Cội Rễ

Chương 22

Kunta đã tới tuổi vụ mưa thứ mười và bọn con trai cùng lứa kafô với nó đang sắp sửa hoàn thành việc học hành mà chúng theo đuổi ngày hai lần từ hồi mới được năm vụ mưa. Đến ngày mãn khoá, cha mẹ Kunta và các bạn nó hơn hớn tự hào ngồi ở ngay những hàng đầu trong sân trường của arafang, trên cả các bô lão trong làng. Trong khi Kunta cùng các đứa khác ngổi xổm trước mặt arafang, thì alimamô của làng cầu nguyện. Rồi arafang đứng dậy bắt đầu nhìn quanh đám học trò trong khi bọn chúng vẫy tay để được thầy hỏi. Kunta là đứa đầu tiên được ông chọn.

“Tổ tiên con xưa làm nghề gì, Kunta Kintê?” ông hỏi.

“Hàng trăm vụ mưa trước đây, ở đất Mali”, Kunta trả lời đầy tự tin, “đàn ông thuộc dòng họ Kintê là thợ rèn, còn phụ nữ thì làm nồi và dệt vải”. Cứ mỗi lần đứa học trò trả lời đúng, tất cả cử toạ ồ à lên thích thú.

Khi arafang hỏi một câu về toán: “Nếu một con khỉ có bảy vợ, mỗi con cái đẻ bảy con và mỗi con con ăn bảy củ lạc trong bảy ngày, thì con khỉ bố ăn cắp bao nhiêu củ lạc ở trại của người?” Sau khi hí hoáy miết những chiếc bút cuộng cỏ trên những tấm bảng bằng gỗ bông, đứa đầu tiên hô to đáp số đúng là Xitafa Xila và tiếng hò la khen ngợi của đám đông át cả tiếng hậm hực của những đứa trẻ khác.

Sau đó bọn trẻ viết tên chúng bằng tiếng A rập như chúng đã được dạy. Và arafang giơ từng tấm bảng một lên cho tất cả các bậc cha mẹ và mọi khán giả khác thấy rõ thành quả của giáo dục. Giống như những đứa con trai khác, trước đây Kunta thấy những tín hiệu biểu đạt thường thường là đọc dễ hơn viết. Biết bao buổi sáng, buổi chiều, bị arafang nện thước vào đốt tay, tất cả bọn chúng đều ước sao việc viết tập cũng dễ như nghe hiệu trống báo, điều mà ngay cả những đứa ở lứa tuổi Lamin cũng có thể đọc ra được như thể có người nào đó đứng khuất mắt kêu rõ lời lên vậy.

Lúc này, arafang yêu cầu bọn học trò mãn khoá, từng đứa một đứng dậy. Cuối cùng, đến lượt Kunta. “Kunta Kintê!” mọi con mắt đổ dồn vào nó, Kunta cảm thấy niềm tự hào lớn của gia đình nó ngồi ở hàng đầu, thậm chí của cả tổ tiên nó ở nghĩa địa bên ngoài làng – đặc biệt là của bà nội Yaixa yêu dấu của nó. Nó đứng dậy, nó đọc to một câu thơ ở trang cuối kinh Koran; đọc xong nó áp quyển kinh vào trán và nói: “Amen!” Khi kết thúc môn đọc, thầy giáo bắt tay từng đứa và lớn tiếng tuyên bố rằng, vì việc học của chúng đã hoàn thành, lớp con trai này từ nay thuộc lứa kafô thứ ba và tất cả bật reo lên một tiếng hoan hô lớn. Binta và các bà mẹ khác nhanh nhẹn bỏ những nắp đậy các bát và trái bầu đầy món ăn ngon lành mà họ mang tới và lễ mãn khoá kết thúc bằng một bữa tiệc chẳng mấy chốc đã cạn sạch.

Sáng hôm sau, khi Kunta đến lùa dê của gia đình đi chăn thì Ômôrô đã đợi sẵn. Chỉ một con đực và một con cái đang tơ, Ômôrô nói: “Hai con này là quà mãn khoá học của con đó”. Kunta ấp úng chưa kịp cảm ơn thì Ômôrô đã bỏ đi, không nói thêm lời nào – như thể ngày nào anh cũng cho đi một cặp dê vậy – Và Kunta cố hết sức mình để tỏ vẻ không lấy gì làm phấn khởi lắm. Nhưng lúc cha nó đã đi khuất, Kunta bèn hú to đến nỗi hai con vật nó mới được tặng chồm lên và bắt đầu chạy, khiến tất cả các con khác đuổi riết theo. Khi nó rượt kịp và lùa chúng ra đồng, những đứa bạn nó đều đã ở đó – đứa nào đứa nấy đang phô những con dê mới của riêng mình. Coi chúng như những con vật thiêng liêng, bọn trẻ dắt riêng chúng đến những vạt cỏ non nhất, ngay từ giờ đã hình dung ra những con dê con khoẻ mạnh mà chẳng bao lâu chúng sẽ sinh ra, rồi cả con của con chúng nữa, cho tới khi mỗi đứa có hẳn một đàn cũng to và giá trị như đàn của cha mình.

Trước khi bắt đầu tuần trăng mới, Ômôrô và Binta cùng nhiều bậc cha mẹ khác lại cho đi một con dê thứ ba con này đem biếu arafang để tỏ lòng biết ơn đồi với công lao dạy dỗ con cái mình. Nếu giàu có hơn, họ ắt vui lòng cho hẳn một con bò, song họ biết thày giáo cũng hiểu điều đó vượt quá khả năng họ, cũng như vượt quá khả năng mọi người ở Jufurê  vốn là một làng nghèo. Thật vậy một số cha mẹ học trò – vốn là những nô lệ mới, không dành dụm được gì – chẳng có gì để biếu ngoài việc nai lưng ra giúp công, và món quà để tỏ lòng biết ơn bằng một tuần trăng làm ruộng cho arafang đã được chấp nhận một cách vui vẻ.

Những tuần trăng trôi qua chẳng bao lâu dồn góp thành mùa, cho tới khi lại một vụ mưa nữa qua đi và lứa kafô của Kunta đã dạy lứa kafô của Lamin biết cách chăn dê như thế nào. Thời kỳ bao lâu chờ đợi nay mỗi lúc một đến gần. Không ngày nào qua đi mà Kunta cùng các bạn nó không cảm thấy vừa vui mừng vừa lo sợ khi thấy sắp tới hội mùa, mà sau đó, lứa kafô thứ ba – bọn con trai từ mười đến mười lăm vụ mưa – sẽ được đưa đến một nơi cách xa Jufurê để rồi bốn tuần trăng sau trở về trong tư thế nam nhi đã trưởng thành.

Kunta và những đứa kia cố làm như thể không đứa nào thực sự nghĩ ngợi hoặc quan tâm đặc biệt đến vấn đề đó. Song chúng ít nghĩ đến chuyện gì khác và chúng theo dõi nghe ngóng ở người lớn mọi lời hoặc dấu hiệu nhỏ nhất có tí chút liên quan đến việc rèn luyện trưởng thành. Và vào đầu mùa khô, sau khi một số cha chú lặng lẽ rời Jufurê đi hai, ba ngày và trở về cũng lặng lẽ như thế, bọn con trai bèn thì thầm to nhỏ với nhau một cách căng thẳng, nhất là sau hôm thằng Kalilu Contê nghe lỏm thấy chú nó nói rằng những sửa chữa rất cần thiết đã được tiến hành ở khu rèn luyện trưởng thành vốn bỏ không, mặc cho sương gió và thú vật hoành hành trong gần năm vụ mưa kể từ khi đợt rèn luyện trưởng thành lần trước được hoàn mãn tại đó. Những chuyện rầm rì lại càng trở nên sôi nổi sau khi thấy cha chú chúng bàn tán về việc bậc huynh trưởng nào có thể được Hội đồng bô lão chọn làm kintangô – người phụ trách việc rèn luyện trưởng thành. Kunta và tất cả các bạn nó đều đã nhiều lần nghe thấy cha, chú, bác và các anh lớn chúng kính cẩn nhắc đến các bậc kintangô đã từng giám sát việc rèn luyện trưởng thành của bản thân họ bao nhiêu vụ mưa trước đây.

Đúng vào lúc trước mùa gặt, tất cả tụi con trai lứa kafô thứ ba đều khích động cơ hồ phát sốt, kể cho nhau nghe mẹ chúng lặng lẽ lấy một cái thước may đo quanh đầu xuống tới vai mỗi đứa như thế nào. Kunta cố hết sức dấu kín hình ảnh sinh động trong trí nhớ về cái buổi sáng cách đây năm vụ mưa khi mà, với tư cách là những chú mục đồng mới toanh, nó và các bạn đã sợ đến gần như bạt vía trước cảnh bọn thiếu niên kêu rống dưới những mũ vải trắng trùm kín đầu, bị một đoàn người đeo mặt nạ gớm ghiếc, cầm giáo mác vừa la hét vừa nhảy điệu kangkurang, đá túi bụi lùa khỏi làng.

Chẳng bao lâu, trống tubalô thì thùm báo hiệu mở đầu mùa gặt mới. Kunta hoà vào với dân làng ở ngoài đồng. Nó hoan nghênh những ngày dài lao động cật lực vì điều đó khiến nó quá bận rộn và mệt nhọc không còn hơi sức đâu mà nghĩ nhiều về những gì đang chờ đợi trước mặt. Nhưng khi gặt xong và bắt đầu hội mùa, nó thấy mình không thể thích thú tận hưởng những thứ nhã nhạc, nhảy múa và chè chén linh đình như những người khác – như chính nó đã từng khoái chí tham dự trong bao lâu nay. Thực tế, cuộc vui càng tưng bừng rộn rã, nó càng trở nên khổ sở hơn, đến nỗi rốt cuộc, hầu như cả hai ngày cuối hội mùa, nó chỉ ngồi một mình trên bờ bôlông lấy đá ném thia lia trên mặt nước.

Vào cái đêm hôm trước ngày cuối cùng của hội mùa, Kunta đang lặng lẽ ăn nốt bữa cơm tối với lạc hầm trong lều của Binta, thì Ômôrô bước vào đăng sau nó. Liếc mắt nhìn, Kunta thoáng thấy bố giơ một cái gì trăng trắng lên và nó chưa kịp quay lại thì Ômôrô đã chụp một chiếc mũ dài thượt xuống, bịt kín đầu nó thật chắc. Nỗi kinh hoàng truyền khắp người Kunta khiến nó gần như tê dại đi. Nó cảm thấy bàn tay bố nắm chặt cánh tay trên nó, thúc nó đứng dậy và đi giật lùi đến lúc nó bị đẩy ngã ngồi xuống một chiếc ghế đẩu thấp. Kunta thấy sung sướng được ngồi, vì nó cảm thấy chân mình như tan thành nước và đầu nhẹ bỗng. Nó nghe thấy mình thở rốc từng hơi ngắn hụt, biết rằng nếu cố gắng cử động, nó sẽ bổ nhào khỏi ghế. Cho nên nó ngồi im phăng phắc, ráng làm quen với bóng tối. Đang cơn khiếp đảm, bóng tối dường như tăng gấp đôi. Trong khi môi trên nó cảm thấy hơi thở của chính mình vừa nóng vừa nhâm nhấp ướt bên trong cái mũ chùm, Kunta vụt nghĩ rằng chắc chắn trước kia một chiếc mũ như thế này đã từng chụp xuống đầu bố nó, cũng theo cách đó. Có thể nào Ômôrô lại cũng sợ hãi như vậy? Thậm chí Kunta không thể tưởng tượng được là bố nó lại hoảng hồn và nó cảm thấy xấu hổ đã làm nhục cho tộc họ Kintê đến thế.

Trong lều rất yên tĩnh. Vật lộn với cái sợ đang thắt ruột nó lại từng khúc, Kunta nhắm mắt và tập trung từng tế bào để nghe ngóng xem có gì xảy ra không. Nó tưởng chừng nghe thấy Binta đang đi loanh quanh, nhưng nó không dám chắc. Nó tự hỏi không biết Lamin đâu, và cả Xuoadu nữa, thằng cu này nếu có ở đây ắt phải đang vòi quấy ầm ĩ. Nó chỉ biết chắc một điều: cả Binta lẫn bất cứ ai khác sẽ không nói gì với nó, chứ kể chi đến chuyện nhấc cái mũ này khỏi đầu nó. Thế rồi Kunta nghĩ: nếu cái mũ được nhấc lên thật thì kinh khủng biết mấy, vì ai nấy sẽ thấy nó quả đang thực sự hoảng hốt đến nhường nào và, do đó, tỏ ra là một thiếu niên không xứng đáng nhập bọn với các bạn cùng lứa kafô đi rèn luyện trưởng thành.

Ngay cả những thằng bé vào cỡ Lamin cũng biết – vì Kunta đã nói cho nó hay - những gì đã xảy đến với bất kỳ đứa nào tỏ ra quá yếu đuối hoặc quá hèn nhát không dám chịu đựng cuộc rèn luyện biến các thiếu niên thành những nhà săn bắn, thành chiến binh, thành tu mi nam tử - tất cả trong vòng một thời gian mười hai tuần trăng. Giả sử như nó không đủ tư cách? Nó bèn nuốt ực nỗi sợ xuống, sực nhớ là đã được kể rằng đứa nào rớt lại không qua nổi đợt rèn luyện trưởng thành, sẽ bị coi là con nít suốt đời, dù rằng bề ngoài có thể y như người lớn. Mọi người sẽ lảng tránh nó và làng sẽ không bao giờ cho phép nó lấy vợ kẻo lại sinh ra những đứa trẻ giống như nó. Những trường hợp đáng buồn ấy – Kunta nghe nói – sớm muộn rồi thì cũng lỉnh đi khỏi làng để không bao giờ trở lại và ngay cả cha mẹ đẻ chúng, anh chị em chúng cũng sẽ không bao giờ nhắc đến chúng nữa. Kunta thử hình dung mình lẻn đi khỏi Jufurê như một con linh cẩu ghẻ, bị tất cả mọi người khinh rẻ, ý nghĩ đó thật quá khủng khiếp đối với tâm trí nó.

Sau một lát, Kunta nhận ra là mình đang lơ mơ nghe thấy tiếng trống và tiếng hò la của những người nhảy múa đằng xa. Thêm một quãng thời gian nữa trôi qua. Mấy giờ rồi nhỉ, nó tự hỏi. Nó đoán bây giờ phải đến giờ xutôba rồi, tức là giữa khoảng từ hoàng hôn đến bình minh, nhưng ít phút sau, nó nghe thấy tiếng alimamô the thé gọi dân làng cầu kinh xafo, có nghĩa là hai giờ trước nửa đêm. Tiếng nhạc dứt và Kunta biết rằng dân làng đã ngừng vui chơi và cánh đàn ông đang hối hả tới nhà thờ.

Kunta cứ ngồi thế cho đến lúc nó biết rằng việc cầu nguyện đã xong xuôi, nhưng nhạc không cử lại nữa. Nó lắng tai rất chăm chú, nhưng chỉ nghe thấy im lặng. Cuối cùng nó ngủ gật, hồi lâu sau mới giật mình thức giấc. Vẫn im ắng – và dưới cái mũ chụp, còn tối hơn cả một đêm không trăng. Sau cùng, nó dám chắc đã nghe loáng thoáng tiếng sủa sớm của linh cẩu. Nó biết cái giống linh cẩu bao giờ cũng sủa từng tiếng một trước khi bắt đầu gào rền liên tục cho đến lúc tinh mơ rạng đông, nghe xa vắng kỳ lạ.

Trong tuần hội mùa, Kunta biết trống tôbalô cất tiếng trầm vang ngay từ những tia sáng đầu tiên của rạng đông. Nó ngồi chờ điều đó xảy đến – chờ bất kỳ điều gì xảy đến. Nó cảm thấy cơn giận dữ nung nấu, lòng ngóng đợi tiếng trống tôbalô gióng lên vào bất cứ lúc nào, vậy mà chẳng thấy gì cả. Nó nghiến răng kèn kẹt và đợi thêm một lúc nữa. Thế rồi cuối cùng sau mấy lần lắc mình cho tỉnh, nó thiếp đi trong một một giấc ngủ chập chờn. Nó gần như bổ choàng khỏi thần xác khi, rốt cuộc, trống tôbalô vang lên thật. Dưới tấm vải chùm, hai má nó nóng bừng, bối rối vì nỗi đã ngủ thiếp đi.

Đã quen với bóng tối trong chiếc mũ chụp, Kunta gần như có thể trông thấy những hoạt động buổi sáng qua những âm thanh lọt vào tai nó – tiếng gà gáy, tiếng chó uôlô sủa, tiếng âm a của alimamô, tiếng chày của phụ nữ giã mạch kê làm bữa điểm tâm. Nó biết bài kinh buổi sáng này dâng lên Đức Ala, là để nguyện cầu cho thắng lợi của đợt rèn luyện trưởng thành sắp sửa bắt đầu. Nó nghe tiếng cử động trong lều và nó cảm thấy đó là Binta. Thật kỳ lạ, tuy không nhìn thấy được, nó vẫn biết đó là mẹ nó. Kunta tự hỏi, không biết Xitafa và những thằng bạn khác ra sao. Nó ngạc nhiên nhận ra rằng suốt đêm cho tới giờ, nó chưa một lần nào nghĩ đến bọn chúng. Nó tự nhủ chắc chắn chúng cũng qua một đêm dài đằng đẵng như bản thân nó.

Khi đàn kora và balafôn bắt đầu đánh rộn ràng bên ngoài lều, Kunta nghe tiếng người đi lại và trò chuyện, mỗi lúc một to. Rồi trống hoà vào cuộc huyên náo với tiết tấu đanh và sắc như dao cắt. Một lát sau, tim nó như ngừng đập khi cảm thấy có người nào đó bất thần lao vào trong lều. Chưa kịp định thần, nó đã bị nắm lấy cổ tay, kéo giật khỏi ghế một cách thô bạo và đẩy qua cửa lều ra ngoài, ngợp trong tiếng ồn ào đinh tai, nào trống nện gióng một, nào người la thét.

Những bàn tay, bàn chân đấm, đá nó. Một cách tuyệt vọng, Kunta nghĩ đến chuyện tìm kế chạy té đi, nhưng đúng lúc nó sắp sửa định làm thế, một bàn tay rắn chắc mà dịu dàng nắm lấy tay nó. Thở khò khè dưới chiếc mũ chụp, Kunta nhận ra rằng mình không bị đánh, đá nữa, rằng đột nhiên tiếng la thét của đám đông bặt đi. Không còn ở gần kề nữa. Nó đoán là người ta đã đi sang lều của một thằng khác và bàn tay dẫn dắt nó hẳn là tay của người nô lệ mà Ômôrô đã thuê như mọi người cha đều làm thế - để đưa đứa con trai bị chùm kín đầu của mình đến khu rèn luyện trưởng thành.

Tiếng hò la của đám đông rộ lên với một âm độ điên cuồng mỗi khi một thiếu niên khác bị lôi ra khỏi lều và Kunta mừng thầm là nó không phải nhìn thấy những người nhảy điệu kangkurang đang khoa giáo và phốc thật cao lên trên không với những động tác nhào lộn ghê sợ cơ hồ đến đông cả máu lại. Trống lớn, trống con – dường như là tất cả các trống trong làng – nện liên hồi trong khi người nô lệ dẫn Kunta mỗi lúc một nhanh qua những hàng người la hò hai bên nó, kêu lên những câu như “Bốn tuần trăng!” “Chúng sẽ trở thành những đấng tu mi nam tử!” Kunta muốn oà lên khóc. Nó cuồng nhiệt ước có thể với tay ra, chạm vào người Ômôrô, Binta, Lamin – thậm chí cả thằng cu Xuoađu khóc nhè nữa – bởi vì nó cảm thấy sắp sửa phải qua bốn tuần trăng đằng đẵng trước khi gặp lại những con người nó yêu thương tới mức mà cho tới nay, nó chưa bao giờ ý thức được đầy đủ, đó quả là điều quá sức chịu đựng. Tai Kunta mách cho nó biết rằng nó và người dẫn đường đã nhập vào một hàng người chuyển động, tất cả đều bước theo nhịp trống gấp gấp. Khi đi qua cổng làng – nó biết thế vì tiếng ồn ào của đám đông bắt đầu ắng dần – nó cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi dâng lên và chảy xuống hai gò má. Nó nhắm nghiền mắt lại như để chính bản thân nó khỏi trông thấy những giọt lệ ấy.

Cũng như lúc nãy nó đã từng cảm thấy sự có mặt của Binta trong lều, giờ đây nó cảm thấy nỗi sợ của các bạn đồng tuế với nó – gần như thể nỗi sợ ấy có mùi vậy đằng trước đằng sau nó trong hàng người và nó biết chúng cũng sợ không kém gì mình. Cách nào đó, điều này làm cho nó cảm thấy bớt xấu hổ. Trong khi hì hụi đi, trong cái mù loà mầu trắng của chiếc mũ chùm đầu, nó biết rằng nó đang để lại sau lưng hơn cả bố mẹ và các em nó và làng quê chôn nhau cắt rốn của nó, và điều đó khiến lòng nó tràn đầy u buồn cũng như khiếp hãi. Nhưng nó biết là cần phải làm thế, như cha nó đã từng làm thế, trước nó và một ngày kia, con trai nó cũng sẽ làm thế. Nó sẽ trở về, nhưng chỉ khi nào thành một trang nam nhi thật sự.