Cội Rễ

Chương 60

Ngay cả những lúc không chứng kiến hoặc nghe thấy chuyện gì ở tỉnh để kể cho mọi người, Kunta cũng thấy khoái ngồi với họ quanh đống lửa trước lều bác vĩ cầm. Nhưng gần đây, anh bỗng nhận ra là mình bỏ ít thời giờ để chuyện trò với bác vĩ cầm – mà đã có thời bác là lý do duy nhất khiến anh có mặt ở đó – hơn là với Bel và ông già gác vườn. Đúng ra, không phải hai người đã lạnh nhạt với nhau, nhưng chỉ vì tình hình không như trước nữa và điều đó làm anh buồn buồn. Việc sắp đặt bác vĩ cầm cáng đáng nhiệm vụ làm vườn của Kunta không làm cho họ gần nhau hơn, mặc dầu cuối cùng, bác cũng xoay sở đâu vào đấy. Song điều mà xem chừng bác không thể làm quen được là chẳng bao lâu Kunta đã bắt đầu thế chân bác với tư cách là nguồn thạo tin nhất của đồn điền về những chuyện bên ngoài.

 

Không ai có thể phán là bác vĩ cầm trở nên ngậm miệng, nhưng càng ngày, những độc thoại trứ danh của bác càng ngắn bớt và càng thưa đi; và bác hầu như không kéo đàn cho họ nghe nữa. Một buổi tối, sau khi thấy bác trầm lặng khác thường, Kunta nêu lên nhận xét ấy với Bel, băn khoăn không hiểu mình có làm hoặc nói điều gì làm bác mếch lòng chăng.

“Anh đừng có tưởng hão!” chị nói với anh. “Hàng tháng nay, bác vĩ cầm chạy ngược chạy xuôi khắp tỉnh kéo đàn cho người da trắng. Bác í mệt rũ ra còn hơi sức đâu liến thoắng cái mồm dư mọi khi, dư thế tui thấy lại tốt đấy. Và bi giờ cứ lần nào đến kéo đàn cho các cuộc liên hoan hội hè đú đởn của người da trắng, mỗi đêm bác í kiếm được một đô-la rưỡi. Dù me-xừ có lấy của bác í một nửa, bác vĩ cầm cũng giữ lại cho mình được bảy mươi lăm xu, cho nên tội gì bác í phải chơi đàn cho cánh nhọ nữa – trừ phi anh muốn làm cuộc quyên góp, xem thử bác í có chơi để kiếm dăm xu chăng”.

 

Chị ngước mắt lên khỏi bếp lò xem Kunta có mỉm cười không. Anh không hé môi. Song giả dụ anh mỉm cười thì hẳn chị sẽ lúng túng. Chị mới chỉ thấy anh mỉm cười có độc một lần – khi anh nghe nói một người nô lệ mà anh quen ở một đồn điền gần đấy trốn thoát an toàn lên mạn Bắc.

“Tui nghe biểu bác vĩ cầm định dành dụm những gì bác í kiếm được để mua lại tự do từ tay me-xừ”, chị nói tiếp.

“Đến lúc bác í kiếm được đủ tiền để làm thế”, Kunta nghiêm trang nói, “thì đã già quá rồi, chả còn sức mà rời khỏi lều nữa”. Bel cười rũ rượi đến nỗi tí nữa ngã vào nồi xúp.

 

Nếu như bác vĩ cầm không bao giờ kiếm đủ tiền để chuộc lại tự do, thì đó không phải là do thiếu cố gắng, Kunta xác định như vậy sau khi nghe bác chơi đàn tại một cuộc liên hoan vào một đêm sau đó không lâu. Anh đã để me-xừ xuống xe và đang nói chuyện với các lái xe khác dưới một gốc cây ngoài bãi cỏ tối, thì ban nhạc – do bác vĩ cầm đứng đầu, đêm ấy rõ ràng bác ở một trạng thái hào hứng hiếm thấy – bắt đầu chơi một điệu vũ quay tròn Vơginia sôi nổi đến mức cả những người da trắng cũng không giữ yên chân được.

 

Từ chỗ mình ngồi, Kunta có thể trông thấy bóng những cặp trẻ trung quay cuồng từ phòng lớn ra ngoài hiên qua một cửa, rồi lại vào qua một cửa khác. Kết thúc khiêu vũ, mọi người đứng thành hàng bên một cái bàn dài rực rỡ ánh nến và đầy tú ụ thức ăn đến mức cả một năm ròng, xóm nô cũng không được chừng nấy. Và khi bọn họ đã ăn đầy tễ – cô con gái béo ị của nhà chủ trở lại tới ba lần để lấy thêm – chị bếp bèn cho mang ra một khay thức ăn thừa và một vò nước chanh cho cánh lái xe. Tưởng me-xừ sắp sửa ra về, Kunta ngấu nghiến một cái cẳng gà và một thứ bánh ngọt dính dính thơm ngậy rất ngon mà một tay lái xe gọi là “bánh kem dài”. Nhưng các ông chủ mặc com-lê trắng vẫn đứng quanh quẩn, bình thản chuyện trò hàng tiếng đồng hồ, tay cầm xì-gà dài khoa khoa làm điệu bộ, thỉnh thoảng lại nhấm nháp những cốc rượu vang, lấp lánh trong ánh sáng của cây đèn chùm treo trên đầu, trong khi các bà vợ, lộng lẫy trong những chiếc áo dài đẹp, ve vẩy mù xoa và che quạt cười điệu.

 

Lần đầu tiên đưa me-xừ đến một trong những “cuộc hoa hòe hoa sói nhí nhố” ấy – như Bel thường gọi – Kunta ngợp lên với những cảm xúc trái ngược, kính sợ, bất bình, thèm muốn, khinh bỉ, say mê, ghê tởm – nhưng trên hết là một nỗi cô đơn, u buồn sâu sắc mà anh phải mất gần một tuần mới hồi hồi lại được. Anh không thể tin rằng một sự giàu sang kỳ lạ đến thế lại có thật, rằng người ta thật sự sống như vậy. Phải mất một thời gian dài và qua rất nhiều cuộc liên hoan nữa, anh mới vỡ lẽ ra rằng họ không sống như vậy, rằng mọi cái đó là hư ảo một cách lạ lùng, một thứ mơ mộng huyền diễm của người da trắng, một sự dối trá họ đang nói với nhau: là cái tốt lành có thể từ cái xấu mà ra, là họ có thể văn minh với nhau mà không cần đối xử như con người đối với những kẻ đã đem máu, mồ hôi và sữa mẹ tạo nên cuộc sống đặc quyền đặc lợi họ đang sống.

 

Kunta đã tính chia sẻ những ý nghĩ đó với Bel hoặc ông lão làm vườn, song anh biết mình không thể tìm ra lời lẽ thích đáng bằng tiếng tubốp để diễn đạt. Dù sao cả hai cũng đã sống ở đây cả đời và không thể trông mong là họ nhìn những cái đó như anh nhìn, với con mắt của một kẻ ngoại cuộc – của một người bẩm sinh tự do. Cho nên, như mọi lần nghĩ về những chuyện như vậy, anh giữ kín trong lòng – và chợt thấy mình ước ao đừng bị cô đơn đến thế, ngay cả sau ngần ấy năm.

 

Khoảng ba tháng sau, me-xừ Uolơ – “cùng ví hầu hết dững ai là ông nọ bà kia ở bang Vơginia”, theo lời bác vĩ cầm – được mời đến dự cuộc Vũ hội ngày Lễ Tạ Ơn mà hằng năm cha mẹ ông ta vẫn tổ chức ở Enfin. Tới muộn vì, như thường lệ, me-xừ vẫn dừng lại thăm bệnh nhân trên đường đi, Kunta nghe thấy cuộc liên hoan đã đang diễn ra rôm rả trong khi cỗ xe lọc cọc trên con đường giữa hai hàng cây dẫn đến ngôi nhà lớn đèn đóm sáng chưng suốt từ trên xuống dưới. Đánh xe đến cửa tiền, anh nhảy xuống đứng nghiêm trong khi người gác cửa đỡ me-xừ xuống xe. Chính lúc bấy giờ anh nghe thấy cái đó. Đâu đây, rất gần, một người nào đang dùng cạnh và gót tay nện trên một trái bầu giống như trống cơm gọi là qua-qua, với một phong thái sắc nét và mãnh liệt khiến Kunta biết ngay nhạc công đó là người Phi.

 

Anh chỉ còn biết đứng ngây như tượng cho đến khi cánh cửa đóng lại sau lưng me-xừ. Rồi Kunta quẳng dây cương cho chú bé bồi ngựa đang chờ và chạy với hết tốc độ mà bàn chân còn một nửa cho phép anh, quành theo sườn nhà và qua sân sau. Tiếng nhạc mỗi lúc một to lên, dường như vọng đến từ giữa một đám đông người da đen đang vỗ tay, nhảy múa dưới một dãy đèn lồng mà gia đình Uolơ cho phép đám nô lệ thắp để làm Lễ Tạ Ơn của riêng họ. Không đếm xỉa đến những tiếng kêu phẫn nộ của họ trong khi anh chen lấn lấy một lối đi, Kunta nhảy vào giữa vòng trống và đây rồi: một người đàn ông gầy gò, tóc hoa râm, da rất đen ngồi xệp trên mặt đất đánh qua-qua giữa một người chơi măngđôlin và hai người gõ phách bằng xương bò. Thấy náo động đột ngột, họ ngước lên nhìn và cặp mắt Kunta bắt gặp cặp mắt ông già – và một lát sau, hai người gần như nhảy bổ lại với nhau, những người da đen khác ngớ ra rồi cười rúc rích khi thấy họ ôm chầm lấy nhau.

“A-xalakium-xalam!”.

“Malakium-xalam!”[1]

 

Lời chào bật ra như thể cả hai chưa từng rời Châu Phi bao giờ. Kunta ru ông già ra cách mình một tầm tay. “Trước nay, tui chưa thấy bác ở đây bao giờ”, anh thốt lên.

“Tui vừa được bán đến đây từ một đồn điền khác”, người kia nói.

“Me-xừ của tui là con me-xừ của bác”, Kunta nói “Tui lái xe cho ông í”.

Những người xung quanh bắt đầu lầm bầm, sốt ruột muốn nhạc cử tiếp và rõ ràng là họ không thấy thoải mái trước việc công khai phô bày tính cách Phi như vậy. Cả Kunta lẫn người chơi qua-qua đều biết là không nên gây tâm lý nặng nề thêm cho họ nữa, kẻo một người nào đó trong bọn có thể đi mách với người da trắng.

“Tui sẽ trở lại!” Kunta nói.

“Xalakium – Xalam!” người chơi qua-qua nói và ngồi trở lại.

Kunta đứng đó một lúc trong khi nhạc lại bắt đầu cất lên, đoạn quay phắt đi, lách qua đám đông, đầu cúi gằm – thất vọng và bối rối – trở về xe đợi me-xừ Uolơ.

 

Suốt những tuần sau, tâm trí Kunta loay hoay với những câu hỏi về người chơi qua-qua. Bác ta thuộc bộ lạc nào? Rõ ràng bác ta không phải là người Manđinka, cũng chẳng thuộc bất cứ bộ lạc nào mà Kunta đã từng thấy hoặc nghe nói tới cả ở Gămbia lẫn trên con xuồng lớn. Mái tóc hoa râm chứng tỏ bác ta đã già; Kunta tự hỏi không biết bác có bằng tuổi Ômôrô bây giờ không. Và làm sao mỗi bên đều cảm thấy bên kia là tôi tớ của Chúa Ala nhỉ? Việc người chơi qua-qua thạo tiếng tubốp như tiếng đạo Hồi chứng tỏ bác ở đất người da trắng đã lâu, có lẽ qua nhiều vụ mưa tại đây hơn Kunta nữa kia. Người chơi qua-qua nói bác vừa được bán cho cha của me-xừ Uolơ, vậy trong ngần nấy vụ mưa trên đất tubốp, bác ta ở đâu?

 

Kunta duyệt lại trong tâm trí những người Phi khác anh đã tình cờ thấy – không may thay, phần lớn đều vào những lúc cùng đi với me-xừ và thậm chí anh không có cách nào gật đầu chào họ lấy một cái, chưa nói gì đến gặp gỡ – trong ba vụ mưa làm lái xe cho me-xừ. Trong số này, có cả một đôi người rành rành là dân tộc Manđinka nữa kia. Phần lớn những người Phi, anh chỉ thoáng thấy khi đánh xe ngang qua các cuộc bán đấu giá nô lệ sáng thứ bảy. Nhưng sau sự việc xảy ra vào một buổi sáng cách đây sáu tháng, anh đã quyết định không lái xe qua bất cứ nơi nào gần các cuộc đấu giá, chừng nào có thể tránh được mà không để cho me-xừ ngờ ngợ thấy nguyên do. Hôm ấy, trong khi xe đi qua, một phụ nữ trẻ người Jôla bị xiềng thét lên thảm thiết. Ngảnh lại xem có chuyện gì, anh trông thấy cặp mắt mở to của người phụ nữ Jôla dán chặt vào anh ngồi trên chiếc ghế cao của cỗ xe, miệng há hốc gào lên, cầu cứu anh. Lòng tràn ngập một nỗi hổ thẹn xót xa, Kunta quật mạnh roi lên mông cả hai con ngựa khiến chúng gần như chồm hai chân trước lên, làm me-xừ bị xóc ngật về đằng sau, còn Kunta thì hoảng lên vì hành động của mình, nhưng me-xừ không nói gì cả.

 

Có lần, Kunta gặp một nô lệ Phi trên tỉnh trong khi chờ me-xừ một buổi chiều, nhưng cả hai cùng không hiểu tiếng bộ lạc của nhau và người kia thì lại chưa nói được tiếng tubốp. Kunta thấy dường như không thể tin được là mãi sau hai mươi vụ mưa trên đất người da trắng, anh mới gặp được một người Phi khác có thể chuyện trò với anh.

 

Nhưng trong hai tháng sau, cho đến sang mùa xuân năm 1788, Kunta thấy hình như me-xừ thăm hết tất cả bệnh nhân, họ hàng bà con và bạn bè trong năm hạt – chỉ trừ có cha mẹ của chính ông ta ở Enfin. Có lần, anh đã tính xin đi phép, điều mà trước nay anh chưa làm bao giờ, song anh biết me-xừ sẽ hỏi đi đâu và để làm gì. Anh có thể nói là đi thăm Liza, chị bếp ở Enfin, song như thế, me-xừ có thể nghĩ là hai người có tình ý gì với nhau, và ông ta có thể nói với cha mẹ và từ đó lại đến tai Liza, rồi anh sẽ bị dây dưa lằng nhằng không bao giờ dứt ra nổi, vì anh biết chị chàng vẫn nhăm nhe anh mà anh thì dứt khoát không đáp lại tình cảm đó, cho nên anh từ bỏ ý định ấy.

 

Trong sự nôn nóng muốn trở lại Enfin, anh đã bắt đầu đâm bực với Bel – càng bực hơn vì nỗi anh không thể nói chuyện ấy với chị – thừa biết chị vốn ác cảm với mọi cái dính dáng đến Phi châu. Anh nghĩ đến chuyện thổ lộ với bác vĩ cầm và ông lão làm vườn, song cuối cùng lại quyết định rằng, mặc dù họ ắt sẽ không nói với ai khác, nhưng chắc họ không thể đánh giá được tầm quan trọng của việc gặp gỡ chuyện trò với một người cùng quê cha đất tổ sau hai mươi vụ mưa đằng đẵng.

 

Thế rồi, một ngày chủ nhật sau bữa ăn trưa, không hề báo trước gì cả, me-xừ cho người đến bảo anh đóng ngựa vào xe đi Enfin. Kunta gần như chồm lên khỏi ghế và lao ra khỏi cửa, khiến Bel kinh ngạc nhìn theo đăm đăm.

 

Liza đang bận bịu giữa đám nồi niêu xoong chảo thì Kunta bước vào bếp. Anh hỏi thăm sức khỏe chị, rồi vội vã nói thêm là anh không đói. Chị nồng nàn nhìn. “Lâu không thấy anh”, chị nói, giọng êm ái. Rồi mặt chị bỗng sa sầm. “Tui nghe nói về anh mí cái người Phi mới về đây. Me-xừ cũng nghe thấy. Có mấy nhọ nói mí me-xừ, dưng me-xừ không biểu gì sất, cho nên tui không lo”. Chị nắm lấy và bóp mạnh tay Kunta. “Anh đợi một phút thôi”.

 

Kunta cảm thấy mình sắp sửa nổ tung vì sốt ruột, nhưng Liza đã thoăn thoắt làm hai cái bánh mì kẹp thịt bò dày dặn, gói lại và đưa cho anh, một lần nữa bóp mạnh tay Kunta trong tay mình. Đoạn chị dẫn Kunta ra cửa bếp, đến đây, chị ngập ngừng. “Có một điều anh không hỏi tui, nên tui chưa nói với anh – mẹ tui là một nhọ Phi. Có lẽ vì vậy mà tui thích anh đến thế”.

 

Thấy Kunta bồn chồn muốn bỏ đi, chị quay ngoắt và chỉ tay: “Cái lều có úng khói ghĩ là lều lão í. Hầu hết nhọ, me-xừ cho đi chơi hôm nay, đến túi mí về. Chỉ cần anh phải bảo đảm có ở xe trước khi ông chủ anh ra thui!”.

Tập tễnh đi thật nhanh về xóm nô, Kunta gõ vào cửa căn lều xiêu vẹo.

“Ai đấy?” vọng ra cái giọng nói mà anh vẫn còn nhớ.

“A-xalakium-xalam!” Kunta nói. Anh nghe thấy tiếng lẹt xẹt của một cử động vội vã và cửa mở toang ra.

Chú thích:

[1] Lối chào nhau của những người Arập theo đạo Hồi.