Cội Rễ

Chương 61

Vì cùng là người Phi, nên cả hai đều không tỏ ra mình là người chờ đợi giây phút này biết chừng nào. Người lớn tuổi hơn đẩy chiếc ghế duy nhất của mình mời Kunta, nhưng khi thấy khách ưng ngồi xệp dưới nền đất như thể đang ở một làng bản nào đó nơi quê nhà, thì bác chơi đàn qua-qua e hèm ra chiều hài lòng, thắp cây nến trên cái bàn siêu siêu và cũng ngồi xệp xuống.

“Tui quê ở Gana, thuộc dân tộc Akan. Người da trắng đặt tên cho tui là Pompi, dưng tên thật tôi là Bôteng Bêdiakô. Tui ở đây đã lâu lắm rồi. Qua sáu đồn điền da trắng và hy vọng đây là cái cuối cùng, còn chú thế nào?”

Cố bắt chước cách nói ngắn gọn của người Gana này, Kunta kể cho bác ta về đất nước Gămbia, về việc anh là người Manđinka, về gia đình anh, về việc anh bị bắt và chạy trốn nhiều lần, bị chặt chân, được cắt đặt công việc làm vườn và bây giờ là lái xe.

Bác người Gana chăm chú nghe và khi Kunta nói xong, bác ngồi ngẫm nghĩ một lúc rồi mới lại lên tiếng, “Chúng ta đều đau khổ cả. Người khôn ngoan thì cố mà rút ra bài học từ đó”. Bác dừng lại và nhìn Kunta, như đánh giá.”Chú bao nhiêu tuổi?” Kunta trả lời ba mươi bảy vụ mưa.

“Trông chú không đến thế, tôi sáu mươi sáu đấy”.

“Trông bác cũng không đến thế”, Kunta nói.

“Ờ, tui ở đây từ trước khi chú đẻ. Giá dạo í tui biết đôi điều tui học được bi giờ. Dưng mà chú hãy còn trẻ, cho nên tui nói cho chú nghe. Các bà già ở nước chú có kể chuyện cho con cháu nghe không?” Kunta nói có. “Thế thì tui kể cho chú nghe một chuyện. Về cách trưởng thành ở quê tui”.

“Tui còn nhớ thủ lĩnh của dân tộc Akan bây tui thường ngồi dư thế nào trong chiếc ghế to tướng làm bằng răng voi và bao giờ cũng có một người cầm lọng che trên đầu ông. Rồi bên cạnh là người kiểu dư thông ngôn cho thủ lĩnh. Ông muốn nói gì hay ai muốn nói với ông, chỉ độc một cách là thông qua người í. Lại có một chú bé ngồi dưới chân thủ lĩnh nữa. Chú bé này tượng trưng cho linh hồn của thủ lĩnh, và chạy tin truyền dững sứ điệp của thủ lĩnh cho dân chúng. Chú bé này mang một thanh gươm dày bản, cho nên ai thấy chú ta đến là biết đích xác chú là người thế nào. Nhớn lên, tui thành chú bé í chạy tin trong nhân dân. Chính là dư thế người da trắng đã bắt tôi cách í”

Kunta toan nói thì ông già Gana đã giơ tay lên ngăn lại.

“Đấy chưa phải là kết thúc câu chuyện. Điều tui muốn nói tới là: trên chóp cái lọng của thủ lĩnh, có khắc một bàn tay cầm một quả trứng. Cái này nhằm biểu người thủ lĩnh phải dùng quyền lực thận trọng dư nâng trứng. Và cái người làm thông ngôn cho thủ lĩnh bao giờ cũng cầm một cây trượng. Trên cây trượng có khắc một con rùa. Rùa nhằm biểu chìa khoá cho cuộc sống là nhẫn nại”. Người Gana ngưng một lát. “Và có một con ong được khắc trên mu con rùa í. Nhằm biểu rằng không vòi nào châm qua nổi mu rùa cứng rắn”.

Trong ánh nến chập chờn của căn lều, người Gana tạm ngừng, “Đó là điều tui muốn truyền đạt cho chú, điều tui đã học được trên đất người da trắng. Cái chú cần biết nhất để sống ở đây là sự kiên nhẫn – với một cái mu cứng”. Nếu ở Châu Phi, Kunta dám chắc con người này phải là một kintangô hay một alcala, nếu không phải đích thị một thủ lĩnh. Song anh không biết phát biểu những cảm nghĩ của mình như thế nào và anh chỉ ngồi yên đó, không nói gì.

“Xem chừng chú có cả hai thứ đó”, cuối cùng, người Gana mỉm cười nói. Kunta lúng túng định biện bạch, nhưng lưỡi anh như bị buộc chặt. Người Gana lại mỉm cười, chính bác cũng im lặng một lúc rồi nói tiếp.

“Ở nước tui, họ bảo những người Manđinka là những nhà du lịch và thương gia cừ khôi”. Bác tuyên bố lửng lơ như thế, rõ ràng là chờ Kunta nói một điều gì.

Cuối cùng, Kunta mới cất giọng. “Bác nghe nói đúng đấy. Các ông bác tui là những nhà du lịch. Nghe dững chuyện các bác tui thường kể, cứ ngỡ dư họ đã ở khắp mọi nơi. Tui mí cha tui đã có lần đến một làng do hai bác tui mới lập, cách Jufurê xa lắm. Tui đã tính đi La Mếch, đi Timbuktu và đi Mali và mọi nơi hai bác tui đã tới, dưng chưa có dịp thì đã bị bắt lén”.

“Tui biết đôi điều về châu Phi” bác người Gana nói.

“Thủ lĩnh biểu các bậc thông thái dậy tui. Tui chưa quên dững lời các bậc í nói. Và tui đã cố gắn dững lời í với những điều tôi nghe được và nhìn thấy từ khi tui ở đây, và tui biết phần đông người bên ta được mang tới đây đều bị bắt lén từ Tây Phi – suốt từ nước Gămbia của chú đổ xuống theo bờ biển tới Ghinêa”.

 

Kunta bắt đầu lo là me-xừ sắp sửa ra về và dễ thường anh để ông ta phải đợi và một phút im lặng trôi qua giữa hai người. Anh đang loay hoay tìm cớ thích hợp để cáo từ thì ông già người Gana nói: “Quả thật ở đây không có ai để ngồi nói chuyện dư tui với chú. Ối lần tôi phải mượn cây đàn qua-qua mà nói những điều trong tâm mình. Dễ thường tôi đã chuyện trò với chú mà không biết có chú ở đấy”.

 

Xúc động sâu sắc, Kunta nhìn thẳng vào mắt người Gana hồi lâu, đoạn cả hai cùng đứng dậy, trong ánh nến, Kunta nhận thấy mình để quên trên bàn hai ổ bánh xăngđuých Liza đã cho anh. Anh chỉ vào đó và mỉm cười. “Chúng ta ăn lúc nào mà chả được. Bi giờ tui biết chú phải đi”. Ông già người Gana nói: “Giá ở nước tui, thì trong khi ta trò chuyện với nhau, tui đã đẽo một cái gai thành một vật gì đó để biếu chú rồi.”

 

Kunta nói giá ở Gămbia thì anh đã đẽo một hột soài to phơi khô thành vật gì đó rồi. “Hàng bao nhiu lần, tui đã ao ước có một hột soài giống đem trồng cho nhớn lên để nhắc nhở đến quê nhà”, anh nói.

 

Người Gana trang trọng nhìn Kunta. Rồi bác mỉm cười “Chú còn trẻ chú có ói hạt giống, chú chỉ cần có cô vợ để gieo giống vào thôi”.

Kunta luống cuống không biết trả lời ra sao, bác nhạc công người Gana đưa mạnh cánh tay trái ra và hai người bắt tay trái theo kiểu Phi, ý nói sẽ sớm gặp lại nhau.

“A-xalakium -  xalam!”

“Malaika – xalam!”

 

Và Kunta vội vã bước ra, tập tễnh đi trong hoàng hôn sẫm dần qua các túp lều nhỏ khác và hướng về ngôi nhà lớn, băn khoăn không biết me-xừ đã ra tìm mình chưa. Nhưng nửa giờ sau me-xừ mới xuất hiện và trong khi Kunta đánh xe về nhà – hầu như không cảm thấy dây cương trong tay hoặc nghe thấy tiếng vó ngựa trên đường – anh có cảm giác như mình vừa nói chuyện với ông bố Ômôrô thân yêu vậy. Chưa một buổi chiều nào trong đời có ý nghĩa với anh hơn thế.