cấp mời pháp sư ở gần nhất đến làng Jufurê để đuổi tà ma đi.
Không dám ngước lên nhìn trăng, dân làng vội vã về nhà và sợ hãi vào giường nằm. Nhưng, từng quãng một trong đêm, tiếng thoại của những chiếc trống ở xa các làng khác cũng lặp lại lời của Jufurê kêu gọi pháp sư. Run rẩy dưới tấm chăn da bò, Kunta đoán là trăng non ở chỗ họ cũng bị mây phủ.
Ngày hôm sau, những người thuộc lứa tuổi Ômôrô có nhiệm vụ giúp trai làng canh giữ những cánh đồng sắp chín chống lại sự quấy nhiễu của lũ khỉ đầu chó và chim đang vào kỳ đói. Bọn con trai ở lứa kafô thứ hai[1] được dặn dò là phải đặc biệt cảnh giác khi chăn dê, còn các bà, các mẹ thì quanh quẩn chăm nom bày trẻ sơ sinh và chập chững sát sao hơn lúc bình thường. Những đứa lớn nhất trong lứa kafô đầu tiên, vào tầm Kunta và Xitafa được căn dặn là phải chơi bên ngoài làng, quá hàng rào cao một quãng ngắn, ở đó chúng có thể quan sát kỹ xem có người lạ mặt nào lại gần cây lữ khách cách đấy không xa. Chúng nó làm theo như vậy, nhưng hôm ấy không thấy ai tới cả.
Đến sáng hôm thứ hai, người đó mới tới – một ông cụ rất già chống một cây gậy gỗ và đội một bọc lớn trên cái đầu hói. Phát hiện thấy ông lão, bọn trẻ nhào trở về qua cổng làng, vừa chạy vừa la. Già Nyô Bôtô chồm dậy, tập tễnh bước và bắt đầu nện vào chiếc trống lớn tôbalô gọi cánh đàn ông từ đồng ruộng hối hả bổ về làng một lát trước khi pháp sư tới cổng và bước vào làng Jufurê.
Trong khi dân làng tập hợp quanh ông pháp sư bước tới cây bao báp và thận trọng đặt cái bọc xuống đất. Bất thình lình ngồi xệp xuống, ông lắc lắc một cái túi da dê rúm ró, đổ ra một đống những vật khô đét, một con rắn nhỏ, một cái xương hàm linh cẩu, những chiếc răng khỉ, một cái xương cánh bồ nông, những rễ cây kỳ dị. Đưa mắt nhìn quanh, ông sốt ruột ra hiệu cho đám đông im thin thít dãn ra cho ông rộng chỗ hơn: và dân làng lùi lại trong khi ông bắt đầu run rẩy toàn thân – rõ ràng là đang bị tà ma làng Jufurê tấn công.
Người ông thầy mo quằn quại, mặt mày rúm ró, mắt đảo lên đảo xuống dữ dội, trong khi hai bàn tay run rẩy gắng hết sức bắt cây roi bướng bỉnh chạm vào đống đồ vật huyền bí. Khi đầu roi, do một nỗ lực tột đỉnh, cuối cùng chạm tới được ông ngã ngật người ra đằng sau và nằm sóng sượt như bị sét đánh. Dân làng như nghẹn thở. Nhưng rồi ông bắt đầu từ từ hồi lại. Tà ma đã bị đuổi khỏi. Trong khi ông yếu ớt gắng gượng quỳ dậy, những người lớn trong làng Jufurê – mệt nhoài nhưng nhẹ hẳn người – chạy vội về lều và nhanh chóng trở lại với những quà cáp tới tấp tặng ông lão. Nhà pháp thuật bỏ thêm những thứ này vào chiếc bọc vốn đã to đùng và chất nặng những tặng phẩm của các làng trước, và phút chốc ông lại lên đường để đáp lại lời kêu gọi sắp tới. Chúa Ala, một lần nữa lại mở lượng từ bi xá cho làng Jufurê.
Chú thích:
[1] Tức là từ 5 đến 9 tuổi.