Chuyện Thời Bao Cấp

Tôi "trắng Án"

Những đột phá, xé rào thời “đêm trước đổi mới” không chỉ bắt đầu từ bức xúc của nông dân, công nhân, doanh nhân; xoay xở của lãnh đạo mà cả sự nhập cuộc của trí thức. GS. TS. Võ Tòng Xuân vừa gửi về tòa soạn câu chuyện của chính ông.

Sau giải phóng, tôi về Đại học Cần Thơ, tiếp tục công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Viết kịch bản khuyến nông

Đầu năm 1978, tôi tìm đến Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền hình Cần Thơ bàn thực hiện chương trình khoa học kỹ thuật nông nghiệp mỗi tuần phát hình một lần dài 30 phút. Đây là sự cộng tác hoàn toàn tự nguyện, không ai lấy tiền của ai.

Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của các anh đài truyền hình, còn tôi thì lo viết kịch bản kiêm đóng kịch, với các anh Nguyễn Văn Huỳnh, Phạm Văn Kim và một số nông dân tiên tiến. Lúc đó việc đưa khoa học kỹ thuật lên truyền hình cho nông dân học là một cách làm mới, cho nên muốn bảo đảm tính hiệu quả cao của mỗi chương trình tôi phải nhúng tay vào việc từ viết kịch bản theo đúng kỹ thuật khuyến nông - nghĩa là phải thể hiện các thông tin và kiến thức mới để người xem, nhất là nông dân, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ chấp nhận và dễ làm theo. Tôi không dùng chữ nghĩa cao xa, cầu kỳ, mà chỉ dùng những từ ngữ mà nông dân thường dùng, dùng tiếng nói của nông dân để trình bày những kỹ thuật mới cho họ nghe. Dĩ nhiên tôi phải hỏi cho nông dân trả lời theo trình tự logic để người nghe hiểu và chấp nhận.

Chương trình này nhanh chóng đã trở nên một chương trình được khán giả ưa thích không kém các chương trình cải lương!

Để hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình khuyến nông với đài truyền hình, qua GS. Nguyễn Văn Hiệu, viện trưởng Viện Khoa học, tôi đã tranh thủ với GS. Edward Cooperman, chủ tịch Hội Các nhà khoa học Mỹ, hợp tác với Việt Nam xin một số thiết bị tối cần như máy thu phát video và tủ lạnh -5OC bảo quản tập đoàn giống lúa mà thầy trò nông nghiệp của Đại học Cần Thơ đã sưu tầm.

Có lẽ tôi là người tiếp nhận bộ máy video đầu tiên trong nước vào năm 1981, gồm có bốn đầu máy Betamax, hai đầu máy Umatic và hai máy camera quay video Sony. Tôi nói “đầu tiên” vì lúc đó chưa cơ quan nào trong nước biết dùng loại thiết bị hiện đại này. Khi nhập vào, Hải quan TP.HCM đòi phải có giấy phép của Bộ Văn hóa - thông tin, và khi xin được giấy phép, hải quan ghi rõ chi tiết từng số máy như là đối với xe gắn máy bây giờ. Về đến Cần Thơ, chúng tôi phải trình với Sở Văn hóa - thông tin, ghi từng số máy và cam kết không sử dụng vào mục đích gì khác hơn là làm chương trình khuyến nông. Lúc ấy, GS. Cooperman cũng đem sang Việt Nam hai máy vi tính PC hiệu Apple II mới nhất của Mỹ, một cái đặt tại viện của GS. Nguyễn Văn Hiệu và một cái tại Đại học Cần Thơ. Nên nhớ là máy PC lúc ấy chỉ có một đĩa cứng 64 kilobyte mà thôi (không như bây giờ, nhỏ nhất cũng cỡ 10 Gigabyte).

Mô hình “phản động”

Qua chương trình khuyến nông trên truyền hình, tôi đã mạnh dạn giới thiệu mô hình sản xuất tiên tiến trong nông thôn để mau chấm dứt tình trạng chán nản trong nông dân; cũng vì thế mà tôi và các vị lãnh đạo của Đài truyền hình TP.HCM (ông Huỳnh Văn Tiểng), Đài truyền hình Cần Thơ (ông Lưu Thành Tâm) và Ủy ban Phát thanh - truyền hình Việt Nam (ông Trần Lâm) suýt bị kỷ luật. Số là trong quá trình nghiên cứu lúa trên khắp đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy một trở ngại rất lớn khiến kỹ thuật không vào được với nông dân, đó là chính sách nông nghiệp của Nhà nước đã không khuyến khích người lao động mà còn bắt buộc họ làm việc như cái máy không được suy nghĩ gì cả.

Từ năm 1979 nông dân gần như bị bắt buộc phải vào hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất nhưng không ra đồng sản xuất, hoặc nếu có sản xuất thì hụ hợ không màng năng suất cao. Gia đình nông dân không đủ ăn mà họ cũng không có dư lúa để bán cho cửa hàng lương thực nhà nước. Ở nhiều địa phương nông dân không có dư lúa bán cho Nhà nước đã phải chịu đo bồ lúa để chứng minh không có lúa dư.

Trong khi đó chúng tôi cộng tác với một số tập đoàn sản xuất - điển hình nhất là tập đoàn sản xuất số 9 ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách, Sóc Trăng - theo kiểu “khoán sản phẩm” thì nhà dân đầy lúa mà kho lương thực nhà nước cũng đầy lúa. Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, tổng kết nông nghiệp sau năm năm hòa bình, tôi đã mạnh dạn đưa mô hình tập đoàn sản xuất số 9 ấp Lung Đen lên báo Tin Sáng ngày 2/9/1980 và trong chương trình truyền hình hằng tuần của tôi.

Các chuyên viên của Đài truyền hình TP.HCM từ lâu không kiểm duyệt chương trình của tôi vì toàn là nói về kỹ thuật, không có hơi hám gì về chính trị, không dè trong chương trình ngày 2/9/1980 lại có mục “khoán sản phẩm”. Các vị lãnh đạo Ban hợp tác hóa trung ương lập tức gửi công điện khắp các tỉnh, tuyên bố không chấp nhận mô hình “phản động” tôi đã nêu, và yêu cầu Đài truyền hình TP.HCM ngưng phát hình chương trình đi ngược đường lối. Anh Võ Văn Chung - người nông dân Tiền Giang cộng tác rất nhiệt tình với thầy trò nông nghiệp của Đại học Cần Thơ từ năm 1977 - đã hớt hải đi xe đò sang Cần Thơ ngay hôm sau đó báo cho tôi hay là lãnh đạo tỉnh bảo anh ấy không nên tiếp xúc với tôi nữa vì tôi đã phạm tội với trung ương, và khuyên tôi nên cẩn thận.

Tôi liền báo ngay với ông Phạm Sơn Khai, bí thư Đảng ủy kiêm hiệu trưởng Đại học Cần Thơ bấy giờ. Ông hiệu trưởng trấn an tôi hãy bình tĩnh, để ông tìm hiểu thêm xem trên sẽ bắt tội tôi như thế nào. Trong phiên họp tháng 4/1981, Ban chấp hành Trung ương Đảng đứng trước hai sự chọn lựa: làm hợp tác hóa chính thống thì ra ít lúa hay khoán sản phẩm thì lúa đầy bồ của dân và đầy kho lương thực của Nhà nước.

Đảng đã chọn cách thứ hai, thể hiện trong chỉ thị số 100, mà sau này chúng ta quen gọi là Khoán 100. Ủy ban Phát thanh - truyền hình, Đài truyền hình TP.HCM, Đài truyền hình Cần Thơ và tôi được trắng án.

Phê phán chính sách phá rừng tràm

Từ quyết định lịch sử Khoán 100, Đảng và Nhà nước tiếp tục đổi mới với những chính sách hợp tình hợp lý hơn. Trong thời gian này tôi tham gia Quốc hội (suốt ba khóa từ năm 1981-1997), đồng thời tham gia các hoạt động tư vấn cho một số viện, trường nông nghiệp quốc tế.

Lần họp Quốc hội đầu tiên của tôi vào tháng 6/1980 đánh dấu một sự thay đổi trong tập quán thảo luận tại hội trường Ba Đình. Bằng những minh chứng khoa học cụ thể, tôi đã phê phán chính sách phá rừng tràm để lập các vùng lúa Tháp Mười, U Minh, tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên, làm lãng phí ngân sách quốc gia, nhụt chí người lao động (nhất là lao động bất đắc dĩ từ thành thị bị bắt buộc tham gia trồng và gặt lúa, điển hình nhất là ở tỉnh Long An những năm 1978-1980). Trồng lúa không có hiệu quả mà phá hại môi trường sinh thái rừng tràm thiên nhiên.

Sau khi tôi phát biểu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngoắc tôi lại và hỏi tại sao tôi không nói sớm hơn để Nhà nước đỡ lãng phí? Tôi thành thật thưa rằng đây là dịp đầu tiên tôi có cơ hội trình bày, chớ trước đây đâu ai chịu nghe! Sau đó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp (Thứ trưởng Nguyễn Đăng) nhanh chóng sửa sai. Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp Phan Xuân Đợt trong giờ giải lao cho tôi biết là mặc dù biết mất rừng tràm nhưng áp lực sản xuất lúa bằng mọi giá đã không cho phép ông bảo vệ rừng tràm được.

GS.TS. VÕ TÒNG XUÂN (Hiệu trưởng Đại học An Giang)