Cội Rễ

Chương 58

“Làm sao mà mấy tháng qua, me-xừ lại năng đến gặp cái lão anh trai vô tích sự ấy thế nhỉ?” Bel hỏi vậy, sau chuyến đi đến đồn điền me-xừ Jon trở về “Tôi cứ ngỡ hai người í, họ chả thương yêu gì nhau”.

“Tui xem dư me-xừ đâm mê mẩn cái con gái con của họ”, Kunta mệt mỏi nói.

“Con bé quả có kháu thật”, Bel nói. Sau khi tư lự dừng lại một lát, chị nói thêm: “Tôi độ rằng me-xừ thấy mămzes An giống đứa con gái đã mất của me-xừ”.

Ý nghĩ đó không hề đến với Kunta, anh vẫn thấy khó mà cho rằng tubốp cũng là những con người thật sự.

“Đến tháng 11 này, nó vừa đầy tuổi tôi phải không?” Bel hỏi. Kunta nhún vai. Anh chỉ biết rằng cái việc chạy đi chạy lại giữa hai đồn điền chỉ tổ cày những vết lún trên đường và làm chai mông anh ra thôi. Mặc dù anh chẳng ưa gì gã lái xe Ruxby mặt quàu quạu của me-xừ Jon, anh nói với Bel rằng anh vẫn hài lòng khi ông chủ mời anh trai đến chơi tuần trước để thay đổi đi một chút.

 

Hôm ấy, khi tạm biệt, Bel nhớ là nom me-xừ cũng sung sướng chẳng kém đứa cháu gái nhỏ, me-xừ tung nó lên trên không rồi lại đỡ lấy, la hét reo cười, trước khi trao trả nó cho mẹ nó ở trên xe. Lúc ấy Kunta không để ý nhận xét, mà anh cũng bất cần – và anh không hiểu nổi tại sao Bel lại chú ý thế.

 

Mấy ngày sau, một buổi chiều, trên đường về sau cuộc đến thăm tại nhà một bệnh nhân của me-xừ Uolơ ở một đồn điền cách Niupo không bao xa, ông chủ sẵng giọng nhắc Kunta là anh vừa đi quá một chỗ đáng lẽ phải rẽ. Kunta đã đánh xe mà không nhìn thấy gì, bởi lẽ anh quá bàng hoàng vì những điều vừa thấy ở tư thất người bệnh. Trong khi lẩm bẩm xin lỗi và vội vã quay xe trở lại anh vẫn không sao gạt ra khỏi tâm trí cái hình ảnh người phụ nữ nặng nề, da rất đen có vẻ như người Uôlôf mà anh đã trông thấy ở sân sau. Chị ta ngồi trên một gốc cây cụt, cả hai bầu vú to thỗn thện trật ra, điềm nhiên cho một đứa bé da trắng bú một bên và một đứa bé da đen bú bên kia. Đối với Kunta, đó là một cảnh vừa ghê tởm vừa kỳ lạ, nhưng sau đó, khi anh kể lại cho ông lão làm vườn nghe, ông cụ bèn nói: “Chả có mấy me-xừ ở Vơginia mà không bú một người vú da đen, hoặc ít nhất cũng được một người vú da đen nuôi”.

 

Một điều Kunta thấy quá thường xuyên cũng khiến anh ghê tởm gần như thế – cái kiểu trò “chơi” sỉ nhục diễn ra ở các đồn điền anh tới thăm giữa bọn “nhóc” da trắng và da đen cùng lứa tuổi. Bọn trẻ con da trắng dường như không thích gì hơn là sắm vai “me-xừ” giả vờ đánh bọn trẻ da đen hoặc chơi “cưỡi ngựa” bằng cách trèo lên lưng tụi kia, bắt chúng lồm ngồm bò quanh. Chơi trò “trường học” thì bọn trẻ da trắng “dạy” bọn da đen đọc và viết, tha hồ bạt tai và thét mắng chúng là “ngu đần”. Tuy nhiên, sau bữa ăn trưa – lúc đó bọn trẻ da đen phải cầm những cành lá xua ruồi cho me-xừ và cả gia đình – đám con nít da trắng và da đen lại cùng nằm lăn ra chiếu ngủ trưa với nhau.

 

Sau khi thấy những điều đó, bao giờ Kunta cũng nói với Bel, với bác vĩ cầm và ông lão làm vườn rằng ví dụ anh có sống tới một trăm vụ mưa anh cũng không sao hiểu nổi dân tubốp. Và họ đều cười ồ bảo anh rằng các thứ đó – và còn hơn thế nữa – họ đã thấy suốt đời rồi.

 

Đôi khi – họ nói với anh – bọn “nhóc” trắng và đen lớn lên bên nhau, trở nên rất gắn bó keo sơn. Bel nhớ lại có hai lần ông chủ được mới đến chữa cho những đứa con gái da trắng đâm ốm khi mấy đứa bạn da đen chơi với chúng suốt từ bé bị bán đi vì một lý do nào đó. Me-xừ Uolơ cho các me-xừ và bà đầm kia biết là nỗi sầu bệnh của con gái họ trầm trọng đến mức chúng có thể càng ngày càng yếu đi mà chết, nếu không mau chóng tìm và mua lại những đứa bạn gái nhỏ kia cho chúng.

 

Bác vĩ cầm nói có hàng lô hàng lĩ nhóc đen đã học chơi vĩ cầm, clavơxanh hoặc nhiều nhạc cụ khác bằng cách nghe và quan sát trong khi bọn bạn chơi da trắng của chúng được sự dạy bảo của các thầy đờn do các me-xừ giàu có thuê từ bên kia bờ biển sang. Ông lão làm vườn kể rằng ở cái đồn điền thứ hai mua cụ, có một thằng bé da trắng và một thằng bé da đen cùng lớn lên với nhau, về sau cậu chủ đã kéo luôn cả đứa bạn đen của mình vào trường Trung học Uyliêm và Meri. “Me-xừ xì chả xích xế tí nào, dưng bà đầm bỉu: “Đó nà thằng nhọ của nó, nó muốn xế xì mặc nó!” Và về sau, khi thằng nhọ í về, nó kể với bọn ta ở xóm nô nà có ối cậu ấm khác mang theo nhọ nàm đầy tớ, ngủ nuôn cùng một phòng. Nó bỉu có ói nần các cậu ấm mang nhọ tới nớp, rồi sau đó cuộc nhau xem nhọ của ai học được nhiều nhất. Cái thằng nhọ ở đồn điền não không phải chỉ biết đọc biết viết, mà còn có xể nghĩ ra được những bài thơ nữa, nó đọc thơ mí nị dững cái của nợ gì bọn nó học ở tường tung học í. Não bị bán đi vào cái đận í. Chả biết bi giờ nó ra sao?”.

“Nó hông chết là may”, bác vĩ cầm nói. “Bỉ chưng dân da trắng động một tí là “tình nguy” ngay một thằng nhọ dư thế dễ bề ủ ấp mưu toan nủi dậy, hoặc khởi nghĩa ở một nơi nào đó. Biết nhiều quá có lợi lộc gì đâu, đúng dư tui đã bỉu cái thằng người Phi này khi nó bắt đầu lái xe cho me-xừ. Cứ đóng miệng, mở tai là cách học hỏi tốt nhất…”.

 

Chẳng mấy lâu sau, Kunta thấy ra những lời đó quả chí lý biết bao, khi me-xừ Uolơ mời một người bạn cùng đi xe từ đồn điền này sang đồn điền khác. Trò chuyện với nhau như thể không có Kunta ở đó – và nói những điều mà ngay cả nếu họ không biết có một người da đen ngồi ngay trước mặt, anh cũng đã cho là kỳ lạ – họ phàn nàn là đám nô lệ gỡ sợi bông ra khỏi hạt bằng tay chậm đến phát nản, trong khi nhu cầu về vải bông ngày càng tăng lên nhanh chóng. Họ bàn về cái tình hình càng ngày càng tệ là chỉ có những chủ đồn điền lớn nhất mới đủ tiền mua nô lệ với giá cắt cổ mà bọn buôn nô lệ và nhân viên các tàu mãi nô đòi.

“Nhưng ví như có đủ tiền mua, thì càng đông càng lắm vấn đề chứ chẳng giải quyết được gì”, ông chủ nói. “Càng có nhiều nô lệ, càng dễ có cớ cho chúng gây phiến loạn bằng cách nào đó”.

“Lẽ ra ta không nên để chúng mang vũ khí đánh nhau với người da trắng trong chiến tranh”, bạn ông ta nói. “Bây giờ, ta mới thấy hậu quả!” Ông nay nói tiếp kể chuyện ở một đồn điền lớn gần Friđirichbơg, một số cựu binh nô lệ đã bị bắt ngay trước khi mưu đồ một cuộc nổi loạn, chỉ do một hầu gái nghe phong thanh và nước mắt ngắn nước mắt dài, lên tâu với bà chủ. “Bọn chúng có súng hỏa mai, lưỡi hái, đinh ba, chúng làm cả giáo mác nữa”, bạn ông chủ nói. “Nghe nói âm mưu của chúng là: ban đêm giết và đốt phá, ban ngày lẩn trốn, và không ngừng di chuyển. Một trong những tên đầu đảng nói chúng cũng dự kiến đến chuyện hy sinh, nhưng không chịu chết trước khi làm được những điều mà chiến tranh đã chứng minh rằng chúng có thể làm cho người da trắng biết tay”.

“Chúng có thể làm phí nhiều sinh mạng vô tội”, anh nghe thấy ông chủ nghiêm nghị đáp vậy. Me-xừ Uolơ tiếp tục nói là đã đọc ở đâu đó rằng hơn hai trăm vụ nô lệ dấy loạn đã nổ ra kể từ khi những chuyến tàu mãi nô đầu tiên tới đây. “Hàng bao năm, tôi đã bảo nguy cơ lớn nhất của chúng ta là số nô lệ đang đi đến chỗ đông hơn người da trắng”.

“Anh nói đúng!” người bạn thốt lên. “Chẳng còn biết ai ngay, ai gian nữa, nó xun xoe, cười nịnh đấy, rồi lại rắp tâm cắt cổ mình ngay đấy. Thậm chí đến cái đám ở ngay trong nhà mình. Dứt khoát không thể tin được đứa nào trong bọn ấy. Cái đó ở ngay trong bản chất của chúng”.

 

Ngồi ngay ngắn, lưng thẳng đuỗn như tấm ván, Kunta nghe thấy tiếng ông chủ nói: “Là một bác sĩ, tôi đã từng hơn một lần thấy những cái chết của người da trắng mà… thôi, tôi chả đi vào chi tiết làm gì, có điều là tôi thấy một số trường hợp đáng ngờ lắm, chỉ xin nói thế thôi”.

 

Hầu như không cảm thấy dây cương trong tay, Kunta không thể hiểu được làm sao họ lại vô ý một cách kỳ lạ đến thế, dường nhu không hề biết có anh ở đấy. Tâm trí anh xáo lộn lên những điều mà chính anh cũng đã nghe thấy trong gần hai năm trời lái xe cho me-xừ. Anh đã nhiều lần nghe thấy những chuyện xì xào về các đầu bếp và hầu gái xơn xớt cười và cúi gập người trong khi dọn cho chủ những món ăn có chứa những chất thải của chính cơ thể họ. Và anh đã được kể về các bữa ăn của người da trắng có lẫn những mảnh thủy tinh nghiền nát hoặc thạch tín, hoặc những thứ thuốc độc khác. Anh cũng được nghe chuyện về những hài nhi da trắng tự dưng bị hôn mê một cách bí hiểm rồi chết, mà không sao thấy dấu vết chiếc kim mạng do các hầu gái cắm vào da đầu mềm mại của chúng ở chỗ dày tóc nhất. Và một chị bếp đã chỉ cho anh thấy căn lều cũ của một người vú đã làm bị thương nặng một cậu ấm dở thói đánh chị ta, sau đó chị đã ăn đòn nên thân và bị bán đi.

 

Kunta cảm thấy phụ nữa da đen ở đây còn bướng bỉnh và quật khởi hơn nam giới. Song có lẽ đó chỉ là bề mặt, vì về vấn đề này, phụ nữ thường trực tiếp và cá nhân hơn, họ thường báo thù những người da trắng làm hại bản thân họ. Đàn ông thì có xu hướng kín đáo hơn và ít nhằm báo thù cá nhân hơn. Bác vĩ cầm đã kể cho Kunta nghe về một tên giám thị da trắng bị cha một cô gái da đen treo cổ lên cành cây, sau khi bắt quả tang hắn hiếp con gái mình, song nguyên nhân thường xuyên nhất tạo thành mồi lửa thúc đẩy người da đen bạo động chống người da trắng, là những tin tức về tội ác tàn khốc của người da trắng hay về các cuộc nổi loạn của nô lệ và những điều tương tự như thế.

 

Ở chỗ của Uolơ, chưa bao giờ có nổi dậy hoặc thậm chí bất cứ sự biến gì, song ngay tại hạt Xpotxylvanya này, Kunta đã từng nghe nói về một số người da đen giấu súng hỏa mai cùng những vũ khí khác và thề sẽ giết me-xừ hoặc bà đầm, hoặc cả hai, và châm lửa đốt đồn điền. Và có một số người trong đám cùng làm việc với anh thường họp kín bàn về mọi điều xấu, tốt xảy đến với dân nô lệ ở những nơi khác và cân nhắc xem có thể hành động như thế nào để giúp họ, nhưng cho đến nay, mới chỉ là bàn suông.

 

Kunta chưa bao giờ được họ mời tham gia – anh nghĩ có lẽ họ cảm thấy, với cái chân cụt, anh sẽ chẳng giúp ích gì được cho họ nếu có một cuộc dấy loạn thực sự. Dù họ gạt anh ra ngoài vì lý do gì, anh cũng cảm thấy như thế là đúng. Tuy mong cho họ may mắn trong bất cứ công cuộc gì họ quyết định tiến hành, Kunta vẫn không tin rằng một cuộc khởi loạn có thể thành công trước những lực lượng đối địch áp đảo như vậy. Có thể, như me-xừ Uolơ đã nói, ít lâu nữa người da đen sẽ đông hơn người da trắng, song không bao giờ đè bẹp được họ – với chàng nạng, dao bếp và súng hỏa mai lấy trộm được đem chống với những đạo quân tập trung của nước da trắng và những cỗ đại bác của nó.

 

Nhưng Kunta cảm thấy kẻ địch tệ hại nhất chính là bản thân họ. Ngoài một số thanh niên quật cường, đại đa số nô lệ thuộc loại người làm đích thị những gì bọn chủ mong đợi ở họ, thậm chí không cần phải bảo; cái loại người mà bọn da trắng có thể và thực sự phó thác sinh mạng của con cái chúng; cái loại người cam chịu nhìn đi ngả khác khi tên đàn ông da trắng lôi vợ họ vào nhà chứa cỏ khô. Dào, ngay tại cái đồn điền nay, cũng có một số mà anh dám chắc nếu me-xừ bỏ đấy không cần canh giữ, một năm sau trở lại vẫn sẽ thấy họ vẫn ở nguyên đó làm việc như thường. Chắc chắn không phải vì họ thỏa mãn; trong nội bộ, họ vẫn phàn nàn luôn miệng. Song chẳng bao giờ có quá một dúm người dám phản kháng, nói chi đến chống lại.

 

Có khi anh đang trở nên giống họ cũng nên, Kunta nghĩ. Hay có lẽ đơn giản là anh đang lớn lên? Hay anh đang già đi? Anh chẳng biết nữa; có điều anh biết chắc là anh đã mất cái hào hứng đấu tranh, bay nhảy và anh muốn được yên thân; anh muốn lo lấy thân mình. Những kẻ không biết lo lấy thân mình, rút cục sẽ đi đến chỗ chết.