“Ta gọi họ là dân da trắng làm việc theo giao kèo”, chị bạn nấu bếp giải thích vậy, khi anh bày tỏ nỗi kinh ngạc của mình với chị, mấy phút sau. “Họ ở lây lến bi giờ là lược khoảng hai tháng. Ló là một gia đình ở lâu tận bên kia bờ lước lớn. Mông-xừ chi tiền cho tầu họ sang lây, cho lên họ phải làm lô lệ cho mông-xừ bảy lăm để trả lợ. Sau đó, họ tự do dư mọi người da trắng khác”.
“Họ sống ở xóm nô à?” Kunta hỏi.
“Họ có lều riêng cách chỗ chúng tôi một quãng, dưng lem nhem dư bọn tôi. Và ra làm lồng, cũng chả được sũng siêu vẹo dột lát dư các lều khác thôi. Và họ cũng ăn lối xử khác gì”.
“Họ ra sao?” Kunta hỏi.
“Họ cứ bo bo thân mình dưng mà cũng ổn thôi. Không giống dư ta, dưng mà làm phận sự mình lến lơi lến chốn và không gây sự với ai cả”.
Kunta có cảm giác những bạch nô này còn khấm khá hơn phần lớn những người da trắng tự do anh đã thấy trong những chuyến đi tua thăm bệnh của me-xừ. Thường thường, cả tá vừa người lớn vừa trẻ con chui rúc chồng đống lên nhau trong những túp nhà một gian trên những vạt đất đỏ hoặc đất vùng đầm lầy nhỏ bằng bàn tay, họ lậm lụi sống một cuộc sống bần hàn đến nỗi những người da đen đã đùa rỡn đặt một bài hát về họ để cười vui với nhau: “Ôi, lạy Chúa, đừng cho con làm kiếp da trắng nghèo hèn, thà cứ làm dân nhọ còn hơn”. Tuy chưa bao giờ thấy tận mắt, song Kunta đã nghe nói một số trong bọn da trắng ấy nghèo đến nỗi phải ăn cả đất. Có điều chắc chắn là họ quả gầy thật, chỉ có da bọc xương, và không mấy ai – kể cả bọn “tí nhau” – còn răng cả. Và người họ hôi hám như thể họ ngủ lẫn với bầy chó mình đầy bọ chét mà nhiều người trong số đó làm thế thật. Cố gắng thở bằng miệng trong khi ngồi trong chiếc xe đậu bên ngoài dẫy lán của họ, đợi me-xừ chữa chạy cho một bệnh nhân nào đó mắc chứng hoại huyết hoặc chứng phung điên, nhìn đám phụ nữ và trẻ con cày bừa, đẵn gỗ, trong khi cánh đàn ông nằm dài dưới một gốc cây với một chiếc vò nâu nâu đựng rượu cùng lũ chó, gãi lấy gãi để, Kunta thấy khá dễ hiểu là tại sao các me-xừ chủ đồn điền và thậm chí cả những nô lệ của họ lại chế giễu và miệt thị họ, gọi họ là “đồ cặn bã da trắng lười nhác, vô tích sự, không đáng kể”.
Thực ra, về phần anh, đó là một miêu tả độ lượng về những kẻ vô đạo trơ tráo đến mức có thể phạm mọi tội lỗi chống lại những tiêu chuẩn phép tắc mà cả đến người Hồi giáo có đầu óc báng bổ nhất cũng vẫn tuân thủ. Trong những chuyến đi với me-xừ đến các thị xã lân cận, lần nào anh cũng thấy hàng bầy những người như vậy đi rông xunh quanh tòa thị chính hoặc tiệm rượu ngay cả vào buổi sáng – mặc những bộ quần áo thải xác xơ, nhem nhuốc dầu mỡ và mồ hôi, nồng nặc mùi thuốc lá hôi xì mà họ hút luôn miệng, tu ừng ực cái món “chớp trắng” trong những cái chai bỏ trong túi, cười ha hả và cục cằn thét lác lẫn nhau trong khi quỳ bệt xuống đất trong những ngõ hèm chơi bài tây và xúc xắc ăn tiền.
Đến giữa chiều thì họ hoàn toàn hóa dại: say khướt, hát ông ổng, nhảy cẫng như điên từ đầu phố đến cuối phố, huýt sáo và chớt nhả gọi những phụ nữ đi ngang qua, cãi nhau và văng tục om sòm, và cuối cùng xoay ra gây sự đánh nhau, mới đầu chỉ đẩy hoặc thụi – trong khi những đám đông gồm những kẻ cũng như họ xúm lại xung quanh để cổ vũ – rồi kết thúc bằng các miếng cắn tai, móc mắt, đá vào hạ bộ, bằng những vết thương đẫm máu hầu như bao giờ cũng phải cậy đến sự cấp cứu của me-xừ. Kunta cảm thấy ngay cả những thú dữ ở quê hương anh cũng còn có phẩm giá hơn đám sinh vật này.
Bel luôn luôn kể chuyện về những người da trắng bị phạt roi vì tội đánh vợ và bị xử tù một năm vì hiếp dâm. Chị cũng hay kể chuyện người nọ đâm hoặc bắn chết người kia, tội này bị xử sáu tháng làm nô lệ. Song dù họ có sính dùng bạo lực với nhau bao nhiêu đi nữa, thì kinh nghiệm cá nhân vẫn cho Kunta biết rằng họ còn thích dùng bạo lực đối với người da đen hơn thế. Chính một đám đông những người da trắng nghèo – cả nam lẫn nữ – đã la ó, giễu cợt và thọc que vào người anh cùng các bạn cùm bị giải từ con xuồng lớn xuống. Chính một giám thị da trắng nghèo đã quất roi thỏa sức lên lưng anh ở đồn điền me-xừ Jon. Chính bọn truy bắt nô lệ thuộc loại “cặn bã da trắng nghèo hèn” đã lấy việc chặt chân anh làm vui thích đến thế. Và anh đã từng nghe nói về những người chạy trốn bị bọn “tuần cha tuần bổ” tóm được, chúng không cho họ lựa chọn mà tống cổ họ về đồn điền cũ sau khi hành hạ thân tàn ma dại không còn nhận ra được nữa – và thiến dương vật. Anh chưa bao giờ có thể hình dung ra nổi tại sao những người da trắng nghèo lại ghét người da đen đến như vậy. Có lẽ, như bác vĩ cầm đã nói với anh, đó là tại bọn da trắng giàu; bọn này có tất cả những gì mà họ không có: của cải, quyền lực và tài sản, kể cả những nô lệ được cho ăn, cho mặc, cho nhà ở, trong khi họ phải vật lộn để sống còn. Nhưng anh không thể cảm thấy thương hại họ chút nào, mà chỉ ghê tởm sâu sắc, một nỗi ghê tởm đã trở thành giá băng cùng với năm tháng trôi qua, bởi lẽ một cái rìu do một kẻ trong bọn họ vung lên đã vĩnh viễn kết liễu một cái gì mà đối với Kunta còn quý giá hơn cả chính cuộc đời anh: niềm hy vong được tự do.
Vào cuối mùa hè năm 1786 ấy, Kunta từ trên tỉnh trở về đồn điền với những tin tức làm anh tràn ngập những cảm giác xáo trộn. Dân da trắng đã tụ tập ở mọi góc phố, vung những số Nhật báo và sôi nổi bàn tán xung quanh một câu chuyện đăng trong đó, về việc một số ngày càng đông người Quêicơ không những khuyến khích bọn nô lệ chạy trốn như họ đã từng làm trong nhiều năm, mà giờ đây còn giúp đỡ, che giấu và hướng dẫn bọn chúng đi lên miền Bắc an toàn nữa. Cả dân da trắng nghèo lẫn các me-xừ đều lồng lộn kêu gào trừng phạt bằng cách bôi hắc ín rồi trét lông và thậm chí treo cổ bất kỳ tên Quêicơ nào dù chỉ bị tình nghi là có những hành động phản nghịch như thế. Kunta không tìn là những người Quêicơ hoặc bất kỳ ai khác có thể giúp đỡ được đông đảo nô lệ trốn thoát, và sớm hay muộn, rồi những người này cũng đến bị bắt thôi. Song, có những người đồng minh da trắng – cũng phải cần đến họ chứ – đâu phải là điều thương tổn và cái gì khiến cho bọn chủ nô hoảng hốt đến thế, ắt không thể là điều xấu.
Đêm hôm ấy, sau khi Kunta kể cho mọi người trong xóm nô hay những điều anh đã trông thấy và nghe thấy, bác vĩ cầm bèn nói rằng tuần trước, đàn cho một cuộc khiêu vũ ở tỉnh, bác đã thấy “dững cái mồm há hốc” khi bác dỏng tai nghe lỏm một tay thầy cò nhỏ to thổ lộ với một nhóm điền chủ bự về bản chúc thư của một phú hộ Quêicơ tên là Jon Pliđơn ban bố tự do cho hơn hai trăm nô lệ của mình. Bel đến chậm cũng góp chuyện là chị vừa nghe lỏm thấy me-xừ và một số khách dự tiệc chua chát bàn về việc chế độ nô lệ mới bị thủ tiêu ở một bang phía bắc gọi là “Maxơtauxơt” và có tin đồn rằng những bang khác gần đó cùng làm như vậy.
“Thủ tiêu nghĩa là thế nào?” Kunta hỏi.
Ông cụ gác vườn trả lời: “Nghĩa nà một ngày kia, tất cả cánh nhọ chúng ta sẽ được tự do!”.