Rồi bỗng nhiên, chiếc mũ chụp của Kunta được nhấc lên. Nó đứng hấp háy mắt trong nắng chiều rực rỡ, cố gắng cho quen vói ánh sáng. Nó sợ cả đến ngoảnh đầu nhìn các bạn đồng niên, bời vì đứng ngay trước mặt bọn nó là bố già Xila Ba đipha mặt nhăn nheo, nghiêm nghị. Cũng như tất cả những đứa khác, Kunta biết rõ ông và gia đình ông. Song Xila Ba đipha làm như trước đây chưa hề gặp đứa nào trong bọn chúng – thật vậy, như thể giờ đây ông thà không nhìn chúng còn hơn, cặp mắt ông lướt trên mặt chúng như kiểu nhìn vào một đám giòi đang bò lổn nhổn vậy. Kunta biết đó chắc chắn là kintangô của chúng. Đứng ở hai bên ông là hai người trẻ hơn, Ali Xiz và Xora Tura, mà Kunta cũng biết rõ. Xora là bạn rất thân của Ômôrô. Kunta lấy làm mừng rằng không có ai là Ômôrô để phải thấy con trai mình khiếp đảm đến thế.
Như đã được dạy trước, toàn thể lứa kafô – tất thảy là hai mươi ba đứa con trai – úp hai bàn tay bắt chéo trên chỗ trái tim và chào các bậc huynh trưởng theo lối cổ truyền: “Bình an!” “Duy chỉ bình an mà thôi!”, vị kintangô cao tuổi và các phụ tá trả lời. Mở rộng tầm nhìn của mình một lúc – thận trọng không ngọ nguậy đầu – Kunta thấy bọn chúng đang đứng trong một khoảng đất rào kín, điểm những túp nhà tranh vách đất, xung quanh là lũy tre cao, tươi mới. Nó có thể thấy những chỗ chữa trên các túp nhà, rõ ràng là công trình của những người cha đã mấy ngày liền mất tăm khỏi Jufurê. Tất cả những cái đó, nó trông thấy mà không đụng đậy một thớ thịt nào. Nhưng lát sau, nó giật bắn người.
“Rời khỏi làng Jufurê là lũ trẻ nít”..vị kintangô đột ngột lớn tiếng nói. “Nếu muốn trưởng thành trở về, các ngươi cần phải dẹp tan nỗi sợ, bởi vì một con người khiếp sợ là một người yếu đuối và một con người yếu đuối là một hiểm hoạ cho gia đình, cho làng bản, cho bộ lạc”. Ông nhìn bọn nó trừng trừng như thể chưa bao giờ thấy một đám thảm hại đến thế, rồi quay đi. Trong khi ông làm thế, hai người phụ tá liền nhảy bổ ra, bắt đầu vun những thanh gỗ giữa đám thiếu niên, nện vào vai, vào mông chúng đau điếng và lùa chúng như lùa dê, từng tốp dăm đứa một, vào những túp lều đất nhỏ bé.
Nép vào nhau trong căn lều trống trơn, Kunta và bốn đứa bạn quá thất đảm đến nỗi không cảm thấy cái nhói buốt dai dẳng do những nhát roi chúng vừa hứng chịu và quá xấu hổ không dám ngẩng đầu lên, dù chỉ là vừa đủ để nhìn nhau. Sau mấy phút khi xem chừng có thể được tạm tha trong giây lát không bị hành hạ thêm. Kunta bèn lén nhìn các bạn cùng hội cùng thuyền với nó. Nó ước ao là nó và Xitafa được ở cùng lều. Cố nhiên, nó có quen biết tụi kia, song không đứa nào thân thiết bằng thằng bạn nối khố, và tim nó trĩu xuống. Nhưng chắc đây không phải là chuyện ngẫu nhiên, nó lý luận thế. Có lẽ thậm chí họ không muốn cho chúng mình có được niềm an ủi nhỏ bé ấy. Cơ chừng họ cũng sẽ không cho chúng mình ăn nữa cũng nên, nó bắt đầu nghĩ vậy khi dạ dày cất tiếng gào đói.
Ngay sau khi lặn mặt trời, các phụ tá của kintangô sục vào lều “Đi!”. Một cái tay thước quất mạnh qua vai nó và theo tiếng xuỵt ráo riết, bọn trẻ nhốn nháo bổ ra trong chiều chạng vạng, đâm xầm vào những đứa ở các lều khác và dưới những tay thước bay tới tấp, kèm những mệnh lệnh cộc cằn, chúng bị dồn thành một hàng dọc xiên xẹo, đứa sau nắm tay đứa trước. Khi cả bọn đã đứng vào chỗ, kintangô chằm chằm nhìn chúng với vẻ lầm lầm cau có và báo là chúng sẽ làm một cuộc hành quân đêm vào sâu trong khu rừng bao quanh đây.
Khi có lệnh xuất phát, đoàn thiếu niên sắp thành hàng dài bắt đầu đi theo con đường nhỏ, lộn xà lộn xộn, và các tay thước liên tục giáng xuống chúng. “Mày đi như trâu ấy!” Kunta nghe thấy thế bên tai mình. Một thằng bị đánh, kêu khóc và cả hai người phụ tá đều lớn tiếng quát trong bóng tối: “Đứa nào đấy?” và cơn mưa roi càng trút xuống dữ dội hơn. Sau đó, không thằng nào ho he lấy một tiếng.
Chẳng mấy chốc, chân Kunta bắt đầu đau – nhưng không đau sớm hoặc tệ hại như trong trường hợp mà giả sử nó không học được cách sải bước thoải mái do bố nó dạy trong chuyến du hành tới làng của Jannê và Xalum. Nó khoái chá nghĩ rằng chân những thằng kia chắc chắn phải đau hơn chân nó, vì bọn chúng chưa biết cách đi đường trường như thế nào. Nhưng tất cả những điều Kunta đã học được đều không mảy may làm nó đỡ đói, đỡ khát. Nó cảm thấy dạ dày thắt lại từng nút và khi, cuối cùng, có lệnh dừng lại gần một dòng suối nhỏ, nó đã bắt đầu cảm thấy đầu nhẹ bỗng. Bóng trăng vằng vặc phản chiếu trên mặt suối phút chốc vỡ ra lăn tăn khi bọn trẻ quỳ xuống, bắt đầu khum tay vốc nước uống ừng ực. Một lúc sau, các phụ tá của kintangô ra lệnh cho chúng tách xa khỏi bờ suối, dặn không được uống quá nhiều ngay một lúc, rồi mở những gói đội đầu ra và phân phát một số tảng thịt sấy. Bọn trẻ giằng lấy những miếng thịt chẳng khác một bầy linh cẩu, Kunta nhai và nuốt nhanh đến nỗi nó hầu như không biết vị của bốn miếng nó dành được cho mình ra sao.
Chân đứa nào đứa nấy đều phồng giộp lên những bọng nước to tướng, Kunta cũng thế, nhưng có thức ăn và nước trong dạ dầy rồi, nó cảm thấy dễ chịu đến nỗi không nhận thấy điều ấy. Ngồi bên dòng suối, nó và các bạn đồng tuế bắt đầu đảo mắt nhìn nhau dưới ánh trăng, vẫn không nói không rằng, lần này thì vì quá mệt chứ không phải vì quá sợ hãi. Kunta và Xitafa nhìn nhau hồi lâu nhưng trong ánh sáng lờ mờ, không đứa nào đủ tinh tường để nhận rõ bạn mình trông có đến nỗi khốn khổ như bản thân mình cảm thấy không.
Kunta chỉ mới kịp nhúng đôi bàn chân bỏng rát vào làn nước suối mát lạnh thì các phụ tá của kintangô đã hô chúng trở lại đội hình để bắt đầu chặng đường dài về trại. Cả đầu lẫn chân nó đều tê dại khi bọn chúng rốt cuộc nhìn thấy cái cổng tre trước lúc rạng đông một ít. Với cảm giác là mình sẵn sàng lăn quay ra chết, nó lê bước vào lều, cụng phải một thằng khác đã ở trong đó, mất thăng bằng ngã rúi xuống sàn bẩn và ngủ mê mệt ngay chỗ nó nằm kềnh ra.
Trong sáu đêm tiếp theo, đêm nào cũng có một cuộc hành quân, càng về sau càng dài hơn. Đôi chân phồng dộp của nó đau khủng khiếp, nhưng đến đêm thứ tư, Kunta thấy rằng, cách nào đó, cái đau cũng chẳng đáng kể lắm và nó bắt đầu cảm thấy một niềm xúc động mới thú vị: tự hào. Đến cuộc hành quân thứ sáu, nó và những đứa khác phát hiện ra rằng, bất chấp đêm đen như mực, chúng không cần phải nắm tay nhau nữa mới giữ được hàng quân ngay ngắn.
Đêm thứ bảy, kintangô đích thân dạy bài học đầu tiên cho bọn trẻ: chỉ bảo cho chúng biết những người mắc kẹt trong rừng sâu dựa vào các vì sao như thế nào để định hướng, tìm đường sao cho không bao giờ bị lạc. Trong nửa tuần trăng đầu, tất cả bọn con trai lứa kafô này đã biết nhìn sao để dẫn đoàn người hành quân trở về trại. Một đêm làm nhiệm vụ dẫn đường, suýt nữa Kunta dẫm phải một con chuột rừng trước khi nó nhận ra có người mà chạy trốn. Tuy giật mình, Kunta cũng tự hào không kém, vì điều đó có nghĩa là đoàn quân đã đi lặng lẽ đến nỗi ngay cả một con vật cũng không nghe thấy.
Nhưng loài vật – như lời kintangô nói với bọn nó – là những thầy giáo cừ nhất về nghệ thuật săn bắn vốn là một trong những điều quan trọng nhất mà mọi người Manđinka đều phải học. Khi kintangô đã hài lòng về việc bọn nó đã làm chủ kỹ thuật hành quân, nửa tuần trăng tiếp theo, ông đưa cả lứa kafô vào sâu trong rừng cách xa trại, tại đó chúng dựng những lán nhỏ để ngủ trong thời gian giữa vô số các bài học về những bí quyết để trở thành một Ximbôn (1). Kunta có cảm giác như hễ động nhắm mắt là một trong hai phụ tá của kintangô đã hô dậy để dự một buổi tập nào đó.
Các phụ tá của kintangô chỉ ra những chỗ sư tử vừa mới nằm phục kích rồi nhảy bắt linh dương đi ngay qua; chỉ chỗ sư tử đến ngủ nốt đêm, sau khi ăn. Họ lần trở ngược lại dấu chân của bầy linh dương cho tới khi gần như hiện lên trước mắt bọn trẻ một hình ảnh về hoạt động của bầy linh dương suốt ngày hôm đó, trước khi gặp sư tử. Lớp kafô xem xét các kẽ nứt rộng trong những tảng núi đá, nơi ẩn náu của sói và linh cẩu. Và chúng bắt đầu học nhiều mánh lới săn bắn mà chúng chưa bao giờ mơ tưởng tới. Chẳng hạn, chưa bao giờ chúng ý thức được rằng bí quyết đầu tiên của người Ximbôn bậc thầy là không bao giờ di chuyển đột ngột. Chính vị kintangô cao tuổi đã kể cho bọn trẻ câu chuyện về một gã đi săn rồ dại ở giữa một vùng đầy muông thú mà cuối cùng suýt chết đói, vì quá vụng về chạy hết chỗ này sang chỗ nọ, làm huyên náo cả lên, đến nỗi quanh anh ta, thú vật các loại đều mau chóng và lặng lẽ chuồn đi hết mà anh ta thậm chí cũng không hề biết là chúng đã ở kề ngay bên mình.
Trong những bài học bắt chước tiếng các loài muông thú, bọn trẻ cảm thấy mình cũng giống như gã đi săn vụng về nọ. Không khí vang rộn những tiếng huýt, tiếng gầm gừ, mà chẳng thấy chim hoặc thú nào lại gần. Thế rồi, chúng được lệnh nằm thật yên trong những chỗ nấp trong khi kintangô cùng các phụ tá phát ra những tiếng tưởng chừng cũng giống như chúng đã kêu, và phút chốc, muông thú đã xuất hiện, nghênh nghênh đầu tìm xem những con nào khác đã gọi chúng tới.
Một buổi chiều, khi bọn trẻ đang tập tiếng chim gọi nhau, bỗng nhiên một con chim mình rộng mỏ to tướng đậu xuống bụi rậm gần đó, kêu quang quác. “Nhìn kìa!” một thằng kêu lên và cười hô hố tim những đức khác giật thót lên đến tận cổ, chúng biết rằng một lần nữa thói to mồm của thằng kia lại sắp sửa khiến tất cả bọn phải phạt. Trước đó, không ít lần, nó đã bộc lộ thói quen hành động không suy nghĩ – nhưng giờ đây, kintangô làm chúng ngạc nhiên. Ông bước lại chỗ thằng bé và nói với nó rất nghiêm nghị: “Bắt sống con chim ấy mang lại đây cho ta!” Kunta và các bạn nín thở theo dõi thằng nọ khom người xuống và rón rén về phía bụi rậm, nơi con chim nặng ục ịch đang đậu một cách ngu xuẩn, đầu quay hết bên này sang bên kia. Nhưng khi thằng cu nhảy vọt lên, con chim bứt ra được khỏi đôi tay nắm bắt của nó, điên cuồng vỗ đôi cánh cụt lủn, vừa đủ nâng cái thân hình ộ ệ lên trên lớp bụi rậm – và thằng bé chồm theo, đuổi riết, chẳng mấy chốc đã khuất khỏi tầm mắt.
Kunta và bọn kia đứng ngây ra như sét đánh. Rõ ràng, những điều kintangô có thể hạ lệnh bắt chúng làm, quả là vô cùng, không có giới hạn nào cả. Trong ba ngày và hai đêm sau khi đi tập, bọn trẻ cứ đưa mắt nhìn nhau hoài, rồi lại nhìn bụi rậm gần đấy, tất cả đều băn khoăn tự hỏi về những gì đã xảy đến với thằng bạn mất tích. Trước kia, nó đã làm khổ chúng bao nhiêu vì những hành vi khiến cho cả bọn bị đánh đòn, thì nay, khi nó đi rồi, nó càng thân thiết với chúng hơn bao giờ hết.
Sáng ngày thứ tư, bọn trẻ vừa mới dậy thì tốp gác của trại báo là có kẻ nào đó đang tiến lại gần làng. Một lát sau, trống truyền tin đến: chính là cu cậu. Bọn chúng lao ra đón, nhẩy cỡn lên như thể chính anh ruột chúng vừa từ một chuyến viễn du đến Marakét trở về vậy. Vừa gầy ngẵng, vừa bẩn thỉu và mình mẩy sứt sẹo, thâm tím, nó hơi lảo đảo khi tụi bạn chạy tới phát bồm bộp vào lưng nó. Nhưng nó cố mỉm một nụ cười yếu ớt và đúng là nó cần phải mỉm cười: dưới cánh tay, nó kẹp con chim, cánh, chân và mỏ buộc túm bằng một đoạn dây nho. Trông nó còn thảm hại hơn thằng bé, nhưng nó vẫn còn sống.
Kintangô bước ra và tuy nói riêng với thằng bé, ông ngụ ý rõ ràng là thực ra ông đang nói với cả bọn chúng: “Chuyện này dạy cho ngươi hai điều quan trọng - làm đúng như đã được dặn và ngậm miệng lại. Những cái đó cũng là bí quyết rèn đúc nên kẻ nam nhi”. Rồi Kunta cùng lũ bạn trông thấy vị kintangô già nhìn thằng bé với vẻ tán thưởng ra mặt, ông đã biết trước, sớm hay muộn, nó cũng sẽ đủ sức bắt được một con chim nặng nề đến mức chỉ có thể lạch bạch bay được từng quãng ngắn chậm chạp qua bụi rậm, đó là lần đầu tiên chúng bắt gặp một cái nhìn như thế ở ông.
Con chim to mập, thoắt cái, được quay lên và tất cả cùng chén ngon lành, trừ người bắt được nó: cu cậu mệt đến nỗi không thể thức chờ nấu nướng cho xong. Nó được phép ngủ suốt cả ngày và cả đêm hôm đó, trong khi Kunta và tụi kia thức trắng học săn ngoài rừng. Ngày hôm sau, trong giờ nghỉ đầu tiên, nó kể lại cho tụi bạn im lặng nghe nó đã tiến hành một cuộc săn đuổi quanh co như thế nào, cuối cùng sau hai ngày và một đêm, nó đặt một cái bẫy nhử được con chim sa vào. Sau khi trói gô nó lại – buộc liền cả cái mỏ hay đớp – cu cậu ráng thức được một ngày một đêm nữa và bằng cách theo hướng sao như đã được dạy, tìm đường về được đến trại. Trong một lúc sau đó, bọn trẻ kia chẳng biết nói gì với nó. Kunta tự nhủ rằng mình thực tình không ghen tị gì với bạn; chỉ có điều là thằng cu ấy hình như nghĩ rằng thành tích nọ - cùng sự tán thưởng của kintangô – đã khiến cho nó trở nên quan trọng hơn các bạn cùng lứa kafô. Và bữa sau, các phụ tá của kintangô vừa ra lệnh dành một buổi chiều để tập đánh vật, Kunta nắm ngay cơ hội túm lấy thằng cu ấy và quật nó thật mạnh xuống đất.
Sang tuần trăng thứ hai của cuộc rèn luyện trưởng thành, lứa kafô của Kunta đã biết xoay xở sống giữa rừng sâu một cách thành thạo gần như ở ngay trong làng bản của chúng. Giờ đây, chúng có thể vừa phát hiện vừa theo dõi những dấu hiệu gần như vô hình của các thú vật và chúng hiện đang học những lễ thức bí ẩn cùng với những bài kinh của tổ tiên có thể làm cho một ximbôn cỡ lớn trở thành vô hình đối với các thú vật. Mỗi miếng thịt chúng ăn bây giờ đều do tự tay chúng bẫy hoặc bắn bằng cung, ná. Chúng có thể lột da một con thú nhanh gấp đôi trước đây và nấu nướng thịt trên những đống lửa gần như không có khói mà chúng đã biết nhóm bằng cách quẹt đá lửa vào lớp rêu khô dưới những que củi nỏ, nhẹ. Những bữa ăn thịt thú nướng – đôi khi là những con chuột rừng nhỏ - thường thường được bồi gia vị bằng món côn trùng nướng giòn dưới than.
Một số trong những bài học giá trị nhất của chúng lại không đề ra trong chương trình. Một hôm trong giờ nghỉ, khi một thằng thử cung vô ý phóng một mũi tên, trúng phải một tổ ong kuaburungô trên cây cao, một đám mây cuồng nộ à xuống – và một lần nữa cả bọn lại khốn khổ vì lỗi của một đứa. Kể cả thằng chạy nhanh nhất trong đám cũng không thoát khỏi những cú ong châm đau buốt.
“Người ximbôn không bao giờ bắn một mũi tên mà không biết nó sẽ trúng vào cái gì”, sau đó, kintangô nói với chúng vậy. Ra lệnh cho bọn trẻ lấy dầu cây hạt mỡ xoa vào những chỗ đau sưng húp của nhau, ông nói: “Đêm nay, các người sẽ xử trí với bày ong đó cho thích đáng”. Khi trời sẩm tối, bọn trẻ đã chất rêu khô dưới gốc cây có tổ ong. Sau khi một trong hai phụ tá của kintangô châm lửa, người kia bèn ném vào một vốc lá của một loại cây bụi nào đó. Làn khói dày, ngột ngạt bốc lên những cành cây trên cao và phút chốc, hàng ngàn ong chết rụng xuống quanh bọn trẻ, vô hại như những hạt mưa. Sáng ra, Kunta và lứa kafô của nó được chỉ vẽ cách làm chảy các tầng ong – hớt đi những xác ong chết còn lại – để chén mật thoả thích. Kunta hầu như có thể cảm thấy trong người rần rật cái khí lực mới mà người ta bảo mật ong đem lại cho các nhà săn bắn lớn khi họ cần những chất dinh dưỡng mau chóng giữa rừng sâu.
Nhưng bất kể chúng phải nếm trải những gì, bất kể chúng trau dồi được thêm bao nhiêu kiến thức và khả năng mới, vị kintangô già vẫn không bao giờ thoả mãn. Những đòi hỏi và kỷ luật ông đề ra vẫn chặt chẽ đến nỗi, phần lớn thời gian, bọn trẻ luôn bị giằng xé giữa sợ hãi và phẫn nộ, trừ những khi chúng quá mệt không còn cảm thấy gì nữa. Mọi mệnh lệnh giao cho đứa nào mà không thực hiện hoàn hảo ngay lập tức, đều khiến cả lứa kafô bị ăn đòn. Và, theo cảm giác của Kunta, cứ khi nào không bị đánh, thì giữa đêm, chúng lại bị dựng dậy một cách thô bạo để làm một cuộc hành quân dài – mà bao giờ cũng là với tính cách trừng phạt sự sai trái của một đứa nào đó. Điều duy nhất ngăn Kunta và bọn kia không tự tay nện cho thằng chết tiệt ấy một trận, là ý thức biết chắc rằng làm thế chỉ tổ bị đòn vì tội đánh lộn: một trong số những bài học đầu tiên chúng học được trong đời – từ lâu trước khi đến khu trại này – là người Manđinka không bao giờ được đánh lẫn nhau. Cuối cùng bọn trẻ bắt đầu hiểu rằng an lạc của nhóm tuỳ thuộc ở mỗi đứa chúng nó – cũng như hạnh phúc của bộ lạc sẽ tùy thuộc vào mỗi đứa chúng nó, một ngày kia. Vi phạm quy tắc giảm dần xuống tới mức chỉ còn là một thiếu sót năm thì mười hoạ và cùng với việc đánh đập bớt đi, nỗi sợ đối với kintangô dần dần được thay thế bằng một niềm kính trọng mà trước đây chúng chỉ cảm thấy đối với cha mình.
Nhưng ít có ngày qua đi mà không xảy ra điều mới lạ khiến Kunta cùng các bạn lại cảm thấy mình vụng về và dốt nát. Chẳng hạn, chúng lấy làm ngạc nhiên khi được biết một miếng vải gấp và treo theo kiểu nào đó gần lều một người đàn ông là tín hiệu thông báo ngày giờ anh ta dự định trở về, hoặc những chiếc dép xếp chéo nhau theo kiểu nào đó ngoài một túp lều có thể nói lên nhiều điều mà chỉ những người đàn ông khác mới hiểu. Nhưng điều bí mật mà Kunta thấy là đặc sắc hơn cả, là tiếng xirakangô, một kiểu hội thoại của đàn ông trong đó âm của các từ ngữ Manđinka được biến đổi đi sao cho đàn bà, trẻ con hoặc những người không thuộc bộ tộc Manđinka, không tài nào hiểu được. Kunta nhớ lại những lần nó nghe thấy cha nó nói rất nhanh với một người đàn ông khác những điều gì mà nó không hiểu và cũng chẳng dám yêu cầu giải thích. Bây giờ bản thân nó đã học được, chẳng bao lâu nó cùng các bạn sẽ nói được hầu hết những điều mà cha anh chúng nói bằng thứ thoại ngữ bí mật của đàn ông.
Ở tất cả các lều, cứ mỗi một tuần trăng qua đi, bọn trẻ lại bỏ thêm một hòn đá vào một cái bát để đánh dấu thời gian chúng đi xa khỏi Jufurê đã được bao lâu. Mấy ngày sau khi hòn đá thứ ba được bỏ vào bát, một buổi chiều, bọn trẻ đang đánh vật trong khu rào, đột nhiên chúng nhìn về phía cổng trại và thấy sừng sững đứng đó một toán từ hai mươi lăm đến ba mươi người đàn ông. Đám thiếu niên há hốc miệng thở hổn hển khi nhận ra đó là bố chúng, các chú các bác và các anh lớn chúng. Kunta nhẩy bật lên, không thể tin ở mắt mình, niềm vui như một mũi tên xuyên suốt người nó khi nhìn thấy Ômôrô lần đầu tiên sau ba tuần trăng. Song hình như có một bàn tay vô hình nào đó giữ nó lại và dập tắt một tiếng kêu mừng rỡ, ngay cả trước khi nó thấy mặt bố nó không lộ vẻ gì là nhận ra con trai của mình.
Chỉ có một thằng lao ra, kêu tên bố, và chẳng nói chẳng rằng, ông bố đó với lấy chiếc roi của người phụ tá kintangô đứng gần mình nhất, vừa quật thằng con vừa nghiêm khắc quát mắng nó về tội đã phơi bày nỗi xúc động của mình, tỏ ra vẫn còn là một thằng bé. Trong khi đánh những nhát roi cuối cùng, người đó cảnh cáo thêm thằng con trai một cách không cần thiết rằng nó đừng có hy vọng được bố ưu đãi. Rồi đích thân kintangô hô một mệnh lệnh cho toàn thể lứa kafô nằm sấp bụng xuống thành một hàng và tất cả những người khách đi dọc theo hàng đó, lấy gậy đi đường của mình quất xuống những cái mông chổng lên. Lòng Kunta xáo lộn cả lên, nó không phản đối chuyện đánh đòn vì biết đó chỉ là một kỷ luật nghiệt ngã khác của việc rèn luyện trưởng thành, song nó đau đớn không được ôm ghì lấy bố thậm chí nghe tiếng bố nói, đồng thời lại thấy hổ thẹn vì nó biết rằng ngay cả việc mong muốn những nuông chiều ấy cũng không phù hợp với khí phách nam nhi.
Xong mục đánh đòn, kintangô hạ lệnh cho bọn trẻ chạy, nhảy, múa, vật nhau, cầu nguyện như chúng đã được dạy, và đám phụ huynh lặng lẽ theo dõi tất cả, rồi nhiệt liệt ca ngợi kintangô cùng các phụ tá vừa ra về không buồn ngoái lại nhìn bọn trẻ đứng ngẩn ra, mặt ỉu xìu. Trong giờ ấy, chúng còn bị đánh một trận nữa vì dỗi không chịu chuẩn bị bữa ăn tối. Chúng càng bất bình hơn vì nỗi kintangô và các phụ tá làm như không hề có ai đến thăm cả. Nhưng quãng đầu đêm hôm ấy, trong khi bọn trẻ đánh vật trước giờ đi ngủ - lúc này chỉ miễn cưỡng thôi – một phụ tá của kintangô đi ngang qua chỗ Kunta và đột nhiên thì thào nói với nó: “Mày có một thằng em mới đẻ, tên là Mađi”.
Bây giờ, chúng mình có bốn đứa, Kunta nghĩ bụng, đêm ấy nó thức khuya hơn. Bốn anh em – bốn con trai cho bố mẹ nó. Nó ngẫm nghĩ không biết trong tương lai hàng trăm vụ mưa sau, khi các graiốt kể lại lịch sử gia đình Kintê, chuyện đó sẽ gợi lên âm hưởng như thế nào. Sau Ômôrô – Kunta nghĩ – nó sẽ là người đàn ông đầu tiên trong gia đình khi nó trở lại Jufurê. Không những nó đang học để trở thành một người đàn ông, mà nó còn học rất nhiều điều mà nó có thể dạy lại cho Lamin, như nó đã từng dạy thằng em bao nhiêu điều về tuổi niên thiếu. Chí ít, nó cũng sẽ dạy Lamin những gì mà bọn thiếu niên được phép biết, rồi Lamin sẽ dạy cho Xuoađu và Xuoađu lại dạy lại thàng em mới tên Mađi này mà Kunta còn chưa biết mặt. Và một ngày kia Kunta vừa nghĩ vừa chìm dần vào giấc ngủ - khi đến tuổi Ômôrô, nó sẽ có những đứa con trai của chính mình, và mọi sự lại bắt đầu như thế.