Vì ai nấy đều mong chờ bảy ngày hội mùa hàng năm của làng Jufurê, cánh phụ nữ giờ đây lại hối hả may quần áo mới cho gia đình. Nhiều tối, Kunta buộc phải trông thằng em nhỏ Lamin vòi quấy, trong khi Binta quay bông, tuy nhiên nó biết chớ có dại mà lộ vẻ bực mình ra mặt. Nhưng Kunta lại có dịp vui sướng khi được mẹ đưa đến người thợ dệt của làng, Đembô Đipha, nó say mê ngắm bà trong khi cái khung cửi thủ công khẳng khiu của bà dệt những thoi chỉ thành những tấm vải bông. Trở về nhà, Binta để cho Kunta rót nước rỏ giọt qua tro củi làm chất nước kiềm mạnh hòa lẫn với lá chàm giã nhỏ để nhuộm vải thành màu xanh thẫm. Tất cả phụ nữ ở Jufurê đều làm vậy và chẳng mấy chốc những tấm vải của họ được phơi ra trên những bụi cây thấp, điểm trang cho làng xóm những dải băng đầy màu sắc - đỏ, vàng, lục cũng như xanh da trời.
Trong khi đàn bà se sợi và khâu may, nam giới cũng làm việc cật lực để hoàn thành những nhiệm vụ được giao cho xong trước khi vào hội mùa – và trước khi mùa nóng tới khiến cho không thể làm được công việc nặng nhọc. Lũy tre làng được vá lại ở những chỗ đổ hoặc gẫy do bò, dê cọ lưng vào. Những căn lều trát bùn bị những trận mưa lớn làm hư hại nay được chữa lại, và mái mới đã thay thế mái cũ dột nát. Một số cặp trai gái sắp cưới cần có nhà mới và Kunta may mắn được cùng những đứa trẻ khác dầm đất nhào nước thành thứ bùn mịn, dầy mà cánh đàn ông dùng để đắp tường cho những căn lều mới.
Vì trong thùng nước múc ở giếng lên đã thấy vẩn bùn, một người trong toán đàn ông bèn tụt xuống xem và phát hiện ra là đám cá con nuôi trong giếng để ăn sâu bọ, đã chết trong làn nước âm u. Cho nên mọi người quyết định phải đào một giếng mới. Kunta quan sát những người đàn ông đứng xuống ngập tới vai trong cái hố mới và chuyền lên những cục đất sét trắng ngả sang màu lục to bằng quả trứng một. Những cục này lập tức được đem đến cho những phụ nữ có mang trong làng và được ăn ngấu nghiến. Thứ đất sét này, Binta bảo nó, làm cho đứa hài nhi cứng xương hơn.
Được để mặc, Kunta, Xitafa và lũ bạn dùng phần lớn quãng thời gian năm giờ của chúng vào việc chạy quanh khắp làng chơi trò đi săn bằng những cây ná mới. Bắn vào hầu hết mọi thứ - và may mắn thay, chẳng trúng cái gì cả - tụi trẻ làm náo động lên tới mức có thể làm khiếp vía cả một rừng súc vật. Cả đến bọn lít nhít vào lứa kafô của Lamin cũng chơi rông, hầu như được thả lỏng vì không có ai ở làng Jufurê bận bịu hơn các bà già, những ngày này, các bà phải làm đến tận khuya để đáp ứng yêu cầu của các cô gái chưa chồng trong làng về khoản độn tóc để mang vào dịp hội mùa. Các loại búi tóc nhỏ, đuôi sam và trọn bộ tóc giả tết bằng những sợi được gỡ rất cẩn thận từ những lá xigan đang mục hoặc từ vỏ cây bao-báp ngâm nước. Độn tóc bằng sợi xigan thô đỡ tốn hơn độn tóc bằng sợi bao-báp mềm, óng, loại này tết mất nhiều thời gian đến mức một bộ tóc giả trọn vẹn có thể đáng giá ngang với ba con dê. Nhưng các khách hàng bao giờ cũng to mồm cò kè dằng dai, vì biết rằng nếu liến láu miệng mà cả độ một giờ, các bà già sẽ bùi tai mà tính bớt cho.
Ngoài những bộ tóc giả mà bà làm rất đẹp, già Nyô Bôtô còn khiến cho tất cả phụ nữ trong làng đều thích vì bà lớn tiếng bất chấp cái truyền thống cổ hủ buộc đàn bà bao giờ cũng phải tỏ ra hết sức kính trọng đàn ông. Sáng nào bà cũng ngồi chễm chệ trước cửa lều, mình trần, khoan khoái hưởng ánh nắng mặt trời trên làn da thô cứng già nua của mình và bận bịu tết độn tóc – nhưng không bao giờ bận bịu đến mức để lọt một người đàn ông nào đi ngang qua. “Hà!” những lúc ấy bà thường kêu lớn “Nhìn xem kìa! Thế mà họ tự xưng là đàn ông! Chao, vào thời buổi của ta, đàn ông mới ra đàn ông chứ!” Và những gã đàn ông đi ngang - vốn chờ đợi cái điều bao giờ cũng xảy tới - chỉ còn thiếu nước ù té chạy để thoát khỏi miệng lưỡi bà, cho đến chiều, cuối cùng, già Nyô Bôtô ngủ thiếp đi, những độn tóc đang tết đặt trong lòng và những đứa bé mới chập chững biết đi, đặt dưới sự chăm sóc của bà, khanh khách cười khi thấy bà ngáy ầm ầm.
Bọn con gái thuộc lứa kafô thứ hai, trong thời gian đó, giúp mẹ và chị nhặt đầy những giỏ tre nào rễ cây làm thuốc đến độ chín, nào gia vị để nấu nướng, đem phơi dưới nắng. Khi các hạt hoa mầu được đem giã, bọn con gái gạt vỏ và trấu đi. Bọn chúng còn giúp gia đình giặt giũ, đập vào đá những quần áo bẩn đã được vò sùi bọt lên bằng thứ xà phòng ram ráp đỏ kệch mà mẹ chúng làm bằng nước kiềm và dầu dừa.
Khi công việc chủ yếu của cánh đàn ông đã xong xuôi - chỉ mấy ngày trước tuần trăng mới, thời điểm mở đầu hội mùa ở các làng trong toàn Gămbia – âm thanh của các nhạc cụ bắt đầu vang lên đây đó trong làng Jufurê. Trong khi các nhạc công của làng biểu diễn trên những cây đàn kora hai mươi bốn dây, những trống phách và balafông - một loại nhạc cụ du dương làm bằng vỏ bầu buộc dưới những phím gỗ dài, ngắn khác nhau, đánh bắng vồ - từng đám đông nho nhỏ tụ tập quanh họ, vỗ tay và nghe. Đang lúc họ chơi nhạc, Kunta và Xitafa cùng các bạn chăn dê trở về, cũng kéo đến quanh đó thổi sáo trúc, rung chuông và lúc lắc xủng xoảng những trái bầu khô…
Phần đông đám nam giới giờ đây xả hơi, chuyện gẫu và ngồi xổm quanh quẩn dưới bóng cây bao báp. Những người vào lứa tuổi Ômôrô và trẻ hơn kính cẩn tách ra khỏi Hội đồng Bô lão lúc này đang vạch những quyết định hàng năm trước hội mùa về những công việc của làng xóm. Thỉnh thoảng, hai ba gã trai trẻ lại đứng lên, vươn vai và sải bước quanh làng, những ngón tay út ngoắc hờ vào nhau theo phong thái yayo lâu đời của những người Phi.
Binta và những phụ nữ khác, hằng ngày tranh thủ được ít phút xả hơi nào là đến quây quần quanh cái giếng mới của làng để uống hớp nước mát và chuyện gẫu giây lát. Nhưng giờ đây, hội đã đến sát nút mà họ vẫn còn ối việc phải làm, nào may cho xong quần áo, nào dọn dẹp lều cho sạch sẽ, nào ngâm tẩm lương khô, nào giết dê để quay. Và nhất là phụ nữ phải tự trang điểm cho thật lộng lẫy, thật đẹp để dự hội.
Theo Kunta, các cô gái tinh nghịch mà nó luôn luôn thấy trèo cây thoăn thoắt, giờ đây nom thật dở hơi dở hồn với cái kiểu õng ẹo làm ra vẻ thẹn thò, nhút nhát. Thậm chí họ không bước được cho ngay ngắn nữa. Và nó không thể hiểu tại sao cánh nam giới cứ ngoái lại để ngắm họ - cái bọn vụng về không làm sao giương cung bắn nổi một mũi tên, dù có cố gắng.
Nó nhận thấy miệng một số cô gái ấy sưng lên to bằng nắm đấm, phía bên trong môi thì lấy gai chích và lấy nhọ nồi sát đen nhánh. Cả Binta, cùng với mọi người phái nữ trong làng trên tuổi mười hai vụ mưa, đêm đêm cũng nấu sôi rồi để nguội một nồi nước lá funđanô vừa mới giã để ngâm chân – và cả hai lòng bàn tay trắng nhợt – cho đến lúc đen như mực tàu. Khi Kunta hỏi tại sao, mẹ nó bảo: cút đi. Nó bèn hỏi bố và bố bảo nó: “Người phụ nữ càng đen bao nhiêu càng đẹp bấy nhiêu.”
“Nhưng tại sao lại thế?” Kunta hỏi.
“Một ngày kia,” Ômôrô nói, “con sẽ hiểu.”