Chuyện Thời Bao Cấp

Nỗi Niềm Của Tôi

Làn sóng “xé rào” đã dâng trào mãnh liệt, cả đến những vùng cấm nhưng hàng rào bao cấp vẫn muốn siết lại. Trong cuộc giằng co đó, những người trong cuộc thật sự thấm thía bao nỗi niềm…

Hành trình của bao miến

Năm 1979 khi tôi đang công tác tại TP.HCM, được nghỉ phép về quê tại Nghĩa Đàn (Nghệ An). Chuyến về quê nghỉ phép năm ấy tôi không bao giờ quên vì suýt nữa tôi đã phải ngồi tù.

Ngày ấy cánh lính chúng tôi mỗi khi có việc (nghỉ phép hoặc công tác) ở các tỉnh phía Bắc phải đi tàu hỏa. Xuống tàu tại ga Vinh, tôi khệ nệ nào balô đồ đạc lỉnh kỉnh, vác bao miến “đặc sản Hố Nai” trên vai đến bến xe khách lấy vé về quê, mặc dù cực khổ nhưng trong lòng rất phấn khởi vì sắp được gặp lại những người thân, đặc biệt là lại có bao miến làm quà.

Khi xe chạy vào địa phận Nghĩa Đàn chưa được 1km thì xuất hiện một trạm gác (thời ngăn sông cấm chợ nhiều trạm gác lắm). Dân địa phương gọi trạm này là trạm Khe Son. Trước tiên là cần barie, được làm bằng nguyên cả cây tre, bổ xuống chắn ngang đầu xe. Chiếc xe dừng hẳn lại, hành khách lục tục xuống xe nhưng đa số vẫn ngồi yên.

Một người đàn ông chừng 40-50 tuổi, chẳng biết là nhân viên thuế hay quản lý thị trường, bước một chân lên cửa xe quát: “Tất cả xuống để kiểm tra hành lý!”. Đến lúc này hành khách mới miễn cưỡng rời ghế xuống xe. Tôi là người rời xe sau cùng. Hai, ba người đàn ông hùng hổ bước lên xe, lục tung mọi đồ đạc hành lý của hành khách, nhiều đồ đạc bị lôi xuống, tôi nhìn thấy có những nồi đất đựng cá nướng của bà con vùng biển mang lên bán cho vùng núi, mỗi nồi chỉ khoảng 3-4kg cá, mà vẫn bị lôi xuống và bị gọi là hàng cấm, có thể bị tịch thu.

Tôi đang ngạc nhiên về điều đó thì nghe tiếng quát của một nhân viên: “Cái bao bố này của ai?”. Tôi chạy lại nói của tôi. Ông ta hỏi tiếp: “Cái gì trong này?”. Tôi trả lời là miến, tôi mang từ trong Nam ra để làm quà cho gia đình. Ông ta khẳng định: “Miến làm bằng gạo, là lương thực, là hàng cấm lưu thông, chỉ có Nhà nước mới được vận chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác, anh đã mang hàng không được phép, chúng tôi lập biên bản tịch thu”.

Tôi giải thích đây là miến chứ không phải gạo, hơn nữa số lượng không nhiều, không phải mục đích buôn bán gì, chỉ làm quà cho gia đình nhưng ông ta cũng không cho, buộc tôi phải đưa xuống trạm để lập biên bản. Tôi nhất quyết không chịu. Ông ta nắm bao bố định kéo xuống.

Tôi giằng lấy bao miến, nhìn thẳng vào mặt ông ta nói rít qua kẽ răng vừa đủ để ông ta nghe: “Nếu ông dám kéo bao này xuống, tôi sẽ bắn vỡ mặt ông” - vừa nói tôi vừa đưa tay móc khẩu K54 (chỉ để ông ta nhìn thấy). Chẳng biết ông ta sợ khẩu K54 hay sợ ánh mắt nảy lửa của tôi lúc đó, chỉ thấy ông ta buông bao miến ra và lặng lẽ bước xuống xe, đi thẳng vào trạm. Tôi thấy ông ta trao đổi gì đó với một người khác (có lẽ là người phụ trách trạm). Rồi không thấy ông ta ra nữa.

Sau khoảng một giờ đồng hồ lục soát, tiếng quát tháo, tiếng năn nỉ van xin, kẻ chạy ra người chạy vô nhốn nháo, cuối cùng xe cũng được phép chạy và bao miến “đặc sản Hố Nai” của tôi cũng về được nơi tôi muốn. Cho đến bây giờ, đã 26 năm trôi qua, nhưng mỗi khi có dịp được ăn miến gà, miến vịt, miến giò heo… tôi lại nhớ bao miến “đặc sản Hố Nai” và cuộc hành trình gian nan của nó.

TRƯƠNG ĐỨC THẮNG

Thoát nhờ “ông Sáu”

Tôi năm nay đã 86 tuổi, thuộc loại “động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, được xếp vào Sách đỏ của Đảng và chính quyền quận”, là chứng nhân của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, và của nhiều thời kỳ lịch sử đương đại ở nước ta và trên thế giới.

Chuyện bao cấp gạo làm tôi nhớ lại một chuyện cũ khá điển hình: hồi đó Bệnh viện Ung thư TP.HCM đang sắp thiếu gạo trầm trọng, chỉ còn đâu hơn một tuần lễ nữa thì có lẽ sẽ phải cho bệnh nhân ăn một bữa cơm, bữa cháo. Chúng tôi xin được một giấy giới thiệu của Văn phòng 2 Bộ Y tế, do thứ trưởng ký, xuống một tỉnh miền Tây mua ba tấn gạo. Xuống đến nơi, vị chủ tịch UBND tỉnh cầm tờ giấy đọc xong, vứt xuống bàn như một tờ giấy lộn, nhìn mặt tôi nói với giọng hằn học: “Lại gạo, đây có phải là kho gạo của các anh đâu mà cứ xuống nã mãi thế này. Ba tấn à? Đến 3kg cũng không thể bán cho các anh được”. Tôi hết sức lo lắng và thất vọng bàn với anh em đổ ra chợ và vào các làng xóm tìm mua với bất cứ giá nào. Người ta lén lút bán cho chúng tôi nhưng không được bao nhiêu.

Đêm hôm đó, đột nhiên đứa con nhỏ của vị chủ tịch lên cơn sốt cao, co giật. Bà vợ hoảng hốt ra gọi tôi. Tôi vào xem thấy cháu bé bị sốt xuất huyết khá nghiêm trọng, vội gọi điện cho phòng cấp cứu bệnh viện tỉnh và đưa ngay cháu đến để được điều trị kịp thời.

Sáng hôm sau, vị chủ tịch cho mời tôi vào cấp một giấy phép mua ở kho gạo tỉnh, không phải ba tấn mà bốn tấn gạo. Tôi mừng rơn, vội vã thu xếp đi về, chiếc xe tải chở gạo đi trước, tôi đi chiếc xe con áp tải phía sau. Vừa ra khỏi địa phận tỉnh, sang đến tỉnh bên thì bị một toán dân quân, súng ống kè kè, chặn xe lại, xem giấy giới thiệu thấy nói mua ba tấn mà sao lại quá tải thế này, bắt đổ cả xuống để cân lại.

Chuyện còn đang rất lùng nhùng thì anh lái chiếc xe con của tôi, vốn trước kia đã là một trung sĩ lái xe cho một sĩ quan cao cấp trong quân đội Sài Gòn, mở cửa xe bước xuống, nét mặt hầm hầm tiến lại phía đám dân quân, quát to lên: “Bọn bay muốn rục xương hả? Không thấy ông Sáu ngồi trong xe kia ư?”

Ông Sáu là tôi, ngồi trong xe không biết là Sáu gì, nhưng run quá, nghĩ không khéo đêm nay nằm cho muỗi đốt thê thảm trong trại giam của tỉnh cũng nên. Nhưng may thay, đám dân quân dẹp sang một bên, hất tay cho xe đi. Hú vía. Đi trót lọt về đến thành phố thì đã gần nửa đêm, phải đợi đến sáng kiểm tra xong mới được vào.

Ngoài những chuyến xe bão táp đi mua gạo đó, tôi cũng đã từng đứng ở bục giảng Trường đại học Y khoa TP.HCM. Có bữa thầy đang giảng bài trên giảng đường thì ở dưới sinh viên vừa đi lĩnh được gạo về đang tấp nập chia khẩu phần, đành phải hoãn bài giảng, vì bệnh gì thì bệnh cũng không bằng cái bệnh đói của những bao tử đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Còn biết bao nhiêu chuyện riêng của tôi và gia đình tôi thì cũng như của biết bao nhiêu cán bộ và gia đình cán bộ vào cái thời bao cấp ấy. Gần đây anh Nguyễn Khải, nhà văn, có nói với tôi: “Chúng mình thời ấy cứ như đang sống trong một cơn mê sảng tập thể vậy.”

BS NGÔ VĂN QUỸ

(nguyên phó giám đốc Trung tâm Ung bướu TP.HCM)

Không phá rào?

Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 7/12 đăng bài của tôi về “Từ chạy gạo đến phá cơ chế giá”, tôi liền nhận được điện thoại của một bạn trẻ chất vấn: “Thành phố thiếu gạo, dân có tiền, nông dân đồng bằng sông Cửu Long có gạo bán thì xuống mua là chuyện thường tình. Có gì mà phải ca ngợi những vị lãnh đạo của thành phố là dũng cảm đột phá, là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…?” Tôi đã trả lời người bạn trẻ. Hôm sau, mấy em học trò của tôi đến khoe đã đọc bài báo đó và cũng hỏi một câu y như thế!

Hóa ra thế hệ trẻ không dễ hình dung nổi những trở ngại về cơ chế và tư duy những năm đó nghiệt ngã đến mức nào!

Thay vì trả lời từng bạn đọc, tôi xin gửi tới báo nội dung trả lời của tôi:

Lúc ấy khuynh hướng của nhiều người, thậm chí của đa số, là không muốn phá rào, mà muốn tìm những định hướng khác như giáo dục tư tưởng, yêu cầu đảng viên phải gương mẫu bán thóc, nhân dân và cán bộ phải chịu đựng gian khổ…

Có một định hướng đã từng được thực thi, mà tôi cùng hàng chục ngàn người đã từng là nạn nhân là: đưa cán bộ công nhân viên chức về nông thôn trồng khoai trồng sắn. Theo chỉ thị số 306-TTg 18/11/1980, các cơ quan xí nghiệp trong cả nước phải thay phiên nhau về nông thôn mượn đất của hợp tác xã để trồng trọt. Đó cũng là lúc người nông dân hợp tác xã đã chán không muốn trồng trọt nữa, sẵn sàng nhường đất cho bất cứ ai muốn xin. Cán bộ công nhân viên buộc phải về những vùng xa xôi 40-50km.

Trường hợp cơ quan tôi thì phải đi từ Hà Nội lên tận Thái Nguyên. Đường sá xa xôi. Tiền xăng, tiền ăn đường còn tốn hơn nhiều so với của cải làm ra. Từ quen cầm bút chuyển sang tay cày tay cuốc. Đã không biết trồng trọt lại không có người trông nom, củ khoai củ sắn bé tí, lại không người chăn nom, trâu bò đến phá…

Cuối cùng tốn vô số thời gian, tiền bạc và công sức mà chẳng được gì. Vậy mà vẫn có vị lãnh đạo nói rằng: “Dù sao thì chúng nó cũng làm ra được củ khoai củ sắn, thêm một chút lương thực cho xã hội, còn hơn là ngồi không ăn hại!” Hóa ra mất không biết bao nhiêu tiền đào tạo những tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ… để làm việc cày cuốc không bằng một người nông dân!

Vậy mà định hướng đó đã từng một thời được coi là có lập trường vững vàng. Còn sự tháo gỡ theo hướng đột phá như TP.HCM thì đã từng bị không ít người cho là chệch hướng. Thật may, nếu không “chệch hướng” mà cứ đúng hướng đi trồng khoai trồng sắn như kể trên thì không biết đến ngày hôm nay “dân mình ra sao”!

Thiết tưởng đó là một bài học rất có ý nghĩa đối với các bạn trẻ hiện nay, là những người không bao lâu nữa sẽ gánh vác trọng trách lèo lái con thuyền Việt Nam đi tiếp vào tương lai.

ĐẶNG PHONG (chuyên gia sử kinh tế Việt Nam)