Cảm thông, xúc động khi được biết về một thời khó khăn, khổ cực của ông bà, cha mẹ - đó là nhận xét chung của đa số bạn trẻ thế hệ 8X sau khi tham quan Triển lãm "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp" được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Chút ký ức đọng lại
“Một yêu anh có may ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa…”
Đang theo dõi đoạn video về cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp, tôi phải ngoảnh ra bởi tiếng cười phá lên của một cô gái còn khá trẻ. Sau khi giới thiệu mình là phóng viên, tôi được biết lý do của tràng cười là do cô đọc được khổ thơ trên. Phùng Chung Thủy (20 tuổi) - sinh viên Trường đại học Dân lập Thăng Long - nhà trên phố Phan Chu Trinh vẫn tủm tỉm: “Bây giờ, dù anh nào có đủ cả bốn thứ trên, chưa chắc em đã yêu!”.
Thủy bảo: “Ký ức sâu đậm nhất của em về thời ấy là chiếc xe đạp có biển số của bố em. Bố mẹ em giữ gìn nó cẩn thận lắm. Cứ mỗi lần đi về đến nhà lại kỳ cọ, lau rửa cho đến bóng loáng thì mới thôi”. “Vậy so với chiếc xe được trưng bày ở kia thì thế nào?” - Tôi hỏi vui. “Có lẽ còn mới hơn anh ạ”.
Còn Phan Anh Vũ - bạn của Thủy - sinh viên Trường đại học Bách Khoa Hà Nội thì reo lên: “A! Chiếc quạt Tai voi này nhà tớ vẫn còn dùng đây mà”. Vũ tâm sự, chiếc quạt này là của một người chú đi Liên Xô gửi về. Có thể nói nó là thứ tài sản… vô giá của cả gia đình cậu thời đó.
Quả thật đối với một bộ phận giới trẻ sinh sau thời bao cấp thì chuyện yêu một người con trai chỉ vì anh ta có “áo may ô, cá khô, khăn mặt hay… quần đùi hoa" quả là buồn cười. Tất nhiên, đây chỉ là thơ tiếu lâm, nhưng nó cũng nói lên phần nào cuộc sống khó khăn ngày ấy. Nhắc đến thời bao cấp cũng có nghĩa là nhắc đến một thời kỳ mà đôi khi có những ký ức rất chung của nhiều người trong xã hội.
Thực ra, với nửa đầu của thế hệ 8X (SN 1980 - 1985), đa số các bạn vẫn còn những ký ức khá sâu đậm đối với thời bao cấp.
Tôi gặp Nguyễn Thu Thúy, 22 tuổi - sinh viên Trường đại học Ngoại thương tại khu trưng bày. Thúy dừng rất lâu trước căn hộ tập thể khu Trung Tự (dựng lại ngôi nhà của hai bác sĩ Phạm Trạng và Đặng Thị Kim Sơn). Căn hộ có diện tích 28m2 với 7 nhân khẩu nhưng vẫn phải dành chỗ để… nuôi lợn, gà, chim cút.
Thúy tâm sự, ngày còn nhỏ cô cũng sống ở tầng 5 của một khu tập thể. Gia đình 6 người chen chúc trong một căn hộ 24m2. Nhưng thế còn là tốt chán. Vì nhiều gia đình hàng xóm của Thúy có tới 3 thế hệ vẫn phải chung sống trong một căn hộ tập thể như thế. Không những vậy, nhiều gia đình còn phải “tăng gia, sản xuất” để cải thiện cuộc sống.
Thúy vẫn ấn tượng mãi về những ngày người hàng xóm kêu lái buôn đến bắt lợn. Con lợn khi bắt ra được trói bốn chân vào một đòn khiêng bằng tre. Hai người đàn ông lực lưỡng mắm môi mắm lợi khênh lên, xuyên qua cái móc của chiếc cân tạ. Mặc cho hai người đàn ông thở phì phò, người chủ nhà và ông lái cứ đẩy tới đẩy lui quả cân. Cuối cùng thì con lợn cũng được ngã giá và khênh xuống tầng một. Trên quãng đường ngoắt ngoéo của cầu thang, nó đã kịp “ghi lại dấu ấn” bằng hàng chục bãi phân. Người chủ nhà lẽo đẽo chạy theo, lấy chổi và hót rác kiên nhẫn hót từng bãi một để bón cho đám sắn dây ở lan can nhà.
Còn Phương, 26 tuổi, hiện là giáo viên một trường THPT thì nhớ lại, ngày ấy Phương còn là một cậu bé đang đi mẫu giáo. Bình thường, nồi cơm của gia đình thường được chia làm hai góc. Một góc là cơm (nấu bằng gạo tấm) dành cho Phương và em gái. Bố, mẹ cậu chỉ ăn toàn hạt bo bo. Lâu lâu, mẹ Phương nghiền hạt bo bo ra thành bột rồi hấp lên. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ có hai bố mẹ là “nhá” được.
Lan - em gái Phương thì tủm tỉm: “Ngày ấy, chẳng mấy khi chúng em được mặc quần áo lành lặn cả. Những mụn vá được các mẹ, các chị vá rất khéo, cứ vuông chằn chặn như cái “tivi” ấy. Gặp nhau, bọn em hay so xem đứa nào có nhiều “tivi” hơn và lấy làm hãnh diện nếu mình có nhiều nhất”.
Nguyễn Tấn Đạt, 32 tuổi đang làm nhân viên của Tổng công ty Xây dựng và Xuất nhập khẩu Vinaconex dẫn em gái đi thăm lại “một thời để nhớ”. Cô em cứ cười như nắc nẻ khi xem những gian trưng bày: quầy bơm mực bút bi, lọ pênixilin đựng mì chính, con búp bê làm từ vải vụn… Đạt bảo, không thể so sánh cái thời ấu thơ của anh với thời hiện tại này, bởi nó quá “khập khiễng”?!
Đạt vẫn chưa thể quên những hôm trời nắng chang chang, đi xếp hàng thay mẹ để mua mớ rau, con cá. Vì chỗ xếp hàng nắng quá, lại rất mỏi chân, Đạt liền lấy hòn đá thay vào. Chạy ra xem lũ trẻ bắn bi một lúc, quay vào Đạt chẳng thấy hòn đá của mình đâu. Cậu lại phải xếp hàng từ đầu. Khi đến lượt cậu thì chị mậu dịch viên đánh một câu xanh rờn: “Hết hàng”. Đạt cứ vừa đi vừa khóc trên quãng đường mấy cây số về nhà.
Tôi còn gặp không ít những bạn trẻ khác cùng có chung những hoài niệm về thời bao cấp. Nhiều bạn tâm sự, ký ức về những năm tháng thiếu thốn trong họ chợt ùa về khi gặp lại con búp bê Liên Xô hay bánh xà phòng 72%. Một thời kỳ chỉ biết dùng đồ second hand (đã qua sử dụng) như quần áo, giày dép, sách giáo khoa… và mỗi lần mất một món đồ thì tiếc ngẩn ngơ. Những nhu yếu phẩm cũng phải dùng một cách dè sẻn, tằn tiện.
Phương cho tôi biết ngày còn nhỏ, mỗi lần đánh răng cậu chỉ dám bóp một tí ti kem cho có. Rồi nhà có một bi đông mỡ mẹ cậu đã cất đi hàng vài tháng, chỉ để dành đãi khách. Đến khi có khách thì bi đông mỡ ấy đã bốc mùi khét lẹt, đành phải đổ đi.
Lan thì nhớ nhất là ký ức về những lần được ăn phở. Thường một quý, thậm chí một năm em mới được ăn một lần. Và phải lúc ốm mới được bố mẹ chiếu cố. Vậy nên nhiều khi phải giả vờ người khó ở để được ăn… phở.
Giúp thế hệ trẻ hiểu rõ thời gian khổ
Ông Nguyễn Văn Huy, GS. TS. - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết: “Triển lãm ‘Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp’ giúp người xem không chỉ hiểu được cuộc sống trong thời bao cấp như thế nào, hoàn cảnh lịch sử cũng như cách vận hành của nó ra sao mà còn thấy rõ tính năng động sáng tạo của những con người bình thường trong việc khắc phục khó khăn, tổ chức cuộc sống. Chính sự năng động sáng tạo đó là một trong những tiền đề đưa tới sự thành công của công cuộc đổi mới ngày nay. Bên cạnh đó, cuộc triển lãm cũng muốn hướng tới thế hệ trẻ - thế hệ 8X (những người sinh sau những năm 80) có thể hình dung được để chia sẻ với những gì mà cha anh đã từng trải, vượt qua”.
Quả thật, không ít bạn trẻ mà chúng tôi gặp đã tỏ ra cực kỳ ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt, kinh ngạc khi biết được một phần trong cuộc sống ông cha họ cách đây chỉ vài thập niên. Tuấn Anh - sinh viên năm thứ hai Trường đại học GTVT nói với chúng tôi rằng nhiều khi ông bà, bố mẹ thỉnh thoảng lại mang thời bao cấp ra so sánh thì cậu cho rằng họ cứ nói quá, chứ làm gì có những chuyện xếp hàng cả ngày mà không mua được vài con tép?
Qua các bạn trẻ, qua những lời kể của thế hệ cha anh, chúng tôi cũng cảm nhận được phần nào cuộc sống của người dân Hà Nội thời bao cấp.
Anh Vũ Toàn nhà ở phố Hàng Bông còn kể tôi nghe chuyện chiếc xe đạp của bố anh mua từ năm 1978 mà bây giờ vẫn còn mới cứng, chỉ bị xước tí tẹo. Nguyên do là sau khi mua được con xe đạp Pơ-giô, ông cụ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Tất cả mọi người trong nhà, trừ ông ra, không ai được chạm vào chiếc xe này. Có lần bác hàng xóm hỏi mượn để chở vợ bác đang đau đẻ đi bệnh viện song cũng không được. Trong một lần đi ra đường, chẳng may bị ngã - xe bị xước một ít sơn, ông cụ tiếc lắm, cả ngày hôm đó không ăn được cơm. Và đến tối thì ông bọc tất cả lại, treo lên nóc nhà.
Tuy vậy, cũng trong thời bao cấp, chúng tôi được nghe không ít những câu chuyện đầy tình người. Sự giúp đỡ, tinh thần tương thân tương ái đã khiến cho không ít người vượt qua được những khó khăn thử thách. Đó là chuyện chị Mai từng sống ở khu tập thể Trung Tự bị ốm. Cả nhà bói không ra nổi hạt gạo để nấu cháo cho chị. Nhưng rất may là nhiều người hàng xóm biết chuyện, kẻ nhường tem phiếu mua rau, gạo, người mang cho quả trứng gà (là một trong những ước mơ thời bấy giờ).
Mai Lan - sinh viên Trường cao đẳng Mẫu giáo Trung Ương I tâm sự. Cô nhớ nhất là những đêm trung thu. Mấy nhà ở cùng một dãy khu tập thể thường chung nhau cỗ để phá. Phương châm là có gì góp nấy. Mâm cỗ chỉ có nải chuối, dăm cái oản và đĩa cốm. Vậy mà lũ trẻ vẫn cảm thấy vô cùng sung sướng.
Sự yêu thương, đùm bọc chia ngọt sẻ bùi đã giúp cho con người thời ấy vượt qua được những khó khăn để tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến.
…Hiểu về một thời quá khứ gian khó của cha anh cũng là để giới trẻ thêm trân trọng những gì thế hệ mình đang có. Đất nước bây giờ tuy vẫn còn không ít những khó khăn, song cơ bản là đã tiến bộ hơn thời bao cấp rất nhiều. Và theo Đạt, giới trẻ ngày nay, nhất là thế hệ 8X - 9X rất cần đến xem triển lãm này. Nó không chỉ là giáo cụ trực quan về một thời đáng nhớ của lịch sử dân tộc mà còn là bài học về quy luật phát triển của xã hội. Đạt cũng bày tỏ nên có một cuốn sách viết thật chân thực về cuộc sống ở Việt Nam thời bao cấp. “Chắc chắn nó sẽ là cuốn sách rất hay và hấp dẫn”
Theo CAND