Chuyện Thời Bao Cấp

Hiện Hữu Của Thời Bao Cấp

Nhà báo Ngọc Tiến, báo Hà Nội Mới chủ nhật có một đam mê: Đam mê sưu tập những hiện vật thời bao cấp - thời mà như anh nói, dù rất nghèo, nhưng người ta sống với nhau tình cảm lắm. Nghèo vật chất thật đấy, nhưng lại là giàu, giàu về tinh thần, tình cảm. Và có phải Ngọc Tiến hoài cổ về một thời đã qua hay không mà anh cất công tìm kiếm, sưu tập những đồ đạc, vật dụng của thời bao cấp đó. Đến nay, trong bộ sưu tập của anh có hơn 3.000 hiện vật. Những hiện vật bình dị, giản đơn một thời, nhưng lại thật đáng quý, đáng trân trọng trong thời @ này.

Bộ sưu tập của anh gồm những thứ cần cho cuộc sống thường nhật như cái mâm đồng sứt sẹo, những cái bát ăn cơm với men xấu xí và thô kệch. Những chiếc cặp lồng đựng cơm và thức ăn mà thời đó là vật bất ly thân cho cán bộ, công nhân và cả sinh viên nếu học hai buổi. Anh còn giữ lại được cả những tờ đăng ký sử dụng đài, không có đăng ký thì phải nghe lậu và nếu công an xã phát hiện thì bị tịch thu luôn. Song độc đáo nhất có lẽ là bộ tem phiếu, ngoài tem phiếu của Hà Nội, anh còn có cả tem phiếu mua thịt, đường, vải của các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Hải Phòng… phát hành từ năm 1968. (Tùy theo là cán bộ, công nhân hay đơn vị hành chính sự nghiệp mà được hưởng tiêu chuẩn theo quy định. Ví dụ như với cán bộ, công nhân thì một năm được cấp phiếu mua 5 mét vải, mỗi tháng được 0,5 kg thịt, 4 lít dầu… Với đối tượng là nhân dân thì tiêu chuẩn đường, nước mắm, thịt… thấp hơn cán bộ, công nhân, ví dụ như một người chỉ có 4 mét vải/năm). Ngoài tem phiếu thì sổ gạo cũng là thứ độc đáo. Gạo bán ngoài chợ đen vô cùng hiếm mà cũng không có tiền để mua vì nó vượt quá khả năng thu nhập của người ăn lương nhà nước. Mất sổ gạo thì cả nhà chỉ còn nước đi vay hàng xóm cả tháng vì việc cấp sổ mới mất cả tháng trời. Mà đi vay thì cũng chỉ vay mỗi nhà một ít vì có phải nhà nào cũng dư nhiều đâu.

Trong hàng chục quyển sổ gạo mà anh sưu tầm được có những quyển từ năm 1975. Giấy đen và sổ hết chỗ ghi, chủ hộ còn đóng thêm giấy để khỏi phải đi đổi. Trong quyển sổ của gia đình ông Nguyễn Đức Dương ở A6 Tập thể Khương Thượng, người ta ghi rõ ông và vợ ông là cán bộ được tiêu chuẩn 15kg. Thời đó sinh viên được tiêu chuẩn 17kg, giáo viên 13kg, công nhân là 21kg.

Một hiện vật khác cũng gây chú ý là chiếc xe máy MZ 150cc, nguyên chủ sở hữu của nó là nhà tình báo nổi danh Tạ Đình Đề. Chiếc xe to kềnh càng, anh mua lại của một người thợ sửa xe. Chiếc xe được cấp đăng ký năm 1976 này còn nguyên giấy tờ gốc và xe vẫn sử dụng được ngon lành.

Ngọc Tiến